H.P.B. (Helena Petrovna Blavatsky)
(PST 61)
Nay ta ghi lại vài chuyện xẩy ra tại Elberfeld khi HPB tới viếng thăm nơi ấy vào tháng 8-1884. Cùng với bà, ông Gustav Gebhard cũng mời một số người khác đến ghé nhà chơi nhiều ngày. Phòng khách tại gia trang của ông bà là một phòng rộng, trần cao với cửa rất cao. Thân hữu thường ngồi trong phòng này chuyện vãn trước khi xuống ăn tối ở tầng dưới. Đôi khi HPB không xuống ăn cùng, mà được dọn bữa trong phòng bà trên lầu.
Tối hôm có chuyện dưới đây, HPB ở trên lầu, ngồi trong ghế bành to trong khi mọi người xuống nhà dùng bữa, và bà chủ nhà hỏi HPB muốn dùng gì để cho người giúp việc mang lên. Sau bữa tối, chủ và khách quay về phòng này, thấy HPB ngồi yên lặng trong ghế của bà như thể nẫy giờ không hề rời nó. Thân hữu tụ lại chung quanh bà như thường lệ và trò chuyện rồi có người nói:
– Có vật gì trăng trắng trên đầu cánh cửa vậy ?
Người ta mang ghế đến và lấy vật đó xuống, hóa ra đó là một phong bì (có thư của đức K.H.) gửi cho cô Arundale khi ấy là thủ quỹ chi bộ London. Với thân hình to lớn, không thể nào có việc HPB đặt thư ở chỗ ấy nên có vẻ như thư muốn chứng tỏ sự việc không liên hệ gì với HPB.
Vào ngày 25-8-1884, Rudolph con trai ông bà Gebhard thuật:
– Tôi luôn luôn thích làm trò ảo thuật. Hồi ở London tôi có học với thầy Field là một ảo thuật gia trứ danh, khiến tôi trau dồi và trở nên rất khéo léo. Từ lúc ấy về sau tôi trình diễn nhiều lần một cách tài tử, làm quen hầu hết những 'bậc sư' của thuật này, và trao đổi các thủ thuật với họ. Tôi quan sát rất kỹ khi những diệu thủ này trổ tài, vì vậy thói quen đó làm tôi thành quan sát viên tinh anh về những thủ thuật, nó làm tôi mạnh dạn nhận xét về hai chuyện xẩy ra tại nhà chúng tôi ở Elberfeld trong thời gian bà Blavatsky, ông Olcott và một số nhỏ thân hữu, hội viên đến ngụ.
Chuyện đầu tiên là một thư của đức K.H. gửi cho ba tôi, diễn ra vào buổi tối trước sự hiện diện của một số nhân chứng. Lúc đó khoảng chín giờ tối. Chúng tôi ngồi trong phòng khác thảo luận nhiều đề tài khác nhau, rồi bà Blavatsky chợt để ý thấy có việc khác thường đang xẩy ra trong phòng. Một lát sau bà nói mình cảm thấy có sự hiện diện của các 'Chân sư'', và có lẽ các ngài có ý làm một điều gì đó cho chúng tôi. Thế nên bà hỏi chúng tôi muốn có chuyện gì xẩy ra. Mọi người thảo luận một lúc ngắn xem điều gì tốt nhất, và cuối cùng đồng ý là hỏi xin một thư viết cho ba tôi, G. Gebhard, về đề tài mà ba sẽ chọn thầm trong trí.
Vào lúc đó, ba tôi lo lắng nhiều về anh tôi đang ở tại Hoa Kỳ, và rất mong muốn có lời khuyên của Chân sư về con trai mình. Trong khi ấy, bà Blavatsky, vì bị ốm lúc gần đây nên ngồi nghỉ ở ghế dài và nhìn quanh phòng. Đột nhiên bà nói to rằng có chuyện gì đó với bức tranh sơn dầu lớn treo bên trên cây dương cầm trong phòng, bà thấy có gì tựa như một tia sáng xẹt về hướng bức tranh. Lời này lập tức được bà Holloway xác nhận, và rồi mẹ tôi cũng đồng ý; mẹ tôi ngồi đối diện với một tấm gương lớn quay lưng về bức tranh và cũng thấy phản chiếu trong gương như tia sáng mờ, đi về hướng bức tranh. Khi ấy bà Blavatsky hỏi bà Holloway xem kỹ và cho biết chuyện gì đang xẩy ra. Bà Holloway nói là thấy có gì đó đang thành hình bên trên bức tranh, nhưng không thể thấy rõ đó là vật chi.
Bây giờ ai nấy chú ý vào bức tường cao bên dưới trần nhà, chỗ mà nhiều người thấy có những tia sáng chói, nhưng tôi phải nói là về phần mình, bởi không có thông nhãn, tôi không thể thấy ánh sáng hay chuyện gì khác ngoại trừ những gì tôi vẫn luôn thấy trên tường. Và khi bà Blavatsky bảo nay bà tin chắc rằng có gì đó đang xẩy ra, tôi đứng dậy (tất cả chúng tôi đều đang ngồi) và trèo lên cây dương cầm, lấy tấm tranh khỏi tường nhưng vẫn còn dính vào móc, lắc kỹ và nhìn đằng sau tranh, nhưng không thấy gì cả ! Gian phòng có đèn chiếu sáng, và không có cm nào của tấm tranh mà tôi không thể thấy. Tôi thả bức tranh trở lại chỗ, nói không thấy có gì, nhưng bà Blavatsky nói bà cảm thấy chắc chắn là phải có cái gì đó, nên tôi leo lên trở lại và thử tìm lần nữa.
Bức tranh này là tranh sơn dầu lớn, có dây treo vào móc trên tường ở trên đầu, thành ra khi phần dưới được nâng ra khỏi tường thì có một khoảng cách 15 cm giữa tường và mặt sau tấm tranh, cái sau hoàn toàn không đụng tường. Hai bên tranh có hai đèn gaz và khoảng không giữa tranh với tường được chiếu sáng. Dầu vậy lần thứ hai này tôi cũng không thấy có gì như lần đầu, tuy dòm rất kỹ. Để cho chắc, tôi leo lên cây dương cầm, đưa tay lên xuống dọc theo khung tranh hai lần mà cũng không thấy gì, khung dầy gần 8 cm.
Thả bức tranh trở lại chỗ cũ, tôi quay lại bà Blavatsky hỏi bà muốn tôi làm gì thêm, thì bà kêu lên:
– Tôi thấy bức thư, nó có đó !
Tôi lẹ làng quay lại bức tranh và thấy vào lúc ấy một bức thư rơi xuống đằng sau nó lên trên cây dương cầm. Tôi nhặt lên, thư gửi cho 'Herr Consul G. Gebhard' (Ông Lãnh sự G. Gebhard), và viết về điều mà ba tôi muốn hỏi. Mặt tôi hẳn phải lộ vẻ hoang mang, vì mọi người cười nhạo vui vẻ 'anh chàng ảo thuật gia trong nhà'.
Đối với tôi đây là một hiện tượng được diễn ra trọn vẹn nhất. Không ai đụng vào bức tranh ngoài tôi ra; tôi cẩn thận xem xét nó thật kỹ, và bởi tôi chủ ý tìm một bức thư, vật như thế không thể nào lọt khỏi sự chú ý của tôi trong khi chuyện đó có thể xẩy ra nếu tôi tìm vật gì khác; vì khi đó tôi có thể không để ý gì đến mẫu giấy. Bức thư có kích thước 5 x 10 cm nên không phải là một vật nhỏ.
Ta hãy thử xem xét hiện tượng này coi nó có thể sinh ra bằng thủ thuật được chăng
Giả dụ có mấy bức thư được làm sẵn, gửi cho nhiều người khác nhau, bàn những chuyện khác nhau. Có thể nào tráo tay để đặt thư vào chỗ đã định không ? Có thể lắm, nó chỉ tùy thuộc vào đó là chỗ nào, và người ta có chú ý vào nơi đó trước không. Muốn đặt lá thư đằng sau bức tranh là chuyện rất khó, nhưng có thể làm được nếu trong một lúc tâm trí chúng ta được hướng tới một chỗ khác và lá thư được ném vào đằng sau bức tranh trong lúc ấy.
Thủ thuật tráo tay là sao ? Nó chẳng là gì ngoài việc có cử động mau lẹ, nhiều hay ít một chút, vào lúc mà không ai để ý tới bạn. Tôi làm bạn chú ý một chốc vào điểm nào đó, thí dụ vào bàn tay trái của tôi, do vậy tay phải tôi được tự do có vài cử động không bị để ý thấy; còn nói về thuyết 'sự nhậm lẹ của bàn tay đánh lừa được con mắt' thì nó hoàn toàn sai lầm. Bạn không thể có cử động bằng tay nhanh đến mức mắt không thể theo dõi và bắt gặp; chuyện duy nhất bạn có thể làm là hoặc che dấu cử động cần thiết bằng một cử động khác không liên quan gì đến việc bạn nhắm tới, hoặc hướng sự chú ý của người quan sát đến một điểm khác, và rồi nhanh nhẹn thực hiện điều phải làm.
Trong trường hợp này mọi sự chú ý của chúng tôi được hướng vào bức tranh, trước khi câu hỏi đặt ra là chúng tôi muốn có gì, và được giữ ở đó luôn trong lúc ấy, ai muốn ném lá thư mà không bị bắt gặp thì không thể nào làm được. Còn nếu cho rằng lá thư được dấu đằng sau bức tranh từ trước thì đó là chuyện hoàn toàn không thể có, nó không thể nào thoát được sự chú ý của tôi khi tôi kiếm nó nhiều lần.
Giả dụ bức thư được đặt trên đầu khung bức tranh, và tay tôi khi rà theo khung làm thư rơi ra mà tôi không hay, nó hẳn phải làm thư rơi xuống ngay tức khắc, thế mà phải 30 giây sau mới thấy có thư. Xem xét hết mọi khía cạnh thì tôi thấy dường như không thể nào dùng mẹo chi để thực hiện được hiện tượng này.
Ngày hôm sau của chuyện, tôi vào phòng bà khoảng giữa trưa nhưng thấy bà có khách tôi bèn lui ra, đi tới phòng mà mọi người ngồi chơi tối hôm trước; ngay lúc ấy tôi nẩy ra ý xem lại bức tranh lần nữa để chắc chắn là thư không thể nào được dấu đâu đó ở sau tranh. Chỉ có mình tôi trong phòng, và trong lúc xem xét bức tranh thì không có ai vào phòng; sau khi xem kỹ tôi tin chắc là nếu được dấu đằng sau tranh thì thư không thể nào qua mắt được tôi. Và rồi tôi quay trở lại phòng của bà, thấy khách vẫn còn đó, tiếp tục chuyện vãn.
Đến tối, mọi người lại tụ trong phòng, HPB nói:
– Các Chân sư theo dõi anh hôm nay và rất thú vị với thí nghiệm của anh, khi anh loay hoay muốn biết xem thư có thể được dấu đằng sau bức tranh.
Nào, trước tiên thì tôi bảo đảm rằng không có ai trong phòng vào lúc tôi xem lại tranh, thứ hai là tôi không hé miệng kể lại thí nghiệm này cho ai trong nhà. Tôi không sao giải thích được HPB bằng cách nào biết được chuyện tôi làm, ngoại trừ việc dùng thông nhãn.
Sang tháng chín, có tin là tạp chí Madras Christian College Magazine tại Ấn Độ, là cơ quan của một nhóm truyền giáo, đăng bài cáo buộc những hiện tượng HPB đã làm là giả mạo, dựa trên các thư của ông bà Coulomb gửi cho chủ biên của báo. Đây là những thư được cho là do HPB viết, trong lúc đi lại đó đây tại Ấn, ra lệnh tạo hiện tượng giả mạo tại Adyar. Bài báo được gửi đến những tờ báo Anh ngữ hàng đầu tại Ấn gây sôi nổi. Sau đó tờ Times tại Anh cũng đăng tin, và bài trả lời của HPB được báo cho đăng ngày 9 tháng 10.
Tưởng nên ghi là trước đó vào tháng năm, trong lúc HPB còn ở Paris, bà đã được báo trước rằng bà Coulomb tại Adyar có kể chuyện với nhiều người là HPB có viết cho bà những thư mà nội dung làm HPB có tội. Trong một thư gửi cho ông Sinnett, bà viết:
– ... Khi Subba Row viết cho tôi ở Paris, bảo tôi nhớ lại kỹ và cho ông hay là có viết thư nào cho bà Coulomb mà có thể gây nguy hại chăng, vì nếu có thì tốt hơn nên mua lại với bất cứ giá nào, còn hơn là để cho bà phá hoại thanh danh của tôi và hội Theosophia; tôi trả lời ông (tháng năm 1884) là tôi không hề viết cho bà điều gì mà phải sợ bị đem ra công bố, và bà nói dối, và bà muốn làm gì thì cứ tự nhiên.
HPB cũng viết cho ông Olcott:
– Nếu tôi có ngu như lừa và viết những thư như vậy cho ông bà Coulomb, hẳn tôi sẽ không bao giờ đi Âu châu, hẳn tôi sẽ làm trận làm thượng để Hội đồng Kiểm soát trục xuất họ, hẳn tôi đã quay về ngay khi có tin dữ.
Cô Arundale nhớ lại:
– Cuối tháng chín HPB lại đến ngụ ở nhà chúng tôi một thời gian ngắn trước khi đến nhà ông bà Oakley để cùng đi Ấn Độ. Bà rất chán nản và không khỏe, gần như rã rời với vấn đề mà bà phải trải qua. Trong một thư viết cho tôi vào lúc ấy, chỉ trước khi rời Elberfeld, bà nói: Tôi đã từ chức thư ký liên lạc của hội. Tôi công khai tách biệt mình với hội, vì tôi nghĩ bao lâu tôi còn trong hội và đứng đầu hội, tôi sẽ là cái bia để nhắm vào, và hội sẽ vì vậy bị ảnh hưởng ... Tim tôi – nếu còn phần nào – bị tan nát với hành động này. Nhưng tôi phải hy sinh mình cho lợi ích của hội. Công cuộc phải đi trước con người và các nhân vật.
Vụ Coulomb - Hodgson.
Tuy phải đến tháng 12-1885 bản báo cáo Hodgson viết cho SPR mới được công bố, nó ủng hộ những cáo buộc của ông bà Coulomb nên ta phải xét chung hai chuyện. Việc xem xét chi tiết có vẻ không cần thiết nữa vì 100 năm sau đó, vào năm 1986, SPR đưa ra một bản thông cáo báo chí ghi rằng chuyện 'vạch trần' nhà huyền bí học người Nga, bà H.P.Blavatsky, của SPR năm 1885 bị nghi ngờ nghiêm trọng. SPR cho xuất bản bài phê bình mạnh mẽ của tiến sĩ Vernon Harrison trong tạp chí SPR vol. 53, tháng tư 1986, về bản báo cáo năm 1885. Ông Harrison là một hội viên lâu năm của SPR, và là chuyên gia về bút tự, là giám đốc nghiên cứu cho cơ sở ấn loát Thomas De La Rue, chuyên in sổ thông hành, tiền giấy, tem v.v. cho chính phủ Anh.
Bản thông cáo báo chí viết:
– Trọng tâm của sự việc là hai bộ thư có tranh cãi. Một bộ do hai người làm của hội Theosophia tại trụ sở ở Ấn Độ bị cho nghỉ việc, cung cấp, được cho là thư viết tay của bà Blavatsky, làm bà liên can đến việc giả mạo những hiện tượng huyền bí. Bộ thư kia hiển hiện là viết để hỗ trợ hội Theosophia, do những thành viên của một tổ chức huynh đệ đông phương, thường được gọi là các Mahatma. Tiến sĩ Hodgson chấp nhận bộ trước là thư thực, và biện luận rằng bộ thư của các Chân sư là sản phẩm giả mạo của bà Blavatsky và người đồng lõa. Ngược lại, tiến sĩ Harrison đề nghị là những thư gây tội mới là tài liệu giả mạo, do hai người làm bị mất việc soạn ra để trả thù, trong khi bộ thư của các Chân sư, nay được lưu trữ trong thư viện Anh quốc (British Library), không phải là bút tự của bà Blavatsky, dù có ngụy trang hay không.
Người ta cần đọc bản phân tích chi tiết dài của tiến sĩ Harrison về chứng cớ về bút tự. Ông ghi là chứng cớ mà Hodgson tìm ra 'quá yếu, thiên lệch, rối bung tới mức nó dễ dàng được dùng để chứng minh là bà Blavatsky viết cuốn Huckleberry Finns - hoặc tổng thống Eisenhower viết cuốn Mahatma Letters.'
Kết luận của ông Harrison là HPB không viết những thư của Chân sư được chuyên gia của ba cuộc điều tra độc lập khác hỗ trợ. Sau đây là vài điểm chính của vụ Coulomb - Hodgson.
Đầu năm 1884, khi HPB sửa soạn rời Ấn Độ để đi Âu châu, bà đến thăm hoàng thân Harisinghji tại Varel. Cùng đi theo có nhiều người khác và bà Emma Coulomb, với bà Coulomb đặc biệt hỏi xin được đi cùng. Trong vài dịp trước bà Coulomb hỏi mượn ông hoàng 2.000 rupee mà không được, và bà hy vọng lần này sẽ thành công. Khi HPB khám phá ý định ấy, bà la rầy làm bà Coulomb tức giận, quyết trả thù:
– Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bà trong suốt đời còn lại của tôi, và sẽ gây hại cho bà với hết sức mình.
HPB không ngạc nhiên là bà Coulomb có ý nghĩ không lành đối với bà. Bà viết cho ông Sinnett:
– Bà bắt đầu xếp đặt việc lừa gạt từ năm 1880, từ ngày đầu tiên đặt chân lên Bombay, trụ sở của hội Theosophia khi ấy, cùng với chồng bà, cả hai không giầy dép, không tiền và đói khát. Bà đề nghị bán bí mật của tôi cho mục sư Bowen của tờ Bombay Guardian vào tháng bẩy 1880, và thực sự bán nó cho mục sư Patterson vào tháng năm 1885 ... Tôi có gì để than phiền chứ ? Chân sư đã để cho tôi quyết định giữa việc làm theo lời dạy của đức Phật, ngài khuyên chúng ta chớ nên quên cho ăn ngay cả một con rắn chết đói, không chút sợ hãi là nó có thể quay lại và cắn bàn tay cho nó ăn – hoặc phải đối đầu với karma chắc chắn sẽ trừng phạt ai quay mặt đi trước cảnh tội lỗi và khốn cùng, hoặc không cứu giúp người có tội và người khổ đau.
Trước khi HPB đi Âu châu, bà Coulomb xin cho hai ông bà có độc quyền ra vào những phòng bà Blavatsky ở lầu hai để giữ cho chúng không bị hư hại. Khi HPB phản đối là bà đã cho phép bác sĩ Hartmann dùng thư viện của bà, Emma tỏ ra lo lắng và khăng khăng rằng nếu ông hay bất cứ ai khác có thể vào phòng thì bà 'không nhận trách nhiệm' về chuyện gì có thể xẩy ra. Khi đó HPB chấp thuận yêu cầu của bà.
Trong số những người tại Adyar, ông Olcott là người ít nghi ngờ hai ông bà Coulomb nhất, cả hai tỏ ra thân thiện đối với ông. Họ làm việc nhiều và làm giỏi dang. Vào ngày 5 tháng tư, lúc ông đi cùng Mohini từ Paris sang London, ông nhận được một thư của Chân sư theo cách lạ lùng. Thư viết:
– Đừng ngạc nhiên nếu con nghe có chuyện gì tại Adyar. Cũng đừng nản lòng. Có thể con có chuyện bực bội lớn trong nhà phải giải quyết, tuy chúng ta cố gắng ngăn ngừa nó trong giới hạn của karma. Các con đã nuôi dưỡng một kẻ phản bội và thù địch trong nhà từ mấy năm qua, và phe truyền giáo sẵn sàng dùng điều gì mà dụ được bà cho họ. Đang có âm mưu diễn ra. Bà bực tức vì có ông Lane Fox và quyền hạn mà con giao cho Hội đồng Kiểm soát.
Tại Ấn Độ, một lá thư khác gửi cho bác sĩ Hartmann là trưởng Hội đồng Kiểm soát, theo cách huyền bí và ghi:
– Trong một khoảng thời gian qua bà đã liên lạc công khai, thường xuyên với người thù nghịch đối với công cuộc TTH, là vài nhà truyền giáo. Bà mong họ sẽ trả hơn 2.000 rupee nếu bà giúp họ làm sụp đổ thanh danh, hoặc ít nhất làm tổn hại cho Hội, bằng cách gây hại cho uy tín của hai vị sáng lập. Do đó có ám chỉ về 'cửa bí mật' và các thủ thuật đánh tráo. Hơn thế nữa, khi cần thì sẽ khám phá ra cửa bí mật vì họ đã chuẩn bị trước rồi ... Hãy giữ kín hết sức những điều nói ở trên nếu con muốn ở thế mạnh. Đừng để cho bà nghi ngờ là con đã biết chuyện, nhưng nếu con muốn có lời khuyên thì hãy cẩn thận. Tuy nhiên hãy hành động đừng chậm trễ.
Hội đồng không hành động ngay, mà khi hành động thì lại có biện pháp thái quá. Ngày 14 tháng năm có cuộc duyệt xét và hai ông bà Coulomb bị cáo buộc là phạm một số lỗi gồm đòi tiền, tống tiền, vu khống, và lạm dụng tiền của Hội. Không có phản bác nào đối với những cáo buộc này, và hai người bị trục xuất. Hội đồng có thể mừng là sau rốt tống khứ được người sinh chuyện, nhưng hai ông bà Coulomb đi thẳng tới các nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo và đề nghị bán những thư ngụy tạo để trả thù.
Ông R.A.V. Morris viết:
(Từ trước tới nay) các nhà truyền giáo có được sự việc diễn ra theo ý họ. Với lợi thế của sắc dân cai trị hỗ trợ sau lưng, họ có thể tự nhủ rằng đạo Bà La Môn, là giáo điều của sắn dân 'thấp kém', nên bắt buộc phải là tôn giáo thấp kém, chắc chắn sẽ tàn lụi và theo với thời gian sẽ được thay bằng Thiên Chúa giáo. Do đó khi tờ The Theosophist ra đời và một nhóm người Âu châu (và một người Mỹ) khởi sự phong trào tích cực làm sống lại những tôn giáo bản xứ với sự tinh tuyền thưở đầu, các nhà truyền giáo nhìn ra nguy hiểm đối với sự thượng tôn chủng tộc và tôn giáo của họ, và chọn chiến thuật thiếu danh dự là bôi lọ uy tín của người lãnh đạo phe đối nghịch, như là bước đầu tiên để đẩy bà và hội của bà ra rìa.
Hội đồng Kiểm soát thực ra muốn trục xuất hai ông bà Coulomb từ mấy tuần trước, nhưng ngưng lại khi nhận được thư sau của đức KH:
– Bao lâu ai chưa phát triển ý niệm toàn thiện về công bình, họ nên phạm sai lầm vì tình thương hơn là có hành động bất công dù nhỏ thế mấy. Bà Coulomb là người đồng cốt và như vậy không có trách nhiệm về nhiều điều bà có thể nói hay làm. Cùng lúc bà là người tử tế và có lòng từ thiện. Người ta phải biết cách đối xử với bà để khiến bà thành bạn rất tốt. Bà có khuyết điểm của mình nhưng ảnh hưởng xấu của chúng có thể giảm thiểu bằng cách gợi trong trí bà ý nghĩ đạo đức bằng cảm nghĩ thân thiện và tốt lành.
Bản tính đồng cốt của bà giúp được ta về chiều hướng này, nếu sử dụng đúng cách. Vì vậy ta mong muốn là cho bà tiếp tục phụ trách công việc nhà; dĩ nhiên là Hội đồng Kiểm soát giám thị, và hội ý cùng với bà để không có chi tiêu không cần thiết. Có nhiều cải tổ cần làm, và có thể làm với sự giúp đỡ thay vì chống đối của bà Coulomb ... Đưa thư này cho bà Coulomb xem để có thể là bà hợp tác với các con.
Khi Hội đồng ra lệnh cho hai ông bà Coulomb rời khỏi Hội, họ từ chối không đi đâu cho tới khi HPB về. Khi đó Hội đồng gửi điện tín cho bà ở Paris để được bà ưng thuận. Có vẻ như bà miễn cưỡng làm theo, vì bà gửi điện tín cho hai ông bà Coulomb như sau:
– Rất tiếc hai ông bà phải đi. Xin chúc thành đạt.
...
Sau khi đã trục xuất hai người, Hội đồng lập tức lên lầu hai xem xét, và kinh ngạc khi thấy những gì ông Alexis Coulomb đã làm trong lúc độc quyền ra vào nơi đây. Khi ông Judge từ London qua với ông Olcott và được bà Blavatsky cho toàn quyền điều khiển, ông mở cuộc điều tra trọn vẹn. Đi vào phòng ngủ của HPB, ông thấy một khung trống chưa làm xong trong tường ngăn phòng ngủ với phòng họp riêng và thư viện bên cạnh, thư viện mới được thêm vào năm trước. Một bên trong phòng họp có tủ gọi là tủ thờ, cất hình các Chân sư và những vật kỷ niệm trong thời gian bà sống chung với các ngài tại Tây tạng, và là nơi một số hiện tượng xẩy ra, như đồ vật từ xa được mang tới đây theo cách huyền bí. Hiển nhiên ông Coulomb có dụng ý là khung trống mà ông làm sẽ mở ra ngay sau tủ thờ, vì khi hai ông bà thú nhận là đồng loã với HPB trong việc giả mạo hiện tượng, họ nói là một trong hai người sẽ đứng sau chỗ này và đặt vật hay thư vào tủ thờ.
Ông Coulomb không có giờ làm xong khung trống. Ông Judge viết là nó còn mới quá tới nỗi bốn bề của nó còn lồi lõm không trơn láng, và thạch cao còn rơi vãi trên sàn. Trong phòng ngủ, ông Coulomb đặt một cái tủ có vách giả để che cái khung trống trong tường. Lời chứng của ông Judge có đoạn:
– Cái vách còn mới quá không sử dụng được, người ta phải đá mạnh vô nó để nằm vào chỗ mới cho thấy là có nó trong tường. Vật này không được xếp đặt trước, không thoa dầu cho trơn tru và không được bào láng. Ông Coulomb đã bị cho nghỉ việc trước khi có giờ làm xong. Trong căn phòng trổ ra hành lang ông đã khôn khéo làm một bức vách ... Nó chưa làm xong và người ta phải dùng lực mới mở ra, và chỉ mở được bằng búa. Trong phòng trước ông cũng làm một vách khác lấy ra được... Tôi phải dùng búa và dùi để mở nó. Những vật này được phác giác và xem xét trước mặt nhiều người, rồi khi đó và tại đó họ viết ý kiến của họ trong cuốn sổ tôi đưa ra dành cho việc ấy, và sổ này hiện cất tại trụ sở hội.
Hiển nhiên trọn việc sắp xếp này được làm sau khi chuyện đã rồi, để cho nó hợp với cáo buộc là có giả mạo. Có nhìn nhận là ông Coulomb làm nó vì tiền, bởi vài ngày sau khi chúng tôi đã hoàn tất việc xem xét, hiệu trưởng trường Christian College đến Hội – điều mà ông không hề làm trước đây –, và hỏi xin cho ông cùng các bạn của ông được xem căn phòng và tủ thờ.
Ông gần như năn nỉ chúng tôi để cho ông đi lên lầu, nhưng chúng tôi không cho vì thấy ông chỉ muốn có kết cục cho điều mà ông gọi là 'vạch trần'. Khi đó bác sĩ Hartmann hỏi ông trước mặt tôi, là đã trả công bao nhiêu cho ông Coulomb về việc làm của ông ta, và ông trả lời, có hơi bị bất ngờ không đề phòng, là đã trả khoảng 100 rupee. Điều này thuận với tờ biên bản của bác sĩ Hartmann là ông Coulomb tới gặp ông (sau khi bị trục xuất) và nói rằng có người chịu trả ông 10.000 rupee để phá hoại Hội. Ông Coulomb chỉ phóng đại số tiền để xem chúng tôi có thể trả hơn hầu mua chuộc ông giữ im lặng.
Lời chứng của ông Judge được đăng trên hai tờ tạp chí định kỳ tại Boston, và dường như ông Hodgson và những người điều tra khác về sau không biết tới chúng. Hodgson đến nơi sáu tháng sau khi ông bà Coulomb đã rời Hội. Tới lúc này thì cảnh bề bộn mà ông Alexis Coulomb để lại đã được dọn sạch, và lỗ hổng trong tường đã được lấp kín.
Nay ta nói về những thư được cho là (1) do HPB viết và (2) giả mạo như là thư của Chân sư.
Nói về (1), năm 1986, tiến sĩ Vernon Harrison xem xét lại bản cáo trạng Hodgson năm 1884 và khám phá chữ viết của ông Alexis Coulomb và của HPB giống nhau lạ lùng. Do vậy, chuyện không có gì khó khi ông Coulomb giả mạo những thư buộc tội cho bà. Ông Harrison có vẻ không biết vào lúc HPB ngụ tại Adyar thì chữ viết giống nhau này là điều ai cũng biết. Có lần HPB viết cho ông Sinnett:
– Chữ viết của ông Alex Coulomb giống chữ tôi một cách tự nhiên. Mọi người đều biết có lần Damodar bị gạt khi nhận được lệnh viết theo chữ viết của tôi, yêu cầu lên lầu vào phòng ngủ của tôi ở Bombay để gặp tôi, trong khi tôi đang ở tại Allahabad. Đó là một trò đùa của ông Coulomb, thích thú là đã gạt được Damodar – một chela (đệ tử) – và làm hình giả dạng như tôi nằm trên giường khiến Damodar kinh ngạc, và cười anh chàng đến ba ngày. Điều không may là mẫu giấy đó không được giữ lại. Ông viết không để nhằm vào hiện tượng nào mà chỉ để chọc cười, và viết nhiều mẫu như vậy. Và nếu ông có thể bắt chước thật khéo chữ viết của tôi trong mẫu thư ngắn, thì tại sao ông lại không thể chép lại (ông có bốn năm để học và làm nó) mỗi thư của tôi gửi cho bà Coulomb trên cùng loại giấy, và viết bất cứ chuyện gì ông muốn ? Chân sư cho tôi thấy cảnh ở cõi trung giới ông Coulomb ngồi ở bàn của mình chép lại một mẫu giấy của tôi. Ông nghĩ người ta có tin lời trình bầy của tôi không ? Vậy có ích gì ?
Tiến sĩ Harrison vạch ra rằng:
– Phương thức mà cuộc điều tra của Hodgson làm theo có sai lầm lớn lao, khi ông dường như không hề xem xét các thư của ông bà Coulomb, và ông bỏ qua một số mẫu thư ... trong bản tường trình những thư được xem là buộc tội HPB.
Từ đây trở đi, ông Hodgson không còn thể gọi mình là người điều tra vô tư. Thay vào đó ông trở thành nhân chứng thù nghịch và phải được xem là như thế.
(còn tiếp)
Thông Báo
Hiện PST đang cần hình của hội quán Hội Thông Thiên Học Việt Nam trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, trước 75 để đưa vào sách Theosophical Encyclopedia, ấn bản thứ hai. Rất mong quí độc giả trợ giúp bằng cách nếu có hình mặt tiền của hội quán xin vui lòng scan và gửi file theo email về cho báo. Xin đừng gửi hình bằng bưu điện vì nếu thất lạc thì rất đáng tiếc. Nếu quí vị biết ai khác có hình xin cho PST hay để liên lạc, ngoài ra PST cũng mong có được tất cả những hình ảnh khác về hội Việt Nam bằng cách scan hình như vừa nói.