HAI VỊ CHÂN SƯ

Hai Vị Chân Sư

 

 

Đây là tóm tắt bài giảng ngày 8.5 năm 1955 của bà Dora van Kunz tại chi bộ Philadelphia.

I.
Tôi muốn đưa ra vài ý kiến của riêng tôi về các Chân sư và đường Đạo, nó có hơi khác một chút với những điều bạn thấy trong sách vở. Tôi là hội viên TTH cả đời mình, và các Chân sư rất thật đối với tôi từ khi có trí nhớ. Tôi muốn thuật với bạn vài điều theo quan điểm của tôi về các ngài, và sự liên hệ của chúng ta với các ngài.
Chân sư chú ý đến trọn nhân loại và mối quan tâm của các ngài là cho nhân loại. Các ngài không nhất thiết chỉ quan tâm đến chúng ta vì ta là hội viên TTH. Kế đó, về một mặt các ngài không chú mục tới quá khứ, trọn nỗ lực của các ngài là cho tương lai. Các ngài chú ý vào hiện tại nhưng chính yếu là vào việc uốn nắn tương lai. Nếu có đọc sách Mahatma Letters to A.P. Sinnett  bạn sẽ nhận ra ý tạo hình tương lai này.
Ta có thể thành hữu dụng cho các Chân sư theo cách rất đặc biệt. Các ngài đã vượt ra ngoài karma cá nhân. Đây là điểm rất quan trọng. Các ngài không thể làm điều chi có tính cá nhân, hay điều chi khiến các ngài có liên hệ cá nhân và phải giải quyết. Các ngài chỉ có thể can dự vào liên hệ cá nhân nào hướng tới việc làm cho nhân loại. Các ngài thương yêu bạn, nhưng nếu các ngài làm điều chi chỉ vì thương yêu bạn một cách riêng tư, thì việc ấy sẽ lôi cuốn các ngài vào karma và sự tương tác cá nhân. Các ngài ở vị thế hiện giờ vì làm việc cho nhân loại.
Là hội viên TTH, ta có thể hữu dụng vô vàn cho các ngài, vì khối lượng điều chi có thể làm được ở cõi trần tùy thuộc vào việc ta sẵn lòng chấp nhận karma tới đâu. Nếu ta là người tiền phong và hành động nhân danh Ngài, khi ấy ta làm công việc của Chân sư và nhận karma cho hành động ấy. Rất ít người nghĩ như vậy. Chân sư không thể có karma cá nhân, các ngài không thể để bị mang trở lại vào xoáy của những liên hệ cá nhân. Hội TTH hữu dụng, và nó chỉ hữu dụng nếu chúng ta, các hội viên, tận tâm với lý tưởng cho nhân loại, và ý thức rằng ta phải sẵn lòng là tác nhân cho karma cho Chân sư trong việc thực hiện công việc của các ngài. Có rất ít người trong chúng ta nhận biết liên hệ này. Bạn sẽ thấy, khi đọc những thư của các ngài, là các ngài muốn xem chúng ta như là bạn đồng sự trong một công cuộc vĩ đại.
Khi biết về Chân sư, bạn không thể làm gì khác hơn là tận tâm với các ngài, nhưng các ngài không muốn ta thờ phượng các ngài và hội TTH không phải được lập để thành một tổ chức tôn giáo. Tôi nghĩ đôi khi ta đặt Chân sư lên bệ cao và thấy mình như con giun cái kiến nhỏ nhoi bên dưới. Có người nghĩ nếu đầy lòng sùng kính với Chân sư thì họ có thể ngồi trong ghế không cần làm gì khác, giống như ở trong một tu viện. Vậy chưa đủ. Hội TTH không được lập ra theo nguyên tắc ấy, và nó không hoàn thành vận mạng của mình nếu ta vô tình coi nó như một giáo hội.
Các giáo hội có công việc  hết sức to tát phải làm, nâng cao nhân loại, cho họ niềm tin và gợi lòng sùng tín. Sùng tín là điều tốt, nhưng các Chân sư đòi hỏi nhiều hơn thế. Ta phải cảm biết ý ta là người đồng sự với các ngài, tham dự chung vào một công cuộc lớn lao. Như tôi có nói, càng biết nhiều về Chân sư, bạn không tránh được là có lòng yêu quí và tôn kính, nhưng đó không phải là lý do khiến Hội TTH hiện hữu.
Nếu có đọc đôi chút về đời bà Blavatsky, hẳn bạn biết bà gọi Chân sư mình là ‘Big Boss,’ và có lúc bà không thích chuyện mình phải làm. Bà là người tuyệt vời theo cách của bà, và có nhiều khả năng. Tuy nhiên bà cũng có cá tính sôi động và sai lầm. Có người hỏi tại sao bà được chọn làm dụng cụ cho Chân sư khi bà không giống như ý người đời có về đệ tử Chân sư phải là sao. Bà là dụng cụ tốt nhất có thể tìm kiếm được cho Chân sư. Bà tuyệt đối tận tâm với các ngài. Không có gì mà ngài không thể kêu bà làm, dù bà có sức khỏe yếu kém. Bà có thể không muốn làm nó, nhưng không có gì trên đời mà bà không làm nếu ngài kêu bà làm.
Những hội viên ban đầu của hội rất tận tâm, mà họ tận tâm cho nhân loại. Các Chân sư nói rằng hội TTH phải là chiếc cầu nói giữa Đông và Tây. Những người này dốc lòng cho công cuộc bắt cầu nối triết lý của các Chân sư với con người. Điều này, theo cái nhìn của tôi, là điều các Chân sư thực sự mong đợi nơi hội. Các ngài mong chúng ta là nhóm những người làm hết sức mình, làm mọi việc chi có thể làm để mang triết lý của các ngài đến kẻ khác, ngay cả khi có đối nghịch lớn lao, và sẵn lòng nhận karma dù sai hay đúng.
Nào, Chân sư có thật. Thường khi rất khó cho ta cảm biết các ngài là thật vì trước tiên, rất ít người trong chúng ta đọc sách vở tài liệu. Có mấy bạn đã đọc những thư trong quyển Mahatma Letters to A.P. Sinnett ? Chúng là Theosophy căn bản. Chúng ta nói là muốn phụng sự Chân sư mà không chịu tìm xem Chân sư nói gì. Làm như có ít người đã đọc các sách ấy. Ta nên đi tới tận nguồn nguyên thủy, và tôi hay khuyên người ta đọc Mahatma Letters to A.P. Sinnett  
Lời của các ngài làm ta khó nghĩ. Định kiến của ta thường khi là rào cản giữa ta, đường Đạo và các Chân sư. Bạn bắt đầu với tư tưởng nào đó về Chân sư và khi tham thiền bạn tạo nên hình ảnh về thành kiến của mình về hình này, dựa trên hiểu biết cá nhân như là người Thiên Chúa giáo, Phật giáo vv.
Thí dụ, các Chân sư thánh thiện. Nhưng sự thánh thiện thực sự của các ngài có thể hoàn toàn khác hẳn với thành kiến của chúng ta. Việc thực hay làm ta sửng sốt, vậy hãy ý thức về những định kiến của mình. Khi bạn tham thiền về Chân sư, luôn luôn giữ óc cởi mở và cảm biết ấn tượng nhận được là gì, thay vì tạo hình ảnh trong trí về ngài. Không chừng bạn sẽ biết được thực tại nhiều hơn. Không có gì đáng công mà dễ dàng cả. Hãy học những gì mà các Chân sư đã nói, và đừng sợ nếu bạn không hiểu tại vì nó khó. Cũng như bạn sẽ bị sửng sốt nhiều, vì khi nghĩ tới ai thánh thiện ta hay nghĩ là họ mềm mỏng dịu hiền, chính điều ấy sẽ làm bạn kinh ngạc. Các Chân sư nghĩ gì nói đó bằng chữ rất, rất là rõ ràng. Nếu nghĩ là điều gì sai, ngài nói ngay như thế.
Các ngài gọi ông Hume bằng những chữ nặng lời. Các ngài thấy ông như ông thực sự là. Ông Hume muốn là người tốt nhưng đôi khi ông làm ngơ với khuyết điểm của mình. Các Chân sư làm gì ? Các ngài thấy suốt con người của ông nhưng vẫn làm việc với ông và viết thư cho ông tháng này rồi tháng nọ. Các ngài không hề bỏ cuộc, bạn có để ý thấy chăng ? Ta có khác gì so với cung cách ấy ? Nếu thấy rõ một ai, thường là ta sẽ nói không còn dính dáng chi tới họ nữa, vậy mà Chân sư tiếp tục với lòng kiên nhẫn vô biên, và cuối cùng ông Hume làm chuyện đáng nói. Tuy ra khỏi hội, ông thành một trong những lãnh tụ của quốc hội Ấn. Đó là một phần của công việc mà các Chân sư muốn tiếp tục. Các ngài muốn Ấn Độ được tự do.
Nào, ta đừng để bị kinh ngạc về chuyện ấy, sao các Chân sư không thể là người thực tế được ? Bạn có nghĩ các ngài nhìn chúng ta theo cách ta nghĩ về mình không ? Đâu phải thế, đúng không ? Không ai trong chúng ta có thể nhìn mình như ta thực sự là. Khi các ngài làm việc với chúng ta, và các ngài sẽ làm việc với chúng ta, các ngài sẽ hiểu trọn các sở trường và sở đoản của ta, và nếu ta nỗ lực cho cùng mục tiêu, ta sẽ có thể tạo sự giao tiếp ấy. Chuyện tuyệt vời nằm ngay trong công việc.

II
Giờ nói về đường Đạo, đường Đạo là chuyện thực và nó mở ra cho tất cả mọi người. Nhưng tôi nghĩ điều ta thiếu không phải là đức hạnh, mà là lòng khiêm tốn. Tôi xin giải thích. Một trong những nguy hiểm là nhiều người để tâm quá nhiều tới việc họ có kinh nghiệm thực, có là bậc đạo đồ initiate, là đệ tử chela, hay là gì khác nữa hay chăng. Không một điều nào trong số này đáng kể cả. Chuyện thực là liên hệ của ta với hiểu biết của mình, và nhiều người muốn những chuyện trên vì họ muốn mình là gì khác tốt hơn.
Ấy là lỗi lầm rất thông thường của con người. Nó rất nguy hiểm vì thực tế là ta không hề ý thức điều ấy. Nếu bạn nghĩ mãi về nó theo ý cá nhân như vầy, bạn mất đi phần bản chất và cuối cùng mất Chân sư. Điều tuyệt vời xẩy ra khi bạn tham thiền về Chân sư là khả năng không sợ khi phải hành động, làm, xử sự, và kinh nghiệm. Nghĩ coi bạn có thể trợ giúp cách nào, nếu bạn khăng khăng theo một ý, nếu có thái độ cứng ngắc, nếu luôn luôn muốn duy trì một tình trạng thì từ từ chậm rãi bạn đóng lại cánh cửa giữa chính mình và các Chân sư.
Các ngài hằng làm việc cho tương lai, và hướng về việc có thay đổi tinh thần. Điều quan trọng cho bạn là đừng để mình ‘đóng cửa’ lại. Luôn luôn sống theo điều bạn hiểu để thành điều cao nhất mà bạn đặt ra cho mình, nếu muốn gặp Chân sư. Hãy thành thật với chính mình.
Tham thiền có thể có giá trị cao nhưng bạn không thể nói, ‘Tôi nâng trí lên Buddhi hay lên Atma’ và tới đó’. Ấy hoàn toàn là chuyện vớ vẩn. Chỉ nói không mà thôi thì không đưa bạn tới đó được, mà nó là có kinh nghiệm, sống lời đó mới mang lại thành quả, và khi sự việc thành điều thật cho bạn khi ấy bạn thật sự đạt tới điều chi đó. Ấy là đường Đạo.
Đường Đạo là cho ai thực tâm muốn học hỏi. Bạn không bắt buộc phải hiểu hết từng chữ trong các thư khó hiểu của Chân sư. Nhưng bạn không thể hiểu các ngài nếu bạn không chịu nỗ lực. Có thể đọc lần đầu bạn không hiểu thư muốn nói gì. Sự hiểu biết sẽ tới từng chút một nếu bạn thực tâm muốn làm việc với Chân sư. Chuyện quan trọng là có gắng sức, cố công nâng cái trí của mình lên mức cái trí của ngài. Lúc bạn nói, ‘Oh, chuyện khó quá,’ thì bạn tự đánh bại mình. Đó là sự khác biệt giữa Hội Theosophy trong những ngày đầu mở đường và hội viên ngày nay. Trong những ngày đầu tiên phong, có việc khó khăn là chuyện vui cho họ. Đừng nói rằng nay vì bạn không hiểu thư nói gì mà không tiếp tục học. Đừng dậm chân tại chỗ. Ta chớ đứng một chỗ vì các Chân sư phải làm việc qua chúng ta và Hội.
Ta không nên nói về những điều mà ta không hiểu, mà hãy nói đôi chút về điều mà ta hiểu. Hãy ráng hiểu nhờ kinh nghiệm, nhờ cá tính, nhờ cách sống của bạn, rồi khi có cảm biết là Chân sư là như thế nào, đừng nói về nó mà hãy sống nó. Hãy hiến dâng từ tâm mình cho đến thân xác cho ý tưởng là phụng sự Chân sư, cố công làm việc của các ngài qua Hội Theosophy. Rồi, từ lúc này tới lúc kia khi cơ hội tới hãy nắm lấy. Đừng có quá nhiều định kiến mà hãy có tâm hồn cởi mở, để khi có bất cứ gì đến với bạn, bất cứ loại công việc gì, bạn có thể làm nó theo cách đúng đắn.
Bạn có thể ý thức nó có thể là kinh nghiệm quan trọng, và nếu bạn cố gắng để hiểu đôi điều về các Chân sư, khi ấy bạn sẽ trở thành người mà tôi gọi là người TTH. Có cả mấy ngàn người là hội viên hội TTH, nhưng có rất ít kẻ là người TTH. Ký tên vô giấy và nói bạn muốn gia nhập hội TTH và tin vào tình huynh đệ đại đồng là điều thật dễ dàng, nhưng tình huynh đệ là điều mà ta phải sống nó thay vì nói về nó. Hội TTH là nơi thử thách cho tình huynh đệ. Nó là nơi cho ta tăng trưởng, cho ta hiểu rằng ta phải không theo tín điều, cho ta học cách sống thuận hòa với hội viên khác dù có thích nhau hay không.
Bạn phải sẵn sàng chấp nhận việc có dị biệt về ý kiến, bạn phải sẵn lòng chịu thử thách chua cay, ngay cả khi bị gọi là thế này thế nọ. Bạn là người chịu thử thách. Nếu rời hội vì ai đó nói điều không hay về bạn, là bạn không qua được thử thách về tình huynh đệ. Hãy nhớ là hội Theosophy mở cửa đón tất cả mọi người, nó không phải là một hội kín. Ai theo sát triết lý, ai theo sát các Chân sư mà không màng chuyện cá nhân, là kẻ sẽ có được nhận thức. Họ là ‘chiến mã’ của hội, và đó là lời ngợi khen. Họ là những người vượt qua mặt cá nhân.
Nếu bạn có thể nghĩ đến những cá nhân mà bạn gặp phải như là thử thách chua cay cho cá tính của mình, cho triết lý TTH của mình, thì bạn có quan điểm khác hẳn. Khi có việc gì xẩy ra, hãy tự hỏi mình sẽ đối phó ra sao, và tự hỏi mình  có điều chi cần sửa đổi. Các Chân sư thử thách ta trăm lần về mặt ấy. Nếu không có hội TTH thì sẽ không có thử thách này, và có lẽ chuyện dễ hơn cho mỗi chúng ta, nhưng ta sẽ không có cơ hội tăng trưởng nhanh như vậy. Các chi bộ của hội TTH đặc biệt đáng nói về điểm chúng là nơi để thử thách.
Nếu người ta là người TTH theo đúng nghĩa thì họ không cần phải nói. Họ mang ý đó trong tâm. Kẻ khác có thể nhận biết rằng bạn là cá nhân có một triết lý sống. Nếu mang trong tâm điều chi làm bạn thành người tuyệt đối vững vàng do có triết lý sống, và có lòng khoan dung lớn lao, và tận tâm phụng sự triết lý của Chân sư, là bạn bắt đầu phụng sự các ngài. Khi ấy chi bộ mà bạn làm việc trong đó sẽ có chút tính chất của các Chân sư. Và rồi bạn có kinh nghiệm về các ngài.

III
Tôi ráng cách nào đây để cho ra đôi chút kinh nghiệm về Chân sư ? Tôi sẽ cố gắng có mô tả ngắn về đặc tính của hai Chân sư mà ta luôn nói về, là Chân sư K.H. và Chân sư Morya. Như đã nói ở trên, không có lúc nào trong đời mà Chân sư không thật đối với tôi, và tôi sẽ ráng mô tả các ngài theo cái nhìn của mình.
Chân sư Morya là Thầy của HPB. Nếu có đọc quyển Mahatma Letters, bạn có được cảm tưởng phần nào về cá tính của ngài. Như bạn biết, ngài là người Ấn Độ; ngài rất cao lớn và thuộc hoàng tộc. Tôi nghĩ nếu đứng trước mặt ngài, bạn sẽ có cảm giác là đứng trước một ai đúng là quân vương. Cảm giác ấy đúng thật vì ngài cho cảm nhận chân thật tuyệt đối. Chữ nghe có vẻ lạ. Chân thật tuyệt đối nghĩa là gì. Tất cả chúng ta đều có mặt nạ, tất cả chúng ta đều nghĩ chuyện nhỏ nhặt không thật. Nếu bạn đứng trước mặt Chân sư, trong phút chốc tất cả những điều ấy bị quét sạch. Tất cả những gì nhỏ nhặt mà không đúng thật, không phải là phần mà ta xem là thuộc về con người mình, bị loại hẳn.
Nếu đứng trước mặt Chân sư, bạn gặp một người hoàn toàn ở ngay tâm bản thể của họ, tuyệt đối thật, làm bạn có cảm tưởng rơi trở vào chính trung tâm của mình. Bạn còn có cảm nhận về sự chân thật và vĩ đại của mình. Trước mặt ngài, bạn không thể nghĩ điều chi trẻ con hay tệ hại. Tự nhiên là cũng có cảm giác lớn lao về sức mạnh, và về một sức mạnh cho phép bạn thực hiện điều chi đã bắt đầu tới cuối. Nó là sức mạnh không có tận cùng.
Trong thư của các Chân sư bạn để ý là ngài rất tiết kiệm lời nói. Cũng có tiết kiệm về tình cảm, cử động và mọi chuyện. Ngay cả cái nhìn của ngài. Ngài có gương mặt hết sức thanh cao, nhưng bất cứ điều chi cảm xúc trong lòng thì không lộ ra trên mặt. Đó là gương mặt điềm tĩnh. Bắp thịt trên mặt thay đổi rất ít, vì ấy là gương mặt của người hoàn toàn là một với chính mình, là người có sự hòa hợp, tư cách, sức mạnh cứng chắc như được tạc vào đá hoa cương.
Tôi nghĩ đó là mô tả ngắn ngủi về cá nhân Chân sư Morya.
Chân sư K.H. hoàn toàn khác về nhiều mặt. Cá tính hai ngài khác xa nhau rất nhiều, mà hai ngài có lòng tận tụy lớn lao với nhau, như bạn thấy trong thư. Hai ngài là từng làm việc với nhau trong rất nhiều kiếp, và xem cách hai Vị làm việc chung với nhau là điều thực đẹp đẽ. Chân sư K.H. cao nhưng không cao bằng Chân sư Morya. Ngài có gương mặt rất thanh nhã, điều gì ngài cảm thấy sẽ lộ ra trên mặt. Tranh vẽ không sao cho thấy đúng thực con người của ngài, vì nét biểu lộ của ngài thay đổi từng lúc một.
Ngài viết tiếng Anh rất hay trong quyển Mahatma Letters to A.P. Sinnett và có cảm xúc tuyệt vời về nhạc và nghệ thuật. Tôi nghĩ điều mà Chân sư K.H. truyền đạt là cảm xúc về tình thương. Bạn có thể nghĩ là nếu đứng trước mặt ngài bạn sẽ cảm thấy rất nhỏ nhoi và e dè. Có lẽ Chân sư Morya cho bạn cảm tưởng đó một chút, nhưng Chân sư K.H. thì không. Bạn sẽ có cảm tưởng tâm thức mở lớn giống như với Chân sư Morya. Nhưng Chân sư K.H. ngài có tài tuyệt diệu là làm người ta cảm thấy như đã biết ngài cả đời rồi. Không phải đó là khả năng thương yêu lớn lao sao ? Ngài là người thể hiện tình thương nhiều đến mức làm tôi biểu lộ tất cả tình thương mà tôi có thể có được, thành ra ai đến với ngài cảm thấy tình thương trong lòng tuôn ra ngoài. Cảm xúc tuôn tràn tình thương ra ngoài ấy chót hết là cảm xúc rằng bạn là một thực thể hoàn thiện.
Chúng ta có thể nghĩ về các Chân sư, và ta có thể tham thiền về các ngài. Thực vậy ta nên nghĩ tới các ngài. Khi gặp cảnh khó xử, ta không nhất thiết hỏi xin được trợ giúp, nhưng nếu bạn dâng hiến đời mình cho Chân sư và cho Hội và công cuộc (nhớ điều ấy trước), thì khi gặp chuyện khó xử hãy nghĩ là mình ở trong hào quang của ngài. Nói cho cùng thì Chân sư có hào quang rất rộng. Nếu có thể tạo được cảm giác là ở trong hào quang của Chân sư, thì bạn có thể cảm biết là phản ứng của Chân sư sẽ ra sao. Ta có thể tiếp xúc, nhưng không phải để hỏi xin được giúp đỡ. Đây là điều mà tất cả chúng ta có thể thử làm.
Hãy nghĩ tới Chân sư khi bạn cảm thấy rất bực bội về ai đó. Nếu có thể khiến tâm trí mình ‘en rapport’ tiếp xúc với tình thương hoàn toàn và sự hòa hợp ấy, bạn có thể có được đôi chút tình thương và sự hòa hợp trong lòng. Ngay cả khi Chân sư thấy cần phải xét đoán một ai, các ngài cũng nhìn thấy sự thật. Các ngài là người vô cùng thực tế, các ngài làm việc với con người và không phán xét họ theo nghĩa tuyệt đối, vì các ngài sẵn lòng làm việc với bất cứ ai. Khi bạn thương yêu ai đúng cách, bạn phải sẵn lòng để cho họ được hoàn toàn tự do.  Điều ấy cũng áp dụng cho chi bộ. Ta hội họp cùng nhau, nhưng phải tạo một bầu không khí mà trong đó người ta có thể tăng trưởng và trong đó con người được tự do.
Nếu bạn nghĩ không có đủ sự thương yêu trong đời mình và trong sự biểu lộ của mình, thì hãy nghĩ đến Chân sư khi ở trong tình trạng khó xử. Nếu không biết điều mình sẽ làm là đúng hay sai thì hãy nghĩ tới Chân sư Morya, và tôi nghĩ bạn sẽ có được ấn tượng. Thường khi ta thấy khó mà biết điều chi là đúng, vì nhiều người trong chúng ta bị dằng co giữa cái tôi và chân ngã liên hệ. Nếu có tiếp xúc với Chân sư, tôi nghĩ bạn sẽ cảm biết điều chi là phải. Ta hoàn toàn đúng khi nghĩ về Chân sư như vậy.
Hãy nghĩ tới ngài như là người đồng sự, nghĩ rằng chuyện tuyệt vời ra sao nếu ta có thể dự vào công cuộc với người mà ta có thể học để hiểu, nếu ta học hỏi và làm việc. Tôi nhấn mạnh về chuyện làm việc. Tôi nghĩ chỉ do học hỏi và làm việc mà ta đến gần được các Chân sư. Nếu dự vào công việc của các ngài thì ta ở ngay trong luồng tư tưởng của ngài. Việc ấy sẽ tự khắc hóa thực hơn từ phút này sang phút kia. Ấy là tại sao tôi nghĩ ta phải học tập, làm việc, biết hướng đi, và có sự tin chắc. Cho người TTH và hội TTH, điều quan trọng nhất thì đương nhiên là Theosophy, triết lý và sự thực hiện công cuộc.
Nếu bạn đặt chuyện ấy là ưu tiên một trong đời thì tôi không thấy điều chi có thể làm bạn nao núng. Cá nhân không quan trọng bằng triết lý và việc làm nó thành một phần trong cuộc sống của bạn, một phần của bạn. Khi đó không ai có thể làm bạn nao núng. Từ từ, từng chút một, bạn có được lòng tin chắc thiết yếu đó, cái hiểu biết cốt lõi đó. Điều ấy làm tất cả chúng ta thành điều chi rất cần ngày nay, thành giống Chân sư một chút, thành người thật với chính mình, và cũng là người không sợ làm những chuyện hầu thực hiện công việc của Chân sư.

Trích:
Masters of Wisdom, Edward Adbill, 2015.