THƯ GỬI ÔNG SINNETT

Thư Gửi Ông Sinnett  (tt)

 

 

Thư 81 (tt)
… Phải, bạn nói đúng, ông Hume không có nhận xét hay cảm xúc tinh tế và cũng không có lòng tốt chân tình nào trong tâm … Bạn không có ý niệm gì về sự ích kỷ tiềm tàng nơi ông, lòng vị kỷ tàn nhẫn không hối tiếc mà ông mang trở lại kiếp này từ kiếp vừa qua, lòng ích kỷ và vị kỷ chỉ tiềm ẩn do khung cảnh không thuận lợi ông đang sống trong đó, do địa vị xã hội và giáo dục của ông, còn chúng tôi biết.
Lý do thư ông Hume với lời lẽ thiếu tôn kính các Mahatma được đăng trên The Theosophist được ngài cho hay:
– Tôi không có quyền ém nhẹm bài ‘có tính công kích’ theo cách bạn gọi nó, vì một số lẽ. Khi cho phép tên chúng tôi gắn liền với hội Theosophia và chính chúng tôi bị lôi kéo ra trước công chúng, chúng tôi phải nhận chịu (chỉ là một cách nói) điều mà ông Olcott gọi là ‘bị phạt vì sự cao cả’ của chúng tôi. Chúng tôi phải cho phép có sự biểu lộ mỗi ý kiến dù tốt hay xấu; để cho mình bị tấn công tơi tả, hôm nay giảng dạy, hôm sau được tôn thờ và hôm kế tiếp bị chà đạp trong bùn nhơ. Lý do thứ hai là đức Văn Minh ra lệnh như thế (đăng thư ông Hume)… Về mặt này thì không còn hy vọng gì cho ông Hume, ông  đã đi quá mức và tôi không còn cơ hội nào nữa để nhắc tên ông trước mặt Vị trưởng thượng đáng kính của chúng tôi…
…Tôi hy vọng, bạn thân mến, bạn sẽ tìm cách gây ấn tượng cho ông về điều sau, là tuy điều ông làm cho Hội cuối cùng sẽ thành hết sức quan trọng và điều ấy có thể mang lại thành quả hữu ích nhất, nhưng bài tố giác của ông làm đảo ngược công lao ông đã bỏ ra … các chela của chúng tôi xem ông … không xứng đáng là một trong bọn họ … Ngài M. coi khinh ông Hume hoàn toàn, nhưng nếu có gì nguy hiểm thật sự xẩy ra, ngài sẽ là người đầu tiên che chở ông do công lao và nỗ lực mà ông đã làm cho Hội.
… Cũng xin cho ông hay là chúng tôi không liên can gì đến thư Phản Đối của các chela, mà đó là hệ quả theo lệnh của đức Văn Minh …

Thư 82 - Nhận mùa thu 1882
Thư này tiếp tục bàn về bài viết của ông Hume.

Vì đã nhập thế với cuộc đời bên ngoài, chúng tôi không có quyền ngăn chặn ý kiến riêng của từng hội viên hay làm ngơ lời chỉ trích của họ, dù bất lợi thế mấy cho chúng tôi, vì vậy mà có lệnh cho HPB đăng bài của ông Hume. Chỉ vì muốn thế giới biết hai mặt của vấn đề nên chúng tôi cũng cho phép có thư đồng phản đối của các chela, đăng trên tờ Theosophist theo sau lời phê bình của ông về chúng tôi và hệ thống của chúng tôi.
Trong lúc này, hãy nghĩ đến những khó khăn đương nhiên nằm trong đường của chúng ta, và nếu tình bạn của bạn với tôi là chân thật, xin đừng để cho ta phải tranh đấu với xiềng xích, làm cho nó căng thẳng hơn và nặng nề hơn. Về phần tôi, tôi sẽ sẵn lòng chấp nhận việc bị xem là kẻ dốt nát tự mâu thuẫn, và bị chỉ trích trên báo bằng lời thiếu chừng mực của ông Hume, miễn là bạn thực sự học được từ việc ấy, và thỉnh thoảng chia sẻ với thế giới hiểu biết của bạn. Nhưng để cho bạn biết tư tưởng không che đậy của tôi, tôi không hề muốn có rủi ro với người Âu châu nào nữa trừ bạn. Như nay bạn đã thấy, có liên hệ với thế giới bên ngoài chỉ mang lại phiền não cho ai hết lòng phụng sự chúng tôi, và gây tai tiếng cho Nhóm Huynh Đệ.
Sự công kích có tính ích kỷ của ông Hume chống lại chúng tôi sẽ không ảnh hưởng được người Á châu nào, nhưng  độc giả Âu châu sẽ chấp nhận những công kích và chỉ trích này như là tiết lộ và thú nhận, mà không hề nghi ngờ là chuyện từ đâu mà ra, và đã được phát sinh do cảm xúc ích kỷ sâu xa như thế nào; những tấn công này được tính toán để gây ra tai hại lớn lao, theo hướng mà bạn không hề nghĩ tới.
Thư nhắc lại nguyên do của việc trao đổi thư từ giữa ngài và hai ông.
Đức Văn Minh đã thuận theo lời thuyết phục của chúng tôi, quyết định không để mất một công cụ (hữu ích về một mặt, đương nhiên) và cho phép tôi liên lạc với ông Hume. Tôi đã cam kết với ngài là ông đã hối lỗi, là người đã thay đổi. Và nay, làm sao tôi có thể đối mặt với bậc Tôn Sư Cao Cả của tôi (đức Văn Minh), Vị đã bị óc sắc sảo của ông chê cười, gọi bằng những tên không đẹp ? Và ông dùng những chữ này trong thư của ông, ý nghĩa thô tục quá khiến tôi không thể nhắc lại chúng, làm tâm hồn tôi chống báng khi đọc chúng; những chữ dơ bẩn tới nỗi làm ô nhiễm bầu không khí chạm tới chúng, và tôi đã vội vàng gửi cho bạn với thư kèm theo chúng để không còn những trang thư ấy trong nhà tôi đầy các chela trẻ và ngay tình, hầu cho tôi ngăn để họ không phải nghe những chữ như thế.
Rồi chính bạn, bạn à, đã bị ông ảnh hưởng về điều này nhiều hơn là bạn biết hay nghi ngờ, bạn suy diễn quá vội về ý ‘mâu thuẫn’ chưa đầy đủ. Nét mới mẻ hay khía cạnh không thể giải thích của một sự kiện nào được xác nhận trong khoa học của chúng tôi thì không phải là lý do đủ để lập tức coi nó là mâu thuẫn, và tuyên bố như ông Hume làm trong bài của ông rằng ông có thể dạy trong  một tuần những gì mà ông đã rút ra được từ chúng tôi trong mười tám tháng, vì sự hiểu biết của các bạn còn quá giới hạn nên ông khó mà nói được là chúng tôi biết hay không biết tới mức nào.
… Tuy nhiên nếu bạn không làm cho ông tỉnh ngộ thì chẳng bao lâu sẽ có kết cục cho mọi người, lần này thì bất khả hồi. Tôi không cần phải trấn an bạn ở đây về lòng quí chuộng chân thành của tôi đối với bạn, và lòng tri ân của chúng tôi với những gì bạn đã làm cho Hội, và gián tiếp cho hai chúng tôi. Dù chuyện gì xẩy ra tôi luôn sẵn sàng giúp bạn.

Thư 83 - Nhận tháng tám 1882
Nội dung là cước chú của đức D.K., đại đệ tử của đức K.H., về bài viết của ông W. Oxley.
“Theo lệnh  Chân sư đáng kính của tôi, được biết tới tại Ấn và tây phương dưới tên Koot Hoomi Lal Singh, nhân danh ngài tôi có lời công bố dưới đây nhằm trả lời khẳng định của ông W. Oxley gửi đăng trên báo The Theosophist. Ông nói rằng Chân sư Koot Hoomi của tôi đã:
– viếng thăm ông ba lần trong thể tình cảm;
– ngài đã trò chuyện với ông Oxley, cho giải thích tổng quát về thể tình cảm …
Chân sư tôi tuyên bố rằng:
– Ai mà ông Oxley có thể đã gặp và trò chuyện vào lúc đã ghi, thì không phải là Koot Hoomi, tác giả những thư xuất bản trong sách The Occult World.
– Dù Chân sư tôi có biết tác giả này, ngài đã có lần hân hạnh nhận được thư của ông nhờ vậy quen biết và thành thật ngưỡng mộ khả năng trực giác và hiểu biết tây phương của ông, nhưng ngài chưa hề tiếp xúc với ông ở cõi tình cảm hay nơi nào khác. Cũng như ngài không hề trò chuyện với ông Oxley, càng không có bàn luận mà cả đề tài, ý tưởng và kết luận đều sai lầm….”

Thư 84 - Nhận giữa tháng chín 1882
Thư cho thêm chi tiết về qui luật của việc làm đệ tử.
Bạn thân mến,
Một đệ tử trẻ của tôi, Dharbagiri Nath và người nữa, Chanddra Cusho sẽ mang đến nhà bạn thư này. Họ bị cấm không được vào nhà ai mà chưa được mời. Thế nên tôi xin bạn thứ lỗi cho tục lệ bán khai của chúng tôi và cùng lúc làm vui lòng họ bằng cách gửi họ thư mời với tên bạn, hoặc bây giờ nếu bạn có thể tiếp họ nơi riêng rẽ tại nhà bạn không để họ gặp khách lạ nào, hoặc bất cứ lúc nào khác vào buổi chiều hay tối khuya.
Tôi không có gì phản đối nếu bà nhà gặp họ, nhưng tôi xin bà đừng nói chuyện với cả hai vì luật của tu hội cấm họ nói chuyện với phụ nữ, ngoại trừ mẹ và chị em của họ, nếu bà Sinnett làm ngược lại thì họ rất lúng túng. Tôi xin bà vì tôi làm theo yêu cầu và làm cho tôi. Tôi tin là vì tình bạn giữa chúng ta không ai khác ngoài bạn sẽ nói chuyện với hai người. Họ được giao cho việc phải làm là đưa tận tay bạn thư trả lời của tôi về các mâu thuẫn … và ngoài đó ra không làm gì khác…
Tái Bút: Họ cũng bị cấm bắt tay với người nam hay nữ, tức không được đụng chạm ai cả; bạn có thể mời người đệ tử Dharbagiri Nath tới để trò chuyện với bạn dài bao lâu cũng được miễn là bạn kín đáo.
K.H.

Thư 85 - Nhận giữa tháng chín, 1882.
Thư gồm hai phần kèm trong thư  84 được hai đệ tử của đức K.H. giao cho ông Sinnett. Cả hai ông Sinnett và ông Hume đều trách các Chân sư là có lúc tự mâu thuẫn. Chân sư K.H. nhiều lần kêu hai người ghi ra những điểm như thế vì ngài không có giờ xem lại hết những thư đã viết. Nay ông Sinnett làm một danh sách các điểm (85A) gửi cho Chân sư K.H. trước đây, và giờ nhận lại thư ấy cùng thư trả lời của ngài vào tháng chín. Ngoài phần trả lời các thắc mắc, Chân sư còn ghi về một số chuyện khác.
Trong bài dưới đây, ta sẽ chỉ lược dịch những điểm đáng chú ý trong cả hai thư của ông Sinnett 85A và của đức K.H. 85B, và lướt qua các chuyện riêng giữa Chân sư và hai ông Sinnett và Hume.
Câu hỏi của ông Sinnett là thư 85A, và câu trả lời của đức K.H. là 85B.
A.
‘Tới lúc này trong việc trao đổi thư từ giữa hai chúng ta, với chúng tôi có vẻ như thường bị hiểu lầm ngay cả với bạn là bạn trung thành, có lẽ chuyện hữu ích cho cả hai ta là bạn cần biết một số điều rất quan trọng liên quan đến tính chất của bậc đạo sư. Vì vậy xin ghi nhớ các điều sau.
– Vị đạo sư - từ bậc cao nhất đến thấp nhất - chỉ là vậy trong lúc họ sử dụng quyền năng huyền bí của mình.
– Khi cần đến chúng, chủ nhân sẽ mở khóa cửa cho con người bên trong (vị đạo sư), làm họ có thể bước ra và tự do hành động, nhưng với điều kiện là cai ngục của mình tức con người bên ngoài bị tê liệt hoàn toàn hay một phần, tùy theo trường hợp đòi hỏi; nghĩa là hoặc:
a. tâm trí và thân xác
b. chỉ tâm trí mà thân xác không liên quan
c. chỉ thân xác và một phần tâm trí
d. không phần nào bị tê liệt cả, nhưng có một màn akasha chắn giữa con người bên trong và con người bên ngoài.
– Nay như bạn thấy, việc sử dụng nhỏ nhất những quyền năng huyền bí cũng cần phải có công sức. Ta có thể so sánh nó với nỗ lực bên trong của một lực sĩ để dùng bắp thịt, chuẩn bị để có sức mạnh thể chất. Giống như không một lực sĩ nào muốn luôn luôn gồng tay cho nổi gân sẵn sàng để nâng quả tạ, thì không một đạo sư nào cũng giữ ý chí của mình trong tình trạng căng thẳng luôn luôn và con người bên trong hoàn toàn túc trực, khi không có gì cần phải làm vậy.
‘Khi con người bên trong ngơi nghỉ, vị đạo sư trở thành một người thường, có ngũ quan và hoạt động của não bộ vật chất bị giới hạn. Thói quen làm trực giác của vật sau được sắc bén, nhưng vẫn không thể làm cho chúng thành siêu cảm. Vị đạo sư bên trong luôn sẵn sàng, luôn chực hờ và như vậy là đủ cho việc làm của chúng tôi. Khi họ ngơi nghỉ thì những quan năng của họ cũng ngơi nghỉ. Khi tôi ngồi vào bàn ăn cơm, hay khi mặc y phục, đọc sách hay bận rộn làm công chuyện, tôi không nghĩ ngay cả tới những ai gần với tôi; và D.K. (Chân sư D.K.) có thể dễ dàng bị thương ở mũi chẩy máu, vì tông vào cây đà khi chạy trong bóng đêm như đã làm tối hôm nọ (chỉ bởi thay vì tạo một ‘màn’, anh lại khờ khạo đóng hết tất cả giác quan bên ngoài trong khi nói chuyện với một người bạn ở xa), và tôi vẫn thản nhiên không biết chi. Tôi không nghĩ tới anh - vì vậy mà tôi không biết.
‘Như đã nói ở trên, bạn có thể suy ra vị đạo sư là người bình thường vào mọi lúc trong cuộc sống hằng ngày, trừ khi con người bên trong hành động. Cộng thêm với điều này là sự kiện không dễ chịu, là chúng tôi bị cấm dùng một chút nào quyền năng của mình có liên quan đến chi bộ Eclectic (bạn có thể trách chi trưởng và chỉ ông mà thôi cho việc này), ... và có thể suy luận như vầy.
–  Đức K.H. khi viết cho chúng ta thì không phải là vị đạo sư.
–  Một người không phải là vị đạo sư - thì có thể sai lầm.
– Vậy thì, K.H. có thể rất dễ phạm lỗi.
‘Lỗi về chấm phết - điều thường khi làm thay đổi trọn nghĩa một câu; lỗi về từ ngữ - rất dễ xẩy ra, nhất là khi viết hấp tấp như tôi viết; lỗi sinh ra khi thỉnh thoảng có lẫn lộn những chữ mà tôi phải học nơi bạn - vì bạn là người đặt ra những chữ như ‘rounds’, ‘rings’, ‘earthly rings’ v.v..’.
Một vị đạo sư khác được  đức K.H. hỏi ý kiến về chuyện này và có ý kiến là ‘... vì nhiều câu không đầy đủ và các đề tài rải rác không theo thứ tự, không có gì ngạc nhiên là đệ tử ‘tại gia’ (chỉ ông Sinnett và ông Hume) có thể thấy nó có lỗi. Phải, chúng cần có giải thích rõ ràng và chi tiết hơn’. Ngài K.H. thuận theo ý này và hứa cho ông Sinnett đầy đủ chi tiết.
Trường hợp khác theo đức K.H. là ông Sinnett cần được lời giải thích, ngoài ra ông không thể cho rằng mình bị thiệt hại chi, bởi giống như luật định là không ai có quyền nói mình không biết luật, thì Khoa học Huyền bí cũng tương tự vậy.  Đệ tử ‘tại gia’ (chỉ ông Sinnett) theo lẽ phải tin tưởng vị Chân sư trong trường hợp này, bởi thiếu hiểu biết lớn lao về khoa đó họ sẽ dễ diễn giải sai ý nghĩa, thay vì cáo buộc thẳng thừng là Chân sư có mâu thuẫn. Hai câu 12 a và 12b ở cuối bài này chỉ có mâu thuẫn khi mới đọc cho ai chưa biết, và bởi ông Sinnett chưa biết vì vậy đức K.H. ‘nhận lỗi’ là có bỏ sót, mà ‘không nhận lỗi’ là có mâu thuẫn. Mà ngay cả với lỗi ‘bỏ sót’, nó quá nhỏ tới mức không đáng kể, và ngài xin ông đọc phần giải thích phía dưới rồi tự kết luận.
Ông Sinnett rất có thiện cảm với đức K.H.  nên khi có lời chỉ trích là Chân sư thiếu ngay thẳng khi biện minh cho HPB về những điều bị cho là sai và mâu thuẫn trong bộ Isis Unveiled, ông đã bênh vực và tìm cách biện giải cho ngài. Về thái độ ấy của ông, Chân sư viết.
‘... Nếu bài (để trả lời ông C.C.Massey) được viết theo cách bạn gán cho tôi trong thư của bạn, và nếu tôi hay ai trong chúng tôi thiếu ngay thẳng và tìm cách khuất lấp hơn để đạt mục tiêu, so với người tây phương yêu thích sự thật và thẳng thắn (ông Hume có thuộc loại người như vậy chăng ?), thì bạn không có quyền bênh như thế, ngay cả bênh tôi, cũng như không thể xem ‘đó chỉ như là đốm mặt trời’, vì một cái đốm ở vật sáng chói hay trên chân đèn cầy bằng thiếc thì cũng vẫn là một đốm.
‘Nhưng bạn đã lầm, bạn thân mến. Không có khuất lấp, không có thiếu ngay thẳng trong cách làm việc để gỡ cho bà khỏi khó khăn, sinh ra do cách viết mơ hồ và không rành Anh ngữ  của bà, mà không phải sinh ra do sự thiếu hiểu biết của bà về đề tài, là điều khác hẳn và làm thay đổi trọn vẹn câu hỏi. Cũng như không phải tôi không biết sự kiện là đức M. đã viết trước đó cho bạn về đề tài này, vì nó nằm trong một thư của ngài (thư áp chót trước khi tôi thay ngài làm việc ấy), trong đó ngài đề cập lần đầu tiên tới các ‘giống dân’ và nói về việc tái sinh.
‘Nếu đức M. quá dè dặt lúc kêu bạn hãy cẩn thận khi tin sách Isis, ấy là vì ngài dạy bạn điều thật và dữ kiện, và vào lúc viết đoạn trong sách chúng tôi chưa quyết định là dạy cho công chúng mà không dè dặt. Ngài cho bạn nhiều thí dụ như vậy, nếu bạn đọc lại thư sẽ thấy, thêm rằng những câu như thế được viết theo cách làm giải thích hay hơn sự kiện mà nay chỉ mới được ám chỉ.
‘Lẽ tự nhiên ‘với C.C.M.’ đoạn văn phải xem là sai và mâu thuẫn vì quả là nó ‘gây hiểu lầm’ như ngài M. nói. Có nhiều đề tài bàn tới trong Isis mà ngay cả HPB cũng không được phép thấu đáo hoàn toàn; nhưng chúng không mâu thuẫn nếu ‘gây hiểu lầm’. Khiến bà nói, như tôi đã khiến bà nói, là đoạn văn bị chỉ trích thì “không đầy đủ, lộn xộn, mơ hồ ... vụng về như nhiều đoạn khác nữa trong sách ấy” thì tôi nghĩ là ‘sự nhìn nhận thẳng thắn’ đủ làm thỏa mãn người phê bình ưa bắt bẻ nhất.
‘Mặt khác, nhìn nhận ‘rằng đoạn văn sai’ thì nó như lời dối trá vô ích vì tôi vẫn giữ ý rằng nó không sai, vì nếu nó che dấu trọn sự thật, nó không bẻ cong ý trong nhiều mảnh của sự thật được đưa ra trong Isis. Ý trong lời chỉ trích than phiền của C.C.M. là không phải trọn sự thật đã không được đưa ra, mà sự thật và dữ kiện của năm 1877 tới năm 1882 được trưng ra là sai lầm và mâu thuẫn; và ý này - có hại cho trọn Hội, đệ tử ‘tại gia’ và đệ tử bên trong của Hội, và cho triết lý của chúng tôi - phải được vạch ra tính chất đúng thật của nó; tức ý đó là hiểu lầm hoàn toàn, do sự kiện là triết lý ‘thất nguyên’ chưa được đưa ra cho công chúng vào lúc viết bộ Isis. Và tính chất ấy được vạch ra như vậy.
‘Tôi tiếc là bạn không thấy câu trả lời của bà viết theo gợi hứng trực tiếp của tôi thì ‘rất thỏa đáng’, vì nó chỉ làm tôi thấy rằng cho tới khi ấy bạn chưa nắm thật vững sự khác biệt giữa nguyên lý sáu và bẩy với nguyên lý năm, hay điều bất tử với cái tôi = phàm ngã...’
Ngài giải thích thêm.
‘Chân Ngã trong các nguyên lý cao phải tái sinh theo định kỳ mỗi một, hai, hay ba ngàn năm hay nhiều hơn nữa ... còn phàm ngã không hề tái sinh chỉ trừ ‘trường hợp đặc biệt’...’
Nay đi vào chi tiết, ta sẽ ghi thắc mắc của ông Sinnett và trả lời của Chân sư K.H. cho mỗi phần.

– Mở đầu.
Ông Sinnett: ... Tôi mong ngài thấy tôi đã vâng lời khi làm trái với mình và cặm cụi soạn ra những đoạn bị xem là mâu thuẫn ... Như đã có nói trong thư khác, tôi không bận tâm lắm về chúng tuy lúc này có hơi mù mờ về Devachan và các nạn nhân của tai nạn. Bởi chúng không làm tôi lo nghĩ nên trước kia tôi đã không ghi chúng ra như ngài đề nghị.
Chân sư K.H.: Chúng cũng không làm tôi lo nghĩ, nhưng vì chúng cho ông bạn chung của ta (chỉ ông Hume) cớ rất tốt để nghịch lại chúng tôi, cớ mà ông sẽ dùng bất cứ lúc nào theo cách tệ hại ấy, là tính nổi bật của ông, nên tôi muốn giải thích thêm lần nữa - với sự cho phép của bạn.

1. Ông Sinnett: Ông Hume tin là có mâu thuẫn trong vài thư liên quan đến cuộc tiến hóa của con người; nhưng khi trò chuyện với ông tôi luôn luôn cho rằng chúng không là mâu thuẫn chi hết, mà chỉ là do ngôn ngữ, lẫn lộn giữa vòng round và giống dân. Rồi ông tin là ngài chế ra triết lý khi đi sâu hơn, và tìm thế thoát khó khăn bằng cách đặt ra thêm giống dân nữa nhiều hơn là dự tính ban đầu; tôi luôn chê trách giả thuyết này là kỳ quặc.
Chân sư K.H.: Phải rồi, tự nhiên phải vậy, đó là cách thông thường của chúng tôi để thoát khó khăn. Chúng tôi đã được ‘tạo’ ra và trả ơn người tạo tác bằng cách ‘sáng chế’ các giống dân tưởng tượng. Chúng tôi còn bị cáo buộc thêm nhiều điều nữa. Chà, chà, chà, dầu vậy có một điều mà chúng tôi không sao bị cáo buộc đã sáng tạo ra, là chính ông Hume. Tạo ra ông là vượt trội hơn quyền năng Siddhi cao nhất mà chúng tôi biết.
Và nay bạn tốt à, trước khi ta đi xa hơn, xin hãy đọc phần A ở trên. Nay là lúc bạn cần biết chúng tôi như chúng tôi. Để chứng minh chỉ với bạn mà không phải với ông, rằng chúng tôi không chế ra các giống dân, tôi sẽ viết ra cho bạn biết điều chưa hề được đưa ra trước đây. Tôi sẽ giải thích cho bạn trọn một chương trong sách của Rhys Davids về Phật giáo hay đúng hơn là về Lạt ma giáo Lamaism, mà do sự thiếu hiểu biết tự nhiên của mình ông xem đó là một hư hỏng của Phật giáo ! Bởi những vị này, các nhà Đông phương học, cho ra thế giới cái gọi là bản dịch và lời bàn của họ về kinh điển của chúng tôi, hãy để người TTH trưng ra sự dốt nát lớn lao của các học giả ‘thế giới’, bằng cách đưa ra trước công chúng các triết lý chân chính và lời giải thích về điều mà họ xem là thuyết tưởng tượng và kỳ quặc.

(The Mahatma Letters to A.P. Sinnett, còn tiếp)