1001 CHUYỆN

 

Bài 26

 

 

- Mình nên hiểu kinh thánh như thế nào đây Bo. Có phái viện dẫn kinh thánh, nói rằng căn bản của hôn nhân là để sinh con cho đông đầy mặt đất, còn khuynh hướng khác thì nói động cơ chính của hôn nhân là tình yêu đôi lứa. Họ bảo nếu hôn nhân chỉ là để sinh con thì ấy là coi nhẹ phụ nữ, cũng như nghĩ vậy là giới hạn khả năng của phụ nữ. Ai đúng ai sai vậy ?
- Vai trò của phụ nữ vào thời kinh thánh được soạn ra nay đã thay đổi, nên có lẽ cần diễn giải kinh thánh theo hiện trạng cho cận nhân tình. Tuy nhiên lý do chính để diễn giải theo cách mới sẽ vượt lên trên phái tính, xem xét mọi chuyện theo mặt tinh thần hơn là vật chất. Lấy thí dụ trong một kỳ trước, cưng biết là câu nói của đức Chúa 'Luôn luôn có người nghèo trong đời' không  hàm ý tình trạng giầu nghèo trong xã hội. Câu đó phải hiểu theo ý là lúc nào cũng có người còn vô minh, ít hiểu biết tinh thần.
Lời khuyên sinh con cho đông đầy cũng cần hiểu theo cách đó. Nó có liên quan đến sự tiến hóa của con người. Vào lúc có lời khuyên ấy nhân loại còn ở mức thấp nên hiểu nó theo mặt vật chất là chuyện tự nhiên; nay con người đã tiến hóa thêm về trí tuệ, lời khuyên đó nên được hiểu rộng ra và về mặt tinh thần là ta hãy làm cho vũ trụ tràn đầy việc làm tốt lành và tư tưởng thanh cao.
Nhìn sự việc theo mặt tinh thần còn cho cưng thấy rõ mình đi sai ở đâu. Thí dụ như đòi hỏi tín đồ chịu lễ rửa tội. Nguồn gốc con người không là tội lỗi mà việc sinh con là kết quả khi làm tròn luật thiên nhiên, áp dụng cho mọi sinh vật.  Sinh con cho đông đầy là luật chung và tổ tiên làm theo, thì tại sao lại cho rằng con người phạm tội ?
Lại nữa, nhìn theo quan điểm tinh thần sẽ làm hiểu biết về tình dục được lành mạnh khi biểu lộ đúng cách, thay vì xem đó là chuyện tội lỗi, không trong sạch, tránh được ẩn ức sai lầm hay gặp nơi người theo Công giáo La mã. Nói khác đi, ai tuân theo luật và lập gia đình, sinh con thì không làm gì sai hoặc làm cho mình bị hoen ố. Chuyện làm con người bị hoen ố là có những đam mê thấp, vì nó làm cản trở sự tiến hóa của tinh thần.
- Con rắn và trái cấm thì sao ?
- Cả hai là biểu tượng, nói về óc hiểu biết đúng, sai bắt đầu có nơi con người, và không là chuyện thật. Thành ra không nên nói là thế hệ sau chịu tội của tổ tông, ít nhất nên nghĩ rằng luật trời công minh và khôn ngoan, và Thượng đế đầy lòng từ mà không phải là ông kẹ có đủ tham sân si như người thường.
Diễn giải đúng sẽ nói rằng nguồn gốc con người không phải là tội lỗi (nên cần rửa tội), mà việc họ sinh ra là kết quả của luật thiên nhiên, và vạn vật,  không phải chỉ riêng con người, đều tuân theo luật ấy.

- Còn lễ rửa tội muốn nói gì ?
- Kinh Tân ước ghi thánh John Baptist dùng nước rửa cho người đã trưởng thành, nó là một biểu tượng khác và nên hiểu đó là hành động ăn năn hối cải của con người trước Thượng đế. Ngày nay, ai bắt chước hình thức ấy và lập lại y vậy là vẫn còn sống trong thời của ông mà không phải thế kỷ 21. Khi ta biến chuyện thành nghi thức, bằng lòng với biểu tượng thì tinh thần không đạt được gì qua nghi thức đó, rửa tội trẻ sơ sinh không đạt tới chuyện chi, cũng như nước không hề thanh tẩy được các khuyết điểm của con người so với luật trời.
Kế nữa, ông nói ' ... Đấng tới sau ta sẽ rửa bằng lửa của thánh linh (ngôi ba – Chúa thánh thần, Matthew 3:11). Chính ông tiên tri là sẽ có cách khác thay thế điều ông làm, vậy nếu tín đồ tin tưởng ông thì hẳn là không nên có nghi thức rửa bằng nước.
- Rửa bằng lửa là làm sao ?
- Bà Blavatsky nói đây là bí ẩn chỉ có thể bàn rất sơ sài vào lúc này, thử suy đoán một chút là lửa có thể muốn nói đến trí năng, tức nguyên lý mà giống dân thứ năm có phần việc làm nẩy nở, nói khác đi trí năng là tính chất nổi bật của giống dân này, cũng như tình cảm là nét chính nơi giống dân thứ tư.
Tuy nhiên cần lưu ý là khi trí tuệ phát triển  mạnh nó có thể khiến minh triết bị lấn áp. Do sự tăng trưởng khác thường của trí tuệ nơi con người và sự phát triển mạnh mẽ của trí năng trong thời đại chúng ta, mức tiến bộ mau lẹ của nó đã làm tê liệt nhận thức tinh thần hay trực giác. Vì thế luôn luôn có nhắc nhở rằng không phải trí năng là tất cả, mà ta còn cần tập phát triển trực giác.
- Rồi câu 'Con người được tạo theo hình ảnh của Thượng đế' muốn nói gì ?
- Đó là nói về con người tinh thần mà không phải là xác thân vật chất, tức như lời dạy 'Con người là điểm linh quang của Thượng đế', có cùng bản chất thiêng liêng với ngài. Hình ảnh đây là hình ảnh thiêng liêng, là bản chất.

- Kinh thánh có nhiều thí dụ về việc đức Chúa chữa bệnh, ngày nay mình giải thích như thế nào những trường hợp chữa bệnh tâm linh ở Philippines, Mexico ?
- Sự việc có hai phần, một là chuyện trong kinh thánh và hai là chữa bệnh tâm linh, mình sẽ nói chuyện sau trước.
Khi người bệnh người bệnh tới gặp ông đạo, đi hành hương Lourdres hay thánh địa nào khác và được khỏi bệnh, nhiều phần ấy là do niềm tin của họ và đương nhiên là nhân quả phải cho phép có việc ấy. Mộ của thánh nhân, bùa chú, nước suối thánh địa, tắm sông thiêng v.v. nghĩa là bất cứ phương tiện nào cũng làm cho hết bệnh và nhân gian sẽ nói đó là do 'thầy' đưa tay làm phép, do nghi lễ trong khi thực ra ấy là do ý chí vô thức hay óc tưởng tượng mạnh mẽ và con người tự chữa cho mình.
- Còn nếu người bệnh không có niềm tin thì sao ?
- Trong trường hợp đó thì luật thiên nhiên tác động. Nếu thể chất của họ tiêu cực và có tính cảm thụ (receptive), còn người chữa bệnh khỏe mạnh, tích cực, quả quyết, bệnh có thể tan biến do ý chí cứng cỏi của người chữa bệnh và tái lập quân bình trong hào quang của người bệnh. Người chữa bệnh có thể dùng vật như đưa thánh giá ra, dùng tay, hay như đức Chúa là dùng lời xua đuổi bệnh. Hình thức có khác nhưng phương cách là một.
- Chữa bệnh bằng nhân điện có thuộc loại này không ?
- Nó có khác một chút, điện được xem giống như chất lỏng là chảy thành dòng. Muốn giải thích thì cần nhắc lại luật của điện và từ lực và việc dẫn điện. Tóm tắt là khi kim loại có điện dương tiếp xúc với kim loại khác có điện âm, phần điện dương sẽ từ vật trước chảy sang vật sau, và sấm sét là thí dụ cụ thể. Rồi nếu hai vật có cùng điện cực chúng sẽ đẩy nhau. Bây giờ áp dụng luật vào cơ thể con người. Ai mạnh khỏe sẽ có sinh lực hay prana, hay bầu điện từ trường dương tính và ai đau ốm có âm tính. Người chữa bệnh có thể dùng ý chí truyền sinh lực dương tính sang hệ thần kinh dễ cảm thụ của bệnh nhân. Hệ thống trong cơ thể người sau được quân bình trở lại và 'phép lạ' xẩy ra.
Nếu ngoài sức khỏe, năng lực ý chí, hiểu biết khoa học và lòng từ của người chữa bệnh, ta có về phía bệnh nhân niềm tin, tính thụ động, và sự đối cực cần thiết để thu hút thì kết quả lại càng mau lẹ và lạ lùng hơn. Còn khi không có niềm tin mà vẫn có tính cảm thụ và sự đối cực thì vẫn có thể được chữa lành. Yếu tố quan trọng bậc nhất là ai muốn chữa bệnh phải có niềm tin tuyệt đối và rõ ràng vào khoa học của họ và vào chính họ.
Để truyền năng lực chữa bệnh, họ phải tập trung tư tưởng hết sức mình lúc ấy vào người bệnh, và MUỐN với sự quả quyết như sắt thép rằng bệnh phải ra khỏi và sự tuần hoàn thần kinh mạnh lành mạnh được tái lập trong người bệnh nhân. Tín ngưỡng của người chữa bệnh không quan hệ, cũng như họ xướng tên thần linh nào, đức Phật, đức Chúa v.v. không làm thay đổi sự việc. Họ phải tin vào năng lực và khoa học của chính mình, việc xướng tên đấng thiêng liêng trong tôn giáo chỉ giúp có sự tin  tưởng cần thiết để thành công.
Lấy thí dụ chuyện kể ông Olcott khi dùng nhân điện chữa bệnh cho người Tích Lan, ông xướng tên đức Phật; làm vậy thích hợp và cần thiết vì chẳng những ông là Phật tử và kính yêu đức Phật, mà cũng vì bệnh nhân là Phật tử. Nay mình có thể nhìn lại chuyện với một nụ cười, vì lý do khác khiến ông làm như thế là giáo sĩ  Thiên chúa giáo ở Colombo đang tính dụ người Tích Lan dễ tin, rằng con suối mới của các giáo sĩ trong vùng có được khả năng chữa lành mầu nhiệm lạ thường của đức Mẹ.
Tất cả những sự lành bệnh theo cách này đều hoàn toàn, tuyệt gốc và không có hệ quả phụ. Nhưng ai tự thân xác có bệnh mà muốn chữa cho người khác, thì chẳng những không làm được mà thường khi còn truyền bệnh mình sang bệnh nhân, làm mất sức lực của người sau. Nếu đó là bệnh tâm linh thì kết quả tệ hại hơn nhiều, vì bệnh thể chất  dễ được chữa lành trăm lần hơn làm thanh lọc thân xác có tinh thần bạc nhược. Người chữa bệnh truyền sang bệnh nhân – nay là nạn nhân – từ điển dơ bẩn và độc tố gây hư hại cho tâm trí họ. Đối với sự nhiễm độc tệ hại này, không có cách che chở nào cho ai thụ động và dễ cảm thụ. Sức mạnh của người chữa bệnh kềm chế họ, làm cho họ bất lực và lệ thuộc, tựa như con rắn thôi miên khiến con chim nhỏ, yếu đuối không cử động được mà đứng chôn chân một chỗ. Những 'ông đạo' nào loại đó có thể gây ra ảnh hưởng tai hại lớn lao khôn kể, và có cả trăm người như vậy.
Lời dạy từ xưa đến nay là chỉ những ai có tâm trong sạch mới cảm nhận được Thượng đế, có được năng khiếu thiêng liêng, và kẻ nào như thế mới có thể chữa lành được bệnh của thân xác, và mang lại sự yên ổn tâm thần cho người bệnh, vì khả năng chữa lành không đến từ nguồn độc hại. Hơn hết thẩy, đây không phải là chuyện siêu nhiên, nó là một khoa học và việc trừ tà là một ngành của nó.
Nói thêm về việc sinh lực tuôn chẩy từ cơ thể mạnh sang cơ thể yếu, thỉnh thoảng có sự lạm dụng khi người không nhất thiết có bệnh mà chỉ là suy yếu, thu hút từ lực mạnh khỏe nơi người khác làm cho mình phục hồi lại.
- Tựa như Dracula, dơi hút máu ?!
- Nhân gian không nhìn giống vậy, nhưng đó là thực tế và là cách sự việc diễn ra. Nếu người bệnh muốn chữa lành, lực của họ có thể đủ mạnh đẩy bệnh ra khỏi chỗ hiện thời của nó, dời nó sang người khác mà chẳng bao lâu nó sẽ hiện ra nơi người ấy; còn người bệnh trong lúc này nghĩ rằng mình được chữa lành.
- Dòng sinh lực mình nói truyền vào bệnh nhân là lấy từ đâu ra ?
- Mọi từ lực chữa lành mà người chữa bệnh dùng ý chí của mình đưa vào cơ thể bệnh nhân đi ra từ chính cơ thể họ. Họ có trong người điều gì thì cho ra điều ấy và không thể cho hơn. Bởi vậy ai muốn chữa bệnh cách này cần phải có lượng sinh lực dư thừa để cho ra, ngoài lượng mà họ phải có cho chính mình để trước hết giữ cơ thể của họ được mạnh khỏe, bằng không họ sẽ mất sức và tới phiên mình ngã quị.
Vì lý do ấy, ai quá ngũ tuần thì không nên chữa bệnh theo lối này, cơ thể không có sức hồi phục như khi còn trẻ; giống như người lớn tuổi không thể tranh tài với lực sĩ trẻ tuổi sung sức hơn, họ cũng không nên ganh đua để chữa bệnh, làm vậy chỉ là điên rồ. Còn ai đòi hỏi được chữa bệnh là không hiểu biết  lẫn có lòng ích kỷ. Bởi vậy sau một thời gian ông Olcott được khuyên ngưng chữa bệnh.
- Chuyện chữa bệnh trong kinh thánh, chúng có thuộc về loại này ?
- À, chúng cùng loại nhưng chuyện có ngụ ý khác, sâu xa hơn. Trước tiên khi đọc kinh thánh cưng nên nhớ là mọi chuyện trong đó đều có tính biểu tượng mà không chắc là thật sự xẩy ra. Vậy thì với ý này trong tâm, bây giờ thử xem vài chuyện chữa bệnh trong kinh thánh đúng ra nên hiểu như thế nào.
1. Chữa lành người bệnh phong (Matt. 8: 2)
Bệnh phong cùi vào thời xưa thường dẫn đến cái chết, do đó bệnh là biểu tượng cho sự hữu hạn, sự tử cuối cùng chấm dứt cuộc sống của xác thân. Đức Chúa chữa bệnh này sau khi ngài từ trên núi xuống, việc nâng cao tâm hồn trên núi cao hàm ý đó là trạng thái toàn thiện của mọi thành phần trong con người, vật chất và tinh thần, (hay Chân ngã) mà khi bệnh tật tiếp xúc với người như thế thì nó bị loại trừ, và sự tử bị đánh bạt.
Rồi cũng có tình trạng phong của tâm trí, như thói quen nuôi dưỡng và biểu lộ tư tưởng giận hờn, thù nghịch, ưa chỉ trích. Tâm trạng như thế cũng tiêu tán khi chịu ảnh hưởng của Chân nhân, nó soi sáng, lan tỏa và thấm nhuần trọn tâm hồn người. Nhưng điều này chỉ xẩy ra khi con người bầy tỏ ý muốn được giúp đỡ, để vượt thoát và loại bỏ tật xấu làm xoi mòn trí não. Trong chuyện, người bệnh phong đến gặp ngài, ngỏ lời xin được cứu giúp. Việc đi tìm, khát khao theo đuổi dựa trên lời thú nhận thành thật và hạ mình cho phép Chân ngã sâu kín bên trong tác động ra bên ngoài, vươn tới chạm vào cái trí. Có tiếp xúc trực tiếp vậy là đủ để chữa lành căn bệnh đáng sợ này.
Sau đó ngài khuyên người được chữa lành đến gặp giáo sĩ Do Thái giáo và nộp của lễ theo như luật của Moses, chuyện muốn nói sau khi cả thân xác và tâm hồn được lành lặn, đời sống bên ngoài nên tuân phục theo giáo luật và luật tinh thần, về cả tâm lý và thể chất.

2. Viên đội người La mã xin chữa cho người tớ của ông bị kinh phong và đức Chúa nhận lời. (Matt. 8: 8-13)
Khi Phật tánh phát triển hoàn toàn thì con người có sự trọn vẹn – wholeness, với một trong những kết quả là được khỏe mạnh. Việc đức Chúa đi lại giữa đám đông, giảng thuyết và chữa bệnh, tượng trưng cho Phật tánh đã thức tỉnh nơi người có tiến bộ tinh thần. Ai giác ngộ như thế có được sự hòa hợp và không sự bất hòa hay bệnh tật nào còn có thể tồn tại nơi họ. Theo cách đó, mỗi phép lạ chữa lành có thể được xem như là sự mô tả quyền lực của Chân ngã, mà kết quả là bệnh phong, kinh phong, tê liệt, mù, và ngay cả cái chết biến mất.
Lại nữa mỗi bệnh này là điển hình cho một tâm trí sai lạc, nhãn quan lầm lẫn về cuộc đời. Một người có thể có lòng ghét bỏ (bệnh phong của tâm trí), hay cơ thể co giật, hay mù quáng đối với ánh sáng tinh thần. Trị liệu bên ngoài có thể giúp qua được khó khăn của bệnh, nhưng việc chữa lành thực sự phải đến từ bên trong. Người viết kinh thánh dùng những bệnh vừa kể như là dụ ngôn và biểu tượng để nói về bệnh trong lòng, hiểu như thế thì người đọc có thể suy ra cách để tự chữa.
Viên đội ở đây chỉ cái trí bắt đầu ý thức và tìm kiếm tinh thần bên trong, khác với người lính thường tượng trưng cho người bình thường chưa tỉnh thức; người tớ muốn nói thân xác với khuynh hướng và giới hạn của nó. Khi tâm trí chưa được soi sáng, thân xác có bệnh theo nghĩa không biểu lộ đầy đủ phần tinh thần. Giải thích thì khi cái trí bắt đầu sáng suốt và tỏ ước nguyện, Chân ngã lập tức đáp lời.

3. Đến nhà thánh Peter và chữa bệnh cho mẹ vợ của ông (Matt. 8:13-15).
Nhà thánh Peter có thể hiểu là thân xác của ông, nơi cư ngụ của tình cảm và trí não tượng trưng qua người vợ, và mẹ vợ bị sốt là tâm thần rối loạn, nóng nẩy. Chuyện trong đời thánh Peter (không tin là đức Chúa đi trên biển, chối bỏ ngài ba lần, chém đứt tai người lính đến bắt ngài ) cho thấy có vẻ như ông bị mất quân bình. Cách chữa trị cho tình trạng được mô tả qua chuyện này là bước vào cảnh giới của Chân ngã, với biểu tượng là mời vào nhà phần thiêng liêng của chính ông, tức sự hiện diện của đức Chúa trong nhà, nhờ vậy sự quân bằng và bình thường được tái lập. Sự xáo trộn trong nhà, nỗi lo lắng của vợ ông, và sự đau yếu của bà mẹ vợ, mỗi việc có ý nghĩa bí ẩn riêng của chúng, và đều được chữa lành.

4. Con gái một người có chức vị được làm hồi sinh (Matt. 9:18-26).
Vị đạo sư có thể làm người chết sống lại theo hai cách. Khi đó chưa phải là chết hẳn mà người bệnh chỉ bị mê man rất sâu, mầm sống chưa tắt hẳn, tình trạng thể chất có thể người chữa và tâm thức bên trong tái lập, trí não bắt đầu linh hoạt và ng tỉnh dậy. Nhân quả của bệnh nhân, gia đình và ai khác có liên hệ là yếu tố quyết định cho vị đạo sư giúp họ hồi sinh, cũng như Chân ngã bên trong sẽ linh hoạt tới mức nào. Trước khi chữa lành, ngài cân nhắc phần nhân quả và theo đó hành động.
Ở đây, ông Hodson cho rằng có thể trong một kiếp trước bệnh nhân và người trong gia đình đã làm nhau thiệt mạng, và bệnh nhân là người thi hành lệnh của thượng cấp mà không phải gây ra cái chết để làm thỏa mãn ý riêng. Nay nhân quả gần như sắp tàn do đó có thể được can thiệp một cách huyền bí trong vòng luật định. Bằng ngược lại, nếu bệnh nhân khi xưa chủ ý gây ra cái chết để thỏa lòng thù hận thì khó có việc hồi sinh, nhân quả sẽ không cho phép có sự can thiệp huyền bí.
Mặt khác nếu cái chết đã xẩy ra và sợi dây nối liền giữa Chân ngã với thân xác đã bị đứt lìa, ngài cũng phải xem xét phần nhân quả và nương theo đó mà xử sự. Nếu quyết định làm hồi sinh, 'sợi dây bạc' được nối lại và chủ nhân hợp pháp của thân xác quay trở về nó. Đôi khi một Chân ngã khác có thể chiếm lấy cơ thể này, khi đó ta gặp các điều kiện nhân quả và mối liên hệ phức tạp mà có thể phải xin ý kiến một trong những Vị trông coi việc thi hành nhân quả trên địa cầu, Vị này làm việc dưới các vị Thần Nhân Quả ghi trong kinh sách. Khi một Chân ngã mới được cho sử dụng thân xác thì thường đó là vì nó mất thân xác trước kỳ hạn, thí dụ bị tử thương bất ngờ.

5. Người mù sáng mắt, người câm nói được trở lại (Matt. 9: 27-33).
Thường bệnh nhân trong việc chữa bằng phép lạ muốn nói có sự thiếu ánh sáng tinh thần. Hai người mù  tượng trưng cho một bên là tình cảm-trí não và bên kia là thân xác. Con người tới một giai đoạn phát triển và nhận thức là tâm trí thiếu ánh sáng tinh thần và tỏ ý hối tiếc (khẩn nài đức Chúa chữa cho mình). Đây là hình ảnh của người tìm đạo, ý thức rằng mọi  ánh sáng cõi trần chỉ là bóng tối, và ai không biết được ánh sáng nào khác thì quả là bị tối tăm. Do nhận biết sự mù tối và nghèo nàn tâm hồn mà con người quyết tâm đi tìm sự sáng, làm cho mình được sáng tỏ, qua hình ảnh hai người mù kêu cầu với ngài.
Về người câm hết tật, tật này hàm ý con người không thể thốt ra lời những điều mà phần thiêng liêng trong lòng gợi nên. Họ có thể thực sự nói được nhưng lại câm về mặt này, tư  tưởng và ngôn ngữ thuần là trần tục. Với tật câm và do đó không bầy tỏ được cảm xúc thương yêu, theo ông Hodson nhân quả có thể là do việc có liên hệ tình dục bừa bãi trong những kiếp trước; hoặc đó là phản ứng của việc không giữ lời nguyện tịnh khẩu khi theo học một trường bí giáo.
Học viên có lời nguyện này khi được giảng dạy hiểu biết bí truyền, chân lý huyền bí, nhưng đã cố tình hay vô ý tiết lộ. Nếu đó là do cố ý không giữ lời, nhân quả biểu lộ một phần qua việc đặc biệt giới hạn sự bầy tỏ ý mình, phần khác là nay họ không thể tìm ra và được nhận vào trường bí giáo; hoặc tâm trí mù quáng không nhận ra cả trường như thế lẫn minh triết nó giảng dạy.
Những chuyện trên làm như cho ý là vị đạo sư có thể vượt qua luật thiên nhiên, nhưng thực sự không phải vậy. Không ai có thể khỏi bệnh nếu trong người họ vẫn còn điều bất hòa với sự sống. Việc chữa trị hoặc làm giảm bớt tình trạng hoặc làm khỏi hẳn chỉ có được theo sát với mức bất hòa này. Ai được chữa lành có nghĩa họ đã trải qua giai đoạn làm quân bình, mang lại sự hòa thuận trước khi chót hết trả dứt nợ và được tự do. Bằng không, ngay cả đức Jesus cũng không thể chữa lành hẳn. Câu đi kèm với sự lành bệnh 'Tội lỗi của con đã được tha thứ' chỉ giản dị muốn nói là nhân và quả gần như được quân bằng, nỗi khổ nhọc theo luật thiên nhiên đã tới chung cuộc và con người được tự do.

- Như vậy dù biết rằng bệnh là do nhân quả mà ra, mình cũng vẫn nên tìm cách chữa ?
- Với đức Chúa thì dễ, ngài nhìn được bên trong và biết trường hợp nào nên chữa hay là không nên. Cưng còn xa lắc xa lơ thì nên theo nguyên tắc là mình sẽ luôn xử sự đúng khi làm nhẹ bớt khổ nàn bất cứ lúc nào có thể được, và nỗ lực hết sức mình cho việc ấy. Khi đó là nhân quả phải trang trải thì nếu được chữa hết nó có nghĩa bệnh chỉ hoãn lại, và sẽ quay về dưới hình thức khác, lần này không nhất thiết là bệnh tật mà là một trừng phạt nào đó. Thí dụ đưa ra là một người bị tù theo đúng lẽ công bằng, nay họ bị cảm vì buồng giam ẩm thấp, đó có nên là lý do để y sĩ nhà tù không chữa cho họ ?
- Sang chuyện Hội, ban đầu đầu bà Blavatsky làm nhiều hiện tượng rồi sau đó bớt dần là tại sao ?
- Mình cần hiểu dụng ý của bà khi tạo hiện tượng. Nó muốn nói có những lực huyền bí mà ta chưa biết, và con người có thể phát triển những quyền năng ẩn dấu và điều khiển các lực ấy. Tuy hiện tượng khích động óc tò mò trong trí ai chứng kiến, nhưng không may là óc tò mò này trong đa số trường hợp thuộc loại thờ ơ. Phần lớn ai chứng kiến sinh ra lòng ham muốn vô độ đối với hiện tượng, và không có ý muốn học hỏi triết lý hay khoa học về sự thật và quyền năng mà hiện tượng chỉ là điều không đáng, và có thể nói là biểu lộ tình cờ. Chỉ trong vài trường hợp ta mới thấy óc hiếu kỳ làm sinh ra ý nghiêm chỉnh muốn nghiên cứu chính triết lý và khoa học, chỉ để biết thêm về chúng mà thôi.
Khoa học hoàn toàn phải dựa vào dụng cụ để sinh ra phép lạ,  ta khó mà mong khoa học có thiện cảm với 'phép lạ' là chuyện không cần dụng cụ trong phòng thí nghiệm để tạo ra, và do tác động của các lực với luật mà khoa học không biết chút gì. Hơn thế nữa, khoa học tân thời gặp trở ngại là xem việc nghiên cứu chuyện huyền bí đáng xấu hổ, cũng như nó không chịu nhận là có thể có trạng thái tâm thức nào khác hơn tâm thức hồng trần ta đang biết. Thành ra khoa học lập tức điềm nhiên gạt bỏ hiện tượng, rồi khi bắt buộc phải cho ý kiến, nó không ngần ngại, không có xem xét và dựa trên lời nói không căn cứ, cho đó là dùng dụng cụ để lường gạt.
Các hiện tượng được trưng ra không là gì ngoài thí dụ của khả năng hết sức tự nhiên dùng những lực chưa được nhận biết đối với vật chất, do vài nhân vật có quyền năng, đạt mức hiểu biết rộng hơn cao hơn về vũ trụ so với khoa học gia và nhà thần học có được, hoặc mong có thể có được theo đường họ đang đi. Tuy nhiên quyền năng này ẩn tàng trong tất cả mọi người, và theo với thời gian có thể được bất cứ ai sử dụng, ai chịu tìm tòi để có hiểu biết và tuân theo người điều kiện cần thiết để phát triển chúng.
Tuy nhiên, trừ vài thí dụ riêng lẻ và đáng trọng, nó chỉ được thế giới xem như  là việc làm của ma quỉ, hay trò lường gạt thô bỉ, hay do hồn ma tạo ra trong buổi cầu hồn, thu hút sinh lực của người đồng và khách đến dự. Không phải lịch sử tôn giáo dạy ta rằng con người có thể trở thành thú vật độc ác không biết lý lẽ khi thành kiến mà họ ôm ấp bị đụng chạm, và không phải lịch sử về nghiên cứu khoa học dạy rằng người biết nhiều có thể xử sự như ai dốt nát khi bị chất vấn về sự thực trong lý thuyết của họ sao.
Huyền bí gia có thể tạo ra hiện tượng, nhưng họ không thể cho thế giới não bộ, hay sự thông minh và niềm tin cần thiết để hiểu và quí chuộng hiện tượng. Vì vậy, chẳng có gì khó hiểu khi có lời đưa ra là hãy bỏ qua hiện tượng, và để cho các ý tưởng của Theosophy được phán xét bằng chính những giá trị của chúng.
- Thời nay cũng có hiện tượng, truyền hình có chương trình về anh chàng Dynamo của Anh đi trên nước, và trút từ cái xô không ra bao nhiêu là cá như đức Chúa làm khi xưa, chắc có tinh linh giúp. Bo vào youtube mà xem!

 

Tham khảo:
- HPB Collected Writings, vol. IX p.216
- Isis Unveiled, HPB vol. I, p. 216-218
- The Christ Life from Nativity to Ascension, G. Hodson p. 184-220.

Trở Về Mục 1001 Chuyện