TRÒ CHUYÊN VỀ HUYỀN BÍ HỌC

 

 

1. Huyền Bí Học là gì ? 

 

Học Viên: Huyền bí học là gì ? 
Hiền Triết: Nó là một ngành của sự hiểu biết mô tả vũ trụ theo hình quả trứng. Tế bào của khoa học là bản sao nhỏ bé của cái trứng vũ trụ. Những luật quản trị cái toàn thể cũng quản trị luôn mỗi phần của điều này. Tựa như con người là một bản sao nhỏ bé của vũ trụ  – tức là tiểu vũ trụ  – anh chịu sự quản trị của cùng những luật quản trị vũ trụ là phần lớn hơn. Huyền bí học vì vậy dạy ta những luật và các lực bí ẩn của vũ trụ và con người, những lực tác động vào thế giới bên ngoài mà con người ngày nay chỉ biết được một phần, những người không nhìn nhận có thế giới thực vô hình đằng sau cái mẫu hữu hình.

Học Viên: Nói rộng ra thì Huyền bí học dạy gì về con người ?
Hiền Triết: Nó dạy rằng anh là thành tựu cao nhất của cuộc tiến hóa, và do vậy có trong người cái tâm hay tụ điểm tương ứng với mỗi tâm của lực hay năng lực trong vũ trụ. Con người vì vậy có y số tâm lực hay tụ điểm của lực, năng lực, và hiểu biết như số các tâm điểm này trong thế giới rộng lớn hơn chung quanh và bên trong. (Xin so với ý 'Trên sao dưới vậy'.)

Học Viên: Bà muốn nói là nó bao gồm luôn người bình thường, hay bà ngụ ý đến những trường hợp ngoại lệ ?
Hiền Triết: Tôi hàm ý tất cả mọi người, đi từ người ở mức thấp nhất đến mức cao nhất, cả những ai ta biết và ai ngoài tầm hiểu biết của ta, được cho là đang hiện hữu. Dù ta quen giới hạn chữ 'con người' vào trái đất này, chỉ giới hạn thực thể như vầy vào cảnh giới này hoặc bầu nào là không đúng, vì những hành tinh khác cũng có người như trái đất giống hệt về năng lực, bản chất chính yếu và sự khả hữu

Học Viên: Xin giải thích rõ hơn một chút điều bà nói về ta có những tâm hoặc tụ điểm trong người.
Hiền Triết: Điện là lực mạnh mẽ nhất mà khoa học đương thời chưa hiểu trọn, tuy sử dụng rất nhiều. Các hệ thần kinh, thể chất và tâm trí của người hành động với nhau có thể sinh ra cùng lực giống hệt vậy, và theo cách tinh tế hơn cũng như tế nhị hơn, và với mức độ to tát như là một máy phát điện hết sức mạnh, thành lực có thể dùng để tàn sát, làm biến đổi, di chuyển hoặc thay đổi bất kỳ vật hay tình trạng nào. Đó là lực được văn sĩ Bulwer Lytton gọi là 'vril' và mô tả trong cuốn 'Coming Race' của ông.
Thiên nhiên trưng ra trước mắt chúng ta quyền năng tụ vào một chỗ với giới hạn cố định bất kỳ lượng vật liệu nào để sinh ra vật tự nhiện hoặc nhỏ nhất hoặc lớn nhất. Nó lấy từ trong không trung vật gì có sẵn ở đó và nén vào bên trong giới hạn của hình thể cái cây hay thú vật, làm nó hiển hiện trước mắt phàm. Đó là năng lực làm cô đọng vào điều gì được xem là giới hạn lý tưởng, nghĩa là vào giới hạn của hình thể được xem là lý tưởng. Con người có quyền năng y vậy, và khi hiểu biết luật cùng những trung tâm đúng của lực trong người, anh có thể làm y hệt điều mà Thiên nhiên làm. Theo cách đó ta có làm điều gì trước đó là lý ưởng và vô hình hóa thành vật chất và hữu hình, bằng cách cô đọng vật chất lấy từ không trung vào hình thể lý tưởng. Trường hợp này chỉ khác với chuyện xẩy ra trong thiên nhiên ở điểm ta thực hiện việc mau lẹ trong khi Thiên nhiên diễn ra chậm chạp hơn.
Trong số các hiện tượng thiên nhiên, hiện tại không có thí dụ tốt nào về thần giao cách cảm cho ta dùng. Tuy nhiên với loài chim và loài thú, có hiện tượng thần giao cách cảm do bản năng. Nhưng thần giao cách cảm là việc truyền tư tưởng hay ý nghĩ từ cái trí này sang cái trí kia. Đây là quyền năng tự nhiên mà khi được hiểu rõ có thể được cái trí dùng để truyền sang cái trí khác bất cứ tư tưởng hay ý nghĩ nào, bất kể bao xa hay có trở ngại chi xen vào.
Với vật trong thiên nhiên ta thấy nó qua việc sự rung động của một hợp âm có  thể làm tất cả những hợp âm khác có cùng độ dài cũng rung động tương tự. Đây là một ngành của Huyền bí học, một phần mà nhà nghiên cứu thời nay biết đến. Nhưng nó cũng là một trong những quyền năng hữu dụng nhất, lớn lao nhất mà ta có. Để sử dụng nó thì phải phối hợp nhiều việc. Trong khi nó được dùng mỗi ngày theo cách trung bình trong đời sống thường nhật  – vì con người dùng thần giao cách cảm truyền với nhau mỗi giây phút  – nếu muốn dùng nó ở mức tuyệt hảo, tức là vượt qua trở ngại và khoảng cách, là đạt sự tuyệt hảo của huyền bí học.  Điều ấy ngày kia thế giới con người sẽ biết rành.

Học Viên: Có điều gì Thiên nhiên nhắm tới mà con người cũng nên chú tâm ?
Hiền Triết: Thiên nhiên luôn luôn làm việc để biến chất vô cơ hoặc không có sự sống hoặc không trí não và vô thức thành vật hữu cơ, thông minh và hữu thức; và điều này cũng nên là mục đích cho con người. Trong những chuyển động vĩ đại của nó, Thiên nhiên dường như gây hủy hoại, tuy nhiên ấy chỉ là nhằm mục tiêu xây dựng. Đá tan rã vào đất, mưa nắng gió bão hợp lại cho ra thay đổi, nhưng luôn luôn có sự tiến hóa diễn ra hướng tới trước.
Thiên nhiên không hủy hoại vật lẫn thời gian, mà nó tạo tác. Con người cũng nên giống y vậy.  Và bởi anh là tác nhân đạo đức có tự do, con người nên làm việc để hướng tới mục tiêu ấy mà không nên chỉ đi tìm sự thỏa lòng hoặc phí phạm trong bất cứ mặt nào.

Học Viên: Có Huyền bí học về sự thực hoặc sự gian dối không, nó ích kỷ hay không ích kỷ; hay có một phần là cái này và một phần là cái kia ?
Hiền Triết: Huyền bí học không mầu, và  chỉ khi được con người sử dụng cho việc này hay kia mà nó thành xấu hay tốt. Huyền bí học xấu, hay thuật dùng cho việc ích kỷ, không phải là thuật gian dối vì nó y như thuật dùng vào việc lành.
Thiên nhiên có hai mặt, âm và dương, xấu và tốt, sáng và tối, nóng và lạnh, tinh thần và vật chất. Phù thủy tà đạo có quyền năng mạnh mẽ y như thuật sĩ theo chánh đạo trong việc tạo hiện tượng, nhưng rốt ráo thì mọi khuynh hướng của Thiên nhiên sẽ hủy diệt cái xấu và giữ lại cái tốt. Nhưng điều anh nên hiểu là cả người gian dối và người chân thật đều có thể là huyền bí gia.
Câu nói của đức Jesus là thước đo để phán xét:
– 'Bằng vào thành quả của họ mà bạn sẽ biết họ. Ta có hái được nho hay vả từ cây gai chăng ?'
Huyền bí học là chữ tổng quát, nói chung, mà khi phân biệt thì có Chánh và Tà; hai bên dùng cùng những lực và luật tương tự, vì không có luật riêng biệt nào trong vũ trụ này cho bất kỳ một nhóm người nào làm việc với bí mật của thiên nhiên.
Tuy nhiên con đường của người không chân thật và ác độc, mới đầu có vẻ dễ dàng, sau cùng lại thành khó khăn, vì người theo tà đạo không có bạn mà người này kình chống người kia khi tư lợi đòi hỏi, và điều đó có thể là bất cứ lúc nào. Có lời nói rằng việc tiêu tán linh hồn cuối cùng sẽ chờ đón những ai chuyên chú vào mặt hủy diệt của thiên nhiên nơi cõi trần.

Học Viên: Tôi có thể tìm thấy ở đâu sự giúp đỡ mà tôi cần để học đúng điều, sống đúng cách ?
Hiền Triết: Bên trong bạn là ánh sáng chiếu rọi khi mỗi ai tới đây. Ánh sáng của Chân Ngã và của các Chân sư không khác nhau. Nếu không tìm được Chân Ngã của mình, làm sao bạn hiểu được Thiên Nhiên ?

Học Viên: Chuyện gì xẩy ra khi người ta tìm cách phát triển thông nhãn ở cõi trung giới trước khi có chứng đạo (thường được gọi là điểm đạo) ?
Hiền Triết: Nhìn nơi cõi trung giới không dùng Manas, cái trí, mà dùng những cảm quan và do vậy liên quan hoàn toàn đến việc dời cảm nhận sang cõi khác với cõi này, mà có tính ảo hơn. Người cảm nhận sau cùng hoặc phán xét cảm nhận là trong Manas, trong Chân ngã; và như thế khả năng suy xét sau cùng bị cảm nhận ở cõi trung giới làm u mê, nếu người ta không được chỉ dẫn hoặc luyện để biết sự khác biệt và có thể phân biệt cái thực với cái giả.
Kết quả khác là khuynh hướng mê mải với cảm nhận tinh tế này, điều cuối cùng sẽ làm Manas thui chột đi trong lúc đó. Nó khiến có hoang mang nhiều hơn, và sẽ làm trì hoãn thêm hoặc ngăn chặn luôn bất cứ chứng đạo nào có thể có. Thêm nữa, nhìn như vậy là thấy hiện tượng và thêm vào việc lẫn lộn với cái Ngã, cái mới bắt đầu hiểu cuộc sống này; khi tìm cách sang cõi trung giới thì một yếu tố xáo trộn khác được thêm vào, do có thêm hiện tượng thuộc cảnh giới khác, vì vậy hiện tượng hai cõi bị trộn lộn với nhau.
Cái Ngã phải tìm căn bản của mình và không nên để bị cuốn hút tới chỗ này hay kia. Việc không ngừng đảo lại hình ảnh và tư tưởng nơi cõi trung giới (vì cõi trung giới là phản ảnh tức cho ra hình phản chiếu ngược lại), và sự chọc ghẹo phá khuấy của tinh linh ở đó, những thực thể mà ta không biết rõ và chỉ biết qua hiện tượng, gây ra hoang mang thêm. Tóm tắt lại thì hiểm họa thật sự, và từ đó khơi mào cho nhiều chuyện khác theo sau hay tràn vào, là việc cái Ngã bị hoang mang do gặp phải nhiều việc lạ trước khi tới ngày giờ nó có thể hiểu.

Học Viên: Làm sao người ta biết khi nào là nhận được thông tin huyền bí thực sự từ Chân Ngã bên trong ?
Hiền Triết: Phải phát triển trực giác và xem xét sự việc theo căn bản triết lý thực, vì nếu chuyện khác với lề lối thông thường chân chính là nó sai. Nó phải được biết nhờ sự phân tích sâu xa kỹ càng, để xem điều gì chỉ do lòng ích kỷ và điều gì không; nếu đó là do lòng ích kỷ thì nó không phát xuất từ Tinh Thần và không chân thực. Khả năng để hiểu không phải do học sách vở mà có, hoặc chỉ do hiểu biết triết lý, mà phần lớn là do hành vi xả kỷ thực sự, lời nói và tư tưởng; bởi cách cư xử như vậy làm tinh lọc các thể của linh hồn, và cho phép ánh sáng chiếu xuống trí não. Khi trí óc nhận được trong lúc thức tỉnh, nó được thanh lọc khỏi những cảm nhận của cảm quan, và cách đúng nhất để làm vậy là phối hợp triết lý với đức tính cao nhất bên ngoài và bên trong.

Học Viên: Xin cho biết vài cách để phát triển trực giác.
Hiền Triết: Trước tiên là có tập luyện, và kế đến là không dùng nó chỉ thuần cho mục tiêu cá nhân. Tập luyện có nghĩa là nhờ lỗi lầm và đau khổ mới có được trực giác, cho tới khi nhờ chân thành nỗ lực dùng nó mà trực giác phát triển. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể gây ra lỗi lầm và làm ngơ kết quả, mà nó muốn nói sau khi đặt căn bản đúng đắn cho lương tâm bằng cách theo qui luật bằng vàng là Đừng làm cho người khác điều gì ta không muốn cho mình, ta để cho trực giác hoạt động và thêm vào sức mạnh của nó.
Chuyện không tránh khỏi là  mới đầu ta sẽ có lầm lẫn, nhưng không lâu sau nếu ta thành tâm thì trực giác sẽ hóa sáng tỏ hơn và không còn sai lạc. Ta có thể thêm vào chuyện học những tác phẩm của ai trong quá khứ đã theo con đường này và tìm ra điều gì chân thực và điều gì không. Họ nói Chân Ngã là thực tại duy nhất. Bộ óc phải được cho biết những hình ảnh rộng lớn hơn về cuộc đời, thí dụ như học hỏi về thuyết tái sinh, vì làm vậy cho ta khoa vô tận của bao điều có thể có được. Chẳng những ta phải không được ích kỷ, mà còn phải làm tròn hết mọi bổn phận Karma giao cho, và nhờ vậy trực giác sẽ chỉ rõ con đường trách nhiệm và con đường chân thực trong đời.

Học Viên: Ở Mỹ châu hay Âu châu có các Chân sư không ?
Hiền Triết: Có, và cũng luôn có từ xưa, nhưng vào lúc này các ngài ẩn dấu không xuất hiện trước công chúng Các ngài có phần việc rộng lớn phải làm về nhiều mặt của cuộc sống, và chuẩn bị cho những ai có việc phải làm trong tương lai. Tuy các ngài có ảnh hưởng rộng lớn nhưng không ai để ý tới và đó là cách các ngài muốn để làm việc trong lúc hiện giờ. Cũng có những vị làm việc với một số cá nhân thuộc các bộ lạc thổ dân ở Mỹ châu, vì trong số những người này có các linh hồn có việc phải làm thêm trong một kiếp khác, và họ phải chuẩn bị cho việc ấy bây giờ. Các chân sư không bỏ sót một việc chi, tại Âu châu cũng thế, mỗi khu làm việc đều chịu sự quản trị về nơi chốn và thời gian.

 

2. Luật trong Huyền Bí Học chân chính.

Học Viên: Có luật nào trong chánh đạo hoặc huyền bí học chân chính chi phối tất cả mọi người không ? Tôi muốn nói là những luật tương tự như mười điều răn của Thiên Chúa giáo, hoặc những luật nhằm bảo vệ sự sống, tự do và tài sản như luật của con người nhìn nhận.
Hiền Triết: Có những luật như thế và hết sức gắt gao, vi phạm chúng thì không gì có thể xóa được trừ phi ta chuộc tội. Chúng không do một trí óc nào đặt ra, mà phát sinh từ những luật trong thiên nhiên, tâm linh, tinh thần. Vì vậy chúng không thể bị triệt tiêu.
Một ai có thể vi phạm chúng và dường như không bị hề hấn gì trọn một kiếp hoặc nhiều kiếp; nhưng việc vi phạm gây ra ngay tức khắc những nguyên nhân khác, bắt đầu có tác động và những tác động này cuối cùng phản ứng trở lại người vi phạm không chút sai chạy. Karma tác động ở đây y hệt như ở bất cứ đâu và trở thành thần công lý, đặt để số phận chắc chắn không tránh khỏi tuy đôi lúc chậm chạp.

Học Viên: Vậy đó không phải là trường hợp khi một huyền bí gia vi phạm luật thì có đạo sư hay ai khác xử sự như là thám tử hay cảnh sát, và mang tội phạm ra tòa để công lý xét xử, giống như thỉnh thoảng ta đọc trong chuyện tưởng tượng của tiểu thuyết gia hay văn sĩ viết chuyện huyền bí  hay sao ?
Hiền Triết: Không, không có chuyện truy nã như vậy. Ngược lại, tất cả những đạo sư hoặc học viên khác lại hết sức sẵn lòng giúp người phạm luật, không phải để tránh sự trừng phạt, mà thành tâm muốn tạo ra những nguyên cớ khác làm quân bằng, để mang lại lợi ích cho mọi người. Bởi tội lỗi của một cá nhân tác động lên trọn khối nhân loại. Tuy nhiên nếu người phạm tội không muốn làm lành để quân bình thì ai nấy sẽ để yên họ cho luật trời phân xử; trên thực tế đó chính là sự sống bên trong của chính người ấy và không có cách nào thoát được.
Trong quyển chuyện Zanoni của Lytton, anh sẽ thấy là vị Tôn sư nghiêm nghị Mejnour tìm cách giúp Zanoni ngay cả khi Zanoni, đang chậm mà chắc, rơi vào rối rắm do chính mình tạo ra, và cuối cùng Zanoni bị hủy diệt. Mejnour biết luật và Zanoni cũng thế. Nhân vật sau bị đau khổ vì một lỗi lầm từ trước mà nay anh phải điều chỉnh lại; còn người trước, nếu có vẻ như nghiêm khắc và không tốt bụng, về sau sẽ phải đau lòng về lỗi lầm như thế. Nhưng vào lúc này ông bị bắt buộc phải giúp bạn của mình, y như mọi ai khác thực lòng tin vào tình huynh đệ.

Học Viên: Luật nào trong huyền bí học tương đương với điều răn 'Ngươi không trộm cắp' ?
Hiền Triết: Vào lúc rất xa xưa luật ấy đã được một nhà hiền triết cổ diễn tả trong câu 'Đừng ham muốn tài lộc của bất cứ tạo vật nào'. Câu đó đúng hơn lời răn, vì anh không thể trộm cắp trừ phi anh có lòng ham muốn. Nếu trộm cắp vì đói thì anh có thể được tha thứ, nhưng đây là anh thèm muốn thực phẩm vì mục tiêu gì đó, tựa như ai khác thèm muốn chỉ để sở hữu. Tài lộc của người khác gồm hết mọi tài sản của họ, và không có nghĩa chỉ là tiền của không mà thôi. Tư tưởng của họ, ý nghĩ thầm kín riêng tư, năng lực trí tuệ, khả năng, quyền năng tâm linh, trọn hết tất cả, thực vậy, thuộc mọi cảnh giới mà họ có hay sở hữu. Ở những cõi ấy tuy họ sẵn lòng cho ra những điều này nhưng ai khác không được phép thèm muốn.
Vì vậy, anh không có quyền đi vào trí não của người khác nếu họ chưa cho phép, và lấy của họ điều gì không phải là của anh. Anh trở thành kẻ trộm nơi cõi trí và cõi tâm linh khi phạm luật này. Người ta bị cấm không được lấy bất kỳ chuyện chi cho tư lợi, mang lợi lộc cho mình, hoặc để sử dụng. Nhưng anh có thể lấy điều gì đó cho lợi ích chung, nếu anh phát triển xa tới mức làm được vậy, và tốt lành đến mức có thể gạt được cái tôi ra ngoài.
Như thế, anh thấy luật này gạt bỏ những ai muốn có quyền năng siêu hình cho chính mình và dùng riêng cho mình. Nếu người như thế mà có thông nhãn và thông nhĩ là điều mà họ hết sức ước ao, không quyền lực nào có thể ngăn được họ lấy trộm nơi cõi vô hình bất cứ chỗ nào họ gặp điều không được che chở.
Và bởi đa số chúng ta còn rất xa sự toàn hảo, thực vậy, ta còn phải cố công bao nhiêu là kiếp, nhưng giúp ta có vũ khí để gây thương tích cho chính tay ta thì các Chân sư Minh Triết không giúp gì cho bản tính còn khiếm khuyết của người. Luật tác động đúng đắn không sai sót, và khi vi phạm thì hệ quả sẽ tới sau nhiều năm dài. Tuy nhiên tà đạo rất sẵn lòng để cho người nào đáng thương, yếu đuối, hoặc tội lỗi, có được quyền năng như thế, vì nó sẽ làm tăng con số nạn nhân mà họ cần.

Học Viên: Có luật nào tương đương với điều răn 'Ngươi không được làm chứng gian' ?
Hiền Triết: Có, nó đòi hỏi anh không hề đưa vào trí não người khác tư tưởng dối trá hoặc không đúng thực. Bởi chúng ta có thể phóng tư tưởng của mình vào trí não người khác, ta phải không được tuôn vào óc họ những ý nghĩ không đúng. Người ta thấy ý tưởng ấy, và không chừng bị sức mạnh của nó trấn áp, thấy mình suy nghĩ tương tự, và đó là nhân chứng gian nói điều không thật từ trong tâm, gây hoang mang, lầm lẫn cho con người bên trong vốn sống bằng tư tưởng.

Học Viên: Làm sao người ta có thể ngăn chặn hành động tự nhiên của cái trí khi hình ảnh thuộc đời sống riêng tư của người khác hiện ra trước mặt mình ?
Hiền Triết: Chuyện ấy khó cho đa số người. Thế nên nói chung thì khối lớn người chưa có được quyền năng ấy, nó được kềm lại nhiều tới mức có thể được, nhưng khi linh hồn nào có luyện tập nhìn vào cảnh giới của linh hồn, nó cũng có thể định hướng tầm nhìn của mình, và khi nó thấy hiện ra hình về chuyện mà nó không cố tình muốn biết, linh hồn sẽ quay mặt đi.
Có một lời khuyến cáo đi kèm với mọi hình ảnh như thế mà người ta phải tuân theo. Nó không phải là một luật hiếm thấy, hoặc mẫu thông tin, vì có nhiều người có thông nhãn tự nhiên (không do luyện tập) biết điều này rất rõ, tuy lắm kẻ trong bọn không biết là người khác cũng có cùng hiểu biết ấy.

Học Viên: Lời khuyến cáo đi kèm với hình tư tưởng là sao ?
Hiền Triết: Ở cảnh giới ấy, một tư tưởng nhỏ bé nhất cũng trở thành tiếng nói hoặc hình ảnh. Mọi tư tưởng đều cho ra hình ảnh. Ai ai cũng có tư tưởng và ham muốn riêng tư. Quanh những điều này họ tạo nên hình về ước muốn của mình được có sự kín đáo, và ước muốn ấy trở thành tiếng nói hoặc hình ảnh khuyến cáo đối với ai có thông nhãn, có vẻ muốn nói là phải để cho nó yên. Với một số người ước muốn này có thể lấy hình người và nói đừng lại gần, với người khác nó sẽ là giọng nói, và với ai khác nữa thì nó chỉ giản dị là sự hiểu biết rằng việc có tính thiêng liêng  phải được tôn trọng. Tất cả những loại này tùy vào tính chất tâm lý của người có thông nhãn.

Học Viên: Tư tưởng hay hiểu biết nào là biệt lệ đối với những luật này  ?
Hiền Triết: Đó là những gì thông thường, hoặc có tính triết lý, tôn giáo, và đạo đức. Nó muốn nói là không có luật về bản quyền hoặc đăng bạ, nhãn hiệu cầu chứng, vốn là chuyện thuần do óc sáng chế của người, và thuộc về hệ thống cạnh tranh. Khi ai đó nghĩ ra cách giải quyết một vấn đề triết lý chân thực thì nó không phải là của họ theo luật thiên nhiên, mà thuộc về tất cả mọi người; ở cõi này ta không có quyền gì để được hưởng vinh quang, có lợi lộc hoặc dùng riêng cho mình. Vì vậy ai có thông nhãn có thể nhìn ngắm ít nhiều tùy ý, nhưng không thể đòi quyền đối với nó hoặc dùng nó cho riêng mình.
Chuyện cũng tương tự vậy đối với những gì khác nói chung có tính tốt lành. Chúng thuộc về chung cho mọi người. Nếu có triết gia nghĩ ra được nhiều điều khôn ngoan tốt đẹp cho mọi người, ai có thông nhãn có thể có được hết những điều ấy. Thực thế, nhưng ít tư tưởng gia có suy nghĩ gì mới lạ. Họ hãnh diện là mình suy nghĩ chuyện độc đáo, nhưng sự thực là trí óc tìm tòi của họ đi rong nơi cõi trí và thâu lượm nơi ai chậm chạp hơn những gì tốt đẹp và chân thực, rồi gọi đó là suy nghĩ của mình, thỉnh thoảng nhờ vậy được vinh quang, hoặc tiền bạc, và trong thời đại này họ tuyên bố rằng trọn các tư tưởng ấy là của họ và qua đó hưởng lợi. 

 

3. Thái Độ của Tâm Trí

Học Viên: Có loại thái độ của tâm trí nào mà người ta nên giữ để hiểu được việc huyền bí trong thiên nhiên không ?
Hiền Triết: Người ta phải có loại ấy vì nó cho phép con người nhìn vào thực tại của vật. Cái trí phải thoát khỏi khuôn mẫu và lề thói suông của đời, cho dù bên ngoài ta tỏ vẻ như tuân thủ mọi hình thức ấy; và cái trí phải tin chắc vào sự thật là Con Người là hình ảnh của vũ trụ, cũng như ta có trong người một phần của Đấng Tối Cao. Điều thực hiện được phần nào thì việc cảm nhận chân lý được rõ ràng phần nấy.
Trực nhận như vậy sẽ dẫn tới kết luận không tránh khỏi là mọi người và sinh linh khác là một với chúng ta, và điều này làm mất đi chủ nghĩa cái tôi, vốn là kết quả của lòng chia rẽ. Khi chân lý về Vạn vật Đại đồng được thấu rõ, sự phân biệt có do so sánh như của người giả hình (Pharisee) rằng ta tốt đẹp hơn người bên cạnh, biến mất khỏi tâm trí, làm cho nó được thanh khiết hơn và được tự do hành động hơn.

Học Viên: Bà xem điều gì là trở ngại chính cho việc cái trí nắm bắt chân lý ?
Hiền Triết: Trở ngại chính có bản chất thứ yếu là điều mà có lần người ta gọi nó là phantasy (tưởng tượng), có nghĩa là việc tái hiện những tư tưởng và hình ảnh do sự gợi nhớ. Ký ức là khả năng quan trọng, nhưng trí tuệ chính nó lại không phải là ký ức. Cái trí có bản chất là lao chao, vẩn vơ, và phải được kềm chế. Tính vẩn vơ ấy cần thiết bằng không cái trí sẽ hóa  trì trệ, nhưng nó có thể được kềm chế và trụ vào một vật hay ý tưởng.
Khi ta không ngừng nhìn vào và nghe vật mới lạ, tánh lao chao tự nhiên của cái trí thành nổi bật khi ta bắt đầu kềm nó lại. Rồi ký ức của nhiều vật, đề tài, đề mục, bổn phận, người, hoàn cảnh và sự việc làm hiện ra trước nó những hình ảnh và tư tưởng khác nhau thuộc về chúng. Sau đó, cái trí lập tức tìm cách nhẩy sang việc khác và ta thấy mình vơ vẩn ra ngoài đề. Như thế hiển nhiên việc chất chứa bao tư tưởng vô ích, chắc chắn lập đi lập lại là trở ngại cho việc thụ đắc chân lý. Và trở ngại này là điều đặc biệt thấy trong lối sống hiện nay của chúng ta.

Học Viên: Bà có thể nêu ra vài liên hệ giữa mặt trời với chúng ta và thiên nhiên trong Huyền Bí Học chăng ?
Hiền Triết: Nó có nhiều liên hệ lắm, thẩy đều quan trọng, nhưng tôi muốn đề cập trước tiên đến chuyện tổng quát hơn và lớn hơn. Mặt trời là trung tâm của thái dương hệ chúng ta. Sinh lực của thái dương hệ đến từ mặt trời, nó là tụ điểm hay là tâm phản chiếu nằm ở nơi tâm thực sự trong không gian. Không những sự sống phát ra từ tâm điểm ấy mà còn nhiều điều khác với phần tinh túy có nét tinh thần.
Mặt trời vì vậy không nên chỉ được nhìn ngắm bằng mắt thường mà còn nên được trí tuệ suy gẫm. Nó tượng trưng cho thế giới điều mà Chân Thần tượng trưng cho con người. Nó là trung tâm linh hồn cho thế giới với 6 phần đi kèm, tựa như Chân Thần là trung tâm của 6 nguyên lý nơi người. Vì vậy mặt trời cung cấp cho sáu nguyên lý này của người nhiều tinh túy và năng lực tinh thần.
Do đó ta nên suy gẫm về nó hơn là chỉ biết nhìn ngắm. Bao lâu nay về mặt vật chất mặt trời cho ra ánh sáng, nhiệt và sức trọng trường, và nó sẽ tiếp tục như thế, nhưng con người vốn là tác nhân tự do phải suy tưởng về nó để có được lợi ích, điều chỉ tới khi ta chủ ý suy tư.

Học Viên: Bà có thể đề cập đến một chuyện nhỏ ?
Hiền Triết: Xem nào, ta ngồi trong ánh nắng mặt trời để có hơi ấm và có thể luôn cả những phản ứng hóa học. Nhưng nếu trong khi làm vậy mà ta cũng nghĩ đến nó như là mặt trời trong không và bản chất tinh túy có thể có của nó, ta sẽ thu được một phần năng lực của mặt trời, loại không có được bằng cách khác. Điều này cũng có thể làm được trong ngày u ám khi mây che phủ bầu trời, và như vậy nhận được lợi ích. Đây đó các nhà huyền học (mystic) có hiểu biết hay không đã khám phá ra điều này cho mình, và đã thường khi tập nó. Tuy nhiên như bạn thấy, sự việc tùy thuộc vào trí tuệ.

Học Viên: Cái trí có thực sự làm gì không khi nó suy gẫm một tư tưởng và tìm kiếm thêm sự sáng ?
Phải bà muốn nói rằng điều vừa mô tả là chuyện tự nhiên, thông thường, và phổ quát, hay chỉ xẩy ra cho ai cho biết cách làm và ý thức được nó ?
Hiền Triết: Nó thực sự có hành động Một lằn, hay một ngón tay, hoặc một luồng dài phóng ra từ cái não muốn có hiểu biết (Hình ảnh này được quan sát và vẽ lại trong quyển Man, Visible and Invisible của ông Leadbeater, xin mời bạn xem). Nó túa ra mọi phương hướng và tiếp xúc với hết mọi cái trí khác mà nó có thể vươn tới để có được thông tin nếu được. Điều này thực hiện theo lối thần giao cách cảm.
Trong cảnh giới ấy không có văn bằng cầu chứng về hiểu biết chân thật hoặc triết lý, cũng như không có tác quyền. Quyền riêng của đời sống cá nhân được tôn trọng hoàn toàn, ngoại trừ những phù thủy tà đạo muốn chiếm hữu tài sản người khác. Nhưng chân lý phổ quát thuộc về tất cả mọi người, và khi sứ giả vô hình của một cái trí đến, tiếp xúc với cái trí thật của một ai khác, họ cho sứ giả này điều có thể là chân lý về đề tài tổng quát.
Và theo cách ấy, ngón tay hoặc sợi dây của cái trí bay cho tới lúc nó có được tư tưởng, hoặc mầm tư tưởng của người khác và xem đó là của nó. Dầu vậy, hệ thống cạnh tranh đương thời và ước muốn ích kỷ để được lợi cùng tiếng tăm, không ngừng tạo nên bức tường quanh trí não con người, làm ai nấy bị thiệt hại.

Học Viên: Phải bà muốn nói điều vừa mô tả là chuyện tự nhiên, thông thường, và phổ quát, hay nó chỉ xẩy ra cho ai cho biết cách làm và ý thức được việc ?
Hiền Triết: Ấy là chuyện phổ quát, xẩy ra bất kể người ta biết hay không biết việc gì đang diễn ra. Rất ít người có thể cảm nhận nó trong lòng, nhưng chuyện đó không ảnh hưởng tí ti. Nó luôn luôn có đó. Khi bạn ngồi xuống hăng hái suy tư về một chuyện triết lý hoặc đạo đức, thí dụ vậy, trí óc bạn bay bổng, tiếp xúc với nhiều cái trí khác và từ những trí này bạn có được nhiều tư tưởng khác nhau.
Nếu bạn không quân bình và không có tâm linh thanh khiết, thường khi bạn nhận được tư tưởng không đúng. Ấy là karma của bạn và karma của nhân loại. Nhưng nếu bạn thành tâm và cố gắng đi theo triết lý đúng đắn, tâm trí sẽ tự nhiên bác bỏ các ý tưởng sai lầm. Theo lối đó bạn có thể thấy cách mà hệ thống tư tưởng được làm nên và tiếp tục diễn ra, cho dù có rồ dại, sai lầm, hoặc tai hại.

Học Viên: Điều này có chi phối việc làm của những Chân sư Chánh đạo ?
Hiền Triết: Có chứ. Các ngài có hết những chân lý mà con người ước ao muốn có, nhưng cùng lúc các ngài có thể canh giữ không cho những cái trí khác đang tìm tòi bắt được, trí của người chưa sẵn sàng để dùng chúng đúng cách, và rồi ngài cho chạm một hình ảnh về điều mà họ tìm kiếm vào cái trí đang lục lọi ấy. Khi đó anh bạn có được một lóe sáng tư tưởng thuộc đường hướng mà anh suy tư, giống như nhiều người đã nhìn nhận. Người bạn tung nó ra thế giới, trở thành nổi tiếng, và thế giới được khôn ngoan hơn.
Chuyện này được các Chân sư thực hiện luôn luôn, nhưng thỉnh thoảng các ngài cho ra diễn giải lớn rộng hơn về chân lý trong thiên nhiên (như trường hợp của HPB). Mới đầu, nói chung nó không được chấp nhận vì nhìn nhận là có hiểu biết nhờ bài viết của người khác thì không đem tới lợi lộc hay danh tiếng cho cá nhân, nhưng nó được thực hiện cho một mục tiêu, cho thế kỷ sau sử dụng, và nó sẽ làm được chuyện này khi tới đúng lúc.

Học Viên: Làm sao các đạo sư biết chuyện gì đang diễn ra trong thế giới tư tưởng ở phương tây, thí dụ vậy ?
Hiền Triết: Các ngài chỉ cần tự nối trí tuệ của mình với trí của ai suy nghĩ giỏi dang hiện thời, và lập tức khám phá ra điều gì đã và đang diễn ra về mặt tư tưởng, và rồi duyệt lại hết tất cả. Các ngài thường xuyên làm vậy, và cũng thường xuyên khêu gợi để có thêm kiến tạo hoặc thay đổi, bằng cách tung ra các đề nghị nơi cõi trí hầu cho trí tuệ nào đang tìm tòi và chịu cảm thụ, có thể sử dụng được chúng.

 

4. Thời Kali - Thời Đại Hiện Tại

Học Viên: Tôi rất thắc mắc về thời đại hiện tại. Có hội viên chán ghét nó, làm như muốn tránh nó thật xa, đả kích những phát minh tân thời như điện tín, hỏa xa, máy móc và những vật tương tự, và than tiếc việc tàn lụi của những nền văn minh trước kia. Người khác có quan điểm khác, khăng khăng rằng đây là thời điểm tốt đẹp hơn bất cứ lúc nào, và ca ngợi những phương pháp hiện đại là tốt đẹp nhất. Xin bà cho biết ai đúng, hay là nếu cả hai cùng sai thì chúng ta cần biết gì về thời đại ta đang sống.

Hiền Triết: Những vị thầy giảng dạy Chân Lý biết hết mọi việc về thời đại này, nhưng họ không lẫn lộn thế kỷ hiện tại với trọn một chu kỳ. Thí dụ những giai đoạn trước đây của lịch sử Âu châu khi quyền lực được xem là lẽ phải, và khi màn tối tăm che phủ các nước tây phương, theo quan điểm của các Chân sư, là một phần của thời đại Kali và thời điểm hiện giờ cũng vậy, vì một Yuga  – chữ Phạn có nghĩa thời đại  – của chúng ta hiện giờ đã bắt đầu từ mấy ngàn năm về trước.  Và trong giai đoạn tối tăm của Âu châu, tuy Yuga này đã bắt đầu, vẫn còn nhiều ánh sáng, hiểu biết và nền văn minh ở Ấn Độ và Trung Hoa.
Vì thế, nghĩa của chữ thời đại hiện giờ phải hàm ý dài rộng hơn nhiều so với điều người ta  gán cho nó. Thực vậy, khoa học tân thời không đi tới kết luận rõ rệt nào về việc điều gì quả thực là một thời đại, và chân lý trong các thuyết của đông phương bị loại bỏ. vì vậy chúng ta thấy các văn sĩ nói về Thời đại Hoàng kim, thời đồ đá và chuyện tương tự, trong khi chúng chỉ là những phần của một thời đại thực sự đã bắt đầu từ xa xưa về trước mà khảo cổ gia ngày nay bác bỏ nó hoàn toàn.

Học Viên: Tên Phạn ngữ của thời đại này là gì, và nó có nghĩa gì ?  
Hiền Triết: Phạn ngữ gọi là 'Kali', thêm chữ Yuga thành 'Kali Yuga'. Nó có nghĩa thời Mạt Pháp, đen tối. Người xưa đã biết nó sẽ tới, và những tính chất của nó được mô tả trong bài trường thi Mahabharata. Như tôi có nói là trong thời đại này lịch sử Ấn có một giai đoạn dài rực rỡ, thế nên không ai có thể ganh tị và bảo rằng chúng ta đang so sánh thời khắc hiện tại với phần tuyệt vời trong cuộc phát triển Ấn Độ.

Học Viên: Kali-Yuga theo bà có tính chất gì ?
Hiền Triết: Như tên của nó gợi ý, đặc tính chính là sự tối tăm. Dĩ nhiên ta không thể suy luận bằng cách so sánh. Thế kỷ này đương nhiên là tiến xa so với thời trung cổ, nhưng nếu so sánh với Yuga trước thì nó đen tối. Theo huyền bí gia thì sự tiến bộ về vật chất không phải là tính chất của sự sáng, và họ không xem những kỹ xảo chỉ về cơ khí, mang lại tiện nghi cho một số nhỏ người trong khi số đông bị khốn khổ, là bằng chứng của sự tiến bộ.
Nói về sự tăm tối thì họ chỉ cần nêu ra một nước, cho dù đó là nước Mỹ. Nó chỉ là sự nối dài của thói quen và lối sống của Âu châu là nơi mà Hoa Kỳ phát xuất, ở đây ta có cuộc thí nghiệm vĩ đại trong những điều kiện và vật liệu hoàn toàn mới để thử; ở đây trong nhiều năm ta không thấy có mấy sự nghèo khó, nhưng bây giờ ở đâu cũng thấy có sự nghèo đói và có tầng lớp tội phạm với nhà giam tương ứng nhiều như là Âu châu, hơn cả Ấn Độ. Thế nên nhắc lại thì theo cái nhìn của chúng tôi, lòng khao khát to lớn muốn có sự giầu sang và khá hơn về mặt vật chất, trong khi đời sống tinh thần bị làm ngơ đáng kể, là sự đen tối.
Sự xung đột lớn lao giữa hai tầng lớp giàu có và nghèo hơn đã bắt đầu. Nếu ánh sáng tinh thần thắng thế, ta cũng vẫn có người giàu và người nghèo vì không thể làm Karma biến mất, nhưng người nghèo sẽ biết cách chấp nhận phần số của mình, còn người giầu biết cách cải thiện tình trạng của người nghèo. Nay ngược lại, người giàu thắc mắc sao người nghèo không vào nhà tế bần, và sử dụng luật pháp để đối phó với chuyện đình công cùng chủ nghĩa xã hội, còn người nghèo thì không ngừng trách móc số mạng và ai mà họ xem là đàn áp họ. Tất cả những điều này là tính chất của sự tối tăm về mặt tinh thần.

Học Viên: Hỏi xem các chu kỳ thay đổi vào lúc nào, và suy đoán về những thay đổi trong thiên văn hay điều khác cho thấy là đã tới lúc có biến chuyển, thì có nên không ? 
Hiền Triết: Không nên. Có lời nói xưa bảo rằng thần thánh ganh tị về những chuyện ấy, không muốn người phàm biết chuyện tương lai. Chúng ta có thể phân tích một thời đại, nhưng tốt hơn không nên thử ấn định ngày giờ có thay đổi chu kỳ. Ngoài ra, bạn không thể đặt ngày giờ chính xác, vì chu kỳ không bắt đầu vào một ngày hay năm rạch ròi không chịu ảnh hưởng của chu kỳ nào khác, mà chúng hòa vào với nhau, khiến cho trong lúc một chu kỳ đang diễn ra, phút khởi đầu của một chu kỳ khác đã tới.

Học Viên: Đó có phải là vài trong các lý do mà ông Sinnett không được cho biết các giai đoạn năm tháng rõ rệt về chuyện mà ông hỏi ?
Hiền Triết: Đúng vậy.

Học Viên: Thời đại mà ta sống thì có ảnh hưởng gì đến ta không, và ảnh hưởng đó là gì ?
Hiền Triết: Nó gây ảnh hưởng cho tất cả mọi người, nhưng ai tu tập sẽ cảm nhận ảnh hưởng nhiều hơn người thường. Bằng không, học viên chân thành và chí nguyện khắp nơi trên thế giới sẽ tiến ngay đến những đỉnh cao mà họ gắng sức để đạt. Phải là linh hồn rất dũng mãnh mới chặn lại được bàn tay mạnh mẽ của thời đại, và chuyện lại khó hơn nhiều vì anh không hiểu rõ ảnh hưởng ấy, vốn là một phần của sự sống rộng lớn hơn bao trùm anh.
Nó tác động theo cùng cách y như khiếm khuyết về cấu trúc của chiếc thuyền. Phần bên trong lẫn bên ngoài của con người là kết quả qua bao thế kỷ dài những kiếp sống trước ở đây của anh.  Chúng gieo mầm cho tư tưởng và khuynh hướng thể chất theo cách mà anh không hiểu được. Tất cả những khuynh hướng này tạo ảnh hưởng cho anh. Nhiều quyền năng anh đã có khi trước nay bị che dấu sâu đến mức không thấy được, và anh tranh đấu với những trở ngại tạo nên từ bao đời trước.
Hơn nữa ở cõi trung giới có những thay đổi kỳ lạ. Cõi này vừa như là tấm phim chụp ảnh, vừa là gương phản chiếu, là nơi lưu trữ những lỗi lầm của bao đời qua mà nó tiếp tục phản chiếu trở lại vào chúng ta, từ cõi mà đa số chúng ta là người lạ không biết gì.Theo nghĩa đó, ta cho rằng mình tự do nhưng thực ra ta sống mà hoàn toàn bị quá khứ thôi miên, hành động mù quáng theo các dẫn dụ tuôn vào người ở cõi trần.

Học Viên: Có phải vì vậy mà đức Jesus nói 'Lạy Cha, xin hãy tha thứ cho họ vì họ không biết mình làm gì' ?
Hiền Triết: Một nghĩa là như vậy, về một mặt nào đó họ hành động mù quáng, bị tính chất của thời đại thúc đẩy, tưởng rằng mình làm đúng. Nói về những biến đổi nơi cõi trung giới, bạn nhớ lại là vào thời đại đế Julian, các nhà tiên tri nói rằng họ có thể thấy được thần thánh nhưng thấy là các ngài đang rữa nát, có tượng mất đầu, tượng khác nhũn ra, tượng nữa thì mất chân tay, và tượng nào cũng có vẻ yếu đuối. Lòng tôn kính những lý tưởng này đang mất dần làm cho hình tư tưởng của chúng nơi cõi trung giới đã bắt đầu tàn lụi.

Học Viên: Có gì khả quan về thời đại này ? Có điều gì làm tình hình nhẹ bớt không ?
Hiền Triết: Có một điều đặc biệt về Kali Yuga hiện tại có thể hữu ích cho ai tìm đạo. Mọi nguyên nhân nay sinh ra ảnh hưởng mau lẹ , tốt đẹp hơn bất cứ thời nào khác. Ai thương yêu nhân loại có thể trong ba kiếp của Kali Yuga thực hiện được nhiều lần hơn so với thời khác. Như thế, khi chịu đựng bao nỗi khó nhọc của thời này và vững chãi chiến thắng, anh sẽ mau lẹ đạt tới mục tiêu mà anh gắng công, vì tuy trở ngại xem ra lớn lao, năng lực mà anh có thể kêu cầu sẽ có được mau chóng hơn.

Học Viên: Giả dụ là chuyện như vậy cho thời mạt pháp về mặt tinh thần, nhưng có phải là nó có phần nào được cứu độ do trí não thắng được vật chất, và do kết quả của khoa học làm giảm thiểu tệ nạn cho người, thí dụ như tìm ra nguyên nhân của bệnh tật, chống lại sự tàn nhẫn, thiếu khoan dung, luật lệ xấu v.v.?
Hiền Triết: Đúng, có những điều làm sự tối tăm nhẹ bớt đi, y như ngọn đèn cho ánh sáng le lói trong đêm, nhưng không thể mang lại ánh sáng ban ngày. Trong thời đại này khoa học có nhiều thành tựu lớn lao, nhưng gần như là chúng đều hướng về hệ quả và không làm tan biến nguyên nhân của chuyện xấu. Nghệ thuật cũng những tiến bộ lớn lao, việc chữa bệnh cũng thành công đáng kể, nhưng trong tương lai khi nền văn minh của chúng ta phát triển, sẽ có những bệnh mới được sinh ra, và  có thêm những bệnh lạ, nẩy sinh từ những căn nguyên nằm sâu trong tâm trí con người, và chỉ có thể loại trừ bằng cách sống có nét tinh thần.

Học Viên: Theo như lời bà nói thì phải chăng người TTH chúng ta nên hoan nghênh mọi khám phá sự thật trong bất cứ ngành nào, nhất là khi sự thực ấy làm giảm thiểu sự đau khổ, hoặc làm gia tăng ý niệm đạo đức ?
Hiền Triết: Đó là bổn phận của chúng ta. Tất cả những chân lý khám phá được phải là một phần của Chân Lý Tuyệt Đối, và thêm vào tổng số hiểu biết bên ngoài của chúng ta. Luôn luôn có nhiều người đi tìm những phần chân lý này, và người khác tìm cách làm nhẹ bớt sự khốn cùng của nhân loại hiện nay.
Mỗi người như thế làm phần việc to tát mà họ được đặt để vào, và không người TTH chân chính nào có thể làm ngơ. Và nó cũng là bổn phận của người sau, là có nỗ lực tương tự khi nào có thể được, vì Theosophy là một vật chết nếu không được biến thành sức sống. Cùng lúc đó, không ai trong chúng ta nên phán xét người anh em mình làm được nhiều hay ít về mặt ấy. Nếu họ làm hết sức có thể làm, biết cách làm, thì họ đã làm hết bổn phận lúc này của họ.

Học Viên: Tôi e rằng thái độ thù nghịch của những bậc thầy về huyền bí học đối với hiểu biết và lòng nhân ái thời này có thể sinh ra thành kiến đối với Theosophy và huyền bí học, và làm ngăn trở việc truyền rao Chân Lý. Không phải như thế sao ?
Hiền Triết: Vị thầy huyền bí học chân chính không có thái độ thù nghịch với những chuyện này. Nếu có ai thích Theosophy và muốn rao truyền nó mà có thái độ như vậy, ta có thể cho là họ không có thái độ như của bậc thầy chân chính, các vị này làm việc với mọi tầng lớp người, và dùng bất cứ phương tiện nào có được cho việc lành. Nhưng cùng lúc ta cũng thấy có quá nhiều hiểu biết kỹ thuật và chuyên môn hiện nay, thường khi ngăn cản người không cảm nhận được chân lý.

Học Viên: Có cách nào, ngoài việc quảng bá Theosophy, có thể làm đảo ngược lại khuynh hướng đi về chủ nghĩa duy vật hiện thời ?
Hiền Triết: Việc phổ biến hiểu biết về những luật Nhân Quả và Luân Hồi, và niềm tin vào sự hợp nhất tinh thần tuyệt đối của vạn vật sẽ ngăn chặn được khuynh hướng này. Dầu vậy, chu kỳ phải đi hết vòng của nó, và cho tới khi nó chấm dứt, mọi nỗ lực tốt lành sẽ bắt buộc phải diễn ra chậm chạp, không bằng mức nó có thể có trong thời đại sáng sủa hơn.
Khi mỗi ai học đạo sống đời tốt lành hơn, và do gương của mình ảnh hưởng lên thế giới, theo cách đó anh giúp cho những linh hồn tiến hóa cao xuống được cõi trần từ những cảnh giới cao hơn, khi chu kỳ  đen tối đến mức họ không còn ở trên đó được nữa.

Học Viên: Xin nhận lời tạ ơn cho sự chỉ dạy của bà.
Hiền Triết: Cầu mong bạn tới thềm giác ngộ.

 

H.P.Blavatsky
Collected Writing IX, p. 99-128, 400-400S.