HỢP CẢM

Hợp Cảm

 

 

Thỉnh thoảng trên báo có tường thuật chuyện người ta thấy mầu sắc khi nghe. Vài trường hợp ghi lại như sau. Jean sáu tuổi ngay tình nói với cô giáo là chữ ‘butter’ không có mầu vàng như bơ, mẫu tự ‘u’ làm cho chữ có mầu xanh đọt chuối, còn chữ ‘batter’ mới có mầu vàng, và chữ ‘father’ có mầu vàng đậm hơn hết thẩy. Cô giáo kể cho mẹ nghe, mẹ mới kêu Jean vẽ ra, em tô mầu chữ mỗi ngày trong tuần dựa theo âm phát ra, tô luôn âm mỗi tháng.
Chuyện đến tai hội vẽ tranh ở London, hình tô mầu của Jean được trưng bầy trong cuộc triển lãm thường niên, và các họa sĩ thử khả năng của Jean, họ nói một chữ, hay huýt gió phát ra một âm (mầu bạc), kêu to, rên rỉ, gầm thét (mầu nâu) và hỏi Jean mầu của chúng. Rồi họ đánh các nốt dương cầm, khi chơi các nốt trầm ở tuốt bên trái, Jean bảo chúng có mầu nâu đậm. Đi dần lên âm có mầu nâu nhạt, nâu vàng; những nốt ở giữa âm vực có mầu vàng chói, nốt cao hơn lần về bên phải mầu vàng óng nhạt, rồi mầu trắng và nhạt dần ở những nốt cao tít. Tới cuối bên phải phím đàn là những nốt cao nhất có mầu xanh hay tím pha mầu trắng.
Sự việc đưa lên báo gây chú ý, học trò trường  của Jean đều biết tin và trêu chọc làm Jean khổ sở; người lớn thì nghiêm mặt bảo.
– Em thấy bằng mắt và nghe bằng tai thôi.
Jean không cãi lại nhưng nghĩ thầm nó chỉ đúng một phần, vì có những mầu em thấy trong đầu dù mở hay nhắm mắt, thị giác không là vấn đề ở đây mà chính yếu là thính giác. Chẳng những thấy mầu sắc khi nghe âm phát ra, Jean còn thấy rất nhiều hình ảnh khác trong lúc nhắm mắt, tỉnh táo, luôn luôn với mầu sắc sáng chói và trôi nổi lẹ làng. Chúng ở đâu ra vậy ? Từ các phản ứng này của người chung quanh, Jean học tánh kín miệng dè dặt và không hỏi người khác là có thấy như những điều như mình thấy hay chăng, lỡ họ không thấy thì câu hỏi gây thêm rối rắm cho em.
Một trường hợp khác tương tự mà khác chút ít được kể là người này (tạm gọi A) cũng luôn luôn thấy mầu của chữ kèm với xúc giác về mầu, tuy nhiên họ thấy tên các ngày trong tuần lại có mầu khác so với Jean. Thí dụ:
– Thứ hai: A thấy mầu hồng nhạt, trơn láng. Jean lại thấy mầu đỏ tía.
– Thứ ba: A thấy mầu xanh lục đậm.
– Thứ tư: Jean thấy mầu đỏ như gạch.
– Thứ năm: Jean thấy mầu lục xám đậm.
– Thứ sáu: A thấy mầu xanh lục và xoăn tựa như broccoli. Jean thấy có mầu vàng nhạt sáng.
– Thứ bẩy:  Jean thấy vàng nhạt hơn nữa, gần như trắng.
– Chủ nhật: Jean thấy mầu cam rất nhạt.
Chẳng những vậy, thính giác, xúc giác và vị giác cũng cho ra mầu, họ kể là chữ ‘toast’ cho mầu xanh nhưng ý niệm ‘ăn’ thì có mầu trắng. Hiện tượng những cảm quan hòa vào nhau được cho tên ‘synaesthesia’ tạm dịch là hợp cảm, thí dụ là nghe mầu hay ngửi được âm thanh.
Trường hợp thứ ba kể em nhỏ sáu, bẩy tuổi nói với mẹ.
– Mẹ ơi, con thương mẹ. Hôm nay mẹ yêu con quá, lời của mẹ xanh thật là xanh.
Mẹ hỏi.
– Con nói sao ?
– Lời của mẹ xanh lắm, vì nó êm ái, còn khi mẹ la con thì nó đỏ, đỏ hết sức. Mà nó tệ hơn nữa khi mẹ cãi nhau với ba, lúc đó nó mầu cam, dễ sợ.
Em nhỏ chỉ tay vào lò sưởi với lửa đang cháy bùng tỏa ra nhiều lưỡi lửa to lớn. Khi khác, lúc mẹ chơi dương cầm thì em mê mẩn hân hoan, nói rằng mình thấy nhiều mầu như cầu vồng xinh đẹp. Còn khi dì chơi đàn thì nó như pháo bông và ngôi sao, bừng lên chói lọi, xong tan vỡ.
Khoa học chưa giải thích rõ ràng tại sao vài người có khả năng này, chỉ đưa ra giả thuyết như cho rằng ai có kinh nghiệm hợp cảm thì không chừng là do họ có thêm đường kết nối giữa những phần trong não. Mà cũng có giải thích khác, HPB viết là mỗi khám phá mới của khoa học xác nhận chân lý trong triết lý cổ thời, và nhà huyền bí học biết rằng không có một vấn đề nào mà khoa học huyền bí không giải quyết được nếu xem xét theo đúng hướng. Trong khi ấy tây phương chưa có khoa học nào đi tới tận cùng các hiện tượng này hay giải thích được mọi khía cạnh của chúng. Khoa học chính xác không làm được vậy - trong chu kỳ này - vì lý do ta sẽ nói về sau.
Sách ghi âm thanh là điều đầu tiên biểu lộ trong thiên nhiên, rồi sau đó chắc chắn là âm thanh có liên hệ với mầu sắc, hay thị giác là điều biểu lộ thứ hai. Ai có thông nhãn và khi lắng nghe người khác chơi đàn sẽ thấy mầu của âm thanh và cảm biết được nhiều hơn, nhận ra từng nốt nhỏ một cùng những trầm bổng không thấy được bằng cách khác.
Ta không nghe được khi ở xa, mà có thể thấy được dù ở xa. Thí dụ muốn nghe ai trình diễn trên sâu khấu, ta phải ở trong một khoảng cách nào đó gần sân khấu, ở nơi mà âm vang tốt đẹp và nơi mà âm thanh truyền đi tự do. Ngược lại, giả dụ bạn có nhãn quan rất tốt, bạn có thể ngồi đây và khi ca sĩ hát ở nơi xa bạn có thể thấy sự việc nếu không có gì cản trở. Bạn nghe bằng thị giác hay hơn là khi nghe bằng tai. Thấy nghịch lý nhưng quả đúng như vậy.
Hợp cảm xẩy ra khi một quan năng  này có thể hòa vào quan năng  khác. Chẳng hạn ta có thể cảm thấy vị của âm thanh. Có những âm rất chua, âm khác hết sức ngọt hay đắng, đủ hết mọi vị; bạn sẽ thấy như vậy khi tìm hiểu về những quan năng  siêu vật chất. Chuyện cũng có thể đảo ngược lại hoàn toàn và chuyển từ một quan năng này sang quan năng  khác. Kinh sách Ấn nói về việc thấy âm thanh, đó không phải là mỹ từ pháp mà là chuyện thực.
Khoa học có lời giải thích  riêng của nó về hiện tượng, còn nhìn theo huyền bí học, việc có người khi nghe âm thanh thì thấy mầu sắc, hay ngược lại thấy mầu sắc thì có người lập tức được gợi nghe âm thanh, hoặc với trường hợp khác kích thích một quan năng  thì có hai quan năng khác dự vào, như nghe dàn nhạc kèn đồng thì cảm thấy có vị trong lưỡi và thấy các khối mây mầu sắc, được giải thích như sau.
Các hiện tượng này có tính chu kỳ và đã được nói tới trong kinh Veda của Ấn giáo. Kinh tỏ ra quen thuộc với những gì huyền bí liên quan đến thị giác và thính giác. Kinh được viết trong khoảng từ 1.500 đến 1.000 năm trước tây lịch, vào thời đại ấy sự kết hợp giữa hai quan năng  này là chuyện thông thường như ta nhìn thấy vật ngày nay. Ai tìm hiểu huyền bí học và đọc kinh Veda theo nghĩa bí truyền có thể suy diễn ra hiện tượng thật sự có nghĩa gì. Giản dị thì nó chỉ là việc thể xác của con người theo chu kỳ trở lại hình dạng ban đầu của mẫu chủng (hay giống dân chánh) thứ ba, và ngay cả mẫu chủng thứ tư, thuộc thời kỳ được gọi là giai đoạn trước khi có hồng thủy.
Từ thuở rất xa xưa, từ những ngày đầu của nền văn minh của các giống dân đi trước giống dân chánh thứ năm của thế giới hiện giờ, mà dấu vết có thể nay bị chôn vùi dưới đáy biển, người ta đã biết tới sự kiện đó. Điều mà ngày nay được xem là chuyện khác thường, thì rất nhiều phần lại là tình trạng bình thường nơi nhân loại thời trước khi có trận hồng thủy. Hai dẫn chứng được đưa ra là:
– Nghiên cứu về thần thoại ghi nhận là người xưa khi đặt ra biểu tượng, thường tượng trưng tất cả những thần mặt trời và thần linh rực rỡ như Rạng Đông, Thái Dương, thần Apollo v.v. - có liên hệ theo cách này hay kia với âm nhạc và ca hát - nói tóm tắt là với âm thanh, hay cái sau nối kết với sự tỏa sáng và mầu sắc.
– Trong kinh Veda, các ý niệm về hai chữ ‘âm thanh’ và ‘ánh sáng’, ‘nghe’ và ‘thấy’ luôn luôn kết nối với nhau. Chương X, đoạn 71, câu 4 ta đọc là: ‘Có người tuy nhìnkhông thấy lời nói, và kẻ khác thấy mà không nghe nó’.
Tài liệu về ngôn ngữ học gợi ý là vài chữ trong Phạn ngữ có hai nghĩa là bài hát hay tia sáng, sự chói lòa; và người xưa có ý niệm là lời nói có thể thấy được
Mọi việc bắt nguồn từ sự tiến hóa của các mẫu chủng, giải thích ngắn gọn thì 1 vòng (tổng cộng 7 vòng) tuần hoàn có 7 mẫu chủng; mỗi mẫu chủng (hay giống dân chánh) có bẩy chi chủng (hay giống dân phụ). Hiện tại cuộc tiến hóa trên địa cầu đi tới giữa vòng tuần hoàn thứ tư. Người tiên khởi đi dần xuống cõi trần bằng cách phát triển một quan năng của ngũ quan trong mỗi giống dân phụ tiếp nhau, thuộc giống dân chánh thứ nhất của vòng tuần hoàn thứ tư trên địa cầu. Lời nói của người mà ta biết bây giờ bắt đầu có vào thời giống dân thứ tư hay Atlantis, vào lúc rất sớm của giống dân này, trong chi chủng thứ nhất, và cùng lúc đó người ta bắt đầu có thị giác, bốn giác quan kia (cộng thêm hai quan năng thứ sáu và thứ bẩy mà ta chưa biết gì về chúng) còn ở trong dạng tiềm ẩn, chưa nẩy nở như là quan năng vật chất, tuy đã phát triển trọn vẹn như là quan năng tinh thần.
Thính giác của chúng ta chỉ phát triển ở giống dân phụ thứ ba. Như thế, nếu lúc ban đầu lời nói của người - do chưa có thính giác - còn chưa được như lời thì thào vì nó chỉ là biểu lộ âm thanh trong trí não hơn là gì khác, chuyện dễ hiểu là từ lúc ấy ‘lời nói’ được liên kết với ‘hình ảnh’ hay nói khác đi nhân loại thuở ấy có thể hiểu và nói với người khác chỉ bằng thị giácxúc giác.
Kinh cổ ‘Kiu Ti’ của Tây Tạng ghi: ‘Con người thấy âm thanh trước khi nghe được nó’; như ta thấy ánh sáng của tia chớp trước khi nghe tiếng sét. Theo với thời gian mỗi thế hệ con người đi sâu hơn vào vật chất, phần thể chất che phủ dầy thêm phần tinh thần cho tới khi trọn tất cả quan năng - được hình thành trong ba mẫu chủng đầu ngoại trừ khả năng nhận thức tinh thần - cuối cùng trở thành năm giác quan riêng biệt.
Nay ta ở trong mẫu chủng thứ năm và đã trải qua điểm giữa của vòng tuần hoàn thứ tư, hiện tượng hợp cảm và có nhiều người nhậy cảm muốn nói nhân loại sẽ mau lẹ đi trên đường tinh thần hơn, và đạt tới đỉnh của mẫu chủng thứ năm vào cuối chi chủng thứ bẩy của mẫu chủng này. Nói tách bạch và đầy đủ hơn, tới lúc đó con người sẽ ở cùng mức tinh thần mà trước kia thấy ở chi chủng thứ nhất của mẫu chủng thứ ba của vòng tuần hoàn thứ tư, và phân nửa sau của nó tức phân nửa mà ta đang sống đây thì, do luật tương ứng, nằm trên đường song song với phân nửa đầu của vòng tuần hoàn thứ ba.
Về điểm này thư của đức K.H. cho ông Sinnett ghi rằng: ‘Trong phân nửa đầu của vòng tuần hoàn thứ ba, tính tinh thần ban sơ của nhân loại bị mờ khuất do trí năng chớm phát che lại’. Nhân loại khi đó ở trên vòng cung đi xuống là phân nửa đầu của vòng tuần hoàn ấy, và khi ở trên phân nửa sau là vòng cung đi lên, hình dạng khổng lồ giảm xuống và cơ thể có da thịt cải thiện hơn, thành người có đầu óc hơn dù vẫn là khỉ hơn là người thần linh (Deva–man).
Nếu như vậy thì theo cùng luật tương ứng, một luật bất biến trong hệ thống các chu kỳ, phân nửa sau của vòng Thứ tư của chúng ta, đã cho thấy là tương ứng với phân nửa đầu của vòng thứ ba, phải lại một lần nữa được tính tinh thần ‘ban sơ’ tái khởi phát, và tới cuối của vòng thứ tư tính tinh thần ấy sẽ gần như che khuất trí năng của ta, nói theo nghĩa là óc lý luận lạnh lùng của con người. Theo cùng nguyên tắc của luật tương ứng đó, nhân loại văn minh sẽ chẳng bao lâu tỏ ra được họ - dù bớt ‘hợp lý’ ở cõi trần - là con người giống thần linh hơn là giống khỉ như ta hiện nay là vậy, ở mức thật đáng lo.
Khoa học không thể giúp thế giới hiểu được rationale - nguyên do của hiện tượng; họ không hiểu và không giải thích được nó, không hơn gì ai chưa từng học huyền bí học và các luật ẩn tàng quản trị thiên nhiên và cai quản con người. Khoa học gia bất lực trong trường hợp này; biện luận của họ dùng trí thông minh mà không phải nguyên lý sẽ không hề cho phép họ quay sang học hỏi về huyền bí học.
Dụng cụ bén nhậy hơn cho ta thấy là ngũ quan con người có giới hạn, và có những âm thanh cùng hình ảnh tuy ta không nghe hay nhìn thấy - nói khác đi nằm ngoài mức cảm nhận của con người - mà một số loài vật lại cảm biết được. Thí dụ dơi, chó, cá heo nghe được âm thanh ở tần số mà tai người không bắt được, và chim thấy hoa có những mầu sắc mà ta không thấy, tức có vô số điều ta không thấy, không nghe bằng ngũ quan thông thường. Dầu vậy có một khoa học chỉ dạy cho người thường khoa hóa học và vật lý thuộc siêu quan năng, và mọi khó khăn sẽ được giải thích ổn thỏa.
Có lẽ đó là trường hợp của người duy vật, họ chỉ hiểu được hiện tượng siêu hình ở mặt ngoài và không có thay đổi gì để họ thấy được mặt tinh thần của nó. Lý luận đưa ra là các hiện tượng này không thỏa mãn điều kiện của khoa học chính xác, nên không chấp nhận được. Vì vậy, đòi hỏi hay mong chờ khoa học gia của thời đại chúng ta điều mà họ hoàn toàn không thể làm cho ta, chỉ vô ích.
Huyền bí học dạy ta rằng vào cuối vòng tuần hoàn thứ tư, vật chất do tiến hóa, tiến triển, thay đổi, như con người và như mọi loài khác trong thiên nhiên, sẽ có được chiều đo thứ tư, giống như mỗi vòng tuần hoàn khi hoàn tất có được thêm một chiều đo. Thế nên huyền bí gia thấy không có gì ngạc nhiên với ý là thế giới vật chất sẽ phát triển và có thêm quan năng mới  -  điều chỉ là sự biến đổi giản dị của vật chất mà nay khoa học xem là mới mẻ và không thể hiểu được, như năng lực hơi nước, âm thanh, điện lực vào thuở đầu của các lực này.

Theo:
Driven To It – Jean Overton Fuller 
Collected  Writing VII, p. 55 – 90, HPB
The Secret Doctrine Commentaries - HPB