ĐIỂM TRANG WEB

 

Trên internet có rất nhiều trang web Anh ngữ trình bầy về Minh Triết Thiêng Liêng (MTTL) và những đề tài tương tự, một số trang rất có giá trị và ngoài ra có trang có nội dung khiến ta phải cảnh giác. Để giúp bạn đọc chọn lựa trang đáng tin cậy, PST xin giới thiệu vài địa chỉ mời bạn vào xem.

I. Tổng Quát.
Trước tiên những trang đứng đắn là trang thuộc về ba hội chánh và các xứ bộ, ta có trang của hội Thông Thiên Học quốc tế tại Adyar, Chennai (tên cũ là Madras), Ấn Độ; tại Pasadena, California, Hoa Kỳ và United Lodge cũng tại California, Hoa kỳ. Kế đó là trang của xứ bộ như xứ bộ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Úc, Đức v.v. Điểm chung của các trang là trình bầy MTTL theo quan điểm của hội mà xứ bộ thuộc về hay xứ bộ với sách của bà Blavatsky là trụ cột, theo đó trang của hội chánh tại Pasadena thuộc về nhóm ông Judge nên đại đa số bài viết là của H.P.B và ông William Quan Judge; trang của United Lodges đăng bài của ông Robert Crosbie và những vị cùng nhóm; trang của hội chánh tại Adyar có bài vở theo chủ trương của bà Annie Besant, ông Leadbeater và những người đồng ý tưởng. Vì vậy, đây là những trang bạn nên đọc khi muốn tìm hiểu về hoạt động, đường hướng của một nhân vật hay hội chánh đặc biệt nào.
Nói về trang của các xứ bộ thì mỗi trang một vẻ, tuy chúng đều nhắm tới việc quảng bá MTTL cho công chúng nhưng mỗi xứ bộ theo phương cách riêng biệt và bên cạnh mục đích chung còn có nhiều mục đích riêng. Có hai khuynh hướng đáng nói hiện nay, thứ nhất là đa số nhìn nhận có nhu cầu trình bầy MTTL theo cách thức hợp với tư tưởng của thế kỷ 21, nên có nhiều nỗ lực hướng về phần việc này. Các đề tài căn bản như Luân Hồi, Nhân Quả, Cuộc Tiến Hóa được diễn giải bằng ngôn ngữ, quan niệm đương thời để người đọc không cảm thấy xa lạ như khi đọc các tác phẩm viết cách đây hơn trăm năm cho một bối cảnh xã hội khác và tâm thức khác. Trang của các xứ bộ thể hiện rõ khuynh hướng này, vào trang của xứ bộ Anh ta thấy những bài viết công phu của tác giả Geoffey Farthing về MTTL. Thực ra đó là nguyên tác phẩm của ông được đem lên web thí dụ như quyển Exploring the Great Beyond. Trang của xứ bộ Hoa Kỳ có bài viết về cùng đề tài mà theo góc cạnh khác, do đó khi đọc các trang web khác nhau điểm thú vị là ta học được nhiều quan điểm bổ túc cho nhau, làm đề tài quen thuộc trở thành sinh động, hào hứng.
Loại trang web khác là của các nhóm hay cá nhân có nhiều chủ trương riêng biệt, với khuynh hướng thứ hai đang có nhiều người theo, là việc xem xét chẳng những lịch sử của hội nhất là giai đoạn sinh thời của H.P.B. và luôn cả tài liệu và hoạt động của các nhân vật có liên quan ít nhiều với bà và với hội. Có sự việc ấy vì càng lúc các tác phẩm của H.P.B càng được quý chuộng, giá trị của chúng được nhận biết rõ thêm nhưng con người của H.P.B. tiếp tục là một bí ẩn, do đó không ngừng có các nghiên cứu nhằm hiểu rõ thêm về bà. Kể sơ thì một số tài liệu mới được khám phá nay chuẩn bị in thành sách, như biên bản các buổi họp của chi bộ Blavatsky lúc bà còn sống và trả lời câu hỏi về bộ Giáo Lý Bí Truyền (The Secret Doctrine) khi hội họp, hoặc thư của bà và thân nhân đã được biết từ lâu nhưng bằng tiếng Nga chưa hề được dịch trọn vẹn sang Anh ngữ, tài liệu khác cũng bằng tiếng Nga và chỉ được trích dịch một phần rải rác. Nay cả thư, các tài liệu được ghi chú kỹ lưỡng, xếp đặt thành sách và đưa lên trang web có giá trị lịch sử rất cao.
Mặt khác, một số người đồng thời với bà cũng là nhân vật đáng chú ý, để lại tác phẩm nêu lên quan điểm riêng và hiểu biết của họ về MTTL. Sách được viết bằng ngoại ngữ khác Anh văn nên không được phổ biến sâu rộng, chỉ mới gần đây có chủ trương dịch chúng sang Anh ngữ để phổ biến rộng rãi cho người dùng Anh ngữ và đem lên trang web. Sự việc nhiều chuyện cũ được khám phá khiến người ta nhìn lại lịch sử bằng nhãn quan mới, cho ra các nhận xét sâu sắc hơn, hiểu câu chuyện đúng đắn hơn và sinh lòng cảm phục nhiều hơn đối với H.P.B. và các nhân vật khác.

II. Các Trang Web.
Ta có nhiều trang web chú trọng hoặc mặt lịch sử của phong trào Thông Thiên Học (TTH) từ thế kỷ 19, hoặc chuyên về H.P.B, những tài liệu giá trị về MTTL từ khi thành lập hội đến nay v.v. Trong số này, vài trang đáng chú ý nhất được đề cập sau đây.

1. blavatskyarchives.com.
Đây là trang đáng cho bạn vào xem hơn hết. Như tên gọi, trang chuyên về H.P.B. và có tài liệu về bà dồi dào hơn những trang khác, hoặc bài do chính bà viết hoặc do người đồng thời viết về bà. Người chủ biên là Daniel Caldwell, ông tin rằng muốn nghiên cứu hữu hiệu một đề tài thì cần so sánh những quan niệm khác nhau, nên trong trang web có bài của người quý chuộng bà mà cũng có bài của người không hâm mộ H.P.B. Cả hai cái nhìn được trưng ra cho người đọc tự đi tới kết luận riêng của mình.
Bởi cuộc đời của H.P.B. gắn liền với hoạt động của hội, tài liệu về bà cũng là tài liệu về hội thuở ban đầu, do đó một công hai chuyện trong trang web này ta vừa đọc được về con người, sinh hoạt, những thăng trầm, khó khăn và thành công của H.P.B. mà cùng lúc biết được về lịch sử của hội trong những ngày đầu trên đất Hoa Kỳ, rồi Ấn Độ. Nhiều chi tiết hết sức lý thú nên một số bài được chọn đăng trên trang web của PST, để hội viên biết rõ thêm công lao của hai vị thành lập hội. Thí dụ cho vài bài đặc biệt hoặc vì nội dung có tính cách lịch sử, hoặc đưa ra dữ kiện độc đáo, là bài hồi ký của ông Chetty G. Soobiah về việc mua Adyar làm trụ sở hội năm 1882, và bài của ông James Pryse về hậu thân của HPB.
Trang web trình bầy rất công phu cho thấy người chủ biên là ông D. Caldwell nghiên cứu sâu rộng, nói thêm thì ông là một học giả đã nghiên cứu về HPB và hội nhiều năm. Trong phần Blavatsky, mỗi mục có đoạn ngắn ghi tóm tắt lai lịch, nội dung và những điểm đáng chú ý của bài, thí dụ như ta được cho biết thư của chân sư K.H. nhận được trong nhà ông bà Gebhard ngày 25-8-1884 chưa hề được xuất bản trước đây. Xuất xứ những bài này rất đỗi khác biệt, từ báo Hoa Kỳ, Ấn Độ, Anh, Pháp, Nga; ông Caldwell sưu tầm, tìm tòi giúp cho bao kẻ khác có cơ hội được biết như ông nên ông xứng đáng nhận lời cám ơn nồng hậu của ai muốn nghiên cứu về MTTL nói chung và HPB, lịch sử hội nói riêng. Bạn sẽ không thấy uổng công hay phí thì giờ khi vào trang web này.
Ngoài phần bài vở còn có phần hình ảnh, trang có rất nhiều hình của H.P.B. và ông Olcott, từ hình thiếu nữ trước khi lập gia đình cho tới hình trong những giai đoạn về sau của đời bà. Những hình này xem bằng cách vào mục Photo Gallery của trang web. Phần chính của trang là về các bài viết của H.P.B. hay bài của người khác về bà, nhưng trang còn giới thiệu nhiều tác phẩm về MTTL của những tác giả sau này, viết cho độc giả của thế kỷ 21, thư mục của trang vì vậy rất đáng chú ý. Sách đa dạng, thuộc nhiều tác giả, nhiều đề tài, cảm tưởng đầu tiên là các tác giả đáng tin cậy. Bạn sẽ gặp những tác giả mới của thế kỷ 20 và 21, do đó sẽ có hơi xa lạ với ai đã đọc sách vở và tác giả thường nghe nhắc tới trong hội. Ấy là điểm đáng mừng vì nó là dấu hiệu muốn nói hội tiếp tục sứ mạng của nó, hội viên có nỗ lực trình bầy chân lý bất biến cho phù hợp với thời đại mới, làm cho MTTL tiếp tục sống động trong đời.
Một điểm khác làm trang hữu dụng nhiều hơn so với những trang tương tự là phần nối kết với các trang web khác; khi vào mục Search & Find bạn sẽ gặp phần TheosophyLinks.net, đây là cửa ngõ dẫn đến rất nhiều trang khác cũng chuyên về MTTL, bạn có thể dành nhiều ngày giờ chỉ riêng cho mục này để tìm hiểu về sinh hoạt của các nhóm học hỏi MTTL trên internet. Từ đây bạn có thể đi qua những tổ chức cùng mục tiêu với hội như Lucis Trust chuyên về sách của Alice A. Bailey (www.lucistrust.org), Agni Yoga (www.agniyoga.org), tổ chức quảng bá tư tưởng của Krishnamurti (www.kfa.org). Phần TheosophyLinks.net là đặc điểm khác nói lên tinh thần cởi mở của người chủ biên không phân biệt những tổ chức cùng truyền bá MTTL, điều ít thấy ở những trang web khác, làm cho trang web thêm phần giá trị và đáng khen ngợi.
Điểm chót đáng nói là càng ngày càng có chú ý về HPB nên có nhiều nỗ lực hơn nhằm truy tìm các tài liệu lịch sử, hay xem xét lại quan điểm đã có trước đây về bà. Hoạt động này khiến cho sách vở, bài viết xưa được khám phá hay dịch sang Anh văn, thí dụ tài liệu của người đồng thời với HPB viết bằng Đức ngữ, Pháp văn v.v. Trang web được cập nhật luôn với bài mới lý thú, và đó là lý do ta nên thăm thường xuyên, phần thưởng nếu có sẽ là khám phá và ngạc nhiên đầy thú vị.
Trang trình bầy nhiều mặt của một vấn đề để có công tâm và quân bình, cho đăng bài đáng giá lẫn bài mà tư tưởng không đáng nói và có khi sai lạc, thế nên người đọc cần cảnh giác với một số bài và vài tác giả. Trang có công lớn trong việc truy lục tài liệu xưa, trưng ra những văn kiện từ thế kỷ 19 giúp ta mường tượng rõ hơn bối cảnh ban đầu của hội, tuy nhiên không phải văn kiện nào cũng hữu ích hay có giá trị. Sự việc phức tạp thêm khi có tác giả về sau thay đổi lập trường, viết bài ngược hẳn với ý của họ đã nêu ra mấy năm trước, thí dụ như William Brown.

2. www.blavatsky.net
Nếu chỉ muốn tìm hiểu về bài viết của HPB thì xin giới thiệu trang web blavatsky.net. Đây là một trang web cũng chuyên về H.P.B. nhưng không đa dạng bằng trang vừa nói. Dầu vậy trang có nội dung rất quí báu và nếu xét riêng về mặt số bài viết của H.P.B. được đăng thì nó đứng hàng đầu. Trang tự đặt cho mình sứ mạng truyền bá giáo huấn của H.P.B. nên đã đưa lên web 236 bài viết của bà, chưa kể những tác phẩm đồ sộ như The Secret Doctrine, Isis Unveiled có danh mục đầy đủ (Ind ex), các bài viết đăng rải rác trên The Theosophist, Lucifer, Le Lotus Bleu, The Path v.v. do đó hết sức phong phú và đầy đủ và như thế là một mỏ vàng cho ai muốn tìm hiểu về MTTL. Bởi trang chỉ giới hạn chính yếu vào hai nhân vật H.P.B và William Quan Judge, bạn có thể an tâm đọc bài trên trang; đây cũng là cơ hội tốt đẹp để làm quen với tư tưởng của ông Judge vì sách của ông ít được biết tới ngoài hội TTH tại Pasadena, California dù chúng có giá trị rất cao. William Quan Judge là một trong những sáng lập viên của Hội; ngoài hai vị HPB và ông Olcot, ông Judge là người thứ ba có công lớn lao trong việc nuôi dưỡng, gầy dựng cho phong trào MTTL tăng trưởng trong những năm đầu tiên tại Hoa Kỳ Một số người tin rằng cách hay nhất để học hỏi MTTL là đọc sách của ông Judge trước làm phần dẫn nhập, sau đó bắt qua H.P.B. vì theo họ ông Judge có lối trình bày dễ hiểu cho ai chưa biết gì về MTTL. Bạn có thể tự chứng thực điều này cho mình bằng cách đọc các bài của ông trong trang.
Riêng về H.P.B., một số nhỏ các bài bàn về chuyện đương thời khi ấy mà HPB quan tâm hay bắt buộc phải đối phó, thí dụ sự tấn công của người khác vào hội hay MITTL, và vì vậy có tính cách lịch sử hơn là giá trị tâm linh; còn thì đại đa số các bài là chỉ dạy về MTTL đáng cho ta học hỏi và suy ngẫm luôn. Chúng đưa ra quan điểm của HPB về đủ mọi vấn đề mà bởi bà diễn giảng sự việc theo MTTL, nhận xét có giá trị tinh thần, đầy minh triết, áp dụng được cho bất cứ thời đại nào, thí dụ như giải thích về việc phá thai hay tự tử (Is Foeticide a Crime ?). Ngoài ra bạn còn tìm thấy ở đây nhiều sách và bài của các nhân vật có hiểu biết rộng rãi về TTH như Subba Row, B.P.Wadia, A.Trevor Baker. Ta cũng có trọn ba bộ sách của Mabel Collins.

3. Austheos.org.au/campbell.htm
Hội Thesophy tại Úc có thư viện nghiên cứu Campbell, với hai chủ trương chính là làm tổng mục (Index) những bài viết, tác phẩm về MTTL đã xuất bản khắp các nơi, và đưa một số lên trang web. Bạn vào trang bằng địa chỉ trên mà cũng có thể dùng TheosophyLinks.net từ trang số 1 nói ở trên là blavatskyarchives.org, tìm trong mục các thư viện chuyên về sách MTT tên Campbell Thesophical Research Library.
Điểm đặc biệt của thư viện là trong khi các trang web 1, và 2 nghiêng nặng về HPB, ông Judge, lịch sử hội trong khoảng sinh thời của HPB, thư viện Campbell chú trọng luôn đến lịch sử và các nhân vật góp nhiều công sức cho phong trào sau thời của HPB. Trang có bài từ nhiều nguồn khác nhau, đỡ công tìm kiếm cho ai muốn tra cứu kỹ về sách vở và lịch sử hội. Trong số này, một quyển bạn nên đọc là:
The Theosophical Movement 1875 - 1925: A History and a Survey.
Về sau sách được tu bổ và có tên:
The Theosophical Movement 1875 - 1950. The Cunningham Press
Tựa đề cho thấy người soạn hiểu rất chính xác sứ mạng của H.P.B. ấy là bà khởi xướng phong trào TTH trên thế giới vào cuối thế kỷ 19, mà không phải chỉ là lập ra hội TTH; cũng như vị trí đúng đắn của hội là một phương tiện của phong trào, tức có sự phân biệt rõ rệt giữa phong trào và các hội TTH. Nói khác đi phong trào TTH thể hiện qua nhiều hoạt động và tổ chức khác nhau, chúng đều nhằm đưa ra MTTL và cùng được sự quan tâm, hướng dẫn, trợ lực của những đấng cao cả. Ngoài hội TTH, các ngài còn làm việc với những tổ chức khác, có nghĩa hội không hề là hoạt động duy nhất của các ngài. Ta nhấn mạnh điều này bởi có hội viên mang ý nghĩ sai lạc rằng những đấng cao cả chỉ làm việc xuyên qua hội, và sinh lòng chia rẽ. Trở lại sách, cái nhìn sáng suốt cho ra nhận xét đúng đắn nên trong số những sách viết về lịch sử hội, đây là quyển có giá trị rất cao, người ta có thể dùng nó làm tài liệu chính khi tìm hiểu về hoạt động các hội TTH trong giai đoạn ghi ở tựa sách, và bổ túc bằng những sách vở khác.
Ngoài các bài của H.P.B. trang có tài liệu do nhiều tác giả viết nên nội dung phong phú, đa dạng. Ta có những bài của quý vị Annie Besant, Leadbeater, B.P.Wadia. Đặc biệt nhiều bài của tác giả Hodson tuyệt bản từ lâu nay xuất hiện trên website này rất đáng cho bạn tìm đọc, thí dụ như bài nghiên cứu bằng thông nhãn (clairvoyance) của ông Geoffrey Hodson, về đời sống sau khi chết After Death, What ?

4. blavatskytrust.org.uk
Trang này cũng nhằm mục đích truyền bá MTTL qua những giáo huấn mà H.P.B. đưa ra. Chẳng những vậy người phụ trách còn có một đóng góp khác rất hữu ích là soạn danh sách đề nghị những tác phẩm nên đọc.
Tìm hiểu thì tổ chức Blavatsky Trust được ba hội viên người Anh lập vào năm 1974, đó là các ông Geoffrey Farthing, Christmas Humphreys và Graham Nicholas, với mục đích là khuyến khích việc học hỏi hay nghiên cứu tôn giáo, triết lý và khoa học, và quảng bá kết quả của việc học hỏi hay nghiên cứu đó cho công chúng. Mục đích của tổ chức vì vậy phản ảnh mục tiêu thứ ba của hội, thêm vào đó một trong những hoạt động chính của tổ chức là phổ biến MTTL qua việc phát hành sách, phim, video và trang web trên internet. Bạn có thể tin tưởng trang này hoàn toàn do uy tín của hai nhân vật sáng lập là Christmas C. Humphrey, một luật sư và thẩm phán tại Anh, nhân vật tiếng tăm trong việc truyền bá Phật giáo ở cá nước tây phương, và ông Geoffrey Farthing, một kỹ sư, đã đóng góp công sức lớn lao cho hội trong 60 năm qua với những chức vụ khác nhau trong hội tại Anh, hội chánh tại Ấn, liên hội TTH Âu châu.
Hai ông Geoffrey Farthing và Christmas Humphrey không xa lạ với ai theo dõi sinh hoạt của hội trên thế giới, cả hai có công trình lớn lao trong việc nghiên cứu MTTL và mỗi người đã xuất bản nhiều tác phẩm. Ông Geffrey chú trọng về các đề mục mà H.P.B. đưa ra trong sách của bà, ông được xem là một trong những vị trình bầy MTTL thông thạo nhất lúc này cũng như là một trong những tư tưởng gia giỏi dang nhất về MTTL. Ông nghiên cứu MTTL từ 60 năm qua, đi thuyết giảng ở nhiều nước, giữ nhiều chức vụ trong hội thí dụ như hội trưởng xứ bộ Anh, nhân viên của hội chánh tại Adyar và liên hội Âu châu.
Về phần Christmas Humphrey ông thiên về Phật giáo nhiều hơn. Ông là luật sư sau trở thành thẩm phán, song song với hoạt động nghề nghiệp ông còn nỗ lực tìm hiểu MTTL và Phật học, thành lập hội Phật học tại London nay trở thành một tổ chức lớn nhiều uy tín, còn chính ông đã viết sáu quyển sách về Phật học.
Để giúp người mới đến với hội trong thế kỷ 21 muốn tìm hiểu về MTTL, trang web ghi ra một số sách từ giản dị đến thâm sâu của nhiều tác giả trong đó chính yếu là H.P.B. và một số người đương thời. Các sách này trước tiên giới thiệu MTTL, hội TTH và rồi trình bầy những đề tài căn bản như luân hồi, nhân quả, sự phát triển nội tâm, huyền học, vũ trụ và con người. Nhiều sách trong số trên được đưa vào trang web làm việc học hỏi trở nên dễ dàng, và ai quyết chí bỏ công học hỏi sẽ thâu thập được hiểu biết giá trị. Trang web chú trọng tới mục đích giáo dục nên chỉ dẫn cặn kẽ cách học hỏi MTTL, như giới thiệu sách có nét nhẹ nhàng dễ tiêu hóa cho người mới tìm hiểu, sau đó là sách đòi hỏi nhiều hiểu biết cho ai có chút căn bản, và chót hết là tài liệu cho học viên đã có trình độ đáng kể. Vì tính chất đó, trang web xứng đáng cho bạn đến thăm thường xuyên, chắc chắn việc tìm hiểu sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho bạn.
Ngoài những tác phẩm của HPB, các vị chủ biên có nỗ lực hiện đại hóa MTTL bằng cách trình bầy chúng theo quan niệm và ngôn ngữ đương thời, khiến người của thế kỷ 20, 21 dễ chấp nhận tư tưởng HPB hơn. Các bài viết và sách của ông Farthing dễ đọc, cận nhân tình nên người đọc sẽ đáp ứng thuận lợi tuy nhiên chúng nghiêm trang nên bạn cần quen với cung cách ấy mới nhận ra giá trị đúng đắn của bài. Ông giải thích các sự việc của thời đại ta đang sống bằng hiểu biết theo MTTL, khiến ta học mà vui. Thí dụ khả năng uốn cong được kim loại của Uri Geller làm ta kinh ngạc sẽ hóa ra dễ hiểu, khi biết rằng nó là do nhân vật có ái tính đặc biệt với tinh linh kim loại và sử dụng được chúng. Trong trường hợp khác nhân vật điều khiển được tinh linh lửa sẽ có khả năng trị lửa chỉ bằng lời, phát ra mệnh lệnh dùng ngôn ngữ của tinh linh.
Diễn giải có tính ứng dụng này làm MTTL trở nên lý thú, thực tiễn. Bạn nên đọc hết những bài của ông Farthing trên trang web, thư viện các chi bộ cũng có sách của ông, để khám phá các nét mới mẻ, thú vị của MTTL, hiểu biết mang lại sẽ khiến bạn nhìn cuộc sống với con mắt và quan niệm khácvi Điều cần lưu ý là tên blavatskytrust cũng được một số nhóm khác sử dụng mà nội dung không liên can đến TTH, do đó bạn nên cảnh giác là không phải trang web nào có tên blavatskytrust thì cũng đáng tin.

5. www.katinkahesselink.net
Đặc điểm của trang web này là sự trẻ trung, hiện đại nên đây là trang xin được đề nghị cho các bạn trẻ cùng những bậc cha mẹ muốn giới thiệu MTTL với các con vì sinh trưởng ở ngoại quốc nên không rành Việt ngữ.
Trang do cô Katinka người Hòa Lan chủ trương, viết bằng hai thứ tiếng và người xem có thể chọn đọc bằng Anh ngữ hay tiếng Hòa Lan. Cô là hội viên hội TTH hệ phái Adyar, và là giáo sư trung học môn toán và hóa học. Có nhiều đề tài được đề cập trong trang như MTTL, Phật giáo, Sufi, Krishnamurti v.v. Một đặc điểm của trang là đăng các tài liệu lịch sử hay bài nghiên cứu lịch sử hội. Ta có thể nói người chủ biên gắng sức cập nhật hiểu biết về MTTL, trình bầy chân lý bất biến theo ngôn ngữ và cách suy nghĩ hiện thời, làm nó trở nên dễ hiểu cho người của thế kỷ 21. Bài trên trang web đưa ra cái nhìn mới mẻ, tươi tắn, hồn nhiên đối với những đề tài muôn thuở nên đáng cho ta chú ý.
Katinka đưa ra ý kiến riêng của cô như người học hỏi về MTTL tức đồng hàng với người đọc, thay vì như là một ai chỉ dẫn nhiều kinh nghiệm, do đó dễ cảm thông với thế hệ trẻ. Cha mẹ VN muốn con cái tìm hiểu về MTTL nhưng không rành Việt ngữ có thể an tâm đề nghị con đọc website này, hợp với cách suy nghĩ của người trẻ, còn cho ai vẫn trẻ trong tim, trang web có sự tươi mát, hăng hái rất hợp. Thí dụ có thắc mắc làm sao một người có thể ở trong hội TTH mà cùng lúc nghiên cứu về Krishnamurti, cô Katinka đáp rằng mục đích của Krishnamurti là muốn con người được tự do, nó có nghĩa người ta nên được tự do học hỏi điều gì họ muốn.
Thí dụ khác cho sự thẳng thắn của người chủ biên và cũng được sự đồng ý của nhiều người, là Katinka lưu ý độc giả rằng những bài đăng trên trang thuộc tác quyền của người khác, nhưng cô vẫn cho trình bầy dù biết như vậy là trái luật. Cô không màng ai đang giữ tác quyền, hễ thấy tài liệu lịch sử nào hay, có ích thì cô đưa lên trang web , bởi lẽ giản dị là cô không có lợi gì về mặt vật chất khi làm vậy; nếu tác giả còn tại thế thì cô xin phép họ mà không đá động gì đến nhà xuất bản, vì theo cô tác giả mới là người đích thực có chủ quyền. Bởi cô tin tưởng MTTL cần được truyền bá, cô nhận được hiểu biết miễn phí tuy đăng lên trang web tốn chi phí nhỏ mướn internet, thì mọi người nên được đọc miễn phí.
Trang chú tâm về MTTL, phong trào TTH nói rộng, và không chuyên hẳn về HPB. Nó có nghĩa trang đăng bài về các nhân vật đã đóng góp cho phong trào, tư tưởng của họ, tức hầm bà lằng nhưng ta phải mau lẹ nói ngay đó là những tác giả chọn lọc, bài giá trị. Có bài về Phật giáo như kinh Pháp Cú, bài của Tổ Huệ Năng, đức Dalai Lama, bài của Krishnamurti, A.Besant, C.W.Leadbeater, G.Hodson, N.Sri Ram, Radha Burnier v.v. xứng đáng cho bạn dành nhiều tiếng đồng hồ với trang.
Ngoài những trang nêu trên, có những websites khác cũng về MTTL nhưng có tính giới hạn hơn:
- www.alpheus.org
Trang web www.alpheus.org đề cập tới Cyril Scott, David Anrias và Krishnamurti, nhưng nói chung không có gì mới mẻ, theo nghĩa ý kiến trên trang web được trích từ trong sách của các nhân vật mà không phải là khám phá hay suy luận của người chủ biên. Ta giới thiệu trang này vì ba nhân vật trên có hoạt động liên quan đến hội, tư tưởng của họ đáng được biết tới, và thỉnh thoảng trang có mục đặc biệt đưa ra các nhận xét khác nhau, mở rộng tầm nhìn người đọc, thí dụ như hội thảo về Krishnamurti có sự đóng góp của nhiều nhân vật tiếng tăm.
- www.theohistory.org
Chuyên về lịch sử hội hơn là nhằm trình bầy và truyền bá MTTL, do đó mang tính cách sử học thay vì trưng ra chân lý. Cũng vì vậy, nội dung các tài liệu có tính chất sách vở (academic) như phân tích, biện luận một giả thuyết, định đề mà tác giả đưa ra, nặng về phần trí hơn là phần tuệ theo nghĩa không dùng trực giác. Đa số bài có thể cho thêm kiến thức về lịch sử nhưng không giúp có giác ngộ; cũng như ý kiến đưa ra không đáng tin cậy hoàn toàn.
Có nhiều bài nghiên cứu công phu trong trang web, tuy nhiên chúng không có nét tâm linh tương xứng đi kèm. Bài viết có khuynh hướng nghiêng về kiến thức, nặng tính cách sách vở, khảo cứu hơn là trưng ra sự sống và chân lý; lại nữa một số bài đưa ra nhận xét không chắc có phần đúng nên người đọc cần cảnh giác, thí dụ tài liệu về Cyril Scott, David Anrias mang tên Cyril Scott and a Hidden School: Towards the Peeling of an Onion by Jean Overton Fuller. Tác giả Fuller viết nhiều tác phẩm giá trị, tuy nhiên người ta nên dè dặt với tập sách nhỏ vừa nói. Các tài liệu khác cũng nên cẩn trọng là bài của John Patrick Deveney được quảng cáo trên trang web này, và tập sách nhỏ Autobiography của nhân vật có đóng góp rất đáng kể cho phong trào TTH là ông Alfred Percy Sinnett.
A.P. Sinnett viết quyển tự thuật lúc ông đã cao tuổi, vào những năm tháng cuối đời; sách có dấu hiệu muốn nói tri thức của ông không còn vững mạnh như trước, viết nhiều điều rất đáng ngờ. Ông là người có công rất lớn trong giai đoạn đầu của hội trên đất Ấn, quyển The Occult World của ông đã làm thế giới tây phương chú tâm đến triết lý của hội đưa ra, nó trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trong xã hội. Những sách khác của ông tiếp tục làm tăng sự chú ý, giúp cho vị thế của hội được vững mạnh trong giới trí thức tây phương hồi cuối thế kỷ 19. Hơn hết thẩy, tác phẩm lớn mà ông gián tiếp để lại cho đời và xứng đáng nhận lòng biết ơn sâu xa của bao thế hệ người học hỏi MTTL là cuốn The Mahatmas' Letters to A.P. Sinnett. Ta ghi 'gián tiếp' vì ông không tự mình viết mà chỉ lưu lại các bức thư, sau này Trevor Baker và nhiều người khác xếp đặt lại thành sách. Đây là quyển không thể không có trong tủ sách MTTL.
Sang đầu thế kỷ 20, lúc hơn 80 tuổi, A.P. Sinnett viết tự thuật Autobiography. Thoạt tiên có vẻ như nó chỉ là tập bản thảo đánh máy, được lưu hành nhiều năm trong một số nhỏ các thân hữu và sau đó trong nhóm giới hạn các hội viên, mà không xuất bản thành sách. Đầu thế kỷ 21 bản thảo được in thành sách và được giới thiệu hăng hái trên web, ca ngợi như là tài liệu đáng giá về lịch sử hội. Thành thực mà nói thì ... Amen, bạn phải hết sức cẩn trọng, phân biện khi đọc cuốn này, bởi có lẽ do tuổi đã cao, cái nhìn không còn sáng suốt, ông ghi một số điều mà ai có chút hiểu biết về MTTL sẽ không viết, cho thấy ông sống trong huyễn tưởng dầy đặc những ngày cuối đời. Chẳng hạn ông thuật là các Chân sư vẫn còn liên lạc với mình (trong khi việc ấy đã chấm dứt từ hằng chục năm trước), và một lần có khoảng 10 vị họp tại nhà ông. Có lẽ nên đọc với một nụ cười.
Đó là những trang web về MTTL, HPB và lịch sử hội, nếu muốn biết về hoạt động của các hội TTH thì có rất nhiều websites, sau đây chỉ xin liệt kê vài địa chỉ chính:
A. Hệ phái Adyar:
- www.ts-adyar.org: website của hội chánh tại Adyar, Ấn Độ.
- www.theosophical.org là website của hội TTH Hoa Kỳ.

B. Hệ phái Pasadena:
- www.theosociety.org: website của hội chánh tại Padasena, Ca. Hoa Kỳ.
-www.blavatsky.netđã nói ở trên.

C. Hệ phái United Lodges:
- www.theosophycompany.org
- www.theos-world-com
Về những tổ chức khác có cùng mục đích trình bầy MTTL mà theo đường hướng khác với hội TTH, hai website bạn có thể mạnh dạn tin tưởng và nên vào xem là:
- www.lucistrust.org
trình bầy các sách của Alice A. Bailey.
- www.agniyoga.org
chuyên về các tác phẩm của Elizabeth Roerich (Agni Yoga) và Nicolas Roerich (nghệ thuật và triết lý).
Trên đây là giới thiệu tóm tắt chỉ vài trang web về MTTL, còn rất nhiều trang khác ta không thể nào liệt kê hết được. Một số trang dùng chữ theosophia trong tên website, nhưng nội dung thiếu phần đạo đức gây hiểu lầm cho ai chưa biết MTTL, vì vậy ta cần cảnh giác nhiều khi đọc các trang trên internet. Để giúp bạn trong việc tìm hiểu MTTL và lịch sử hội, lần lượt PST sẽ cho đăng những bài viết chọn lọc của H.P.B. và nhiều tác giả khác về hai mục này, và nếu được độc giả xa gần góp sức thì đó là vạn hạnh cho tất cả chúng ta.