CHÚ BÉ THẤY CHUYỆN THẬT 1

Chú Bé Thấy Chuyện Thật

 

 

 Mở Đầu
Độc giả của PST hẳn đã quen thuộc với tác giả Cyril Scott qua chuyện Vị Chân Sư - The Initiate đăng trên PST, nay xin mời bạn đọc một chuyện khác của ông tên The Boy Who Saw True, là nhật ký của một chú bé khoảng 5, 6 tuổi, xuất bản lần đầu năm 1953 và sau đó tái bản nhiều lần. Vì em còn nhỏ nên có cách viết trẻ thơ tự nhiên không trau chuốt, cũng như vài chữ viết sai chính tả. Khi xem lại để cho xuất bản, tác giả giữ y những chữ viết không đúng trong bản Anh văn, do đó bản dịch Việt ngữ cũng có lỗi chính tả tương tự để theo sát nguyên tác. Trong chuyện dưới đây khi bạn gặp các chữ như nhậc ký, tội ngại tình, blancmonge, nặn, tịm, dàn da (vàng da)v.v. thì đó là chủ ý mà không phải vì sơ sót; ngoài ra những chữ trong ngoặc là ghi chú của tác giả.
Sách do Thanh Thiên dịch.

 Giới Thiệu

Trong sự nghiệp hai phần của tôi như là nhà soạn nhạc và viết về huyền bí học và những đề tài khác, thỉnh thoảng tôi nhận được bản thảo của nhiều người (đa số là phụ nữ) lạc quan đến mức tưởng tượng lời mở đầu do tôi viết sẽ khiến tác phẩm văn chương của họ nặng ký hơn ! Vài người còn yêu cầu tôi cho hay là họ (các tác giả) là tái sinh của các nhân vật tiếng tăm ! Đương nhiên là tôi từ chối làm vậy, vì nội dung bản thảo của họ tự nó đủ để chứng tỏ lời xác nhận ấy chỉ là lòng kiêu hãnh mà ra. Còn bản thảo về việc liên lạc với người đã khuất và thông nhãn nói chung, những điều này có thể thú vị cho ai chưa tin về việc người ta còn sống sau khi chết, nhưng việc chúng giống y nhau dễ làm ai đã tin thấy chán.
Chuyện The Boy Who Saw True, tuy vậy thuộc về loại khác hẳn, và có nội dung khác với hằng trăm sách mà tôi đã đọc về Thông linh học (Spiritualism) và đề tài tương tự. Thực vậy không một sách nào có những đặc điểm của sách này như tính nhân bản cao độ, đa dạng với nét thành thật ngây thơ, nét ngộ nghĩnh, hóm hỉnh vô tư, sự lưỡng lự giữa điều kỳ quặc và điều cao cả, và có lẽ tôi cả gan xin thêm khả năng thuyết phục là do việc chú nhỏ ghi nhật ký không hề viết với ý khẳng định.
Đây là chú bé khôn trước tuổi, có thông nhãn bẩm sinh (như trẻ nhỏ khác có khả năng bẩm sinh về âm nhạc), có thể thấy được hào quang và người đã khuất mà không biết là ai khác không có khả năng tương tự. Do đó em bị hiểu lầm và phải chịu nhiều điều không vui. Nhưng ngoài các điều ấy, chuyện đáng nói ở điểm là nó cho thấy tư tưởng, cảm xúc và thắc mắc của thiếu niên thời Victoria lớn lên trước thập niên 1890s; tuy vậy theo ý riêng tôi tiếc là ông đòi xóa nhiều phần của nhật ký, và chỉ để lại những phần mà ông tin là làm công chúng vui hay có ích cho họ.
Điều này dẫn tới ý là tôi đã bị gạt về bản thảo; tuy nhiều bạn hữu mà tôi cho mượn đọc bản thảo đã mạnh mẽ bác bỏ việc ấy. Nói về các ý tưởng trái nghịch như vậy tôi chỉ có thể thưa rằng trong đời tôi đã quen biết - có khi rất thân thiết - ít nhất ba mươi người có cùng khả năng như chú nhỏ viết nhật ký, với mức độ khác nhau. Lại nữa, tôi tin rằng chẳng bao lâu về sau, nhiều trẻ sinh ra có cùng khả năng như ông có và có thể cũng bị hiểu lầm y vậy. Tôi cảm thấy gần gũi với tác giả và nhớ lại thuở ấu thơ của mình, và những thắc mắc lẫn cảm xúc của nó. Chuyện ngẫu nhiên là về chiêm tinh học cả hai chúng tôi đều thuộc tuổi Thiên Xứng (Libra), điều ấy có thể làm chúng tôi có chung một số đặc tính, tuy hiển nhiên là ông có điều khác ứng với việc có khả năng tâm linh đáng kể.
Sau đây xin ghi các chi tiết mà người vợ góa của ông cho hay. Trước khi ông mất, bà thuyết phục chồng cho xuất bản tập nhật ký, nhưng ông đặt một số điều kiện. Chỉ vài năm sau khi ông qua đời mới được in sách và một số tên phải thay đổi, vì ông không muốn làm thân nhân và bạn hữu còn sống bị khó xử. (Óc hài hước của ông thấy qua việc khi tên thật mà có chút ngộ nghĩnh, ông thay bằng tên khác cũng có nét khôi hài tương tự).
Thêm vào đó ông đòi sửa lại dấu chấm phết trong Phần I, và ’chữa’ một số đoạn mà chính tả và văn phạm sai sẽ chỉ làm độc giả bực bội hơn là thấy tức cười. Dầu vậy, trong một số trường hợp ông chịu để nguyên chữ sai chính tả, và khi nào như vậy thì ta không nên trách nhà in và người sửa bản in. Về tựa sách, ông không chịu dùng tựa nghe văn vẻ hơn tên đã chọn, cũng như không tiết lộ danh tính của tác giả. Bà đề nghị là nhờ ai đã viết sách về huyền bí học viết lời giới thiệu, ông không phản đối việc ấy tuy khiêm nhượng nói rằng sẽ không tìm được ai như thế !
Nói về chính tác giả viết nhật ký thì ông sinh ở miền bắc nước Anh, cha ông là thương gia mà thích đọc sách. Cậu con trai có vẻ như thừa hưởng tính này, và ngay từ khi còn nhỏ đã có ước vọng văn chương, dẫn tới vài đoạn ngộ nghĩnh trong chuyện. Ông lẻn vào phòng sách của ba và đọc những sách mà theo lời mẹ, khi lấy lại không cho đọc, là ’không thích hợp chút nào cho trẻ con’. Và hiển nhiên là bà có lý, tuy hệ quả là việc tò mò của chú nhỏ khôn trước tuổi dẫn tới kết cục thật buồn cười, ít nhất là tôi thấy như vậy.
Phần cuối của tập hồi ký tôi có thêm vài chi tiết về cuộc đời tác giả.

Cyril Scott
Eastbourne, December, 1952.

PHẦN  I

Tập Nhật Ký
Ghi Chú: Những lời ghi trong ngoặc là của tác giả khi chuẩn bị bản thảo đem in. C.S.

1885

Ngày 1 tháng Giêng.
Arnold, bạn thân nhất của mình, nói là bạn sẽ bắt đầu viết nhậc ký (dairy) trong năm mới, nên mình nói là cũng viết nữa, và mong là mai mốt nó sẽ được in ra như cuốn nhậc ký của ông Pepys trên kệ sách của papa. Khi mình nói với chị Mildred, chị cá một đồng kẹo chanh là mình sẽ chán trong vòng một tuần. Nhưng khi mình nói với papa và mama thì papa bảo.
– Phải lắm, con viết nhậc ký đi. Nhưng luôn nhớ rằng chuyện gì đáng làm thì làm cho đáng. Vậy nhớ viết cho hay, và khi không biết cách viết chữ nào thì hỏi ai biết viết chữ ấy.
Và mama nói.
– Đúng vậy, nhớ đừng quên lời papa.
Thành ra mình phải nói là sẽ không quên, nhưng mình thấy như là bị thách thức, vì mình không thể làm điều gì mà không bị papa và mama giảng morale cho nghe ... Mildred bị la vì hai chị em mới nghe là thứ ba phải bắt đầu học trở lại, và Mildred bảo thiệt là không công bằng chút nào, vì papa không để cho các con được nghỉ lâu như ở trường. Nhưng papa nói không thích cho nghỉ lâu, và khi trẻ con không có việc gì để làm thì chúng  đâm ra phá phách. Mildred nói papa khó tánh như cai tù. Papa mà nghe được thì sẽ bực lắm ... Mình không nghĩ được gì để viết thêm.

Ngày 2 tháng Giêng.
Sáng nay papa dậy không vui, than phiền về lá gan của mình, bẳn gắt với mama, và nói là thịt rán mặn quá, trứng luộc chín quá, và đủ thứ hết. Mình thấy rất là không thoải mái và nghĩ vậy không công bằng, tại đó là lỗi của Susan mà không phải là lỗi của mama, và papa không có chiện gì để nói như vậy. Papa cũng bực mình hết sức vì con mèo làm hôi nhà, papa nói nếu không dạy được con mèo biết ăn ở cho sạch thì đừng nuôi thú nào hết. Rồi Mildred làm lanh, nói cả nhà không có lỗi nếu con mèo bị Tào Tháo rược. Thành ra mama phạt Mildred phải học thuộc một trang sách vì trả treo với papa. Mình ước chi Mildred đừng làm lanh với papa như thế. Mình luôn luôn biết khi nào papa khó chịu về gan vì ánh sáng (hào quang) của papa hóa xấu xí, và chị cũng phải biết chứ. Nhưng nói với Mildred chỉ vô ích, chị sẽ bảo mình im lại. (Hàm ý về ánh sáng sẽ được giải rõ về sau).

Ngày 4 tháng Giêng.
Mama bảo ngày chủ nhật thì mình chỉ viết điều gì thánh thiện trong nhậc ký thôi, về nhà thờ và mấy điều như vậy. Nhưng sang hôm sau thì mình có thể viết điều gì còn nhớ. Sau khi dự lễ ở nhà thờ, mình hỏi papa phạm tội ngại tình là gì. Papa ngửa đầu nhìn trần nhà và than.
– Con nít con nôi thiệt là !
Mama thì đỏ mặt và nói.
– Đừng hỏi nhiều quá.
Và Janet (cô giúp việc nhà)  buột miệng nói bậy, rảo bước ra khỏi phòng, và mọi người nghe chị phá ra cười bên ngoài cửa. Rồi Mildred và mình cười khúc khích vì Janet nói bậy, và mama nhăn trán, bảo hai chị em phải cư xử cho phải phép. Nhưng sau đó khi mình hỏi Mildred tại sao như vậy thì chị bảo không biết. Mình thấy sao ngộ quá, thiệt vậy, vì phạm tội ngại tình là một trong các điều răn, và linh mục đọc các điều răn ấy trong nhà thờ.

Ngày 5 tháng Giêng.
Chiều nay mama dẫn mình đi nha sĩ để nhét cái như giấy bạc vào răng. Mình hỏi ông có thích làm nha sĩ hí hoáy trong miệng người khác, và ông bảo không ngại làm vậy. Rồi mình nói.
– Nhưng khó chịu cho ông nếu người ta ăn hành tây.
Ông cười một chút và nói.
– Phải rồi, vậy không dễ chịu một chút.
Mama cũng cười  một chút nhưng làm như lẽ ra mình không nên nói như thế, vì chỉ có người tầm thường mới ăn hành tây. Khi về nhà, mình nghĩ ra trò là giả vờ làm nha sĩ để được chút tiền túi. Thành ra mình lấy một ít giấy bạc trong hộp chocolate cũ, vo lại thành giống như viên thuốc để trám vô răng rồi cất chúng vào một cái lọ. Xong mình bảo Susan (bà bếp) là nếu bà bị đau răng, mình sẽ làm bà hết đau mà chỉ lấy có hai đồng thôi. Nhưng sau đó Mildred bảo mình trật đường rầy rồi, vì Susan có răng giả không cần phải trám, nên mình thất vọng ...

Ngày 8 tháng Giêng.
Hôm nay mình bảo Mildred là mình thắng cuộc và chị phải đưa mình kẹo, vì mình không chán viết nhật ký (nay viết đúng – diary) trong một tuần như chị bảo sẽ vậy. Nhưng chị trả lời là chỉ đưa mình kẹo nếu cho chị xem mình đã viết gì. Thành ra mình nói vậy không công bằng, tại đó là điều riêng tư. Rồi chị giật lấy cuốn nhật ký khỏi tay mình và bắt đầu đọc; chị phá ra cười và nói.
– Coi coi, em còn chưa viết đúng chính tả. (Tôi quên sửa lại cách viết trong những ngày trước). Em trả chị bao nhiêu để đi vắt sữa bò ? (Mildred chơi chữ, vì chú bé viết dairy thay vì diary).
– Chị đi mà vắt lấy một mình. Mình giận dỗi nói. (Hiển nhiên là tôi không biết chị đang chọc tôi viết sai).
– Đừng có khùn, chị kêu, nếu em không biết thì chữ đúng là diary mà không phải là dairy, là sữa. Sai bét.
Rồi chị nhăn mặt với mình và thẩy cuốn tập đẹp vô mặt mình. Mình ước phải chi mình hơn chị bốn tuổi thay vì ngược lại, mình sẽ nói bẻ lại, sẽ ...
Hôm nay mama thấy không khỏe, mama thở dài lúc ăn trưa và thốt câu hay nói.
– Phải chi người ta không cần ăn để sống.
Mình cũng ước vậy nếu bữa ăn có thịt nguội và món ngọt có sữa không ngon, hay món blancmonge (blancmange) thiệt chán.  Mình làm hòa với chị Mildred trước giờ học trưa, và nói sẽ không đòi kẹo nếu chị hứa không đọc nhật ký của mình nữa. Và chị hứa. Nhưng mình cũng vẫn đem dấu nhật ký cho chắc ăn.

Ngày 16 tháng Giêng.
Hôm nay hai chị em bắt đầu học kinh thánh trở lại. Mình luôn luôn thích khi đọc về đức Jesus  và không thích khi đọc về Jehovah, tại mình nghĩ Jehovah là ông già khó ưa, còn mình yêu quí đức Jesus. Sáng nay bài đọc là về việc cắt da qui đầu của đức Jesus, chữ này (circumcision) mình phải mở kinh thánh để kiếm tại mình quên cách viết. Tự nhiên là hai chị em phải hỏi cô Griffin cắt da qui đầu là làm sao, nhưng cô Griffin bảo cô không chắc lắm, theo cô nghĩ thì người ta cắt một chút da tráng của em bé và nó để lại dấu vết. Nên Mildred bảo vậy đau chết đi, rồi hỏi người ta có cho em bé ngửi thuốc mê; cô Griffin tỏ vẻ hơi bực một chút và nói, Không. (Đây là cách tả vụng về của tôi, muốn nói rằng cô thẳng người lại và hóa cứng ngắc).
Sau đó mình nghĩ là nên hỏi cô về tội ngại tình, tại mama không chịu giải thích, nhưng cô chỉ đỏ mặt và nói là hai chị em khi lớn lên sẽ hiểu, rồi cô xì mũi.
– Thế, ít nhất cô cho chúng em hay, Mildred nói, cô có phạm tội ngại tình lần nào chưa ?
– Thánh thần ơi, dĩ nhiên là chưa. Cô trả lời mà mặt đỏ như gấc.
– Vậy em nghĩ cô nên giải thích cho chúng em nó nghĩa là gì, vì nếu cô không nói, em sẽ mở tự điển để tra.
– Cô cấm em không được làm thế, cô Griffin nói. Nếu em muốn biết thì tốt hơn để cô nói. Khi người đàn ông xấu tới nỗi muốn thành hôn với ai khác đã lập gia đình rồi, thì đó gọi là phạm tội ngại tình.
– Ô, chỉ có vậy thôi sao ? Mildred nói, vậy sao cô không nói ngay từ hồi nẫy ?
– Cô không ngại kể cho chúng em nghe về Cain và Abel hôm nọ, mình nói, nếu em giết Mildred thì nó còn xấu hơn so với nếu em muốn thành hôn với bác Maude, là người đã thành hôn với bác John.
– Không có ai thành hôn với bác mình, cô Griffin bảo, người thẳng đơ. Cô Griffin luôn luôn thẳng đơ khi bực dọc. (Tội nghiệp cho cô giáo có tâm tình bị dồn nén mà không có óc khôi hài ! Cách cô dùng để tránh điều khó nói mà chúng tôi đặt ra cho cô chỉ đưa tới việc tệ hơn về sau). Khi cô Griffin về rồi, Mildred không vâng lời mà lấy ngay cuốn tự điển ra để tìm chữ ’tội ngại tình’, nhưng chị không hiểu chữ nào trong sách hết, mình cũng không luôn ...

Ngày 18 tháng Giêng.
Lúc ăn sáng mình hỏi xin mama một cái hộp với chìa khóa mà mình thấy trong cửa hàng bán đồ chơi, như là quà sinh nhật kỳ tới cho mình. Khi mama hỏi để làm gì, mình thưa để cất nhật ký trong đó và khóa lại. Mama cười một chút nhưng bảo được lắm, mình có thể có hộp nếu mình ngoan ... Trưa nay là bữa mama tiếp khách ở nhà, và có khoảng 50 bà lớn tuổi đến (tôi ghi quá đáng) và nói năng làm phòng khách ồn ào như tháp Babel. Giữa chừng, mama đi ra phòng ngoài mặt đỏ lên, vì mama luôn đỏ mặt khi có đông người, và kêu to gọi hai chị em xuống để chào bà Bennett. (Mẹ tôi không hề kêu to, mẹ gọi giọng êm ái). Rồi sau khi cả hai thưa bà Bennett và tất cả các bà khác, và mình thấy không thoải mái chút nào, mama nói.
– Giỏi, thôi đi ra ngoài.
Và vậy là xong. Sau đó khi mama vô phòng học của hai chị em, mình hỏi mama người già khú đế trong số các bà khách hôm nay có lông mày rậm như ria mép của papa là ai, và mama hỏi.
– Con học ở đâu chữ đó vậy ?
Mình bảo với mama là ông Hobbs làm vườn luôn gọi người ta như vậy, và mama bảo nói như thế thô lỗ và mình không được nói vậy nữa. Nhưng mình vẫn nói chữ đó trong nhật ký nếu muốn, vì mình không thấy tại sao lại không nên làm vậy.

Ngày 20 tháng Giêng.
Hôm nay hai chị em đi học nhẩy và mình lại thấy lòng đầy thương yêu. Cô gái tên Florrie, cô có gương mặt dễ yêu với mắt xanh nhạt, và Mildred nói cô 16 tuổi. Mình ước phải chi thấy được cô khóc. Mình sẽ không bực khi tới giờ phải đi ngủ tối nay, khi đó mình có thể nghĩ đến cô và giả vờ như cô khóc rồi mình ôm lấy cô và bảo cô đừng khóc nữa ... (Từ khoảng bốn tuổi tôi luôn say mê các cô gái lớn tuổi hơn tôi rất nhiều, và tôi luôn luôn tưởng tượng là các cô đau buồn và cái tôi nhỏ tuổi đóng vai người an ủi. Đôi khi tôi có lòng đầy thương yêu chỉ vì thấy một cô gái hay thiếu nữ khóc. Bé gái đồng tuổi với tôi lại không bao giờ gợi nên cảm tình thương mến trong lòng tôi).

Ngày 22 tháng Giêng.
Hôm nay là sinh nhật của Mildred, papa và mama có quà cho chị là trò chơi cho ngày chủ nhật gọi là Pilgrim’s Progress, còn mình cho chị hộp sơn giá mười đồng của mama cho tiền mua. Mama nói bây giờ hai chị em lớn quá rồi mama muốn hai chị em đừng gọi ba mẹ là papa với mama nữa, mà gọi là ba với mẹ, vì chỉ có người tầm thường hay trẻ con rất nhỏ mới gọi là papa và mama … Hai chị em được cho nghỉ học trưa nay, vì Arnold, Ethel và Henry được mời đến chơi, uống trà ăn bánh. Mẹ không có nhà vì phải trông coi gian hàng bán ở chợ từ thiện, nhưng Susan và Janet được cho phép chơi với lũ trẻ con ở phòng học, và bà Prettyman, mà ba luôn gọi là bà già khó ưa, tới để trông nhà và trả lời khi có chuông báo khách.

Ngày 30 tháng Giêng.
Linh mục Wilcox đến chơi hôm nay, vào phòng học và mang cho mình chiếc tầu hỏa chạy trên đường rầy. Mình thích ông Wilcox, gia đình thiệt vui khi có ông đến, và ông chơi dương cầm cho mình nghe, và mình thích điều ấy hơn bất cứ gì khác, và muốn thành nhạc sĩ phong cầm khi lớn lên. Mẹ mời ông tới ăn trưa hôm chủ nhật, tại vì bà bếp nhà ông ốm, và không có ai nấu bữa trưa chủ nhật đàng hoàng cho ông ăn, nên mình mong là cơm nhà sẽ có gà với sốt và ông sẽ kể chuyện khôi hài của ông. (Tôi cần ghi linh mục Wilcox là thầy giảng ở nhà thờ Anh giáo mà ba mẹ thường đi dự lễ).
Mình nói với ông Wilcox là mình viết nhật ký, ông bảo ông cũng có tập nhật ký và khi có gì đáng ghi thì ông viết vô tập. Ông nói ông không viết mỗi ngày vì có ngớ ngẩn mới ghi chuyện như tôi thức dậy, tôi ăn cháo sáng, tôi đi ngủ, tôi rửa tay và mấy chuyện như thế. Và mình nói mình cũng cho đó là chuyện ngớ ngẩn, bởi đâu có ích gì. Và ông tỏ vẻ thật hài lòng và nói.
– Tôi rất vui là em đồng ý với tôi.
Mình nghĩ mình có hơi hư một chút, nhưng mình không nói cho ông hay là có ghi vài chuyện vớ vẩn đó; nhưng mình đã gạch bỏ và như vậy là được rồi.
Con mèo Tommy lại làm hôi nhà nữa hôm nay, và khi ba về mình nghe ba nói.
– Úi, không phải chuyện đùa đâu, phải bỏ con mèo đi thôi.
Mình thấy buồn quá, vì nếu phải bỏ con mèo thì tim mình sẽ tan vỡ, như bà Buddle bảo mẹ khi ông Buddle chết.

Ngày 1 tháng Hai.
Hôm nay thiệt là ngày tệ hại. Mình đi nhà thờ với mẹ và chị Mildred, họ chơi nhạc buồn và hát bài não nuột cho ông Thomas vừa chết bất thình lình, và mình khóc tới nỗi mẹ kêu Mildred dẫn mình ra ngoài. Ở ngoài rồi thì Mildred cáu kỉnh vì chị thích ông Amery là thầy giảng, và muốn nhìn ông luôn trong chiếc áo ngủ, nhưng thiệt ra gọi là áo surplus (suplice, tác giả còn nhỏ nên viết sai). Sau đó mẹ nói là nếu biết trước về ông Thomas mẹ sẽ để mình ở nhà, vì mẹ biết là ’chuyện làm con xúc động mạnh’ ...
Ông Wilcox đến ăn trưa ngày chủ nhật, với ba cắt thịt gà có sốt, và sau đó là bánh gừng. Nhưng mình không ăn được bánh gừng vì khi ấy có chuyện xẩy ra. Ông Wilcox nói với ba.
– Coi này, Mildred càng lớn càng giống mẹ, ông có thấy vậy không ?
Rồi lúc ai chưa kịp nói gì, Mildred đang khó chịu và lầu bầu, bạo gan nói.
– Nếu con lớn lên giống mẹ thì ông có muốn thành hôn với con không ?
– Tự nhiên rồi, ông Wilcox đáp.
– Con đoán ấy là vì ông thực ra muốn thành hôn với mẹ, Mildred nói, hóa bạo dạn hơn nữa.
– Tự nhiên rồi, ông Wilcox lại đáp và mình thấy ông nháy mắt với ba. Rồi Mildred nói.
– Vậy ông xấu quá, ông phạm tội ngại tình.
Mọi người kinh ngạc dễ sợ sau đó, và mẹ đỏ mặt như cái váy len, kêu Mildred ra khỏi phòng, ba thì nói vài chữ tiếng Pháp, và mình khóc và nói đó không phải là lỗi của chị, vì cô Griffin khi dạy kinh thánh cho hai chị em nói rằng nếu người đàn ông muốn thành hôn với một bà đã lập gia đình rồi, thì đó gọi là phạm tội ngại tình. Ba nhăn mặt và nói.
– Chà, ai mà ngờ được !
Và ông Wilcox vỗ lưng mình và bảo.
– Không sao, bé con, chuyện đời tức cười lắm, và ông cho mình đồng xu để mai mua kẹo.
Nhưng cảnh không vui, và mình ước phải chi Mildred ngoan hơn, vì mình chịu không được khi có cãi nhau. Mình nghĩ ba thấy tội nghiệp cho hai con, vì để làm chúng mình vui ba đã chơi trò Pilgrim’s Progress với hai chị em sau đó ở phòng ăn.

Ngày 2 tháng Hai.
Đêm hôm ấy mình lại thấy đức Jesus. Ngài đứng ở chân giường và mỉm cười với mình. Ánh sáng của ngài thật là xinh đẹp, toàn mầu vàng óng và hồng và lục và xanh và vàng như cầu vồng thấy ngoài cửa sổ hôm đó. Ngài nhìn như thể muốn an ủi mình về ngày quá tệ mình có. Ngài có đôi mắt xanh hết sức dịu dàng và tóc dài mầu nâu, và ngài làm mình cảm thấy hạnh phúc hết sức. Đây là lần thứ ba mình thấy ngài, nhưng mình ước ao phải chi ngài đến thường  hơn.
(Tôi nhớ là đã có thông nhãn từ hồi còn nhỏ, có thể thấy người quá vãng và hào quang quanh người mà tôi gọi là ‘ánh sáng’.  Sao đi nữa, tôi chưa hề nghe nói đến thông nhãn và tưởng đó là khả năng tự nhiên ai cũng có, giống như ngũ quan. Tôi không hề nghĩ nó là ‘giác quan đặc biệt’, và việc tôi ngây thơ về khả năng này lẫn việc có nó làm tôi gặp nhiều khó khăn như nhật ký cho thấy. Trong những năm đầu đời, bất cứ khi nào tôi nói là ’thấy’ chuyện này chuyện kia thì ba mẹ chỉ mỉm cười độ lượng, cho đó là óc tưởng tượng của trẻ con. Nhưng về sau thái độ này thay đổi thành điều đáng ngại hơn).
(còn tiếp)

Xem Chú Bé Thấy Chuyện Thật 2