1001 CHUYỆN
Bài 22
– Cưng về lâu chưa ? Đi thấy nhiều cảnh đẹp không ?
– Em về hôm qua, thích lắm Bo à. Trâm và cu Bi dẫn Kim với em đi xem những thắng cảnh rất tuyệt, như hẻm núi sâu hun hút có gió bào mòn vách đá thành đủ thứ hình dạng. Hoặc nhìn sâu xuống hai khe núi là mặt hồ trong xanh thật tĩnh lặng, có chiếc tàu con đang rẽ nước hình chữ V, không cảnh nào đẹp bằng. Lúc đó thì thấy vui mà hôm nay em lại lo. Bo có cổ phần nào không ?
– Có, thì sao ?
– Thị trường chứng khoán lên xuống ào ào mỗi ngày, Bo phải coi chừng có sụt giá. Rồi ai đó nói tháng 12 sang năm 2012 có chuyện tận thế. Sống không an, Bo ơi.
– Vấn đề ở đây là nhận biết giá trị thật của sự sống. Cưng đã biết vài giá trị thật như vật chất ở cõi trần là giả tạm và chỉ có tinh thần mới trường tồn. Khi đã lựa chọn, tin tưởng vào các giá trị này, dùng chúng làm kim chỉ nam trong đời thì người ta được vững lòng đối với những biến động của đời sống. Lợi ích của những giá trị thật là vậy, nhưng bởi con người chưa hiểu biết nên lẫn lộn giữa điều chân với điều giả, điều trường tồn và điều phù du. Do đó, một trong những việc của các đấng cao cả và cũng là việc khó làm, là khuyến khích con người hướng về những giá trị cao hơn, đích thật hơn của cuộc sống. Cưng có thể góp phần vào đó bằng cách sống của mình.
– Như là sao ?
– Là sống theo các giá trị thật, không lo chuyện tận thế !
Nói cho đúng các giá trị đều thật, chỉ có điều thật nhiều hay ít tùy mức phát triển của con người. Điều gì rất thật ở mức tiến hóa này có thể là không thật chút nào ở mức khác. Thí dụ, sữa là điều rất thật cho em bé mà không có giá trị mấy cho người lớn. Sự thay đổi các giá trị này thấy qua diễn trình phát triển, từ việc đặt nặng tầm quan trọng vào điều nơi cõi trần, sang tình cảm và rồi lý trí. Chuyện xẩy ra như vầy.
Mọi sự sống đều là rung động theo những tần số khác nhau, kết quả của sự rung động là tạo ra hình thể đậm đặc hoặc thanh nhẹ và luôn đi dần lên cao. Khi sự sống đang tiến hóa thay đổi mức rung động của nó, hình bị tan vỡ và sự rung động mới dần tạo ra hình mới. Con người tạo thể cho mình sử dụng trong mỗi kiếp, khi ý thức và có hiểu biết nhiều hơn, anh tinh luyện các thể và do đó hình không ngừng thay đổi, càng lúc càng mới và tốt đẹp hơn.
Sự tinh luyện này có thể biểu lộ như là sức khỏe yếu kém đau ốm liên miên cho người sơ cơ. Anh cảm biết luật, ý thức nhu cầu phải nâng làn rung động lên cao; anh đặt kỷ luật cho trí tuệ, chuyển hóa tình cảm cho cao thượng hơn, và thể xác tự động thanh lọc theo. Nhìn rộng ra, thân xác chỉ là một loại hình thể và còn nhiều loại khác, tất cả tuân theo chu trình là được sáng tạo cho linh hồn sử dụng rồi bị tiêu hủy khi xong phận sự. Chu trình liên quan chặt chẽ với lòng sùng tín, vì tình cảm này tạo ra hình thể và có nhiều hình thức sùng tín mà ta không nhận ra. Mỗi người ở mỗi mức độ đều có lòng sùng tín, là điều mà anh sống cho nó.
● Lòng sùng tín thuần vật chất thí dụ như người sành ăn lặn lội đến nhà hàng có tiếng ở nơi xa xôi để thưởng thức cho được món ngon. Hoặc trường hợp khác là trụ vào xác thân, vào vàng ngọc, vào sở hữu vật chất. Anh hướng mọi năng lực trong người để tìm kiếm hình dạng cụ thể hầu được mãn nguyện, và nhờ vậy học hỏi.
● Khi khác mục tiêu có khi thuần cảm xúc như tình thương dành cho chồng, vợ, con, gia đình, hãnh diện về dòng họ, giống nòi, yêu thích mình được quí chuộng hoặc khát khao một điều chi. Anh hướng trọn năng lực của mình về đó, dùng thể xác để đạt ham muốn của tình cảm.
● Hình thức của lòng sùng tín có thể cao hơn nữa, như lòng yêu quí nghệ thuật, khoa học hay triết lý. Người ta dâng hiến đời mình, trọn năng lực của thể chất, tình cảm và trí tuệ cho cuộc sống có tính tôn giáo, khoa học, trở thành nghệ sĩ đam mê v.v..
Ở bất cứ chặng nào, họ nỗ lực khiến có làn rung động tương ứng với đích nhắm, đạt tới nó, vượt qua và rồi hình tan rã vì đã mãn nguyện. Trong hằng ngàn năm có nhiều kiếp thuộc về làn rung động thấp, sau đó họ thay đổi làn rung động lên cao. Lý tưởng thay đổi luôn vì tầm nhìn thay đổi, mộng mơ thực hiện được xong bị loại bỏ vì đã thấy điều khác cao hơn nữa.
Bây giờ trở lại chuyện tận thế, từ xưa đến nay đã có nhiều thay đổi về địa chất và mình có thể tin rằng chuyện sẽ tiếp tục trong tương lai, như động đất, núi lửa hoạt động. Rồi trục địa cầu sẽ đổi chiều, nam và bắc cực sẽ xê dịch sang chỗ mới gây ra thay đổi về khí hậu, mùa màng. Những điều này nằm ngoài tầm tay của mình, cưng lo làm chi, tuy nhiên nên tìm hiểu. Các biến cố không hoàn toàn do tự trái đất sinh ra, mà có khi do yếu tố bên ngoài tác động. Sách ghi trong thời điểm này, trái đất đi vào khoảng không gian có những luồng năng lực vũ trụ mạnh mẽ, chúng đâm vào bề mặt trái đất, đi xuyên qua đó làm nóng chẩy một số chất. Bình thường các chất đó ở thể đặc nay chẩy lỏng, nói chung là làm như phóng xạ từ ngoài không gian khơi nên nhiều ngọn lửa bên dưới mặt đất, làm cho các lớp này chuyển dịch cũng như núi lửa hoạt động.
Nhìn ở chiều đo khác thì ruột trái đất không đặc mà có nhiều hốc trống ...
– Như cheese ư ?
– Chắc giống vậy, có nghĩa khi các tia vũ trụ đi sâu vào lòng địa cầu làm nóng chẩy đất đá, khối chất lỏng này chẩy đi vào các hốc sinh ra núi lửa phun nham thạch ở các nơi.
– Nhưng làm sao tia vũ trụ có thể làm nóng chẩy đất đá ?
– Giải thích nói là giống như tia laser khi chiếu vào thép có thể tức khắc làm nóng chẩy, xoi thủng lỗ thì tia vũ trụ cũng vậy. Luồng phóng xạ vũ trụ có nhiều loại, loại này có tác động với khoáng thạch này mà không ảnh hưởng gì khoáng thạch kia. Khoảng không gian mà thái dương hệ đang đi vào có những tia cho ảnh hưởng lên trọn tất cả các hành tinh và mặt trời, chuyện đã xẩy ra một lần khoảng 24-25.000 năm về trước vào thời châu Atlantis ...
– Lúc có nạn thủy tai và châu này chìm mất phải không, vậy em lo là đúng rồi !
– Cưng đúng một phần ở điểm là nay chu kỳ trở lại, ấy là vòng xoắn ốc vũ trụ nhưng còn nhiều yếu tố khác can dự. Thay đổi vừa nói là về mặt vật chất, hình thể, và được gọi là phóng tỏa – radiation. Nó có nghĩa sự sống đang phá vỡ hình thể vì hình thể đó không còn thích hợp cho sự sống biểu lộ qua đó, không khác gì đôi giầy trở nên chật vì trẻ đã lớn hơn, cần đôi giầy khác hợp với chân để chạy nhẩy, tăng trưởng. Mặt vật chất của trái đất thay đổi để tạo hình thể mới, và điều gì nay được xem là thảm kịch như thiên tai gây tử vong thì nhìn dài hạn sẽ không thấy là bi thảm.
Người ta có tâm tình ấy vì tâm thức bị giới hạn, không giữ được sự liên tục từ cõi trần sang cõi thanh. Nay nhìn theo sự sống vĩnh cửu thì mục đích của những thay đổi luôn luôn là để tăng trưởng đến một tâm thức cao hơn, trái đất hiện đang tiến như vậy, với tâm thức mọi loài đang tăng lên mức mới. Tất cả diễn ra theo luật trời mà khi hiểu rõ sẽ làm cưng bình tâm. Sự an lòng sẽ vững mạnh nhiều lần hơn khi cưng hòa vào sự sống thật, trở thành sự sống, khi đó chuyện tận thế hay thị trường chứng khoán trồi sụt sẽ được nhìn đúng tầm mức và không tạo khủng hoảng cho tâm hồn.
– Nói về sự đồng hóa, em đọc chuyện kể là Ramakrishna, vị thánh nhân người Ấn, thấy một người bị thương nặng và sinh lòng thương cảm mạnh đến mức trên thân ngài hiện ra y hệt vết thương như ở người kia. Sự đồng hóa trọn vẹn mình với người như thế có lợi gì không ?
– Người ta thường hiểu đồng nhất là phải hòa hợp với mọi kinh nghiệm, tâm tình và phản ứng của người khác. Chuyện không phải thế và không nên thế, mà đó là sự đồng nhất – do trực giác – với mục tiêu bên trong của linh hồn và hệ quả là có thể diễn giải được thực tại. Đồng hóa cần hiểu theo nghĩa hòa hợp về mặt tinh thần.
– Nghĩa là sao ?
– Mình được dạy là sống như linh hồn, xem người khác như là linh hồn mà không phải chỉ là phàm ngã. Như vậy đồng nhất là cưng đồng nhất với linh hồn người khác, đối đãi nhau như là linh hồn. Khi ấy tình thương chân thật thay thế cho cảm xúc, lòng từ thay cho lòng thương xót, tội nghiệp; thông cảm thay cho lo ngại vì đau khổ.
– Là như thế nào ?
– Lòng từ thực sự là không có chút tính ích kỷ hay hèn nhát, và là tình cảm đẹp đẽ không gây ra đau khổ; nó còn là tình cảm vui tươi vì nó là kết quả của tình thương thanh khiết, và tình thương thanh khiết luôn luôn có nét hỉ lạc.
Cưng cần biết rằng khi tránh đồng hóa chặt chẽ mình với người khác, ngăn không để cho mình ý thức mạnh mẽ sự khổ đau cùng với họ, cưng có thể phụng sự họ nhiều hơn, và là người bạn, người trợ giúp tốt đẹp hơn. Trở lại chuyện thánh nhân Ramakrishna, mình có câu đáp trong chuyện Vị Chân Sư PST 53, trang 44 nói về điều này rất rõ.
Lòng từ xử sự như là phương tiện cho ta cảm được tình thương trong lúc đó. Nên ấy là tại sao nó có thể là cảm giác hết sức dễ chịu, nhưng nó trở thành khó chịu nếu thay vì đồng hóa tâm trí với cảm giác thương yêu, ta để mình bị lôi cuốn vào nỗi đau khổ của người mà ta thương cảm. Bị cuốn vào thì nó cản trở khả năng giúp đỡ của ta. Nếu bác sĩ ngã ra bất tỉnh hay khóc nức nở khi thấy tai nạn thì họ đâu có ích gì.
Hay là nói như thế này, Chân sư giải thích thêm, khi đứa trẻ làm vỡ đồ chơi và la khóc inh tai, con không lập tức muốn khóc theo. Con mỉm cười và dỗ dành đứa trẻ, ôm bé một chút, vuốt ve nó và xong chuyện. Vì con là người lớn biết rất rõ là việc vỡ đồ chơi không làm người trưởng thành như con phải lo lắng như thế, tức muốn nói là con không sợ có chuyện xúc động xẩy ra cho mình.
Chuyện kể là đức Jesus khóc lúc nghe Lazarus đã chết, thực không đáng tin. Tại sao ngài lại khóc nếu biết là có thể làm ông sống lại, hay nếu ngài biết rõ là ông chưa chết ? muốn nói cách nào thì cũng không ổn ! Lòng từ mà biểu lộ như thế thì đó là khuyết điểm. Nếu có bác sĩ tuy biết rất rõ là bệnh nhân có thể cứu được mà vẫn òa ra khóc khi nghe thân nhân nói là bệnh nhân đau nặng, thì con sẽ nghĩ sao về bác sĩ ấy ? Chắc chắn làm vậy là cách hay nhất để làm thân nhân kinh hoảng hồn vía lên mây.
Vì lý do đó sự buông bỏ hay xả – detachment là điều kiện hàng đầu và đức hạnh cần được vun trồng. Đây không phải là sự tách biệt để tự bảo vệ hay để miễn nhiễm hay do tánh dửng dưng, mà là thái độ tách biệt của linh hồn, làm việc trên cõi của linh hồn, nhìn mọi sự sống theo ánh sáng của linh hồn, xem mọi việc theo quan điểm của sự vĩnh cửu. Khi đó cưng biết được giá trị thật của chuyện, có được tầm nhìn đúng đắn của vấn đề, và không còn sợ chết. vì biết rằng mình đã chết nhiều lần, cái chết chỉ là một chặng trên con đường dài mà không phải là chấm dứt. Nói tới lui mình lại trở về ý cần biết giá trị thật.
Sẵn đây, có nhiều điều để bàn về ý chúng ta là một với muôn loài. Tính hòa hợp này hay thấy nơi ai thuộc cung hai có lòng từ rộng mở. Người như vậy bị đau khổ do ràng buộc với kẻ khác và đồng hóa với họ. Cách giải quyết là có sự vững chãi của linh hồn và không xử sự như là phàm ngã trong cách giao tiếp với người khác, trong gia đình và bên ngoài. Cưng cần giữ trong tâm ý sự liên hệ là với các linh hồn, chân ngã, mà không phải với hình thể tạm thời trong một kiếp. Do vậy, mình phải sống tách biệt với những cái ngã, phụng sự linh hồn trong hình thể ấy và hằng sống trong tâm thức của chân nhân.
Đó là nguyên tắc chung, rồi khi khác lại cần có sự đồng hóa chặt chẽ với nhân loại. Lý do là trong trường hợp này con người có cái trí linh hoạt nhiều thắc mắc, làm việc nhiều hơn ở cõi cao với ý niệm và tư tưởng. Sự miệt mài ở đó là huyễn tưởng, tạo nên sự tách biệt với người khác và làm cho linh hồn không biểu lộ trọn vẹn. Vì thế người bạn có phần việc phải làm là tập đồng hóa nhiều hơn với nhân loại.
Sự đồng hóa còn có thể giải thích một số chuyện, lấy thí dụ sức cầu nguyện của một tập thể đông người thì mạnh hơn là của một người riêng rẽ, và ai mới tập tham thiền được khuyên nên tham thiền trong nhóm, để người có kinh nghiệm do sức mạnh nội tâm của mình dìu dắt người mới tập, làm dễ đạt kết quả hơn. Cũng y vậy, việc gia nhập một Ashram cùng tu tập được khuyến khích do sự kiện là nhờ đó con người có sự ổn định, vì đồng hóa dần dần với làn rung động muốn có trong Ashram ấy.
Một trong những tác động của Ashram nói riêng và tham thiền theo nhóm, sinh hoạt nhóm nói chung là ảnh hưởng làn rung động của cá nhân nhờ làn rung động của nhóm. Nó có thể làm đầm xuống sự sôi nổi khi cần, hoặc kích thích khiến làn rung động linh hoạt hơn trong trường hợp khác. Điều này đặc biệt có giá trị khi chân nhân muốn làm chủ phàm nhân, và phàm nhân tự đặt mình trong bầu ảnh hưởng của rung động nhóm.
Còn nữa, khi người bạn đạt tới một mức nào đó, và nhờ tham thiền anh nâng làn rung động của mình lên tới làn rung động thích hợp, vị Chân sư đứng đầu Ashram có thể đem anh từ ngoài bìa của Ashram vào tâm thức của ngài, do vậy cho phép anh tạm thời có được sự mở rộng tâm thức vô cùng lớn lao, rung động ở mức khác thường. Ấy là lý do của việc cần tập tham thiền, kinh nghiệm ấy là phần thưởng có giá trị vượt trội hơn bao khó nhọc phải trải qua khi tập luyện.
Bàn về sự phát triển của tâm thức, khi sự sống bị vùi sâu trong hình thể và khi tâm thức đồng hóa với bất cứ một hình thể riêng biệt nào, sự sống ấy không thể cảm biết tính thiêng liêng của nó, hoặc biểu lộ tính ấy một cách ý thức. Càng đồng hóa nhiều và mật thiết chừng nào với phần hình thể, sự hòa hợp thấp càng lớn, mà cùng lúc sự đen tối càng mạnh và nói ví von thì nhà tù càng đặc cứng. Đó là tâm thức trong những loài thấp của thiên nhiên.
Rồi khi sự sống càng đồng hóa với điều chi có ý thức, sự hợp nhất càng lớn lao và cao hơn, và đó là tâm thức của ba loài cao hơn, các siêu nhân. Thảm kịch, vấn đề và sự vinh quang của con người là họ có thể đồng hóa mình với cả hai phần – hình thể và sự sống – và tâm thức của họ dao động qua lại giữa những cặp đối nghịch. Anh có thể đồng hóa với những hình thể thấp hơn loài người, việc xẩy ra trong những giai đoạn đầu của cuộc tiến hóa, và ở những giai đoạn cuối, anh đồng hóa với sự sống. Còn ở giai đoạn giữa, con người trung bình bị xâu xé mãnh liệt giữa hai điều này.
So sánh ta có:
● Thú vật đau khổ nhưng chỉ thuần thể chất và cảm nhận.
● Con người bị đau khổ về thể chất, tình cảm, tư tưởng thường là hạ trí, và chính yếu là tính riêng tư.
● Bậc giải thoát cũng đau khổ nhưng không liên hệ đến tình cảm, mà có tính trí tuệ và trực giác, và có sự vô tư.
Khai triển điểm thứ ba thì ở một mức cao hơn nữa mà mình chưa hiểu được, các đấng cao cả hòa hợp làm một với nhân loại, và sự đồng hóa này gây đau khổ cho các ngài nếu ta chấp nhận sự kiện là Chân sư còn đau khổ. Nhưng đó là sự đau khổ tinh thần, sinh ra khi các ngài cảm được sự khổ nàn của nhân loại do bản chất nhậy cảm của mình mà cùng lúc chỉ có thể đứng chực hờ, sẵn lòng trợ lực ai lên tiếng. Nỗi đau khổ này có thật và cưng có thể đóng góp làm nhẹ bớt bằng cách dâng hiến tình thương, lòng trung thành với các ngài. Tâm tình ấy giúp các Chân sư mang gánh nặng nhân quả của nhân loại được dễ dàng hơn, gánh nặng mà các ngài tự nguyện gánh vác.
Trong lúc đi chơi gặp cảnh đẹp như tranh vẽ thì cưng nghĩ gì ?
– Em chỉ biết dứng mê mẩn lặng ngắm thôi. À, em ao ước được thấy vị Đại Thiên Thần nơi ấy. Tâm hồn lâng lâng hết sức, cảnh núi non hùng vĩ không bút nào tả được.
– Nghe thì khó tin, nhưng sự mở rộng tâm thức đó là một cách làm việc của tình thương. Cưng cảm thấy hòa hợp với thiên nhiên vì trong tâm có sự thương yêu. Tình thương là lực kết nối giữ cho mọi vật liên kết với nhau, như vậy khi ý thức mình là một với cảnh, với ai khác là cưng làm gia tăng năng lực thương yêu. Mà còn điều này rất giản dị là Thượng Đế cần được chúng ta nhận ra sự liên đới ấy. Nó tựa như thực khách ở nhà hàng thưởng thức món ngon sẽ gửi lời cảm tạ người đầu bếp; cũng y vậy, Thượng đế – hay Sự Sống – cần chúng ta hiểu được sự hòa hợp của mình với mọi loài. Thượng đế sẽ vui mừng khi thấy cưng nhận ra được mối liên hệ ấy, không khác gì cha mẹ hớn hở khi con biết nói. Cưng càng mở rộng tâm thức chừng nào, càng liên kết với Thượng đế chừng ấy. Thượng đế cần con người hiểu về sự sống, và về một khía cạnh nào đó, Ngài bị cô đơn khi không được con người hiểu sự sống, vì sự sống là Ngài.
– Giống như người tình không được thấu nỗi lòng !
– Từa tựa thế. Thượng đế cần con người hiểu trọn những gì Ngài tạo tác, vì vậy ai chỉ biết chính mình là thực sự đang làm thui chột tâm thức vì giới hạn mức ý thức của họ. Tóm tắt lại thì chẳng những cưng cần mở rộng tình thương với muôi loài, mà cũng đừng ngần ngại dâng hiến tình thương đến những đấng Cao Cả, luôn cả Thượng đế.
– Lúc này đài truyền hình nào cũng có chương trình dạy nấu ăn, nhiều món thấy hấp dẫn lắm Bo à.
– Nhìn theo khía cạnh tốt đẹp thì ấy là chuyện hay, nó làm người xem ý thức nhiều hơn về thực phẩm và sức khỏe. Tuy nhiên cưng biết là còn khía cạnh tâm linh và phải xét tới sự liên quan giữa dinh dưỡng và việc chữa lành bệnh tật. Về điều sau, quan điểm của ông Hodson là ta không thể nào có được sức khỏe toàn hảo mà tiếp tục có liên hệ với những điều kinh hoàng và tàn bạo của lò sát sanh và đường dẫn tới đó.
Thực vậy, khó mà hiểu làm sao nỗ lực tinh thần cao cả nhất lại có thể kết nối với việc đem vào cơ thể của mình loại thức ăn thô trược nhất có thể có; chẳng những mỗi hạt nguyên tử của nó có làn rung động tự nhiên của động vật, lẫn không tự nhiên như sự đau khổ về thể chất và tình cảm. Điều sau này không sao tách rời với việc ăn thịt.
Ta không cần phải khuyến cáo về việc dùng những sản phẩm của bộ phận như gan, tim v.v. và máu thú vật cho người. Ngoài sự tàn nhẫn trong việc có được các chất ấy – tự nó không mà thôi là đủ khiến ta không thể nào biện minh cho việc dùng chúng – ảnh hưởng của chúng làm tăng cường thú tính trong bản chất của ta, và nhịp của chúng khác hẳn với nhịp của vật chất tạo nên cơ thể con người.
Nhịp của loài thú sinh ra sự phát triển mau hơn đáng kể so với loài người, và hệ quả là nơi loài vật, các giai đoạn dậy thì, trưởng thành, già lão và suy thoái tính ra ngắn hơn là ở loài người; thí dụ một tuổi của chó bằng bẩy tuổi của người. Thế nên hiển nhiên là chỉ có hại khi ta đem vào người chất liệu có nhịp khác đáng kể với nhịp của cơ thể ta.
– Em biết tình trạng lý tưởng là ăn rau trái, nhưng đâu phải ai cũng làm được vậy, có người còn bị đau ốm khi ăn chay.
– Phải rồi, cách dinh dưỡng phần lớn có tính cá nhân, và không dễ tìm ra một cách chung thích hợp cho mọi tâm tính nên có lẽ hay nhất là xem đề nghị của ông như chỉ là gợi ý. Nói tổng quát thì thực phẩm thường là món tiện dụng theo mùa và hợp khẩu vị, và thực phẩm nên có là món chi giữ cho cơ thể được tốt lành để phụng sự. Đi xa hơn, thực phẩm không phải chỉ để tạo cơ thể cho riêng cưng mà còn nên nghĩ đến chuyện tạo cơ thể cho em bé. Khi nào chỉ rau trái tươi, nước sạch, hạt và ngũ cốc, sống hoặc nấu chín được dùng làm thực phẩm cho người, khi ấy người ta mới tạo được cơ thể thích hợp cho các linh hồn tiến hóa đang chờ cơ hội trở lại cõi trần.
Nhìn theo cách ấy thì tránh được việc đồng hóa mình với cơ thể hay đúng ra là với ngũ quan, muốn hưởng của ngon vật lạ để thỏa mãn khẩu vị, mà có ý thức là dùng cơ thể như là phương tiện để làm việc.
– Nghe rõ đầu đuôi rồi cưng còn lo chuyện tận thế hay giá cổ phần trồi sụt không ?
– Em không lo nữa, nhưng bây giờ lại lo chuyện khác ! Em tính là Bo lên thiên đàng trước, vào đó rồi thì không đóng sập cửa mà để mở he hé, em lên sau nhẹ nhàng đẩy cửa là cũng vào được như ai. Thế nhé?
– Mà tại sao cưng nghĩ ông Trời sẽ gọi Bo trước ?! Cứ giao hẹn ai vào cõi Devachan nhớ đừng đóng cửa, chỉ khép hờ là chắc ăn !
Tham khảo: Through the Curtain, Viola Petitt Neal, Shafica Karagulla.