1001CHUYỆN
Bài 15
- Cưng đi chơi vui không ?
- Mệt quá, Bo ơi, em đi Body, Mind, Spirit Festival sáng nay bây giờ body, mind, spirit bải hoải ! Hội chợ đông và vui lắm, nào là có bàn để người ta coi hào quang của mình; lớp nói về xuất vía, học xong có thể xẹt ra đi chơi đó đây ...
- Còn nếu tốn tiền mà không xuất được ?
- 'Thầy' đáp là tại chưa chuyên cần, tại tập sai, hoặc nhân duyên chưa tới ...
- Có nghĩa không bao giờ tại 'thầy' hay đó là chuyện bất khả cho trình độ của đa số người ? Mà có nên học xuất vía hoặc biết hào quang mình có mầu gì không?
- Để em kể tiếp, nào là gian hàng về thông nhãn, rồi có đủ mọi môn phái Yoga hoặc phương pháp giúp cho mình ngộ, cả việc nhớ lại kiếp trước. Thông tin tràn ngập nên đi một vòng nơi triển lãm thì đầu óc em mụ hết. Em đem về một mớ quảng cáo nào là Tân Kỷ Nguyên, Yoga, huyền bí học. Hiện tượng này có nghĩa gì, mình nên nhìn nó ra sao ?
- Đó là sự kiện luôn luôn có tuy với mức độ và hình thức khác nhau vào mỗi thời đại, tức cặp đối nghịch. Tiếng chuyên môn gọi là Tâm pháp đối với Nhãn pháp, hay Thượng đế bên trong so với Thượng đế bên ngoài, hay tính Siêu hình (Psychism) và tính Tinh thần (Spirituality). Còn nói cho dễ hiểu thì đó là nỗ lực đi tìm sự sáng theo trình độ khả năng của mỗi người, thành ra nên nhìn nhận đó là hiện tượng còn hoài không dứt, câu hỏi cần đặt ra là phương pháp có đúng hay không.
Có lẽ cần giải thích một chút tâm pháp và nhãn pháp là gì, nói theo nghĩa đen thì đó là cách nhìn sự việc bằng trí hay con mắt trần thịt, tức hình thức, nghi lễ, còn cách khác nhìn bằng tuệ giác, tâm bồ đề thấy được chiều sâu của sự vật, hay phần tâm linh của một việc mà con mắt trần không nhìn ra. Tuệ giác dựa trên nhất nguyên đi thẳng vào bản chất của vật, thấy được chân tướng, cái tâm của vật nên không sai lạc, trong khi trí năng có nhận xét dựa trên hình thể bên ngoài, suy luận theo nhị nguyên nên dễ có sai lầm, vì không nhận ra được các nguyên do ảnh hưởng đến vật.
Sự phân biệt tâm pháp và nhãn pháp chẳng những áp dụng cho việc ở cõi trần mà còn luôn ở những cõi thanh. Một điều nên nhớ là không hẳn chuyện cõi thanh thì tự nhiên có nét tinh thần. Đặc tính tinh thần có trong mọi cõi, nhưng người ta cần phát triển khả năng mới có thể nhìn ra, nói khác đi chuyện mà cưng nhìn được sẽ tương ứng với khả năng của cưng. Khi phát triển phần tinh thần của chính mình thì cưng sẽ đáp ứng được với phần tinh thần có trong vạn vật, và do đó nắm bắt được sự thật không hư hoại.
Bà Blavatsky nói rằng không nên ao ước có thông nhãn cõi siêu hình (tức cõi trung giới), cõi này là phản ảnh của cõi trần nên có tính xấu, cũng như khả năng siêu hình không phải luôn luôn có đặc tính tinh thần đi kèm. Ai thấy được ở cõi này vẫn là thấy chuyện vật chất, nó chỉ có nghĩa là người ta nhìn vào cõi có vật chất bớt đậm đặc hơn mà thôi, và không thấy được gì khác ngoài vật chất nơi đó. Trong khi ấy, sự sống có phần tinh thần vượt bên ngoài phần vật chất, thế nên chỉ nhìn thấy mặt vật chất của sự sống thì chưa đủ và thiếu chính xác.
Giải thích thêm về cái nhìn của người có khả năng siêu hình, bà ví nó như ai bước vào gian phòng đèn sáng, họ thấy được mọi chuyện trong phòng nhờ ánh sáng nhân tạo từ bên ngoài; khi tắt đèn thì không thấy được gì nữa, hình ảnh mất đi; cũng vì vậy nhãn quan của họ bị ánh sáng ấy nhuộm mầu. Ngược lại khả năng tinh thần sẽ nhìn bằng ánh sáng từ bên trong, cái bị hình thể bên ngoài che khuất cho ai chưa phát triển khả năng ấy. Nhìn bằng tâm pháp cho thấy rõ ràng và độc lập với mọi chuyện bên ngoài, không điều gì chi phối được cái nhìn như vậy.
Đi sang cặp đối nghịch kế là Thượng đế nội tâm và Thượng đế bên ngoài thì đi tìm một guru dạy cưng con đường giải thoát, tìm một phương pháp cho cưng sự giác ngộ hay bình an nội tâm, tìm thầy ở nơi Body, Mind, Spirit festival là đang đi tìm một Thượng đế bên ngoài. Ai cũng trải qua giai đoạn như vậy, và giai đoạn ấy cần thiết để dạy cho ta biết tính cách đa dạng của sự sống; nhưng cuối cùng, người thầy chân chính sẽ cho ai tìm đạo hay rằng vị thầy đích thực của họ là Thượng đế nội tâm, mà không phải là một guru nào bên ngoài.
- Em đọc thấy Krishnamurti không muốn nhận đệ tử.
- Khuynh hướng thường thấy là quay ra ngoài, đại đa số người tìm sự giải thoát từ bên ngoài một phần do lười biếng muốn chọn con đường dễ, muốn ai đó dạy họ cách giải thoát, muốn có hệ thống soạn sẵn chỉ cần ký tên, trả tiền là được trao cho công thức, với hứa hẹn là nếu làm theo thì sẽ đạt thành quả. Phần khác là do vô minh không biết chuyện tinh thần hay nói chung là sự sống có những qui luật riêng của nó, muốn tới đích thì phải tuân theo qui luật mà không có cách nào khác. Chuyện kể nhà toán học Thales của Hy Lạp giảng về hình học cho vua, vua nghe rối trí nên hỏi là có cách nào để dễ hiểu toán, Thales đáp không có đường tắt cho hoàng gia. Cũng y vậy, không có đường tắt nào để ngộ ngoài việc dựa vào công phu tập luyện học hỏi của mình, nói cách khác là phải trả giá.
Khi đi tìm Thượng đế bên ngoài thì nhận xét sau có thể hữu ích, ấy là nhiều khi những chỉ dạy quan trọng nhất phát xuất từ trực giác, vượt qua khả năng truyền đạt của ngôn ngữ, nói khác đi là không lời mà thí dụ mạnh mẽ là câu chuyện niêm hoa vi tiếu giữa đức Phật và tổ Ca Diếp. Ý nghĩa của chuyện là người ta cần phát triển khả năng tâm linh để hiểu việc tâm linh, tức phải tu tập mà không thể trả tiền là mua được kết quả.
- Thượng đế bên ngoài là sao ?
- Là khi đi tìm nguồn hạnh phúc, thỏa mãn bên ngoài. Cưng thấy thí dụ ở khắp nơi, những buổi ca nhạc khán giả la hét điên loạn, xem ca sĩ là thần tượng của mình, hoặc tín đồ ở giáo đường thành kính dự thánh lễ. Hình thức nào cũng là đang theo đuổi một thượng đế bên ngoài để mong có được lạc thú cao hay thấp, người ta hân hoan khi được nhìn thấy và đồng hóa với thần tượng ca nhạc hoặc tôn giáo, bao tâm tư nguyện vọng được hướng đến thần tượng bên ngoài đó. Ma túy là lạc thú loại thấp, tức cũng là một hình thức đi tìm nguồn hạnh phúc bên ngoài.
Câu hỏi nêu ra là hạnh phúc ấy có lâu bền, có làm thỏa mãn nguyện ước. Khi hiểu biết chưa nhiều thì mơ ước giản dị, dễ được làm hài lòng; nhưng bởi con người còn có phần tâm linh ngoài tình cảm, đến một lúc nào đó có sự thôi thúc đi tìm ý nghĩa sâu xa hơn là cảm xúc, dù là cảm xúc thanh cao. Con người đâm ra chán chường với hạnh phúc giản dị và muốn tìm ý nghĩa cuộc sống. Ao ước đó dẫn tới bước kế là sự biến hình hay chuyển hóa (transformation), con người trở thành điều mà họ tìm kiếm và không còn ao ước gì khác.
Khi cưng hiểu được các giai đoạn, khi nhìn ra được tiến trình của sự sống là ban đầu người ta hướng ra ngoài, ca tụng thượng đế bên ngoài nhưng rồi tới giai đoạn sau, ý thức về thượng đế nội tâm làm con người đổi hướng, thì cưng sẽ không bị quay cuồng với các tư tưởng hỗn loạn, vì khi đó tâm thức sẽ trụ ở cõi tinh thần vượt lên trên cõi siêu hình, đó là điểm cần đi tới khi tập luyện tâm pháp. Tiếp tục trích lời bà Blavatsky thì ta được dạy:
- Người học đạo cần trụ tâm thức nơi cõi cao và giữ nó ở đó. Anh hãy gộp bốn thể thấp và đưa chúng lên cõi cao hơn. Anh cần chú tâm vào nơi đây, nỗ lực đừng để cho thân xác và trí tuệ lôi kéo trở xuống, mang anh xa rời. Hãy thỏa mãn đòi hỏi của thân xác như ăn, uống, ngủ nhưng hãy luôn luôn sống trong cõi lý tưởng.
- Vậy vai trò của Thượng đế bên ngoài là gì ?
- Là cho cưng biết Thượng đế có khắp mọi nơi, nhận biết sự hiện diện của Thượng đế trong mọi loài, nhưng người ta cần vượt qua ý niệm đó để tới ý thức về Thượng đế nội tâm, và quan trọng hơn nữa là trở thành Thượng đế ấy. Tức cưng có tiến trình là thấy, hiểu và trở thành. Người ta cần Thượng đế bên ngoài để ý thức có Thượng đế nội tâm. Vai trò của vị thầy là chỉ đường tới Thượng đế nội tâm và biểu lộ tính chất của Thượng đế qua chính ngài; còn công việc của mình là trở thành Thượng đế, từ nhị nguyên thành nhất nguyên. Tâm thức ấy xóa nhòa Thượng đế bên trong lẫn bên ngoài mà chỉ còn thấy một thực tại duy nhất. Đạt tới trạng thái ấy cũng chưa hết, chuyện tiếp theo là trụ ở đó, duy trì trạng thái tức hành trì.
Dùng luật rung động để giải thích thì hiểu ngay, mỗi khi đạt tới trạng thái nào là ta rung động theo một nhịp riêng. Ban đầu ta chỉ ở được trong trạng thái ấy một lúc ngắn, và rồi 'rớt' xuống làn rung động cũ trở lại. Muốn cho nhịp này trở thành thường xuyên thì ta phải chủ ý giữ sự rung động đó trong thời gian lâu, dần dần nhịp ấy thay thế làn rung động cũ và ta không còn phải quan tâm đến nó.
Nói tiếp chuyện siêu hình thì nó có tính nhãn pháp, dễ lôi cuốn người. Sự việc nghiêng về hình ảnh bên ngoài tức chuyện thoảng qua, thay vì bản chất tâm linh bên trong có tính trường cửu và là tâm pháp. Nhãn pháp còn muốn nói đến nghi thức, việc hành lễ và điều cần tránh là làm cho nghi thức trở thành hành vi máy móc không còn ý nghĩa tinh thần, thí dụ là những ngày lễ tôn giáo như giáng sinh, phục sinh, nay nhiều phần mang tính chất thương mại, nét tâm linh bị đẩy lui.
Ý kế là nếu một người là học trò giỏi thì sẽ không gặp thầy dở, và điều ngược lại cũng đúng, nếu một ai là trò dở thì sẽ không gặp được thầy hay. Vì tại sao một vị thầy giỏi lại nhận trách nhiệm với trò dở ? Không ai muốn nhận rác cả. Chỉ dẫn nói rằng nếu đi tìm thầy thì trước tiên hãy tìm bên trong, biết chính mình, trình độ, tính chất của mình vào lúc này, ở đây, và làm việc với chính mình. Hãy tự hỏi mình có xứng đáng được có thầy, được thâu nhận chăng ? và nếu không thì làm sao để được xứng đáng ? Mình có thể làm vị thầy chú ý đến mình, thu hút được ngài không ?
Có lần một học trò than phiền với thầy là ông không dạy chi cho anh, thầy đáp:
- Được lắm, thầy sẽ làm đệ tử của con lúc này, con sẽ trở thành vị huấn sư. Hãy hành xử y như thầy hành xử.
Anh thưa:
- Nhưng con không biết phải làm gì.
Thầy trả lời:
- Chớ lo, rồi con sẽ biết.
Vị thầy đi tới trước mặt anh, nhắm mắt, ôm bình bát thủng đáy và thưa:
- Lạy thầy, xin bố thí cho con.
Anh hỏi:
- Làm sao con cho thầy được thức gì ? Bình bát của thầy lủng đáy kìa.
Vị thầy mở mắt và nói:
- Đầu con cũng có lỗ hổng, vậy mà con muốn thầy dạy con.
Học trò chợt hiểu rằng phải gia tăng khả năng, thanh lọc chính mình, tạo lấy sức mạnh bên trong để chuẩn bị cho lúc Thượng đế nội tâm xuất hiện, và điều này sẽ tới khi ta sẵn sàng. Khi ấy, sách ghi rằng ai muốn biết được thực tại sẽ chính họ là nguồn của thực tại ấy.
Vào lúc này có nhiều nhân vật tự gọi là thầy mà chỉ một số ít thực sự xứng đáng với danh xưng. Ý kiến đưa ra là những vị thầy giả hiệu được sử dụng như là hàng rào che chở vườn hoa xinh đẹp bên trong; nếu muốn gặp vị thầy chân chính có đầy đủ hiểu biết thì ta phải chuẩn bị mình trước, và rồi sẽ có khả năng vượt qua hàng rào. Sự việc giống như người ta sắp sẵn bình, dầu đầy đủ, lau chùi sáng bóng sạch sẽ. Đâu đó xong xuôi thì vị thầy chỉ việc thắp sáng đèn, đó là công việc của ngài và ánh sáng sinh ra là sự thiêng liêng. Thiền học gọi giây phút này là đốn ngộ.
Ai chủ tâm được khuyên là đừng quá lo lắng về thầy nào sẽ thâu nhận họ, mà câu hỏi quan trọng là họ có sẵn sàng để được hướng dẫn hay không ? Lý do là khi nôn nóng muốn có thầy, người ta tự tạo hình ảnh một vị thầy trong tâm, nghĩ rằng thầy chính hiệu phải hành xử thế này hay thế kia. Tuy nhiên cung cách của vị thầy, phương pháp giảng dạy của ngài có nhiều mặt, lắm khi đầy bí ẩn; ngài có thể dạy bằng lời và hành vi, mà cũng có thể dạy không lời. Nếu cách xử sự của thầy không giống như hình ảnh người ta tự tạo thì họ có thể cho đó không phải là vị thầy chân chính, và bị thất vọng. Ấy không phải là cách đúng đắn để tới gặp thầy.
Thí dụ khác đưa ra nói rằng nếu không biết kim cương là sao thì viên kim cương có thể nằm đó mà người ta làm ngơ, dửng dưng bước qua không quan tâm, coi nó chỉ làm một mảnh kính. Hơn nữa nếu không biết sự khác biệt thì ta có thể trả giá cao để có được mảnh kính mà tin rằng đó là viên kim cương và quí chuộng mảnh kính suốt đời. Trong giai đoạn đi tìm đạo, người ta có thể thiên về trí năng mà quên đi trực giác, hoặc ngược lại nghiêng về tình cảm cao độ và ít phát triển về lý trí. Mất quân bình về mặt nào cũng là điều bất lợi.
Thượng đế bên ngoài có rất nhiều hình thức tùy theo trình độ. Hiện giờ chuyện hay thấy trên sách báo, truyền hình là tiết mục nấu ăn, như cuộc du lịch có chủ đề là thực phẩm thí dụ miền Provence của Pháp, thử rượu tại Hunter Valley của Úc, hoặc món ngon của Huế thí dụ vậy. Chủ trương này nhắm đến sự hưởng thụ về mặt thể chất, muốn thỏa mãn giác quan; về mặt tình cảm cũng có sự khêu gợi để kinh nghiệm những cảm xúc, như quảng cáo về lối sống lifestyle với xe hơi đầy đủ tiện nghi, vật dụng sang trọng, phòng ốc thẩm mỹ hài hòa. Trí năng cũng có lôi cuốn riêng của nó khi người ta nghiên cứu chủ trương, chính sách, tư tưởng.
Những điều này tự nó không xấu cũng không tốt; như có lần đã ghi, một việc chỉ trở nên không thích hợp khi nó không còn hữu ích mà tiếp tục được duy trì. Tất cả chỉ là ước ao muốn có kinh nghiệm nhưng chúng kéo dài cuộc tiến hóa không cần thiết, làm con người ở lâu hơn trong biển luân hồi trong khi mục đích của ai đã thức tỉnh là cố gắng đi mau, đạt đạo trong một thời gian ngắn. Từ sự phân biệt giữa thượng đế bên ngoài và thượng đế bên trong ta đi tới tánh phân biện giữa mục đích thật và không thật.
Thượng đế bên trong không cao hơn thượng đế bên ngoài, chuyện chỉ là tới một lúc nào đó việc mải mê đi tìm và hưởng thụ các lạc thú như lifestyle, kinh nghiệm của giác quan, tình cảm và trí não không còn sức lôi cuốn. Khi chán chường thì con người quay vào Thượng đế nội tâm hay Chân ngã, thấy rằng chỉ có nó mới làm thỏa mãn ao ước của tâm hồn, và là điều chân thật bền vững qua bao thời đại.
- Bo nè, thế giới càng ngày càng tiến vậy làm sao các Chân sư có được hiểu biết cập nhật ?
- Giải thích đưa ra nói là hai cách để có hiểu biết, bằng tâm hay bằng trí. Vị đạo sư chính đạo không nhất thiết phải là người phát triển trí năng đáng kể, HPB nói rằng bà có biết những đạo sư cao tột mà trí tuệ ở dưới hay ở mức trung bình. Chính sự trong sạch, tình thương với mọi loài, sự làm việc với thiên nhiên của ngài, với thượng đế nội tâm, cho vị đạo sư quyền lực. Còn thì khả năng trí tuệ tự nó có thể làm con người thành phù thủy tà đạo, vì trí tuệ không mà thôi có lòng kiêu ngạo và tính ích kỷ đi kèm, trong khi đó trí tuệ kèm với tinh thần làm nâng cao ta lên, bởi đặc tính tinh thần ngăn chặn lòng kiêu căng, hãnh diện.
Kế nữa, chuyện tâm linh là lãnh vực của thượng trí còn vật lý hay vật thể là lãnh vực của hạ trí và tình cảm. Hạ trí suy nghĩ về khoa học vật chất và việc liên quan đến vật chất, nhà toán học mà không có phần tinh thần nẩy nở thì cho dù tài giỏi đến đâu cũng không đạt tới phần tâm linh. Ngược lại ai đã phát triển khả năng tâm linh sẽ nắm được ý niệm cao nhất về toán học và áp dụng chúng mà không cần phải học toán. Tại sao ư ? tại vì họ biết và áp dụng chân lý giản dị nhưng thâm sâu rằng vạn vật là một, rằng tình huynh đệ đại đồng là căn bản của sự sống. Nhân loại đã nhìn ra điều ấy qua môi sinh học, thấy được sự liên hệ về mặt vật chất, bước kế là có ý thức về liên hệ tinh thần.
Nghe có vẻ lạ lùng, tình huynh đệ thì làm sao dẫn tới sự tinh thông các nguyên lý toán học, nhưng ta thấy lạ vì ta không nhìn ra và không hiểu rằng sự sống là một, và nhất là chưa trở thành sự sống đó như ai đã phát triển tâm linh. Ta nhìn sự vật rời rạc, riêng rẽ, trong khi người hiểu biết nhìn sự vật như là một khối liên hệ nhau, không tách biệt. Việc hòa vào sự sống chung đó cho hiểu biết mà trí năng tự nó không thể mang lại. Chính sự hiểu biết về Thực Tại, về chân ngã cho con người quyền năng và đó là quyền năng chân thực, tốt lành, bền vững,
Với vị đạo sư, cõi thấp không cho ra trở ngại gì, họ nhìn ra sự sai lạc ngay tức thì lúc bước vào vì nó không phải là điều họ tìm kiếm và ta cũng có thể nói vì nó không phải là họ, bởi nay họ đã trở thành con đường, sự thật và sự sáng. Trí năng phát triển cao độ còn có thể nói là khả năng người ấy chỉ giới hạn trong cõi trí, nhưng năng lực tối thượng nằm ở cõi bồ đề. Trí năng thuần túy và giản dị không mà thôi là khả năng bậc thấp, thuộc ba cõi dưới và do đó không thấu đáo nguyên nhân là điều phát xuất từ cõi cao.
Tới đây, nhắc lại vài nguyên lý sẽ làm chuyện sáng tỏ hơn, ấy là cái cao chứa đựng và bao trùm cái thấp và cách làm việc của sự sống là đi từ trên xuống dưới, từ tổng quát vào chi tiết mà không ngược lại. Bồ đề tâm cộng với trí năng sẽ cho vị đạo sư hiểu biết cần thiết vì quyền năng tinh thần hoạt động theo cách này.
- Vậy là cũng có đường tắt, ông Thales nói sai rồi !
- Sách nói rằng vị đạo sư có sự hiểu biết bằng cách sử dụng nguồn có sẵn, thí dụ chân sư M. không biết Anh văn nhưng sử dụng khả năng Anh ngữ của đệ tử là bà Blavatsky để viết Anh văn, hoặc chân sư D.K. có lần giải thích khó khăn của mình là không thể nói sâu về điện học, vì ngài sử dụng não bộ của bà Bailey mà bà không biết nhiều về điện nên ngài bó tay ! Mệt vậy rồi cưng còn muốn đi hội chợ Body, Mind, Spirit nữa thôi ?
- Đi chứ, còn vài gian hàng hôm nay chưa vào vì không có giờ. Mai em sẽ tới.
- Gian hàng gì ?
- Phật giáo Tây Tạng ! Đồ hình vẽ đàn tràng mầu sắc rực rỡ, chi tiết tỉ mỉ rất tinh xảo. Em sẽ kể cho Bo làm đề tài viết báo kỳ sau; thế thì Bo phải cám ơn em, Thượng đế bên ngoài coi vậy cũng có ích lắm !
TIN TIN.
Tham Khảo:
- The Inner Group Teachings of HPB.
- Living with the Himalayan Masters, Sri Rama.