1001 CHUYỆN

Bài 30

 

Trở Về Mục 1001 Chuyện 

 

 

 

– Sách vở nói về việc tạo bức tường che chở là sao ?
– Che chở ai và che chở khỏi điều chi ?
– Che chở mình đối với lực hay ảnh hưởng không tốt từ bên ngoài.
– Làm sao làm việc đó ?
– Sách ghi đó là nhờ năng lực của chú ngữ hay việc tượng hình, mà nên làm như vậy không ?
– Bức tường  được tạo để ngăn cưng với thế giới bên ngoài, làm cưng cô lập. Nay thử xem hành động ấy có phù hợp với MTTL. Điều ai tập sống theo MTTL nhắm tới là sự mở rộng tâm thức, cưng làm vậy bằng cách học hỏi, tham thiền, tập thương yêu nhiều hơn. Con người được dạy rằng mình là một với muôn loài, rằng tiểu ngã hòa vào Đại Ngã; và bậc cao cả làm gương cho nhận thức ấy qua câu nói của chân sư K.H.
‘Chúng tôi không từ chối một ai.’
Như thế, khi tạo bức tường tự ngăn cách mình với chung quanh, cô lập mình với người khác là giới hạn mà không mở rộng tâm thức. Ấy là hai điều mâu thuẫn nhau, người ta không thể làm chúng cùng lúc, và khó có thể nói đó là thái độ của người đang tập để có tình thương bao trùm tất cả.
Sự thực là ai tạo bức tường là người chưa học được cách tự bảo vệ chính mình. Việc tạo lớp vỏ bao bọc mình dẫn đến sự chia rẽ, nó đưa tới hai việc là khi không cần nữa thì phải phá tan và làm tiêu hủy những lớp vỏ đã tạo, và về sau phải loại trừ thói quen tạo các lớp vỏ; chuyện trước dễ làm hơn chuyện sau. Điều có thể xẩy ra là việc tạo vỏ tự động diễn ra cho tới chót hết, con người đã tạo ra nhiều lớp quanh mình tới mức anh không thể bước ra khỏi hay không có được tiếp xúc nào.
Cách nữa là làm cô lập mình, nó đòi hỏi sự thực hành khéo léo hơn, có hiểu biết nhiều hơn về huyền thuật. Nó gồm có việc phát ra năng lực của thể sinh lực theo một hướng riêng biệt, có tác dụng ngăn lại những năng lực khác ở một khoảng cách khi có sự tiếp xúc. Năng lực đi tới chạm vào đây sẽ bị dội lại và đẩy theo hướng khác; có nghĩa chúng phải đi tới một nơi nào đó, và nếu chúng gây tổn hại cho ai khác thì không phải là kẻ đảo ngược lại hướng của năng lực – vì muốn bảo vệ chính mình – chịu trách nhiệm sao ?
– Vậy nếu muốn bảo vệ mình thì phải làm sao ?
– Tập có lòng vô hại – harmlessness là cách tốt nhất và dễ làm nhất cho người chí nguyện. Nó tác động theo nguyên tắc là trong người họ không có gì thù nghịch với bất cứ sự sống nào, trong bất cứ hình thể nào, và như thế họ chỉ thu hút vào mình những gì tốt lành. Và rồi anh dùng những lực lành mà anh thu hút theo cách ấy để giúp đỡ những sinh linh khác.
Đây phải là bước đầu tiên, và về sau bước thứ hai là anh học cách hấp thu và chuyển hóa làn rung động xấu, cùng năng lực có tính phá hoại. Anh không cô lập mình hay tách biệt mình với người khác, mà do lòng vô hại anh biết được cách làm trung hòa mọi điều gì phát ra không lành. Nay anh hành động với sự tích cực mới, là quyết tâm và với ý thức đầy đủ về điều mình làm, anh thu hút vào mình tất cả những gì phát ra không lành như năng lực có tính phá hoại và lực sai lầm, khiến chúng vỡ tan thành những phần riêng biệt, và trả chúng trở về nơi đã phóng chúng ra, nhưng đã được trung hòa, bất lực và vô hại. Chúng ta có thể nghĩ đây là việc khó làm và không giải thích rõ, nhưng đó luôn là cách thức của chỉ dạy bí truyền, và ai biết sẽ hiểu lời ấy muốn nói chi.
Nhìn một cách khác thì sự việc liên hệ đến làn rung động, hay mình có thể giải thích theo làn rung động để làm rõ nghĩa chuyện. Nguyên tắc là ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’, khi cưng tập cho mình có những làn rung động cao, cưng sẽ thu hút những làn rung động có tần số tương tự, có nghĩa làn rung động thấp không xâm nhập được vì không có gì tương ứng với nó, và do vậy tự động che chở mình, không cần phải tạo bức tường bảo vệ, cũng như làm theo chỉ dậy là mở rộng tâm thức thay vì giới hạn nó.
– Mà làm sao để có làn rung động cao ?
– Những gì đẹp đẽ, thanh khiết, tốt lành sinh làn rung động cao. Nếu tập nuôi dưỡng ý nghĩ, tư tưởng có những tính chất như vậy là cưng luyện cho mình rung động theo tần số cao, lâu ngày chuyện trở thành thói quen. Đó chỉ là một cách nói khác về việc tập tánh hạnh. Khi con người tập được cho mình có tâm trong sáng thì giống như chuyện Vòng Tái Sinh ghi, “Người ấy không còn sợ hãi điều gì, vì sợ hãi ám chỉ đe dọa, mà còn gì đe dọa họ khi họ là một với Sự Sống ?”
– Làn rung động cao và Sự Sống có liên hệ gì với nhau ?em không hiểu.
– Phải rồi, chuyện không có gì bí hiểm, chỉ cần giải thích rõ hơn, nhân đây cũng nên ra ngoài đề một chút. Huyền bí học thực ra không có gì là huyền bí cả, nếu ta thấy chuyện có tính khó hiểu ấy là vì ta chưa có đủ khả năng, chưa phát triển đủ để hiểu. Con người  cho điều gì mà họ chưa hiểu là bí ẩn, và khi dùng chữ không cẩn trọng họ có thể hoặc gán cho chuyện nét huyền bí mà thực ra nó không có, hay làm tăng thêm sự bí ẩn không cần thiết. Chẳng hạn lúc ban đầu của hội TTH VN, các bậc huynh trưởng dịch tài liệu TTH từ Anh hay Pháp ngữ, dịch chữ ‘astral plane’ là ‘cõi linh khí’ trong khi đó chỉ giản dị là cõi trung giới. Chữ  ‘linh khí’ cho cõi trung giới nét huyền hoặc không đúng, tạo ấn tượng sai lầm. Kinh nghiệm ấy dạy mình là khi bàn về huyền bí học, thái độ nên có là giữ tinh thần khoa học thay vì óc sùng tín, dùng chữ giản dị tránh cầu kỳ, khó hiểu.
Trở lại chuyện, càng nâng cao tâm hồn thì người ta càng đến gần Sự Sống, và chót hết hòa với nó, trở thành là nó; khi đó cưng sống trong thực tại thiêng liêng. Muốn có làn rung động cao, cách tập là giữ trong trí vài tư tưởng chính để khi trí óc không bận rộn công chuyện hằng ngày, cưng có sẵn tư tưởng cho mình suy ngẫm.
– Em biết, như các câu trong Chân Lý Hằng Ngày hay Tiếng Vô Thinh.
– Hoặc bất cứ điều gì thanh cao cho cưng trụ tâm vào. Mỗi người có cách riêng hợp với mình, điểm chính yếu là không buông trôi theo tư tưởng tầm thường, thấp kém. Cách luyện tập này chẳng những diễn ra suốt đời mà còn kéo dài sang nhiều kiếp sau, cho tới khi con người đạt tới “lý tưởng cao tột nhất, hòa hợp mình với Điều chính là họ, cái Tinh thần Yêu thương mà có người gọi là Thượng Đế, kẻ khác lại có tên khác để gọi”, như chuyện VTS ghi.
Cưng thấy chung cuộc thì đó là sự mở rộng tâm thức như đã nói ban đầu. Nói khác đi, khi nâng cao làn rung động con người được bảo vệ mà không phải với giá tự cô lập chính mình – bằng cách tạo bức tường ngăn cản – là điều không nên làm theo MTTL. Nói gọn lại thì tất cả chỉ là làn rung động, và khi cưng nắm vững ý thì có thể suy diễn cho nhiều việc khác, cho hiểu biết lý thú.  Lấy thí dụ sinh hoạt nhóm như chi bộ TTH, nhà thờ, chùa v.v. Có người đến sinh hoạt đều đặn, mà cũng có người chỉ tham dự một thời gian rồi rút lui. Ý chính nói rằng gặp nhau hội họp là do có duyên, và khi hết duyên thì chia tay.
Nhìn tổng quát là vậy, nhưng mỗi trường hợp đều có lý do riêng, trong đó có một lý do mà ít ai ngờ. Ấy là khi ai tìm đến một nhóm nào, ảnh hưởng đầu tiên là làn rung động của nhóm sẽ áp đặt lên người ấy.Nếu đôi bên tương hợp và mối liên hệ kéo dài, lâu ngày làn rung động tạo nên sự ổn định cho họ. Thế nên khi linh hồn cảm thấy con người cần sự ổn định, sẽ có dẫn dụ hay xui khiến cho một người gia nhập tổ chức này hay kia, để một tính chất của họ được ổn định nhờ làn rung động của nhóm. Khi việc đã xong, người bạn không còn lý do gì để ở lại trong nhóm và họ ra đi.
Thí dụ nữa là khi nói đến việc phụng sự, ý được hiểu là ‘làm’ theo nghĩa có hành động; tuy nhiên ý còn một nghĩa khác là ‘là – being’.
– Là làm sao ?
– Cưng chỉ giản dị ‘là’ sự tốt lành nhất có thể được. Trong trạng thái ấy, làn rung động mạnh mẽ, vững vàng, bền bỉ phát ra chung quanh trong một thời gian lâu chắc chắn mang lại kết quả. Thử coi, tại sao cưng đi chùa hay nhà thờ, tại sao người ta hành hương tới thánh địa này hay kia ? Một lý do là làn rung động, họ cảm biết là làn rung động nơi đó tốt lành cho mình nên muốn tới để được thấm tràn trong đó; và đến nơi thì sao ? Một trung tâm lực không cần ‘làm’ gì hết, nó chỉ cần ‘là’ và cho ra ảnh hưởng, tác động lên tâm linh của ai trong vùng; tương tự vậy khi một người đạt tới một trình độ nào đó, họ có thể cũng phụng sự bằng cách chỉ an nhiên ‘là’.
Nói khác đi hẳn ai cũng biết kinh nghiệm này, là có người mình thích tới gần vì họ vui tính, lạc quan, thân thiện. Đó chính là làn rung động mà đương sự phát ra một cách tự nhiên mà người chung quanh cảm biết; vậy ảnh hưởng lại càng mạnh mẽ hơn cho ai chủ ý ‘là’. Con người có hai phần là thể xác vật chất và tâm linh, phần hữu hình và vô hình, vậy có phụng sự mặt này và mặt kia.
– Nói về luật chu kỳ đi Bo, luật tác động như thế nào ? Tại sao cần chú ý đến nó ?
– Luật áp dụng cho mọi điều trong vũ trụ, từ việc rất to lớn là chu kỳ các cung có thể dài hằng ngàn năm, tới khoảng thời gian ngắn hơn là thủy triều trong ngày lên xuống. Đâu đâu cũng có hiện tượng tràn dâng rồi rút đi, trăng khuyết rồi đầy. Nói riêng về con người, khi để ý ta sẽ thấy theo sau giai đoạn có hứng khởi, kích thích, lực tuôn vào là giai đoạn lực đi ra, lắng đọng; hai tình trạng nối tiếp nhau mãi mãi không ngừng, và không sao tránh được. Ấy là luật bất biến trong cuộc sống mà nơi con người, đó là sự tử và sự sinh.
Nó cũng có thể được thấy qua chuỗi lần tái sinh, như vài kiếp dường như lặng lẽ, không có biến cố gì, trôi chậm và phẳng lì theo quan điểm của linh hồn, rồi kiếp khác sôi nổi, đầy kinh nghiệm và tăng trưởng. Ai muốn tìm cách giúp người khác sống đúng đắn cần biết thay đổi như vậy. Họ nên tự hỏi, người bạn đang trên đường lực tinh thần tăng hay giảm ?Anh đang ở trong  giai đoạn tạm thời tĩnh lặng, chuẩn bị cho động lực và nỗ lực lớn hơn, để cho việc phải làm sẽ là củng cố và ổn định, hầu cho anh đứng vững; hay anh đang trong giai đoạn lực tăng tràn ? Trong trường hợp ấy, năng lực khi được áp dụng sai lầm sẽ làm hại đời người, còn khi ứng dụng khôn ngoan sẽ cho ra thành quả trọn vẹn.
Nguyên tắc làm việc là tiết kiệm lực tối đa, bởi ai hiểu biết sẽ nhận ra là lực có giới hạn và phải sử dụng sao cho mang lại kết quả nhiều nhất, tức làm việc theo thủy triều lên xuống thay vì đi ngược và do vậy phung phí năng lực vô ích.
– Khoan, em nhớ chuyện kể Mặc Tử đời xưa đi giảng thuyết kiêm ái và nhân nghĩa. Người chung quanh nói thời buổi suy đồi không ai còn nghe những điều ấy, làm chỉ phí công. Triết gia bảo đạo nghĩa càng xuống dốc thì ấy là lý do càng nên nói mà không nên buông xuôi. Nghe có lý vậy ai đúng ?
– Nó tùy vào tầm nhìn, ai biết chuyện có tầm nhìn rộng sẽ xử sự khác với ai có tầm nhìn hẹp hơn. Cả hai đều có lý theo nghĩa là mỗi người hành xử theo mức hiểu biết cao nhất của họ, và người ta chỉ bị đòi hỏi làm như vậy mà thôi.
Nói tiếp thì tới một giai đoạn nào đó, động lực theo chu kỳ trong đời người chí nguyện diễn ra thường hơn, mau lẹ và mạnh mẽ hơn so với đời của người trung bình. Chúng thay đổi tới lui theo mức đáng lo, khiến kinh nghiệm thường gặp là có lúc con người đạt tới đỉnh cao, rồi cũng có lúc họ rơi xuống vực sâu hun hút. Làm như họ đi trong ánh sáng chói lòa rồi khi khác đó là bóng tối; có lúc họ đứng trên đỉnh núi cao nhìn mọi việc chung quanh rõ ràng, rồi có lúc dường như mây mù che phủ và họ không còn thấy được điều chi.
Tuy nhiên, khi hiểu ra sự việc là mình đang ngắm nhìn là tác động của các động lực có tính chu kỳ, và ảnh hưởng của nó về mặt hình thể, ý nghĩa sự việc hóa rõ ràng hơn. Cưng hiểu rằng hiện tượng hai thái cực đối chọi nhau luân phiên xẩy ra, là do đáp ứng chưa toàn hảo của vật chất đối với năng lực tinh thần. Cưng học được là chuyện sẽ khác một khi ai có thể sống trong tâm thức của linh hồn, mà cách nói thông thường gọi là sống trong vĩnh cửu. Khi ai có thể do ý chí đạt tới mức đó, sự thay đổi trồi sụt của mặt hình thể không còn ảnh hưởng họ được nữa. Khi nhận ra con đường dẫn từ cõi vật chất sang cõi tinh thần, và có thể đi trên đó vững vàng, người chí nguyện thấy là nó đưa họ ra khỏi thế giới luôn thay đổi của cảm quan để bước vào thế giới của thực tại.
Khi ấy mặt hình thể hay thế giới hiện tượng chỉ là nơi để họ phụng sự, mà không còn là sân trường của cảm quan. Nó muốn nói giờ người bạn nhắm tới việc sống như linh hồn thay vì là phàm ngã trong ba cõi.Tới lúc đó họ biết mình là kẻ khởi sự nguyên nhân mà không phải là người nhận chịu hệ quả.
Cưng có thể áp dụng luật chu kỳ mỗi ngày cho mình theo cách sau. Sáng sớm tham thiền ấn định việc sẽ làm hôm đó, trưa có suy xét, xem lại công chuyện tiến hành ra sao, có gì cần thay đổi; và tối trước khi đi ngủ là sự hồi tưởng những việc trong ngày, đúc kết kinh nghiệm. Mở rộng ra cho trọn đời người thì luật xưa của Ấn giáo chia đời người làm ba giai đoạn. Giai đoạn 25 năm đầu đời - thí dụ vậy - là lập thân, 25 năm kế là lo cho gia đình, và sau đó con người thành du tăng sanyasin,  đi ở ẩn tu hành trong rừng sâu.
Luật cũng áp dụng trong thời nay tuy có khác đôi chút, là con người không cần từ bỏ tất cả để vào rừng mà họ có thể vẫn sống đời bình thường mà với tâm từ bỏ. Ấy chỉ là hình thức bên ngoài không quan hệ, chuyện muốn nói là mỗi thời kỳ trong đời có mục đích riêng của nó và trọn câu chuyện là cách luật chu kỳ làm việc mà mình nên lưu ý để theo.
– Em đọc chuyện là có người nhớ lại ngày đầu học lớp mẫu giáo, khi các trẻ nhỏ vào chỗ hết rồi thì ba mẹ ra về. Lúc đó vài em òa khóc, bé trai mới đến gần bé gái và nói.
- Sao mày khóc, mẹ mày đứng bên cạnh vậy mày may mắn hơn tao, mẹ tao về rồi. Nín đi, đừng khóc nữa.
Bé gái lại càng khóc to, nói rằng bé trai chỉ nói bậy, vì mẹ em vừa mất vài tuần trước. Người bạn nói hồi ấy còn nhỏ chưa kinh nghiệm, hình ảnh bà mẹ đứng cạnh con đối với anh sống động như người thật.
Chắc em sẽ hành động như bà mẹ này, tức là dù hiểu biết luật chu kỳ vẫn thấy khó mà áp dụng, nhưng tình thương có luật riêng của nó trong một lúc, phải không ?

Tin Tin.