1001CHUYỆN

 

(PST 60)

Bài 20

 

– Có email cho Bo xem đây, của người bạn có thân nhân vừa qua đời, thái độ của gia đình anh hay lắm. Anh viết ba anh 'có di chúc là tổ chức đơn giản, trong vòng gia đình con cháu, tránh thê lương vì theo như "Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh, không có già, chết cũng không có cái hết già chết". Vì vậy gia đình không dùng danh từ tang lễ mà gọi là một buổi lễ cầu nguyện và chúc lành trên hành trình mới. Chúng tôi không có mặc áo tang, không có rước thầy tu kinh kệ, không có mâm cơm nghi thức cúng kiếng như cổ tục ...'.
Đại gia đình này đáng nói, từ ông bà hồi còn ở Sài Gòn trước 75 cho đến cha mẹ, con cái và nay là các cháu, đều có hiểu biết về MTTL, vì vậy anh thuật là tang lễ ... vui lắm! Khách tới nhà quàn dự lễ thấy gia đình tươi cười thì ngạc nhiên,  và khi tan lễ thì họ cũng cảm thấy hân hoan, vui vẻ. Hỏa thiêu xong, gia đình mang tro ra biển thủy táng.
– Coi chừng bị cảm.
– Là làm sao ?
– Vừa ở chỗ nóng ra mà xuống nước ngay thì phải cẩn thận !  
– Thấy chưa, chuyện phải làm là thay đổi quan niệm, lúc đó Bo ở trên trời rồi, lửa nước đâu còn ảnh hưởng được nữa ! Cách xử sự của gia đình anh bạn tuyệt quá phải không. Thái độ hợp lý là như vậy. Rồi em đọc được bài báo cũng có ý hay. Thông thường niềm tin dân gian là cha mẹ, ông bà sau khi qua đời sẽ phù hộ cho con cháu, hoặc gia đình ước ao như vậy. Tuy nhiên trong bài viết, gia đình ghi thân nhân đã am tường khi chết ta sẽ đi về đâu và rồi người này giác ngộ và rất an nhiên đón chờ cái chết. Sau đó, gia đình không cầu  người đã khuất hiển linh để luôn gia hộ độ trì cho gia đình được như thế này, như thế kia. Làm vậy thì có khác chi gia đình đang ích kỷ cho riêng mình, níu kéo ràng buộc người đã khuất, không để cho họ siêu thoát. Ngược lại gia đình nhiệt thành mong cho thân nhân sớm thức tỉnh để ra đi, không còn quyến luyến cõi trần.        
Nhìn lại mình thấy có nhiều hủ tục mà nếu bỏ được thì cuộc sống sẽ vui hơn. Em cũng muốn biết về tuổi già, thái độ nên có là sao ?
– Cưng thử liên kết hai điều này xem, một là ý tưởng nói rằng hãy sống trong vĩnh cữu, và hai là lời chỉ dẫn 'Hãy sống như là linh hồn'. Khi hòa hợp thì hai chỉ dẫn hàm ý linh hồn không thấy có tuổi của các thể, mà sống trong trạng thái hòa hợp quá khứ, hiện tại, tương lai. Nó có thể sử dụng vận cụ của mình nếu con người dưới trần tự làm cho mình thích hợp và sẵn sàng, nói khác đi linh hồn không lệ thuộc vào tuổi tác của các thể. Bởi thế cách xử sự nên có là hãy sống tích cực cho đến ngày cuối đời, biết rằng vận cụ có thể suy yếu vì tuổi tác nhưng tâm hồn thì không, nếu ta muốn.
Đó là ý chính, bây giờ bàn riêng về mỗi giai đoạn dưới trần thì tuổi đời cũng có chuyện đáng nói. Lẽ tự nhiên được gặp và học hỏi MTTL vào lúc tuổi trẻ là điều may mắn, và tốt hơn nữa là được sinh ra có cha mẹ là người hiểu biết MTTL. Tuy nhiên hai ưu điểm này chỉ có nghĩa mình được cho thuận lợi ở bước đầu, còn sử dụng thuận lợi ấy ra sao lại là chuyện khác. Con đường Đạo là sự nỗ lực, kiên trì không ngưng nghỉ, và điều hay thấy là kết quả đến với ai tiến bước chậm mà chắc, hơn là ai vụt sáng chói lọi làm chóa mắt người nhưng sau đó chìm khuất và tới đích sau.
– Tức là làm rùa chăm chỉ cần mẫn thì chắc ăn hơn làm thỏ ?
– Có thể vẻ như thế,  nói tiếp về tuổi tác thì điều hiển nhiên là nó có liên hệ đến những mốc điểm phát triển trong đời. Bình thường là tuổi trưởng thành cho phép người ta ra ứng cử hoặc đi bầu, có quyền lấy bằng lái xe, hoặc lập gia đình v.v.
– Có quyền tối vào disco, nhẩy đến sáng bạch mới về nhà !
– Những chặng của tuổi đời là vậy, về tuổi sinh học thì hồng huyết cầu chỉ sống vài tháng rồi tiêu hủy, ta có hồng huyết cầu mới, và trọn cơ thể cũng thay đổi mỗi bẩy năm. Về mặt tâm linh, đời người chí nguyện luôn luôn có hai thử thách lớn, một là khi họ được cho cơ hội để làm việc và thử thách là liệu họ có nhận biết để nắm lấy hay không. Vào một lúc nào đó, người chí nguyện sẽ phải đối đầu với lựa chọn mà khi quyết định sẽ đưa họ đến việc phụng sự có bản chất riêng của mình. Sự việc xẩy ra giữa tuổi 25 và 40, thường là vào khoảng 35 tuổi.
Đó không phải là những lựa chọn thường tình ngoài đời mà người trong lứa tuổi này sẽ gặp, thí dụ như chọn nghề, chọn bạn đời, chọn  thân hữu nói chung, nhưng là quyết định sẽ làm sau khi đã chọn lựa những chuyện ít quan trọng hơn vừa nói. Thử thách về cơ hội này luôn luôn luôn liên quan tới đời phụng sự, bất kể nhân quả hay điều kiện chung quanh. Nó cũng không phải là chọn lựa của cái tôi dựa trên sự tiện lợi, cần thiết, động cơ của cõi trần hoặc bất cứ điều gì khác, mà là chọn lựa dựa trên tương quan của linh hồn đối với phàm ngã.
Biến cố lớn thứ hai là thử thách về sự biểu lộ, nó thường xẩy ra trong những năm về sau  của đời người, liên quan đến khuynh hướng đã ổn định trong đời. Người ta có thử thách về niềm tin, về những gì họ chấp nhận và phấn đấu vì nó trong đời. Luôn luôn đó là thử thách khó khăn và cay đắng, đi tới gốc rễ của đời người, thí dụ như thấy phải xét lại những gì mình vẫn tin chắc từ trước tới nay, phải thay đổi quan niệm. Đặc biệt cho ai tiến xa thì đó là sự khủng hoảng lớn, liên quan đến mọi mặt của con người như đời sống cõi trần, tình cảm và trí tuệ. Họ phải giải quyết sự việc cùng một lúc ở ba cảnh giới, chịu áp lực nặng nề trong mỗi thể. Càng tiến xa thì người ta càng nhậy cảm, có sức đáp ứng nhiều hơn mà chính sự bén nhậy, rộng lớn đó làm cho khó khăn của họ tăng bội. Dầu vậy, khi có sự  quyết chí, dốc lòng với lý tưởng thì có việc đạt tới mục tiêu.
Bởi sự tranh chấp nhiều phần nằm ở nội tâm, chiến thắng đúng nghĩa tùy thuộc vào thành đạt riêng biệt của những cảnh giới cao, và vào việc theo sát chân giá trị trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong các điều ấy, chuyện đáng nói là những giá trị nơi cõi trần thường là điều ít quan trọng hơn hết.

 Trong đời sống dưới trần, còn hai mốc điểm đáng nói là lúc 49 và 56 tuổi. Thường thường, tới 49 tuổi thì nhiều phần là con đường phụng sự của người chí nguyện đã xác định rõ ràng; họ lập nên một trật tự nhịp nhàng trong đời sống của mình và nhờ đó tạo ảnh hưởng rõ rệt lên những ai xung quanh họ. Chuyện  cần ghi là việc điểm đạo thường có sau tuổi 50. Lý do là nếu người chí nguyện kiên trì làm việc, miệt mài đi tới mục tiêu thì khi đó họ có thể được tin tưởng là sẽ sử dụng sáng suốt quyền năng giao phó cho họ, có được sự vững chãi cần thiết, và tiến hành công việc của mình với lòng khiêm tốn và cẩn trọng.
Sớm hay muộn thì ta cũng sẽ tới giai đoạn gọi là 'tuổi già'. Đây là cách nói của thế gian mà không phải là cái nhìn của linh hồn. Giai đoạn này có thể được đánh dấu bằng hoạt động yếu kém, khiếm khuyết của các thể, nhất là thể xác, và lời khuyên là ta không nên chống trả lại. Ấy là phản ứng tự nhiên, tuy nhiên cách suy nghĩ khác là tại sao không chấp nhận sự chuyển tiếp, giai đoạn dẫn từ cuộc sống nơi cõi trần sang cõi bên kia ?
Trong giai đoạn ấy, sự chống trả lại tuổi già và cái chết xẩy ra dưới nhiều hình thức, và điều dễ thấy nhất là sự quan tâm quá đáng vào thân xác. Điều ấy không nên có vì một số lẽ, thứ nhất là việc duy trì này có thể có tầm quan trọng quá mức và can thiệp vào luật trời.

Ngày giờ ra đi của ta là do luật nhân quả đặt sẵn, nó luôn luôn ấn định giờ phút con người thật chấm dứt sinh hoạt trong thể xác. Tuy vậy nếu thể xác được nuôi dưỡng quá độ và nếu được chăm sóc quá kỹ, nó có thể giam cầm con người thật, đi ngược với luật nhân quả. Nghe có vẻ lạ nhưng các luật thiên nhiên đã từng được chế ngự trong quá khứ, và chuyện càng xẩy ra nhiều hơn trong tương lai. Thí dụ như do hiểu biết người ta đã thắng sức hút trái đất, và vượt qua luật hằng giây hằng phút khi phi cơ bay đó đây trong bầu trời, hỏa tiễn phóng ra khỏi bầu khí quyển. Đối với bệnh tật thì niềm tin khi sử dụng các năng lực cao sẽ làm đảo ngược lại nhân quả hoặc còn có thể tiêu trừ được nó. Với người hiểu biết và phụng sự có ý thức thì linh hồn có thể kéo dài hoặc rút ngắn cuộc sống của mình tùy ý, họ sử dụng thể xác như là dụng cụ để thực hiện cơ Trời. Có những câu chuyện thiền ám chỉ đến việc này, chẳng hạn thiền sư biết trước thời điểm thuận tiện cho việc ra đi, tới ngày giờ thì ông dặn dò học trò rồi ngồi xếp bằng và tịch thật an nhiên.
Việc hay thấy là nơi cõi trần khoa học luôn luôn nhái lại và diễn tả sai lạc hành vi của linh hồn, về một mặt khác hoạt động của khoa học là biểu tượng cho chuyện sẽ đến trong tương lai, là hành động do linh hồn khởi xướng. Sự nhái lại này được thấy qua việc kỹ thuật tiến bộ khiến bây giờ sự sống của hình thể là thân xác yếu kém – nơi trẻ sơ sinh và tuổi già –  thường được duy trì, trong khi nếu để tự nhiên sẽ không sống sót và lẽ ra nên để cho ra đi. Nhìn về mặt tâm linh, khi con người thật muốn thoát đi mà lại bị cầm giữ trong thể xác, nó có nghĩa tinh linh thể chất thắng thế và làm chủ tiến trình, cho ra hình ảnh đáng tội. Nó có nghĩa cần có sự phân biệt giữa sự sống thể chất và sự sống của con người tinh thần.
– Bo nói rõ hơn đi.
– Như vầy, linh hồn duy trì thân xác để làm việc, tức duy trì có lý do, có sự hữu ích của nó; còn việc duy trì thân xác trong nhiều trường hợp chỉ có mục đích là giữ cho thân xác còn sống mà không nhằm chuyện hữu ích nào khác. Lại nữa, việc duy trì ấy gây ra nhiều đau đớn và khổ não cho các hình thể này mà thiên nhiên – nếu để yên cho nó tác động – sẽ không sử dụng hình thể bất toàn như thế và thải bỏ đi.
– Em nhớ rồi, đó là sự tranh cãi giữa phe Rights to Life và phe Rights to Die with Dignity, về sự an tử (euthanasia).
– Bởi ta coi trọng sự sống của hình thể (khác với hoạt động của linh hồn),  lòng sợ chết lan rộng và bởi có ràng buộc sâu đậm vào hình thể, ta chặn đứng tiến trình của thiên nhiên và cầm giữ sự sống – đang vùng vẫy để thoát đi – trong hình thể không còn thích hợp cho mục tiêu của linh hồn. Khi hình thể được duy trì mà đúng ra nên loại bỏ vì nó không nhằm mục đích hữu ích nào, thì khi đó luật nhân quả bị đảo lộn. Trong đa số trường hợp sự thể là do nhóm (xã hội) áp đặt mà không phải do chính đương sự muốn, như người hôn mê hoặc hài nhi không bình thường. Đó là những trường hợp cho thấy rõ ràng là luật nhân quả bị can thiệp và thay đổi.
Một nguyên tắc quan trọng của hội Theosophia là quyền tự do tư tưởng, hội viên có hoàn toàn tự do trong việc tin hay không tin chuyện gì, thế nên ở đây mình trích ra quan niệm của ông Sri Ram, một vị Chánh Hội Trưởng, để vấn đề được cứu xét rộng rãi:
─ Tôi nghĩ cho chính tôi mà thôi, còn thì người khác có thể tin cách khác, đó là tôi không muốn kéo dài sự sống của mình bằng phương thức tuyệt vọng hay không bình thường, nếu tôi thấy mình đang tới cuối cuộc sống.

Vì vậy, điều quan trọng cần nhắm tới là khiến con người thay đổi thái độ về cái chết. Linh hồn xem cái chết như chỉ là một giai đoạn, là sự chuyển tiếp trong một chuỗi có vô số chuyển tiếp. Khi có được việc ấy thì trọn cách sống và tiếp theo đó cách qua đời sẽ thay đổi trọn vẹn. Một trong những việc làm của người chí nguyện cung hai, cung chuyên về giáo dục, là đề cập đến sự tử khi nói chuyện với ai tìm đạo, suy gẫm về nó và đem vào trong cuộc thảo luận của người cùng một nhóm với nhau. Làm vậy không dễ, dầu vậy đó là đề tài phải không được tránh né, làm ngơ. Theo cùng đường hướng này, các nhóm chữa trị phải không đặt nặng vào việc chữa lành thân xác, mà vào thời điểm hay chu kỳ, để có sự tái tạo phục hồi hay nên rời bỏ cõi trần.
Sẵn đây bắt qua việc chữa bệnh thì cái nhìn đúng đắn về sự việc là nhìn theo quan điểm tinh thần, không phải vật chất; do đó việc chữa bệnh cũng thế. Điều quan trọng hơn hết khi chữa bệnh không phải là làm cho thể xác hết bệnh và bình phục, mà là chữa phần tâm linh tức thay đổi quan niệm, tâm tính. Khi con người làm được những điều này thì họ được xem là lành bệnh cho dù thể xác vẫn còn đau ốm, chưa hết bệnh. Nói khác đi, việc chữa lành không luôn luôn có nghĩa là hết đau ốm và bệnh nhân được lành lặn; đôi khi lành bệnh về mặt thể chất chỉ có nghĩ là công việc của linh hồn bị con người đình hoãn lại, nhân quả còn đó chưa được hóa giải hết, nếu ý chí phàm nhân quá mạnh và tạm thời ngăn được luật.
Việc chữa lành đôi khi có những ý nghĩa sau:

● Thái độ sai lầm bên trong hoặc cách suy nghĩ lầm lạc được sửa lại, con người tỉnh ngộ và cùng lúc giữ y tình trạng của cơ thể; hoặc
● Bệnh nhân tiếp xúc được với linh hồn, và nhờ vậy định hướng lại cuộc sống của mình, hướng về các chân lý trường cửu; hoặc
● Nó có thể là việc chuẩn bị đúng cách cho bệnh nhân đối với sự tử.

 Y khoa và kỹ thuật có vai trò của chúng trong việc chữa bệnh, cho riêng ai có sự hiểu biết thì điều mình có thể làm là giúp người khác có được sự thích ứng cần thiết.
– Như là làm sao ?
– Chẳng hạn như có sự thông cảm, khuyến khích, vạch ra thái độ bất hảo, chấm dứt những cách sống sai lầm, và thay đổi cách biểu lộ tâm tình sai lạc, theo khả năng của mình. Không gì có thể ngăn  cản cưng phụng sự theo cách ấy, cho dù cưng có nhận biết về giới hạn và hiểu biết chưa đầy đủ của mình. Vì thế, hãy luôn luôn sẵn sàng thay đổi quan niệm khi biết được chuyện khác tốt đẹp hơn, cao hơn. Trên hết thẩy là có tình thương tràn đầy, vì tình thương làm giải trừ và chữa lành trong cả ba cõi.

– Trên thị trường có rất nhiều sách về bên kia cửa tử và cảm nhận tâm linh, làm sao mình biết sách nào hay với sách nào không hay ? Có tiêu chuẩn nào để chọn lựa không ?
– Hãy bàn trước tiên việc cần có óc phân biện khi đọc sách vở nói về sự tử. Trong thế kỷ trước, vài tác giả trong hội TTH và những tổ chức khác đã gây bất lợi cho sự thật về luật tái sinh, khi đựa ra những chi tiết phỏng đoán về tình trạng của con người sau khi chết, cùng những tiến trình của cái chết, ghi rành rẽ người xấu, người trung bình, người tốt mỗi hạng người sẽ sống ở cõi trung giới trong khoảng thời gian bao lâu, trong khi kinh điển các tôn giáo và bộ The Secret Doctrine không nói tới các điều này. Lý do là những chi tiết ấy phần lớn dựa vào sự quan sát ở cõi trung giới, nơi đầy sự huyễn hoặc.
Tác giả thành thật mô tả lại điều họ thấy, theo trình độ, quan điểm của mình. Đó là các nhận xét cá nhân, điều ấy tự nó không có gì sai nhưng các vị ấy quên không nhận ra rằng tất cả những quan sát dùng thông nhãn cõi tình cảm đều có tính huyễn mộng. Người đọc không ghi nhận như vậy mà có khuynh hướng xem chúng như là sự thật bất biến. Bởi vậy cần phải cảnh giác, và phân biệt giữa mô tả mang tính cách của cõi trung giới (là cõi huyễn ảo) và phần tinh thần, chân lý đúng thật.
Chân ngã không kể đến thời gian vì nó không bị màn ảo ảnh chi phối, và cũng bởi nó sống trong vĩnh cửu. Vậy mà các sách này kê ra những khoảng thời gian con người sẽ ở nơi đây trước khi tái sinh. Sự thực là khi sang cõi thanh, não bộ không còn ý thức về thời gian và tái sinh là do thúc giục của các yếu tố sau mà không cái nào là thời gian:
● Con người cảm thấy có trách nhiệm với những vi phạm luật trời trong mấy kiếp trước, bị thúc đẩy phải giải quyết việc phạm luật. Anh tự áp đặt đòi hỏi cho mình là làm quân bình nhân quả.
● Anh phải làm tròn điều mà linh hồn đã khởi xướng, cảm thấy phải hoàn tất  các bổn phận.

Nay sang những cảm nhận tâm linh. Vào lúc này có nhiều người nhận được các ấn tượng thuộc cõi trung giới, bắt được ý tưởng ở đó. Trong đại đa số trường hợp chúng luôn luôn là huyễn tưởng, có nghĩa tư tưởng bị biến đổi hoặc bị diễn giải sai lạc, mà không phải là ý tưởng chân thực, nguyên thủy. Ấy là những lực mà ai làm việc cho cuộc tiến hóa cần biết tới để đối phó. Chúng ảnh hưởng tới người ít thông minh nhất trong xã hội, cho họ một ý niệm tổng quát dù rằng cong quẹo về Thiên cơ; với người trí thức thì họ chán ghét các ý tưởng huyền hoặc, và với ai làm việc về mặt tinh thần thì chúng khiến phần việc của họ bị khó khăn hơn.
Cảm nhận tâm linh có nhiều loại cao, thấp khác nhau. Ta nên tránh kinh nghiệm loại thấp cũng như cần có khuyến cáo để con người đừng ham muốn có chúng. Chuyện hóa khó khăn hơn do việc quần chúng không phân biệt các loại cảm nhận, tin rằng khả năng thông nhãn, thông nhĩ (clairvoyance, clairaudience) là dấu hiệu của người đã tiến xa về mặt tinh thần, cho dù họ được nhắc nhở rằng thổ dân sơ khai và thú vật cũng có khả năng ấy, ghi nhận nhiều điều mà người có trí tuệ mạnh hơn không bắt được.
Vào thời điểm này, đa số người thiên về tình cảm hơn là trí tuệ do đó đáp ứng dễ dàng và mạnh mẽ với rung động cõi tình cảm. Lý do khác nữa là theo đà tiến hóa, càng ngày người ta càng ý thức nhiều hơn về cõi trung giới, màn ngăn cách giữa cõi trần và cõi ngay trên nó đang hóa mỏng manh hơn, sự việc cho ra cơ hội mà cũng mang lại nguy hiểm khi người ta muốn tìm hiểu về cõi này mà không biết các đặc tính của nó để tự bảo vệ mình. Vì thế, cần phải nhấn mạnh thêm lời khuyến cáo, giúp xã hội ý thức việc tiếp xức với cõi này cho bất lợi ra sao.
Ngày kia, khi đi tới rốt ráo thì mọi người đều phải có kinh nghiệm tâm linh cao cũng như thấp, nhưng tiến trình đúng đắn là ngăn không cho những quyền năng thấp phát triển, mà chờ tới khi những quyền năng cao hơn được linh hoạt. Khi đó quyền năng thấp sẽ tác động và được tâm thức ở cảnh cao kiểm soát, nhờ vậy an toàn.
Bởi đa số người trụ vào thể tình cảm nhiều hơn là thể trí, và bởi cõi trung giới là cõi kế ngay cõi trần, là nơi đông đảo người sẽ sang đó cư ngụ khi bỏ xác, ta nên biết vài đặc tính và hiện tượng ở nơi đây để có thể giúp người khác. Làm sao ta giúp được nếu không có hiểu biết ? Nói như vậy không có nghĩa là ta khuyến khích việc chú tâm vào cõi trung giới hoặc phát triển quyền năng siêu hình, mà chỉ muốn nói ta  cần có hiểu biết để diễn giải sự việc đúng đắn, không thành kiến và không kinh sợ.

Cảm nhận tâm linh chỉ là bước đầu, dần dần sẽ có việc tiếp xúc giữa hai cõi một cách khoa học. Lấy thí dụ việc chụp hình người đã khuất. Điều này được bàn tới nhiều và gây chú ý, nếu chỉ nói thuần về mặt kỹ thuật thì điều mà ít ai nghĩ tới, hoặc tin có thể có, là người trần cần sự hợp tác của người bên cõi trung giới để làm vậy, và chuyện thực hiện được. Mục tiêu nhắm tới là chụp hình tư tưởng, với người ở cõi trần là có máy móc tinh vi tức sự liên hệ giữa điện với kỹ thuật chụp hình, có hóa chất để làm phim nhậy cảm nhiều lần hơn; với người ở cõi trung giới là sao có khả năng phóng ra hình tư tưởng về chính họ. Thường khi người ta bận tâm với dụng cụ hữu hình nơi cõi trần và quên đi yếu tố là phải có sự góp phần của người ở bên kia. Trong việc chụp hình thì vai chính là bên kia, tức cung cấp hình, còn bên này là chế tạo dụng cụ để bắt lấy hình ảnh đó. Chuyện 'We Know These Men' đang đăng trên PST có trình bầy nỗ lực của người bên kia để tiếp xúc với người bên này về mặt kỹ thuật rất thú vị.
Nói tiếp việc chụp hình thì người ta cũng cần một người đồng hữu thức, tức sử dụng thông nhãn và thông nhĩ trong lúc hoàn toàn tỉnh thức, mà không phải là chỉ tiếp xúc được với cõi trung giới khi mê thiếp. Ngày nay có nhiều trẻ em có khả năng đầu, và thế hệ sau lại có nhiều thêm. Màn ngăn cách hai cõi sẽ biến mất khi có hàng ngàn người có thể thấy hiện tượng và âm thanh nằm ngoài mức thông thường, bằng cớ của họ không thể bị chối bỏ được.
Điện có liên quan vào việc với sự kiện là cách áp dụng điện lúc này khiến người bên kia chưa biểu lộ được. Điện là căn bản của sự biểu lộ mà bà Blavatsky nhắc tới trong bộ The Secret Doctrine; trong thiên nhiên mọi vật đều là điện, và điện mà ta sử dụng ngày nay là điện vật chất, có tính nội tại trong mọi hình thể và liên quan đến vật chất cõi trần lẫn bốn cảnh ether. Kế tiếp, bên trên cõi trần là cõi tình cảm (trung giới), cõi trí (thượng và hạ trí), v.v. Vậy thì ta đừng quên rằng có người sinh hoạt ở cõi tình cảm, trong thể tình cảm của họ; và có người khác sinh hoạt ở cõi hạ trí, chỉ xử sự như là trí tuệ. Ta chỉ có thể tiếp xúc với hạng người sau bằng tư tưởng mà thôi, và không có cách nào khác. (Chương 10 của quyển A Soul's Journey đăng trên trang web PST cho ta khái niệm về nơi đây, khi Acharya đưa Henri lên thăm cõi trí vào tối thứ tư, mời bạn xem lại.)
Ta không thể nào chụp hình được thể trí, mà chỉ có thể chụp được thể tình cảm mà thôi. Ai có thân xác thô trược chừng nào, có ham muốn, thèm khát càng nhiều thì sau khi qua đời càng dễ được chụp hình chừng ấy – nếu có ai muốn chụp ! – còn người càng tiến xa thì càng khó chụp hình của họ.
– Tại sao vậy ?
– Nghĩ kỹ xem, những ham muốn thô trược ấy có rung động gần với rung động nặng nề ở cõi trần, do đó kỹ thuật cõi trần có thể bắt được làn sóng; còn đối với những rung động thanh bai có tần số cao, máy móc hiện giờ chưa đủ sức nhậy cảm để ghi nhận. Sự việc rất khoa học vì chỉ là các ứng dụng khác nhau của luật rung động mà thôi.
Điểm lý thú ở đây là ta sẽ 'nghe' trước khi 'thấy' được chuyện nơi cõi trung giới, giống như trong thế kỷ qua là ta bắt được sóng radio của những thiên thể trong vũ trụ trước, rồi sau đó mới có kỹ thuật chụp hình được chúng. Nói khác đi ta 'nghe' trước khi 'thấy' được các vì sao, ngân hà ở xa. Tiên đoán này được đưa ra trong các thư của Chân sư hồi 1880s, lâu trước khi khoa học biết về sóng radio. Nguyên tắc về radio cũng áp dụng để 'nghe' chuyện bên cõi trung giới, tuy nhiên giống như việc chụp hình ở trên, dụng cụ điện hiện nay có làn rung động còn quá thấp nên chưa làm được việc này. Có báo trước nói là lời mô tả đầu tiên mà có thể ghi nhận được ở cõi trần cho thấy có đời sống sau khi chết, sẽ bằng radio, khi radio có đủ sức nhậy cảm để bắt được sóng âm thanh từ cõi trung giới.
Ta không thể đi vào chi tiết hơn vì điều gì hiển hiện, rõ ràng trong thế kỷ XXIII sẽ mang nét mù mờ cho người ở thế kỷ XXI, cũng giống như người ở thế kỷ XIX không thể tưởng tượng ra internet là điều mà ta coi là chuyện tự nhiên. Chẳng những người thời nay không có ý niệm về chuyện tương lai làm khó giải thích, ta còn gặp không có chữ để diễn tả các vật trong nhiều thế kỷ tới nên lời tiên đoán đành phải có tính mơ hồ, tổng quát. Nó không có ý tránh né mà bị bó tay không nói được rõ hơn, vì giới hạn của ngôn ngữ và mức nhận thức của trí tuệ lúc này.

Phần lớn công việc của chúng ta là trình bầy sự thật về cái chết, làm sáng tỏ nó và khuyến khích thái độ hợp lý và tốt đẹp đối với sự tử. Một ý nghĩa của cái chết là linh hồn hoàn nguyên, trở về cõi của nó trước khi tái sinh, nhưng vào lúc này người ta sợ hãi việc hoàn nguyên cũng như nó bị cưỡng bách, vì không ai thích chết cả ! Lòng sợ hãi này khiến con người khắp nơi muốn thân xác được chữa hết bệnh tật, xem việc kéo dài sự sống nơi cõi trần là yếu tố quan trọng nhất trong đời, và quá chú tâm vào thể xác trong khi cần lưu ý hơn về thái độ, ý nghĩa cuộc sống. Trong chu kỳ tới thái độ sai lầm này phải chấm dứt, để người ta hiểu rõ ràng hơn tiến trình của cái chết và nó trở thành chuyện tự nhiên tựa như việc chào đời, bớt gợi nên đau khổ và lòng kinh sợ.

– Em tính rồi, em dặn là sau khi hỏa thiêu thì rải tro quanh gốc cherry sau nhà, recycle như Sở Rác khuyên, dù lên cõi Devachan vẫn tiếp tục làm công dân tốt !

Sách tham khảo:
– Esoteric Healing, by A.A. Bailey
– Discipleship in the New Age II, A.A. Bailey

 

Trở Về Mục 1001 Chuyện