1001 CHUYỆN
Bài 29
– Thế giới năng lực là sao, em không hiểu.
– Phải rồi, tới lúc nên bàn chuyện đó. Trong một bài đã lâu mình có nói rằng một trong những việc mà các đấng Cao cả nhắm tới là khiến con người hướng tầm nhìn lên cao vào cõi tinh thần, bớt trụ vào cõi vật chất; thế thì tập nhìn sự việc theo mặt năng lực là một cách để thực hiện việc đó.
Hãy lấy thể sinh lực (thể phách) làm thí dụ.Mình gọi là ‘thể’ nhưng thật ra đó là màng lưới năng lực, gồm vô số đường lực mảnh mai đan lại với nhau thành hình dạng là ‘thể’.Nói khác đi thể sinh lực không là gì ngoài năng lực.Nơi có các đường lực giao nhau gọi là huyệt đạo, huyệt nhỏ có ít đường giao nhau, huyệt lớn có nhiều. Những đường lực này được giữ tương ứng với thể tình cảm, thể trí và linh hồn do ảnh hưởng làm hòa hợp của chúng. Vai trò của thể sinh lực là nhận lấy động lực từ một nguồn này hay kia, như thể trí hay thể tình cảm và nhờ vậy sinh động; rồi tới phiên thể sinh lực tác động lên thể xác khiến nó linh hoạt, tùy vào bản chất và sức mạnh của loại năng lực chế ngự thể sinh lực lúc bấy giờ.
Thể sinh lực của mỗi người nằm trong thể sinh lực của chính địa cầu, và như vậy là một phần của thái dương hệ. Do chất liệu của thể, trên căn bản thì mỗi người liên hệ với mọi biểu lộ khác của sự sống thiêng liêng, dù lớn hay nhỏ vì sử dụng cùng chất liệu. Từ đây cưng thấy tình huynh đệ đại đồng là chuyện rất thực, có căn bản khoa học, vì mọi sự sống chia sẻ một chất liệu trong vũ trụ, không có gì chia rẽ nhau.
– Tức là câu ‘Vạn vật đồng nhất thể’, đúng không ?
– Chính là nó, khi hiểu ra thì tình huynh đệ đại đồng không phải là tình cảm mơ màng hay ý niệm trừu tượng mà là sự kiện cụ thể trong thiên nhiên, và sự chia rẽ chỉ là ảo tưởng, là điều không có thật.
Lại nữa, khi nhìn sự việc theo mặt năng lực thì nhiều việc trở nên rõ ràng. Lấy thí dụ với ai đã bỏ thể xác và nay sang cõi trung giới sinh hoạt ở đó, vì không còn ngũ quan là những đặc tính của thể xác, họ cảm biết sự việc trong các cõi không bằng cảm nhận của ngũ quan mà bằng sự rung động, với mỗi năng lực có tần số rung động riêng. Như thế linh hồn cảm nhận bằng trọn thể tình cảm, và cũng vì vậy họ sẽ ‘thấy’ 360 độ, đằng trước lẫn đằng sau vì nay trọn thể là mắt và không phải chỉ thấy trước mặt mà họ còn thấy cả sau lưng. Lời kinh, tình cảm, tư tưởng của người còn sống đến với ai đã qua đời ở cõi thanh như là làn rung động, và họ cảm nhận nó. Đó là một, chuyện thứ hai là nay ai ở trong thể thanh sẽ cảm nhận sâu sắc, mạnh mẽ nhiều lần hơn khi còn sống dưới cõi trần.
– Tại sao vậy ?
– Thử nhìn như vầy. Cưng làm bếp và khi bắc nồi canh nóng, cưng đeo bao tay dầy và không bị phỏng, nhưng nếu bỏ bao tay và chỉ dùng tay trần thì cưng sẽ thấy rất nóng chịu không được. Sự việc không có gì khác, nồi canh nóng hay năng lực vẫn y vậy, chỉ có cưng thay đổi và nhậy cảm hơn. Nào, việc đeo bao tay giống như cưng ở trong thể xác dưới cõi trần, thể xác đậm đặc làm cưng cảm nhận ít; khi cởi bao tay chỉ còn lại tay trần thì giống như cưng trút bỏ thể xác và nay ở trong thể thanh, nhậy bén hơn để khiến khi gặp tình cảm xáo động dữ dội có làn rung động bừng bừng, như tay trần chạm vào nồi canh nóng sẽ làm cưng nhẩy dựng vì cảm được nhiều hơn, thì cũng phản ứng tương tự.
– Vậy ai qua đời, nghe thân nhân khóc lóc vật vã dưới trần sẽ nhẩy dựng ư ?!
– Nhiều phần là sẽ đi khòm lưng hơn.
– Là làm sao ?
– Chuyện kể bà mẹ mất con nên than khóc mãi, một hôm bà nằm mơ thấy con về mà đi khom lưng. Hỏi tại sao thì con đáp.
– Tại má hết, má à. Bao nhiêu nước mắt má tuôn ra con phải gánh trên lưng, má bớt khóc con mới đi thẳng lưng được.
Đó chỉ là một cách nói để khuyên người sống nên có thái độ thích hợp với thân nhân qua đời, tuy nhiên nó diễn tả chuyện rất thực là cảm xúc mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng người ở cõi thanh và nhiều hơn ta tưởng. Nếu đó là tình cảm thấp nó sinh ra cảm giác khó chịu, còn tình cảm cao thượng sẽ giúp ích cho họ, làm cảnh sống bên kia đẹp đẽ hơn. Chẳng hạn bà mẹ qua đời, khi liên lạc được với con bà tả khung cảnh nơi đang ngụ có đầy mỹ lệ, mầu sắc xinh đẹp và hoa thắm tươi. Ấy là vì người con hiểu biết và gửi đến mẹ tư tưởng độ trì có làn rung động thanh bai; ở cảnh giới cao làn rung động ấy cho ra mầu sắc trong sáng và hình tương ứng là bông hoa diễm lệ.
– Thế lời kinh phát ra từ máy cho ảnh hưởng ra sao ?Bây giờ hoặc là người ta nghe, hoặc cho thân nhân nằm ở nhà quàn, nghe kinh từ máy.
– Nó cũng áp dụng tính chất của làn rung động. Đó là một cố gắng và mình nên nhìn nhận thiện ý, dầu vậy nó không hoàn hảo bằng lời kinh, tư tưởng của người ở cõi trần gửi đến thân nhân. Lời kinh từ máy có tính máy móc nên cho hiệu quả cũng máy móc, tựa như đặt hàng may y phục cùng một cỡ không có sự điều chỉnh rộng hẹp, cao thấp khác nhau của từng cá nhân; ở đây là làn rung động lập đi lập lại không thay đổi, không đáp ứng và không màng với mỗi trường hợp riêng, không có từ lực để tới ngay đương sự. Băng kinh không thể thay thế lời kinh hay tư tưởng gửi đến chính đối tượng, vì vậy thêm vào kinh phát ra từ máy thì ta nên cầu nguyện cho thân nhân đã khuất, lời kinh, tư tưởng của ta có từ lực, đến thẳng với họ giúp cho sự chuyển tiếp và thức tỉnh nơi cõi thanh được mau lẹ, dễ dàng hơn. Đó cũng cho thấy thiếu sót nơi vài chi phái của đạo Tin Lành, khi chủ trương không cầu nguyện cho ai đã khuất.
– Câu hỏi nữa là …
– Khoan, cưng có thể hỏi và được trả lời nhưng cũng nên biết rằng người ta tiến bằng cách tự trả lời những câu hỏi của mình. Có những chuyện đúng ra không cần hỏi, và không bao giờ nên hỏi khi chủ ý là óc tò mò mà không phải thật lòng muốn tìm chân lý.
– Vậy không nên hỏi ư, nhưng đức Chúa có dạy ‘Hãy gõ, cửa sẽ mờ. Hãy hỏi, sẽ được trả lời’.
– Lời dạy trên áp dụng khi con người thật tâm muốn học hỏi, lòng thành chắc chắn sẽ được đáp ứng. Thắc mắc chuyện nhỏ thì cưng có thể đi tìm câu trả lời từ bên ngoài, nói khác đi câu đáp sẽ từ bên ngoài mà tới; còn thắc mắc chuyện lớn nhiều phần là khi ngày giờ thuận tiện câu đáp sẽ từ bên trong mà ra, vì thắc mắc quan trọng sẽ gợi đáp ứng từ chân nhân, cho câu đáp làm cưng tỉnh ngộ.
Và không phải chỉ đặt câu hỏi mà còn cần chuẩn bị tâm trí để soạn đúng ý muốn hỏi, lẫn với việc nhận câu trả lời.Khi muốn đặt câu hỏi, người ta nên xem thắc mắc của mình thuộc loại gì, vì nó cho biết tâm thức của họ trụ ở đâu. Ai chú tâm vào thể chất sẽ có câu hỏi liên quan tới điều ấy, ai trụ vào tình cảm sẽ hỏi về chuyện tình cảm, và ai sống nhiều về trí tuệ sẽ hỏi nhiều phần về trí não v.v., mặt khác họ không thể hỏi vượt quá mức của họ. Cũng vậy, khi có trả lời thì thường là người ta chỉ tiếp nhận điều xứng với khả năng mà không thể nhận được nhiều hơn sức của họ.
Kế tiếp, cần hiểu câu trả lời mà mình nhận được; đôi khi người ta hỏi mà chỉ lắng nghe câu đáp bằng tai phàm, hoặc nghe với óc có thành kiến, nặng tín điều, lòng kiêu hãnh. Những tâm tình ấy làm bẻ cong lời đáp và làm ta không thấy được ánh sáng có thể chứa trong câu trả lời. Cảm xúc, thói quen, tâm thức trì trệ hay linh hoạt, ba điều này hợp với nhau có thể tạo thành tâm tình cứng ngắc không uyển chuyển. Cưng có thể hiểu câu đáp và thấy nó hợp lý, nhưng tâm trí kết cứng làm cưng không thể nhìn ra nó, tựa như hạt giống gieo trên đá thay vì đất ẩm sẽ không mọc mầm, vì cưng không chấp nhận hay đáp ứng với câu đáp.
Thành rakhi hỏi thì cũng phải biết lắng nghe, đầu tiên là giữ cho tâm trí trống vắng không chứa đầy tình cảm xáo động, và thứ hai là thấy câu đáp hợp với mình thì dùng nó. Bằng không được vậy thì không có câu đáp cho ai chưa sẵn sàng, hay ai không chấp nhận giải thích.
Việc tự mình trả lời còn có mục đích là nhờ thế con người sẽ phát triển trực giác, bằng không họ sẽ không bao giờ có được trực giác, không học được việc tự trông cậy vào chính mình. Đi xa hơn là ý bậc đạo sư trở thành mà không được sinh ra, tức mỗi một khả năng muốn có đều phải do con người tự tạo cho mình mà không hề được ban phát. Nó muốn nói không có đặc ân trên đường Đạo.
Do tự mình phát triển, dần dần cưng trở thành sự sáng thì nói rộng hơn, cuộc tiến hóa là sự trở thành không ngừng với mục đích xa là thành Phật, mục đích gần là cưng trở thành con đường, thành lòng từ, hiện thân của tính khoan dung, thí dụ vậy. Càng nói thì cưng càng thấy mình rời thế giới vật thể, hữu hình và bước dần vào thế giới năng lực, vô hình. Đây là diễn trình của tâm thức nên cưng càng bước sớm vào đó thì càng hay, vì sẽ nhìn sự việc chung quanh xác thực hơn.
Nói tiếp về năng lực, có nhiều loại và mỗi loại có làn rung động, tần số riêng thì tương ứng là có nhiều loại thông nhãn khác nhau. Vì sao ? Vì có nhiều năng lực với mức rung động thay đổi, ai có thể tiếp nhận rung động nào thì sẽ thấy được sự việc, hình ảnh ứng với tần số của rung động ấy, và không thấy được việc khác. Chuyện dẫn đến thực tế là đứng trước một cảnh ở cõi thanh, không phải tất cả ai có thông nhãn cũng đều thấy cảnh ấy như nhau, mà sẽ có người thấy cảnh này và người kia không thấy hay thấy cảnh khác.
Chẳng hạn như bà Dorothy van Kunz, cố hội trưởng xứ bộ Hoa Kỳ, viết chuyện tinh linh. Bà giải thích loại thông nhãn của bà thấy được tinh linh nhưng không thấy được kiếp trước như ông Hodson.Mà không cần đi đâu xa, ngay ở cõi trần có bông hoa con người nhìn thấy là mầu này còn ong, chim lại nhìn thấy mầu khác. Lý do là mắt của ong, chim nhậy cảm hơn người, thấy được mầu bên ngoài giới hạn của mắt người, và hoa có mầu thuộc hồng ngoại hay tử ngoại tuyến để thu hút ong và chim đến hút mật, nhờ vậy mang phấn hoa đi truyền giống.
Mình không đi vào chi tiết ở đây, thí dụ đưa ra chỉ để giải thích cho kẻ hoài nghi và không hiểu chuyện, bảo rằng hễ có thông nhãn là thấy hết mọi điều, vậy ai nói mình có thông nhãn mà không thấy điều này hay kia là không nói thật. Bài học là sự sống kỳ diệu mà con người chỉ biết được rất ít thành ra nên tránh óc khẳng định, thay vào đó là giữ tinh thần cởi mở, sẵn lòng xem xét chuyện mới lạ thay vì có thành kiến và gạt bỏ điều không hợp với tiên kiến của mình.
– Em thắc mắc về chữa bệnh bằng mầu, trặc tay trặc chân hay cần giải phẫu, cưa xương thì dùng mầu được không ?
– Con người có nhiều thể, ngoài thể xác còn những thể thanh, tùy theo tính chất mỗi thể mà ta có những cách chữa trị khác nhau. Thể xác là vật chất thì mình dùng phương tiện vật chất, các thể thanh là năng lực thì dùng năng lực để chữa lành.
– Vậy dùng mầu là cho thể gì ?
– Trước tiên mình cần nắm vững vài nguyên tắc, ấy là các thể có liên quan mật thiết với nhau, và sự liên hệ giữa thể sinh lực với thể xác lại còn chặt chẽ hơn nữa; kế tiếp, một số bệnh của thể xác có nguồn gốc trong các thể thanh thường là thể tình cảm, trong trường hợp ấy chữa thể thanh thì bệnh nơi thể xác sẽ lành. Điều nhắm tới là giải trừ nguyên nhân mà không phải là hệ quả, vì hệ quả sẽ tự động điều chỉnh theo nguyên nhân. Nếu vấn đề là thuần vật chất, thí dụ như tai nạn, bệnh di truyền, bẩm sinh thì áp dụng trước tiên các phương pháp khoa học ở cõi trần, còn phần việc của người chữa bệnh tâm linh là trợ giúp phương pháp bằng cách chú tâm vào thể thanh.
Mầu là năng lực, mỗi mầu rung động theo một tần số riêng, chữa bệnh bằng mầu là dùng năng lực theo hai cách.
● Áp dụng nơi cõi cao bằng quyền năng tư tưởng, cho các thể thanh.
● Dùng ánh sáng mầu cho thể xác.
Nói riêng về thể xác, người ta sẽ tìm ra có những mầu đặc biệt tác động cho một số loại bệnh, hay chữa bệnh thần kinh, trừ tuyệt khuynh hướng nào đó, tạo mô mới, hay tiêu hủy mô hư hoại. Tất cả những điều này sẽ được nghiên cứu về sau.Vào lúc này mầu được dùng chính yếu cho thể xác và thể sinh lực. Như vậy, việc tìm tòi, nghiên cứu của người đang từ từ bước sang cõi thanh, mức chú ý được nâng lên từ cõi hữu hình sang cõi vô hình, từ thể xác sang thể sinh lực.
Điều đáng nói là như việc gì cũng có hai tính đối chọi, thí dụ thấp và cao, sáng và tối, thì mầu cũng vậy. Mầu có thể chữa lành mà cũng có thể hủy hoại tùy cách dùng, tất cả có liên hệ tới luật rung động cho nên tương lai rất hào hứng khi người ta biết nhiều hơn về luật, về mầu. Lại nữa, song song với việc trị bệnh bằng mầu còn có nhạc trị. Ảnh hưởng của nhạc đối với tâm thần đã được nhận biết, và âm thanh có thể làm sụp đổ, tan rã một công trình kiến trúc thì mặt khác, khi được dùng theo luật rung động nó cũng có thể kết hợp. Thành ra khi con người thấu đáo luật, chuyện lý thú là cách xây cất sẽ thay đổi cũng như cho kết quả lạ lùng.
– Nghe ham quá mà có thật không ? It’s too good to be true !
– Để dùng mầu và âm thanh làm các điều này thì khả năng tư tưởng như định trí, tham thiền của con người phải phát triển tới phải mức nào đó.Tham thiền ở đây không nhất thiết có tính tôn giáo, mà nó muốn nói những cách tập trung tư tưởng. Chỉ khi nào quyền năng trí tuệ được sử dụng đúng cách thì việc áp dụng luật rung động nơi cõi trần mới có thể có, điều cần nói ở đây là không phải chỉ ai theo con đường tôn giáo và tham thiền mới có thể đạt những quyền năng ấy, mà tất cả các nhà đại tư bản, thương gia chủ công ty, nhà tài chánh thượng thặng cũng đạt khả năng tương tự.
Họ biểu lộ cho sự nhất tâm theo đuổi một đường hướng tư tưởng, và sự tiến hóa của họ đi song song với con đường của huyền bí gia và nhà thần bí. Họ là những người tham thiền theo con đường của đức Maha Chohan (đức Văn Minh). Sự chú tâm hết mức vào việc phải làm khiến họ thành điều họ là, chẳng hạn một thanh niên quyết tâm sẽ tạo được một triệu dollar tới năm 25 tuổi, và đạt như ý.
Về nhiều mặt, ai một lòng một dạ theo đuổi mục đích … làm tiền đạt được kết quả lớn lao hơn ai tham thiền, bước kế cho họ là thay đổi động cơ làm việc, và họ sẽ thành công vượt bậc hơn nhiều người khác. Chuyện kể là thương gia qua đời cảm thấy cảnh sống bên kia buồn chán, vì không còn làm ra tiền và tiền không còn ý nghĩa nơi cõi thanh. Nhưng khi biết về sinh hoạt nơi đây, họ đã học hỏi và áp dụng khả năng suy nghĩ, tài chỉ huy, óc tổ chức, quản trị, dùng nhân sự và trở thành một trong những người lãnh đạo của nhóm phụng sự cõi trung giới.
Cưng thấy mình đã đi một chặng dài, từ cõi vật chất sang năng lực rồi luật rung động. Luật này cai quản hành động của ba ngành sinh hoạt thuộc đức Manu (Bàn Cổ), vị Huấn sư thế giới (đức Chúa tức đức Di Lặc) và đức Maha Chohan Chohan (đức Văn Minh), và biểu lộ bằng mầu cùng âm thanh. Chuyện càng lúc càng trở nên trừu tượng nên không cần đi xa hơn.
Những điều vừa nói có tính tiên tri, nêu ra lý tưởng ngảy kia sẽ tới, bởi chỉ bằng cách vạch ra mục tiêu và nhấn mạnh nó thì mới dẫn dụ được con người chịu có nỗ lực cần thiết, hầu tiến đến gần đích nhắm hơn. Điểm chính là ý thức rằng cuộc tiến hóa không ngừng mở rộng ra chân trời mới, hướng lên trên dẫn đến vinh quang của con người.
– Sắp đến lễ Wesak (lễ Đức Phật hiện, Phật Đản, xin đọc lại bài Lễ Wesak trên trang web PST hay PST số 42)), mình nên làm gì ?
– A, đây là một thí dụ rất hay về năng lực. Trong thiên nhiên có những ngày tháng đặc biệt được dành cho việc nguyện gẫm, tham thiền, con người tạo nỗ lực hơn bình thường để khiến tâm thức mở rộng hơn, tiếp xúc với mỹ lệ lớn lao hơn, mang lại nhiều nỗi vui hơn cho thế giới. Lễ Wesak là một ngày như vậy. Vào ngày trăng tròn tháng tư, các đấng Cao Cả tạo nên một vùng năng lực to lớn ở Himalaya do sự tham thiền, nguyện gẫm, nghi lễ thiêng liêng, lời kinh.
Vùng năng lực được mạnh thêm nhờ sự hiện diện của đức Chúa và ân lành của đức Phật, qua các Ngài năng lực tuôn tràn xuống muôn loài, rải ra cùng khắp thế giới. Những ai có đời sống và cách làm việc hợp với đường lối của Thiên đoàn và nỗ lực để tiếp xúc với bầu năng lực ấy, sẽ nhận được ấn tượng về lý tưởng và mục tiêu mà cuộc sống đang hướng tới.
Sách vở ghi là trong buổi lễ các bậc đạo đồ tiến thoái nhịp nhàng theo nghi thức, họp thành nhiều hình. Có ba hình hay biểu tượng chính là chữ thập, tam giác và vòng tròn. Chúng có thể được xem như là ống dẫn lực, thu hút năng lực vũ trụ ở mức thích hợp, và khi hình này chuyển sang hình kia thì đó sự liên lạc, phối hợp những năng lực cần cho tình trạng thế giới lúc này với năng lực có thể dùng cho tương lai, hay phân phối cho các loài tùy theo nhu cầu. Mục đích chính của nghi lễ là thanh tẩy những đường kinh liên lạc và phân phối, cho năng lực tuôn tràn mang lại tiến bộ và tự do.
Lễ diễn ra ở nhiều cõi, cõi trần và cõi thanh tại một thung lũng trong dẫy Himalaya. Ở mức phát triển của mình thì đến nơi dự lễ là điều không quan trọng lắm, tuy rằng do truyền thống nhiều dân địa phương có mặt nơi ấy. Đề nghị đưa ra là mỗi người ở tại chỗ của mình nên dành bẩy ngày dự lễ, ba ngày trước chuẩn bị tâm thân cho trong sạch, nâng cao tư tưởng, thay đổi con người. Vào ngày chính lễ, ta hoàn toàn định hướng vào Chân, Thiện, Mỹ, duy trì tâm trạng trong ngày.Ba ngày sau lễ là sự quyết tâm thay đổi đời sống lên mức cao hơn.
– Hôm nay nghe nhiều quá, em ra vườn suy nghĩ đây; mà có người hay lắm, trồng trọt thì rau trái xanh tươi thấy mà ham, còn nhà em cây tầm ruột năm ngoái chì có một quả ! Làm sao giải thích các điều ấy ?
– Dân gian nói đến ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. TTH thì cho biết có các loài tinh linh thuộc về những hành khác nhau, thí dụ chú lùn là tinh linh hành thổ, thủy tiên là tinh linh hành thủy v.v. nhưng còn những tinh linh vô hình là thành phần các thể của cưng.Suy ra, ai mà thể gồm nhiều tinh linh một hành nào đó thì có ái tính với hành ấy, và sẽ làm việc dễ dàng với nó hơn ai có ít. Có nghĩa ai có nhiều tinh linh hành thổ thì sẽ mát tay với cây trái, lắm tinh linh hành thủy thì dễ tìm mạch nước, rồi ai nữa có thành phần tinh linh tương ứng cao lại dễ tìm kim loại v.v.
Những tinh linh này trông coi đời sống thiên nhiên, chúng hướng dẫn sự tăng trưởng, đơm hoa, tính chất và các thay đổi của cây cỏ như lá đổi mầu vào mùa thu, chúng là hồn của thảo mộc. Theo ý đó, nơi loài vật hay cây cỏ, ngoài xương thịt, dây thần kinh, não bộ, máu của loài trước, và mô, xơ, cơm hay nước cốt của trái, nhựa tuôn chẩy trong mạch cây thuộc loài sau; ngoài thú tính là sự chuyển động nơi loài vật, và năng lực hóa học biến đổi thành sinh lực trong lá cây xanh, còn phải có hồn của mỗi khoáng chất, cây cỏ hay thú vật, là tinh linh của các loài.
Nói rộng ra, mỗi vật trong thế giới, hữu hình cũng như vô hình, có một hành (element) thích hợp cho nó, và có loại tinh linh riêng.Loại nặng nề nhất ở nơi thấp nhất của bầu không khí tinh thần, sát với mặt đất; ngược lại loài thanh khiết nhất sẽ ở cách xa mặt đất nhất.
– Chị Nga dạy em đọc thánh ngữ Aum, bây giờ mỗi khi làm vườn em tập xướng thánh ngữ, vườn rộng chỉ có cây và đàn cò vểnh tai nên em thoải mái đọc. Không chừng nhờ nghe mỗi ngày mà cây cam ra trái ngọt lắm, chắc ngoài phân chuồng còn có tinh linh phụ thêm !
Tham khảo:
– Collected Writings, HP Blavatsky.
– The Cosmos Man, Tolkhom Saraydarian.