ĐIỂM SÁCH

 

Chúng ta đang đọc quyển The Mahatma Letters to A.P. Sinnett trên PST, nay xin giới thiệu đến bạn đọc một tác phẩm khác có thể được coi như tiếp nối quyển này, ấy là bộ sách hai cuốn Discipleship in the New Age, của tác giả Alice A. Bailey.
Bạn đọc đã quen thuộc với bà qua mục 'Thư Gửi từ Ashram' trên PST gồm các bài trích từ hai quyển nói trên, cũng như ta có bài điểm sách quyển A Treatise on White Magic trên PST 52. Nay sang bộ Discipleship, về nhiều mặt, đây là tác phẩm lạ lùng, độc đáo. Sơ lược thì vào khoảng năm 1931, Chân Sư D.K. chọn khoảng 50 người có nhiều hứa hẹn để huấn luyện, nhằm mục đích tạo một nhóm làm việc cho tân kỷ nguyên. Nhóm gồm thành viên ở rải rác nhiều nước và không phải là nhóm duy nhất mà Ngài phụ trách. Ta chỉ biết được nhóm này qua việc những thư chỉ dạy của Ngài viết cho từng cá nhân trong nhóm về sau được xuất bản thành sách. Thư được viết một lần hoặc hai lần trong năm, kéo dài từ 1931 đến 1948. Muốn nhóm thực hiện được việc mà Ngài nhắm tới thì phải có sự hòa hợp giữa các thành viên như là một khối, điều này không xẩy ra nên Chân Sư giải tán nhóm vào năm 1946.
Ấy là chi tiết phụ, điểm chính yếu đáng nói là nội dung các thư. Tuy sách được sắp xếp thành hai quyển, có lẽ cách đọc tốt nhất không phải là cách thông thường, đọc hết quyển một rồi sang quyển hai, mà nên theo như sau. Ta có thư cho 50 người, nằm trong cả hai quyển, vậy khi  đọc hết các thư gửi cho người A ở quyển một, bạn nên tìm xem có thư của họ ở cuốn hai chăng, nếu có thì nên đọc tiếp các thư ấy cho hết; sau đó hãy sang thư cho người B ở cuốn một.
Để sự việc có thứ tự, lớp lang, giúp cho bạn tiện theo dõi về sau, theo kinh nghiệm bạn nên lập một bảng trước khi đọc. Bảng gồm ba cột :
- Cột đầu ghi tên những người nhận thư xếp theo mẫu tự,
- Cột hai ghi số trang bắt đầu thư cho họ ở quyển một,
- Cột ba ghi số trang bắt đầu thư cho họ ở cuốn hai (nếu có).

Lập bảng bằng cách dò tên các nhân vật trong phần Personal Instructions to Disciples trong cả hai cuốn. Với từng người, Chân Sư cho biết cung mỗi thể của họ, ảnh hưởng của chúng như tạo thuận lợi và bất lợi chi, và người ta có thể làm gì với thành phần cung của mình. Đây là điểm nổi bật của sách mà không thấy có trong bất cứ tài liệu TTH nào khác, khiến sách có giá trị tuyệt vời. Ta có được sự phân tích đầy minh triết và lòng từ của bậc thấu đáo về tính chất bẩy cung, được cho thấy tâm lý tinh thần nghĩa là gì, khác với khoa tâm lý đang thịnh hành ra sao.
Mỗi Chân Sư có một ngành chuyên môn của mình, với Chân Sư D.K. ngài được xem là thông thạo nhất về bẩy cung nên đọc sách là ta uống nước tận nguồn, học từ bậc thầy có thể tin tưởng trọn vẹn. Tâm lý tinh thần là đích mà tâm lý học ngày nay sẽ trở thành trong tương lai; tuy đây là điều quan trọng, tâm lý tinh thần cũng chỉ là một phần của chuyện tinh thần nên thư còn khuyến khích người nhận dùng hiểu biết có được về cá nhân mỗi người để phụng sự được hữu hiệu hơn, và đây mới là chủ đích của các thư. Các nguyên tắc bất biến của đường Đạo được nhắc lại với ý nghĩa mới trong kỷ nguyên mới, trình bầy câu chuyện muôn thuở là chứng đạo (initiation) theo cái nhìn mới, gây phấn chấn trong tâm.
Ta được cho biết trong chu kỳ Bảo Bình mà con người vừa bước vào, sự liên hệ giữa thầy và trò có thay đổi lớn lao vì khung cảnh nay đã khác xa. Việc học đạo không còn diễn ra ở nơi tĩnh lặng rừng già như khi trước, mà thay vào đó là đời sống tất bật, đô thị huyên náo của thời đại mới. Làm sao giữ được tâm thanh tịnh khi sinh hoạt ngoài đời là thử thách cho người học đạo ở thế kỷ 21, mà có lẽ không có gì lạ vì theo đà tiến hóa, trình độ phát triển của con người đã tiến xa so với khi trước nên lẽ tự nhiên tiêu chuẩn cũng phải cao hơn, ứng viên được đòi hỏi phải có khả năng nhiều hơn khi xưa.
Sách có thể tìm thấy trong bất cứ nhà sách lớn nào, nhà sách TTH, hoặc thư viện chi bộ.