H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)
(PST 62)
Chuyện hóa tệ hơn là nay những thư từ qua lại giữa HPB và ông bà Coulomb đã hoàn toàn mất biệt. Tháng 7 – 1890, ông Elliott Coues viết bài gửi báo Sun có lời lẽ nhục mạ HPB nên bị HPB kiện ra tòa. Để chuẩn bị việc hầu tòa, ông Coues mua lại của ông bà Coulomb những thư mà hai người nói là do HPB viết, tuy nhiên ông không hề dùng những thư này để biện hộ cho mình, và sau đó tờ Sun đăng bài xin lỗi HPB, cũng như các bức thư biến mất. Tiến sĩ Harrison nhận xét rằng đó là bằng cớ mạnh mẽ muốn nói:
– ... 'các thư này quả thật giả mạo, và như vậy lời chứng của ông bà Coulomb thật không đáng tin ... Ông Hodgson chấp nhận chứng từ của ông bà Coulomb mà không thắc mắc, và nếu ta gạt bỏ chúng thì phần lớn biện luận của ông bị sụp đổ.’
Lời chứng của hai ông bà không những là về các thư được xem là do HPB viết, mà còn liên hệ đến nhiều hiện tượng do HPB hoặc những vị thầy của bà làm ở Ấn Độ. Một điều mà trước đây nhiều người bỏ sót không để ý là có vài chữ lạ trong các thư. Để hiểu rõ sự việc thì ta cần biết thêm chi tiết là những thư mà hai ông bà Coulomb đưa ra nói là thư trao đổi giữa HPB với họ viết phần nhiều bằng tiếng Pháp, mà là tiếng Pháp dở trong khi Pháp văn của HPB có sự thanh nhã và đúng chữ. Lại nữa thỉnh thoảng có vài chữ tiếng Ý trong các thư với nội dung mà ai quen với lối viết của HPB sẽ thấy ngay đó không phải là cách suy nghĩ của bà. Mãi sau này, năm 1998, tác giả Jean Overton Fuller nghiên cứu thì khám phá là bà Coulomb nói tiếng Ý và có lần dạy kèm tiếng Ý.
Một điểm khác cũng làm người ta nghi ngờ đây là thư giả, là việc từ trước tới sau HPB không được cho xem chúng để hoặc nhìn nhận hoặc bác bỏ.
Nói về điều (2) là ý kiến cho rằng thư bà viết mà giả mạo như là thư của Chân sư, khi hai chuyên gia về chữ viết là F.G. Netherclift và Sims tại London được cho xem mẫu chữ viết của HPB và những thư được xem là của Chân sư KH, hai người kết luận các thư ấy không phải do HPB viết. Tuy nhiên sau khi xem xét ông Hodgson cho rằng thư do HPB viết. Khi từ Ấn quay về Anh, ông Hodgson ngạc nhiên thấy các chuyên gia không đồng ý với mình nên tìm cách thuyết phục họ. Kết quả là hai chuyên gia thay đổi ý kiến và nhìn nhận là tất cả những thư (được cho là của Chân sư KH viết) là do HPB viết. Phê bình về điểm này, tiến sĩ Harrison ghi:
– Tôi thấy nỗ lực trắng trợn của ông Hodgson tìm cách ảnh hưởng phán đoán của hai chuyên gia thật là sai lầm. Không tòa nào trên nước Anh sẽ chấp nhận bản tường trình được biết là soạn trong tình trạng như thế.
Trong bài tường trình năm 1986 dài 21 trang, ông Harrison xem xét lại những thư khác nhau liên hệ đến chuyện và cho ý kiến:
– Tôi không thấy có bằng chứng nào là HPB đã viết những thư gọi là thư của Chân sư KH, và tôi thấy có bằng chứng đáng kể là bà không viết chúng. Tôi không biết ai viết những thư của các Chân sư, mà nói rằng HPB viết chúng – hoặc phần lớn các thư – thì tôi thấy không đáng tin. Đó là nhận xét chuyên môn của tôi.
Ta ghi lại chi tiết sau để làm rõ chuyện, tiến sĩ Harrison là chuyên gia về nét chữ và làm việc với những tổ chức như ngân hàng trung ương của Anh. Có hai chuyên gia khác về nét chữ cho ý kiến hỗ trợ kết luận của ông Harrison, một trong thế kỷ 19 và một trong thế kỷ 20. Năm 1886, ông Gustav Herbard trao hai thư một của HPB và một của đức KH mà ông nhận được năm 1884, cho tiến sĩ Ernst Shutze chuyên gia chữ viết cho triều đình Đức. Trong thư đi kèm với ý kiến của mình, ông Shutze nhấn mạnh:
– Nếu ông tin rằng cả hai thư do tay của cùng một người viết thì ông có nhầm lẫn to tát ... Sự dị biệt giữa hai chữ viết hiển hiện thật rõ ràng khiến tôi tuyệt đối không thể kết luận là chúng do cùng một người viết ra.
Chuyên viên chữ viết thứ hai là tiến sĩ Paul Kirk thuộc phân khoa tội phạm học ở đại học California. Năm 1963, ba mẫu viết tay được trao cho ông, một của HPB, một của Chân sư KH và cái thứ ba là của Damodar, do ông Hodgson cáo buộc là Damodar có viết vài thư của Chân sư. Những mẫu này lấy từ chính bản tường trình của Hodgson, nhưng không lộ tên của người viết. Ý kiến của tiến sĩ Kirk là các mẫu này do ba người khác nhau viết.
Chót hết, năm 1980 tại Nga người ta dùng phương pháp có nhiều tiêu chuẩn như số âm trong các chữ, số chữ trong câu v.v. để xem xét các thư. Kết luận đưa ra nói là HPB không phải là tác giả những thư của Chân sư.
Hodgson cho rằng động cơ thúc đẩy HPB giả mạo các thư là lòng yêu nước và ông tin bà làm gián điệp cho nước Nga. Phản ứng của HPB đối với những cáo buộc về mình là muốn hội tại Adyar đưa Hodgson ra tòa. Tuy nhiên ông Olcott là luật sư nên nhìn vấn đề cách khác, thấy rằng thưa kiện không có ích gì nên quyết định không theo đuổi vấn đề.
Để cho công bằng thì nên ghi thêm là khi ông Hodgson mới tới Ấn bắt đầu cuộc điều tra của mình tại văn phòng hội quốc tế ở Adyar, ông có thái độ thân thiện, không nghi ngờ và tỏ sự nồng nhiệt đối với các chỉ dạy của Theosophia trong quyển The Occult World của ông Sinnett.
Để kết luận phần nói về bản tường trình của ông Hodgson, ta trích ra ý kiến của tiến sĩ Harrison trong bài của ông viết cho tạp chí của hội SPR (Hội Nghiên cứu Tâm linh), hơn 100 năm sau khi hội này cho đăng bài của ông Hodgson:
– Trong nhiều năm ông Hodgson được xem như là mẫu mực của người nghiên cứu tuyệt hảo về chuyện tâm linh, và bản tường trình của ông là khuôn mẫu về một bản tường trình việc nghiên cứu tâm linh phải ra sao ... Ngược lại, bản tường trình Hodgson là bản văn thiên lệch cao độ, không có chút tính chất trung dung khoa học nào. Nó là bài luận tội của Công Tố Viên, không ngần ngại chọn những bằng cớ hợp với lập luận của mình, làm ngơ và ém nhẹm tất cả những gì có khuynh hướng phản bác luận đề của ông. Ta không hề được nghe lời biện hộ của bên bị cáo.
Tôi không thể thanh minh được cho hội đồng của tổ chức SPR về lời chê trách là đã cho phát hành bản tường trình tệ hại từ đầu tới cuối này. Có vẻ như họ không làm gì hơn ngoài việc chuẩn y cho rồi ý kiến của ông Hodgson, và không thực hiện nỗ lực nào để kiểm lại những khám phá của ông hoặc đọc bản tường trình của ông để phê bình cặn kẽ. Nếu làm vậy, những sai lầm về cách thức, sự bất nhất, cách lý luận sai lạc và thiên lệch, sự thù nghịch đối với đề tài và lòng khinh khi đối với người bản xứ cùng những nhân chứng khác, hẳn sẽ hiển hiện và vấn đề sẽ được gửi trả lại để xem xét thêm ...
Điều hết sức lạ lùng là ông Hodgson không những đã dẫn dụ được hoàn toàn hai chuyên gia Netherclift và Sims của British Museum, mà luôn cả những người có tầm vóc như ông Myers, Gurney và bà Sidgwick, chưa nói tới nhiều thế hệ những người nghiên cứu chuyện siêu hình từ khi bản tường trình 1885 được cho ra.
Giã Biệt Ấn Độ.
Cho dù có tiên đoán là HPB không dám trở về đối mặt với những người vu cáo bà, PHB chuẩn bị từ London quay về Ấn Độ. Trong một bài phỏng vấn trên báo Pall Mall Gazette (23-10-1884), bà nói:
– Tôi đang sửa soạn trở về Ấn Độ để truy tố những ai phá hoại tư cách của tôi, những kẻ giả mạo thư từ.
Trong thư cho gia đình mình tại Nga, HPB viết:
– Mọi việc thay đổi hết. Một cơn gió thù nghịch đang thổi tới cho chị. Làm sao còn có gì chữa được bệnh cho chị, làm sao chị còn có thể có sức khỏe được nữa ? Chị phải mau lẹ quay về vùng khí hậu chết người đối với chị. Chị phải làm sạch những mưu mô và chuyện tệ hại này vì chúng gây hại không phải chỉ riêng cho chị, chúng làm lay chuyển niềm tin của những người trong công việc Hội, và cho Hội mà chị đã dâng hiến trọn tâm hồn mình. Vây làm sao chị có thể lo sự sống của chị ? ... Có hơn một ngàn người đã tỏ ý bênh vực chị. Không phải chỉ bằng thư từ, mà điện tín với phí tổn cả ngàn rupee đã được gửi tới tờ Times ở London. Ở Ấn thì còn hơn trận bút chiến trên báo. Có khoảng hai trăm học sinh Ấn đã rút tên khỏi trường Christian College này, đây là trường đã cho đăng những bức thư lạ lùng của chị ...
Madame Novikov đưa ông Mackenzie Wallace tới gặp chị, ông đã từng sống ở Nga, đã viết một cuốn sách rất hay về nước Nga và nói tiếng Nga thật rành. Ông sẽ được bổ nhiệm làm bí thư cho Phó Vương tại Ấn là Lord Dufferin. Ông cho chị một thư giới thiệu với Nubar Pasha tại Cairo, nhờ cậy Pasha giúp chị trong việc tìm kiếm thông tin về ông bà Coulomb.
Ta nhớ lại là HPB gặp bà Coulomb lần đầu tiên tại Cairo. Trong thư trên, Nubar Pasha là một nhà Ai Cập học nổi tiếng, và là thủ tướng Ai Cập vào lúc HPB có thư giới thiệu này.
HPB lên tầu quay về Ấn vào ngày 31-10, đi qua Alexandria, Port Said, Cairo và Sri Lanka. Đi cùng với bà là hai ông bà Cooper-Oakley và tới Port Said thì có ông C.W.Leadbeater nhập đoàn, ông sang Ấn để làm việc tại hội chánh ở Adyar. Bốn vị lưu lại Cairo 10 ngày, tại đây HPB được giới thượng lưu đón tiếp trọng hậu, thủ tướng Nubar Pasha và nhiều người khác gia nhập Hội, riêng thủ tướng được đón nhận như là hội viên danh dự. Bà Isabel Cooper-Oakley, người cùng trong chuyến đi này nhớ lại:
– HPP là người đồng hành rất thú vị, hiểu biết đủ loại của bà về mỗi mặt của Ai Cập vừa rộng vừa lạ lùng. Phải chi có giờ tôi sẽ kể chi tiết về thời gian ấy tại Cairo, những chuyến đi vào khu thương mại đặc sắc và thích thú, và lời mô tả của bà về dân chúng và cách sinh sống của họ. Chuyện đặc biệt thú vị là một buổi trưa dài ở viện bảo tàng Boulak bên bờ sông Nile. Tại đó HPB làm ông Maspero – nhà Ai Cập học tiếng tăm – kinh ngạc do kiến thức của bà, và khi ông đưa đi thăm khắp viện bảo tàng, bà chỉ cho ông thấy những đẳng cấp của các vị vua - đạo đồ (Initiate kings), và những vị này là người ra sao về mặt bí truyền.
Về việc xem xét hành vi của ông bà Coulombs, HPB gửi điện tín cho ông Olcott vào ngày 24-11:
– Thành công mọi việc. Là tội phạm. Có chứng cớ theo luật.
Bà Isabel Cooper-Oakley viết:
– Rời Cairo, HPB và tôi đi ngay đến Suez. Ông Oakley ở lại Cairo để lấy giấy tờ của cảnh sát về ông bà Coulomb; ông Leadbeater nhập đoàn với chúng tôi ở Suez. Mất hai ngày chờ có tầu rồi chúng tôi lên đường đi Madras. Tôi ít khi hổ thẹn về đồng bào của mình nhưng phải thú thật là có cảm nghĩ ấy trong hai tuần của chuyến đi. Tờ thông tin đầu tiên mà các nhà truyền giáo viết được luân lưu trên tầu và người ta nghe được hết những lời nhục mạ nào có thể có về HPB.
Bà tiếp rằng cuộc chào đón họ khi tầu tới Ấn thực là điều chỏi nghịch:
– Một phái đoàn có dàn kèn đồng đi theo, đi tầu nhỏ ra gặp chúng tôi ... Khi xuống tầu thì tại đầu cầu tầu có cả trăm người đứng đón HPB, chúng tôi được hội viên nồng nhiệt đưa lên xe có trang hoàng hoa giấy chở đi, v.v. và rồi đông đảo những gương mặt da sậm tươi cười bao quanh lấy chúng tôi.
Nhóm người được mang tới Pacheappah's Hall, ở đây HPB được trao cho bản văn có ba trăm học trò trường Madras College ký tên, luôn cả học trò trường Christian College là nơi đã in cáo buộc của ông bà Coulomb. Một đoạn của bản văn viết như sau:
– Bà đã dành cuộc đời cho việc bất vụ lợi là quảng bá chân lý của Triết lý Bí truyền. Đối với những chuyện huyền linh thiêng liêng của tôn giáo và triết lý của chúng tôi, bà đã làm cho ánh sáng chiếu tràn ngập trong đó bằng cách tung ra trên thế giới tác phẩm tuyệt vời Isis Unveiled của bà. Nhờ sự trình bầy của bà mà đại tá Olcott đã được thúc đẩy để thực hiện công việc vĩ đại, là làm sinh động trở lại ngọn lửa đang tàn của tôn giáo và tinh thần trên đất Ấn.
Ông Olcott nhớ lại:
– Bà cứ hối thúc tôi tìm cho bà một thẩm phán, hoặc luật sư hoặc trạng sư, ai cũng được, để cho bà làm tờ tuyên thệ và khởi sự đơn từ nhưng tôi từ chối ngay. Tôi nói với bà rằng trong vài ngày nữa sẽ có Đại hội và phận sự lớn lao của chúng ta là đưa trường hợp của bà ra trước các đại biểu, lập một tiểu ban đặc biệt gồm những luật sư giỏi dang nhất của chúng ta, và để họ quyết định bà phải làm gì; và rằng bà với tôi đã hòa mình vào Hội quá chặt chẽ tới nỗi chúng tôi không nên tiến hành mà cần biết ý định của các bạn đồng sự.
Bà la lối và khăng khăng đòi hỏi nhưng tôi không đổi ý, và khi bà dọa là sẽ tự mình làm để 'xóa vết nhơ về tư cách của mình', tôi đáp là tôi sẽ từ chức và để cho Đại hội quyết định giữa hai chúng tôi. Tôi biết quá nhiều về thủ tục luật pháp nên không làm chuyện dại dột như vậy, và rồi bà thuận theo ý tôi.
Khi đại hội diễn ra, một tiểu ban đặc biệt được thành lập gồm 14 người là luật sư, thẩm phán và chính khách trong Hội để xác định cách theo đuổi việc này. Bản tường trình của họ cho đại hội kết luận là 'HPB không nên kiện ra tòa những ai phỉ báng bà'. Trong cuộc thảo luận tiếp theo đó, biện luận chính cho việc không khởi tố nói rằng, thứ nhất, nếu có vụ xử thì danh tính thiêng liêng của các Chân sư sẽ bị chế nhạo, và thứ hai, bằng chứng của hiện tượng huyền bí không thể được chứng minh tại tòa. Người ta hoan nghênh bản tường trình này, và ông Olcott thêm là chiều hôm sau khi HPB xuất hiện trước cử tọa 1500 người tới dự kỷ niệm 9 năm thành lập Hội, bà được hoan nghênh nhiệt liệt, và khi nhiều thuyết trình viên nhắc đến bà trong bài nói nói chuyện của họ thì nó gợi nên sự đáp ứng nhiệt thành.
Tuy vậy, HPB không còn hăng hái khi có quyết định không đưa nội vụ ra tòa. Chuyến viếng thăm Cairo của bà như vậy hoài công. Bà e ngại là theo cái nhìn của thế gian, việc bà không chịu khởi tố sẽ bị diễn dịch như là thú nhận có lỗi và điều này sẽ phản ảnh tới tư cách của Hội.
Một thế kỷ sau, khi bình luận về quyết định của các đại biểu tại Đại hội của Hội năm 1885, tiến sĩ Harrison nhận xét rằng ông không thể gỡ cho họ được việc là đã không 'để cho vị sáng lập Hội có được sự biện hộ công bằng, có vẻ như họ chỉ lo cứu vãn tiếng tăm của họ. Dù bà là kẻ giả mạo hay không, HPB đáng được có phiên xử công bằng để lắng nghe vụ của bà. Bà đã không hề được cho cơ hội như thế. Nếu có được sự trợ giúp về luật và của chuyên gia như bà hỏi xin, cả ông Hodgson và hội SPR hẳn sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng,' và luôn cả hai ông bà Coulomb.
Đến cuối tháng giêng 1885, HPB đau nặng tới nỗi có điện tín gọi ông Olcott về, giữa lúc ông đang có việc tại Miến Điện. Bà Cooper-Oakley ghi lại:
– Ba tuần mà tôi chăm sóc cho bà là những ngày giờ đầy lo lắng, khi bệnh tình bà ngày càng nặng hơn và bác sĩ thúc thủ khi chót hết bà bị hôn mê. Việc cho thấy ảnh hưởng che chở cho HPB tuyệt diệu là dường nào, dù bà mạnh hoặc đau, vì tuy tôi hoàn toàn có một thân một mình với bà ở tầng trên cùng của căn nhà ... vậy mà đêm này sang đêm khác tôi đi bách bộ qua lại trên mái phẳng, hít thở không khí tươi mát trong khoảng 3-4 giờ sáng và tự hỏi khi ngắm nhìn cảnh bình minh trên vịnh Bengal, là tại sao mình không cảm thấy sợ hãi gì, ngay cả khi bà nằm dài như đã chết; tôi không hề nghĩ là có gì đáng sợ sẽ xẩy ra cho HPB.
Cuối cùng tới một đêm đáng lo khi bác sĩ đầu hàng trước cơn bệnh của bà, và nói rằng không thể làm gì được nữa, không thể cứu được bà. Khi ấy bà đã hôn mê và thiếp đi thêm nhiều giờ sau đó. Các bác sĩ nói bà sẽ mê như vậy rồi đi luôn, và tôi cảm nhận theo cách suy nghĩ của người thường, là buổi thức đêm để canh hôm ấy sẽ là buổi chót. (Chồng bà đã đi Madras để xin giấy phép hỏa thiêu).
Ở đây tôi không thể viết về chuyện gì xẩy ra, nó là một kinh nghiệm tôi không bao giờ quên được, nhưng vào khoảng 8 giờ sáng HPB đột nhiên mở mắt và tỏ ý muốn ăn sáng, đây là lần đầu tiên trong hai ngày qua bà nói chuyện được tự nhiên. Tôi tới gặp bác sĩ, họ tỏ ra kinh ngạc hết sức đối với thay đổi này. HPB nói, 'A, bác sĩ này, ông không tin vào các Chân sư cao cả của chúng tôi.'
Kinh nghiệm mà bà Cooper-Oakley nói ở trên cũng được nhiều người chứng kiến. Chuyện xẩy ra là trong tối hôm ấy:
– Ở phòng ngoài hai ông bà Cooper-Oakley, Damoda Mavalanker, Bawaji D. Nath và bác sĩ Franz Hartmann ngồi nói chuyện nhỏ giọng với nhau, chờ xem HPB có gọi gì. Đột nhiên ngoài hàng hiên Chân sư M. xuất hiện với trọn hình dạng tỏ tường, ngài mau lẹ đi xuyên qua phòng ngoài vào phòng của HPB. Trong lúc đó, ai nấy ở phòng ngoài rút lui ... Khi HPB hồi tỉnh, bà cho những thân hữu tin cẩn là Chân sư của bà đã tới và cho bà hai lựa chọn, hoặc bà qua đời, chấm dứt sự hy sinh đau khổ và có được bình an, hoặc tiếp tục sống thêm vài năm để viết bộ The Secret Doctrine ...
Ngày 11 -3-1885 HPB gửi thư cho luật sư của Hội, cho hay bà phải từ chức Ký Lục (Corresponding Secretary) của Hội vì lý do sức khỏe. Thư từ chức được đăng trên tờ The Theosophist, kèm với chứng từ của bác sĩ, nói rằng bà cần rời xa khung cảnh ở Madras, nơi không ngừng gây lo lắng và khích động cho bà, cũng như phải thay đổi không khí, tới vùng ôn đới và nơi yên tĩnh hơn.
Quyết định rời Adyar không phải là do HPB, thực ra bà phản đối việc ấy vì không muốn bỏ dở dang công việc cho Hội tại Ấn. Quyết định ấy là do những ai quan tâm đến sức khỏe của bà cũng như là ai khác không còn tin tưởng vào sứ mạng của HPB, và xem sự tiếp tục hiện diện của bà ở Adyar là điều ngượng ngùng.
Một trong những nguyên do chính cho sự xấu hổ là ông Hodgson. Ngoài vai trò là người điều tra sự việc cho SPR, ông đi quá phận sự của mình và gieo vào trí óc hội viên khắp nơi rằng ông đã chứng minh chuyện về HPB chỉ toàn là lường gạt. Ngày cuối của tháng ba, 31, HPB rời Ấn và không hề trở lại. Bà đi tầu sang Naples, Ý, cùng đi với bà có cô Mary Flynn, Bawaji một chela người Ấn và bác sĩ Hartmann.
Phải tới cuối năm 1885 bản tường trình Hodgson mới phát hành. Kết quả thực ngạc nhiên như bác sĩ Hartmann ghi lại trong quyển tự thuật của ông. Theo đó, vụ tai tiếng:
– … khiến cho sự hiện hữu của hội và giáo lý TTH được cả thế giới biết đến, và hệ quả là hàng ngàn người tìm đọc sách của HPB, làm quen với quan điểm của bà mà nếu không có việc này thì hẳn cả đời họ sẽ không biết gì về TTH.
Đặc biệt tại Hoa Kỳ phong trào TTH có sự sống mới. Chỉ bốn tháng sau khi có bản tường trình của ông Hodgson, tạp chí The Path của ông W.Q. Judge ra đời ở New York. Năm sau tại Anh có sự chỗi dậy tiếp theo với tờ Lucifer của HPB bắt đầu phát hành. Nhiều năm về sau, cô Francesca Arundale nhận xét:
– Trong những ngày đầu khi hết chuyện bất lợi này đến chuyện không may khác xẩy ra, dường như đe dọa sự sinh tồn của phong trào TTH, chúng tôi than 'việc này chắc chắn là khai tử Hội'; về sau chúng tôi thấy rằng giống như chim phượng hoàng hồi sinh trong tro than, Hội đã có sự sống mới từ chính thương tích của mình, và sự tấn công làm cho Hội hóa mạnh hơn.
Ta đi trước thứ tự thời gian của chuyện để trích ra một đoạn trong bài viết của HPB năm 1890, cho thấy thống kê xác nhận điều trên ra sao. Bà viết:
– Chúng ta hãy bắt đầu với năm 1884, khi tổ chức SPR tại London mở cuộc xem xét Hội. Bản tường trình chính thức năm ấy cho hay tính đến ngày 31-12-1884, trên khắp thế giới có 104 chi bộ của Hội Theosophia. Trong năm 1885, làm như đáp lại những ai tác họa cho Hội, có 17 chi bộ mới nhận văn bằng, năm 1886 có 15, 1887 có 22, 1888 có 21 ... Tính đến tháng 6-1889 sổ sách ghi có tới 200 chi bộ ...
Và nếu không một âm mưu, không cuộc tấn công nào có thể lay chuyển Hội một cách đáng ngại hoặc ngăn trở hoạt động của nó, thì không gì sẽ có thể làm được vậy ...
Đây là chuyện nhiều năm sau mới tới, vào lúc này 1885 nó không rõ ràng như vậy khi HPB giã biệt Ấn, và năm sau đó gây cho bà nhiều việc đau lòng.
Năm Đầu tại Âu Châu
Khi rời Ấn đi Naples hồi tháng ba 1885, HPB không có dự định rõ ràng là sẽ định cư vĩnh viễn nơi nào. Bà không quan tâm đến nơi chốn mà mối bận tâm hằng ngày của bà là chuyện viết bộ The Secret Doctrine. Dù đau ốm, bà vẫn soạn bản thảo cho sách ngay cả khi ở trên tầu. Bác sĩ Hartman, người cùng đi với bà ghi rằng 'thường khi cả chồng giấy có ghi chữ "để cho sách' thấy nằm sẵn trên bàn của bà lúc ban sáng trước khi bà bắt đầu làm việc'.
Sau khi đến Naples ngày 23-4, bà ở đó ba tháng, nhưng vì trời ẩm ướt bà bị phong thấp luôn và bởi chỗ ở không thích hợp cho chuyện viết sách nên HPB quyết định dời sang Würzburg ở miền bắc Bavaria của Đức. Bà viết cho ông Sinnett:
– Tôi không muốn ở tại bất cứ một trung tâm lớn nào của Âu châu, nhưng tôi phải có một phòng ấm và khô, cho dù lạnh bên ngoài ... Tôi thích Würzburg. Nó ở gần thành phố Heidelberg và Nuremberg, và tất cả những trung tâm mà một trong các Chân sư (đức KH) đã từng sống, và chính Ngài khuyên Thầy tôi gửi tôi đến đó. May mắn là tôi nhận được bên Nga mấy ngàn franc (tiền nhuận bút các bài viết của bà), và vài nhà hảo tâm ở Ấn gửi tôi 500 rồi 400 rupee ... Tôi dự tính mướn vài phòng và sẽ rất vui được gặp ông cạnh ấm trà samovar ...
Trên đường đi HPB dừng ở Rome một tuần, và ở Thụy Sĩ cũng một tuần với ông Solovyov (ta sẽ nói thêm về nhân vật này về sau) và bà de Morsier. Bà đến Würzburg vào khoảng giữa tháng tám, chỉ có Bawaji đi theo cùng vì bác sĩ Hartmann và cô Mary Lynn đã rời nhóm trước rồi. Không lâu sau đó bà viết tiếp cho ông Sinnett:
– Cho chính tôi, tôi quyết định sống lặng lẽ. Tôi có thể làm được nhiều việc bằng cách ở trong bóng tối hơn là lại nổi bật trong phong trào một lần nữa. Hãy để tôi ẩn náu ở chỗ không tên tuổi và viết, viết, viết, và dạy bất cứ ai muốn học. Bởi Chân sư bắt buộc tôi phải sống, hãy để tôi sống và chết giờ đây trong cảnh tương đối bình an. Rõ ràng Ngài muốn tôi vẫn làm việc cho Hội vì Ngài không cho phép tôi ký hợp đồng với Katkov (chủ báo tại Nga) – có trị giá ít nhất 40.000 franc cho tôi – để viết chỉ riêng cho báo và tạp chí của ông. Ngài không cho phép tôi ký hợp đồng như thế hồi năm ngoái ở Paris khi nó được nêu ra, và bây giờ cũng không thuận vì – Ngài nói – thì giờ của tôi 'sẽ phải dành làm chuyện khác.'
Dù HPB muốn về hưu, tin về nơi cư ngụ của bà chẳng bao lâu truyền rộng. Ông Solovyov và người em dâu đến thăm bà vài tuần; sang tháng chín cô Francesca Arundale và Mohini sang chơi, rồi bà dì Nadya của HPB cũng là khách tới thăm trong thời gian này. Sau đó lần lượt các nhân vật như bác sĩ Hartmann, giáo sư Sellin, Arthur Gebhard và nhiều người khác cũng đến.
Tiến sĩ William Hübbe-Schleiden, hội trưởng xứ bộ Đức đến thăm bà năm lần, ông là học giả uyên bác, là tác giả nhiều sách, học luật và kinh tế chính trị; ông du lịch nhiều trong những chuyến thám hiểm địa lý. Ông cũng từng là tùy viên cho tòa tổng lãnh sự Đức tại London. Vài năm sau những lần đến thăm HPB, ông Hübbe-Schleiden được mời ghi lại những quan sát của ông về cách HPB viết bộ The Secret Doctrine. Ta trích vài đoạn trong bài của ông như sau:
– Khi tôi đến thăm bà vào tháng 10-1885 ... bà chẳng có mấy cuốn sách, chưa tới nửa tá ... Tôi thấy bà viết xuống những câu tựa như chép lại từ vật gì đó trước mặt bà, mà tôi không thấy có gì cả ... Tôi thấy nhiều lần nét chữ mầu xanh quen thuộc của đức KH như là câu sửa lại và thêm bớt trong bản thảo của bà, luôn cả trong những cuốn sách thỉnh thoảng nằm trên bàn giấy của bà. Tôi để ý thấy điều này xẩy ra chính yếu vào buổi sáng trước khi bà bắt đầu làm việc. Tôi ngủ trên giường xếp trong phòng làm việc của bà, sau khi bà đã vào phòng riêng, và giường xếp đặt chỉ cách bàn giấy của bà chừng một thước. Tôi nhớ nỗi kinh ngạc một buổi sáng khi thức dậy thấy nhiều trang giấy lớn đầy chữ viết bằng bút chì xanh ấy nằm trên bản thảo của bà, ở chỗ của bà trên bàn. Tôi không biết làm sao những trang này có đó, nhưng trước khi đi ngủ tôi không thấy có chúng trên bàn, và không ai đặt chân vào phòng ban đêm, vì tôi rất dễ bị đánh thức dậy.
Ông Hübbe-Schleiden cũng ghi là ông có mặt khi HPB viết bài 'Thú Vật có Linh Hồn chăng ? (Do Animals Have Souls ?)', đăng ba kỳ trên tờ The Theosophist (Jan-March 1886). Tuy qua nhiều thế kỷ giáo hội Công giáo La Mã dạy rằng thú vật không có linh hồn, HPB tiết lộ là thánh Paul và những giáo sĩ ban đầu của giáo hội đã xác nhận khác với điều ấy. Đây không phải chỉ là việc tranh luận về thần học vì khi giáo hội bác bỏ việc những sinh vật thấp hơn người có linh hồn và bất tử, tín đồ Thiên chúa giáo không thấy phải dè dặt trong bắt thú vật làm việc quá sức trong nông trại, đi săn để tiêu khiển, hoặc bẫy thú làm vật trang sức cho phụ nữ. Trong xã hội ngày nay gà bị nuôi như cái máy để đẻ trứng, và những thú vật khác bị hành hạ đau đớn và bị chết khổ sở trong phòng thí nghiệm.
Tạp chí AV, tờ báo của hội chống mổ xẻ thú vật sống tại Mỹ (Anti-Vivisection Society) đăng bài này của HPB trong số tháng 10-1982. Bài viết trong báo có đoạn:
– (Đây là) một trong những bài thông thái nhất và có sức dẫn dụ nhất từng được phát hành, về đề tài linh hồn của thú vật ... Helena Blavatsky chứng minh cho thấy các thánh Paul và John Chrysostom cũng tin vào việc linh hồn thú vật phục sinh ... Bà trích dẫn nhiều bài của thánh Paul như là chứng cớ cho thấy ông tin vào việc thú vật có đời sống sau khi chết, và chủ trương rằng người và thú trên địa cầu chịu đau khổ giống như nhau ('trọn các tạo vật kêu than’) trong khi gắng bước trên đường tiến hóa để tới đích.
Bài viết thêm:
– Tôi tin rằng bài viết dài và uyên bác của HPB được gợi hứng từ bên kia. Nó cho thấy có hiểu biết về triết lý mà chỉ riêng điều ấy là chuyện hết sức lạ lùng và gần như không thể có được cho người sống đời bận rộn và rong duổi nhiều như bà.
Bài trên tờ AV chấm dứt với đoạn trích sau đây trong bài 'Do Animals Have Souls ?' của HPB:
– Khi thế giới tin rằng cầm thú là tạo vật bất tử như người, việc mổ xẻ thú vật sống và những cách hành hạ khác mà chúng phải chịu hằng ngày sẽ chấm dứt, vì chính phủ sẽ bắt buộc phải ngưng hành vi man rợ và đáng xấu hổ ấy.
...
Năm 1885 một nhân vật xuất hiện giúp coi sóc chuyện nhà để HPB được rảnh rang viết sách. Bà bá tước Constance Wachtmeister (CW) gốc Pháp nhưng lập gia đình với đại sứ Thụy Điển và Na Uy tại Anh, tiếp đó ông là ngoại trưởng Thụy Điển. Sau khi ông qua đời năm 1871, bà tìm hiểu về thông linh học (spiritualism) mà không được thỏa mãn. Bà đọc quyển Isis Unveiled năm 1880 và gia nhập Hội tại London, rồi gặp HPB năm 1884 trong thời gian HPB tới Paris. Tại Enghien, Pháp, HPB cho bà hay 'nhiều việc mà tôi nghĩ chỉ có mình tôi biết, rồi bảo là chưa tới hai năm sau, tôi sẽ dành cả đời mình cho Theosophia. Vào lúc ấy tôi có lý do để xem đó là chuyện không sao có thể xẩy ra ...'
Trong phần tiếp theo đây ta trích từ quyển Reminiscences of HPB and 'The Secret Doctrine', xuất bản năm 1883, câu chuyện về mối liên hệ giữa bà và HPB.
Khi rời Thụy Điển vào mùa thu 1885, bà CW không có ý định đi thăm HPB ở Würzburg. Nơi bà nhắm đến là Ý và đã có xếp đặt trước để tới đó ở vào mùa đông cùng bạn bè. Trên đường tới Ý, bà ghé thăm gia đình Gebhards tại Elberfeld. Bà Gebhards đề nghị bà CW hoãn chuyến đi Ý để tới thăm HPB vì bà nhận được thư nói về tình trạng khó khăn của HPB. Nữ bá tước viết thư và đề nghị tới ở một tháng với HPB, nhưng HPB nhã nhặn từ chối, giải thích là bà không có phòng trống cho khách và đang bận rộn viết bộ The Secret Doctrine. Lúc bà CW sửa soạn rời Elberfeld, xe taxi đậu sẵn chờ ở cửa thì có điện tín tới:
– Đến ngay Würzburg, cần bà lập tức. HPB.
Khi bà CW đến, HPB nói:
– Tôi phải xin lỗi là xử sự có hơi kỳ lạ ... tôi chỉ có một phòng ngủ ở đây và nghĩ rằng bà quen sống rộng rãi và có thể không muốn ở chung nơi này với tôi ... nhưng sau khi gửi thư rồi, Thầy nói chuyện và bảo rằng tôi phải mời bà đến.
Bà CW bỏ chuyện nghỉ mùa đông mà đến với HPB, ngủ cùng phòng với HPB ngăn bằng một bức bình phong, khởi đầu mối liên hệ kéo dài nhiều năm cho đến khi HPB qua đời. Chỉ trừ vài lần bà CW phải đi công chuyện, còn thì trọn thời gian ấy hai người luôn ở chung một nhà.
Nữ bá tước kể lại khung cảnh của việc viết sách The Secret Doctrine:
– Cảnh làm tôi chú ý nhiều nhất và khích động trí óc của tôi hơn bất cứ điều gì khác, khi tôi bắt đầu giúp việc cho bà Blavatsky, và nhờ vậy thấy thoáng qua vài điều về công việc viết sách của bà, là số sách ít oi có sẵn. Bản thảo của bà chứa đầy tới mức tràn ngập nào là sách dẫn, câu trích, từ một khối những tài liệu hiếm và uyên thâm về đủ mọi đề tài.
Một thời gian ngắn sau khi tôi đến Würzburg, bà hỏi tôi có biết ai có thể đến thư viện Bodleian tại Oxford cho bà. Tôi có biết một người để nhờ việc ấy, và bạn tôi xác nhận được một đoạn văn mà HPB đọc ở cõi trung giới, với tên sách, chương, số trang và những con số bà ghi lại đúng hết.
Có lần tôi được giao việc khó là kiểm lại đoạn văn trích từ quyển sách tại Vatican. Tôi có quen một ông có thân nhân tại Vatican nên tìm được cách kiểm chứng đoạn văn này, với chút khó khăn. Có hai chữ sai còn tất cả những chữ còn lại đều đúng, và lạ lùng thay tôi được nghe là hai chữ này rất mờ nhạt, khó mà nhìn ra được.
Đây chỉ là vài thí dụ trong nhiều chuyện như vậy. Bất cứ khi nào HPB cần có thông tin rõ ràng về bất cứ đề tài gì cần nhất trong khi viết, chắc chắn thông tin ấy sẽ đến với bà bằng cách này hay cách kia, hoặc do liên lạc với thân hữu ở xa, trên báo hay tạp chí, hoặc trong lúc chúng tôi tình cờ đọc sách, và chuyện như vậy xẩy ra thường xuyên đến mức nó không phải chỉ là chuyện tình cờ. Tuy nhiên bà sẽ dùng cách thức thông thường hơn là khác thường khi nào có thể được, để không làm tiêu hao năng lực của mình khi không cần thiết.
Ngày tháng trôi qua và khách đến rồi đi, nữ bá tước khám phá là 'HPB xử sự khác nhau với từng người', bà giải thích:
– Tôi không hề thấy bà đối xử như nhau với hai người. Bà nhận ra ngay điểm yếu trong tâm tính của mỗi người, và cách lạ lùng mà bà thăm dò chúng là chuyện thật ngạc nhiên. Ai có tiếp xúc hằng ngày với bà dần dần có được hiểu biết về cái tôi, và ai chịu học theo cách dạy thực tiễn của bà thì có thể có tiến bộ. Tuy nhiên với nhiều học trò của bà thì tiến bộ là điều không nuốt trôi, bởi phải đối mặt với khuyết điểm của mình là điều không hề dễ chịu; thành ra nhiều người bỏ đi. Dầu vậy những ai qua được thử thách và chọn theo bà, sẽ khám phá trong lòng mình sự phát triển nội tâm mà chỉ nhờ vậy mới dẫn vào huyền bí học.
Nói về cách phương pháp này áp dụng ra sao trong trường hợp của mình, bà CW tiết lộ:
– Khi mới đến với HPB tôi là người sống theo thói đời thường, được hưởng nhiều may mắn. Nhờ địa vị chính trị của chồng tôi, tôi có được vị thế đáng kể trong xã hội; vì vậy phải mất một thời gian dài tôi mới ý thức được tính vô thường, hư vô của những điều từ trước tới nay tôi xem như là chuyện đáng ao ước nhất trong đời, và phải tập luyện nhiều cũng như phải phấn đấu khó khăn với chính mình tôi mới thắng được lòng tự mãn, sinh ra do sống đời ăn không ngồi rồi, thoải mái và có địa vị cao. Có quá nhiều điều phải đẩy ra khỏi tâm tôi, như lời HPB nói.
Vào cuối tháng chạp 1885 khi nữ bá tước mới ở cùng HPB hơn một tháng, bản tường trình Hodgson được phát hành. Giáo sư Sellin mang một bản đến cho HPB vào đêm giao thừa. Người ta tin là sẽ có bản tường trình bất lợi, nhưng chuyện xẩy ra thực là quá tệ với hai trăm trang 'chứng cớ' về các hiện tượng giả mạo của HPB.
– Đi đi, trước khi bà bị vấy lây với nỗi xấu hổ của tôi. HPB bảo bà CW. Bà không thể dừng chân ở đây với người bị tàn phá thanh danh ... người mà đâu đâu cũng sẽ bị vạch ra là kẻ lường gạt và giả mạo.
HPB viết cho một hội viên tại Hoa Kỳ:
– Điều an ủi là trọn gánh nặng chỉ rơi cho tôi, vậy càng tốt, vì các Chân sư được xem như chỉ là huyền thoại. Danh tính các ngài đã bị phàm hóa quá nhiều và quá lâu rồi.
Ngày 6-1-1885, vài hôm sau khi HPB nhận được bản tường trình của SPR, ông Hübbe-Schleiden nhận được một thư của Chân sư. Ông bị xáo động mạnh vì chứng cớ của Hodgson là vài cách dùng chữ của Chân sư KH trong các thư của ngài cũng được dùng trong văn viết của HPB, gợi ý rằng bà là tác giả những thư này (của đức KH). Chuyện lạ là – khi bà viết cho ông Sinnett cùng ngày – đêm hôm trước bà thấy lại trong giấc mơ cảnh những ngày bà sống ở Tây Tạng khi ngài dạy Anh văn hàng ngày cho bà. Khi tiến sĩ Hübbe-Schleiden nhận được thư vào sáng hôm ấy, ý nghĩa của giấc mơ hóa ra rõ ràng. Chuyện tự nhiên là vài cách dùng chữ của bà giống như của đức KH, vì ngài dạy bà những cách ấy !
Chẳng lâu sau đó ông Hübbe-Schleiden đến thăm HPB tại Würzburg. Sau khi từ giã bà ra về, ông kinh ngạc thấy kẹp trong tập tường trình Hodgson là bản văn sau với chữ được kết tụ (precipitated) vào giấy:
– Nếu điều này có thể có ích gì cho tiến sĩ Hübbe-Schleiden – tuy tôi không tin như thế – thì xin ghi là người khiêm tốn ký tên dưới đây, chứng nhận rằng bộ 'The Secret Doctrine' được một phần do tôi và một phần do vị Huynh đệ của tôi là ngài KH đọc cho Upasika (nữ cư sĩ - HPB) ghi.
M.
Tôi tự hỏi mẫu giấy này của tôi có xứng đáng chiếm một chỗ chọn lọc với những văn kiện mà ông Hodgson đưa ra, và nó sẽ được xem giống cách viết nào nhất của HPB ? Chứng cớ chỉ nhằm làm tiến sĩ thỏa nguyện là – 'càng nhiều bằng chứng đưa ra thì càng ít được tin'. Xin bạn hãy nghe theo lời khuyên của tôi và đừng công bố hai tài liệu này. Để cho mình được thỏa mãn, tôi rất vui xin trấn an bạn rằng khi hoàn tất thì bộ The Secret Doctrine là tác phẩm của đức M., Upasika và cái tôi khiêm hạ.
KH.
Sáu năm sau, hai bản văn này được đăng trong tạp chí The Path (4-1893).
(còn tiếp)