1001 CHUYỆN

Bài 28

 

Trở Về Mục 1001 Chuyện 

- Sách nói giống dân phụ thứ sáu của mẫu chủng thứ năm, và mẫu chủng thứ sáu đang khởi sự ra đời, một địa điểm trong các nơi là ở Hoa Kỳ, đúng không Bo ?
- Nghĩ vậy là cưng lạc vào ảo ảnh rồi.
- Không đúng ư, ai cũng nói thế mà.
- Ý tưởng trên cũng như lời mô tả trong sách chú trọng tới phần hình thể, còn thật ra giống dân mới sinh ra ở khắp nơi trên thế giới, đất nước nào cũng có họ, tuy chính yếu là ở các vùng có mẫu chủng thứ năm.
- Như vậy thì ở nơi dân chúng thuộc mẫu chủng thứ tư như Trung Hoa, Nhật Bản cũng có người thuộc giống dân mới ra đời hay sao ?
- Phải rồi, và họ sẽ có đóng góp về mặt bí truyền cho công cuộc chung. Tức nói cho đúng thì khi đề cập tới giống dân mới là người ta muốn nói đến một tình trạng tâm thức hơn là hình dáng bề ngoài. Ấy là một trạng thái tâm trí hơn là thân xác có được cấu tạo theo cách riêng. Tuy nhiên theo với thời gian, bất cứ thay đổi nào về tâm thức cũng đương nhiên ảnh hưởng và ấn định tính chất của cơ thể, và cuối cùng sinh ra một số đặc tính thể chất rõ ràng.
Loại ý thức nổi bật của giống dân mới sẽ là sự nhìn nhận rộng rãi việc có cảm nhận thần bí. Đặc tính chính của nó sẽ là hiểu biết do trực giác và biết kiểm soát năng lực, và sự đóng góp của nó cho sự phát triển của nhân loại là việc chuyển biến ham muốn ích kỷ thành tình thương cho nhóm đông. Điều này có thể thấy đang tác động rất rõ qua thái độ của các nhà lãnh đạo vĩ đại và các nhóm quốc tế phi chính phủ NGO (non-government organisations). Nói chung họ không được thúc đẩy bởi tham vọng ích kỷ, mà làm việc do lòng yêu nước và như vậy là được linh hoạt bởi một hình thức rõ rệt về lý tưởng, từ đó sinh ra nhiều ý thức hệ hay chủ nghĩa như ta thấy từ thế kỷ 20. Điều này đáng cho ta suy gẫm để có hình ảnh rộng lớn hơn về sự tăng trưởng của tâm thức con người, và nắm được phần nào mục tiêu của cách giáo dục mới.
- Lúc gần đây có nhiều biến động lớn trên thế giới, bao gia đình chạy loạn ở Irak, Syria làm em nhớ tới tới cảnh dân chúng bỏ chạy từ miền Trung về trước tháng tư 1975, cảnh mình hốt hoảng rời Sài Gòn ngày 30 - 4, lo lắng như vậy có nên ?
- Chắc ai cũng động lòng với những hình ảnh đó, và nhìn rộng ra là thảm cảnh chiến tranh hay sự diệt chủng người Do Thái trong thế chiến II. Tuy nhiên, điều cưng nên luôn luôn nhớ là với những Đấng biết rõ Thiên Cơ, và những Vị làm việc để mang lại các phát triển mới, mặt hình thể của sự sống, phần biểu lộ hữu hình bên ngoài, có tầm quan trọng hoàn toàn thuộc thứ yếu.
Tầm nhìn của con người thường bị biến đổi do lòng đau khổ và nỗi đau đớn mà phần hình thể phải nhận chịu, hoặc cá nhân hoặc tập thể, hoặc chính mình hoặc người khác, thành ra cưng không nhìn được rõ ràng mục đích và sự thúc hối của sự sống bên trong hình thể. Lấy thí dụ cho nhiều người, với người Do Thái là thế chiến II, với người Việt là cuộc chiến trong thế kỷ trước, nó là thảm trạng kinh khủng, là nỗi thống khổ phải tránh trong tương lai với bất cứ giá nào, là biến cố đáng sợ do tính ác độc nơi người và trời xanh không có mắt.
Nhưng đối với các Vị nhìn được bên trong sự việc thì thế chiến có bản chất như là một cuộc giải phẫu lớn, được thực hiện do nỗ lực muốn cứu sống bệnh nhân. Thí dụ ta có việc nhiễm trùng dữ dội đe dọa sự sống của nhân loại, và cuộc giải phẫu được thực hiện để kéo dài cơ hội và cứu sự sống, mà không phải là cứu hình thể. Cuộc giải phẫu này thành công về nhiều mặt, tuy rằng độc tố chưa được trừ khử hoàn toàn và vẫn còn hiện diện ở vài nơi trong cơ thể.
Tùy sự phát triển của nhân loại mà ta có thể cần một cuộc giải phẫu khác, không phải để hủy hoại và chấm dứt nền văn minh đương thời, mà để tiêu trừ sự nhiễm độc và làm ngưng cơn sốt. Mà cũng có thể không cần làm vậy vì việc tiêu tán, phân phối và hấp thu đang diễn ra và có thể hữu hiệu, và chúng ta nên làm việc hướng tới điều này.
Cùng lúc đó đừng bao giờ quên rằng Sự Sống, mục đích và vận mạng của nó là điều quan trọng, và cũng nhớ là khi một hình thể tỏ ra không đủ cho sự sống biểu lộ, hoặc đau ốm, hoặc quá yếu kém làm mục tiêu không biểu lộ được, thì theo quan điểm của Thiên Đoàn, hình thể ấy phải không loại bỏ và sự việc không phải là thảm họa. Cái chết không phải là chuyện ghê gớm làm ta kinh sợ, việc làm của Đấng Hủy Diệt (trong ba ngôi Sáng Tạo, Bảo Tồn và Hủy Diệt) thực ra không có gì là nhẫn tâm hay không đáng ao ước. Đây là cái nhìn của bậc thầy theo cung hai Minh Triết - Từ Ái, và là người hiểu rõ ý nghĩa của sự hủy diệt.
Nói rộng ra thêm thì có hai đường lối tàn phá, một do nhân loại làm mà không hiểu biết về mục tiêu của sự sống, con người hành động mù quáng và vô minh, do lòng ham muốn ích kỷ thúc đẩy, do lòng chuộng quyền lực hay do sự thù ghét; và sự tàn phá mà linh hồn cho phép vào đúng lúc, xẩy ra khi sự sống bên trong đòi hỏi có vận cụ mới để biểu lộ.
Vì vậy, có lắm sự tàn phá mà những Đấng thực hiện Thiên Cơ cho phép có, và lắm điều ác được biến thành điều tốt đẹp vì ngay từ khởi đầu các ngài đã thấy kết cục, và tâm thức đã có đủ kinh nghiệm để từ bỏ hình thể, vì cảm biết điều lợi ích sẽ có được. Điều này đúng cho cá nhân, quốc gia và giống dân. Như vậy, lòng nhậy cảm đối với sự đau khổ trên thế giới là đặc tính thiêng liêng và cao cả, tuy nhiên khi nó bị tình cảm xen lẫn thì có tính chia rẽ trong cách diễn giải, và chú tâm vào một phần riêng rẽ và cá nhân, do vậy tạo ra ào ảnh cùng huyễn tưởng, làm ta rối trí với vấn đề đích thực, và làm con người không nhận ra các sự kiện thiêng liêng.
- Hồi nẫy mình nói ‘cảm nhận thần bí – mystic perception’ là sao ?
- Nó cần giải thích một chút. Nơi mỗi người có một tính chất lạ lùng, một đặc tính bẩm sinh, nội tại luôn luôn có đó không tránh được, là cảm nhận thần bí. Chữ nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn là nghĩa bình thường hay gặp, và không phải chỉ muốn nói đến tôn giáo mà thực ra, nó gồm các nét sau:
● Viễn ảnh thần bí về linh hồn, Thượng đế và vũ trụ.
● Khả năng tiếp xúc và lượng xét thế giới của ý nghĩa, thế giới thực tại đang dần lộ ra.
● Khả năng thương yêu và bước ra ngoài tới điều khác hơn cái tôi.
● Khả năng nắm bắt và trực nhận ý tưởng.
● Khả năng cảm nhận điều chưa biết, điều nên có và điều đáng ham muốn. Tiếp theo là ý xác quyết và kiên tâm cho phép con người tìm kiếm, truy tầm và đòi hỏi có cái thực tại chưa biết ấy. Đó là cái khuynh hướng thần bí sinh ra các nhà huyền học vĩ đại của thế giới, đông đảo các nhà thám hiểm, khám phá và phát minh.
● Khả năng cảm biết, ghi nhận và ghi lại chân, thiện, mỹ. Điều này sinh ra văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ và kiến trúc sư.
● Ý thúc đẩy muốn khám phá và thâm nhập vào các bí mật của thiên nhiên và Thượng đế. Ấy là nguyên so sinh ra nhà khoa học, và ai sùng tín.
Các định nghĩa trên cho ta thấy chữ ‘cảm nhận thần bí’ bao quát như thế nào. Nó không gì khác hơn là quyền năng có sẵn trong người, vươn ra và nắm lấy điều chi lớn và tốt đẹp hơn chính họ; và là điều thúc giục họ tiến tới, qua những nền văn hóa và văn minh phát triển dẩn cho đến hôm nay thiên tính được phát triển nhiều hơn bao giờ hết. Đó là khả năng cảm nhận và gắng sức theo đuổi điều thiện tưởng như không thể đạt được.
- Về tân kỷ nguyên thì có chuẩn bị gì ?
- Tùy theo mức độ hay vai trò, nói về các đấng cao cả thì có việc làm chủ các đường từ lực mới mà sẽ tác động vào cuối thời đại sắp tàn, và vào lúc lực vũ trụ từ cõi cao đi xuống trái đất, và việc có thân xác mới, rời nơi ẩn cư  xưa nay  của các ngài để sinh hoạt giữa nhân loại.
Với các đệ tử cao cấp thì họ có hy sinh sau. Theo diễn tiến bình thường, sau khi chết tới một lúc nào đó người ta sẽ vào cõi Devachan là tây phương cực lạc hay thiên đàng để ngơi nghỉ trước khi tái sinh. Tuy nhiên, khi các Chân sư xuống trần thì các ngài muốn qui tụ quanh mình những đệ tử, điều này đòi hỏi người sau phải thu ngắn thời gian giữa hai kiếp của họ, tức giảm bớt khoảng nghỉ ngơi trong cõi Devachan.
Như thế, chuyện diễn ra là sau khi rời bỏ thân xác, người đệ tử sẽ quay trở lại cõi trần, nhận chịu lần nữa những giới hạn và khó khăn của đời sống dưới thế sớm hơn là họ tưởng. Vì lý do đó, điều này được cho biết trong lúc họ còn sống để suy xét. Sự việc cũng muốn nói các đấng cao cả không hề ra lệnh hay ép buộc, mà chỉ đề nghị; và khi đề nghị được chấp thuận hay bị từ chối thì nó liên quan nhiều đến quyết định tương lai của ngài.
- Em tưởng là ở địa vị các ngài thì không còn gì phải lo lắng.
- Không hẳn vậy, đúng là các ngài không phải lo lắng chuyện thường tình, và đã vượt qua sự đau đớn, khổ sở của nhân loại, nhưng thường khi các ngài phải suy tính thật cặn kẽ để trợ giúp và hướng dẫn đại đa số nhân loại ngày nay không màng lời chỉ dạy. Vì vậy các ngài phải cần đến sự giúp đỡ của những đệ tử, là người có cùng ước vọng mà chưa đủ công lực …
- Tại sao các ngài không thể xuống trần với xác thân đang có ? Sao phải tạo thân xác mới ?
- Lý do là những thân xác hiện giờ của các ngài không thích hợp cho mục tiêu như vậy, chúng quá nhậy cảm và không thể chịu nổi làn rung động thô kệch của trần gian. Xác thân ấy hợp cho các ngài trong thời đại này trong các điều kiện mà Chân sư sinh hoạt; tuy nhiên trong thời đại sắp tới các ngài cần thích ứng mình với hoàn cảnh thay đổi và bước đường tiến hóa mới.
Chuyện cần nhớ là mọi việc đều trong tiến trình trở thành, và không có gì đứng yên một chỗ trong thế giới hữu hình. Ngay cả vì Thái dương Thượng đế cũng chưa đạt tới sự toàn thiện sau cùng, và còn phải qua nhiều lần chứng đạo trước khi thái dương hệ và con người tạm ngưng sinh hoạt.
- Sang luật tái sinh, ai khi sống không tin thì khi qua đời, thấy được sự thật liệu họ sẽ tin ?
- Câu trả lời rất thú vị nói rằng đừng tưởng tượng ai đã bỏ thể xác sang cõi bên kia là sẽ có được mọi hiểu biết. Nếu cưng tới đất nước xa lạ và ngụ ở thị trấn nào đó, điều ấy có làm cưng có được hiểu biết và niềm tin của mọi tôn giáo và triết lý của đất nước ấy chăng ? Không, thay vì có tinh thần cởi mở và tiếp nhận chúng, nhiều phần là người ta sẽ tiếp tục sống với niềm tin và thành kiến đã có từ lâu của họ, vẫn giữ chúng trong đầu óc mình.
Thế thì chuyện cũng y vậy với những ai đã bỏ xác và cư ngụ ở cảnh thấp cõi bên kia. Các nơi đó là hỗn hợp của cả thực tại và ảo ảnh, mà ảo ảnh lại càng lớn hơn do tư tưởng, ước vọng lập tức biến thành vật. Lấy thí dụ nơi cõi trần một điêu khắc gia có thể suy nghĩ về một hình tượng, nhưng chỉ khi nó được tạc hay đẽo gọt từ đá, kim loại thì nó mới thành vật. Nơi cõi tình cảm sự việc khác hẳn, bởi chất liệu nơi cõi ấy rất dễ uốn nắn, tư tưởng trở thành vật gần như chỉ trong nháy mắt. Vì lý do ấy tuy niềm tin có thể sai lầm nhưng chúng hiện ra như là sự thật.
Còn có một giải thích khác thật giản dị và rõ ràng. Điều hay nói là con người có các thể như các lớp áo, và khi qua đời là ta trút bỏ thân xác hay lớp áo ngoài thô kệch nhất. Nào, mùa đông tuyết rơi cưng mặc áo dầy, sang xuân trời ấm cưng cởi bớt áo, hành động cởi bớt ấy có làm cưng đột nhiên hóa khôn ngoan thông thái hơn không ? Cũng y vậy, chết là bước ra khỏi thể xác và sinh hoạt trong thể thanh hơn thì không có lý do gì để cho rằng vì thế mà ai bỏ xác biết nhiều hơn nơi cõi trần.
Người đông phương được dạy thuyết luân hồi lúc còn sống và vẫn giữ được chân lý ấy khi qua đời, còn người tây phương đã mất thuyết ấy vì khi xưa, các giáo sĩ đã loại bỏ hiểu biết này trong tôn giáo của họ.  Ngày nay, với ai tiếp tục lên bục giảng nói điều không đúng thì đầu tiên là không nên trách họ, mà nên nhìn vào sự thật hiển nhiên tuy ít người thấy. Kinh thánh dạy rằng ‘Hãy gõ, cửa sẽ mở; hãy hỏi, sẽ được trả lời’, ai không hỏi thì không được trả lời và do vậy không có hiểu biết chân thật để giảng mà chỉ lập lại điều họ được dạy.
- Rồi có chuyện ngược lại không ?
- Là sao ?
- Là ai còn sống không tin mà khi qua đời sang cõi bên kia lại tin ?
- Có, thí dụ các giáo sĩ khi biết về luật luân hồi đã lấy làm hối tiếc về những lời giảng của họ khi xưa và mong muốn sửa chữa lại.
- A, tức đây là trường hợp linh hồn lúc còn sống không biết mà khi qua đời thì nhờ học hỏi đã biết được lẽ thật.
- Như thế cưng thấy đời sống bên kia cũng như bên này, tùy thuộc vào thái độ và tâm trí cởi mở chịu đón nhận hiểu biết mới hay không. Ở cõi trần, khi một người Thiên Chúa giáo gặp người theo Ấn giáo, họ có thể không học được gì nơi người sau, và không chắc tin theo những gì mà người theo Ấn giáo tin thì khi sang cõi bên kia, chuyện cũng y vậy.
- Thế nhưng việc tái sinh xẩy ra hằng ngày, nếu ở cõi bên kia người ta thấy ai đó tái sinh thì nhiều phần là họ phải suy nghĩ chứ ?
- Không hẳn vậy, người bên kia không thấy ai tái sinh liền trước mắt vì linh hồn có tiến trình phải theo. Sau khi ở cõi trung giới một thời gian, linh hồn ‘chết’ lần hai là bỏ thể tình cảm khiến chúng thành các ‘vỏ’ (xin đọc PST 66) và họ sang cõi trí, về tây phương cực lạc hay thiên đàng là cõi Devachan, ở đó một thời gian dài ngắn rồi mới tái sinh. Do việc linh hồn sẽ đi lên cõi cao hơn mà có chủ trương nói ta chỉ có một kiếp dưới trần rồi đi lên mãi, và không xuống trần trở lại.
- Trâm có người bạn bị thảm tử nên nó rất buồn. Một buổi sáng thức dậy thấy lòng hớn hở, Trâm tin là đã gặp bạn hồi đêm và giải thích sự việc với bạn. Em nghe thích quá, có hiểu biết là làm được chuyện hay, đâu cần phải giàu. Nhưng nếu trúng số để in sách TTH thì hay hơn nữa !

TIN TIN.