LUẬT TRÊN ĐƯỜNG

 

 

Có vài ý niệm ta cần biết khi học MTTL:
- Thứ nhất, điều quan trọng hàng đầu cho học viên không phải là cá nhân người viết hay vị thầy, mà là tính chất của chân lý người ấy đưa ra, cùng khả năng của học viên phân biệt được chân lý với chân lý nửa vời và sự sai lạc.
Ý này không có gì mới, nó được đức Phật dạy từ hơn 2.500 năm về trước mà có lẽ ai cũng biết. Nói đại ý thì ta được dạy đừng tin điều gì chỉ bởi nó do đức Phật nói, mà chỉ tin sau khi ta suy xét và thấy điều ấy hợp với tâm mình.
- Thứ hai, học hỏi chuyện tinh thần và có thêm hiểu biết dẫn đến việc có trách nhiệm nhiều hơn với bên ngoài. Học viên vì thế được khuyến khích xét mình một cách rõ ràng, nhớ rằng sự hiểu biết có được khi áp dụng chân lý đã học vào vấn đề họ có và môi trường chung quanh, và tâm thức mở rộng qua việc sử dụng chân lý đã học.
Ý này diễn dịch một luật căn bản thấy trong mọi cảnh giới, nó nói rằng điều gì ta có mà không được sử dụng sẽ bị lấy mất đi, và một luật đi kèm với nó ghi là ai có sẽ được cho có thêm (Luke 19:12-27). Nơi cõi vật chất, khoa học nhìn nhận luật này qua việc thúc đẩy chúng ta không ngừng học hỏi, vận động vì não bộ và bắp thịt đều sẽ làm việc giỏi hơn khi được sử dụng thường xuyên, và sẽ thui chột hoặc teo nhỏ khi không được sử dụng. Về mặt tâm linh, có hiểu biết mà không sử dụng được cho hay là khiến có phạt dưới hình thức này hay kia, một ý kiến cho rằng đó có thể là một trong những nguyên nhân của sự khiếm thị, khi trong quá khứ con người có sự sáng mà không ứng dụng.
- Thứ ba, có sự kiên tâm theo đuổi con đường đã chọn, trì chí vững vàng để vượt qua những gì có thể xẩy đến trên đường, không hề nao núng. Ấy là đòi hỏi hàng đầu và dẫn đến cổng vào một cảnh giới, một bản thể ta cảm biết trong tâm. Nhận thức này cho ra thay đổi trong hình thái bên ngoài, và tương ứng với cường độ của nhận thức.
Ta cần xem xét kỹ ba ý niệm trên và hiểu rõ chúng trước khi có được tiến bộ thực sự. Mục đích nhắm tới là học hỏi và thực hành, áp dụng chân lý vào đời sống hằng ngày để trở thành huyền bí gia thực tiễn. Một cách nói khác gọi đó là sống đạo, nhắm vào sự sống, tìm cách tốt nhất để sống đời tinh thần của người chí nguyện trong thời đại, khung cảnh và tình trạng riêng biệt này của chúng ta.

 

Các điều kiện.

Chỉ dạy được đưa ra cho ai muốn đi trên con đường với một số giả dụ căn bản sau.
- Thứ nhất, học viên có ước nguyện chân thành, quyết tâm đi tới trước cho dù hạ thể có phản ứng gì, hoặc bị phản ứng gì.
Chỉ những ai có thể phân biệt rõ ràng giữa chân ngã và phàm ngã, là hai mặt của bản tính mình, mới có thể làm việc một cách thông minh.

- Thứ hai, người bạn cũng được xem là có kinh nghiệm sống đủ để biết chân giá trị của một số điều, và anh nỗ lực sống với những giá trị chân thật, vĩnh cửu  của linh hồn. Anh không bị bối rối hoang mang vì bất cứ điều chi xẩy ra cho phàm ngã, hoặc vì áp lực của thời gian và hoàn cảnh, vì tuổi tác hoặc khuyết tật của thân xác.
Anh đã hiểu ra rằng hăm hở chạy ào tới trước và sự tiến bước nồng nhiệt ồn ào có bất lợi của nó. Ngược lại, nỗ lực đều đặn, vững vàng, kiên trì sẽ về lâu về dài mang anh đi được xa hơn. Nỗ lực lúc có lúc không và sự căng thẳng tạm thời sẽ lần hồi tàn lụi cho ra thất vọng, cùng cảm giác nặng nề là đã thất bại. Là rùa hay là thỏ đều sau cùng tới đích, nhưng đó là con rùa đến trước mà không phải là con thỏ.
- Thứ ba, có suy gẫm về các chỉ dạy, tìm cách xếp đặt trí não mình và theo sát việc tham thiền. Sắp xếp tư tưởng là việc làm mỗi ngày, dùng cái trí cho chuyện phải làm trong ngày là cách tốt nhất cho việc học tập và tham thiền mang lại kết quả, làm anh được vững mạnh trên con đường.
Nếu bạn chưa được vậy thì không có gì phải ngã lòng, vì chủ tâm và có nỗ lực là hai điều quan trọng hơn hết đối với các chân sư, và là hai điều kiện chính cho mọi người từ cấp thấp nhất đến bậc chân sư, cộng thêm với khả năng trì chí.
Sự học hỏi sẽ khiến anh thành huyền bí gia chân chính và gia nhập hàng ngũ những ai làm việc cho cơ tiến hóa. Điều cần lưu ý là khi ta nói về nhóm linh hồn này, nó hàm ý tất cả mọi ngành hoạt động cho sự sống của nhân loại như chính trị, xã hội, kinh tế và tôn giáo, mà không phải chỉ giới hạn vào mặt tinh thần. Anh được yêu cầu chớ nên giới hạn như thế, mà tất cả những gì nhắm đến việc nâng cao con người ở bất cứ mặt biểu lộ nào, đều là công việc có tính tôn giáo, và có mục đích tinh thần, vì vật chất là tinh thần ở cõi thấp nhất, còn tinh thần không gì khác hơn là vật chất ở cõi cao nhất. Thế thì tất cả là tinh thần, và phân biệt ngành này hay kia chỉ là sản phẩm của cái trí giới hạn.
Giống như nhiều việc khác, đời sống tâm linh cũng đi theo nhịp điệu hay chu kỳ, lúc hứng khởi xen kẽ với lúc khô khan, trống rỗng. Có điều ấy vì gợi hứng từ trên cao đi xuống phát xuất từ chân nhân, và chân nhân nơi cõi của nó sinh hoạt theo chu kỳ, gửi xuống con người nơi cõi trần những luồng năng lực theo chu kỳ, và con người xem chúng như là ước mơ, ước nguyện. Trong một kiếp, tính chất chu kỳ thấy qua việc tái sinh nơi cõi trần và rồi rút về tức sự tử. Cho một chuỗi nhiều kiếp,  ta có thể thấy là vài kiếp xem ra tĩnh lặng, không có gì đáng nói xẩy ra, diễn biến chậm chạp, ù lì về mặt tâm linh, không cho ra mấy kinh nghiệm. Khi khác, nhiều kiếp sống động, đầy kinh nghiệm và tăng trưởng. 
Hiểu biết này có ích khi áp dụng cho chính mình, và là điều nên nhớ khi tìm cách giúp người khác sống đúng cách. Họ đang ở vào lúc năng lực tinh thần tăng hay giảm ? Họ đang ở trong giai đoạn lặng lẽ tạm thời, chuẩn bị cho động lực và nỗ lực lớn hơn chăng ? Theo đó việc phải làm là củng cố và ổn định nhằm cho phép họ trụ vững vàng về mặt tinh thần. Hay là họ đang ở chu kỳ lực rút về ? Nếu vậy, muốn giúp thì ta phải đi theo hướng và sử dụng lực thích hợp, nếu ứng dụng lực sai có thể sinh ra gẫy đổ trong đời, mà dùng khôn ngoan thì cho ra thành quả trọn vẹn.
Tính chất khác là khoảng cách giữa hai chu kỳ sẽ ngắn hơn cho ai hữu ý tu tập so với người bình thường, nói rõ thì chu kỳ xẩy ra thường hơn, và với cường độ mạnh mẽ hơn. Chúng nối tiếp nhau lẹ làng tới mức đáng sợ, tựa như lên đèo xuống dốc liên miên không ngừng nghỉ. Khi thì trời quang đãng, sáng sủa, anh làm được nhiều việc; rồi có mây che, tối tăm và anh không làm được việc gì. Có lúc mọi việc thật rõ ràng đối với anh, và rồi khi khác anh không còn biết chắc bất cứ chuyện chi.
Dầu vậy một khi con người hiểu được sự việc là mình đang nhìn ngắm ảnh hưởng của các động lực theo chu kỳ, và ảnh hưởng của chân nhân với phàm ngã, ý nghĩa trở nên sáng tỏ hơn, và anh nhận thức rằng việc lên dốc xuống đèo là do phàm ngã đáp ứng không trọn vẹn tới động lực từ trên cao. Khi đó anh học được rằng một khi có thể sống theo tâm thức của linh hồn, đạt tới đỉnh cao theo ý, việc trồi sụt của phàm ngã sẽ không còn ảnh hưởng được anh.
Anh nhận thức được con đường hiểm trở sắc cạnh dẫn từ sự sống nơi cõi trần sang qua cõi linh hồn, và thấy rằng khi vững vàng đi trên đó, nó sẽ đưa anh ra khỏi cảnh giới không ngừng thay đổi của giác quan vào ánh sáng rõ ràng ban ngày, và vào thế giới của thực tại. Khi ấy khía cạnh hình thể của sự sống đối với anh chỉ như là sân trường để phụng sự, mà không phải là sân trường cho cảm quan. Ta được khuyên nên suy gẫm về sự khác biệt này, và đặt mục tiêu là sống như linh hồn. Tới mức ấy ta biết mình là nguyên cớ sinh ra các động lực theo chu kỳ, và không còn bị ảnh hưởng.
Nhìn kỹ thì sự việc hóa rõ ràng là trải qua bao thời gian ta đã đồng hóa mình với hình thể; nhấn mạnh ảnh hưởng của hành động thực hiện mà không hiểu bản chất của động lực hoặc nguồn sinh ra nó. Nay đã tỉnh thức, mục tiêu của chúng ta là Chân nhân, sinh hoạt theo chu kỳ, khiến hình thể có hành động đúng đắn. Tính cách chu kỳ này thấy được qua diễn tiến công việc trong ngày, như tham thiền ban sáng, hồi nhớ sự việc lúc giữa trưa, và duyệt xét ban chiều. Chu kỳ rộng lớn là hai tuần trăng, từ thượng tuần đến trăng tròn, và từ trăng tròn đến không trăng.
Khi quyết định tiến vào đường Đạo, có nhiều việc cần làm mà ta nên biết. Người chí nguyện hăm hở dấn bước mà điều ít được biết là Chân nhân hoặc vị Chân sư cũng tiến lại gần anh hơn. Đôi bên tìm hiểu nhau và làm quen với làn rung động của nhau. Vị Thầy ở cõi tâm linh phải chấp nhận diễn trình chậm chạp về mặt trí tuệ của người chí nguyện nơi cõi trần; niềm tin tưởng và sự tự tin sẽ tạo nên làn rung động đúng cách, cuối cùng sinh ra việc làm chính xác' ngược lại, việc thiếu niềm tin, không an tịnh, không thực hành và xáo trộn tình cảm sẽ gây trở ngại.
Người chí nguyện phía bên này nóng lòng muốn được tiếp xúc với vị Thầy mà anh tôn thờ, còn phía bên kia vị Thầy có sự kiên nhẫn lâu dài, vì ngài chỉ có thể sử dụng những ai hiện diện trong thời điểm nào đó, và họ không phải là tác nhân lý tưởng nhất, thí dụ việc thiếu suy xét có thể khiến thể xác không cảm thụ; sự lo lắng, ưu tư có thể làm thể tình cảm rung động ở nhịp làm người ta không thể nào tiếp nhận được cảm hứng cho mục đích bên trong; thành kiến, óc chỉ trích, sự kiêu hãnh trong lòng có thể làm thể trí không sử dụng được. Người chí nguyện cho việc làm này cần canh giữ mình kỹ lưỡng, giữ cho có luôn sự bình thản nội tâm, an tịnh, và trí tuệ cởi mở, làm họ hữu ích trong việc hướng dẫn người khác. Ta còn có thể ghi thêm vài luật sau:
1. Điều thiết yếu là cần có nỗ lực để có động cơ trong sạch.
2. Có khả năng bước vào sự thinh lặng ở những cõi cao.
Việc làm tĩnh lặng cái trí tùy thuộc vào nhịp điệu. Khi ta rung động theo nhiều hướng và ghi nhận tư tưởng từ mọi phía thì bạn không thể theo được luật này. Người ta cần phải có thăng bằng, ổn định trước rồi mới đạt tới sự quân bình. Sự thinh lặng có được nhờ sức mạnh nội tâm và sự hiểu biết. Giữa những người làm việc ở cõi thanh và người ở cõi trần, có vẻ như thiếu sự liên lạc mà ai chưa vun trồng tính thinh lặng, bình thản nội tâm sẽ thấy khó mà làm việc. Vì vậy ta được khuyên học cách giữ sự lặng lẽ, bằng không sự chộn rộn khiến ta không được hữu ích nơi cõi trần khi còn thân xác, mà luôn cả khi bỏ thân xác sang cõi trung giới. Xin đọc thêm 'Thư Gửi từ Ashram' số này.
3. Lòng bình thản trong cuộc sống hằng ngày còn cần thiết vì cảm hứng từ cõi cao không thâm nhập tâm não được. Vì vậy cần nỗ lực có sự bình tâm trong lòng đối với sự việc diễn ra trong đời. Một cách tập luyện là thường xuyên suy gẫm về công việc tinh thần, và như thế vun trồng sự đáp ứng đối với những cõi trên. Tâm an tịnh, vững vàng là điều mà ai muốn phục vụ Chân sư cần có. Sự vững vàng này của nội tâm cho phép con người giữ trong trí viễn ảnh, trong khi ấy vẫn có thể chăm chú làm việc ở thế giới bên ngoài. Tức có hoạt động song đôi, não bộ thể xác chú tâm vào việc làm mà sự chú tâm này không bị ảnh hưởng bởi sự lặng lẽ cảm nhận bên trong.          
4. Không phung phí năng lực

Có nhiều đường lối hoạt động mà một người với khuynh hướng hướng thượng có thể theo đuổi, và sự lựa chọn làm người ta bối rối. Ở đây ta không nói đến sự lựa chọn giữa việc theo con đường tinh thần và cách sống như người đời, mà nó nhắm tới việc có hành động đúng đắn khi phải chọn lựa. Người ta sẽ phải chọn lựa luôn trên con đường, càng lúc sự phân biệt càng tế nhị hơn. Bắt đầu với linh hồn non trẻ, sự phân biệt chỉ sơ sài giữa đúng và sai, tiếp đó là giữa đúng và đúng hơn, rồi giữa cao và cao hơn, và những giá trị tinh thần hay đạo đức mà người ta phải xem xét thật kỹ lưỡng. Chuyện vì vậy hết sức phức tạp.
Để giải quyết những vấn đề ấy, vài tiêu chuẩn rộng rãi có thể nêu ra đối với chuyện dễ trước khi tới chuyện tinh tế hơn. Sau khi đã chọn lựa giữa đúng, sai, bước kế là giữa hành động ích kỷ và không ích kỷ. Giữa lợi ích cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm; điểm chú ý ở đây là ta nói tới trách nhiệm đúng đắn mà không phải là của người cuồng tín, hăng say quá độ.
Nếu vẫn chưa thể quyết định, người ta có thể chờ đợi theo linh tính, biết rằng khi tới lúc và mọi hướng đều bít kín chỉ trừ một lối, thì đó là hướng anh nên đi, vì chỉ có một cánh cửa mở mà anh có thể đi qua đó. Anh cần có trực giác để nhận ra vậy, trực giác sẽ khiến anh có hành động đúng. Chuyện vì thế hiển nhiên là tất cả tùy thuộc vào việc ta biết vị trí của mình ở đâu trên thang tiến hóa. Chỉ ai đã tiến xa mới biết được thời điểm thích hợp, và có thể phân biện đủ sự khác biệt giữa trực giác và linh cảm (psychic).
Nói về việc có quyết định, nên dùng lương tri và cái trí cụ thể và đừng theo phương pháp cao hơn là chờ đợi có cửa mở, làm vậy là trông mong quá khả năng của mình. Anh cần phải học có quyết định đúng đắn, và cách sử dụng cái trí đúng đắn để giải quyết những vấn đề của mình. Nhờ phương pháp ấy anh sẽ tăng trưởng, vì nguồn của sự hiểu biết bằng trực giác nằm sâu trong linh hồn, và do đó, ta phải tiếp xúc với linh hồn trước khi trực giác có thể làm việc.
Một chỉ dẫn có thể đưa ra là trực giác luôn liên hệ với hoạt động nhóm, mà không liên quan đến chuyện cá nhân riêng tư. Nếu bạn vẫn còn là người trụ vào phàm ngã thì hãy nhận biết điều ấy, và với phương tiện sẵn có, làm chủ các hành động của mình. Nếu bạn biết mình là linh hồn, quan tâm đến lợi ích người khác, không bị vướng mắc bởi ham muốn ích kỷ, hãy biết rằng con đường sẽ mở rộng trước mặt bạn, khi bạn thực hiện phần việc của mình. Từ phần việc được làm toàn hảo đó sẽ sinh ra những phận sự lớn hơn. Thế thì với người chí nguyện, việc lựa chọn hành động tùy thuộc vào việc sử dụng khôn ngoan hạ trí, lương tri sáng suốt và việc quên đi tham vọng cá nhân cùng lợi ích ích kỷ. Nó dẫn đến việc làm tròn phận sự. Trực giác tỏ lộ không phải cách mà tham vọng được nuôi dưỡng, hoặc cách mà ham muốn có thăng tiến ích kỷ có thể được mãn nguyện.

                                                                                                                                               
A Treatise on White Magic, Alice A. Bailey.