1001  Chuyện

Bài 21

 

Em bị đau tay, Bo à, chắc tại làm thư viện cầm sách nặng, mà ngoài nguyên do hiển nhiên thì bệnh tật còn muốn nói lên điều chi khác không ?
– Chuyện hay thấy là bệnh tật dẫn đến giới hạn, bó buộc. Có những việc cưng làm được khi trước mà nay không thể làm được nữa do có bệnh; bệnh sinh ra hạn chế vì ấy là cách để cái ngã học những bài học mà có thể không học được bằng cách nào khác. Nhiều người sống trong đời mà hay phủ nhận chuyện gì xẩy đến cho mình. Sự đau khổ, bệnh tật và kềm hãm khiến họ đi đến chỗ phải ngưng phủ nhận, và bắt đầu mở tâm để thực sự học và chấp nhận trách nhiệm về những khó khăn đến với họ, hoặc là bệnh tật hoặc vấn đề gì khác.
Phản ứng hay thấy là câu than vãn:
– Tại sao tôi bị như vầy ?
Nhưng lạ lùng mà nói thì ấy là bắt đầu để có minh triết, vì khi câu hỏi được nêu lên một cách thành thực và đủ lâu thì sẽ có trả lời. Như vậy cưng thấy là người ta không thể giải quyết một vấn đề tâm lý sâu xa cô lập với chuyện khác, mà trước tiên phải làm cho mình trở thành dễ cảm thụ (tức ao ước muốn được giải đáp thắc mắc), rồi thì giải đáp mới có thể được đưa ra. Cách làm việc của thiên nhiên là khiến Chân Nhân học lỗi lầm của nó bằng sự đau khổ và giới hạn nơi cái ngã và thân xác. Tốt hơn nên hợp tác với thiên nhiên, bằng không, khi đi ra ngoài cách thức ấy, khó khăn bất ngờ có thể tới và không chừng còn tệ hơn vấn đề đang phải giải quyết.

– Thí dụ mình muốn có giải đáp bằng những trị liệu như thôi miên hoặc được dẫn dụ trở về kiếp trước, thì có nên không ?
– Ông Hodson bảo câu hỏi như vậy có hai phần. Một là giáo dục – khi Chân nhân hiểu rằng cái ngã tạo nên bất hòa do việc làm tổn thương người khác và đã ăn năn hối lỗi, thì bệnh tật hoặc sự hạn chế mà thể xác và tâm hồn phải chịu đựng, có thể được châm chước tới một mức nào đó. Điều thứ hai có liên quan đến sự đền bù người đã bị hại, và thường là việc này phải tự mình trang trải; nhưng đôi khi khó mà làm nếu họ sống ở nơi khác hoặc còn ở cảnh giới tâm linh chưa tái sinh. Khi khác thì người sau này không hẳn là vô tội hoàn toàn, mà việc bị tổn thương là một phần nhân quả của riêng họ, nói khác đi có một 'tác nhân nhân quả' làm quân bình. Trong trường hợp đó có thể không cần cá nhân trực tiếp can dự để mang lại sự đền bù trọn vẹn.
Nhân quả có thể được sửa đổi và chờ đợi lửng lơ một thời gian lâu, tuy vậy cuối cùng luôn luôn có sự điều chỉnh. Trong lúc chờ đợi karma trở lại, người ta có thể làm việc thiện, chuyện tốt lành, giúp đỡ người khác để giúp mình tháo gỡ khỏi vài uẩn (skandha theo danh từ Phật giáo) ràng buộc ta vào bánh xe luân hồi.
Để đáp thẳng câu hỏi nêu ra thì thôi miên hoặc trở về quá khứ, nếu được làm đúng lúc chắc chắn có thể giúp được, nhưng đừng trông mong nó giải quyết được trọn vấn đề, và cũng đừng luôn luôn mong hai cách ấy hoàn toàn chính xác. Thực ra, kinh nghiệm của ông thấy rằng nghiên cứu chính xác về kiếp trước là một trong những điều khó nhất.
Ông nói thêm là nhiều chi tiết không được lộ ra cho tới khi con người có đủ sức mạnh nội tâm để trực diện chúng và đó là lý do chính vì sao đa số người không thể nhớ lại kiếp trước. Đôi khi chính sự bó buộc, kềm hãm mà người ta phải cam chịu là một phần trong diễn biến chữa lành. Tới đúng ngày giờ thì phương tiện để giải quyết vấn đề sẽ tự nhiên đưa tới, và họ gặp được người thích hợp để chữa. Người bệnh lành trở lại, hoặc bệnh có cải thiện.

– Em cũng đọc được một chuyện lạ lùng do ông Hodson thuật. Ông tin rằng có lang băm, mà cũng có  người dùng phương pháp tâm linh chữa bệnh rất hiệu quả, vì chính ông là người được chữa trị theo cách ấy.
– Ông Hodson tới ông đạo để chữa bệnh ? Lý thú chưa, kể nghe đi.
– Ông bảo mình bị tim đập bất thường, và thân hữu ở Philippines đưa ông tới thăm một trong những thầy lang rất có tiếng về chữa trị bằng tâm linh, được nhiều người làm chứng. Thầy lang cầm bàn tay phải của ông Hodson, lấy ngón tay xẻ hai lằn trên ngực. Làm như tế bào vẹt qua bên không hề hấn gì, rồi thầy lang cho tay vào lồng ngực của ông, lấy ra quả tim với động mạch, tĩnh mạch dính theo.
Trong lúc ông nhìn thì thầy lang xẻ động mạch và lấy ra chất đóng trong đó làm nghẽn mạch máu. Ông bảo đừng hỏi tại sao có rất ít máu chẩy ra vì ông không biết, có vẻ như diễn tiến làm ngăn dòng máu chẩy. Rồi thầy lang khép lại vết xẻ trên động mạch và đặt quả tim vào lồng ngực ông trở lại, sau đó thầy lang chỉ xoa đều ở chỗ đã xẻ ngực. Ông ngó thì hai lằn này mờ nhạt đi rồi biến mất, không để lại vết thẹo nào. Ui chà, ai kể hay đọc báo thì em sẽ không tin đâu, nhưng ông Hodson nói thì em tin.

– Tuyệt quá xá, rồi ông có hết bệnh không ?
– Nhịp tim của ông trở lại bình thường, và ông tin là nhờ vậy sống thêm được 10 năm. Y khoa đương thời không giải thích được việc ấy, cũng như không thể nào hiểu được là một bác sĩ giải phẫu tim đã học 10 năm, lại không thể thực hiện cách chữa trị như của thầy lang không có học gì về y khoa, và dĩ nhiên người ta sẽ chối bỏ, hoặc cáo buộc là có lừa đảo. Nhưng sự kiện vẫn còn đó là việc thực sự đã xẩy ra, và ở Philippines ngay cả bác sĩ tây y đến những thầy lang như thế để được chữa trị. Có phải người ta gọi đó là trị bệnh bằng niềm tin ?
– Nói vậy cũng được, tuy nhiên thực tại là có niềm tin hay không vào việc thầy lang có hiệu quả thì không ảnh hưởng gì mấy. Vấn đề quan trọng hơn là nhân quả gây ra bệnh đã hết hoặc sắp hết chưa. Chuyện có thể xẩy ra hai cách, hoặc người ta bị đau khổ đã đủ cho Chân nhân học bài học và nhận biết lỗi lầm của mình, hoặc nhờ hành động tốt mà người ta đã trả hết nợ. Cách nào đi nữa thì luật trong thiên nhiên nói rằng nếu nguyên nhân sinh ra bệnh được sửa chữa lại rồi, bệnh tật bắt buộc phải tan biến, con người lành mạnh như cũ. Tức là mọi chuyện không qua được nhân quả. Ít nhất là như thế cho người chưa giác ngộ như cưng với Bo !

–  Bây giờ tới chuyện khác, ma túy và những thuốc dùng để tâm thức có cảm giác lạ, cho ảnh hưởng gì lên con người?
– Một trong những hiểm họa của việc dùng ma túy để mở rộng tâm thức là người ta có thể bắt được hình ảnh đáng sợ ở cõi trung giới, hoặc hồi nhớ lại một kinh nghiệm ghê gớm trong kiếp này hay kiếp xưa. Thấy lại những điều ấy khi con người chưa sẵn sàng để học hỏi từ kinh nghiệm này không phải là điều hay, con người dưới trần chưa đủ sức đối phó với trọn hiểu biết về nguyên nhân của những khó khăn họ gặp phải trong đời. Ma túy còn gây những điều hại khác. Nơi con người có một màng tinh tế ngăn cách thể phách và cõi trung giới, giữ không cho những ảnh hưởng bất lợi ở nơi đây xâm nhập vào thể phách, nhất là xuyên qua những luân xa là cơ quan cảm nhận tâm linh. Tác hại có thể đi từ việc có hoang tưởng, điên loạn tới việc bị vong linh của người hay loài khác ám ảnh. Điều làm ông Hodson buồn nhiều trong đời là khi thanh niên như vậy đến gặp ông, hỏi một cách đáng thương:
– Nếu ngưng dùng ma túy bây giờ, tôi sẽ lành mạnh trở lại không ?
Thường khi, nhiều tổn hại đã xẩy ra, tế bào não bị hư hoại và không còn hy vọng. Điều quan trọng cần biết là kết quả này di lụy cho những kiếp sau mà không phải chỉ giới hạn vào kiếp hiện tại; cũng như có những trường hợp người ta dùng ma túy kiếp này vì sự yếu đuối do việc dùng ma túy trong những kiếp trước. Về việc dùng ma túy để mở rộng tâm thức, ông cho rằng trong điều kiện nào đó, tâm thức có thể được mở rộng hoặc chuyển lên một cảnh giới khác cao hơn, có khi tới cõi thượng trí. Nhưng điều mà con người thường ghi nhận sau đó có tính hoang tưởng, lung tung đầu Ngô mình Sở, và do vậy không dùng được chi cho ai thật sự theo đuổi chuyện tinh thần.
Nói chung thì dùng ma túy để có kinh nghiệm tinh thần là lỗi lầm nghiêm trọng. Cần sa (marijuana) cũng vậy, không phải nó chỉ là ma túy dẫn tới điều độc hại, tệ hơn, mà tự nó còn có tính phá hoại đối với cơ cấu tâm thức, nhất là khi dùng nhiều, thế nên ông cho rằng hợp thức hóa cần sa là điều đáng tiếc. Tế bào não cần phải được lành mạnh để làm việc, bằng không nó không thể nhận được các ảnh hưởng tâm linh. Mặt khác dùng ma túy thì dù có được kinh nghiệm nào, chúng không còn đó luôn suốt đời, trong khi việc tu tập theo kinh sách chỉ dậy sẽ đưa tới kết quả vĩnh viễn, và cũng không sinh ra phản ứng phụ.

– Nhưng mà phải tập lâu mới thấy kết quả.
– Đúng vậy, tuy nhiên với ma túy thì rủi ro quá cao. Cưng nên nhớ rằng thiên nhiên làm gì cũng chậm mà chắc, và minh triết thật sự chỉ đến sau nhiều năm chuẩn bị, tuân theo kỷ luật nghiêm nhặt. Nói khác đi, không có đường tắt đi tới sự giác ngộ.
Cũng nói về ma túy thì hiểu biết MTTL cho mình phân biệt được ngay thế nào là mở rộng tâm thức thật sự hay giả tạo; và sự giác ngộ là chân thực hay chỉ là huyễn tưởng. Bình thường các thể thanh của con người có mầu sắc hoặc tương ứng với tính chất của họ, hoặc đó là tính chất linh hoạt nhất trong người thí dụ như trí tuệ hay tình cảm, hoặc là tính chất mạnh nhất vào lúc ai có thông nhãn quan sát thể này. Trong lúc họ tỉnh thức, mầu sắc trội nhất trong thể cũng như mức rung động mạnh ở bậc nào sẽ cho ai biết cách nhìn nhận ra được con người bên trong của họ, vì tính chất của thể phơi bầy như cuốn sách mở rộng đối với ai thông thạo huyền bí học thực hành.
Ngược lại, khi con người xuất hồn thì hào quang thay đổi hoàn toàn, mầu sắc không còn phân biệt được nữa, gần như là biến mất hẳn, mà thể cũng không 'ở nhà' trong lúc ngủ. Con người tinh thần thoát ra khỏi thể xác và được tự do, sinh hoạt trong phần tinh túy cao nhất của mình trên những cõi khác, dù ký ức thể xác có thể không biết. Khi đó linh hồn làm việc trong những cõi thực tại mà nơi cõi trần mộng ảo ta gọi là giấc mơ.
Ai sử dụng thông nhãn thành thạo và có cơ hội quan sát một nhà yogi trong lúc xuất thần bên cạnh một người khác bị thôi miên, sẽ học được bài học quan trọng trong Huyền Bí Học. Anh sẽ biết được sự khác biệt giữa sự xuất thần do chính con người sinh ra, với trạng thái thôi miên là kết quả của ảnh hưởng từ bên ngoài. Nơi nhà yogi, các phần của tứ thể hạ gần như biến mất hoàn toàn, ta không thấy gì ngoại trừ làn rung động gần như không thấy được của Prana, và một lằn sáng mầu tím có ánh vàng từ đầu vọt thẳng lên tụ vào một điểm. Nếu nhớ lại mầu sắc tương ứng với các thể ra sao, ta hiểu được lý do của hình ảnh trên là con người đang sống trong thể Thượng trí–Bồ đề.
So với người bị thôi miên hoặc bị xuất thần do ai khác dẫn dụ mà ra – là kết quả của tà thuật hoặc do hành động vô thức, trừ phi do bậc Đạo sư cao cấp làm nên – trọn những nguyên lý còn đó, phần Thượng Trí bị tê liệt, Bồ Đề bị cắt đứt do sự tê liệt này, và thể phách hoàn toàn bị Hạ Trí và Tình Cảm chế ngự. Từ đây suy rộng ra thì mình có thể nói việc dùng ma túy để tâm thức lạc vào những vùng trời khác lạ, cũng nằm trong loại xuất thần do tác nhân bên ngoài gây ra, và do đó khác với trường hợp của nhà Yogi là xuất thần hữu thức hay chủ động. (Xin đọc lại bài Ma Túy và Tham Thiền, PST 57, và bài Con Đường Lành Bệnh trong số này PST 61, cũng bàn về điều tương tự.)

– Nhiều người muốn biết là tương lai Hội sẽ ra sao trong thế kỷ 21. Nhận xét thấy là hiện nay hội đóng vai trò thứ yếu trong phong trào tâm linh của tân kỷ nguyên. Có nhiều tổ chức tâm linh khác đã ra đời với chủ trương và chỉ dạy tương tự.
– Một câu thường được nhắc tới khi nói về vai trò của Hội là:
Hội TTH được xem như là viên đá tảng cho các tôn giáo tương lai.
Bây giờ nhìn ra cửa sổ đi, cưng thấy gì ?
– Thấy ông đi qua bà đi lại !
– Ja, đang giờ ăn trưa thì nhân viên ra đường, sau đó họ sẽ trở về chỗ làm là những tòa nhà quanh đây. Tòa nhà nào cũng phải có viên đá tảng, nhưng mình đâu còn thấy được nó một khi tòa nhà đã xây xong. Dù vậy, ai nấy biết là có viên đá tảng bên dưới và nó đã làm nhiệm vụ giao phó. Cũng y thế, sự kiện những chữ và ý niệm về  karma, reincarnation – luân hồi, chakra – luân xa, câu nói 'Khi đệ tử sẵn sàng thì Chân sư xuất hiện'  v.v. nay trở thành từ ngữ thông dụng ở tây phương cho thấy ảnh hưởng của TTH được lan sâu rộng.
Báo kể một người bị nhiều việc không may xẩy tới dồn dập, khi được phỏng vấn ông nói: 'Tôi không biết kiếp trước mình đã làm gì mà bây giờ gặp bao khó khăn.'  Sự kiện một tín đồ Thiên Chúa giáo ở Mỹ thốt ra câu nói thật tự nhiên, báo đăng thoải mái và độc giả không thắc mắc, muốn nói ít nhất ý niệm karma, luân hồi đã trở thành quen thuộc, và được dân gian chấp nhận trong xã hội tây phương. Đó là chuyện đáng nói, là thành quả lớn lao, và như vậy là hội đã thành công về mặt làm đá tảng.
Tiếp theo, sự kiện nay Hội không còn là tổ chức hàng đầu về sự quảng bá TTH là quan tâm thứ yếu. Thay vào đó, nên chú trọng vào nỗ lực của mình trong việc học hỏi và truyền bá TTH. Bởi nói cho cùng, mức sống đạo của người TTH mới là yếu tố quyết định Hội có làm tròn sứ mạng của nó chăng.

– Có nhận xét là đa số hội viên trên thế giới nay thuộc thế hệ lớn tuổi, hội viên trẻ là thiểu số ít oi, cũng như số hội viên sụt giảm. Hội Hoa Kỳ có chỉ gần bốn ngàn hội viên. Ngay cả tờ PST cũng vậy, em có cảm tưởng là chỉ có hội viên lớn tuổi là độc giả, và mình ở hải ngoại thì điều này lại càng đúng, giới trẻ ở ngoại quốc không chắc đủ thông thạo Việt ngữ để đọc và hiểu bài trong PST. Trong nhà thì Trâm, Thư và cu Bi có đọc TTH cũng sẽ đọc tiếng Anh. Tương lai rồi sẽ ra sao ?
– Chuyện tới đâu tính tới đó. Nói chung thì đang có bàn luận trong các xứ bộ về cách áp dụng những kỹ thuật mới trên internet để quảng bá TTH hữu hiệu hơn, thời đại mới thì cần phương tiện mới để trình bầy MTTL. Tuy nhiên đừng bi quan, nếu để ý thì có vài điều sẽ làm cưng phấn khởi. Thứ nhất là cung bẩy đang tới có nghĩa huyền bí học sẽ được tỏ lộ nhiều hơn, hiểu biết huyền bí sẽ được phổ quát, bớt phần ẩn kín. Chuyện xẩy ra nhờ càng ngày càng có nhiều người có thông nhãn, bằng chứng về thế giới vô hình không còn  phủ nhận được. Thứ hai là khuynh hướng làm Hội có tính giáo dục trội hơn, thành tổ chức đáng tin cậy cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về chân lý, cộng thêm vào tính chất tinh thần vẫn có xưa nay.
Khuynh hướng tỏ lộ điều huyền bí còn khiến cho tôn giáo được thế tục hóa dần, do phần tâm linh của nhân loại đã tiến xa hơn.
– Là sao ?
– Là hàng giáo sĩ sẽ bớt quyền hạn, hay có thể không còn giáo sĩ, mà ai xứng đáng trong cộng đồng sẽ được nhìn nhận và đảm nhiệm việc hành lễ. Nhưng ấy là chuyện mai sau, cho lúc này thì sự việc đầy hứa hẹn. Mình không còn xứ bộ VN, không còn hội quán, mất tất cả từ 1975 nhưng hội viên vẫn tiếp tục truyền bá TTH bằng Việt ngữ ở ngoại quốc, ra sách báo và qua internet đến với người trong nước. Phương tiện có sự quan trọng của nó, mà sức sống trong Hội lại quan trọng hơn, thành ra đừng lẫn lộn phương tiện với sức sống.

– Tuần rồi em xem một chương trình hay lắm. Có bé gái tám tuổi được ghép tim của bé gái khác bị giết chết, mười tuổi. Một thời gian ngắn sau khi nhận được tim, em bắt đầu có ác mộng trở đi trở lại hoài về người đã hạ sát bé gái kia. Em tin mình biết người đó là ai. Cuối cùng mẹ đem con tới chuyên gia tâm lý và sau những buổi hỏi chuyện, chuyên gia  bảo không thể phủ nhận là chuyện em kể cho bà nghe là thực tại. Họ quyết định báo cho cảnh sát, và dựa theo lời mô tả của em nhỏ, người ta bắt được kẻ sát nhân. Chuyên gia nói thời điểm, vũ khí, nơi chốn, y phục người này mặc, bé gái mười tuổi nói gì với họ ... tất cả những điều mà em nhỏ được thay tim kể lại, là hoàn toàn chính xác.
Chuyện khác kể có ông từ hồi nào tới giờ không để ý gì đến thi ca, thơ phú. Ông ưa thích máy móc, làm việc chân tay, tính tình thực tế, nay hơn 60 tuổi. Ngày kia ông phải thay tim, sau khi bình phục ông bắt đầu ... làm thơ và lời thơ thâm trầm, ý nhị không phải là thơ ... con cóc. Bà vợ ngạc nhiên vì biết rõ tính chồng, nay thỉnh thoảng bà nhận được thơ của ông viết tặng; do vậy, bắt buộc bà phải nhìn nhận rằng có sự thay đổi. Bao lâu nay đâu có chuyện đó, và chẳng những làm thơ cho bà, ông lại hay đi lang thang trong đồng vắng tìm hứng thơ. Sự việc không phải chỉ có ông nhận ra mà luôn cả bà, và chữ dùng trong thơ không phải là chữ, là cách nói của ông mà hoàn toàn khác lạ. Về sau được phép gặp thân nhân của người tặng tim, ông truy ra quả thật người này làm thơ khi còn sống.  
– Cả hai chuyện đều liên quan đến tim, vậy xem khoa học và huyền bí học nói gì.
Huyền bí học nói rằng tâm thức có ở khắp nơi, thấm nhuần mỗi phần của vũ trụ, tức tràn khắp cơ thể con người và mỗi tế bào, và não bộ nhận cảm tưởng từ quả tim, cho phép ký ức của tim tạo ấn tượng lên ký ức của não. Theo cách nhìn đó, nguồn cội của tâm thức là quả tim mà không phải não bộ, và ký ức của não bộ thì giống như ánh sáng của mặt trăng là mượn từ mặt trời hay quả tim.
Nay khoa học có những khám phá xác nhận điều ấy. Trước hết, khoa thần kinh tim neurocardiology nói rằng chúng ta có một não bộ thứ hai là một khối tế bào thần kinh chằng chịt nằm trong quả tim, với điện từ trường mạnh hơn điện từ trường của não bộ năm ngàn lần. Chuyên gia trong các ngành sinh hóa, tâm lý và dược liệu học sau các cuộc nghiên cứu đi tới kết luận rằng tim là một cơ quan cảm xúc, là trung tâm tinh vi ghi nhận và diễn giải thông tin, có hệ thống thần kinh nội tại rộng lớn tinh xảo đến mức có thể gọi đó là một não bộ, trong tim. So sánh điều này với hiểu biết mà bà Blavatsky đưa ra về sinh lý học huyền bí, nói rằng não bộ là cơ quan chính cho hạ trí, trong khi đó quả tim là cơ quan cho tâm thức tinh thần, thì có thể nói là điều gì khoa học huyền bí khẳng định cuối cùng được khoa học tây phương xác nhận. Sự xác nhận của khoa học về hiểu biết mà huyền bí học đưa ra, làm rõ nghĩa thêm lời trong một bức thư của Chân sư '... khoa học đương thời là đồng minh tốt nhất cho chúng ta'.
Thứ hai là chứng cớ về việc ghép bộ phận, ta đã nói sơ qua về điều này trong PST 45 nay xin cập nhật. Y khoa dùng chữ 'ký ức tế bào cellular memory' để nói về sự kiện tế bào trong cơ thể chúng ta chứa thông tin về cá tính, sở thích và lịch sử của cá nhân. Bằng chứng cho việc này thấy rõ nhất qua việc người được ghép tim có những hiểu biết không phải của họ, và điều này không thể giải thích bằng cách nói rằng khi ghép tim, người nhận phải dùng thuốc ngăn cản không cho hệ miễn nhiễm của mình hoạt động và tống bộ phận lạ ra ngoài, tác dụng của thuốc khiến người nhận dễ cảm thụ hơn so với ký ức đã bị lãng quên của mình. Hai trường hợp trên là thí dụ hỗ trợ cho ý 'ký ức tế bào'.
Sự việc đưa tới nhiều nhận xét, trong đó hãy thử xem hai ý sau. Nếu quả đúng là mỗi tế bào giữ lại phần nào tư tưởng và cảm xúc tức tâm thức của chủ nhân, thì việc ăn thịt có nghĩa rộng là sao. Ta có mang vào tâm thức mình ở mức rất tinh tế tâm trạng hãi hùng, nỗi kinh hoảng mà con vật cảm thấy vào lúc chết ? Và về mặt cảm xúc, nói rằng chết vì con tim tan vỡ thì có thể sự thực là vậy mà không phải chỉ là cách nói văn hoa bóng bẩy. Chuyện có thể theo sát nghĩa đen là quả tim, là nguồn cội của tình thương, do bị chặn nghẹt không được thương yêu, trở nên héo hon và khô cạn rồi chết đi. Có thể là việc tim bị kích ngất (heart attack) liên can đến cách ta sử dụng huyệt tim hơn là các yếu tố thuần thể chất như dinh dưỡng, vận động và hút thuốc.
Theo quan điểm vật chất mà y khoa hiện nay nghiêng về, quả tim chỉ là quả tim nhưng hiểu biết tinh thần nói rằng nó còn nhiều phần khác như tình cảm và thể phách của quả tim. Việc ghép bộ phận do đó phức tạp nhiều hơn ta tưởng, và không phải chỉ có việc lấy tim từ cơ thể này đặt vào cơ thể kia. Ở mức giản dị nhất thì khi có ghép tim, sự tiến hóa của người cho và người nhận bị lẫn lộn vào nhau, xấu hay tốt thì chưa biết.
Khi một ai bị sát hại hoặc bị bắt cóc để lấy bộ phận như báo chí loan tin, chuyện sẽ thành rối rắm nếu người bị sát hại muốn trừng phạt ai đã khiến họ thiệt mạng, bằng cách theo ám ảnh hay ám nhập kẻ sau. Cách nào thì hành động này cũng làm trì hoãn sự tiến hóa của họ. Tim còn có sợi dây bạc nối liền với linh hồn, khi ghép tim linh hồn của người tặng bị nối kết với các vấn đề của người được ghép.
Trong lúc thay tim hai việc sẽ xẩy ra:
1. Linh hồn người cho tìm cách rút khỏi quả tim của họ nay nằm trong lồng ngực người khác.
2. Linh hồn người nhận tìm cách rút sợi dây khỏi quả tim của mình đã thải bỏ và trụ nó vào quả tim mới. Trong một khoảng thời gian quả tim có thể có hai sợi dây sống nối với hai linh hồn, có hai luồng sinh lực khác nhau, và khi hai cá nhân bị nối kết vào chung một bộ phận, họ chia sẻ và chịu ảnh hưởng kinh nghiệm mà người nhận tim gặp ở cõi trần, và người tặng tim trải qua ở cõi bên kia. Hiện giờ chưa có nghiên cứu về mặt này nên mình chỉ có thể đặt vấn đề mà không có giải đáp.
Mô tả sơ thì cưng cũng thấy sự việc rối như mớ bòng bong và nói theo tác giả Torkom Saraydarian, this will be a psychological mess. Việc xác suất thành công khi ghép tim ngày càng cao, người nhận tim kéo dài được sự sống của mình, không nên là biện minh để làm ngơ ảnh hưởng tâm linh đối với ai can dự.
Điều tệ hại hơn nữa là ghép cơ quan của thú vật cho người, nhất là tim. Nhắc lại tim không phải chỉ thuần là bắp thịt, cái bơm hoạt động máy móc, mà nó có sự phát triển riêng, tức là mức tiến hóa của chủ nhân quả tim. Mỗi người có mức tiến hóa khác nhau, thú vật lại càng khác xa. Mức rung động của tim thú vật sẽ làm huyệt tim bị căng thẳng mà mình chưa biết ảnh hưởng lâu dài sẽ như thế nào.

– Em phân vân không biết nghĩ sao, bệnh viện nói ai cho bộ phận có thể giúp nhiều người vì họ có thể tặng gan, thận, phổi, tim, cương mô của mắt (cornea) v.v., sự hy sinh và lợi ích như vậy rất đáng kể.
– Cưng có thể nhìn sự việc theo cách khác, ấy là tùy theo trình độ phát triển mà một người có thể làm điều này nhưng người kia lại không thể nào chấp nhận nó được. Thí dụ có người cuối tuần vào phòng trà uống rượu, ca hát buông thả, nghe nhạc lớn tiếng điếc tai, dùng ma túy, đến gần sáng mới về nhà, chân nam đá chân chiêu. Họ có thể chơi bời như vậy nhiều năm, thay đổi lắm bạn tình và hài lòng với cách sống đó. Cơ thể họ chịu được sự tàn phá, ảnh hưởng tai hại của những độc chất trên ít nhất khi còn trẻ hay là trong kiếp này, nhưng đó là sự lạm dụng thân xác, và nhìn theo khía cạnh bí truyền thì người ta phải rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến hệ quả tương lai.
Với người khác, họ cần cơ thể làm những công việc khác và lối sống ấy là điều cấm kỵ. Nói chung là thế nhưng cũng có ngoại lệ, chuyện Tế Điên Tăng kể rằng vị La Hán này ... uống rượu ăn thịt rất tự nhiên, thoải mái ! Đó là cách của ngài, ngài thấy dùng phương tiện ấy là được thì là được cho ngài, mà cưng đừng bắt chước ! Trở lại việc ghép bộ phận, có thể có châm chế tùy trường hợp, tuy nhiên cách hay hơn hết vẫn là sống sao cho cơ thể lành mạnh, và tìm phương cách toàn hảo hơn để chữa bệnh cho người.

– Như là sao ?
–  Ai cũng biết mà chưa quyết tâm đó thôi. Xa thì tim có thể được làm điều hòa và chữa lành bằng việc tập các đức tính và trang trải kama, hay gia tăng năng lực tinh thần và dùng nó một cách sáng tạo. Trước mắt thì tim có thể được bảo vệ bằng cách giảm ô nhiễm trong môi trường, thực phẩm, và đất, nước.
– Từ từ, thực tế là tim em đang cần một thỏi chocolate, có thêm gói chip càng hay, sau đó mới hăng hái lo việc ngừa bệnh !

 

Tham khảo:
- Theosophy in Australia, Sep 09.
- The Esoteric Papers of Madame Blavatsky, Daniel Caldwell.
- Geoffreyhodson.com; Alpheus.org.
- Other Worlds, Torkom Saraydarian.

Trở Về Mục 1001 Chuyện

Geese

Thông Báo
Hiện PST đang cần hình của hội quán Hội Thông Thiên Học Việ
t Nam trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, trước 75 để đưa vào sách Theosophical Encyclopedia, ấn bản thứ hai. Rất mong quí độc giả trợ giúp bằng cách nếu có hình mặt tiền của hội quán xin vui lòng scan và gửi file theo email về cho báo. Xin đừng gửi hình bằng bưu điện vì nếu thất lạc thì rất đáng tiếc. Nếu quí vị biết ai khác có hình xin cho PST hay để liên lạc, ngoài ra PST cũng mong có được tất cả những hình ảnh khác về hội Việt Nam bằng cách scan hình như vừa nói.