1001CHUYỆN
Bài 16
- Sao em không hề nằm mơ, Bo à. Hễ đặt lưng xuống là 'thăng' ngay, và tới sáng tỉnh dậy em không nhớ có mơ điều gì. Chẳng lẽ trọn buổi tối em dậm chân tại chỗ không đi đâu ?
- Thử coi ông Hodson giải thích ra sao, ông nói rằng một trong những lý do mình không nhớ gì lúc thức giấc là người đã tiến bước đôi chút sẽ dùng thể trí và những thể cao hơn để sinh hoạt trong lúc ngủ, bỏ lại thể vía sau lưng trong thời gian ấy. Người ta làm vậy một phần là vì thể tình cảm có thể cản trở sự sinh hoạt của chân nhân khi thể xác say ngủ. Chuyện không tránh khỏi là bản chất của thể vía bị kinh nghiệm của đời sống hằng ngày ảnh hưởng, cả chuyện vui lẫn chuyện buồn lòng, tạo nên sự phấn khích hay căng thẳng, lo âu. Đem theo những tâm tình ấy lên cõi cao, khi làm việc ở cõi thanh có thể gây trở ngại cho ta.
Thực tế là khi ra ngoài thân xác, cưng sẽ rất khác biệt về một số mặt, và điều này tạo ảnh hưởng lớn lao cho tâm thức. Ban đêm khi thoát khỏi những tình cảm nói ở trên, ta hóa ra suy nghĩ rõ ràng, mạch lạc hơn khi thức tỉnh ban ngày. Những vấn đề phải lo âu, cảm xúc đối với người xung quanh, các giới hạn và khuynh hướng bận tâm với điều không quan trọng, chuyện tương đối không đáng, và ý muốn tranh cãi, tuyên bố rằng quan điểm của mình là chân lý tối hậu – tất cả những điều ấy ngăn cản sự biểu lộ của chân nhân, và làm cho ai trong thể xác nhỏ bé hơn họ thật sự là. Các khuynh hướng ấy phải được chuyển hóa để ánh sáng và năng lực của chân nhân được biểu lộ trong đời sống thường nhật.
Do đó một thử thách hay dấu hiệu chứng tỏ mức tiến hóa của một người là mức độ chân nhân biểu lộ được trong đời sống hằng ngày và khiến tâm thức cảm nhận được ảnh hưởng ấy qua não bộ. Khi cơ thể ngủ đủ và cưng trở về thể xác, chuẩn bị thức dậy, cưng đi vào thể xác xuyên qua thể tình cảm và hiển nhiên là bị tình trạng của thể xác chi phối, với một trong những hệ quả là ký ức về kinh nghiệm thuộc tâm thức cao bị xóa mất, hoặc bị biến dạng, trở nên hỗn độn, không đầu không đuôi và cưng không hiểu hoặc hiểu sai chúng.
Để giúp thì yoga là một phương pháp đặc biệt có giá trị, giúp vượt qua được những trở ngại này, nhất là khi đọc Thánh Ngữ với tư tưởng thích hợp. Ta chớ nên cho rằng việc không nhớ lại tâm thức ở cõi cao có nghĩa chuyện đã không xẩy ra trong lúc ngủ, mà sự thực là nhiều phần có chuyện ấy. Trong lúc ngủ và khi tập yoga thành thạo, tâm thức được nâng lên một cõi cao hơn. Lấy thí dụ nếu lúc thức tỉnh ban ngày trong thể xác, cưng có thể dùng thể hạ trí một cách giỏi dang và có tâm thức linh hoạt thì khi ngủ, thể thượng trí và tâm thức tương ứng cũng tích cực, sinh động theo mức cưng đã phát triển chúng.
Nói thêm về sinh hoạt trong lúc ngủ hoặc sau khi qua đời, cưng rất may mắn được biết TTH vậy có bổn phận phải truyền đạt TTH cho càng nhiều người biết càng hay. Lý do rất thực tế, ông Hodson ghi rằng khi làm việc cứu trợ vô hình ở cõi trung giới, có trường hợp là thiên tai động đất với nhiều người tử nạn, ông thấy rất khó giúp đỡ ai qua đời trong cảnh ấy mà khăng khăng tin rằng người tội lỗi sẽ sa hỏa ngục lửa cháy đời đời, và thiên đàng với Chúa Cha sẽ đón chờ người mộ đạo. Họ bị đột tử, bất thình lình bị đẩy ra khỏi thân xác và bước vào cảnh sống nơi cõi trung giới mà không có sự chuẩn bị tâm linh; sự kiện họ có niềm tin sai lạc trong lúc sống và bám chặt vào nó sau khi qua đời làm cho việc thuyết phục về đời sống bên kia hóa khó khăn. Vì vậy, nhu cầu quảng bá các nguyên lý TTH căn bản vẫn là công việc hàng đầu cho ai thiết tha với TTH. (Ta sẽ đọc thêm chi tiết hơn về điều này trong chuyện We Know These Men sẽ đăng trên PST số tới).
- Mình hòa giải ra sao hiểu biết khoa học với hiểu biết tâm linh mà TTH đưa ra ? Hai bên dị biệt quá đỗi nên làm như có đối thoại mà không có sự dung hòa.
- Một giải thích về sự khác biệt giữa hai cái nhìn là phương tiện sử dụng để có được hiểu biết, bằng đường lối khoa học hay tâm linh. Khoa học nói chung phần lớn đạt tới hiểu biết nhờ quan sát hiện tượng, dùng ngũ quan; còn huyền bí gia có hiểu biết nhờ kết quả của việc quan sát trực tiếp hay đúng hơn là đi sâu vào được bản tánh của sự vật, việc mà ngũ quan và ý thức cõi trần không nhận ra, không có đủ tinh tế để cảm biết. Và bởi không cảm được, cái trí có khuynh hướng phủ nhận, cho rằng không có hiểu biết nào ngoài hiểu biết khoa học dựa vào ngũ quan.
Ấy là sự khác biệt lớn lao giữa hai sự hiểu biết và vào lúc này, chuyện không tránh được là khó mà bắc nhịp cầu. Tuy nhiên không phải hiểu biết tâm linh mà chính hiểu biết khoa học sẽ phải đi bước trước, chỉnh lại nhận xét của mình khi nó thấy rằng khoa học có thể giải thích một số hiện tượng mà không thể có câu đáp cho một số hiện tượng khác. Huyền bí học giải thích được mọi điều, dầu vậy hiểu biết loại này chỉ có thể được đưa ra từ từ, chậm chạp, tích tụ dần cho đến khi trọn chân lý được tỏ lộ. Một bên là hiểu biết từ bên ngoài đi vào, một bên là từ bên trong đi ra và sẽ tới lúc hàng rào ngăn chặn hai trường phái tư tưởng, hai cách nhìn sẽ biến mất.
- Nhưng tại sao hiểu biết chân thật không thể được đưa ra ngay cho khoa học gia xem xét ?
- Câu trả lời vắn tắt là thiên nhiên làm việc chậm rãi, và lời khuyên tổng quát là không nên mong chờ có khám phá đột ngột gây đảo lộn, mà đúng hơn là sẽ có những nền tảng được đặt ra cho hiểu biết khoa học, được xây dựng theo với thời gian. Những đấng cao cả không tìm cách làm con người kinh ngạc với sự kiện được bất chợt trưng ra, các ngài cẩn thận tránh không làm vậy và cưng nên phân biệt là vị thầy đích thực, hay chân sư, là người dạy cho cưng biết cách để có được hiểu biết hơn là đưa ra chính hiểu biết ấy. Nói khác đi, ta được khuyên là đừng hỏi xin các ngài để có hiểu biết về sự sống trong đó có khoa học, mà hãy nỗ lực tự mình tìm hiểu như những ai thành đạo đã làm, và mỗi huyền bí gia phải làm.
- Lúc này bà con đang bận tâm với chứng mập phì (obesity), áp dụng đủ cách ăn kiêng (diets), nhiều phòng tập thể dục được mở ra (gyms), trào lưu đó muốn nói gì vậy ?
- Đó là một phần nằm trong câu chuyện rộng lớn hơn, do đó phải có cái nhìn toàn diện trước rồi mới đi vào chi tiết. Sự việc có liên quan đến thể sinh lực (vital body) còn gọi là thể phách (etheric body). Vắn tắt thì thể phách là trung gian giữa thể xác và những thể thanh hơn như thể tình cảm, thể trí. Nơi người hoàn toàn sơ khai thì phần thú tính tuân theo sinh lực prana. Nơi người tiến hóa hơn thì động lực phát sinh từ cảnh thấp của cõi tình cảm, việc thể xác chịu sự điều khiển của các lực này là nguyên nhân nằm sau nhận xét rằng thể xác tự nó không phải là một nguyên lý như các thể khác.
Nhưng mình không cần bận tâm tới điều ấy ở đây, chuyện muốn nói là khi con người bắt đầu hướng thiện, đi theo những giá trị tinh thần cao cả hơn thì thể sinh lực hóa ra đối nghịch với thể xác và có sự tranh chấp giữa hai cặp đối nghịch. Sự tranh chấp này biểu lộ qua khuynh hướng nhấn mạnh kỷ luật về mặt thể chất như diệt dục hoàn toàn, độc thân, ăn chay, tập thể dục. Nhờ những cách này ảnh hưởng của hình thể (là mặt biểu lộ thấp nhất của tính thiêng liêng) đối với sự sống được giảm bớt, cho con người được tự do hướng sang bước kế là giải quyết cặp đối nghịch về mặt tình cảm như vui / buồn, thương / ghét v.v.
Đó là chuyện của một cá nhân, tuy nhiên không ai sinh hoạt riêng rẽ mà thuộc về nhóm lớn hơn vì vậy trên bình diện nhân loại, việc đặt kỷ luật về mặt thể chất cũng đang xẩy ra. Một thí dụ là khối lớn nhân loại trải qua kinh nghiệm này trong các trận thế chiến I và II. Ta nên nhớ rằng thử thách đến với con người thường là do tự họ đặt cho mình, và nên được nhìn là cơ hội để tăng trưởng thay vì là đau khổ cần tránh né. Thế thì kết quả của hai trận thế chiến là một số rất đông người tiến được xa nhờ sự thanh tẩy, trong sạch hóa xẩy ra cho họ.
Chẳng những vậy, cặp đối nghịch về tình cảm cũng được giải quyết phần nào qua hai biến cố lớn lao đó. Cao điểm của hai thế chiến là ảo ảnh maya được nhận ra, mất đi sự quyến rũ, tức thế giới ảo ảnh mất dần đi sinh lực. Dẫn chứng là người lính trở về sau trận chiến không còn thấy chiến tranh là vinh quang, người dân thì nhận ra là lòng yêu nước có thể bị chính trị gia lợi dụng. Trong hai thế chiến nhiều lực được tuôn ra và bị tiêu hủy, cho kết quả là ảo ảnh tan biến, bầu không khí tình cảm được quang đãng hơn.
Trở lại phần cá nhân, tiến trình giải quyết sự tranh chấp của cặp đối nghịch đang diễn ra trong đời sống nhiều người, chuyện gì đã gặp trong hai thế chiến thì nay gặp trở lại nhưng với mức độ nhỏ hơn. Con người bận tâm với ảo ảnh và đặt trọng tâm vào việc tập luyện thân xác, đặt kỷ luật, đưa tới các phong trào về vận động, các môn thể thao phát triển với nhiều môn mới có tính quá độ, và thế vận hội Olympics được cổ vũ mạnh mẽ. Động lực nằm sau những hoạt động này có thể không đúng, và kết quả có thể tai hại như dùng thuốc tăng cường thể lực steroids v.v., nhưng nhìn chung việc huấn luyện thể xác và các phong trào thể thao liên quan đến giới trẻ là chuẩn bị cho hàng triệu người bước vào đường thanh lọc.
Đường hướng thì đúng nhưng con người tạm thời bị sai lạc theo nghĩa họ hiểu sai tiến trình (bài học là khiến thể xác tuân theo động lực cao, mà không phải chỉ là để có thể xác mạnh khỏe), áp dụng động lực sai vào sinh hoạt đúng lối (có sức khỏe tốt, không mập phì). Nhìn kỹ thì ta chỉ nẩy sinh tình thương cho con người do hiểu lầm. Có những giải thưởng đặt ra cho ai luyện tập được thân hình cường tráng (body-building), bắp thịt cuồn cuộn nổi vồng, đó là quan niệm phát triển các thể bị vật chất hóa, hiểu theo nghĩa vật chất.
- Em biết, thí dụ thống đốc California ông Arnold Schwarzenegger từng là vô địch, có thân hình lực sĩ, nhưng vậy nên hiểu nghĩa body-building là sao ?
- Là tạo dựng về mặt tâm lý, với chủ ý là hướng tâm con người vào linh hồn như là tác nhân phát triển các thể, làm vậy cũng đồng thời đảo ngược lại ý niệm vật chất của việc tạo thể. Hình các thể đã được nhiều người có thông nhãn mô tả, theo đó các đặc tính được biểu lộ bằng những giải mầu trong thể tình cảm, thể trí; nhìn vào mầu sắc của một thể ai thông thạo nói được là cá nhân ấy có nhiều lòng sùng tín (xanh dương đậm như mầu áo Đức Mẹ), tình thương (mầu hồng), minh triết (mầu vàng) v.v. ra sao. Tạo thể – body-building – vì vậy đúng nghĩa là tạo những thể thanh bai hơn bằng cách tập tánh hạnh, với kết quả được biểu lộ bằng những mầu sắc đẹp đẽ trong thể ...
- Nói vậy không lôi cuốn ! Phải cung tay lại cho thấy con chuột nổi lớn, bắp thịt ngực căng cứng, đoạt giải quán quân thì mới sôi nổi, hào hứng. Vậy là con người đi trật đường rầy ư ?
- ... và đó là huyền bí học đúng nghĩa. Vì huyền bí học là khoa học sử dụng, điều khiển năng lực, ở đây là thay thế năng lực ghét bỏ bằng năng lực thương yêu, thí dụ vậy. Như nhiều chuyện khác, việc trật đường rầy là do ta suy diễn sự việc theo nghĩa vật chất, thay vì thực hiện theo nghĩa tinh thần. Một điều khác đang diễn ra cũng đáng nói là sự toàn cầu hóa globalisation. Có vẻ như bây giờ nước nào cũng có tiệm McDonald, và những công ty quốc tế lớn chi phối hoạt động thương mại của các nước. Trong những kỳ trước ta có nói chỉ một điều được xem là tội lỗi là óc chia rẽ, để chữa lại điều này con người có khuynh hướng kết hợp, tổng hợp, như có sự tiêu chuẩn hóa đơn vị đo chiều dài (m), trọng lượng (kg), nhiệt độ (Celsius Co ) v.v. giữa các nước. Ta cần nuôi dưỡng và thúc đẩy khuynh hướng ấy khi gặp ở bất cứ đâu. Áp dụng vào chuyện này thì chủ trương toàn cầu hóa, hiểu theo nghĩa tinh thần, là dấu hiệu muốn nói ảnh hưởng của tinh thần được cảm nhận và biểu hiện trên thế giới tuy trật đường rầy. Mọi nỗ lực tổng hợp ở mặt quốc gia và quốc tế đều tốt lành và đúng đắn, nhưng phương pháp được sử dụng không được phép vi phạm luật về tình thương, là chuyển hóa dục vọng thành tình cảm thanh cao. Lúc này chưa được vậy.
Nhiều sự việc đang diễn ra có cùng khuynh hướng tổng hợp, thí dụ ý thức ngày càng gia tăng về tinh thần quốc tế (a global village, a lonely planet, tinh thần liên tôn giáo, hỗ tương kinh tế economic independence v.v.). Tất cả đều là dấu hiệu cho thấy năng lực của linh hồn có nơi cõi trần và trong nhân loại, cũng vì vậy mà có sự tranh chấp giữa các ý thức hệ, các lý tưởng.
Chống đối xẩy ra vì có hai khuynh hướng hiện diện và đối chọi nhau gọi là cặp đối nghịch:
- Ích kỷ và xả kỷ
- Tư lợi và công ích
- Mục tiêu riêng và mục tiêu chung
- Thúc đẩy vật chất và động lực tinh thần
- Lòng ái quốc và lý tưởng thế giới đại đồng
- Niềm tin tôn giáo có tính chia rẽ và ý niệm liên tôn
Còn nhiều điểm khác nhưng nói chung tất cả cho thấy hai lực va chạm nhau, một bên là những ai chú trọng vào phàm ngã có óc phân cách, và bên kia là người nhận biết ảnh hưởng của linh hồn và có tâm thức nhóm. Ấy là lằn ranh chính trong thế giới ngày nay mà cán cân nghiêng về khuynh hướng chia rẽ, nó hợp với tâm tính của số lớn người nên không bị chống đối và thành con đường dễ theo nhất. Tuy vậy, dần dần tình trạng đi tới sự quân bằng rồi lý tưởng trong thế giới sẽ nghiêng về mặt hòa hợp của linh hồn thay cho phân cách.
- Tiền bạc thường được đề cập một cách e dè trong chuyện tâm linh, nhưng làm gì cũng phải cần tiền, vậy phần tinh thần trong tài chánh là sao ?
- Muốn hiểu thì phải thay đổi cách nhìn một chút. Đặc tính mà ta gọi là 'tinh thần' sẽ khác biệt rất xa trong thời đại mới so với điều quen thuộc đã lâu. Tinh thần khi xưa thường được hiểu theo nghĩa tôn giáo, nhưng dần dần nó sẽ được thay thế bằng ý niệm Sự Sống, vì vậy có tính trừu tượng và lớn rộng nhiều lần hơn tôn giáo. Tính chất này càng ngày càng được nhận ra trong những sinh hoạt của con người ngoài tôn giáo và do đó đi gần với chân lý hơn, bởi nói chung sự sống thiêng liêng có khắp nơi mà khi nhìn ra sự sống là thấy được phần tinh thần đang cố gắng biểu lộ qua hình hài vật chất. Hoạt động nào có tính nâng cao con người đều có nét tinh thần, thiêng liêng, kể cả tài chánh.
Sự việc đặc tính tinh thần thường liên kết với tôn giáo là vì nó được dễ nhìn nhận trong sinh hoạt tôn giáo, do tâm hồn được nâng cao và có trực giác, nhưng nó không có nghĩa chỉ tôn giáo mới có đặc tính này. Tôn giáo chỉ là một trong bẩy ngành sinh hoạt biểu lộ bẩy tính chất còn gọi là bẩy cung, những ngành khác cũng có nét tinh thần tuy khó nhận ra hơn thí dụ như tài chánh. Tài chính gia quản trị phương tiện mà con người nhờ đó sống trong cõi vật chất. Họ kiểm soát và điều khiển phương tiện mà con người hiện hữu; kiểm soát sự giao dịch, thương mại, trao đổi hàng hóa; kiểm soát tất cả những gì có thể biến đổi thành năng lượng, việc tạo ra các vật mà người ngày nay nghĩ là cần thiết cho sự sống.
Tiền bạc hiểu theo nghĩa đúng thì chỉ là sự cô đọng năng lực hay sinh lực prana, nó là sự cụ thể hóa lực ether; nói khác đi nó là sinh lực được kết tinh thành ngoại hình, và dạng năng lực này chịu sự điều khiển của người có lòng ích kỷ lẫn nhóm phụng sự về mặt tài chính. Ấy là nhóm xuất hiện mới nhất tính đến nay theo kế hoạch của Thiên đoàn, so với các nhóm đã có từ lâu về tôn giáo, chính trị, nghệ thuật; nó mang tính chất của ngôi ba, có tính sáng tạo theo nghĩa hòa hợp sự sống và hình thể một cách sáng tạo. Dục vọng khi được cụ thể hóa dẫn tới năng lực được cụ thể hóa thành tiền bạc, và từ tiền bạc ta có sự vật chất hóa thành đồ vật, và việc chế tạo để tăng bội số lượng các vật này.
Tiền bạc như vậy là tác nhân cho những lực xây dựng trong vũ trụ làm việc, tạo dựng nên công trình, những lực này càng lúc sẽ càng hướng về việc tinh thần thay vì vật chất hóa để thỏa mãn dục vọng của người. Nhóm tài chánh có phần việc khó khăn nên đó là lý do khoa tài chính trên thế giới chỉ mới xuất hiện từ 150 năm qua. Họ sẽ làm việc với đặc tính tinh thần của tiền bạc, xem đó như là phương tiện để thực hiện thiên cơ. Đây là điểm nên lưu ý cũng như nhóm sẽ mang lại các ảnh hưởng sâu xa nhất trên thế giới.
- Mấy tháng qua thị trường chứng khoán xáo trộn, công ty tài chánh đóng cửa vì cơn khủng hoảng subprime mortgage, chân sư ở Hi Mã Lạp Sơn có được hiểu biết về tình hình thế giới bằng cách nào?
- Sách vở ghi rằng các chân sư không bận tâm đến việc phải thông thạo mọi ngành học, thí dụ như sử cận đại, tiến bộ khoa học mới nhất hay ngoại ngữ. Trong số báo trước ta đã ghi cách vị chân sư có được hiểu biết, nay thí dụ sau giải thích rõ hơn:
Trong bình thông nhau nước từ bình đầy tuôn vào cái bình trống được nối liền với nó, và tùy theo khả năng của ống nối chẳng sớm thì muộn ta có mực nước chung, cũng y vậy sự hiểu biết của chân sư lần lần được truyền sang đệ tử, và người đệ tử đạt đến trình độ của chân sư theo khả năng tiếp nhận của mình. Cùng lúc đó người đệ tử, là cá nhân có sự tiến hóa riêng, cung cấp cho vị đạo sư một cách vô thức phẩm chất trí tuệ mà họ tích tụ. Vị chân sư thấu nhập sự hiểu biết của trò.
Nói rộng ra, trong tất cả Ashram có những đệ tử với hiểu biết cần thiết mà các ngài có thể sử dụng bất cứ lúc nào cho mục đích đặc biệt. Với các đại đệ tử thì khác, nhiều người sinh hoạt ở cõi trần nên vẫn còn giữ lại kiến thức thâu thập được về ngành chuyên môn của mình, lẫn hiểu biết thông thường về tình hình thế giới. Lấy thí dụ có những vị La Hán (đạt lần điểm đạo thứ tư) là chuyên gia về tài chính hiện đại, có đủ khả năng và đang chuẩn bị việc đưa ra những kỹ thuật mới, hoạt động tài chính mới thay cho phương pháp sai lạc gây tai hại như hiện giờ. Các vị ấy sẽ khởi đầu một hệ thống trao đổi (barter and exchange) mới, tức thiết lập những tương quan tài chính mới, thế chỗ cho sinh hoạt tài chính tư hay đại thương nghiệp, mà vẫn giữ lại những đặc tính của thương nghiệp đương thời về sáng kiến cá nhân và tài kinh doanh. Điều này không muốn nói xã hội sẽ có thái độ ngọt ngào, khả ái, nhân đạo; thế giới mai sau vẫn còn dẫy đầy những người ích kỷ, chỉ biết chính mình, nhưng dư luận phát triển tới mức thương mại được thúc đẩy bằng một số lý tưởng căn bản, vì dư luận đòi hỏi thương mại hoạt động theo những nguyền tắc ấy.
Mặt khác là ngôn ngữ, có những vị tiến hóa là chuyên gia với hai trong các ngài chuyên về Anh ngữ. Họ sẽ soạn một hình thức Anh ngữ mà về sau là ngôn ngữ được sử dụng trong việc giao dịch quốc tế và thương mại, nhưng không cản trở chút nào việc sử dụng những ngôn ngữ khác cho công chuyện hàng ngày trong mỗi nước.
- Chừng nào những việc ấy xẩy ra ?
- Ậy, còn lâu lắm !
- Kiếp tới của em ư ?
- Ai biết được. Ít nhất thì Anh ngữ như là ngôn ngữ giao dịch chung nay đã có vẻ khởi sự. Về tài chính thì vài chi tiết về phương pháp mới được đưa ra, nói rằng nó sẽ là 'nguyên tắc về chia sẻ', nhưng ngày giờ chỉ tới khi nhân loại sẵn sàng có sự điều chỉnh mọi mặt về tài chánh. Nguyên tắc ấy sẽ là ý niệm thúc đẩy được nền văn minh mới nhìn nhận. Nhóm cần nhiều người chí nguyện lúc này và tương lai, cưng muốn góp phần không ?
- Ashram có job à ?!
- Ừa, job về tài chánh.
- Em lọt sổ rồi, hiểu biết về tài chính của em chỉ là retail therapy, cao hơn một chút là subprime crisis. Không ổn đâu Bo, vậy phải đi học lại. Mai em ghi danh lớp Finance 101, ba năm sau ra trường xin phụng sự có nhiều hy vọng hơn !
Sách tham khảo:
- Light of the Sanctuary – Geoffrey Hodson.
- Esoteric Psychology – Alice A. Bailey
- A Treatise on White Magic
- The Externalisation of the Hierachy