1001 CHUYỆN

Bài 31

 

Trở Về Mục 1001 Chuyện 

 

 

– Mùa hè vừa rồi vui lắm Bo. Bạn bè tụ về bờ biển Atlantic làm em nhớ chuyện Vòng Tái Sinh:
… Sự tụ họp tưởng như tình cờ trong căn nhà nhỏ trên bờ biển Anh, hiển nhiên là kết quả trực tiếp của việc cũng nhóm người ấy đã từng tụ họp ở một bờ biển khác, khoảng tám trăm ngàn năm về trước…
– Nghĩa là …
– Nếu giống như trong chuyện thì đây toàn là ‘phù thủy tà đạo’ bao kiếp trước giờ gặp lại nhau !nhưng nay ai cũng cải tà qui chánh rồi !!! Chỗ mọi người đến chơi có nhiều cách giải trí, nó là nơi xuất phát lắm cuộc du ngoạn bằng thuyền, trên đó tổ chức đủ loại các buổi nói chuyện, có những buổi trình bầy của tác giả Brian Weiss (xin đọc lại PST 44) luôn luôn đông khách, trên thuyền cũng như trên bờ.
– Họp của ông Weiss nói về đề tài chi ?
– Từ từ. Ai mới đến dự lần đầu ngạc nhiên thấy bà con cắp nắp chiếu (yoga mat), gối mang theo. Hóa ra đó là những người đã dự vài lần rồi và có kinh nghiệm. Đây là những buổi chỉ dẫn đưa người tham dự trở về kiếp trước, bà con sẽ nằm dài trên sàn khi làm vậy nên có màn chiếu, gối, thật rộn ràng hào hứng. Mà có nên biết cách đây vài năm hay vài trăm năm hồi xưa mình là ai không ?
– Tùy, ai nhờ vậy mà tin luật tái sinh, nhân quả thì tốt cho họ. Đây là chuyện mà một ngày kia sẽ trở thành thông thường khi con người phát triển và có khả năng thông nhãn - clairvoyance, nhìn được quá khứ, tương lai; nhưng bao giờ đó tới hẳn hay, bởi việc gì cũng có hai mặt và nói chung thì tôn giáo không khuyến khích việc này. Đức Phật dạy:
– Quá khứ đã qua và không thể thay đổi được, tương lai chưa tới mà những gì ảnh hưởng tương lai là chuyện có thể làm trong hiện tại, vậy chỉ nên sống trong hiện tại.
Lý do cho chỉ dạy như thế nằm ở mức phát triển tinh thần khác nhau của con người, không khác gì sự phát triển tri thức không đồng đều trong cuộc sống. Lửa, dao là những vật khi được sử dụng một cách khôn ngoan sẽ mang lại điều lợi ích, nhưng trẻ con chưa có hiểu biết đúng mức thì chuyện cẩn trọng là khuyến cáo và ngăn cấm chơi với chúng.
Khi việc trở về kiếp trước không được hướng dẫn khéo léo, hay chính đương sự chưa phát triển đủ về tâm linh để học được lợi ích từ những kinh nghiệm này, phương pháp có thể bất lợi. Điểm khác là khi làm vậy, đương sự không nhất thiết chỉ thấy lại những kiếp trước của họ, mà còn có thể thấy nhiều việc khác không liên quan tới họ nhưng vì không biết, tưởng rằng đó là chuyện của mình, và có thể sinh phản ứng không hay. Thành ra tốt hơn nên làm thiên trách hay phần việc mình đang có hiện giờ ở cõi trần, khoan lo nghĩ tới chuyện ở cõi xa xôi. Ý chính là cưng tái sinh để làm việc phải làm trong kiếp này, nếu mất thì giờ lo nghĩ về kiếp trước là phí phạm cơ hội.
Người hiểu biết cần học chú tâm vào thực tại và những yếu tố tinh thần quan trọng hàng đầu. Quá khứ mà con người đi tìm thường có huyễn ảnh và đau khổ. Nó là khuynh hướng thông thường và là cách dễ theo nhất cho đa số, nhưng với ai đã hiểu biết thì đó không phải là cách cho họ. Ta không nên đi tìm sự tỏ lộ hay mong được ai đang lửng lơ giữa cõi vô hình và hữu hình soi sáng, đó cũng không phải là cách của ta. Thay vì vậy hãy vượt lên cõi của linh hồn, nhìn sự việc trong ba cõi theo quan điểm của linh hồn là an nhiên và hoan hỉ, bởi huyễn tưởng do đau khổ của ta sinh ra, cộng với huyễn ảnh của quá khứ luôn làm biến đổi quan điểm của ta.
– Nhưng sách của ông Weiss đưa nhiều trường hợp hết bệnh sau khi người ta trở về quá khứ, thấy được nguyên nhân gây ra bệnh kiếp này, đọc thích lắm.
– Có việc ấy, mà cũng có việc mình vừa nói là huyễn ảnh và đau khổ. Chuyện trong sách của ông ghi là mỗi lần được đưa về quá khứ, sống lại những kiếp đã qua, con người của thế kỷ 21 biểu lộ triệu chứng của việc xẩy ra trong kiếp đó như nghẹt thở vì chết chìm, khiếp hãi và bi ai vì chiến trận v.v., cảm thấy khổ não rất mực vì những chuyện của đời xa xưa nay không còn nữa. Đó là phản ứng của phàm ngã ở cõi thấp, chú trọng vào sự sống của hình thể, không phải là cái nhìn an nhiên của chân ngã trong cõi tinh thần.
Mà sống lại kinh nghiệm não nề để chi vậy ? Con người luôn có tự do quyết định và có thể tò mò muốn thí nghiệm, nhưng nếu mục đích của cưng là muốn đi mau trên đường tiến hóa thì nên dùng óc phân biện, lựa chọn theo quan điểm tinh thần. Chỉ có linh hồn sáng suốt là không bị huyễn ảnh chi phối, vì vậy hãy lên cõi tinh thần và không cần vào cõi trung giới để biết nguyên do về bệnh ở kiếp này. Thấy lại quá khứ theo cách đó làm cưng đồng hóa nhiều hơn với cái ngã giả tạm kiếp này rồi kiếp kia, bị chìm sâu vào huyễn ảnh hơn nữa.
Ai có bệnh cũng mong được khỏi bệnh, và chữa bệnh là điều nên làm. Nay hãy thử nhìn chuyện theo cách rộng lớn hơn. Luật trời luôn công minh, khi nhân quả tới lúc khiến hết bệnh thì cưng sẽ được lành, bằng cách này hay cách khác, như tìm được thầy giỏi, được thuốc hay. Bởi không thấy bề trong sự việc nên mới có nhận xét nói rằng nhờ đi thầy này, hay dùng thuốc kia, hay trở về quá khứ mà người ta hết bệnh.
Việc nói rằng đã đi bao nhiêu thầy trong nhiều năm, dùng đủ các thuốc mà bệnh vẫn không dứt, nay chỉ cần một buổi được đưa về quá khứ, thấy nguyên do bệnh và khi tỉnh dậy bắt đầu hết bệnh, thì chưa đủ để nói rằng cách sau chót là đúng. Vì khi nhân quả chưa cho phép hết bệnh thì khó mà chữa lành cho dù thầy giỏi, thuốc hay. Tuy nhiên luật không bất di bất dịch mà con người có thể đảo ngược lại luật.
– Thí dụ ra sao ?
– Chuyện xẩy ra hà rầm mỗi ngày, đâu có gì khó kiếm. Phi cơ bay trên cao mà không rơi xuống đất là thắng được sức trọng trường, có những tình trạng nơi người lớn hay trẻ sinh thiếu tháng nếu để tự nhiên sẽ không sống sót, nhưng tiến bộ y học làm kéo dài được mạng sống. Đó là vài trường hợp cho thấy ta có thể đi ngược với luật. Thí dụ nữa là chữa bệnh bằng prana thường gọi là nhân điện, theo cách này người chữa bệnh có tính cách mạnh nên áp đảo được bệnh nơi bệnh nhân, khiến nó phải tạm thời ngưng. Ngưởi ta gọi đó là lành bệnh, nhưng bởi bệnh không được chữa tận gốc nên không hết hẳn, và sẽ tái phát về sau.
– Bây giờ tụi nhỏ đã ra ở riêng hết rồi nên em khỏe. Hồi đó mỗi ngày em cứ tự hỏi không biết hôm nay cho cả nhà ăn món gì. Đổi món từng bữa cũng đủ mệt, rồi bây giờ sinh ra nhiều cách dinh dưỡng mới em cảm thấy rối bung.
– Chọn cách dinh dưỡng để làm chi ?
– Để có sức khỏe, giữ eo, đẹp gái ! Mà cái đó không có em, món chay mặn, có hay không có gluten em đều chiếu cố !
– Dinh dưỡng là một hình thức kỷ luật xác thân, nằm trong phần việc lớn lao hơn của người chí nguyện đặt ra cho mình, với chủ đích là làm cho họ sẵn sàng đi trên đường Đạo. Tự nhiên là họ có ý lành và tuân theo nhiều kỷ luật như sống độc thân, ăn chay, tập thể dục và nhiều lối vận động khác, với hy vọng là làm chủ được cơ thể. Các hình thức này rất tốt cho ai chưa phát triển hay cho loại người thấp nhất, nhưng đó không phải là cách nên áp dụng cho người trung bình hay cho người chí nguyện muốn nỗ lực đi tới.
Tập trung vào thể xác chỉ làm tăng cường sức mạnh của nó, nuôi dưỡng khẩu vị và làm người ta ý thức trở lại điều lẽ ra phải chìm sâu vào vô thức, thí dụ nhịp thở, nhịp tim. Người chí nguyện chân chính cần quan tâm đến việc làm chủ tình cảm mà không phải làm chủ thể xác, và cố gắng trụ tâm não vào cõi trí, để có tiếp xúc vững vàng với linh hồn.
Sự việc rõ ràng hơn khi mình nhìn theo cuộc tiến hóa. Mẫu chủng Lemuria có phần việc là phát triểnthể xác, kế tiếp mẫu chủng Atlantis chuyển trọng tâm chú ý từ thể xác sang thể tình cảm. Sang mẫu chủng Aryan của thời hiện đại, chủ đích của sự phát triển là trí năng mà không là thể xác. Sự trong sạch, thanh khiết nhắm tới là làm thanh khiết dục vọng, tứccó kỷ luật về tình cảm.
Lại nữa không một cách dinh dưỡng nào có thể hoàn toàn đúng cho một nhóm người có cung không giống nhau, tánh khí trái ngược và thuộc các mức phát triển cũng như lứa tuổi khác biệt. Mỗi cá nhân phải tự khám phá mình cần gì, cách nào tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, và loại thực phẩm nào giúp họ phụng sự hay nhất. Mỗi ai phải tự tìm lấy cho riêng mình mà không có cách dinh dưỡng chung cho một nhóm. Do vậy không có việc bắt buộc ai trong nhóm phải loại trừ thịt hay chỉ dùng toàn rau trái.
Có những giai đoạn trong đời và đôi khi nguyên một kiếp người chí nguyện tự đặt kỷ luật về dinh dưỡng cho mình; rồi vào giai đoạn khác hay có khi trọn cả đời việc độc thân được tạm thời áp dụng chặt chẽ. Nhưng có những kiếp nữa sự quan tâm và việc làm của họ nằm ở hướng khác. Tới những giai đoạn sau trong cuộc tiến hóa người ta không còn thường  xuyên nghĩ đến thể xác nữa, họ làm việc mà chẳng để tâm đến cách dinh dưỡng, sống mà không chú trọng vào mặt hình thể, ăn thực phẩm nào có sẵn  mà tốt nhất làm họ được hữu dụng là được.
– Vậy thái độ nên có đối với dinh dưỡng, việc ăn chay là sao ?
– Nghe lời đức Chúa (đức Di Lặc) là chắc ăn nhất ! Chúa dạy, ‘Không phải điều gì đi vào miệng làm con người nhơ uế, mà điều gì đi ra khỏi miệng mới làm con người nhơ uế’ (Matt 15:11). Ngài giải thích thêm, ‘Các con không hiểu điều gì vào miệng xuống bao tử rồi đi ra hay sao ? Còn điều gì ra khỏi miệng là đến từ tâm người và làm nhơ uế họ.’ (Matt 15:17) Nói rộng ra điều gì ăn vào thì không quan hệ, mà đáng chú ý hơn nhiều là những gì đi ra từ thân, khẩu, ý tức hành vi, lời nói, tư tưởng. Rõ hơn thì có lời của đức K.H.
- Bạn hãy ráng có mỗi ngày tư tưởng trong sạch, lời nói khôn ngoan, hành vi nhân ái.
Cưng để ý lời đức Chúa và đức K.H. đều chú trọng đến phần tinh thần, và mình nên bắt chước, bởi khi tinh thần phát triển thì nó sẽ tự động ảnh hưởng và uốn nắn vật chất.Diễn trình đúng là từ trong đi ra tác động lên bên ngoài, mà không phải từ ngoài áp đặt kỷ luật lên thể chất để mong đạt kết quả bên trong. Tới một lúc ai thấy ăn chay có lý hay là cần thiết thì tự họ sẽ muốn thay đổi, và điều gì tự nguyện phát xuất từ nội tâm thì chân thật và lâu bền hơn là bị ép buộc từ bên ngoài vào.
– Em biết có người sống theo lời dạy đó, hay lắm.  Kỳ rồi tới thăm bác Đức là hội viên kỳ cựu, em hỏi bác có ăn chay, bác nói bác không ăn chay bởi như thế là làm phiền người vợ của mình, vì bác gái là người nấu. Theo bác nếu mình muốn ăn chay hay ăn gì gì thì tự nấu mà không nên làm phiền ai; riêng bác thì không biết nấu nên ăn những gì vợ nấu là được rồi.  Nghe chí lý nên em phục lăn bác, nhưng ăn chay có nhiều lợi ích, vậy tại sao không nên chủ trương ăn chay ?
– Muốn mọi người ăn chay là quên đi vài yếu tố và do đó không đúng. Thứ nhất là yếu tố thời gian, ăn chay không phải đều thích hợp cho mọi mức phát triển tinh thần. Giống như em bé ăn sữa và lớn hơn một chút thì ăn đặc, mỗi người tùy theo mức và nhu cầu của mình sẽ cần cách dinh dưỡng khác nhau; thứ nữa, có người chưa xứng đáng hưởng loại cơ thể nhờ ăn chay tạo nên. Thí dụ khi đua xe Grand Prix, ai dự cuộc sẽ dùng xe đua Fiat, Maserati hết sức tinh xảo về máy móc, kỹ thuật; nhưng nếu cưng đốn rừng lấy gỗ thì sẽ cần ...
– Xe be, xe súc, xe hủ lô, hay là voi !
– Tất cả chỉ là phương tiện, công việc nào phương tiện đó; mỗi chúng ta khi tái sinh đều có phần việc phải làm cho kiếp ấy, và tạo phương tiện thích hợp cho mình. Phương tiện hợp cho hoàn cảnh này chưa hẳn cũng hợp cho hoàn cảnh khác. Ý chính là con người làm cho mình được thanh khiết, nhưng cách suy nghĩ của con người làm hạ thấp ý này tới độ sự tinh lọc chỉ liên hệ đến vật chất, cuộc sống nơi cõi trần, và lý tưởng ích kỷ dựa phần lớn trên tư tưởng về chăm lo cho thể chất được lành mạnh.
Chủ trương cứng ngắc về ăn chay và việc bắt buộc sống độc thân là thí dụ quen thuộc cho ý đó, những kỷ luật về thể chất như vậy được nhấn mạnh thay cho việc tập để có tình cảm dễ thương, trí tuệ linh hoạt, trực giác khai mở. Kết quả là tư tưởng người chí nguyện hướng xuống dưới vào vật chất, thay vì hướng ra ngoài và lên trên vào sự sáng.
Nhân đây mình có thể nói thêm về ý trong sách vở ghi rằng thể xác không phải là một nguyên lý. Nguyên lý là gì ? Nó là điều đang được phát triển trên mỗi cõi trong bẩy cõi của chúng ta. Nó là cái mầm ở mỗi cõi thể hiện một đặc tính của tâm thức đang mở mang. Một nguyên lý là cái mầm ý thức, có tiềm năng của tâm thức trọn vẹn  ở một cõi. Nhìn về mặt tiến hóa trên địa cầu thì thể xác đã phát triển trọn vẹn vào lúc này nên sẽ không có phát triển gì thêm, nó có nghĩa thể xác không phải là mục tiêu của cơ trời, mà tâm thức mới là mục tiêu.
Thể xác vì vậy chỉ là phương tiện cho tâm thức biểu lộ nơi cõi trần mà thôi, và nó chỉ quan trọng ở điểm nó phải chứa đựng và đáp ứng với mỗi loại phản ứng có ý thức, từ người ở mức thấp nhất tới bậc đạo đồ. Chẳng những nó không là mục tiêu, nó cũng không phải là hạt mầm của một điều gì. Bất cứ thay đổi nào cho thể xác đều là phụ so với mục tiêu là phát triển thiên tính. Như thế, nó không là đối tượng chính cho sự chú tâm của người chí nguyện; nó không quan trọng trong tiến trình vì nó là vật tiếp nhận, thụ động, chịu ảnh hưởng mà không phải là vật khởi phát sinh hoạt. Vật quan trọng là tâm thức đang nẩy nở, cái đáp ứng của con người tinh thần bên trong với sự sống, hoàn cảnh, biến cố và môi trường.
Sự kiện thể xác là vật thụ động thấy rõ qua việc nó chỉ linh hoạt khi có lực từ những thể khác là thể sinh lực (thể phách), thể tình cảm và thể trí tuôn vào; còn để tự nó thì thể xác không có ảnh hưởng gì riêng. Bằng chứng là lúc những thể cao tạm thời rút lui như khi ta ngủ, hay khi gây mê để giải phẫu, thể xác tê liệt không thể đáp ứng.
– Tương tự như con rối chỉ múa may khi có tay người điều khiển, hay như chiếc xe chạy trên đường khi có ai cầm lái ư ? Nếu không có tác nhân điều khiển từ bên ngoài thì con rối, chiếc xe chỉ nằm yên một chỗ bất động, không thể tự mình làm được gì, đúng không ?
– Chính thế, thân xác chỉ đáp ứng. Nó không có sự sống thực của riêng mình, mà chỉ đáp ứng với động lực phát xuất từ nơi khác, như từ các thể thanh. Khi do lầm lẫn mà thể xác trở thành đối tượng của sự chú ý, điều đó muốn nói ta đi thụt lui, và ấy là lý do tại sao mọi chú ý quá mức về kỷ luật thân xác (thí dụ như Hatha yoga, luyện thành lực sĩ đẹp - body building), chủ trương ăn chay, ăn kiêng, nhịn đói, chữa bệnh theo cách gọi là tâm linh, đều bất hảo và không phù hợp với  chương trình đã định.
Ngoài ra, chủ trương muốn mọi người ăn chay còn không đúngở điểm là thái độ ấy làm con người chú trọng vào hình thể, vật chất là thân xác, trong khi đường lối nên có là hướng con người vào việc mở rộng tâm thức. Đó cũng là ý mà lời dạy đức Chúa ám chỉ, khi nói rằng phần tinh thần biểu lộ qua thân, khẩu, ý thì quan trọng hơn xác thân. Công việc của ai đã hiểu biết là khiến nhân loại bớt quan tâm vào vật chất, mà chú ý nhiều hơn vào tinh thần và ta nên để ý kẻo vô tình làm ngược lại điều đó.
Chuyện hay thấy là có nhấn mạnh quá nhiều vào sự trong sạch của thân xác, mà không nhấn mạnh đủ về việc tránh có lòng cuồng tín và thiếu khoan dung. Hai đặc tính sau gây cản trở cho ta nhiều hơn là việc ăn uống sai lầm, và nuôi dưỡng lòng phân rẽ nhiều hơn bất cứ yếu tố nào khác.
–Truyền hình đang có nhiều chương trình nấu ăn lắm Bo à, rồi ai nấu hay ăn món gì cũng chụp hình đưa lên internet.
– Nếu những việc ấy làm người ta ý thức nhiều hơn vể thực phẩm đem vào cơ thể, biết chọn lựa thức ăn bổ dưỡng hơn thì là điều hay. Còn nếu nó dẫn đến việc tôn thờ và nhấn mạnh quá độ vào thể xác, thì đó không phải là tiến bộ nên có. Thái độ ấy làm người ta quay trở về điều đã có lúc quan trọng khi xưa (thời Lemuria và trước hơn nữa có mục tiêu là phát triển thể xác), nhưng ngày nay nên được đặt vào địa vị nhỏ bé hơn và nằm dưới mức tâm thức, ta không nên quan tâm đến chúng nữa. Bằng khônglà ta đi thụt lui về mặt tinh thần.
– Em đọc nhiều chuyện về kinh nghiệm cận tử - near death experience (NDE) lý thú lắm. Nó phản bác lại ý của ai không tin tâm thức vẫn còn sau khi chết, cho rằng những cảm nhận mà người ta kể chỉ là tưởng tượng, huyễn tưởng do não bộ thiếu dưỡng khi tạo ra. Có người bị tiểu đường, biến chứng làm bà bị mù đã lâu.Nay phải có giải phẫu, bà được làm cho mê và thấy mình thoát khỏi xác; trong lúc mọi người bận rộn quanh thể xác của bà trên bàn mổ, bà ra đứng gần cửa sổ trong thể thanh. Vì sao đó tim bà ngừng đập và toán giải phẫu ngưng, tìm cách làm tim hoạt động trở lại. Bà thấy y sĩ cúi người trên ngực bà, việc ấy làm cây bút ở túi áo ông rớt xuống, lăn tới chân bà đang đứng cạnh cửa sổ. Y sĩ đi tới nhặt cây bút gài vào túi như trước, đoạn trở lại bàn mổ tiếp tục công việc.
Khi tỉnh dậy, bà thuật chuyện tim ngưng đập và tỏ ý lo lắng, nhưng y sĩ trấn an, bảo đó chỉ là tưởng tượng do não thiếu dưỡng khí và sinh huyễn tưởng, cho cảm tưởng thấy nhiều điều không có thật. Tuy nhiên bà kể chuyện rớt cây bút rồi ông nhặt lên ở gần chân bà; một cái não mê sảng không sao tưởng tượng ra các chi tiết chính xác như thế được.
Người khác kể họ cũng thoát ra khỏi xác khi trên bàn mổ, nghe toán nhân viên nói chuyện với nhau trong phòng.Y sĩ gây mê tỏ ý lo ngại là huyết áp của họ xuống thấp, và ghi chi tiết vào bảng.Người này muốn biết y sĩ ghi gì nên đi vòng qua phía sau lưng y sĩ, nhìn vào bảng khi ông viết và đọc ghi chú.Lúc hồi tỉnh, họ nói chuyện với y sĩ điều trị về việc huyết áp thấp, y sĩ bảo đừng lo lắng quá, đó chỉ là não nghĩ ngợi xa xôi và không có thật.Bệnh nhân khăng khăng rằng nó không phải tưởng tượng vì thấy y sĩ gây mê đã ghi, và đọc lời ghi họ còn nhớ.So lại thì nó quả là chi tiết đã ghi xuống, và không có cách nào khác để giải thích hợp lý làm sao bệnh nhân mê man trên bàn mổ lại có thể đọc được ghi chú của y sĩ đứng đối diện với bà. Vậy chừng nào thế giới mới công nhận con người có linh hồn bất tử ?
– Có những chuyện người ta chỉ thấy bằng cách thay đổi thái độ. Đây là điều mà bà Blavatsky nỗ lực kêu gọi các khoa học gia làm. Đòi hỏi chuyện tâm linh phải có thể được chứng minh bằng ngũ quan là không hợp lý, mà người ta phải làm điều ngược lại là tìm cách đi vào thế giới tâm linh. Nó chẳng khác nào đứng giữa sa mạc 40 độ C nhất định rằng phải thấy bông tuyết rơi trên tay mới công nhận hiện tượng có tuyết. Khi cưỡng ép chuyện thuộc những chiều đo khác biểu lộ ở ba chiều đo là ta làm sai lạc hiện tượng, khiến mình chìm vào huyễn ảnh và điều ta thấy không đúng như nó thật là.
Nói rõ hơn thì muốn tìm hiểu ngọn núi, ta phải đi tới núi mà không thể đòi rằng núi đến với ta. Kế tiếp, sự việc ở chiều đo khác thì phải được xem xét bằng quan năng ở chiều đo ấy, ở đây là dùng trực giác thay cho hạ trí; nhưng có lẽ quan trọng nhất là sẵn lòng nhìn nhận rằng khoa học chưa biết hết mọi điều, giữ tinh thần cởi mở với mọi chuyện, và chấp nhận giả thuyết là còn có những quan năng tâm linh khác với ngũ quan. Về thái độ, bà Blavatsky đưa ra nhận xét rất xác đáng khi khoa học gia phủ nhận chuyện tâm linh với các lý luận sau:
● ‘Hiện tượng đi trái với luật trong thiên nhiên’.Đúng thế, nhưng có những luật thiên nhiên mà chúng ta chưa  biết.
● ‘Việc gì ngũ quan, máy móc không ghi nhận được thì không có thật’.Vậy khoa học hãy chế ra máy móc tinh xảo, bén nhậy hơn thì sẽ cảm biết được nhiều việc lúc này chưa biết.
Luôn luôn có những người muốn bác bỏ điều xa lạ so với cách suy nghĩ họ đã quen, và bằng lòng với việc giải thích cho qua, cho hợp với tiên kiến.Cưng nhớ lại câu của đức K.H., ‘Họ chưa chịu nghe chỉ vì ngày giờ chưa đến’.Tốt hơn hết là để yên ai chủ trương như thế và chú tâm vào phận sự của riêng mình, và để nhân quả cùng luật tiến hóa lo liệu cho họ.
– Em hiểu rồi, ai không muốn tin thì không lý luận hay chứng cớ nào làm họ chịu tin;trở lại chuyện ăn chay, kỳ tới gặp bác Đức em sẽ thưa là vì bác quý yêu bác gái nên em sẽ bầu cho bác làm The Husband of the Year !

Theo:
Esoteric Healing, A.A.Bailey.