CHÚ BÉ THẤY CHUYỆN THẬT 3

Chú Bé Thấy Chuyện Thật (tt)

The Boy Who Saw True – Cyril Scott

 

Xem

Chú Bé Thấy Chuyện Thật 1   Chú Bé Thấy Chuyện Thật 2

Ba giận lắm nhưng bà trả treo với ba, ăn nói thô lỗ rồi nôn ọe ngay trước mặt mẹ trên lối đi. Mildred nói Janet kể rằng cô mừng là Susan nghỉ việc, vì bà say xỉn và cô không chịu được nữa. Nên lẽ tự nhiên là mình muốn biết say xỉn là sao, và Mildred nói đó là khi người ta uống quá nhiều bia, rượu và say sưa. Rồi mình nói, giả dụ mình tới nói nhẹ nhàng kêu Susan đừng say xỉn nữa, thì chị có nghĩ là ba mẹ sẽ giữ bà lại chăng ? Và Mildred đáp.
– Thiên địa ơi ! đừng làm vậy, vì tụi mình lẽ ra không được biết chút gì về chuyện này cả, và cả nhà sẽ ồn ào lên nếu em đi nói tùm lum như thế. Janet bảo chị phải giữ bí mật đó.
Nên tối nay mình buồn so vì mình thương bà Susan luôn luôn tử tế với mình, dù hơi thở của bà đôi lúc thiệt khó chịu, phải nói thật như thế. Khi bà rời nhà, mình nghĩ mình sẽ trốn trong tủ, để không phải nói lời giã biệt.

Ngày 19 tháng Ba.
Có ba linh mục đến nhà ăn tối hôm nay, ông Wilcox  thân quen, ông Amery là người mà Mildred ưa thích và ông Finch có tóc dán trên đầu hói của ông, râu mép rậm, và nói kiểu cách lạ lùng khiến mình tè ra quần vì phải ráng hết sức để không phì cười. Ông dùng giọng như khi đọc kinh trong nhà thờ, và mỗi lần mở miệng thì nói với mẹ là ’Thưa phu nhân’. Khi mẹ hỏi ông.
– Giờ xin ông dùng thêm chút thịt trừu nữa nhé ?
ông đáp.
– Dạ không, xin cám ơn, thưa phu nhân.
làm Mildred cười khúc khích và ông Wilcox  nháy mắt với mình. Lúc đang ăn bánh ngọt mình hỏi ông Amery là tại sao giáo sĩ luôn luôn mặc áo chùng đen, vì mầu đen coi dễ sợ ? Và Mildred nhăn trán với mình vì chị quí ông Amery, và tưởng mình không nên hỏi vậy. Nhưng mấy người khác cười lớn và mẹ nói.
– Trẻ con biết gì mà hỏi,
như mẹ vẫn hay bảo làm mình bực dọc. Nhưng mình tự hỏi tại sao giáo sĩ luôn luôn mặc áo đen, vì mình chỉ thấy mầu đó quanh những ai mà mình không thích. (Tuy tôi có thể thấy hào quang phát ra quanh con người, lúc đó tôi chưa có kinh nghiệm để biết các mầu khác nhau có ý nghĩa gì).

Ngày 23 tháng Ba.
Mình được cho đi với Janet nghe ông Wilcox  giảng tối qua, như là để thưởng cho mình. Ông nói về lời cầu nguyện. Janet bảo chị thích nhà thờ của ông Wilcox  hơn nhà thờ mà gia đình mình đi lễ, và cho rằng ông giảng hay hơn cha xứ. Mình cũng thích nhà thờ của ông Wilcox , tuy nhà thờ của gia đình mình thì to hơn và bề thế hơn. Khi về nhà mình hỏi mẹ có luôn luôn cầu nguyện trong nhà cầu (closet) không ? Mẹ tỏ vẻ rất ngạc nhiên và đáp.
– Tự nhiên là không rồi, cái gì làm con hỏi như vậy ?
Thành ra mình kể là ông Wilcox  nói trong bài giảng của ông rằng đức Jesus  nói khi cầu nguyện thì chúng ta phải vào nhà cầu (closet). Rồi mình thấy ba cười to, và lắc đầu đằng sau quyển sách đang đọc, nhưng sau đó bảo mình rằng khi xưa chữ closet có nghĩa là gian phòng nhỏ mà không phải là nhà cầu W.C. Nên khi đó mình nói.
– Nhưng nếu đức Jesus  dạy người ta phải một mình vào gian phòng nhỏ, thì tại sao mình lại đi cầu nguyện trong nhà thờ là chỗ có đông đảo người ?
Ba nhìn mẹ và bảo.
– Này, để em trả lời quí tử nhé.
Nhưng mẹ chỉ nói khi nào lớn hơn thì mình sẽ hiểu. Mình nghĩ khó hiểu quá chừng.

Ngày 26 tháng Ba.
Trọn cả ngày mình thấy mệt mỏi và muốn khóc không mà thôi. Mẹ đầy vẻ lo lắng và hỏi.
– Có chuyện gì thế ?
Và mình chỉ có thể nói.
– Con không biết, nhưng cứ nghĩ tới lúc mẹ với ba và Janet và con mèo và con vẹt phải chết, rồi con không biết sẽ làm sao.
Tối nay mình không thể viết gì nữa.

Ngày 23 tháng Tư.
Mình phải nằm liệt giường ba tuần nay, và phải có bác sĩ Bolton đến khám mỗi ngày. Ông nói mình bị bệnh dàn da (vàng da) nhưng bây giờ mình đã khá hơn rồi, nên mình ngồi lên trong giường và viết nhật ký bằng bút chì, rồi sau đó sẽ viết lại bằng bút mực khi mạnh trở lại. Ông Wilcox đến thăm mình ba lần và đem cho mình một cuốn sách có hình đức Jesus. Nhưng khi mình thấy đức Jesus, trông ngài đẹp hơn rất nhiều so với tranh vẽ. Susan nghỉ việc trong lúc mình đau, thành ra mình không phải chào từ biệt nên là chuyện hay. Mình mệt rồi, phải ngưng viết.

Ngày 25 tháng Tư.
Arnold tới chơi buổi trưa với mình, và cả hai chơi Snap trên giường. Mình hỏi về nhật ký của bạn, và Arnold đáp đã bỏ viết từ lâu vì mất công quá (too much sweat). Thành ra mình nghĩ nói cho bạn hay ngay là khi mình dùng chữ ấy thì mẹ nói chỉ người bình dân mới chẩy mồ hôi, còn người thanh nhã thì xuất hạn. Nhưng Arnold nói bạn hay thấy ba lau mặt và bảo.
– Ba đổ mồ hôi như heo,
mà bởi ba Arnold là người thanh nhã, mình nghĩ hẳn mẹ phải lầm rồi.

Ngày 27 tháng Tư.
Mình khám phá ra nơi cả nhà sẽ đi chơi khi mình mạnh trở lại. Mẹ bảo đáng lẽ đã đi sớm hơn rồi nếu mình đừng  quá yếu như vậy. Gia đình sẽ đi Birkdale và ở khu nghỉ mát. Khi mình hỏi mẹ chỗ đó là ra sao, mẹ đáp nó là khách sạn lớn cho người ta đến tắm để được mạnh khỏe. Mildred thì đến ở nhà bác Jane tại Ormskirk, và ba thì đến hội quán của ba tại Leeds, nhưng dành chủ nhật để đi Birkdale, và mình được nghỉ học một lúc lâu. Thích biết chừng nào. (Về sau tôi nghe là chuyên gia về homeopathy - nếu ông là vậy - cho rằng não tôi phát triển nhiều so với thần kinh và thân thể nên cần nghỉ mát phải thời gian dài. Quả đúng là tôi nhỏ con so với tuổi, nhưng dù rất thích đọc sách tôi không thấy lý do gì để bảo tôi đặc biệt thiên về trí óc).
Mildred nghĩ chị phải tới ở với bác Jane thực chán vô cùng, và nói xui hết sức vì trong tất cả các cô dì, bác Jane là người lạ lùng nhất. Lúc ăn sáng ba nói khi ở nhà của bác thì chị phải giữ gìn lời ăn tiếng nói.
– Phải đó, mẹ bảo, và con nhớ đấy nhé, bằng không chuyện sẽ đến tai mẹ đó.
Nhưng Mildred chỉ dẫu môi và không nói gì hết. Chính mình cũng không thích bác Jane, bác có ánh sáng đục ngầu (hào quang mờ mịt) và bác luôn luôn quằm quặm.

Ngày 29 tháng Tư.
Hôm nay mình tới chỗ rồi. Mình khóc thật nhiều khi chào ba và Janet để đi, nhưng rồi cảm thấy khá dần khi xong chuyện.  Mình thích đi xe lửa lắm, cho tới khi bắt đầu thấy không thoải mái vì muốn đi toilet. Nhìn bò và trừu trong đồng cỏ ngoài cửa sổ thật vui thích, và nhìn cây trổ hoa đầy. Nhưng mình không thích đường hầm vì nhiều khói đen bay vào cửa sổ có mùi hôi quá, và mình e sợ vì ngại là người khác có thể tưởng là mùi của mình phát ra.
Có một bà lớn tuổi ngồi ở ghế đối diện có ánh sáng thực xinh đẹp, toàn mầu hồng và xanh, và mình muốn nói chuyện với bà, nhưng nghĩ là mẹ có thể không vui nếu mình làm vậy, vì bà chỉ là phụ nữ tầm thường. (Nhưng xét theo hào quang thì đó không phải là một linh hồn tầm thường). Tuy nhiên thỉnh thoảng bà và mình mỉm cười với nhau khi mẹ không thấy. (Có thể tôi nói không đúng về mẹ trong chuyện này. Dù tựa như đa số người thời Victoria, mẹ có thói quen tệ hại là phân chia giai cấp, nhưng mẹ tốt bụng và sẽ không chống lại việc tôi trao đổi vài lời với một bà khách trong toa xe lửa).
Khi xe lửa đến Southport, có xe tựa như xe omnibus đón ba mẹ con ở nhà ga và đưa cả ba đến khách sạn ở Birkdale. Bác Jane đón Mildred ở Birkdale để chị không phải một mình đi xe lửa đến Ormskirk. Mình không khóc khi chào từ giã Mildred vì chị chưa phải là người lớn. Chỉ khi chào người lớn mới làm mình muốn khóc, như Janet và mẹ và ba và ông Wilcox, tuy mình gần như muốn khóc khi phải xa con mèo và con vẹt.

Ngày 30 tháng Tư.
Mình chưa từng ở trong một ngôi nhà to như thế này bao giờ, và có bữa ăn với bao nhiêu là người mà ai nấy nói cùng một lúc, gây ồn ào còn hơn khi mẹ tiếp khách ở nhà. Thay vì có người giúp việc như Janet thì ở đây là mấy ông hầu bàn, mặc y phục như ba khi đi dự tiệc. Nhưng cũng có người giúp việc như Janet gọi là cô hầu phòng để làm giường và đổ bô.
Mình hỏi mẹ các cô có phải chùi rửa bô thì mẹ bảo không phải, mà là dọn dẹp trong phòng. Cô lo cho mình tên là Sarah, và trên má có một bớt nhỏ mầu nâu, với ba sợi lông mọc tủa ra. Mẹ nói đó là nốt ruồi, nhưng mình không được nói với  Sarah rằng cô là người xứ Wales. Mình hỏi mẹ có phải ai xứ Wales cũng có nốt ruồi hay sao, và mẹ nói không, tuy nhiên nhiều phụ nữ xứ Wales là người giúp việc. Mẹ nói các ông lo tiếp thức ăn ở bàn gọi là hầu bàn, vì họ trông nom khách ở bữa ăn.
Nhưng khi mình hỏi tại sao họ mặc áo đuôi tôm và thắt nơ như ba mặc vào dịp trang trọng, thì mẹ không giải thích được. Mẹ mua cho mình quần áo lót mới làm ngứa ngáy phát khóc, và muốn gãi khắp người. Mình ghét làm chú bé con biết chừng nào. Mình chắc chắn là người lớn không bị bắt buộc phải mặc y phục mà họ không muốn.

 Ngày 4 tháng Năm.
Mình tắm hơi hôm nay và đổ mồ hôi dầm dề. Đám đông gồm nhiều ông lớn tuổi khỏa thân ngồi trên ghế quanh phòng trông thoải mái lắm. Mình nghĩ mấy ông có tuổi mập mạp mà không mặc quần áo trông xấu quá, và hy vọng khi mình lớn lên sẽ không mập phệ và có râu mọc trên ngực. Sau khi mình nóng hầm hập, một ông đặt mình lên bàn và chà xát khắp người, rồi bắt mình đứng dưới cái như cây dù có nước lạnh túa ra từ nhiều lổ nhỏ làm mình nổi gai ốc. Mình không thích tắm hơi, nhưng bác sĩ nói thỉnh thoảng nên có để làm mình mạnh hơn.

Ngày 8 tháng Năm.
Mình làm bạn với một bé gái bằng tuổi mình tên là Majorie, tuy mình nghĩ bạn là con bé hư, và ánh sáng của bạn trông tựa như máu dơ làm mình sợ lắm. Nhưng mẹ nói trông bạn thật là bé gái ngoan, và mình nghe mẹ nói với mẹ của bé gái là Majorie có gương mặt như thiên thần, và nói với mình rằng bé sẽ là bạn dễ thương để cùng chơi đùa.
Nhưng phải chi mẹ biết ! Sao đi nữa hai đứa mình chơi chung trong đồi cát không có ai xung quanh, và thả thuyền giấy mà bạn biết làm trong vũng nước. Sáng nay bạn muốn mình cởi quần lót. Và mình nói.
– Để làm chi ?
Bạn đáp.
– Tại tôi muốn bạn làm thế.
Nên mình nói với bạn là mình biết chắc mẹ sẽ giận nếu mình làm vậy. Rồi bạn bảo.
– Bạn có điên mới đi kể lại mẹ nghe. Tôi không tới kể chuyện này nọ cho mẹ tôi hay.
Sau đó bạn ôm chầm mình nhiều và nói nếu mình không làm điều mà bạn muốn thì bạn sẽ không chơi với mình nữa. Nên mình đáp.
– Tôi không cần, thà chơi một mình thích hơn.
Rồi bạn bắt đầu khóc và bảo mình là thằng bé không tử tế, xấu tính. Nói vậy làm mình bực dọc vì mình không muốn thấy bé gái khóc, mình chỉ muốn thấy thiếu nữ khóc thôi. Nên mình nói với bạn là đừng làm ầm tuy trong bụng mình tội nghiệp bạn … (Vài câu tiếp theo trong nhật ký cho thấy bé gái hiển nhiên biết về tình dục trước tuổi, và thích phơi bầy lộ liễu. Và đây là ’ thiên thần’ nhỏ bé mà bà mẹ không chút nghi ngờ của tôi đã tin là người bạn thích hợp  để chơi đùa, cho cậu con trai được dạy dỗ sùng đạo của bà !).

Ngày 3 tháng Năm.
Trưa nay mẹ bực bội lắm vì mình đi ra bờ biển một mình không chờ Majorie. Mẹ bảo không chú nhỏ lịch thiệp nào lại xử sự như vậy với cô bé, và mình làm mẹ xấu hổ. Mình không nói cho mẹ hay là mình giận Majorie vì bạn cứ đòi mình tụt quần ra. Mình chỉ nói với mẹ là muốn ở yên một mình xem tiên nữ chơi giữa đống đá và rong biển trên bờ, mà sự thực là vậy. Rồi mẹ đâm ra cáu kỉnh, và nói thiệt tình không biết phải làm gì với thằng bé không nói thật chi hết, và mẹ sẽ không để mình đọc chuyện thần tiên nào nữa nếu mình cứ nói những điều tầm bậy như thế.
Thành ra mình đâm bực với mẹ hết sức và gần òa ra khóc, vì mẹ không công bằng khi nói rằng mình bày đặt chuyện mà mẹ không ra bãi biển để tự thấy. Mình nói với mẹ như vậy, và mẹ bảo mình phải phạt là về phòng sớm hơn bình thường một tiếng, vì dám trả lời mẹ. Mình không hiểu gì hết và cảm thấy sầu não vô cùng.
(Từ hồi đó tới nay có nhiều người tiếng tăm đã viết sách, chứng tỏ là có sự hiện hữu của tinh linh từng được đề cập trong chuyện thần tiên như chú lùn, tiên nữ v.v. tùy theo phận sự của chúng trong thiên nhiên. Thi sĩ W.B. Yeats của Ái Nhĩ Lan chẳng những tin là có sinh vật mà dường như còn có thể thấy được chúng. Nhiều người dân xứ Celts có khả năng này. Phải chi mẹ tôi biết điều ấy thì hẳn tôi đã tránh được điều làm hoang mang và rối mù trí óc non nớt của tôi)
Chuyện rầu rĩ,  nhưng khi mình sầu não về việc chi và ghi vào nhật ký thì lại cảm thấy nhẹ lòng. Mình tự hỏi tại sao. (Tuy chưa biết nhưng tôi khám phá rằng viết nhật ký là cách tuyệt hảo để trút bỏ tâm sự. Nó giúp tôi như việc xưng tội giúp tín đồ Công giáo La mã, và như nhà phân tâm học giúp bệnh nhân).

Ngày 17 tháng Năm.
Sáng nay hai mẹ con đi lễ nhà thờ có ba đi cùng. Một bà trong hàng ghế của mình có bụng phát ra tiếng sôi ruột, giống như khi mình giật nước bồn cầu mà không lớn như vậy. Mình bật cười một lần và rồi kinh hoảng hết sức vì đã phát ra cười trong nhà thờ, là chuyện hư lắm. Một ông lớn tuổi ở hàng ghế kế bên luôn luôn ngửi chiếc mũ cao của ông mỗi lần người ta quì xuống đọc kinh, và mình tự hỏi ông làm gì vậy. Sau đó mình hỏi ba khi tan lễ và mọi người đi bộ về. Ba nói thực ra ông không ngửi mũ của ông mà chỉ để nó đằng trước mặt. Nên mình hỏi sao ông không đặt nó dưới gầm ghế.  Và ba nói có lẽ ông sợ để vậy làm hư mũ.
Rồi mình nói.
– Thế, sao ông không đặt bên cạnh trên ghế khi quì xuống ?
Nhưng ba cho là nếu làm vậy, ông có thể quên và ngồi lên trên mũ khi đứng lên. Vậy nay mình biết rồi …
Hôm nay mình nghĩ nhiều về nhà thờ. Nếu là Thượng đế, mình sẽ không muốn ai ai ở khắp nơi mỗi chủ nhật cùng đọc những điều y hệt trong sách, vì như vậy là ngớ ngẩn. Thượng đế tạo nên thế giới, vậy Thượng đế phải rất khôn ngoan, và người khôn ngoan không làm chuyện ngớ ngẩn. Ngoài ra có hôm ông Wilcox  bảo mình rằng ai rất đỗi khôn ngoan không thích được nghe là họ khôn ngoan ra sao, vì nói vậy làm họ không thoải mái. Mình nghĩ tội nghiệp Thượng đế hẳn cảm thấy rất là không thoải mái vào ngày chủ nhật.

Ngày 20 tháng Năm.
Hôm nay cả nhà đi chơi picnic. Cô Wakeham, là người cô còn độc thân của Majorie - mẹ nói khi bà cô hay bà dì mà chưa lập gia đình thì gọi là độc thân - biết cách đánh xe ngựa. Thế nên cô mướn chiếc xe ngựa đưa lũ trẻ tụi mình tới chỗ tên Freshfield, nơi có rừng xinh đẹp, và cả bọn ngồi ăn bánh uống trà dưới tàng cây.
Mình thích cô Wakeham, cô vui tánh hết sức, không hề bí xị và không tỏ vẻ sửng sốt như cô Griffin khi có gì xẩy ra. Lúc ngồi trên xe quay về, con ngựa xì hơi ra tiếng và Majorie cười khúc khích và mình tưởng cô Wakeham sẽ bực. Nhưng cô chỉ cau mặt và nói.
– Ngoan nào, ngoan nhé !
Cô bảo tụi mình là ngựa hay làm vậy nếu người ta cho nó ăn bánh mì, là món mà lũ trẻ cho ngựa ăn sau bữa picnic, vì để bánh trong lòng bàn tay cho ngựa ăn thật là vui. Ngay khi vừa ăn bánh uống trà xong, mình thấy bốn chú elves nhỏ giống như hình vẽ trong quyển chuyện thần tiên của mình. Chúng nhìn chằm chằm mọi người cả một phút làm như ai nấy ngộ nghĩnh lắm, rồi bỏ chạy mất.
Mình huých nhẹ cô Wakeham và kêu lên.
– Nhìn các chú elves kìa.
Cô hứng thú nói.
– Đâu, đâu ?
Nhưng bảo cô không thấy được chúng. Có lẽ tại cô mang kính. (Không cần phải nói đó không phải là lý do). Majorie cũng không thấy được chúng vì ngay khi ấy bạn đang ở đằng sau một gốc cây ’xả nước’. Mình ước sao tất cả có thể đi chơi rừng thường hơn và thấy thêm các chú elves bé nhỏ. Chúng nhỏ hơn elves ở bãi biển tại Birkdale tuy cũng trông ngộ nghĩnh.

Ngày 21 tháng Năm.
Khi ba về nhà tối nay, mình đang đọc quyển sách tên the Picnick Papers của C. Dickens mà mình tìm thấy trong phòng khách. Nhưng ba lấy lại vì ba nói mình sẽ học được một lô nhiều chữ xấu trong đó, và ba lấy cuốn khác trên kệ của tác giả Walter Scott. Mình bực chuyện ấy, vì khi thấy hình người ta đâm chém nhau trong sách, mình không thích nó tuy không nói cho ba hay. Mình tự hỏi tại sao ai viết chuyện luôn luôn muốn có đánh nhau, gươm đâm vào người nhau vì đó là thuật lường gạt và có gì hay ho đâu ?
Ngoài ra, sách về người sắp chết làm mình khóc tuy mình biết như vậy là ngớ ngẩn, vì mình biết thực ra người ta không chết. Ông nội và bà nội và chú Willie trông đẹp đẽ hơn khi trước (lúc còn trên trần) khi mình gặp họ (như là linh hồn) ... Mình vừa mới viết nó xong thì lập tức thấy ông nội đứng đó và gật đầu, và nói.
– Đúng lắm, con à, và chúng ta vui vẻ hơn nữa. Và ông nói.
– Con tiếp tục viết nhật ký đi, và nhớ lời ông, ngày kia nó sẽ được in ra, giúp làm bớt đi bóng tối. Đừng quên những lời ông nói nhé !
Sau đó ông đi mất. Nhưng mình không biết là ông ngụ ý gì khi nói làm bớt đi bóng tối, tuy mình sẽ tiếp tục viết nhật ký, chắc chắn mình sẽ làm vậy.
(còn tiếp)

Xem Chú Bé Thấy Chuyện Thật 4