AGNI YOGA

Xem Agni Yoga và Sự Sống

 

Tiền bán thế kỷ 20 (thập niên 30) nhìn thấy sự tái xuất hiện một số giáo huấn rất cổ nhưng rất mới còn được biết dưới tên là Agni Yoga hay Giáo Huấn về Cách Sống Đạo (Living Ethics).
Sự kiện này không giản dị. Có muôn vấn đề mà các linh hồn còn mài miệt với những khó khăn riêng không thể nào quán triệt. Một số vấn đề cần được đề cập với sự mở màn của kỷ nguyên Bảo Bình (Aquarius). Kỳ gian này theo tây lịch sẽ trải dài hơn 2000 năm và đã bắt đầu từ 1975 (năm tháng thay đổi tùy cách tính).
Những thay đổi trên quả địa cầu chỉ là phản ảnh nhỏ của những thay đổi lớn lao nơi vũ trụ và các bầu tinh tú. Với mỗi kỷ nguyên mới, một số nguồn lực vũ trụ (cosmic forces) rút đi, nhường cho những nguồn lực mới tuôn trào bao gồm cả những nguồn lực ngoài thái dương hệ của chúng ta mà mức rung động mạnh mẽ vô song làm chấn động và nhào nắn mọi cõi tâm thức. Các cõi trở nên tái phân cực mạnh mẽ (repolarised) và những thể con người cũng bị chi phối tương tự, rung động cao sẽ được nâng cao hơn và rung động thấp sẽ tăng cường gấp bội.
Hai hành tinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp quả địa cầu trong kỷ nguyên này là Uranus (Thiên Vương Tinh) và Neptune (Hải Vương Tinh). Vị trí đối chiếu đặc biệt của hai hành tinh này trên bản đồ tinh tú sẽ mở tuôn những năng lực tâm linh hết sức phong phú và những năng lực mà tiềm năng chưa được biết đến. Bởi liên hệ với thái dương, Uranus có những liên hệ tương tác với yếu tố lửa. Nếu có thể nói ngắn gọn thì Uranus bao hàm những đặc tính uyên nguyên của Lửa Tinh Thần, sẽ đốt sạch và chuyển hóa những bợn nhơ của linh hồn một cách dũng mãnh và cấp kỳ, đây là một điều khác biệt với các hành tinh khác được xem là những hành tinh chậm ở điểm sự phát triển diễn biến tuần tự và từ từ.
Trong giai kỳ đầu (1st decanate) sự tiếp ứng các nguồn lực mới và sự rút đi các nguồn lực cũ sẽ tạo nên nhiều va chạm có tính cách khai phóng, hủy hoại, cuốn trôi mọi hình tượng cũ có thể ngăn chặn bước tiến của triều lưu. Trên trát đất sẽ có nhiều biến chuyển và xáo trộn.
Đối với người thường, các thể của họ chưa thanh để đón nhận những rung động cao do đó đồng thanh tương ứng, họ sẽ đáp ứng với những rung động thấp của ảnh hưởng mới lẹ làng hơn. Tính xấu cũng như hạnh tốt đều được tăng cường gấp bội và vì chưa điều hợp các thể, một sự phát triển cực đoan sẽ không tránh khỏi. Ảnh hưởng tâm linh của Uranus khi chuyển dạng trong những tần số thấp nhất là sự củng cố lòng ích kỷ. Trên phương diện tình cảm, những đòi hỏi quá đáng về cảm xúc mạnh đưa đến sự ái mộ cái quái đản (bizarre), sự gia tăng về bạo hành và mưu sát. Phần tích cực của Uranus được nhìn nhận qua tinh thần quốc tế thể hiện nơi các đô thị đa chủng, các làn sóng thể thao, âm nhạc, thời trang và dưới tác động điều hoà của Neptune, tinh thần dân chủ, chủ quyền dân tộc dần dà lan tràn.
Đối với người trên đường đạo, ngoài sự khó khăn trong việc điều hợp các thể đã bị chấn động mạnh mẽ còn có những khó khăn do biến cố bên ngoài. Với một số lớn linh hồn, để tiếp ứng tinh thần mới một cách luân lưu, mọi năng lực trì động phải được loại bỏ, đáng kể nhất là những lực tạo nên do nghiệp quả. Những linh hồn đầu thai trong thời kỳ chuyển tiếp vì lẽ này thường có một cuộc đời hết sức gian truân, hầu thanh toán cho xong phần nghiệp lực khiến họ có thể phụng sự hữu hiệu hơn mai sau. Dễ dàng thường đồng nghĩa với ít đối kháng, và điều kiện dễ dàng nhất của những linh hồn khi tái sinh thường là việc lập lại các khuynh hướng cũ. Khó khăn xẩy ra khi những nghi lễ, kỷ luật sử dụng kiếp xưa nay dường như không còn hiệu lực chỉ vì những năng lực làm sống động chúng đã rút đi. Những biến động chính trị khiến nhiều trung tâm tinh thần bị cô lập và việc ẩn tu nhập thất không còn thực tiễn. Những linh hồn đã tu luyện, mở các luân xa theo phương pháp cũ nay gặp rất nhiều nguy hiểm khi tiếp ứng những năng lực mới chỉ vì thứ tự linh hoạt hóa các luân xa cho kỷ nguyên này đã thay đổi. Một đặc tính khác rất đặc thù của Uranus là sự ứng nguyện cá nhân (individual initiative) khiến mọi hệ thống tư tưởng hay tôn giáo được áp đặt trên tri thức sẽ bị đào thải. Uranus là hành tinh chủ động nơi những linh hồn không chấp nhận bất cứ điều gì, cho dù phán quyết hay tiết lộ nếu không được thực chứng bởi chính mình. Sự trực nhận chân lý của Uranus có tính cách trực tiếp, lẹ làng, sắc bén. Nhưng trình bầy chân lý theo quan điểm thuần Uranus sẽ rất lạnh lùng và phũ phàng, nó thiếu vắng sự dịu dàng, khả ái, từ hòa là đặc điểm của những hành tinh chậm. Điển hình là khoa phân tâm học (psycho-analysis) được khởi xướng khi ảnh hưởng của Uranus tiến đến gần quỹ đạo trái đất. Những linh hồn trẻ khi nhiệt tâm phân tích, lên tiếng đả phá tất cả những gì được xem là nhồi sọ từ trước, không có thần thánh, không có giáo điều, không có đạo sư. Krishnamurti đến sau, đề xướng sự tự lập về tư tưởng và tư duy (một đặc điểm thuần Uranus), phủ nhận tất cả những trợ lực có tính cách ràng buộc tri thức.
Tác dụng hủy hoại của Uranus trong buổi giao thời đã diễn tiến như thiên cơ. Việc phủ nhận một khuôn mẫu uy quyền là việc phải đến vì các linh hồn mỗi ngày một trưởng thành nhưng thế hệ trẻ quên rằng vì chưa điều hợp thuần nhất ba hạ thể, họ đã đáp ứng lại ảnh hưởng phá hoại của Uranus nhiều hơn là ảnh hưởng xây dựng. Hiên tượng này xẩy ra hầu như khắp nơi, trong các tôn giáo, hội đoàn chính trị, tổ chức tinh thần.
Một việc cần được chú ý và nhận định rõ ràng là với sự mở màn một thời đại mới và sự chuyển tiếp sang một giống dân mới, có những năng lực mới sẽ tác động lên các thể, điều này khiến sự phân phối năng lực nơi các thể thay đổi. Tương ứng, sẽ có những thay đổi nơi các luân xa trong lộ trình cùng thứ tự phân phối và tính cách lưu nhuận của sự chuyển di. Một sự luân lưu thông suốt sẽ phóng thích nhưng năng lực tâm linh mạnh mẽ, ngược lại sự ứ đọng tại một trung tâm sẽ là nguồn phát sinh sự rối loạn hay bệnh tật. Đối với đa số hiện tại, sự ứ đọng nằm tại trung tâm tùng thần kinh đan điền (solar plexus) là nguyên nhân những xung đột về cảm dục gây nên những khó khăn về tâm lý gọi là những nội kết (complexes). Khoa phân tâm học và tâm lý học ra đời một phần là để đáp ứng với nhu cầu này. Việc xưng tội, giải bày những ẩn ức của linh hồn chuyển dần sang những tâm lý gia, một vai trò trước kia do các tu sĩ, linh mục đảm trách.
Đại đa số nhân loại còn vướng mắc nhiều vào mạng lưới tình cảm, và trận chiến quyết liệt sẽ diễn ra nơi đây: làm thế nào chuyển hóa những năng lực nằm ứ đọng tại tùng thần kinh đan điền, phóng thích những năng lực tích lũy nơi đây khiến nhân loại tiến dần từ những phần tử thụ động chịu sự sai sử của cá nhân tính thành những tác nhân đóng góp vào triều tiến hóa. Điều này không giản dị mà cần được nhận diện rõ ràng.
Rất nhiều thất bại của thời Song Ngư dù trên phương diện chính trị, tôn giáo hay tổ chức tinh thần thường bắt nguồn từ sự không am hiểu về vai trò của cảm dục trong triều tiến hóa. Năng lực này thay vì được chuyển hóa thường bị đàn áp, dồn nén hoặc ngụy trang dưới một lớp áo thuần lý mang tên là triết thuyết hay chủ nghĩa. Một việc tương tự đã xẩy ra với nhiều lãnh tụ tinh thần, đa số những linh hồn lãnh đạo này đã chuyển hóa những khó khăn của ba hạ thể qua những yoga hay những phương pháp của thời đại Song Ngư hoặc bằng lòng sùng tín như nhất, hoặc bằng ý chí dũng mãnh vô song, hoặc bằng sức bền vững ẩn nhẫn hành trì, không hoàn toàn có những khó khăn về mặt tình cảm hay vật chất của các linh hồn không hề có sự huấn luyện trên.
Những gì đối với họ chỉ là thất tình lục dục của thế thường, lại chính là những nguyên nhân gây nên xung khích nội bộ, ganh ghét, tị hiềm cá nhân giữa các nhóm viên và cộng tác viên, chung cuộc gây nên tai tiếng và sự tan rã của một tổ chức. Trước khi những tư tưởng Bảo Bình như 'Sự hoạt động nhóm' có thể đơm hoa kết trái, diều tiên yếu nơi người tầm đạo là phải có sự điều hợp của ba hạ thể. Đây là điều tiên quyết. Khi một nhóm có nhiều đơn vị với khí chất khác biệt không kết hợp mà lại xung đột lẫn nhau, trên phương diện vô hình sự hiềm khích, yêu ghét, oán giận kết tụ lại thành một hình tư tưởng to lớn dần với thời gian giam hãm các nhóm viên. Khối nghiệp quả nhóm này thường dai dẳng lôi kéo các nhóm viên trở lại qua các kiếp, hầu thanh toán các món nợ lẫn nhau, khiến việc phụng sự bị tê liệt, do đó nhóm phải bị giải tán trước khi trở thành hiểm họa cho chính mình.
Một hình ảnh rất thịnh hành trong thời Song Ngư là hình ảnh người lữ hành đơn độc trên con đường tầm đạo, miệng khép kín, mắt mở to hay hành giả lui vào chốn thâm sâu cùng cốc và một lời khuyên về sự thận trọng. Hình ảnh này sẽ thay đổi khi những tình cảm sôi động đã lắng dịu trên địa cầu, sự thận trọng sẽ nhường bước cho sự cởi mở, hoạt động nhóm sẽ thay bước cho sự độc hành, thánh nhân có thể đi lại giữa người trần, một sự phóng khoáng mà óc tưởng tượng hiện thời chưa thể phỏng đoán khi Bảo Bình thực hiện trọn vẹn đặc tính (trong các yếu tố, Bảo Bình liên hệ với khí, Song Ngư với nước).
Ngoài những biến động cá nhân, một mối quan tâm khác cần được nhận diện là sự hoạt động của các hắc lực lợi dụng buổi giao thời để gieo rắc sự nghi ngờ, hoang mang và loạn động. Trong thời kỳ chuyển tiếp sẽ có lắm hồ nghi và đau khổ. Ý thức rằng những vấn đề cận đại phải được giải quyết bằng những phương pháp cận đại, Vị chân sư được biết dưới danh hiệu là M đã cho ra một số giáo huấn (Agni Yoga) qua người đệ tử được biết trong giới hội họa với tên là Nicholas Roerich (1). 'Agni Yoga' chỉ là một trong số những tác phẩm tổng cộng 12 cuốn thuộc bộ sách cùng tên, được chọn để đưa ra một cái nhìn dẫn nhập chỉ vì tính cách tiên phong cho một thời kỳ mới, nhưng chính nó không diễn tả trọn sở vọng và tâm nguyện của giáo huấn được tìm thấy rải rác trong các tác phẩm khác của bộ Agni Yoga (2).
Được dịch từ Senzar và Phạn ngữ, quyển sách gồm những câu cách ngôn (aphorisms) cần phải được đọc đi đọc lại và thật không phải để đọc. Bầu không khí toát ra rừng rực lửa và oai lực dũng mãnh của lửa cháy bùng qua các dòng chữ. Agni = Lửa = Tinh Thần, biểu hiện mọi nơi, cho dù được gọi là ánh sáng, lửa, nhiệt hay điện lực, quang xạ, chuyển động hay ý chí, ham muốn, hành động, tất cả chỉ là những tướng dạng của Agni. Nơi con người đó là Prana hay sinh khí, bảo tồn sự sống liên kết ba hạ thể thành một đơn vị hoạt động; nơi thái dương hệ đó là Fohat. Có thể nói một cách tóm tắt, nếu mỗi người có một phàm ngã hay cá tính là hình thức biểu lộ, sự biểu lộ của vị Thái Dương Thượng Đế hay sự sống hoạt lộ cá tính của ngài chính là Agni.
Những đoạn sau được trích dẫn từ quyển Agni Yoga với phục đích phác họa sơ sài một vài điểm có liên quan đến bài.
A. ...Và nay, với sự mở màn của thời đại Maitreya, sự cần thiết đã đến để có một Yoga bao hàm tinh hoa của sự sống trọn vẹn, quảng bác ... Con có thể gợi lên một tên cho Yoga của sự sống, nhưng tên chính xác nhất sẽ là Agni Yoga. Chính yếu tố lửa đã cho Yoga của sự tự hy sinh này tôn danh. Với mọi Yoga khác, mối hiểm nguy giảm thiểu với sự hành trì, với Yoga của lửa những nguy hiểm gia tăng. Là yếu tố liên kết mọi vật, lủa hiển hiện khắp nơi và vì lẽ này dẫn đến sự thể hiện những năng lực tinh tế nhất. Lửa sẽ không xa rời sự sống và sẽ là kẻ dẫn đường đáng tín nhiệm đến những cảnh giới xa vời (the far-off worlds).
(Agni Yoga, câu 158)
(Ghi Chú:
- Thời đại của Maitreya -tức Đức Di Lặc hay Đức Christ- xác định bối cảnh và vai trò của Agni Yoga, đây sẽ là Yoga của tương lai hay kỷ nguyên Bảo Bình. Yoga này còn mang tên là Yoga của sự tự hy sinh, một đặc tính đặc trưng cho những linh hồn cung 1 và vị huấn sư đã mang giáo huấn này trở lại nhân loại. Trong tương lai, họ sẽ đóng góp một vai trò tích cực với sự thay đổi của các chu kỳ.
- Ta biết thiên nhiên có nhiều yếu tố như đất, nước, khí, lửa, ether hay chất dĩ thái. Đức M được tiết lộ là chuyên biệt trong sự chủ trì yếu tố Hỏa, một con đường khó khăn và nguy hiểm nhất.
- Những năng lực tinh tế nhất ngụ ý những dạng tướng của Agni khi biểu lộ.
- Những cảnh giới xa vời có thể hiểu là những cõi vũ trụ -cosmic planes. Xa hơn nữa vượt ngoài tầm hiểu biết con người nhưng có thể hiểu là những thái dương hệ khác, những Thiên Thần vũ trụ .. Vì lý do này sự nguy hiểm càng gia tăng khi tiếp úc với những nguồn năng chỉ thuần năng lực hay lửa).

B. Nhưng khi Agni Yoga sở đắc được những đường bước thể hiện những cảnh giới xa vời thì sự khác biệt trở nên hiển nhiên. Raja Yoga, Jnana Yoga, Bhakti Yoga đều tách biệt với thực tại bao quanh và vì lẽ này sẽ không đi vào triều tiến hóa tương lai.
(Agni Yoga, câu 161).
(Ghi Chú:  Câu đề cập đến sự khác biệt giữa những Yoga. Nếu những Yoga vừa kể không đi vào triều tiến hoá tương lai nữa, một số phần tương tự sẽ dành cho Agni Yoga mai sau theo luật chu kỳ. Vậy những Yoga hiện tồn để làm gì ? Có câu viết: 'Mỗi giáo huấn bảo trợ cho một Yoga tương ứng với mức độ tiến hóa. Các Yoga cũng không chống đối nhau, chúng ví như cành một cây bao tỏa bóng râm, tắm mát cho người lữ hành kiệt sức vì nắng cháy. Sinh lực vãn hồi, người khách lại tiếp tục rảo bước ...')

C. Trong thời kỳ những luân xa phát động, con người sẽ cảm nhận những triệu chứng khó hiểu mà khoa học, trong sự vô minh, sẽ cho đó là những đau yếu không liên hệ. Vì lẽ này, thời giờ đã đến để viết một quyển sách về sự thẩm sát những ngọn lửa của sự sống. Ta khuyên chẳng nên chần chừ vì sự cần thiết đã đến để giải thích cho nhân loại những sự biểu lộ của sự sống chân thật và hợp nhất.
(Agni Yoga, câu 170)
(Ghi Chú: Điều dễ nhận thấy là quyển sách không viết cho nhân loại hiện tại. Hé nhìn vào trang sách là cái nhìn vào tương lai, vào một thời kỳ mà nhân loại sẽ chinh phục và sở đắc được những sự hiểu biết mới, sẽ có những khó khăn và bệnh tật mới cần được nhận định và giải quyết.)

D. Agni Yoga không những là sự phát triển tuần tự của những tiềm năng nơi con người; nó thiết lập sự liên đới với những năng lực vũ trụ tiến đến tinh cầu chúng ta vào một thời kỳ ấn định. Điều này phải được thấu hiểu chính xác. Nếu không một chuỗi bệnh tật sẽ bành trướng và sự chữa trị chúng bằng những phương thức bên ngoài sẽ mang đến những hậu quả thảm hại.
Làm thế nào được chữa trị khi những ngọn lửa phát động ?
Làm thế nào chữa được sự đau nhức nơi cột xương sống khi chúng liên hệ đến sự khơi động của Kundalini ?
(Agni Yoga, câu 220)
(Ghi Chú:
- Câu này nói lên một điều rất đáng ghi nhận về Agni Yoga. Khác với những Yoga khác nhắm đến việc tu thân hay sự thực hiện những năng lực tiềm tàng nơi con người, Agni Yoga còn có mối quan tâm đặc biệt đến những năng lực ngoài con người. Những năng lực này gồm những gì không thấy bàn trực tiếp nhưng đây đó có sự nhắc nhở đến những ảnh hưởng từ vũ trụ, từ ngoài tinh cầu chúng ta, từ môi trường ... Sự kiện Agni Yoga trở lại trong một thời đại mà mối quan tâm lớn là vấn đề môi sinh ắt phải có nhiều liên hệ.
Các Yoga thời Song Ngư thường gợi lên hình ảnh nhà Yogi khắc khổ, đi vào rừng, xa lánh phố phường, Bảo Bình cho ta một phác họa hoàn toàn khác:
- '... Đừng xa lánh cuộc đời, hãy phát huy những tiềm năng của bản thân và hiểu thấu ý nghĩa sâu sắc của năng lực siêu linh (psychic energy hay tư tưởng con người và tâm thức), chính là những yếu tố sáng tạo lớn nhất'.
- ' ... Nhưng trước tiên chúng ta phải hiểu niềm vui của sức lao động, của lòng can đảm không ngơi nghỉ, của trách nhiệm, thực hiện tất cả những khả năng của chúng ta'.
và hình ảnh hồ hởi dũng mãnh của lửa đốt tan khó khăn:
- 'Thế nào, con đã học thưởng thức các trở ngại chưa ?’
- 'Năng lực của tư tưởng và tâm thức' là một chủ đề cốt yếu được bàn giải rất công phu trong phần lớn tác phẩm. Có vài phương pháp thực tập, thú vị thay, lại giống như phương pháp huấn luyện các thiền sinh Phật giáo, một điều không có gì lạ lắm khi chúng xuất phát từ một dòng Minh Triết Cổ Truyền.)

E. Điều cần yếu là đừng nói với kẻ sơ cơ rằng Agni Yoga dễ dàng. Thật sự nó không dễ dàng, có rất nhiều khổ nhọc và nguy hiểm bên trong.
(Agni Yoga, câu 403).

F. Sự áp dụng và tác động của lửa Kundalini đến từ đâu ? Cũng từ một nguồn: lửa của tình yêu ... Ta yêu mến vô ngần khi lửa của tình yêu chói rạng và bất cứ trở ngại nào cũng được thắng lướt.
(Agni Yoga, câu 475).
(Ghi Chú: Lửa của tình yêu hay Budhi (Bồ đề tâm). Neptune liên quan mật thiết với Budhi và ảnh hưởng càng lớn mạnh sẽ giúp cho sự chuyển hóa những năng lực tình cảm thành sức mạnh tinh thần trở nên dễ dàng.
Trên một khía cạnh kỹ thuật hơn 'kundalini hay luồng hỏa xà’ đã từng là trung tâm lực dẫn đến Samadhi, trong triều tiến hóa tương lai sẽ nhường bước cho một trung tâm khác gần quả tim. Trung tâm này gọi là chén thánh (chalice) là trụ sở của manas và trung tâm cảm hiểu (feeling-knowledge) ...)
G. Thật vậy, khi con người học được cách ghi nhận hương vị tình cảm, họ sẽ trực nhận ra chính tình yêu trên mọi điều thu hút lửa của hư vô (The Fire of Space). Kẻ thốt ra 'Hãy yêu thương lẫn nhau' là nhà Yogi chân chính.
(Agni Yoga, câu 424)

Nhận  Xét

Xét lại, dòng Agni Yoga đã chảy ngầm qua các thời đại, ló dạng ra ánh sáng trở lại vào thế kỷ 20. Sự tái xuất hiện trên có thể được nhận diện như thế nào ?

1. Sự Tuyển Chọn Vị Sứ Giả.
Một truyền thống lâu dài cho thấy khi dòng Minh Triết Cổ Truyền cần luân lưu qua một địa dư nào, sứ mạng truyền bá nguồn hiểu biết thường được giao phó cho những vị giáo chủ, những Tổ truyền thừa mà đặc điểm là khả năng hướng dẫn và giáo dục. Truyền thống này thay đổi đột ngột với kỷ nguyên mới khi vị sứ giả là một họa sĩ mà sự cống hiến diễn đạt qua nghệ thuật. Hiển nhiên với một kỷ nguyên mới có những đường lối mới. Con đường mới nhấn mạnh đặc biệt trên khía cạnh sáng tạo của linh hồn.
Người đệ tử thời Song Ngư ví như con chim non cần được ấp ủ và dìu dắt từng bước, họ sống cạnh vị thầy trong một bầu không khí thoải mái cho sự tu đạo, những giáo huấn được cho ra vừa đúng với khả năng đón nhận, mục đích của họ là đạt đến sự giác ngộ và tìm thấy an lạc.
Người đệ tử thời Bảo Bình được thả giữa xã hội, giữa những con người cận đại mà những nhu cầu, khó khăn và đòi hỏi hết sức phức tạp, không thầy dạy, không điều răn và mục đích của họ là gì ? Lý tưởng mới nói rằng nếu mỗi linh hồn có thể thể hiện trọn vẹn đặc tính, sự cống hiến đặc thù của mỗi đơn vị sẽ phong phú hóa mạnh mẽ vườn địa cầu. Agni, lửa sáng tạo sẽ bùng cháy mạnh mẽ trong thời đại mới và những linh hồn có ước vọng cao xa hay nhiệt tâm đã đôi phần nhen nhúm sẽ phực lửa dễ dàng.

2. Đạo 'Sống' (The Living Ethics):
Trọng tâm được đặt mạnh trên tính cách sống. Tại sao ? kỷ nguyên mới sẽ nhìn thấy tột đỉnh vinh quang của sự phát triển hạ trí trong đại đa số nhân loại. Một đặc diểm của hạ trí là sự thu thập kiến thức và nơi người đệ tử sơ cơ, điều này được nhìn thấy dễ dàng trong việc đeo đuổi sự hiểu biết, nhất là sự hiểu biết về những điều siêu linh.
Lý tưởng mới được đặt ra trong thời đại mới nhằm tái lập sự quân bình giữa sự phát triển đơn phương một nét với sự viên mãn của con người toàn thiện. Một sự phát triển phóng túng của hạ trí có những nối nguy hiểm rõ rệt nếu không có sự quân bình bởi ý thức trách nhiệm. Từ ngữ 'đùa với lửa' rất hiển thật nếu áp dụng vào những thí nghiệm mà nhân loại nói chung đang thực hiện, ví dụ với lửa vật chất (chất năng) được nhìn thấy trong phong trào giải phóng tình dục và vũ trang hạch tâm. Một loại lửa khác (năng lực tư tưởng) có thể nhìn thấy trong trận thư hùng giữa các ý thức hệ là ngòi châm cho vô số chiến tranh lớn bé đã qua. Tất cả những năng lực này trước sau cũng sẽ được nhận diện, học hỏi, sử dụng nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, khi đại đa số chưa có sự ý thức, phải chấp nhận những hậu quả đôi khi thảm hại là cái giá phải trả cho sự thí nghiệm với lửa.
Vì sao giáo huấn trở lại lần này với sự nhấn mạnh đặc biệt trên ý thức trách nhiệm là chuyện rất dễ hiểu, và những biến chuyển bất khả di dịch của thời cuộc sẽ bắt buộc tất cả phải đối diện với 'thực tại về những ngọn lửa của cuộc sống', điều này không riêng với các đệ tử mà cả nòi giống địa cầu nói chung. Riêng phần các linh hồn trên đường đạo sinh ra trong thời đại mà sự đòi hỏi về độc lập, tự do tư tưởng và tư duy là thời trang, họ thực sự cũng phải trải qua một giai đoạn tiên biến. Thật thế, đa số các chân sư đã rút lui, những biến đổi ở Tây Tạng khiến cho việc truyền thừa phải thay đổi. Người đệ tử hiện đại rất đỗi tự do, họ tự do lựa chọn điều đáng học giữa một rừng văn nghệ siêu linh bày bán khắp nơi, tự do lựa chọn vị huấn sư và điều này không khó vì không thiếu những kẻ tự xưng là thầy, những quyền năng siêu phàm được quảng cáo rầm rộ qua các sách tự học nhan nhản đây đó.
Tất cả những dấu hiệu của thời đại nói lên điều gì ? Có một sự chuyển giao trách nhiệm cho cá nhân đệ tử khi linh hồn bắt đầu trưởng thành ! Thời Song Ngư, trách nhiệm phần lớn trực thuộc vị huấn sư trong việc cho ra những giáo huấn, nhiều hay ít, có thích hợp hay không với thể chất hay mức tiến hóa của người đệ tử. Trách nhiệm ở đây có nghĩa người thầy trực tiếp phải đón nhận phần nghiệp quả do việc dạy dỗ, sự sử dụng giáo huấn đúng đắn hay sai lầm bởi đệ tử, một điều rất ít người nhìn thấy, vì lẽ này mối liên hệ giữa thầy trò rất mật thiết và việc chọn đệ tử thường giới hạn vào ít người.
Với các phương tiện truyền tin trở nên đại chúng và số linh hồn đệ tử một ngày một lớn, cách nhận đệ tử có phần thay đổi. Các giáo huấn sẽ quảng bá một cách công truyền, phần thâm thúy nhất sẽ đến với ai sống đạo qua sự khơi nguồn cảm hứng, sự bừng nở của tinh thần sáng tạo hay giản dị hơn bằng phép tâm ứng có nghĩa khả năng thấu đạt lẽ huyền vi khi tâm đã chín mùi và rung động đồng nhịp với chân lý. Chẳng còn cách nào khác hơn, 'Khi đưa tay vào lửa mới biết lửa nóng', khi phải trực tiếp đối phó với các khó khăn bắt buộc phải sáng tạo, khi phải chọn lựa giữa vô số điều nên học, bắt buộc phải có óc phân biện và khi sa ngã vấp té mới cảm được uy lực của linh hồn.

3. Tính Cách Sống Động và Liên Tục của Dòng Minh Triết.
Dòng Agni Yoga không thể xem như một phong trào đơn lẻ mà là một sự tiếp nối có chuẩn bị. Trong hơn 20 thế kỷ qua, ở phương tây triều tiến hóa của tâm thức đóng khuôn trong chiều hướng duy vật. Khởi đầu với sự phân biệt tinh thần với vật chất là hai đối cực, đi dần đến sự khám phá vật chất được cấu tạo bởi những đơn vị được xem là trường tồn bất biến gọi là nguyên tử, quan niệm hai đối cực bành trướng mạnh mẽ với sự phân chia tri thức (res cogitans) và vật chất (res extensa) của Descartes, đưa đến việc xem vật chất là 'chết', vô tri vô giác, vũ trụ càn khôn là một tổng hợp những vật thể riêng lẻ, một guồng máy vĩ đại được điều hành một cách mầu nhiệm bởi một thượng đế duy nhất. Sự khuất phục thiên nhiên vào những ứng dụng thực tiễn qua sự học hiểu những định luật chi phối thành công mỹ mãn với khoa học duy vật và từ đó chỉ có một bước, tính cách máy móc của vật chất tìm thấy tột đỉnh vinh quang qua sự bừng nở của nền văn minh cơ khí còn hiện tồn đến thế kỷ hiện tại.
Sự thành công của khoa học thực nghiệm củng cố lý luận Descartes, trên phương diện tâm linh (Cogito ergo sum: Tôi suy tư đương nhiên tôi hiện hữu) con người đồng hóa nguồn gốc bản thể với trí thể hay tệ hơn với não bộ. Trước viễn ảnh một nền văn minh ngày một chìm sâu vào vật chất, vào cuối thế kỷ 19 một nỗ lực nhằm gây động lực khởi phát cho vô số phong trào tinh thần sau này, bắt đầu với H.P.Blavatsky. Ngòi bút đáng sợ này đã phá sự chia rẽ giữa tinh thần và vật chất: vạn vật sống thở và biến hóa dưới muôn thức dạng, không có dạng nào gọi là vô tri vì ngay như kim thạch chỉ là một dạng tâm thức ở trạng thái cô đọng, có vô số tâm thức với cách biểu lộ khác nhau, mà sự liên đới, tương tác, xô đẩy tạo nên khung ảnh của thời gian và không gian.
Những ý trên được tiếp tục giảng rộng vào đầu thế kỷ với Alice A. Bailey qua tác phẩm Cosmic Fire. Tính cách đồng nhất thể của vạn vật được nhìn thấy lần này không qua những hình thái và tiến trình biến đổi mà tuôn vỡ dưới dạng năng lực, từ năng lực đang chuyển đi trên trường tiến hóa gọi là con người, đến năng lực bao trùm vượt giới hạn của thời gian và không gian gọi là Thượng Đế, tất cả tương tác, tự tác đan kết như một mạng lưới với thiên hình vạn trạng.
Vào thập niên 30, Agni Yoga xuất hiện, mang đến thông điệp về tính cách hợp nhất của vạn vật và mở màn một thời đại mà một số năng lực tiềm tàng nơi con người và nơi vũ trụ sẽ được khảo xét và phát triển. Con đường chuẩn bị cho Agni đã được lót, ý niệm về năng lượng cũng dễ dàng chấp nhận hơn ở thế kỷ 20 với những thí nghiệm của nhân loại về hạch tâm, những khám phá về điện tử, chất điểm cực vi, về phân tâm học. Nếu không nhờ những cố gắng của H.P.Blavatsky đã mang ra đại chúng những ý niệm về trung tâm lực, bẩy cung, sự tiến hóa chu kỳ, các dạng tâm thức, sự khúc chiết hóa các ý niệm trên thành những khoa (về trung tâm lực, về bẩy cung) với Alice A.Bailey, thật khó mà hiểu thấu ý nghĩa của Agni Yoga qua lối văn tượng hình và cổ kính. Cosmic Fire chính là Agni ! Điều này hết sức hiển nhiên và trực tiếp. Hiểu được điều này thì sự tham cứu về Agni có thể xem như một quyển sách mở rộng.
Sự kiện này nói lên diều gì ? Dòng Minh Triết có thể chia thành nhiều mạch phụ khi luân lưu qua các thời đại qua các địa dư khác biệt, nhưng tựu trung đó chỉ là một dòng và đối với những ai hằng lưu tâm đến sự tiến hóa, hãy nhìn xa hơn. Bàn tay thầm lặng của Shamballa không rời xa mỗi bước tiến của nhân loại.

 

BÌNH PHƯƠNG

Sách Tham Khảo.
1. Agni Yoga
The Agni Yoga Society,
319 West 197th Street,
New York NY 10025
USA
2. Adept of  The Five Elements (David Anrias)
3. Heart of Asia (Nicholas Roerich)
Inner Traditons
64 Depot Road
Colchester VT 05446
USA
4. Nicholas Roerich: Life and Art of (Jacqueline Decter)
Inner Traditions
64 Depot Road
Colchester VT 05446
USA
5. Cosmic Fire (Alice A. Bailey)

(1). Xin đọc thêm về nhân vật này trong bài ‘Nicholas Roerich’ trên trang web.
(2). Trọn bộ Agni Yoga gồm những cuốn sau:
- Leaves of Morya's Garden I, II.
- Infinity I, II
- Heart
- Aum
- Community
- Agni Yoga
- Hierachy
- Fiery World I, II
- Brotherhood