1001 CHUYỆN

 

Bài 23

 

 

Em có thắc mắc, sao nhân quả không giống như mì ăn liền là cho kết quả ngay khi vừa tạo ra, mà bắt mình chờ đợi chi vậy ?
– Ngẫm nghĩ xem, cây lúa trồng ba tháng là có hạt cho nhà nông gặt hái, cây mít phải vài năm mới ra quả, và có những cây mà chu kỳ ra hoa dài cả chục năm.
– Tức là tùy theo nhân? ?
– Cố nhiên rồi, quả sẽ tương xứng với nhân, và bởi nhân không giống nhau thì quả cũng không giống nhau, có loại nhân mau kết trái và cũng có loại cần nhiều thời gian. Mà đó chỉ là nói tổng quát, đi vào chi tiết hơn thì có những yếu tố sau chi phối, làm cho nhân quả không tác động tức thì mà chỉ xuất hiện sau một thời gian dài hay ngắn.
● Tính cách cá biệt.
Đương sự sinh ra nhân thường khi là một cá nhân hơn là một nhóm; do liên hệ với nhiều người khác quanh họ, tác động của karma có thể sẽ cho ảnh hưởng đến ai vô can, tức lầm người nếu trở lại không đúng lúc. Karma có tính công bình, vì vậy nó không thể gây liên lụy cho ai không phải là một phần nhân quả của người khc. Thành ra sự việc có khi phải về sau mới xẩy ra, như hai thí dụ sau.
Chẳng hạn một người làm lỗi nhưng trong lúc này họ có sinh hoạt liên quan đến nhiều người. Các vị thần nhân quả sẽ xếp đặt sao cho họ học được bài học mà không liên lụy đến gia đình của họ, và nhân quả phải chờ tới lúc thích hợp mới có.
Trường hợp khác là có người sẽ đón nhận karma tốt trở lại, nhưng ai chung quanh họ lại không có can dự đến lợi lộc này, nếu karma tốt được chia sẻ với họ nó có thể làm hại. Vậy thì việc được hoãn một thời gian và sau đó hiện ra cùng với tiền lời (!),  cho đương sự chung hưởng với những ai đã đóng góp vào đó trong kiếp này hay kiếp trước, hoặc với ai mà đương sự có thiếu nợ và nay là đúng lúc để thanh toán nợ ấy.
● Mức trưởng thành tâm linh.
Câu đáp cha mẹ hay dùng cho trẻ nhỏ khi gặp thắc mắc khó giải thích là:
– Khi lớn lên con sẽ hiểu.
Cũng y vậy, có những điều mà linh hồn non nớt chưa thấu đáo, chưa có đủ sức mạnh tâm linh để đón nhận, nên phải chờ nhiều năm hoặc có thể là nhiều kiếp cho con người trưởng thành tới mức đủ hiểu lý do bài học nhân quả, và được lợi ích là học được bài học khi nhân quả đến.
● Tính cách giáo dục.
Vì chưa hiểu biết, con người thường run sợ khi đối đầu với karma, xem đó là chuyện bất lợi, là sự trừng phạt, nhưng ấy là cách nhìn sai lầm khi ta hiểu rằng không có thần thánh nào ghét bỏ, trừng trị lỗi lầm của ta. Đó là quan điểm của con người với tầm nhìn giới hạn mà không phải mục đích của luật thiêng liêng. Chúng ta nhập thế với mục đích học hỏi, tiến hóa và luật karma giúp cho sự việc bằng cách giáo dục con người. Bài học chỉ được thấu đáo khi trở lại vào đúng lúc, vào lúc cần có bài học đó.
Karma là luật thiêng liêng, không phải là cơ chế cho việc trả thù. Sự trả thù không chờ đợi cho nạn nhân tăng trưởng. Sự trả thù là lòng tức giận, ghét bỏ, tham lam, nó không kể đến lợi ích của nạn nhân hay quan tâm đến việc cải thiện cho họ. Sự trả thù không nghĩ tới việc tạo nhân để rồi có quả mai sau, và do vậy làm chuyện rối rắm; nó là diễn biến làm đương sự tự mình kẹt bẫy. Luật Karma hành động ngược hẳn lại. Nó có đầy sự thông cảm, tình thương, và được thực hiện cho điều lợi của người (là hóa giải nhân xưa, làm nhẹ gánh), giúp cho họ tiến bộ.
Sự trả thù càng không thể gán cho nhân quả khi cưng nhớ ra rằng luật trời vô tư, điều mình đón nhận ngày nay là điều mình đã làm khi trước mà không phải là của ai khác. Kế đó sự trả thù không có mục đích nào khác ngoài việc gây đau khổ, thiệt hại, trong khi karma trở lại với đích nhắm là làm tăng trưởng. Phận sự của những vị Thần nhân quả (Karmic Lords) là giúp con người cải thiện qua việc làm quân bình karma.
Ta nói karma được sắp đặt để tới vào lúc thuận tiện, nó có nghĩa đây là hành động hữu thức từ những đấng cao cả, và hữu thức là điều cần nhấn mạnh ở đây. Trước hết, tại sao cưng tạo nhân để có quả bất lợi ? Ấy là vì cưng chưa hiểu biết, và hành động do vô minh, máy móc. Một hành động máy móc, không ý thức thường là không nhắm đến việc cải thiện chính mình, đến sự trọn lành hay đến tương lai. Trong khi đó nhân quả là việc được hướng tới việc tăng trưởng, tiến bộ, tức là thuận với cuộc tiến hóa.
Tính cách giáo dục của karma còn có nghĩa là hành động nào được thực hiện một cách vô thức phải được trả lại theo cách hữu thức. Bao lâu mà người ta chưa hóa giải karma một cách ý thức, họ sẽ phải lập lại hành động của mình. Chỉ khi nào hiểu được luật karma con người mới loại bỏ được việc lập đi lập lại hành vi ấy.
– Em nhớ sách vở ghi là thú vật không có nhân quả vì chưa có ý thức, còn con người vì trí tuệ phát triển, có ý thức do đó có trách nhiệm và sinh ra karma, phải đây là ý mình đang nói không ?
– Đúng rồi, cưng ăn nhiều bí rợ hay sao mà sáng láng quá vậy ?!
– Bo đừng chê IQ của em, nhân quả em tốt lắm nên được gia nhập ngay chi bộ Thanh Niên Phụng Sự  hồi ngày xưa còn bé !
– Đó là khởi đầu tốt đẹp của kiếp này, nay vấn đề là làm gì với quả đó. Ấy mới là điều quan trọng vì những hiểu biết mà mình có được đều là cho mượn. Cưng phải dùng nó, tăng bội lên thành mùa màng phong phú. Nói khác đi, không có ngủ quên trên chiến thắng là chỉ thụ hưởng nhân quả trở lại, mà từ việc tái ngộ Theosophia, chuyện cần làm là sống theo và quảng bá MTTL để mang lại sự sáng cho thế giới hơn. Nó là luật nói rằng điều gì có được, hay được giao cho con người mà mình không sử dụng đúng đắn thì có thể bị thu hồi.
Bây giờ khai triển việc karma được điều hành một cách ý thức mà không phải là tác động mù quáng, mình còn có thể nói luật được các đấng thiêng liêng áp dụng lượng theo sức con người. Thí dụ như em nhỏ ăn vạ trong siêu thị, em không vừa ý chuyện gì đó nên la hét, vùng vẫy, cào cấu ba. Nhưng người cha không đánh trả, ông tìm cách giữ chặt tay con và chờ đợi, trong khi trẻ tiếp tục gào thét một cách vô ý thức. Cha của em đang ngẫm nghĩ cách dạy con vào đúng lúc, khi em thật bình tâm để có thể tiếp nhận lời dạy. Ông không phản ứng ngay, vì hành động của ông được cân nhắc sao cho có lợi nhất cho con mình.
Trên bình diện rộng lớn hơn, đó cũng là sự cân nhắc của những đấng Cao Cả khi dàn xếp karma cho con người, và cũng giải thích vì sao karma đôi khi cần thời gian mới thể hiện. Karma thường được nhắc tới với ý tiêu cực mà như thế là không đúng, vì có karma bất lợi lẫn karma có lợi, và hai loại quân bình lẫn nhau. Ta cần nói thêm rằng vì karma tạo sự quân bình động, không phải quân bình tĩnh đứng yên một chỗ, cái trước được tạo ra không ngừng, và mỗi giây phút mình có thể thay đổi được karma tới một mức nào đó.
Không có karma nào là không thể được làm thay đổi hay hóa giải, và vì thế không nên tự tử để tránh giải quyết một tình trạng xem ra khó khăn quá sức mình. Cách nhân quả làm việc giống như trương mục ngân hàng, khi trang trải là cưng rút tiền ra và khi tạo nhân tốt là thêm tiền vào trương mục.
Lại nữa, mình nên nhìn toàn cảnh, con người dưới trần sử dụng thể xác, tình cảm, trí và có phần linh hồn thì karma cũng liên hệ chặt chẽ tới các thể. Hành động tốt lành, tình cảm tích cực, suy nghĩ đúng đắn, có ước vọng tinh thần, tất cả những điều này tạo nên trương mục tiết kiệm dồi dào trong ngân hàng tinh thần. Bất cứ khi nào karma bất lợi đến, cưng đều có thể rút từ trương mục này để trang trải chuyện xưa.
– Tức là có thể thoát được karma xấu ?
– Người ta gọi là cải số, nói ví von thì như kế toán. Tài khoản trong trương mục của cưng có thể được dành để chi ra cho nhân quả ngày trước, hoặc giữ trong đó cho món nợ sẽ đáo hạn mà cưng có thể tạo ra trong tương lai; cưng luôn nhớ karma có tính quân bình và tương xứng tuyệt đối.
Thử nhìn về mặt tích cực xem sao, cưng được nghe là mọi việc thật ra chỉ là năng lực, và nên nhìn sự việc theo năng lực, vậy khi nói về karma là nói đến hệ thống năng lực lớn lao, trong đó không một hành động nào bị mất đi. Giống như năng lực không bị hủy hoại mà chỉ thay đổi hình thức ...
– Cái đó em biết, như điện lực biến thành nhiệt.
– ... thì karma cũng giống vậy.
– Nghĩa là sao ?
– Nghĩa là hành động tốt lành, tình cảm tích cực, suy nghĩ đúng đắn, có ước vọng tinh thần nói ở trên đều là năng lực và tự động, tự nhiên cho ra phản ứng. Bất cứ khi nào mình làm một việc lành, một luồng sóng chữa lành đẹp đẽ được tạo ra trong không gian, làm gợi hứng và mời gọi con người nỗ lực tiến đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, khắc phục những trở ngại và khuyết điểm của mình.
Hành vi tốt lành, tình cảm đẹp đẽ của người đối với nhau, tư tưởng thanh bai phóng vào không gian, chúng sẽ tạo nên một hệ thống năng lực làm cho con người có sức khỏe mạnh mẽ hơn, có mỹ lệ nhiều hơn, hòa bình hơn và điều kiện sinh sống tốt đẹp hơn, giúp tất cả sống còn, tăng trưởng, tiến hóa và phát triển.
Luật quan trọng nhất và lớn nhất của cuộc sống là luật Thương Yêu, do đó các tôn giáo lớn không dạy gì khác ngoài sự thương yêu, và karma nói về kết quả của việc con người hành xử theo luật hay đi ngược lại nó. Cưng được thêm tài khoản tốt lành trong trương mục tinh thần khi biết thương yêu, và tạo ra karma bất lợi khi vi phạm luật. Có thể nói tất cả những vấn đề và khủng hoảng trên thế giới đều là do việc đối xử thiếu tình thương với nhau, bắt đầu từ cá nhân, lan rộng ra quốc gia và nhân loại. Các phi hành gia có may mắn nhìn sự việc một cách rất thực tế, khi bay ngoài không gian họ nhìn trở lại địa cầu, thấy đó là một quả cầu xanh dương nhỏ bé trong vũ trụ, nhưng là nhà chung cho bao tỉ người. Họ tự hỏi sao nhân loại không sống thuận hòa với nhau mà tranh chấp để làm chi.
Nói như vậy còn có nghĩa là mình nên cố gắng đi từ cõi hiện tượng sang cõi nguyên nhân. Nguyên nhân của bệnh tật, chiến tranh không phải chỉ là do vi trùng, hệ miễn nhiễm suy yếu, hoặc quốc gia cư xử không phải đối với nhau, mà phần lớn nguyên nhân bắt nguồn trước tiên trong tâm tưởng hơn là sự việc hữu hình.
– Em hiểu rồi. Chuyện Tam Quốc kể là Trương Lương nghe tiếng đàn của Châu Du có nét sát phạt thì hiểu là Châu Du muốn khai trận với Tào Tháo mà không muốn hòa.
– Hoặc có người đang chơi đàn, giữa chừng thấy con chuột trong nhà thì tiếng đàn trở nên quyết liệt, tỏ ý muốn hỏi thăm sức khỏe chuột ! Tức là trước tiên tâm nẩy ra ý sắt máu, và sau đó việc giết chóc sẽ tự động xẩy ra. Nói khác đi chiến tranh hiện diện trước bằng tư tưởng, thế nên hòa bình không phải bắt đầu do ngưng bắn, mà người ta phải có ý muốn giã từ vũ khí ngay trong tâm thì mới có hòa bình thật sự.
– Ý chung là nhân quả ai nấy trả, vậy chuyện những bậc tiến hóa kê vai gánh bớt phần nhân quả nặng nề của nhân loại là sao ?
– Quả đúng là có việc ấy. Nhân quả nặng nề đó là tích tụ của những hành động khi xưa của con người đi ngược với Chân, Thiện, Mỹ. Do lòng hy sinh, phụng sự, nỗ lực và công khó của mình trong bao năm, các ngài có tài khoản lớn lao trong trương mục tinh thần và phần này được sử dụng để hóa giải karma chung. Hành động này có thể làm chậm bước sự tiến hóa của riêng cá nhân các ngài, thế nên đó là hy sinh lớn lao.
Còn một khía cạnh khác là có nhiều luật trời chi phối cuộc sống, trong đó có luật Chu Kỳ. Vậy thì karma được thúc đẩy diễn ra nhanh hơn khi chu kỳ ở một cõi đi tới giai đoạn cuối của nó, vì có karma phải được quân bình trong một giới hạn thời gian. Khi chu kỳ sắp chấm dứt, karma được dồn lại và diễn ra nhanh hơn. Chuyện tương tự xẩy ra khi con người có những lần chứng đạo (initiation - điểm đạo) cao. Trọn những nhân quả còn lại phải được hóa giải trước khi ứng viên có thể tiến lên một bậc.
– Là như thế nào ?
– Nó muốn nói mỗi lần lên một mức cao hơn, tâm thức mở rộng nhiều hơn thì người ta gia tăng vấn đề, trở ngại, trách nhiệm và áp lực cho mình, giống như phi cơ dần dần bị áp suất mạnh hơn khi vận tốc gia tăng và không khí bị ép lại ở đầu phi cơ, rồi khi vượt qua bức tường âm thanh thì nó được tự do.
– Em đọc được chuyện hay lắm. Hồi thế chiến thứ hai phe đồng minh yêu cầu chính phủ Afghanistan tập trung người Đức trong nước họ và giải giao cho đồng minh. Một đặc điểm văn hóa của người Afghan giống với văn hóa những sắc dân chung quanh như người Pashtun, Iran và xa hơn là người Bedouin vùng có khí hậu khắc nghiệt là rất hiếu khách. Khách đến nhà được họ tiếp đón niềm nở và được bảo vệ nếu đó là vùng thiếu an ninh.
Vậy thì sau khi cân nhắc, chính phủ Afghan trả lời rằng công dân Đức nào tới nước họ đã đến trong tinh thần hòa bình, cũng như những người này là khách của đất nước Afghan thì văn hóa bắt buộc họ phải được bảo vệ. Do đó Afghan từ chối không làm theo yêu cầu của đồng minh, và người Đức tại Afghan được tự do. Sau thế chiến, nước Đức nhớ nghĩa cử này và nói rằng để tỏ lòng biết ơn, người Afghan được vào nước Đức không cần chiếu khán.
Có lẽ không có bao lăm người Afghan sử dụng biệt lệ này. Tuy nhiên khi Afghan bị xáo trộn từ thập niên 1970 và liên tiếp sau đó, ai muốn rời nước trong lúc chưa thể xin di dân sang một nước khác chợt nhớ ra biệt lệ và lẹ làng chạy sang Đức. Nước này trở thành quán trọ giữa đàng, cho họ dừng chân ở đó để nộp đơn đi định cư ở các nước tây phương.
– Hay quá vậy. Tức là luật nhân quả ảnh hưởng quốc gia cũng như con người, và quốc gia gặt hái điều lành hay không lành họ đã gieo. Nói khác đi quốc gia cũng có karma của nó và mọi công dân trong nước dự phần trong đó, mỗi người trả giá cho hành động của đa số. Từ đây mình có thể suy ra hai ý sau:
● Điều gì một quốc gia làm sẽ ảnh hưởng đến những nước khác, và tạo nên nhân quả thuận lợi hay bất lợi cho trọn nhân loại.
●  Như thế, tuy karma có tính cách cá nhân ai làm nấy chịu nhưng tính cá biệt này chỉ là huyễn tưởng, vì không có ai đứng tách biệt riêng một mình trong vũ trụ. Tất cả chúng ta hay nhân loại, không là gì cả ngoại trừ việc là các tế bào trong một thể vô cùng to lớn. Điều gì người này làm sẽ ảnh hưởng đến người kia, nó có nghĩa chẳng những mỗi ai có trách nhiệm về hành vi của mình, mà cũng có trách nhiệm về hành vi họ gây ra nơi người khác.
Và cũng hãy nhớ rằng luật Tái Sinh nắm giữ bí mật của các khủng hoảng trên thế giới. Các nhóm linh hồn trở lại với nhau để hóa giải nhân quả tạo ra trong những kiếp trước. Nói riêng về chiến tranh, con người đã gây ra sai lầm nặng nề trong quá khứ nên sự trừng phạt và chuyển biến là cách giải quyết tự nhiên. Sự bạo hành và tàn ác khi xưa sẽ cho ra karma nặng nề, tuy nhiên chúng nằm trong tay ta và phần việc của ai hiểu biết là chuyển hóa các lỗi ấy.
Hiểu ra điều này thì cưng sẽ ý thức rõ hơn vài lời dạy. Lấy thí dụ khi chọi quả banh vào tường thì điều gì xẩy ra?
– Banh dội trở lại làm mình u đầu !
– Quả banh tựa như cách xử sự của người khác, nếu cưng phản ứng mạnh mẽ như bức tường cứng rắn ngăn cản thì sẽ sinh ra chuỗi phản ứng banh dội tới lui kéo dài bất tận, trừ phi cưng chọn cách không phản ứng gọi là tính dửng dưng thiêng liêng (divine indifference). Khi có sự thản nhiên đối với quả banh bay tới thì thái độ này giống như hồ nước tĩnh lặng, banh cũng được ném với sức mạnh như ở trên nhưng nước mềm mại không cho phản ứng, banh không gặp đối kháng nên rơi xuống nước mất tăm, chỉ để lại vài gợn sóng nhẹ nhàng rồi mặt hồ phẳng lặng như cũ.
Thể tình cảm là kết quả của phản ứng tình cảm của mình, mà không phải là điều gì người khác nghĩ về cưng. Nó có nghĩa không nên quan tâm đến điều sau vì vô ích, thay vào đó nên kiểm soát phản ứng trong lòng để tạo thể tình cảm đẹp đẽ. Khi phản ứng là mình thay đổi thể, làm nó kết tinh, cứng lại dễ vỡ.
– Dễ vỡ là làm sao ?
– Người ta ví von nó như lớp kem trên mặt sữa. Mới đầu kem nổi lên trên, mềm mại, rồi hóa đặc từ từ và cứng lại tới mức có thể bị nứt thành lằn. Nếu thể tình cảm hóa cứng thì dễ dàng bị vỡ tan khi có đụng chạm nhẹ. Một chấn động tình cảm nhỏ cũng đủ làm tan nát lòng họ, và đó là cách tự mình hại mình khi có phản ứng.
– Vậy phải làm gì, không phản ứng thì thụ động quá.
– Cưng nhớ khi ra biển đứng trên mỏm đá nhìn xuống thấy sóng vỗ ào ạt bên dưới ? Sóng có thể cuồng nộ nhưng không làm được gì cưng, vì cưng đứng trên cao và lòng thanh thản. Đó là thái độ dửng dưng thiêng liêng, là ý nghĩa của việc trụ tâm trí nơi cõi cao, là thức tỉnh ở cõi tinh thần trong lúc  sống ở cõi trần.
Có vài điều để nói về thái độ này. Thứ nhất là mình được dạy đối đãi với người khác như là linh hồn, mà không phải là cá nhân bà B, ông A. Phàm ngã là chuyện thoảng qua còn chân ngã trường tồn, nhìn ai như là linh hồn là nhìn theo giá trị thực, không để hình tướng bên ngoài là điều giả tạm chi phối mình.
Thứ hai, lòng dửng dưng thiêng liêng muốn nói cưng nhìn đúng sự việc như nó là trong không gian và thời gian. Để cho cưng một thí dụ, một trong những dấu hiệu của bậc cao cả là ngài nhìn vượt qua được hiện tại, biết rằng sự hủy diệt  hình hài sắc tướng chỉ là tạm thời, và con người thật luôn còn đó không mất đi.
– Bây giờ một số người nói rằng họ liên lạc được với nhân vật này hay kia, còn sống hay đã chết, và chuyển thông điệp (channeling) của nhân vật cho thế giới. Tin được không, Bo ?
– Sách vở tâm linh tốt và xấu tràn ngập thị trường nên khó mà chọn lựa, tình trạng giống như mình đang bì bõm trong nước cống, tuy nhiên với sách mà cưng có thể tin tưởng được thì nội dung luôn khuyến khích người xem ba việc, là học hỏi, tham thiền và phụng sự. Vì vậy điều quan trọng là dùng óc phán đoán để áp dụng đẹp đẽ các chỉ dạy thay vì nhờ thầy truy lại kiếp trước, mô tả hào quang, tiếp xúc để chuyển tin, làm đồng tử, xuất vía v.v.
Ai lành mạnh không cần phải tiếp xúc với thánh thần nào, vì sự thiêng liêng - hay Thượng đế - đã có sẵn trong tâm họ. Họ còn muốn chuyển thông điệp cho ai ?
– Có người bạn gửi email cho báo, tựa của email là 'đồng môn' và thư viết:
'Lướt web và thấy được trang web của các bạn mừng như gặp được cố tri! Mừng là vì sau hơn 35 năm kể từ 1975 Hội TTH VN ngưng hoạt động nhưng vẫn còn những hội viên nặng tình cảm tiếp tục công việc phổ biến Minh Triết Thiêng Liêng đến với cộng đồng người Việt. Thêm một điểm nữa là các bạn có những bước cải tiến trong bài vở cho phù hợp với thời đại hơn ...
Tôi cũng vốn là một hội viên cũ của hội trước 75, thường đến viếng hội quán tại Phú Nhuận, rất có ấn tượng với các bạn ở chi bộ Thanh Niên Phụng Sự... Tôi rất mong ước được thấy trang web của mình phong phú hơn, dịch nhiều sách của Chân sư D.K để  phổ biến đến cộng đồng người Việt, viết nhiều bài hơn nữa về cách tu học ... Tôi cũng mong ước được đóng góp phần cho công việc nầy bằng cách nào đó'.
– Chữ đồng môn anh bạn dùng là rất đúng, đúng hơn người ta tưởng.
– Em không hiểu.
– Chữ 'đồng môn' muốn nói chúng ta thuộc một nhóm, và người trong nhóm dù ở cách xa nhau, vẫn làm chung một việc cho dù không hay biết. Lý do là các linh hồn trở lại theo nhóm và làm nhiệm vụ của nhóm. Hiện tượng rõ nhất là sự phát triển kỹ nghệ điện toán tại Silicon Valley, California, mà nổi bật là nhóm Google. Họ có 10 điều tâm niệm trong đó có điều sau:
● Bạn có thể kiếm ra tiền mà không phải làm ác
(You can make money without doing evil),
và đặc biệt nguyên tắc hoạt động của họ là:
● Đừng xấu bụng (Don't be evil).
Sự giản dị của ý khiến nó thành một lực không sao bị gạt bỏ, cũng như nguyên tắc là âm vang của ý trong bài kinh Đại Thỉnh Nguyện (The Great Invocation):
From the Centre where we call the race of men
Let Light and Love work out
And may it seal the door where evil dwells.
Tự nhiên là không công ty nào nói họ làm ác, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên ý tưởng 'Đừng làm ác' được trưng ra minh bạch thành nguyên tắc của một công ty kinh doanh, và ấy là điều đáng nói.
Nói chung ít người nhận ra nhiệm vụ của mình nhưng điều ấy không quan trọng. Chuyện quan trọng là họ tuân theo động lực và làm phần của mình trong công cuộc chung, mà đồng thời cũng là thúc đẩy sự tiến hóa riêng của họ bởi việc làm còn có tính huấn luyện.
Theo luật huyền bí, việc làm luôn luôn có trước hiểu biết, vì hiểu biết chỉ thu thập được nhờ thí nghiệm và kinh nghiệm. Người chí nguyện và người đệ tử luôn luôn làm việc trong bóng tối, nhất là trong giai đoạn ban đầu của việc khai mở tinh thần. Họ đi theo động lực sâu kín hướng về sinh hoạt đúng, phải làm.
Do việc trì chí, chịu khó làm tròn bổn phận của mình, ở đây là bổn phận của 'đồng môn' và mới đầu chịu áp lực của lương tâm do linh hồn thúc đẩy, và dưới ảnh hưởng của Chân sư, họ tiến dần từ bóng tối ra ánh sáng. Họ khám phá là khi tuân theo linh tính tinh thần, điều không tránh được là nó sẽ dẫn họ vào vùng hiểu biết, và hiểu biết khi được thụ đắc cuối cùng sẽ biến thành minh triết. Họ trở thành vị Chân sư và không còn đi trong bóng tối.
Người chí nguyện than vãn về những chu kỳ đen tối mà dường như họ phải trải qua, và không thấy ánh sáng ở nơi nào. Tuy nhiên họ quên rằng khả năng làm việc trong bóng tối hay ánh sáng chỉ là một và nằm sẵn trong lòng. Nguyên do là chân nhân không biết gì khác ngoài việc (being), và ánh sáng với bóng tối chỉ là một đối với linh hồn. Trên hết thẩy, hiểu biết có được do hữu ý thí nghiệm và khi không làm thí nghiệm nào thì không có được kinh nghiệm nào.
Điều này đúng cho người chí nguyện khi thanh lọc bản tính thấp của mình, và cũng đúng cho người đệ tự khi tìm kiếm hiểu biết và minh triết trong lúc thực hiện Thiên Cơ. Tuy vậy nên biết là lòng nhiệt thành, tận tụy khi làm nhiệm vụ của nhóm có thể là bẫy cho điều không ngờ.
– Như điều gì ?
– Làm họ bị vướng vào huyễn tưởng của nhiệm vụ. Chuyện được nhận biết từ lâu nên có vài khuyến cáo  đưa ra, như câu nói đại ý ai cầm gươm diệt quỷ thì lâu ngày có khi tự mình biến thành quỷ. Khi lạc bước trong huyễn tưởng này, người ta nhấn mạnh quá đáng vào ý thức về nhiệm vụ, sinh ra việc coi trọng điều không đáng và chỉ còn hình thức mà mất đi ý nghĩa. 
Kèm với huyễn tưởng này là huyễn tưởng về sứ mạng. Ai bị nó ảnh hưởng sẽ tin rằng mình có phận việc quan trọng phải làm, phải phát ngôn và hành xử cho đúng với sứ mạng. Tâm tình ấy nuôi dưỡng lòng kiêu hãnh không có căn bản đúng thực nào.
Đi cùng với chuyện còn là huyễn tưởng của lòng hiến dâng, nó sinh ra kích thích không đúng cho thể tình cảm. Con người chỉ thấy độc một ý tưởng, một nhân vật, một thẩm quyền và một khía cạnh của chân lý. Huyễn tưởng này nuôi dưỡng lòng cuồng tín và kiêu hãnh tinh thần.
– Làm thế nào để tránh hay chữa lại điều ấy ?
– Huyễn tưởng dầy đặc và đủ loại khiến giai đoạn này mờ mịt vì có quá nhiều sương mù. Đám mây che khuất này do hình tư tưởng mà con người sinh ra, tự họ khích động nên muốn tránh thì phải hy sinh chính tư tưởng của mình, ước vọng riêng, mục tiêu và giấc mơ. Vì vậy giai đoạn này có tên là Con đường Hy Sinh.
Để thực hành, con người được khuyên hướng mắt về ánh sáng phía trước, quên đi tất cả những sắp đặt vào lúc này, mà làm công việc với lòng buông bỏ và với sự khéo léo.
– Mỗi người phụng sự theo khả năng của mình, phải không ? Em không chọn cách cao xa đâu vì chỉ mới có vài thành công lực, nhưng bảo đảm có em trong nhóm đồng môn sẽ vui.
– Tại sao vậy ?
– Tại vì em ... cầm tinh con khỉ !

 

Tham khảo:
Karma and Reincarnation. Tolkorm Saraydarian.
Discipleship in the New Age, vol.I, A.A. Bailey

 

Trở Về Mục 1001 Chuyện