1001CHUYỆN

Bài 17

 

– Có tin vui nghe Bo, báo ghi là khoa học đã tìm ra di truyền tử gây bệnh này, bệnh kia, rồi có tiên đoán là 5 – 10 năm nữa thì diệt được bệnh, nghe hào hứng quá.
– Phải rồi, người ta nên đón mừng và hoan nghênh mọi thành quả khoa học vì đó là bước tiến của con người dù lớn dù nhỏ. Bệnh tật gây đau khổ, thế thì nỗ lực nào nhằm giải thoát nhân loại khỏi sự khổ đau cần được khuyến khích, khen ngợi. Mình hãy giữ thái độ lạc quan và hy vọng, tuy nhiên cũng nên biết thêm là thể xác không thể được tăng cường quá một mức phát triển trong bất cứ kiếp nào. Mức này được ấn định dựa theo giai đoạn trong cuộc tiến hóa, đặc tính của giống dân, tính chất của các thể và mức phát triển tinh thần.
Thế nhưng khi thêm yếu tố tinh thần vào chuyện bệnh tật thì nó giống như trình bầy cảnh vật ba chiều đo cho ai chỉ nhận thức được hai chiều đo. Họ sẽ không hiểu được rõ, không nắm được toàn bộ vấn đề bao lâu chưa công nhận và tập nhìn sự việc theo ba chiều đo. Ấy là tình trạng của đa số người và khoa học hiện nay. Lấy thí dụ tin vui về khám phá khoa học ở trên, việc tìm hiểu di truyền tử nào gây bệnh chỉ mới là đi tìm cơ chế sinh bệnh mà chưa phải là nguyên do đích thực gây bệnh; và bao lâu chưa rõ nguyên do đích thực thì không sao có được cách chữa dứt bệnh.

– Vậy thì nguyên do của bệnh là gì ?
– Có nhiều nguyên do, tùy theo cách nhìn và ở đây ta không xét tới trường hợp thuần tính cách sinh lý (physiology) như vi trùng xâm lăng cơ thể, hoặc hút thuốc gây bệnh cho những bộ phận trong người, thí dụ vậy. Trước hết bệnh nói chung là có sự khó chịu, không thoải mái; vậy tại sao có tình trạng ấy. Nơi người đã biết đạo và cố công thay đổi chính mình, họ tập bằng cách thanh lọc tư tưởng, nâng nó lên cao hơn. Ta đang nói về sự sống thì cần nhìn sự việc theo quan điểm năng lực (energy) và lực (force), như vậy nâng cao tư tưởng là chuyển lực từ luân xa thấp lên luân xa cao và tiến trình diễn ra như sau.
●  Ở giai đoạn đầu hay sự thức tỉnh,  năng lực của luân xa thấp trở nên tích cực mạnh mẽ trước khi đi lên cao. Tình trạng làm cho cơ quan tương ứng trong thể xác có hoạt động tăng bội, gây viêm, ứ nghẽn và rồi có bệnh.
● Giai đoạn kế hay sự chuyển di, là tới phiên trung tâm lực cao hơn có hoạt động mạnh và trung tâm lực thấp có hoạt động yếu hơn. Lực sẽ giao động tới lui, qua lại giữa hai trung tâm, gây ra cảnh xáo trộn trong một lúc ở bước đầu cho ai tập sống đạo. Chuyện đặc biệt xẩy ra khi có liên hệ với tùng thái dương (solar plexus hay gọi là huyệt đan điền). Ban đầu huyệt cao sẽ đẩy năng lực ra ngoài, không chấp nhận nó; năng lực khi ấy được huyệt thấp nhận trở lại, được nâng cao nữa rồi cứ tiếp tục lên xuống, xô đẩy và hấp thu, cho đến khi huyệt cao có thể nhận năng lực thấp này và chuyển hóa nó.
● Giai đoạn thứ ba hay sự định tâm, là khi năng lực được nâng hẳn vào huyệt cao, dẫn tới khó khăn là điều chỉnh, gây căng thẳng và cũng sinh ra bệnh cho cơ thể nhưng lần này là bệnh ở nơi mà huyệt cao tác động. Lấy thí dụ khi năng lực của huyệt xương thiêng là một huyệt lớn được nâng lên tùng thái dương, ta sẽ thấy có nhiều bệnh sinh ra về đường ruột. Nếu đó là năng lực của huyệt nhỏ nằm bên dưới hoành cách mạc (diaphragm) nâng lên huyệt đan điền, thì thường có bệnh về túi mật và thận.
Nhìn theo tính chất huyền bí, tiến trình  nâng cao sẽ tự động mang lại cái chết. Cái chết này ảnh hưởng những hạt nguyên tử trong các cơ quan liên hệ, gây ra giai đoạn đầu của việc đau ốm, bệnh tật và ngăn trở, vì cái chết không gì khác hơn là sự ngăn trở và việc mất đi năng lực. Ra ngoài đề một chút, khi người ta hiểu được khoa học chuyển di năng lực từ một huyệt thấp lên huyệt cao tương ứng, thì sẽ hiểu được trọn vấn đề của sự tử và có được khoa học đích thực về cái chết, giải thoát nhân loại khỏi lòng kinh sợ.
Nơi giai đoạn ba, ta có việc huyệt cao nay bắt đầu ảnh hưởng huyệt thấp và khoảng cơ thể xung quanh. Những giai đoạn này xẩy ra lúc mạnh lúc yếu trong người, thành sự khủng hoảng và cho ra hệ quả xấu lẫn tốt, phản ứng có tính tâm lý cũng như sinh lý. Hiện giờ có đông đảo người chuyển năng lực từ huyệt xương thiêng vào huyệt đan điền, sự kiện gây ra nhiều bệnh trạng về thể chất ta thấy ngày nay. Cũng vì lực giảm bớt nơi huyệt xương thiêng chủ về tính dục tức việc truyền giống, cuối cùng nó dẫn đến tình trạng dân số sút giảm, mức sinh bớt dần; đó là chuyện đang thấy ở nhiều nước tây phương, khiến chính phủ các nơi đang đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn mức sinh giảm xuống mau lẹ trong nước.

– Khoan, em có nhận xét. Nói rằng đã tìm ra di truyền tử này hay kia gây bệnh, hoặc việc chuyển lực từ huyệt thấp lên huyệt cao làm cơ thể khó chịu và có bệnh, thì cũng chỉ là nói đến cơ chế mà không phải là nguyên nhân đích thực. Em muốn biết căn nguyên rốt ráo kìa, điều gì làm con người tránh được bệnh tật và không còn khổ sở;  làm sao để hết bị khó khăn, đau đớn.
– Chà, tối qua ngủ ngon hay sao mà hôm nay cưng thông minh vậy. Muốn trả lời câu hỏi của cưng thì nay mình sang cách nhìn thứ hai sâu xa hơn, nó nói rằng ta có thể xác mà còn có luôn những thể thanh và con người thật là linh hồn, không phải là thể xác. Theo đó, thân xác chỉ là phương tiện cho linh hồn sử dụng và muốn biết căn nguyên của bệnh thì phải có hiểu biết về Sự Sống, những luật quản trị sự sống, vì lẽ con người không gì khác hơn là một phần của sự sống, chịu sự chi phối của những luật này.
Đây là ý rất quan trọng, nó là căn bản cho tình huynh đệ đại đồng mà Hội chủ trương, là nguyên tắc của chánh đạo. Giới hạn riêng vào đề tài mình đang nói đây là bệnh tật, ta có thể diễn dịch là bởi con người chia sẻ sự sống chung, điều gì gây đau khổ cho sự sống ấy cũng sẽ ảnh hưởng bất lợi cho người. Khi con người mổ xẻ thú vật sống để nghiên cứu khoa học, khi dùng thú vật làm thử nghiệm cho thuốc, chưa kể tới mỹ phẩm, khi nuôi thú vật để lấy bộ phận ghép cho người, và nói rằng sự đau đớn của thú vật là phụ, mục đích chính của việc làm là tìm phương thuốc chữa bệnh cho người, thì đó là lòng mê tín sâu đậm. Bởi lẽ việc đau đớn gây cho thú, là một phần của Sự Sống chung, trước sau sẽ tác động trở lại cho con người vốn cũng là một phần của Sự Sống ấy mà không nằm tách biệt.
Những luật bất biến trong vũ trụ cho ra các tác động này, cưng may mắn đã biết chúng là luật Nhân Quả hay Karma, luật Tái Sinh, và luật Tiến Hóa, nhưng còn đông đảo người chưa biết. Tính tàn nhẫn, lòng độc ác khiến con người cố tình gây hại cho thú mà không biết làm vậy là gây hại cho chính mình. Nghiên cứu về luật karma thấy rằng hành động có tính tàn nhẫn thường sinh kết quả đau khổ cho người, hồ sơ của ông Edgar Cayce ghi chi tiết nhiều trường hợp luật quân bình theo cách ấy. Vậy mình có thể ghi ra công thức giản dị sau:
Tàn ác = Đau khổ, Bệnh tật, Chiến tranh
Từ tâm = Hạnh phúc, Sức khỏe, Hoà bình.
Nay cưng thấy căn nguyên của bệnh nằm ở bên trong, nằm ở ý con người phát ra, tiếp theo là hành động thực hiện, mà không phải là di truyền tử. Có một hình ảnh so sánh giúp mình hiểu rõ ý hơn. Trong quyển HPB, tác giả Sylvia Cranston ví việc khoa học nghiên cứu DNA như mình táy máy một dụng cụ chạy bằng điện, thí dụ cái radio. Người ta có thể làm các bộ phận trong radio tinh xảo hơn, chế tạo khéo léo hơn như đổi chỗ đặt các bộ phận, ngày càng cải thiện tính chất của kim loại dùng trong radio, nhưng nếu không có dòng điện thì radio không chạy, và quan trọng hơn nữa, không có đài phát thanh thì radio không phát tiếng.
Radio có thể rất nhạy, bắt được nhiều tần số, nhưng nó sẽ chỉ là một khối plastic và kim loại bất động, không thực hiện được gì khi không có điện; và nếu đài phát thanh phát sóng cà giựt thì radio cũng sẽ phát âm cà giựt không êm tai. Phẩm chất của radio ảnh hưởng phần nào tính chất của âm phát ra, nhưng tác nhân tối hậu là đài phát thanh. Do đó muốn con người thoát khỏi bệnh tật, không còn bị đau khổ thì nhắm vào thể xác, di truyền tử, DNA không mà thôi là chưa đủ. Cách ấy chỉ mới cải thiện phẩm chất của dụng cụ, còn muốn chữa trị tận gốc thì khoa học cần nhìn nhận rằng con người là linh hồn bất diệt đang học hỏi để tiến hóa, và bệnh tật là do sai lầm phạm phải vì vô minh.

– Hồi nẫy là lòng tàn ác, bây giờ có thêm vô minh ! Bo nối kết lại cho rõ đi.
– Thế thì mình quay sang ông Geoffrey Hodson, ông giảng rất nhiều về hai điểm này, và bởi có thông nhãn, ông có thể mô tả tình trạng của những cõi cao và thể thanh con người ra sao do ảnh hưởng của sự tàn nhẫn. Ông nói rằng trong bầu không khí tư tưởng và tình cảm trên thế giới, cũng như hào quang của ai đi xem đấu bò, cỡi ngựa rodeo, càng ngày tính tàn ác càng bám chặt tựa như khói nhà máy nơi cõi trần làm bầu trời không còn trong xanh.
Sự độc ác của người đối với người và thú cho kết quả tức thì cũng như về sau. Nó là nguyên nhân thực của chiến tranh và bệnh tật, và con người không mong thoát khỏi những điều này mà không có sự thay đổi trong lối sống, tức có quan điểm nhuộm nét tinh thần hơn cùng hành động đi kèm với ý thức đó. Cho con người cũng như cho cả nhân loại, bao lâu mà còn lòng tàn bạo thì tiến bộ tinh thần bị đình hoãn, hoạt động tinh thần bị ngăn trở, nỗ lực canh tân gặp phải những chướng ngại do chính con người dựng nên theo luật nhân quả, thí dụ như chiến tranh.
Đối nghịch lại với lòng tàn ác gây hại không phải chỉ là có ý vô hại mà còn hơn thế. Nó là không gây hại trong cả ý tưởng, lời nói lẫn hành động; trong đó lời nói quan trọng hơn hết bởi lời nói có thể làm tổn thương mà cũng có thể chữa lành. Tính vô hại này là sự biểu lộ tích cực tình thương tinh thần, phát sinh từ thái độ cố ý thay lòng ghét bỏ trong tâm bằng tình thương. Từ tâm, hảo tâm, thiện tâm, có lòng nhân, tất cả là tính chất của người tiến hóa và quốc gia tiến bộ. Theo ông,  nhân quả của sự  ác độc đối với thú và người trong việc ta chọn thực phẩm, y phục,  thuốc men quá đỗi to lớn và kinh khiếp, do đó việc làm cấp bách lúc này là dạy xã hội mở lòng từ.
Có vẻ như thế giới đang thực hiện việc ấy tuy rằng hết sức chậm chạp. Sách vở gần đây kêu gọi người tiêu thụ nên tìm hiểu cái nguồn của thực phẩm mình dùng, xem nó được thực hiện có hợp với lẽ công bằng và đạo lý. Thí dụ uống cà phê thì mua cà phê từ  đồn điền nào ở Phi châu hay nam Mỹ mà công nhân được trả lương phải chăng, ăn thịt thì chọn trại nuôi heo, bò, gà và nhà máy làm thịt những con vật này một cách nhân đạo v.v. Bởi sự tàn ác do vô minh mà có, cưng muốn nối kết thì nhìn trọn sự việc như vầy, ta đi từ một thế giới có chiến tranh, đau khổ, bệnh tật do vô minh gây ra, sang thế giới có hòa bình, an lạc, sức khỏe dựa trên hiểu biết. Hiểu biết có được do học hỏi MTTL, và cưng sẽ giúp ích rất là nhiều cho công cuộc chung khi nỗ lực truyền bá MTTL.
MTTL được tìm ra dưới nhiều hình thức mà không nhất thiết phải có tính tôn giáo. Thí dụ ai đó đã nói:
" Muốn biết một xã hội văn minh tới đâu thì hãy xem cách nó đối xử với thành phần yếu thế trong cộng đồng ra sao, như phụ nữ, người cao niên, người khuyết tật, thú vật."
Rồi cũng có câu:
" Không quốc gia nào có thể được xem là cao cả nếu không cho thú vật quyền ngang với người (Garibaldi)." Nói khác đi Garibaldi muốn đề cập tới việc muôn loài chia sẻ chung một Sự Sống, và sự sống có tính thiêng liêng phải được tôn trọng trong các loài.
Mình vừa đề cập tới hai nguyên nhân của bệnh, một là lòng tàn nhẫn và một là do diễn trình tiến hóa khi con người hữu ý thay đổi làn rung động của họ, tức có nỗ lực sống đạo. Trong diễn trình ấy, con người phát triển về mặt tinh thần, tập sử dụng năng lực cao của trí tuệ còn thân xác tự động sinh hoạt ít làm ta bận tâm. Nó có thể được ví với chuyện hết sức thực tế mà ai cũng biết, đó là khi bắt đầu dùng một vật gì mới như chiếc xe mới, đôi giầy mới, ngay cả áo quần mới, chuyện đều cần thì giờ để cưng là chủ chiếc xe, đôi giầy, y phục và vật làm quen với nhau, thích ứng với nhau, thí dụ như giầy mới hay làm đau chân. Khi quen với 'tính' của vật, và vật uốn nắn theo con người của cưng, lúc đó cưng và vật trở thành một, vật làm theo ý chủ và cưng đi lại không còn để ý tới đôi giầy; hoặc khi chủ và xe quen nhau, chiếc xe trở thành như một phần thân thể nối dài của chủ, chỉ cần xoay nhẹ tay lái là khiến được xe làm theo ý mình.
Ví dụ khác là những ai cố vấn về thời trang đều khuyên rằng y phục thích hợp là khi mặc vào mình cảm thấy thoải mái tới mức quên được nó, không quan tâm đến nó nữa, mà có thể chú ý hoàn toàn vào chuyện quan trọng hơn như thảo luận với người đối diện; còn khi y phục bắt mình phải bận tâm đến nó như lưng quần chật, váy dài quá / ngắn quá, mầu vải chói quá làm mình chia trí không thể làm việc khác tốt đẹp 100%, thì dù bộ quần áo cắt khéo tới đâu, đúng mode ra sao cũng không nên mua. Cuộc tiến hóa diễn ra tương tự, khi xưa con người học những đặc tính của thân xác để làm chủ các hoạt động của nó; họ có thành đạt và kết quả là ngày nay không còn phải chú ý nhiều đến cơ thể mà quan tâm đến phần khác là tình cảm và trí tuệ nhiều hơn. Điển hình là một số các hoạt động của thể xác đã chìm sâu vào tiềm thức, làm việc một cách tự động không cần ta theo dõi; đó là nhu động của ruột, nhịp đập của tim, nhịp thở v.v.
Bởi ta không cần phải làm chủ nhịp tim nữa nên ai tập yoga và nói rằng họ có thể làm tim ngưng đập, phổi ngưng thở một thời gian lâu hơn bình thường thì thành quả ấy không có gì hay ho hoặc đáng khen, nó chỉ có nghĩa họ mất thì giờ tập lại chuyện đã biết và không phải là mục đích cho cuộc tiến hóa lúc này. Mục đích của con người trong giai đoạn hiện tại là mở mang trí tuệ, rồi tiếp đó là trực giác hay bồ đề tâm, mà không phải là phát triển những khả năng lạ lùng của thể xác ta đã có khi xưa. Ai hiểu biết sẽ ý thức là tới mức phát triển nào đó, khi cần thì bậc tiến hóa sẽ sử dụng được những  quan năng ấy để phụng sự, và không hề dùng cho cá nhân.
Việc tâm thức trụ vào những thể khác nhau của người khiến cho ta có thể phân chia mức độ tiến hóa của nhân loại nói chung thành ba loại phân biệt, như đã có ghi trong loạt bài Tâm Thức Học:
● Tâm thức Lemuria của giống dân thứ ba, chú trọng vào thân xác,
● Tâm thức Atlantis, giống dân thứ tư, học phát triển và làm chủ tình cảm,
● Tâm thức Aryan, thuộc giống dân thứ năm,  có tính chất trí tuệ nhiều hơn.
Đa số nhân loại hiện nay có tâm thức Atlantis nặng phần tình cảm nên mình hãy nói sang bệnh tật loại này. Nơi người trung bình, việc chuyển năng lực vào huyệt đan điền gây căng thẳng cho nơi đây, có khuynh hướng gây ra bệnh đường ruột và những liên hệ trên, dưới hoành cách mạc. Nơi người tiến hóa, lực được chuyển lên huyệt tim và những huyệt cao hơn, ảnh hưởng đến tim. Dần dần, khi tình cảm bớt phần chế ngự người như hiện nay, bệnh về ruột bớt đi và khi huyệt tim cùng những huyệt cao làm chủ nhiều hơn, ta được dạy là bệnh ung thư, lao và bệnh giang mai (do huyệt xương thiêng, chủ về hoạt động tính dục, làm việc quá độ) sẽ biến mất.
Chuyện khác đáng nói vào lúc này là trí tuệ càng phát triển thì người ta càng khám phá vai trò quan trọng của tình cảm. Khi trước, vai trò của trí năng được đề cao mà điển hình là chỉ số thông minh được đặt ra (IQ, intelligence quotient) xếp hạng trí thông minh cao thấp, và có khuynh hướng nói rằng giống dân này có IQ cao hơn giống dân kia, sinh ra óc kỳ thị chủng tộc. Nhưng rồi nghiên cứu khác cho kết quả gợi ý rằng đúng ra, óc thông minh tình cảm (emotional intelligence) quan trọng hơn thông minh trí tuệ. Chứng cớ mạnh mẽ là không phải ai có IQ cao đều là người được chung quanh quý chuộng, mà nhiều người sống cô lập có tánh tình khác đời; nhìn theo bề sâu thì ấy là ba tính chất xác, vía, trí chưa được phát triển tương ứng và điều hòa với nhau, nhưng đó là chuyện khác.
Kế tiếp, vẫn chủ trương tôn vinh trí tuệ tin rằng tình cảm làm người ta bị thiên lệch trong việc xét đoán, không có quyết định sáng suốt, nhưng trong quyển sách mới ra 'The Decisive Moment: How The Brain Makes Up Its Mind' (Jonah Lehrer), ta lại có bằng cớ lý thú khác. Ấy là tình cảm giúp trí não có quyết định, ai có thương tật ở trung khu tình cảm hoặc trung khu bị cắt bỏ, tỏ ra không thể quyết định dù là chuyện rất nhỏ không quan trọng. Trí não vẫn sáng suốt, suy luận hợp lý, xem xét mọi khía cạnh của vấn đề mà không thể lựa chọn hay đi tới kết luận.
Tình cảm quan trọng như thế cho nên nói chung muốn chữa bệnh thì cần biết bệnh nhân có mức phát triển thuộc loại tâm thức nào ở trên để chọn lựa phương pháp thích hợp, cũng như  nên biết là đa số bệnh hiện nay có nguyên nhân tình cảm, do khối đông nhân loại có tâm thức Atlantis đang học thăng hoa tình cảm và tập sử dụng năng lực trí tuệ.

– Sau huyệt đan điền, huyệt tim thì đến huyệt gì và bệnh gì ? Nói để em lo trước.
– Có biết cũng không thể lo vì nó nằm ngoài tầm tay của con người, nhưng nên biết để thấy được diễn trình tiến hóa và toàn bộ vấn đề. Huyệt ở cổ họng là một huyệt lớn khác ngoài hai huyệt trên, chủ về hoạt động có tính sáng tạo. Do việc trí năng phát triển, xã hội càng ngày càng cơ giới hóa, tự động hóa, con người bớt phải làm việc tay chân và được rảnh rỗi hơn, có thể dành nhiều thì giờ cho sự giải trí và sinh hoạt sáng tạo. Năng lực chuyển lên huyệt này trong giai đoạn đầu sinh ra các bệnh về đường hô hấp, tuyến giáp trạng (thyroid). Có tiên đoán là bởi nhân loại phát triển quá mau, trong tương lai huyệt cổ họng có tầm quan trọng ngang với huyệt đan điền; đi kèm với thay đổi này đương nhiên là những vấn đề tương ứng và trên hết thẩy là khó khăn về tâm lý nhiều hơn.
Trở lại chuyện hiện tại, bệnh tật nhiều khi không phải là chuyện xấu. Một số đông người đang quyết chí đi mau lúc này, họ vừa chuyển lực lên huyệt đan điền vừa làm chuyện khờ dại khác nhắm làm chủ thân xác của mình, như sống độc thân, tập những phương pháp không thích hợp, ăn uống theo cách riêng, tất cả chỉ làm chuyện rối và khó khăn hơn. Dầu vậy, cái nhìn khôn ngoan nói rằng thà có bệnh về thể chất còn hơn có bệnh trong thể tình cảm hay thể trí. 
Người đời chưa đủ sáng suốt để thấy như vậy nên tin rằng bệnh tật là do tội lỗi mà ra; quả đúng như thế trong trường hợp có lòng ác độc, nhưng trong trường hợp của ai chí nguyện, đặt kỷ luật bản thân (có thể đúng mà cũng có thể sai) và làm chủ đời mình thì bệnh tật nhiều khi không hề do 'tội lỗi' nào gây ra. Nó là kết quả không tránh được của sự xung đột giữa lực có sẵn ở một huyệt, và lực được khơi dậy nâng vào huyệt ấy. Sự xung đột tạo căng thẳng, khó chịu và đau khổ đi kèm.
Sự kiện bệnh tật có khắp nơi lúc này là do đông đảo người làm việc chuyển lực nói trên, và cũng do lòng tàn nhẫn quá độ với người với nhau và với thú vật. Tùng thái dương có hoạt động bất thường, tuôn ra đủ mọi lực tình cảm vào tâm thức người như lòng sợ hãi, ham muốn sai lầm, gây bao nỗi lo lắng. Đời sống nội tâm trở thành xoáy gồm những luồng năng lực chống báng nhau, gây tệ hại chẳng những cho ruột mà cho cả bao tử bên trên và gan cùng nhiều bộ phận khác bên dưới hoành cách mạc. Bệnh đau bao tử không nhất thiết luôn luôn sinh ra do vi trùng hay thói quen ăn uống sai lầm, mà trong nhiều trường hợp là do tiến trình chuyển lực đang diễn ra.

– Để em tóm tắt, bệnh sinh ra vừa do lòng độc ác bắt nguồn từ vô minh, mà cũng vừa do diễn trình tiến hóa là lực được chuyển từ huyệt thấp lên huyệt cao khi con người thức tỉnh. Bây giờ muốn chữa bệnh thì phải làm sao ?
– Bệnh của thể xác phần nhiều có tính cơ chế, vì cơ thể chỉ là dụng cụ cho các thể thanh, là phản ảnh của chuyện gì xẩy ra nơi đó, hơn là nguyên nhân. Do đó muốn chữa bệnh cho đúng, trong những thế kỷ sau sẽ có ba khoa học mới:
● Khoa học về các huyệt đạo,
● Khoa học về bẩy cung,
● Khoa chiêm tinh học.
Khoa học về các huyệt đạo liên can nhiều đến thể xác hay nói cho đúng là thể sinh lực (thể phách), nó dạy về tính chất các huyệt, năng lực mà chúng vận hành, cách chúng tương tác với nhau v.v. Cưng thấy ngay là điều này chỉ tới khi khoa học nhìn nhận có thể sinh lực.  Sau đó về bệnh của các thể thanh thì ta cần thấu đáo tính chất các cung. Ta gọi là thể trí hay thể tình cảm nhưng thực ra đó là một bầu năng lực và lực bao quanh lấy thể xác, và bẩy cung quản trị hai điều này. Mỗi năng lực hay lực thuộc về một cung riêng, có tác động đặc biệt lên các thể mà khi có sự hiểu biết về những cung của ai trong một kiếp, tâm lý gia và nhà giáo dục tương lai có thể soạn chương trình phát triển, giúp con người học được bài học đặt ra cho kiếp đó. Kế tiếp, khi xét đến trọn con người về cả phàm ngã và chân ngã thì phải đề cập tới khoa chiêm tinh. Hiện nay khoa này bị sự cười chê vì nó chưa được biết rõ, hiểu biết chưa được phổ biến do có sự nguy hiểm lớn lao nếu hiểu biết bị lọt vào tay ai không xứng đáng.
Để đưa một thí dụ cho cưng thấy những khoa học trên cho giải thích rất thú vị về nhiều chuyện mà mình chưa rõ hiện nay, như việc thế giới có nhiều giáo phái lạ lùng mà thu hút được số đông tín hữu. Người giáo trưởng thường có cá tính mạnh mẽ, có sức lôi cuốn lạ lùng, điểm này hay đi kèm với việc có bất thường về mặt tính dục. Tại sao có kết hợp trí tuệ, tình cảm và thân xác theo cách đó ? Sách vở ghi rằng người như thế phát triển được cả ba mặt, sử dụng thành thạo lực ở ba cõi thấp, nhưng chưa phát triển tương xứng về mặt tinh thần, còn lòng ích kỷ. Do đó năng lực tràn vào phàm ngã quay trở xuống củng cố cái tôi, thay vì đi lên các huyệt trên đầu có tính hướng thượng.
Lực đi xuống tùng thái dương, làm linh hoạt mạnh mẽ huyệt này nên họ lôi kéo được người chung quanh tới với mình (charismatic), có sức thu hút  lớn lao về mặt tình cảm vì huyệt đan điền chủ về tình cảm. Kế đó lực sáng tạo đáng lẽ được nâng lên huyệt ở đầu cho sáng tạo tinh thần, nay cũng đi xuống vào huyệt ở xương thiêng chủ về tính dục tức sáng tạo vật chất, khiến nhân vật này có tính dục khác thường về điểm nào đó.
Bệnh tật vì vậy rất phức tạp mà ai cũng nên góp phần để ngăn ngừa. Khoa học gia có việc làm của họ, còn ai đã biết về MTTL thì nên giúp người khác hiểu rõ bản chất thực của mình là linh hồn bất diệt, mục đích của cuộc đời mình, phương pháp thực hiện mục đích ấy, và tác động của những luật vũ trụ. Có lòng tàn nhẫn là vi phạm tính cách duy nhất của sự sống, nên đối lại thì cần trình bầy nguyên lý sự sống là một, tính thiêng liêng của sự sống trong muôn loài.
– Em ra chơi với cháu ngoại đây. Song An chỉ biết cười, mồm miệng trống trơn mới có bốn cái răng, tía lia không ngớt làm ai cũng vui, có tính chữa lành theo đúng lời ông Hodson nói !

 

TIN  TIN.

Sách Tham Khảo:
- Esoteric Psychology, A.A.Bailey
- Sharing the Light, Geoffrey Hodson.

      

Trở Về Mục 1001 Chuyện

leaf1leaf1egyptgeesleaf1