NHẠC ẤN ĐỘ
– Nói về Orpheus, vị Thakur hỏi, các bạn có biết là cây đàn lyre của vị thần Hy Lạp này không phải là cây đàn đầu tiên làm mê hoặc người, thú và ngay cả sông nước ? Một nhạc sĩ Trung Hoa tên Kui cũng nói điều tương tự: Khi tôi chơi đàn thì thú hoang mau lẹ chạy đến với tôi và xếp thành hàng, mê mẩn với khúc nhạc. Ông Kui này sống một ngàn năm trước thời đại được xem là của thần Orpheus.
– Trùng hợp thú vị quá ! tôi kêu lên. Kui là tên một trong những nghệ sĩ giỏi nhất của chúng con tại St. Petersburg. Ngài đọc ở đâu chuyện ấy ?
– Ồ, đây không phải là tin hiếm có. Một nhà đông phương học của Âu châu quý vị viết trong sách của họ. Nhưng riêng tôi thì tìm thấy trong sách Phạn ngữ cổ, dịch từ sách Trung Hoa hồi thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Tuy vậy bản chính thì thấy là nằm trong một sách rất cổ, tên The Preserver of the Five Chief Virtues. Nó là một loại biên niên ký hay khảo luận về sự phát triển của âm nhạc tại Trung Hoa, viết theo lệnh của hoàng đế Hoàng Tỉ mấy trăm năm trước công nguyên.
– Vậy ngài có cho rằng người Trung Hoa có hiểu biết về âm nhạc ? đại tá nói, cười ngờ vực. Tại California và những nơi khác con có nghe vài nhạc sĩ hát dạo của thiên triều. Chà, con nghĩ, loại giải trí bằng nhạc ấy sẽ làm người ta phát điên.
– Ấy chính là quan niệm của nhiều nhạc sĩ tây phương của bạn về nhạc của giống dân Aryan cổ của chúng tôi, cũng như là dân Ấn hiện thời. Nhưng hãy xem, quan niệm về âm điệu hoàn toàn là tùy theo ý riêng; và thứ hai, có nhiều khác biệt giữa hiểu biết kỹ thuật về nhạc và việc tạo ra âm điệu làm êm tai người có học lẫn không có học. Theo lý thuyết về kỹ thuật, một khúc nhạc có thể toàn hảo dầu vậy âm điệu có thể vượt ngoài sự thưởng ngoạn của người không quen, hoặc giản dị là không êm tai.
Các vở nhạc kịch opera của bạn nghe như sự hỗn loạn điên rồ đối với chúng tôi, như âm thanh chát chúa ào tới, rối nùi với nhau mà chúng tôi thấy không có nghĩa gì hết, và làm nhức đầu. Tôi đã viếng nhà hát ở London và Paris, tôi đã nghe danh ca Rossini và Meyer–beer hát, tôi muốn có ấn tượng cho mình và đã lắng nghe chăm chú. Nhưng tôi phải thú thật là ưa thích khúc nhạc giản dị nhất của nước mình hơn là tác phẩm của các nhà soạn nhạc tài ba nhất của Âu châu. Những ca khúc phổ thông của chúng tôi gợi nên cảm xúc trong lòng tôi trong khi chúng không làm nẩy sinh tình cảm nào nơi bạn. Nhưng hãy để âm điệu và ca khúc sang bên, tôi xin bảo đảm với bạn rằng tiền nhân chúng tôi, cũng như là tiền nhân người Trung Hoa, không thua kém gì người Âu châu hiện thời, nếu không phải về mặt nhạc cụ và kỹ thuật thì ít nhất là về ý niệm trừu tượng của họ về âm nhạc.
– Có thể nó đúng cho các nước ngày xưa của giống dân Aryan, nhưng con khó mà tin trong trường hợp Trung Hoa thời xửa thời xưa, đại tá nói nghi ngờ.
– Nhưng ở khắp nơi âm nhạc thiên nhiên là bước đầu tiên cho âm nhạc của nghệ thuật. Ấy là luật chung, mà có nhiều cách để theo nó. Hệ thống nhạc của chúng tôi là nghệ thuật lớn lao nhất nếu – xin thứ lỗi cho điều có vẻ nghịch lý – nghệ thuật là việc tránh mọi giả tạo. Chúng tôi không cho phép có trong âm điệu của mình âm thanh nào không được xếp nằm trong những âm sinh động của thiên nhiên; còn Trung Hoa đương thời (chuyện đang kể vào khoảng 1879–1880) có khuynh hướng khác hẳn.
Hệ thống của Trung Hoa gồm tám âm bậc, dùng như là nĩa cho ra âm để lên dây đàn theo đủ mọi âm bậc, và được xếp loại theo các tên kim khí, đá, lụa, bí rợ, tre, đồ sành, da và gỗ. Như thế họ có âm của kim khí, âm gỗ, âm lụa v.v. Tự nhiên là trong các điều kiện ấy họ không thể tạo âm điệu nào, nhạc của họ gồm một loạt tám nốt riêng rẽ rối vào nhau. Thí dụ bài ca cung đình của họ là một loạt các đồng âm vô tận. Còn người Ấn chúng tôi có nhạc theo thiên nhiên sống động, và không màng đến những vật vô tri. Chúng tôi là người theo phái đa thần theo nghĩa cao của chữ ấy, thành ra nhạc của chúng tôi có tính đa thần, nhưng cùng lúc nó lại có tính khoa học cao độ.
Giống dân Aryan lắng nghe âm thanh của thiên nhiên và kết luận rằng âm điệu cũng như hòa âm đều được chứa đựng trong thiên nhiên. Thiên nhiên không có nốt giả tạo hay sai lầm, và con người, thành quả của sự sáng tạo, thấy muốn bắt chước âm thanh của thiên nhiên. Dù có nhiều âm thanh, tất cả chúng – theo ý kiến của các nhà vật lý học tây phương của các bạn – chỉ làm nên một âm mà tất cả chúng ta nghe được, nếu biết cách lắng nghe, trong tiếng xào xạc muôn thuở của lá cây trong rừng, tiếng róc rách của suối nước, tiếng ầm ầm của đại dương, và ngay cả tiếng rì rầm xa xôi của đô thị lớn. Âm này là âm F (fa) ở giữa, âm thanh căn bản của thiên nhiên. Trong âm điệu của chúng tôi nó đóng vai trò khởi điểm, chúng tôi dùng nó làm âm chủ và tất cả những âm khác tụ quanh nó. Do để ý thấy mỗi nốt nhạc có tượng trưng cho nó trong loài thú, tiền nhân chúng tôi nghiệm ra rằng bẩy nốt chính tương ứng với tiếng kêu của con dê, công, bò, két, ếch, cọp và voi. Như thế bát độ được tìm ra và thành hình. Về sự phân chia bát độ và các cung, họ cũng thấy căn bản nằm trong các âm phức tạp của cùng con thú nói ở trên.
– Con không biết xét đoán cổ nhạc của ngài, đại tá nói, và cũng không biết tiền nhân của ngài có hay không có soạn ra lý thuyết về nhạc nên không thể phản bác; tuy nhiên con phải nói rằng khi nghe nhạc Ấn đương thời, con không cho là họ có hiểu biết gì về nhạc.
– Chắc chắn rồi, vì bạn chưa hề được nghe ca sĩ chuyên nghiệp. Khi bạn đã tới thăm Poona và lắng nghe Gayan Samaj, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện này. Gayan Samaj là tổ chức có mục đích phục hồi cổ nhạc quốc gia.
Gulab-Lal-Sing nói với giọng trầm tĩnh thường lệ của ngài, nhưng thấy rõ là Babu nóng lòng muốn xen vào để bênh vực danh dự nước nhà, và cùng lúc, sợ làm phật lòng người trên khi cắt ngang cuộc trò chuyện của họ. Cuối cùng ông không còn kiên nhẫn được nữa.
– Ông không công bằng, đại tá ! Babu kêu lên. Nhạc của người Aryan cổ thuộc thời tiền sử, đương nhiên rồi, dù sao nó cũng đáng học, và đáng được xem xét ... Người Âu châu các ông quen với âm điệu của phương tây, các trường phái của nhạc tây phương, nhưng hệ thống nhạc của chúng tôi, giống như nhiều điều khác tại Ấn, các ông hoàn toàn không biết gì. Thành ra ông phải thứ lỗi cho sự đường đột của tôi, đại tá, khi tôi nói rằng ông không có quyền phê phán.
– Đừng quá nóng nẩy, Babu. Vị Thakur nói. Ai cũng có quyền, nếu không thảo luận thì nêu thắc mắc về một đề tài mới. Bằng không chẳng ai sẽ có được hiểu biết. Nếu nhạc Ấn thuộc về thời kỳ không xa lắm như nhạc Âu châu - điều có vẻ như ông gợi ý, Babu, trong lúc vội vàng, và nếu ngoài ra nó gồm tất cả mọi đặc tính của hệ thống nhạc trước đó mà nhạc Âu châu hấp thu; thì hẳn nó đã được hiểu nhiều hơn, và quí chuộng hơn bây giờ. Nhưng nhạc của chúng ta thuộc về thời tiền sử.
Ngoài Ai Cập, chúng tôi là sắc dân duy nhất có nghệ thuật này vào thời xa xăm, lúc mọi sắc dân khác vẫn còn chật vật để sinh tồn. Chúng tôi có hằng trăm bản thảo bằng Phạn ngữ về nhạc chưa hề được dịch ra thổ ngữ Ấn Độ hiện thời. Một số là từ bốn đến tám ngàn năm về trước. Dù các nhà đông phương học của bạn có nói ngược lại, chúng tôi vẫn tin vào tuổi cổ xưa của chúng, vì chúng tôi đã xem và nghiên cứu còn khoa học gia tây phương chưa hề nhìn thấy chúng. Có nhiều khảo luận về nhạc và viết vào các thời đại khác nhau, mà tất cả - không có ngoại lệ - đều cho thấy nhạc Ấn Độ đã được biết và hệ thống hóa vào lúc mà các nước văn minh hiện thời của Âu châu còn trong tình trạng bán khai. Tuy nó đúng ra sao đi nữa, chúng ta không có quyền tức giận khi người Âu châu nói họ không thích nhạc của chúng ta, vì tai họ không nghe quen, và trí họ không thể hiểu được tinh thần của nhạc ...
Chúng tôi có thể giải thích tới một mức nào đó cho bạn về đặc tính kỹ thuật của nhạc, và cho bạn một ý tưởng đúng đắn về nhạc như là khoa học. Nhưng không ai có thể làm sinh ra nơi bạn chỉ trong phút chốc, khả năng của tâm hồn con người là biết cảm nhận và rung động với phối hợp của nhiều âm thanh thiên nhiên khác nhau. Khả năng ấy là bước đầu tiên và cuối cùng của hệ thống nhạc chúng tôi, nhưng bạn không có nó, cũng giống như chúng tôi không có khả năng mê mẩn với Bellini.
– Nhưng tại sao lại như thế ? Những đặc điểm bí ẩn của nhạc quý vị là gì mà chỉ có quý vị mới hiểu được ? Chúng ta có mầu da khác nhau, nhưng cơ thể cấu tạo như nhau. Nói khác đi, việc xếp đặt về mặt sinh lý của xương, máu, dây thần kinh, mạch và bắp thịt, làm nên cơ thể người Ấn có bao nhiêu phần thì cũng phối hợp theo cùng cách thức tạo nên cơ chế sống động có tên là người Mỹ, Anh hay bất cứ người Âu châu nào. Ai cũng là do thiên nhiên tạo ra, cùng khởi nguồn và chung kết cục. Nhìn theo mặt sinh lý thì chúng ta là phó bản copy của nhau.
– Nói về sinh lý thì đúng. Và cũng đúng về tâm lý nếu không kể tới giáo dục mà nói cho trót thì chỉ ảnh hưởng trí tuệ và hướng đạo đức của người. Đôi khi nó dập tắt ánh linh quang, khi khác nó chỉ làm tăng linh quang ấy, biến nó thành ngọn hải đăng, thành kim la bàn trong đời.
– Đúng vậy, nhưng nói cho cùng ảnh hưởng đối với mặt sinh lý của tai không thể quá trội như thế.
– Ngược hẳn lại. Chỉ xin nhớ rằng điều kiện khí hậu, thực phẩm và khung cảnh chung quanh hằng ngày cho ảnh hưởng mạnh mẽ ra sao lên mầu da, sinh lực, khả năng truyền giống v.v., và bạn sẽ thấy mình đã lầm. Áp dụng cũng luật thay đổi từ từ này vào tâm linh con người và kết quả sẽ y vậy. Thay đổi việc giáo dục và bạn sẽ thay đổi khả năng của người ... Thí dụ bạn tin vào sức mạnh của thể dục, rằng cách tập luyện đặc biệt có thể gần như biến đổi cơ thể của ta.
Chúng tôi đi xa hơn một bước. Kinh nghiệm nhiều thế kỷ thấy rằng có thể dục cho linh hồn cũng như có thể dục cho thân xác. Nhưng thể dục của linh hồn là gì, thì đó là bí mật của chúng tôi. Điều gì khiến thủy thủ có mắt tinh tường như diều hâu, làm người nhào lộn có sự khéo léo như của khỉ, và nhà đô vật có bắp thịt cứng như thép ? Chỉ là tập luyện và thói quen. Vậy tại sao chúng ta không giả dụ là cũng có điều khả hữu y vậy cho linh hồn người như là cho thân xác của họ ? Có lẽ căn bản của khoa học đương thời – hoặc bác bỏ hoàn toàn linh hồn, hoặc không cho là nó có sự sống khác với sự sống của xác thân ...
– Xin ngài đừng nói vậy, Thakur. Ít nhất ngài biết là con tin vào linh hồn và nó có sự bất tử.
– Chúng tôi tin vào sự bất tử của tinh thần, không phải của linh hồn, theo sự phân chia ba phần là thân xác, linh hồn và tinh thần. Tuy nhiên, nó không liên can gì đến chuyện đang thảo luận ... Vậy bạn đồng ý với tiền đề là mỗi khả hữu tiềm ẩn của linh hồn có thể được làm cho có sức mạnh và linh hoạt trọn vẹn nhờ tập luyện, cũng như là nếu không sử dụng đúng cách nó có thể liệt và luôn cả việc biến mất hẳn. Thiên nhiên rất ganh tị và muốn thấy mọi quà tặng của nó phải được dùng đúng cách, và việc phát triển hay tiêu diệt nó trong con cháu đời sau bất cứ gia sản thể chất nào, nằm trong tay chúng ta. Một hệ thống luyện tập hay bỏ mặc không màng sẽ làm được những điều ấy trong đời của vài thế hệ.
– Đúng quá, nhưng nó không giải thích cho con thấy sự quyến rũ bí mật của âm điệu của dân tộc ngài.
– Những điều này là chi tiết riêng biệt. Tại sao tôi phải bàn về chúng khi bạn phải tự mình thấy rằng cách lý luận của tôi cho bạn đầu mối giải quyết được nhiều vấn đề tương tự ? Bao nhiêu thế kỷ đã làm tai người Ấn chỉ cảm nhận với một số kết hợp của rung động trong không khí; còn tai người Âu châu thì quen với những kết hợp khác hoàn toàn dị biệt. Do đó linh hồn của người trước sẽ hân hoan trong khi linh hồn người sau sẽ hoàn toàn dửng dưng.
Tôi hy vọng giải thích của tôi giản dị và sáng sủa, và tôi có thể ngưng ở đây nếu không do việc tôi nóng lòng muốn cho bạn một điều gì khác hơn là cảm tưởng óc hiếu kỳ được thỏa mãn. Nói như vậy thì tôi cũng chỉ mới giải quyết mặt sinh lý của bí mật, dễ như việc nhìn nhận rằng người Ấn chúng tôi ăn cả vốc gia vị mà nếu bạn chỉ nuốt một hạt cũng làm sưng ruột. Ban đầu, thần kinh của chúng tôi y hệt như của bạn, nhưng rồi nó thay đổi do tập luyện cách khác, và trở nên phân biệt với thần kinh của bạn, tựa như nước da và bao tử của chúng tôi. Thêm vào đó là mắt của người thợ dệt ở Kashmir, nam cũng như nữ, có thể phân biệt hơn 300 sắc so với mắt người tây phương ...
Bạn có thể coi đó là mãnh lực của thói quen, nếu muốn. Nhưng chuyện loại này trên thực tế giải quyết điều có vẻ là khó khăn. Bạn đi suốt từ Hoa Kỳ sang đây học hỏi về người Ấn và tôn giáo của họ; nhưng bạn sẽ không sao hiểu được điều sau nếu bạn không ý thức rằng tất cả khoa học của chúng tôi liên hệ mật thiết như thế nào, không phải với Bà la môn giáo thiếu hiểu biết ngày nay, đương nhiên rồi, mà với triết lý của đạo Veda ban sơ.
– Con hiểu rồi. Ngài muốn nói là âm nhạc của Ấn có dính dáng phần nào với kinh Veda ?
– Chính thế. Nó liên quan rất nhiều với kinh Veda, gần như là tất cả. Mọi âm thanh trong thiên nhiên và hệ quả là âm nhạc có liên hệ trực tiếp với thiên văn học và toán, có nghĩa là với các hành tinh, các chòm sao của đường hoàng đạo, mặt trời, mặt trăng, sự xoay tròn của quả đất và những con số. Trên hết thẩy, chúng tùy thuộc vào Akasha, chất ether của không gian mà các khoa học gia của bạn chưa chắc lắm về sự hiện hữu của chất này.
Đây là chỉ dạy của cổ Trung Hoa và Ai Cập, cũng như là của giống dân Aryan cổ. Lý thuyết về âm nhạc cõi trời phát sinh từ đất Ấn mà không phải ở Hy Lạp hay Ý. Nhạc được triết gia Pythagoras mang đến Ý sau khi ngài học được từ triết gia Ấn. Và nhiều phần chắc chắn là nhà đại hiền triết này – vị trưng ra cho thế giới thái dương hệ có mặt trời là trung tâm trước Copernicus và Galileo – biết rõ hơn ai hết thẩy là ngay cả âm nhỏ bé nhất trong thiên nhiên cũng tùy thuộc ra sao vào Akasha và mối hỗ tương của đôi bên.
Một trong bốn kinh Veda tên Sama Veda hoàn toàn gồm những bài đạo ca. Kinh là tổng hợp những bài chú mantram được xướng lên khi dâng lễ vật cho thần thánh, tức các tinh linh. Những giáo sĩ thời xưa của chúng tôi không biết gì về hóa học và vật lý học của khoa học thời này, nhưng bù lại họ biết nhiều về những gì chưa được khoa học gia đương thời chỉ dạy. Vì vậy không có gì lạ lùng khi đôi lúc giáo sĩ của chúng tôi, vốn thông thạo khoa học thiên nhiên, đã buộc thần thánh hay đúng hơn là các lực vô tình của thiên nhiên, đáp ứng với lời cầu nguyện của họ bằng những điềm khác nhau. Mỗi âm thanh của các chú ngữ này có ý nghĩa, tầm quan trọng của nó và đứng ở chỗ phải đứng của nó; và, bởi có duyên cớ hợp lý raison d' être nó cho ra tác động không sai chạy. Người ta nói khoa học về âm thanh là cái tinh vi nhất, khó nắm bắt nhất và phức tạp nhất trong tất cả khoa học vật chất. Và thời mà chỉ dạy này được thực hiện tuyệt hảo nhất là thời của các hiền triết, các ngài đã để lại kinh Veda cho chúng tôi.
– Nay con nghĩ là mình bắt đầu hiểu nguồn gốc của những huyền thoại của Hy Lạp cổ, đại tá trầm ngâm nói. ... Người Hy Lạp cổ không biết mấy về hòa âm ... Con tin mạnh mẽ vào điều mà một số đại học giả ghi là Orpheus phải là người di dân từ Ấn Độ, tên của thần cho thấy ngay cả với người Hy Lạp da nâu sậm, ông vẫn có sắc đậm hơn đáng kể.
– Sẽ tới ngày nhận xét ấy trở thành điều xác thực. Không có gì phải nghi ngờ là loại âm nhạc thanh khiết nhất và cao hơn hết trong tất cả hình thức của nhạc thời cổ là của Ấn Độ. Tất cả huyền thoại của chúng tôi đều gán quyền năng huyền thuật cho nhạc. Nó là quà tặng và là khoa học đến trực tiếp từ thần thánh. Theo thói quen chúng tôi tin mọi nghệ thuật là do sự mặc khải thiêng liêng, nhưng âm nhạc đứng đầu trước hết thẩy. Đàn vina được tin là do Narada, con của thần Brahma tạo ra.
Bạn có thể cười chê tôi khi tôi nói rằng giáo sĩ của chúng tôi thời xưa, có nhiệm vụ xướng kinh trong lúc dâng lễ vật, có thể tạo ra hiện tượng mà người vô minh xem là dấu hiệu của quyền lực siêu nhiên, và xin nhớ, điều này không hề là trò gạt gẫm, mà có được nhờ sự hiểu biết tuyệt vời của họ về thiên nhiên và vài phối hợp mà họ biết rõ, cho dù chúng được xem như là phép lạ đối với đám đông.
Trích:
From the Caves and Jungles of Hindustan,
H.P.Blavatsky.