1001 CHUYỆN

1001 Chuyện

Bài 32

 

Trở Về Mục 1001 Chuyện 

Có nên học để xuất hồn không Bo, nghe kể chuyện viện Monroe (The Monroe Institute) có những khóa học xuất hồn thấy ham quá !
Việc làm của tổ chức này đáng chú ý, những băng âm mà học viên được nghe trong khóa học là kết quả nghiên cứu hơn chục năm của phòng thí nghiệm, với sự đóng góp của bao người thuộc các ngành khoa học khác nhau, như vật lý gia, kỹ sư, tâm lý gia, bác sĩ tâm thần, y sĩ, nhà giáo dục và đông đảo tình nguyện viên. Phương pháp, chủ trương của viện Monroe đối với sự xuất hồn có tính thuần túy khoa học, làm người ta không thể bác bỏ kết quả, cho rằng ấy là tưởng tượng hay do mê tín dị đoan mà ra. Tuy vẫn còn những khoa học gia chưa hoàn toàn được thuyết phục về sự kiện, nhưng có việc đó vì họ cứng lòng không chịu tin vào điều hữu lý dù không thể chứng minh theo cách thông thường, mà không phải vì sự kiện vô lý.
Giải thích thì sau khi tìm tòi, làm thí nghiệm cả ngàn giờ đồng hồ với các tình nguyện viên, phòng thí nghiệm Monroe xác định được các tần số của âm làm người ta thư thái mà tỉnh thức, tâm thần linh hoạt và có thể chuyển sang những trạng thái khác, kể luôn việc xuất hồn nơi một số người. Họ làm băng âm dùng các tần số này, và chẳng những thí nghiệm ngay tại viện mà còn gửi đi tới những văn phòng tâm lý gia nào chịu tham dự cuộc nghiên cứu để thử.
Tường trình gửi về từ các văn phòng đó cho phòng thí nghiệm biết băng âm hữu hiệu ra sao trong việc làm thay đổi trạng thái tâm thức. Trong một bản như vậy, tâm lý gia thuật rằng cho ba tình nguyện viên nghe băng, với hai người thì họ ghi nhận là không thấy có gì khác lạ xẩy ra cho mình ngoài việc chỉ cảm thấy thư thái. Người thứ ba kể rằng nghe được một lúc thì bất chợt anh cảm thấy mình lơ lửng trên trần nhà, nhìn xuống thể xác nằm bên dưới. Anh không thích cảm giác đó nên bảo không muốn nghe loại băng âm như vậy nữa !
Khi ai tình nguyện dự chương trình tại viện Monroe, những điện cực gắn trên người họ truyền hoạt động của não bộ về phòng kiểm soát dưới dạng sóng, và tần số của loại sóng thành hình sẽ cho ông Monroe biết tâm thức của họ đang ở tình trạng nào, hoặc thoải mái quá với băng âm được nghe và an giấc ngáy o o suốt buổi học, hoặc mơ màng, hoặc tỉnh táo, hoặc xuất hồn. Nhưng máy móc chỉ cho biết có vậy mà không cho ông biết là họ gặp gì, cảm thấy gì, làm gì khi ra ngoài thân xác. Chuyện gì xẩy ra khi nghe băng còn tùy thuộc vào bản chất của từng cá nhân, có người trong suốt tuần lễ theo học không thấy có điều gì lạ lùng xẩy ra cho mình, người khác nhậy cảm thì kinh nghiệm nhiều việc lý thú.
Thế nên có thay đổi về thể thức là trong lúc thí nghiệm, tình nguyện viên sẽ tường trình tại chỗ họ gặp điều gì khi nghe băng. Một cô thuật lại kinh nghiệm của mình với ông Monroe là khi ở trong trạng thái chuyển tiếp, nghĩa là tâm thức sẵn sàng bước qua một chiều đo khác thì cô cảm biết có bốn thiên thần đứng ở bốn góc, và một thiên thần thứ năm là người điều khiển, chuẩn bị ‘nâng - lift’ cô ra khỏi thân xác bước vào không gian. Nhiều lần như thế chuyện trở thành diễn tiến quen thuộc. Rồi một hôm do bận rộn cô không đến dự buổi thí nghiệm hằng tuần.  Tuần sau khi bước chân vào phòng kiểm soát, ông Monroe hớn hở kể cho cô nghe chuyện xẩy ra tuần rồi khi cô vắng mặt.
Hôm đó một tâm lý gia đến thăm việc làm của viện, họ tỏ ý nghi ngờ bất cứ điều chi có dính dáng đến tâm linh hay kinh nghiệm thuộc một chiều đo khác.Ông Monroe giải thích cuộc thí nghiệm và hỏi.
– Cô muốn thử không ?
Tâm lý gia ưng thuận, nằm xuống nghe băng và chịu tường trình tại chỗ những gì họ cảm nhận hay chứng kiến. Sau một lúc, họ ngạc nhiên nói rằng trong phòng có người, họ cảm biết có hai người ở đầu, hai ở chân, một người đứng ngoài ra lệnh và lệnh là ‘nhấc’ họ ra nhưng tới đây thì thay vì làm theo, bốn người kia lại dừng tay và bàn tán một lúc rồi bảo nhau rút đi. Phòng yên tĩnh, vắng vẻ trở lại, tâm lý gia cảm biết là không còn có ai hiện diện cạnh họ nữa.
Khi nghe băng xong và quay trở ra, họ thấy ông Monroe cười hóm hỉnh. Ông mở cuốn sổ ghi các buổi thí nghiệm, cho thấy tâm lý gia được chuyên viên âm thanh đưa vào phòng mà bình thường tình nguyện viên được xếp vào đó, cùng ngày, cùng giờ mỗi tuần.Riêng hôm nay tình nguyện viên vắng mặt nên tâm lý gia dùng y những sắp xếp dành cho người trước. Các thiên thần không biết có thay đổi này và đúng ngày giờ đã tới, chuẩn bị theo diễn tiến quen thuộc nhưng vào phút chót, họ cảm nhận có sự khác lạ và ngưng tay.
Ông chứng minh cho lời nói của mình bằng cách cho tâm lý gia nghe đoạn băng mà tuần trước tình nguyện viên đã tường trình tại chỗ với phòng kiểm soát, tả lại y hệt những gì mà tâm lý gia cảm biết tuần này.
– Rồi làm sao, họ có tin không ?
– Những chứng cớ như cuốn sổ ghi ai được xếp vào phòng nào, ngày giờ nào, và cuộn băng ghi lời mô tả của chính người dự cuộc thí nghiệm, có vẻ như vẫn chưa đủ để khiến tâm lý gia chấp nhận là chuyện mà khoa học chưa thể xác nhận, chưa có hiểu biết, đã thực sự xẩy ra. Họ ra về bán tín bán nghi, không thể bác bỏ điều chính mình đã trải qua trong lúc tỉnh táo hoàn toàn, mà cũng chưa sẵn lòng nhìn nhận là tâm thức có thể linh hoạt ở một chiều đo khác.
Chuyện đáng ghi là một nhân vật trong số năm thiên thần đã nói với ông Monroe qua người dự cuộc thí nghiệm như sau.
– Đây là một vinh hạnh được làm việc cùng ông.Ông là người dẫn đường cho nhiều linh hồn cần được có hiểu biết nhiều hơn. Đây là thí nghiệm đặc biệt tạo nên các liên hệ về thiểu biết mà hẳn sẽ không làm được nếu không nhờ có ông, nhờ vào hiểu biết ông đem vào cuộc thí nghiệm cùng sự sáng và lòng tự tin lớn lao vào việc đang làm.
Xét theo những gì mình biết về Theosophia, chủ trương của phòng thí nghiệm Monroe, tuy dùng các nguyên tắc khoa học, lại tỏ ra sáng suốt hơn khoa học. Ông Monroe và cộng sự viên tin rằng ‘con người còn hơn là thân xác vật chất’, nghĩa là họ chấp nhận tâm thức có thể linh hoạt bên ngoài thể xác ở những chiều đo khác mà khoa học chưa biết, trong thể thanh. Nhìn nhận này là một bước tiến đến gần chỉ dạy trong Theosophia rằng con người thật là năng lực thể hiện qua xác thân vật chất.
Như vậy, ít nhất niềm tin của viện Monroe cho việc làm của họ có căn bản đúng, còn nên học xuất hồn hay không thì điều ấy như mọi việc khác, tùy thuộc phần lớn vào động cơ; và nó có những rủi ro đi kèm mà người ta nên biết. Lấy thí dụ ai chưa có đủ sức mạnh tâm linh lẫn hiểu biết, có thể bị cảnh sống ở cõi thanh hấp dẫn và quên rằng họ có thân xác chính yếu là để sống và học hỏi nơi cõi trần, và có khả năng xuất hồn là điều bất lợi cho đường tiến hóa của họ.
– Vậy ý nghĩa việc làm của viện Monroe là sao vào thời điểm này ?
– Thứ nhất, họ chứng minh là chuyện xuất hồn có thể được xem xét một cách khoa học. Một nguyên tắc của thí nghiệm để kết quả được công nhận là kết quả phải có thể được người khác lập lại trong các điều kiện tương tự. Ta có hai đòi hỏi ở đây, các điều kiện tương tự và kết quả. Cho điều trước thì viện Monroe hành động rất kỹ lưỡng, là thực hiện cuộc thí nghiệm trong môi trường xác định về các yếu tố đo được như nhiệt độ, độ ẩm, hướng nằm của người dự, âm thanh, ánh sáng, giờ v.v., điều thứ hai là kết quả thì hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của người làm lẫn ai dự cuộc thí nghiệm.
Thí dụ có người dự lần này đạt kết quả là xuất hồn còn lần sau họ chỉ tỉnh thức suốt buổi mà không có kinh nghiệm gì khác; hay hai người trong cùng điều kiện lại cho kết quả khác hẳn nhau, kinh nghiệm người này không giống người kia. Trong khi ấy thuốc trị đau nhức, chóng mặt sẽ có hiệu quả như thế cho bất cứ ai dùng thuốc.Thành ra tiêu chuẩn cho việc thí nghiệm thuần về thân xác có thể không áp dụng được cho thí nghiệm về tâm linh, và việc cùng phương pháp mà không sinh ra kết quả giống nhau không có nghĩa là phương pháp ấy sai, mà chỉ muốn nói là còn nhiều điều ta chưa biết.
Tuy nhiên tính cách khoa học của chương trình là yếu tố quan trọng trong việc nghiên cứu về tâm linh, và việc làm của viện Monroe cần được khen ngợi về mặt ấy.Nó làm cho quan tâm và nghiên cứu về những gì vô hình, tâm thức được coi trọng hơn, cho là đáng tin hơn; vì thế làm giảm bớt lời chỉ trích, thái độ chống đối của khoa học gia. Kể sơ mà thôi thì nỗ lực này, cùng với việc nghiên cứu của sinh học gia Rupert Sheldrake về viễn cảm (telepathy thường gọi là thần giao cách cảm - PST 70 bài HPB ), thể sinh lực, và chương trình nghiên cứu từ nhiều nãm qua của ðại học Virginia về chuyện tái sinh, tất cả rất ðáng hoan nghênh. Và rất có thể còn những tìm tòi khác mình chưa được biết.
Thứ hai, có thể nói đây là khuynh hướng của thời đại và viện Monroe đang đi tiên phong. Sự ngăn cách giữa vật chất và tâm linh đang bớt dần, khoa học sẵn lòng lắng nghe hơn hoặc nói cách khác là chịu mở rộng phạm vi tìm hiểu và bớt khăng khăng phủ nhận ngay những gì nó chưa biết. Nhìn rộng ra về tương lai, nếu đường hướng nghiên cứu như thế được tiếp tục chuyện có thể nói là khoa học sẽ tiến đến gần tôn giáo, hay tôn giáo tương lai sẽ có tính khoa học nhiều hơn.
Điều này không có gì khó hiểu, khi con người có được tâm thức liền lạc lúc chuyển từ cõi trần sang cõi thanh - và nó sẽ tới - thì ta biết và chứng minh được là không có sự Tử, khi ta có thể bước sang cõi bên kia tỉnh thức và gặp thân nhân đã qua đời; và những gì mà trước đây người ta chỉ tin mà không thấy, nay nhiều người có thể thấy tới mức xã hội không thể bác bỏ xác quyết của họ như là chuyện hoang tưởng.
– Làm sao mình dung hòa hay nối kết những thăm dò này của khoa học về thế giới tâm linh với lời dạy chung của tôn giáo là làm lành, lánh dữ ? Có khoảng ngăn cách lớn lao giữa thái độ khoa học và dân gian với niềm tin đơn sơ.
– Vì cuộc sống luôn tiến tới trước, con người sẽ rất sai lầm nếu đứng yên một chỗ. Về mặt tinh thần điều ấy muốn nói là mình nên sẵn lòng xem xét những huấn thị mới sẽ được đưa ra trong thế kỷ này. Các chỉ dạy của bà Blavatsky, bà Bailey có giá trị của chúng, nhưng thời đại mới với tâm thức nhiều người tiến xa hơn trăm năm trước thì cần có những tỏ lộ thích hợp hơn, dù rằng  phần căn bản như  trong bộ Secret Doctrine, Voice of Silence không thay đổi.
Tính chất thích ứng theo thời đại của chỉ dạy về Theosophia còn áp dụng cho những tác phẩm được Chân sư gợi hứng, thí dụ như quyển ‘Man: A Forgotten Fragment of History’ và quyển ‘Music: Its Infuences throughout the Ages’ (cả hai có đăng trên PST). Các ngài nhìn tác dụng của sách bằng con mắt tinh thần thấu triệt tương lai, theo dõi sự đón nhận sách trong thế giới, đo lường ảnh hưởng của nó cho cá nhân và cho tập thể. Chân sư đi tới nhận xét là đoạn nào được tiếp thu và đoạn nào bác bỏ, vì chúng không gợi nên hứng thú nơi người đọc, hoặc vì đa số độc giả chưa tới trình độ thấu hiểu được chúng. Hơn thế nữa, ta còn phải kể đến tâm tình và tính chất của thời đại, nhất là mức phát triển trí tuệ mau chóng nơi đông đảo người.
Do vậy, ngay cả những sách được gợi hứng trong lần xuất bản sau cũng được thêm bớt, sửa đổi. Quyển đầu ‘Man…’ in năm 1884 nói về sự xuất hiện của con người trên trái đất, những sự kiện chìm sâu trong quá khứ mà khoa học không biết. Về sau, nội dung sách thay đổi và được mở rộng trong bộ Secret Doctrine ra năm 1888. Quyển ‘Music…’ trong những lần tái bản sau cũng có sửa chữa và rút ngắn đôi chỗ.
Thời đại này  được xem là lúc mà những hình thức cũ - đó có thể là cơ cấu như giáo hội, hay ý tưởng như tín điều - kết cứng lại rồi tan vỡ, và hình thức mới được sinh ra thích hợp hơn cho việc thể hiện tinh thần của tân kỷ nguyên, bởi thế ai học hỏi MTTL cần có óc uyển chuyển. Đó là sự thay đổi về chiều đo và đặc tính mà không phải về nền tảng. Những điều căn bản luôn luôn đúng. Mỗi thế hệ được giao cho phần việc gìn giữ những điểm chính yếu của hình thái cũ được yêu quí, mà cùng lúc khôn ngoan mở rộng và làm nó phong phú hơn. Mỗi chu kỳ phải thêm vào đó thành quả đạt được qua việc nghiên cứu sâu xa hơn và nỗ lực khoa học, loại bỏ điều chi đã lỗi thời không còn giá trị. Mỗi thời đại đóng góp cho sự tiến bộ chung bằng kết quả và chiến thắng của giai đoạn ấy, và để chìm khuất những gì từ quá khứ làm lu mờ đường nét. Trên hết thẩy, mỗi thế hệ có việc làm là củng cố nền tảng xưa, và được cho cơ hội tạo dựng trên nền tảng ấy một cơ cấu đáp ứng thỏa đáng hơn cho nhu cầu của sự sống tiến hóa bên trong.
Thế thì mình có việc làm to lớn trước mặt.Giáo dục cho đại đa số dân ở châu Á là điều phải nghĩ tới.Lại nữa, tuy những nghiên cứu có tính khoa học về tâm linh, tâm thức là việc đáng hoan nghênh, khuyến khích, nhưng ta cần nhớ khoa học không phải là tất cả. Điều chi khoa học xem là ‘đúng’, là ‘sự kiện’ (fact, điều được chứng minh không còn gì phải thắc mắc) thì chỉ là vậy khi nhìn theo quan điểm của con người ở ba chiều đo, và không được xem là sự kiện theo quan điểm của bậc Chân sư. Đối với ngài nó có thể chỉ là một phần thuộc sự kiện to tát hơn, là điều nhỏ bé trong toàn khối lớn. Bởi tầm nhìn của ngài thuộc chiều đo thứ tư và thứ năm, nhận thức của ngài về vị trí của thời gian trong vĩnh cửu phải chính xác hơn của ta; ngài nhìn sự việc từ trên cao xuống và như là bậc mà thời gian không có nghĩa như đối với ta.
– Chuyện xa xôi quá, trí não em đình công không chịu suy nghĩ sâu, nói giản dị hơn được không ?
– Thử nhìn con cá bơi lội tung tăng trong hồ nhỏ hay vùng vẫy trong ao cá rộng xem, nhưng hồ hay ao cá vẫn có giới hạn cho dù con cá tưởng rằng nó có tự do vô hạn. Cũng y vậy, ai xuất hồn nói rằng họ đi tới hành tinh này hay nọ, thấy được bề bên kia của mặt trăng luôn bị che khuất khi nhìn từ trái đất, trước khi NASA gửi phi thuyền đến chụp hình ! và khám phá bao điều kỳ diệu khác. Quả thật có những điều ấy, đó là thế giới hiện tượng và hiểu biết về cảnh giới hữu hình là điều không có gì đáng chê trách, nhưng nếu mục tiêu nhắm tới là việc đi mau, giác ngộ, giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, thì nó chưa đủ mà còn cần thêm loại hiểu biết khác.
Đoạn trên mình có nói là những nguyên lý căn bản luôn đúng cho dù có chỉ dạy mới, thì một trong các nguyên lý đó là câu nói của đền thờ Delphi tại Hy Lạp:
Con người hãy tự biết mình.
Và cách làm việc ấy là mở rộng tâm thức để bao trùm, và bước kế là trở thành, LÀ - being. Hào quang là thước đo của tâm thức. Vị Hành Tinh Thượng Đế có hào quang bao trùm địa cầu hay hành tinh, vạn vật. Với con người tình thương ban đầu lan từ gia đình, bộ lạc, sang quốc gia và rồi nhân loại. Câu nói trên đúng cho thời xưa, đúng cho ngày nay và sẽ đúng mãi. Khi bao trùm, và trở thành thì cưng được giải thoát, còn chuyện vẫy vùng trong không gian, thời gian, xuất hồn đến viếng những nơi xa tít mà NASA chưa phóng phi thuyền tới được (!) thì  lý thú đó, cưng biết được nhiều về thế giới bên ngoài, nhưng còn tự biết mình thì e rằng chưa có.
Dầu vậy, chuyện hay có thể có từ đây mà ra là việc nghiên cứu khoa học về xuất hồn sẽ làm dần dần có tăng trưởng về kiến thức, và việc chậm chạp thu thập hiểu biết tạo nên hình thái hay là ngành học không ngừng mở rộng, thể hiện sự thật được nhiều. Nó sẽ cho ta ý niệm rộng rãi về các cõi sinh hoạt của con người nhưng ấy không là điều chính yếu, mà việc ta cần biết là như sau.
Sự phát triển của con người là đi từ trạng thái tâm thức này sang trạng thái khác. Nó là chuỗi liên tục việc mở rộng tâm thức, sự tăng trưởng của khả năng thức tỉnh, là đặc tính nổi bật của con người bên trong biết suy nghĩ. Nó là diễn tiến đi từ việc thức tỉnh về cái tôi, phàm ngã sang việc trụ vào linh hồn hay chân ngã và rồi chuyển vào chân thần hay Tinh Thần, cho tới khi sau cùng tâm thức trở thành Thiêng Liêng.
Về mặt hữu hình, khả năng thức tỉnh trước tiên mở lớn vượt qua giới hạn của ba loài thấp trong thiên nhiên là kim thạch, thảo mộc, thú cầm sang ba cõi tiến hóa của phàm nhân là cõi trần, cõi tình cảm và cõi trí, tới hành tinh mà trên đó con người sinh sống, rồi đến thái dương hệ mà hành tinh là một phần, cho tới khi chót hết tâm thức vượt qua giới hạn của thái dương hệ và trở thành  vũ trụ vô bờ.
Nối kết những phát triển của việc nghiên cứu về tâm thức trong thế kỷ 21 với phong trào Theosophia từ thế kỷ 19, mình càng thấy biết ơn bà Blavatsky vì những sách mà bà viết ra có tính cách mà những sách tâm linh khác trước đó không có.
– Là sao ?
– Đó là điều mà ông Christmas Humphrey nhận ra sau khi đọc bộ The Secret Doctrine, là sự chỉ đường. Ông viết:
– Tôi thấy con đường (tiến hóa) nhưng tại sao nó ở đó ? Bản đồ hay một phần bản đồ ở đâu, để tôi có thể thấy khởi đầu và viễn ảnh về chung cuộc của nó ? Vì ngay cả bước kế tiếp cũng hóa chán nếu chính cái hướng của đường Đạo còn mờ mịt không biết ... Bà Rhys Davids (một học giả uyên thâm về kinh sách Phật giáo Tiểu thừa) nói 'Phật giáo là con đường dài giữa sự bất toàn hiện thời của chúng ta và sự toàn thiện tiềm ẩn nơi mọi người'. Nhưng tôi muốn thấy Thiên Cơ ấy…
Tôi tìm thấy Thiên Cơ của mình … trong quyển sách tên The Secret Doctrine, của HPB. Cuốn sách này cho tôi lần đầu tiên điều tôi thấy, lúc đó cũng như bây giờ, như là sự diễn giải rõ ràng vạch ra vũ trụ thành hình như thế nào và ngưng lại ra sao, và nằm trong đó là việc khai sinh và ý nghĩa của con người. Đây là bản đồ của việc trở thành.
Nhờ các tác phẩm của HPB mà những ý niệm về Chân Sư, cuộc tiến hóa v.v. lần đầu tiên được trưng ra rõ ràng cho thế giới biết, để rồi các tác giả về sau trong Hội khai triển thêm làm ý niệm được phổ thông trong dân chúng từ đó tới nay; cũng như chúng trở thành căn bản cho các phong trào tâm linh và Tân Kỷ Nguyên, tới độ có ý kiến nói rằng  HPB là mẹ đẻ của những hoạt động ấy.
Việc xuất hồn có thể thu hút con người trong một chốc, nhưng nó là sinh hoạt trong không gian và thời gian. Con cá bơi lội thỏa thích tới lui trong nước cho rằng nó được tự do, tuy nhiên ai đứng ngoài thấy rõ cảnh tượng thì biết thực tại không phải vậy. Trong khi đó việc tìm hiểu và thực hành MTTL làm con người rốt hết được tự do, thí dụ đầy hứng khởi là những đấng Cao Cả nhờ vậy thoát luân hồi sinh tử.
Tóm tắt là càng biết nhiều thì càng thấy mình có may mắn được biết Theosophia, mà nên nhớ đi với hiểu biết là trách nhiệm và khả năng.
– Trách nhiệm gì ?
– Là sử dụng hiểu biết sao cho hữu ích. Cưng không thể nhận sự hiểu biết rồi cất một chỗ không làm gì cả với nó.
– Vậy em phải làm sao ?
– Điều cưng có thể làm là dùng hiểu biết một cách khôn ngoan để giúp người, quảng bá MTTL làm cho ai khác cũng được hiểu biết như mình, và biết rằng khi làm vậy ‘ai có sẽ được có thêm’ như kinh thánh nói, có nghĩa phụng sự khiến cưng được thêm khả năng nhận ra minh triết ẩn dấu. Mà trên hết thẩy cần luôn nhớ mục tiêu là đi mau và giải thoát, hơn là chỉ muốn thỏa thích bay trong không gian, tức vẫn nằm trong thế giới hiện tượng.
– Giải thoát là không còn tái sinh, bị đau răng nữa phải không ? Em có cái răng hư sao đó mà nha sĩ bảo cách chữa là phải bọc vàng. Thiệt, nghĩa là cười sẽ lộ răng vàng sáng chói ! Thấy phần thưởng cuối đường thì dễ chọn, khoan học bay mà ráng đi mau xem ra có lý hơn.