DORA VAN GELDER KUNZ

Dora van Gelder Kunz

 

Thuở Nhỏ
Theodora Sophia van Gelder, sau này được biết nhiều hơn qua tên Dora van Kunz còn chính bà thì dùng tên Dora, sinh năm 1904 tại Java, là con lớn có ba em trai, cha mẹ là người Hòa Lan với gia đình hai bên đã lập nghiệp và sinh sống tại Java nhiều năm. Dora có thông nhãn (clairvoyance) bẩm sinh, và thường kể cho ba mẹ nghe về những gì mình thấy, hay về tinh linh và tiên nữ làm bạn và chơi đùa cùng cô bé. May mắn là cả mẹ và bà ngoại cũng có khả năng này nên không ai ngạc nhiên với những câu chuyện lạ lùng của Dora, mà lại còn khuyến khích em nhỏ có khám phá về thế giới thần tiên. Vì vậy Dora phát triển tự nhiên, bà kể rằng cách phạt hiệu quả nhất mà ba mẹ dùng khi bà có lỗi là không cho ra ngoài chơi với các sinh vật bé nhỏ ấy.
Cha mẹ bà là hội viên TTH tại Java trước khi sinh con, do vậy đã tạo khung cảnh rất thuận lợi cho sự phát triển của Dora. Hai người hoạt động tích cực cho sự phát triển của TTH tại đây, vào lúc ấy Java là vùng có phát triển thương mại, với người từ nhiều nơi thuộc nhiều sắc dân tới khai thác tài nguyên hay làm việc, khiến cho mục đích thứ nhất của Hội là tình huynh đệ đại đồng có ý nghĩa rất cụ thể, thực tiễn cho hội viên tại đây.
Nhà của cha mẹ Dora trở thành nơi tiếp đón và cư ngụ cho các giảng viên TTH và nhân viên trong hội khi họ tới Java, hay trên đường tới các nơi khác như Úc. Sự việc khiến Dora có dịp gặp và làm quen với nhiều nhân vật, trong số đó có ông Charles W. Leadbeater. Khả năng thông nhãn của Dora làm ông chú ý nên năm 1916 khi tới Úc - thế chiến I đang diễn ra - ông quyết định ở lại đó chờ tới khi hết chiến tranh, thay vì về Anh ngay. Ông đề nghị cha mẹ Dora gửi cô nhỏ qua Úc để gia nhập nhóm các thiếu niên TTH khác mà ông hướng dẫn. Do vậy, Dora rời nhà ở Java qua Úc một mình cùng bà dì năm 12 tuổi. Hai năm sau đó cha mẹ Dora cũng rời bỏ Java sang lập nghiệp tại Úc.

Sang Úc
Cha mẹ bà cùng với vài gia đình khác chung góp mua căn nhà tên The Manor sau này thành trung tâm TTH tại Sydney, hiện vẫn còn thuộc Hội và có sinh hoạt TTH. Đó là căn nhà rộng trong khuôn viên lớn, nhiều tầng và nhiều phòng. Từ đó, ông Leadbeater cư ngụ và làm việc tại đây cho tới khi qua đời.
Trong chiến tranh, nhiều gia đình có thân nhân ngoài mặt trận gửi thư nhờ ông tìm xem người lính an nguy ra sao, và nếu hy sinh thì đời sống ở bên kia của họ như thế nào. Khi đau nhiều và không khỏe để tìm kiếm người chết trận, ông giao việc ấy cho Dora, và Dora mới 14 tuổi, đảm nhiệm chuyện mà em nhỏ chưa hề được chuẩn bị hay luyện tập để làm.
Công tác của em là tìm người đã khuất ở cõi trung giới, nói chuyện với họ và rồi viết thư chuyển tin tức thâu lượm được về cho gia đình, một ích lợi của việc này cho cá nhân Dora là nhờ vậy em giỏi Anh văn hơn, vì trước khi sang Úc Dora chỉ biết nói tiếng Hòa Lan. Lợi ích khác nữa là Dora phát triển khả năng thông nhãn, trò chuyện và kiên nhẫn.
Bà kể rằng đó là việc làm nặng về tình cảm. Bà phải học cách lượng xét nhu cầu của người mới qua đời, cách tránh bị chia trí khi ở cõi trung giới, và cách mô tả biến cố đau lòng sao cho giúp ích gia đình đang sầu khổ. Dora nhấn mạnh rằng ông Leadbeater không hề chi phối hay ảnh hưởng bà điều chi. Thực tế là Dora phải một mình tự lo liệu, xoay sở cách để làm tròn công việc mà không được ai chỉ dẫn phương pháp tìm người ở cõi bên kia. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có thắc mắc với những gì gặp ở đó thì em nhỏ hỏi ông để nhờ giải đáp.
Úc có khoảng 64.000 binh sĩ hy sinh hồi thế chiến I, với một số đông tử nạn trong chiến dịch Gallipoli. Việc tiếp xúc dạy cho Dora giữ bình tĩnh, biết ân cần, tế nhị và thản nhiên trước hình ảnh thương tật, thảm tử, là những kinh nghiệm mà quân nhân tử nạn trải qua, cũng như là học biết kín đáo, không lộ tên những ai trong cuộc. Bà viết.
– Tôi dùng thông nhãn xem xét nhiều, …nói chuyện với bao nhiêu người lạ (ở cõi trung giới) nên tôi học được sớm trong đời các chuyện. Đôi khi tôi co rúm lại trước việc làm vì lúc đó tôi còn nhỏ quá, phải nói chuyện với những người lính của trận Gallipoli là việc khó khăn. Nhưng có lẽ đó là cách luyện tập hay, hỏi chuyện những người lính này là điều hết sức khó nói cho tôi.
Một đặc điểm của Dora hồi nhỏ là rất bẽn lẽn, nhát, ít nói khi gặp người lạ. Cung cách khi đưa tin từ cõi bên kia hay mô tả tình trạng ở đó có lẽ chịu ảnh hưởng phần nào tánh khí này, ấy là lời khuyên của bà rất thực tế, ngắn gọn tới mức bị xem là thẳng thừng, gọn lỏn không rào trước đón sau.
Ta không còn thư từ gửi đi cho gia đình người tử nạn trong thời gian này, tuy vậy một thư có thể cho thấy cách viết của bà. Năm 1952 một người bạn có chồng tử nạn trong tai nạn phi cơ, họ nhờ bà giúp và lá thư viết bốn tháng sau tai nạn ghi.
– Ông đến và ở cạnh bà mỗi khi bà nghĩ đến ông, và bà không biết ông đã cố sức ra sao để làm cho bà thấy ông; ông nói có lẽ ngày kia lúc không mong đợi may ra khi ấy làm được. Nhưng ông cũng đang làm chuyện rất đáng nói nên vui vẻ hơn nhiều. Ông bảo thế giới đang ở trong giai đoạn nguy hiểm khi nhìn từ cõi thanh mà chúng ta không biết, nên ông đang làm việc chung với nhiều người nỗ lực hết sức mình để tránh cho chiến tranh xẩy ra.
“Nay ông là ‘người cứu trợ vô hình’ đúng nghĩa, và cùng với một nhóm chung sức giúp nhiều người. Họ đi tới những nơi mà cảm xúc dâng cao, ngay cả Liên Hiệp Quốc, suy tính và tìm cách giúp đỡ. Nhưng ông vẫn ở cạnh bà với các con nhỏ, nhất là buổi tối.’
Để tiếp xúc với người đã khuất, Dora chỉ giản dị chuyển mức chú tâm của mình từ cõi này sang cõi kia, khi viết thư hay khi nói chuyện với ai đến nhờ trợ giúp. Bà làm vậy trong lúc tỉnh táo với đầy đủ tri thức, mà không phải mê thiếp. Việc liên lạc như vậy đòi hỏi sức chú ý không bị phân tâm về tình cảm. Bà học cách ‘tìm đường’, không phải là nơi chốn vật chất mà là các trạng thái tâm thức tinh tế, bằng cách sử dụng tâm trí và phóng chiếu tư tưởng. Bà học rằng cần có tánh vô úy không sợ hãi để tránh những mặt thấp, thô lậu của trạng thái sau khi chết, vì chúng thu hút những tình cảm mạnh mẽ.
Nếu đầy óc tò mò, người ta sẽ bị lôi kéo vào đủ mọi xáo trộn nên sự định tâm và tập trung tư tưởng là chuyện cần thiết. Dora cũng biết về những trò chọc ghẹo, gạt gẫm mà tinh linh ưa đùa cợt bày ra để phỉnh lừa người, và dễ dàng tránh chúng cũng như các nhân vật tiêu cực và hình tư tưởng ở cõi trung giới. Bà học cách tỏa ra sự tĩnh lặng, bình an; đây là tâm trạng giúp cho những ai vừa mới qua đời.
Khi khác, Dora giúp một thiếu phụ mà chồng vừa tự tử, cho cô hay là ông lập tức hối tiếc việc làm của mình. Theo tôn giáo của hai người này, lòng hối hận là một yếu tố làm giảm thiểu phần nào karma bất lợi. Bà thuật là thoạt đầu ông gặp khó khăn nhưng ‘sau đó một chốc ông gặp được một vị lama tân thời’ và rất sung sướng theo học với lama. Lối nói thẳng thắn, thái độ trấn an và lời của bà cho cảm tưởng đây là chuyện bình thường, khiến người nghe được an ủi.

Cảnh Đời Mới
Dora sang Hoa Kỳ năm 1924 và thành hôn với ông Fritz Kunz năm 1925. Ông Fritz Kunz cũng tích cực làm việc cho phong trào TTH và rất quan tâm về giáo dục cùng khoa học hiện đại. Ông lập tạp chí chuyên về tư tưởng khoa học, với bài vở do các khoa học gia có tiếng viết. Dora sát cánh cùng chồng nên có nhiều cơ hội gặp những nhân vật này. Fritz tận tâm với việc hòa hợp triết lý TTH với khoa học đương thời, còn Dora giúp người về nhu cầu thể chất và tâm lý. Có ý kiến cho rằng bà đóng vai trò thứ yếu trong những năm cùng chồng hoạt động, chỉ sau khi ông mất năm 1972 bà mới thoát ra ngoài sự nghiệp của ông, và phát triển lãnh vực riêng của mình như lập ra trị liệu Therapeutic Touch, huấn luyện người thực hành cách chữa này, và nhiều việc khác.
Ban đầu làm việc trong hội, Dora chuyên dạy thiền. Tại New York, bà khuyến khích học viên mở rộng việc hành thiền từ thiền đường tới đời sống thường nhật; bà đề nghị họ đáp ứng bằng lòng từ đối với mọi tất bật, xô đẩy của đám đông ở thành phố New York, với tài xế xe bus bực bội, và những ai tỏ vẻ khổ sở ngoài đường, bởi người ta dễ dàng làm ngơ ai nghèo túng, vô gia cư và cảm thấy choáng ngợp vì có quá nhiều người cần trợ giúp. Dora chỉ dẫn học viên gửi tư tưởng về thiện chí - goodwill tới những kẻ nào cần. Thí dụ nếu ai nạt nộ lớn tiếng hay la to ở trạm xe điện ngầm, thay vì thu rút người lại và nghĩ  những ý tiêu cực, bà đề nghị ta nghĩ đến sự an nhiên tĩnh lặng của Chân ngã mình, và rồi gửi thiện chí đến Chân ngã của người bị xáo trộn.
Nhờ việc dạy thiền này, Dora gặp được người hợp tác với mình suốt cả đời là bác sĩ Otelia Bengtsson, và tình bạn kéo dài sáu mươi năm. Bà mang lại cho Dora bệnh nhân đầu tiên và nhờ kết quả của sự hợp tác này, Dora thực hiện được vài việc làm tuyệt nhất của mình về thông nhãn trong những năm đầu sớm sủa ấy, đặt nền tảng cho những thành quả về sau.

Dùng Thông Nhãn Chữa Bệnh
Qua nhiều năm, bác sĩ Bengtsson giới thiệu Dora với cộng đồng y khoa và hằng trăm bệnh nhân, cũng như nhiều nghiên cứu gia then chốt về y học. Nếu không nhờ sự mở cửa này cho bà bước vào thế giới y khoa hiện đại và chữa bệnh, hẳn sự nghiệp của Dora chỉ giới hạn vào tham thiền và việc mở trực giác. Đổi lại, bà giúp cho giới y học hiểu về mặt tình cảm và trí não ảnh hưởng đến người bệnh cùng hệ miễn nhiễm của họ. Bà quan sát bệnh nhân rồi so sánh nhận xét bằng thông nhãn với chẩn đoán y khoa của bác sĩ. Khi khác là những buổi họp chỉ gồm các chuyên gia như tâm lý gia, y sĩ tâm thần, y sĩ nội khoa v.v. và Dora; mọi người thay phiên đặt câu hỏi cho bà trả lời.
Tại phòng mạch của mình, bác sĩ Bengtsson được vài người bệnh cho phép Dora dùng thông nhãn thẩm định tình trạng của họ. Dora làm vậy một cách kín đáo, ngồi ở cuối phòng đợi quan sát để không gây nên phản ứng tình cảm. Sau đó cả ba người, Bengtsson, bệnh nhân và Dora cùng hội lại để so sánh quan sát của Dora với chẩn đoán y khoa và kết quả thử nghiệm (nếu có). Cả ba thảo luận để kiểm chứng hay bác bỏ những khám phá của Dora, và người bệnh thành người tham dự tích cực trong cách thẩm định và nghiên cứu khác thường này.
Bengtsson kể lại thí dụ là bà dàn xếp cho cô gái bị tê liệt một chân từ nhỏ và có suyễn nặng để Dora xem xét. Họ xếp đặt cho cô vào và ngồi xuống sao cho Dora không thấy là cô bị tật. Khi vừa nhìn cô, Dora có nhận xét ngay là cô bị tê liệt, và nói thêm là một vùng ở giữa hào quang của cô gái có mầu xám với những đường nhỏ mầu đỏ rải rác trong đó. Mầu sắc và hình dạng biểu lộ sự giận dữ, nhưng ở vị trí lạ. (Ta được biết thêm về khả năng thông nhãn này của Dora trong sách Breakthrough to Creativity được khởi đăng trên PST từ số này, mời bạn đọc bài dịch.)
Bengtsson hiểu ra ý nghĩa của vùng lấm tấm đỏ này, vì bà biết người bệnh tự chích adrenalin để trị bệnh suyễn của mình, và một phản ứng phụ của adrenalin có thể là sự tức giận. Cố nhiên là Dora không biết gì về việc dùng adrenalin, và đây là hình ảnh tuyệt hảo về ảnh hưởng của adrenalin trong thể tình cảm.
Thí dụ khác là một bệnh nhân của Bengtsson than phiền rằng mình dạy học mà ghét lũ học trò quỉ, ghét việc làm của mình, ghét đủ mọi chuyện liên quan tới nó. Bengtsson mới sắp đặt cho người này dự một buổi nói chuyện của Dora. Trong buổi họp, Dora nói tới hào quang của một người trong cử tọa, hóa ra người này là bệnh nhân nói trên. Khi Bengtsson hỏi thêm thì Dora mô tả ‘Bạn thấy trong hào quang là họ ghét việc làm của mình.’
Nhận xét cho thấy chẳng những Dora nhìn ra lòng bực bội, mà luôn cả đối tượng của cảm xúc là việc làm của họ. Hơn nữa, Dora quan sát không phải trong lúc ngồi nhìn ngắm bệnh nhân mà giữa lúc thuyết trình.
Một nguyên tắc của Dora là không bao giờ nhìn vào thể tình cảm của ai trừ phi được cho phép, vì cho rằng đó không phải là chuyện của bà. Bà không hề tò mò, ai ra sao thì họ là như vậy, và nếu không phải tìm hiểu về tình cảm một ai thì bà không làm. May mắn là Dora có thể mở và đóng thông nhãn theo ý mình (so sánh với những ai ham có quyền năng và luyện tập để có chúng, nhưng khi mở được rồi thì không biết cách đóng, và việc phải luôn luôn thấy cảnh tượng cõi vô hình có thể làm người ta bị điên loạn.)
Ta có nói một đặc điểm của Dora là tính thực tế, thí dụ sau biểu lộ rõ ý này. Bà nói mạnh mẽ về hai ý sai lầm khi bàn tới karma, đầu tiên Dora bác bỏ sự hiểu biết đơn sơ về karma như là phần thưởng và trừng phạt; thứ hai, theo bà, suy luận ‘tại sao người ta gặp điều bất hạnh’ chỉ vô ích. Ta chớ hề nên hỏi ‘Họ đã làm gì ở kiếp trước để nay bị như vầy ?’ Dora cho ấy là điều tệ hại, bởi hỏi như thế là phán xét người và đó là việc ta không làm. Khi phán đoán ta có thể ngăn chặn mình không giúp đỡ người khác. Xa hơn nữa, lòng ghét bỏ kẻ tra tấn và giết hại là tạo ra karma tiêu cực, và ràng buộc ai nghĩ như thế vào đối tượng của sự hận thù.
Ý này quả thật khó nói và khó làm, chẳng hạn ngay sau thế chiến II, nhạc sĩ vĩ cầm Yehudi Menuhin khi trình diễn cho người Do Thái sống sót ở trại tập trung Đức quốc xã, cũng có lời khuyên tương tự là bao lâu còn chứa sự thù ghét trong lòng, thì cảm xúc ấy gây hại trước tiên cho người sinh ra và giữ nó trong tâm, hơn là cho kẻ đã hành hạ tù nhân. Thế nên ai nói rằng họ sẽ không bao giờ tha thứ cho kẻ đã gây đau khổ, rằng sẽ thù hận cả đời thì … Amen. Dầu khó nói, sự thật cần được nêu ra để chỉ đường cho ai đủ sức làm theo.
Một người chứng kiến cách Dora lặng lẽ làm việc không khoa trương, kể lại kinh nghiệm của mình. Họ và bạn ghi tên dự buổi họp với Dora, tối hôm trước đó họ được tin một người bạn thân bị bắn chết ở nơi xa. Sáng hôm sau họ đi dự mà tâm hồn rối bời, rồi đang giữa buổi họp lòng không kềm giữ được, người này òa khóc nức nở. Dora chạy tới, gạt hết mọi người ra, bảo.  
– Đi ra, tránh ra, các bạn chỉ làm chuyện tệ hơn thôi.
Bà lấy tay đặt lên tim người này và họ lập tức thấy tuyệt diệu hết sức, thấy dễ thở hơn còn Dora tiếp tục nói, vỗ nhẹ vào người họ. Xong bà nắm lấy vai họ lắc mạnh và nói.
– Cô phải ngưng lại, ngưng ngay bây giờ. Cô không giúp gì cho anh bạn hết, mà trì kéo anh lại như gánh nặng. Về phòng đi mà tham thiền. Gửi tình thương đến cho anh và buông thả cho anh đi. Nói với anh rằng cô an ổn và xin anh hãy ra đi.
Người này làm theo, đứng lên về phòng và ngủ một lát. Khi gặp lại người bạn cùng đi với mình, họ hỏi bạn có kể cho Dora hay không mà sao bà biết chuyện. Người bạn đáp.
– Tôi không hé miệng với ai cả. Đây là chuyện của bạn nên tôi không nói chữ nào với ai.
Có nghĩa không ai ở buổi họp biết chuyện gì xẩy ra cho người này, ngoại trừ họ và bạn cùng đi.
Khi khác, một bà mẹ chăm sóc con ốm nặng, bà kiệt lực và khi con sắp được xuất viện, bà mẹ đi dự trại thiền để mong lại sức trước khi đưa con về nhà. Ngày đầu ở trại đang tham thiền thì nước mắt tuôn ra, không phải là sự giải tỏa nhẹ lòng mà mệt mỏi chán chường nên bà tới gặp Dora. Dora nhìn rồi bảo.
– Chị về phòng đem hết đồ đạc ra xe rồi đi ăn trưa. Phải ăn trưa trước khi về với con ở New York.
– Nhưng tôi ghi tên dự tới hết sáng mai.
– Không, chị phải ở cạnh con trai. Ăn trưa đi, rồi về ngay.
Dora không nói tại sao nhưng bà mẹ làm theo. Trên đường lái xe, bà cảm thấy có thúc đẩy phải đi thật mau để về và chạy xe bạt mạng. Tới bệnh viện vào phòng con, bà thấy toán y sĩ đứng quanh giường. Gặp mẹ, thanh niên nói.
– May quá mẹ tới rồi.
Có biến chứng và người ta phải đem anh mổ ngay và bà đến vừa kịp lúc. Về sau, người dự trại kể với bà mẹ là khi bà vừa rời trại, Dora rung chuông tụ họp mọi người, có khoảng 15 trại viên, để tham thiền trợ giúp, nói rằng thanh niên đau nặng và cần sự giúp đỡ của họ. Hiệu quả của tham thiền về việc giúp đỡ từ xa này là sao ? Vào lúc họ tham thiền, bà mẹ đang ở bệnh viện ngồi chờ cuộc giải phẫu của con, bà thuật rằng đột nhiên cảm biết một làn sóng an ổn đến với mình, như thể ánh sáng mặt trời tuôn qua cửa sổ, nhưng không có gì ở đó cả mà chỉ là tòa nhà kế bên.
Chuyện nữa là có điều dưỡng viên trị bệnh bằng sinh lực prana (Therapeutic Touch) trong năm năm cho em nhỏ tên Claire, rồi em qua đời lúc bẩy tuổi. Vài tháng sau cô hỏi bà Dora về cuộc sống mới của em ở bên kia. Dora tìm kiếm xong hôm sau cho hay.
– Có một thiếu phụ chừng ba mươi chăm lo cho em. Bà tả hình dáng và chi tiết về thiếu phụ và thêm, ‘ Cô săn sóc Claire ân cần lắm. Em nhỏ rất vui và đầu đầy tóc. (Claire rụng hết tóc khi qua đời do xạ trị). Em nhẩy chân sáo hớn hở, cười vui vẻ với thân xác không còn đau đớn như một đứa trẻ bình thường’.
Dora thuận cho điều dưỡng viên kể lại với bà mẹ của Claire, nhưng người này vừa gọi cho bà mẹ thì bà nói ngay.
– Khoan, có chuyện tôi phải nói cho cô nghe trước đã. Tôi nằm mơ thấy Claire tối qua, đầu đầy tóc nhẩy tưng và rất vui thích với thân thể của mình.
Rồi bà mẹ kể lại như Dora cho biết. Khi người điều dưỡng viên thuật lại lời của Dora và mô tả thiếu phụ với bà mẹ, bà kêu lên.
– Ôi Trời, em gái tôi chưa hề gặp Claire, em chết ngay trước khi Claire sinh ra.
Lời mô tả của Dora là về cô em gái của bà mẹ, sự kiện này làm bà được an ủi hết sức.
Ở trên ta có nói thuật trị bệnh bằng từ điện hay sinh lực prana (Therapeutic Touch), đây là trị liệu mà Dora và một chuyên gia về điều dưỡng hợp tác soạn ra. Trị liệu gây ra tranh cãi cho ai không chấp nhận con người có những thể thanh, Dora chỉ nêu ý kiến.
– Họ có ý riêng của họ. Chẳng hề gì.

Phát Triển Xứ Bộ
Dora được bầu làm hội trưởng xứ bộ TTH Hoa kỳ và đảm nhiệm chức vụ này từ 1975 đến 1987. Phong trào TTH trên thế giới có nhiều chi phái như hội thế giới tại Adyar, hội thế giới tại Pasadena, rồi nhóm của bà Alice A. Bailey v.v. Với chức hội trưởng xứ bộ Hoa Kỳ, bà đóng một vai trò trong việc mang các phe phái TTH khác biệt, mà mục tiêu tương đồng ít nhiều, lại với nhau.
Năm đầu tiên của bà 1975 có kỷ niệm 100 năm thành lập hội. Chuyện ý nghĩa là bà bắt đầu nhiệm kỳ vào lúc hội khởi đầu một thế kỷ mới, và nỗ lực của bà tụ ở Hoa Kỳ, nơi hội được sinh ra. Thế nên bà và các bạn đồng sự gắng công để bảo đảm cho xứ bộ Hoa Kỳ có tính hăng say trở lại. Người khác có đóng góp nhiều trong việc kết hợp các chi phái là vị chánh hội trưởng lúc ấy, ông John Coast. Bà Dora tổ chức chuyến thuyết giảng năm 1976 cho ông tại Hoa Kỳ, để gặp và làm việc với các nhân vật thuộc nhiều chi phái ở đây.
Một thành quả khác của Dora ở chức hội trưởng là mở rộng chương trình thăm viếng tù nhân. Thực ra việc làm này đã bắt đầu từ nhiều năm trước với ông Fritz Kunz, chồng bà; ông thuyết giảng ở nhà tù gần hết cuộc đời của ông. Sách TTH được tặng cho thư viện trong nhà giam, chương trình vẫn còn tiếp tục hiện giờ và có lần PST ngỏ ý muốn đóng góp sách báo TTH bằng Việt ngữ cho tù nhân gốc Việt, nhưng được cho hay thư viện chỉ nhận ấn phẩm bằng Anh văn mà thôi.
Bà tiếp tục việc chữa bệnh và trong thập niên 1980, chữa nhiều trường hợp HIV và ung thư. Chuyện không tránh được là bà chứng kiến bệnh nhân qua đời, cũng vì vậy Dora đưa ra nhận xét về sự tử:
– Nhiều người khi thân nhân qua đời thì họ khóc lóc thảm thiết, kêu gào hết sức đau khổ. Làm vậy chỉ khiến ai vừa sang cõi bên kia cảm thấy bất lực, vì họ không thể cho người còn sống biết là họ có đó. Chuyện gây khó khăn cho cả hai. Xử sự cách ấy có hợp lý không ?
Trong nhiệm kỳ của mình, Dora mời nhiều nhân vật tiếng tăm đến nói chuyện trong hội, một thí dụ là đức Dalai Lama. Thành quả đáng kể của bà là sự phát triển của Theosophical Research Institute TRI, viện mang lại với nhau các khoa học gia và học giả nhiều ngành khác. Do khi trước làm việc chung với chồng giữa các khoa học gia, bà có quen biết nhiều trong giới nên mời họ đến nói chuyện, làm cuộc đối thoại giữa triết lý và khoa học được phong phú. Ta có hóa học gia Ralph Hannon, vật lý gia Ravi Ravindra, sinh vật gia E. Lester Smith là thành viên của Royal Society tại Anh, rồi Fritjof Capra lý thuyết gia về vật lý, và vật lý gia David Bohm. TRI cũng xuất bản sách khoa học như The Extrasensory Perception of Quars của vật lý gia Stephen M. Philips.
Khi đức Dalai Lama tới thăm xứ bộ Hoa Kỳ, lẽ tự nhiên ai cũng muốn biết là ngài nói gì và bà quan sát thấy gì nơi ngài ! Dora trả lời thắc mắc với bạn.
– Nếu bạn muốn biết thì ngài hỏi tôi nhiều thứ.
Bà nói thêm ngài có ít cái tôi hơn bất cứ ai khác mà bà đã gặp, và thấy ngài ‘sử dụng mọi khả năng của mình - fully functioning’. Nghĩa là sao?
– Nếu ai nhậy cảm hay chữa bệnh, họ phát triển nhiều hơn ở những mức tâm thức khác nhau và trực giác của họ cũng phát triển… Tôi nghĩ đó là dùng tất cả các mức tâm thức, và làm trực giác nẩy nở. Khi ấy, nhìn bằng thông nhãn, phần đặc biệt chiếu rạng hay tỏ ra phát triển nhiều hơn là luân xa ở giữa trán. Ta dùng nhiều luân xa khác nhau nếu làm mấy chuyện này trong lúc tham thiền. Đức Dalai Lama phát triển trọn vẹn về mặt ấy, ngài dùng hết tất cả những luân xa của mình vì ngài tham thiền luôn luôn.
Dù đầy lòng kính trọng, Dora giữ vững nguyên tắc của mình. Thủ tục tiếp đón đức Dalai Lama là thủ tục dành cho một vị nguyên thủ quốc gia, với đông đảo người tùy tùng đi theo. Khi các nhân viên này yêu cầu bữa ăn cho họ tại trụ sở hội có thịt, Dora không nao núng. Bà nói mình ‘không care’ nếu họ ăn thịt ở ngoài khuôn viên hội quán, nhưng thức ăn tại đây từ hồi nào đến giờ không hề có thịt.
Lòng không hãi sợ này còn biểu lộ theo cách khác là không a dua. Dù là hội viên TTH, bà không có tánh xu phụ thấy nơi nhiều hội viên vào thời của bà, cũng như rất ghét một số tác phẩm của hội trong những năm đầu thế kỷ 20. Tuy quen biết rõ hai tác giả là ông C. W. Leadbeater và ông Jinarajadasa, người đồng thời với bà, Dora đã can ngăn không cho hai cuốn sách sau tái bản:
Man: Whence, How and Whither: A Record of Clairvoyant Investigations, của ông Leadbeater.
First Principles of Theosophy của ông Jinarajadasa.
Khi khác, vào những năm mà còn luật kỳ thị người da đen trong các tiểu bang miền nam nước Mỹ, và hội viên da trắng thuộc các chi bộ TTH tại đây có cách đối xử không huynh đệ với người da đen, khi được hỏi là xứ bộ Hoa Kỳ có nên loại ra chi bộ nào ở miền nam nước Mỹ chỉ thâu nhận người da trắng làm hội viên mà thôi, bà dẫu môi đáp.
– Đúng rồi. Lẽ ra phải khai trừ họ.
Bà mạnh mẽ chống lại mọi sự kỳ thị chủng tộc nào.
Nhìn lại những năm làm hội trưởng xứ bộ Hoa Kỳ, Dora nói.
– Tôi mở cửa Hội cho nhiều điều trong nhiệm kỳ của mình.
Bà muốn nói đến các bậc thầy tuyệt vời trong ngành của họ, nghiên cứu gia, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà làm phim, lãnh tụ tôn giáo đã có những buổi hội thảo cho công chúng, hòa nhạc, mở và giảng dạy các lớp và các chương trình. Bà còn mở cửa cho nhiều người khác để soạn ra các học trình mới, và chia sẻ tài năng chuyên môn của họ theo những cách khác. Điểm đáng nói là bà thực hiện bao điều này từ những năm cuối của tuổi bẩy mươi sang đến lứa tuổi tám mươi. TRI là thành đạt lớn lao nhất trong chức vụ hội trưởng của Dora.

Chữa Trị Bệnh Nhân HIV
Sau khi ngưng chức  hội trưởng xứ bộ Hoa Kỳ, Dora bắt đầu chữa người có AIDS và HIV, số bệnh nhân đến với bà có cả ngàn người. Số tử vong rất cao trong các thập niên đầu của bệnh và bà ghi:
– ‘Bạn chớ hề nói ‘Tôi là bệnh ấy’ vì nói vậy làm ngăn cản năng lực chữa bệnh đi vào, mà lúc nào cũng chỉ nói ‘Tôi có bệnh.’
‘Nếu bệnh nhân không đồng hóa với căn bệnh, tôi sẽ kêu họ xả bỏ mọi việc, thư thả hoàn toàn, cảm thấy mình khỏe tới mức có thể được.’
Bà rất điềm tĩnh và lặng lẽ, tỏa ra sự bình an cho ai đau ốm nhất. Mọi người cười nhiều giữa nỗi khổ đau và chết chóc. Dầu vậy, sự tử đối với bà có ý nghĩa khác do có thông nhãn và cũng vì có hiểu biết TTH. Có người đến chữa trị với gia đình, thân nhân đi theo; có người chỉ đến một mình với gia đình đã bỏ rơi họ, không phải vì họ đau ốm mà vì họ đồng tính luyến ái.
Ta chấm dứt bài đọc sách với hướng dẫn rất thực tế và hữu ích của bà. Cho những ai không hòa thuận với thân nhân trong gia đình, bà nói rằng chúng ta được mang lại với nhau trong đời do karma khi trước. Có người là bạn, là thầy, là con hay cha mẹ ở kiếp xưa. Bà khuyên ta nghĩ đến ai mà ta có liên hệ khó khăn và hướng thiện chí - goodwill tới họ. Chúng ta không ai giống ai, nên có người sẽ thấy khó mà tuôn rải tình thương nếu có mối liên hệ rắc rối.
Người ta nghĩ họ phải thương yêu cha mẹ nhưng đôi khi có sự lạm dụng. Trong trường hợp ấy, khuyên họ có lòng thương yêu chỉ làm họ cảm thấy có lỗi hơn nếu không thể cảm được tình thương trong lòng. Còn khuyên họ cảm thấy tha thứ theo ý bà là tạo nên ‘mối liên hệ không đồng đều’. Thay vì lòng tha thứ, Dora đề nghị chú tâm vào điều chi có thể làm trong hiện tại, và cách nó có thể sinh ra kết quả tích cực hơn trong tương lai. Bà nói.
– ‘Đôi khi ta có liên hệ rất khó khăn với mẹ, cha của mình hay ai khác. Nhưng bạn hỏi ‘Tại sao tôi bị mang để gặp lại họ ?’ Ấy là điều bạn phải tự tìm ra. Nếu thấy đó là karma từ kiếp trước và đây là cách hóa giải, thì nếu có thể nhìn như vậy, bạn sẽ thấy sự việc khác hẳn.
‘Trong việc chữa lành tôi thấy nhiều người gửi ‘thiện chí’ - tôi không nói là tình thương - tới người kia. Ai cũng nói chung một điều là nếu họ thực tình làm vậy, sau ba tháng họ không còn thù ghét nữa. Chuyện ngộ nghĩnh là thường khi người kia (kẻ mà ta gặp khó khăn với họ) gọi điện thoại và sự kiện (lòng tức tối, mối hận) được giải tan.
‘Nếu bạn mang trong lòng sự tức tối lớn lao, bạn sẽ bị ràng buộc vào người khác. Còn nếu bạn có thể phá vỡ sự ràng buộc và hơn thế nữa, nếu có thể thay thế lòng tức bực bằng việc tuôn ra thiện chí, là bạn hóa giải karma, nhất là khi họ đáp ứng… Tôi nghĩ điều này tạo nên sự khác biệt lớn lao trong đời, vì nhiều người nói họ có cái nhìn hoàn toàn khác hẳn nếu cảm thấy thân thiện, và không bị ràng buộc vào ai đó. Họ nói thấy mình tự do, ấy là điều họ cảm nhận.
‘Ai cũng có tư tưởng, tạo hình tư tưởng. Nếu ghét bỏ người nào suốt hai mươi năm là bạn tạo hình tư tưởng về người ấy và thực sự gửi nó tới họ. Bạn nuôi dưỡng lòng thù hận trong tâm và nếu ghét bỏ ai, nó cũng làm tăng cường lòng không ưa thích họ trong tâm bạn. Nếu có thể phá vỡ điều ấy thì bạn thực sự được tự do. Nếu bạn gửi đi mà không mong đợi gì, nhiều lắm là ba hay bốn tháng sau sẽ có đáp ứng - có giải tỏa. Bạn làm đứt tung dây ràng buộc, mà chuyện cần thời gian.’

Dora nói nhiều lần, ‘Chúng ta có thể thay đổi.’
Bà hoạt động tích cực cho tới năm cuối đời, hướng dẫn khóa học về trị liệu tại Indralaya ở tiểu bang Washington, và Pumpkin Hollow Farm tại New York. Bà vẫn giữ thói quen và cách làm việc là cho ra chính mình và giảng dạy. Tới chót, khi thấy rõ là đã yếu sức không còn giảng dạy được nữa, Dora dần dần hạn chế thức ăn vào người, giảm lượng thực phẩm tới mức chỉ còn vài hớp cà phê sữa, bà đã có quyết định.
Dora có lần nói, ‘Ai lớn tuổi khi chết có người ra đi rất thanh thản vì họ biết đã tới cuối đời mình, và chậm rãi rút về.’ Ấy là cách bà ra đi. Dora từ từ giảm lần mọi chuyện trong khoảng một tháng và qua đời ngày 24.8.1999, thọ chín mươi lăm tuổi. Tro được chia hai và rải ở Indralaya cùng Pumpkin Hollow  Farm, hai chỗ mà bà dành phần lớn đời mình làm việc ở đó.

Nhận Xét
Dora van Gelder Kunz ảnh hưởng cuộc sống hàng ngàn người qua sách, các bài giảng, buổi hội thảo, tham thiền và chữa trị luôn luôn miễn phí. Bà có tài năng về nhiều mặt, dầu vậy có nhận xét bà không là vị thầy giỏi; người ta phải hiểu cách bà làm việc mới thẩm định đúng mức khả năng của Dora. Trong số người học trị liệu Therapeutic Touch thì 80 % bỏ cuộc sau vài tháng, và chỉ có 20 %  tiếp tục đến cuối với thầy. Khi giảng hay hướng dẫn buổi hội thảo workshop, Dora không sử dụng cách quen thuộc như chiếu power points, phát tài liệu, có dàn bài, mà bà quan sát cử tọa và đưa ra vài trường hợp làm thí dụ cho bài nói chuyện. Bà không nêu danh tánh đương sự bởi vậy chỉ ai được đề cập là biết bà nói gì mà thôi, còn cử tọa có thể không tiếp thu trọn vẹn, cho rằng bà nói mông lung, ra ngoài đề, không nắm được trọn ý và đánh giá thấp nội dung bài giảng.
Khi hướng dẫn buổi hội thảo, Dora thường chọn họp ngoài thiên nhiên, vén váy ngồi bệt trên cỏ, trên miếng vải trải dưới đất hay trên ghế plastic, kể chuyện này nọ. Lời nói nhiều hàm ý nên chỉ có ai biết cách tư tưởng bà làm việc mới hiểu câu chuyện muốn nói gì, và theo dõi lý luận của chúng. Còn ai đến dự và mong đợi buổi họp diễn ra theo trình tự hợp lý không cần suy nghĩ cho lắm, thì cách trình bầy của bà rất chán gây bực bội.
Sở trường của Dora không phải là ngôn ngữ, tuy có kiến thức rất rộng - ta đừng quên hai ông bà giao tiếp thân mật với các khoa học gia tiếng tăm -  bà lại có thể nói năng lộn xộn và ít khi nói trọn một câu. Dầu vậy khi lắng nghe Dora, người ta hiểu được ý bà cho dù cách dùng chữ có thể sai. Về công việc thì bà khác hẳn, Dora hết sức cẩn thận, khoan đi tới kết luận cho tới khi đã xem xét kỹ lưỡng vấn đề.
Cách giảng dạy của bà cũng đặc biệt là không bàn về các đề tài cao xa gọi là ‘tinh thần’, mà thay vào đó chọn những điều bà gọi là ‘thực tế’. Chẳng hạn, bà nói về sự hòa hợp ‘harmony’ hay kết hợp ‘unity’ giữa những ai thuộc nhóm chữa lành mà bà hướng dẫn, thay vì nói đến sự hợp nhất ‘oneness’. Bà dạy về những gì đã tự chứng nghiệm cho mình và ngay cả vậy, dạy rất ít những gì bà biết.
Dora có phải là một đệ tử Chân sư ? Kirsten van Gelder, một trong hai tác giả quyển tiểu sử về Dora và là cháu dâu của bà, ghi rằng thầy của Dora là Chân sư KH còn chính Dora thì không hề nói là mình có tiếp xúc riêng với các ngài, tuy nhiên có vài chuyện đáng ghi. Bởi Dora không nói gì ngoài kinh nghiệm riêng, bài giảng năm 1955 tại Philadelphia về các Chân sư đặc biệt đáng chú ý. Trong bài đó, Dora mô tả cảm tưởng một người sẽ có khi đối mặt với hai Vị KH và M.; bà còn tả lại gương mặt của hai ngài. Sự mô tả chi tiết ấy không có trong sách vở TTH nào, và nhiều phần là bà sẽ không nói như thế nếu chưa gặp hai Vị. Khi nói về các Chân sư, làm như các ngài hiện diện ở đó với bà.
Có ý khác cho rằng bà Rukmini Devi Arundale, em gái ông Sri Ram và vợ ông Arundale, là một đệ tử. Khi Rukmini qua đời, Dora là hội trưởng xứ bộ Hoa Kỳ; bà được cho hay tin và kinh ngạc thốt lên:
– Vậy là còn có mình tôi ư ?.
Phải chăng hai bà là đệ tử cùng một vị Thầy để có lời ấy ?
Một điều ta có thể nói chắc là không mấy ai có thể nói rằng họ dành cả đời cho việc làm có tính tha nhân, hướng tới an lành cho con người và thiên nhiên, nhưng Dora van Gelder Kunz là một người như vậy.

Tham khảo:
- A Most Unsual Life, Kirsten van Gelder và Frank Chesley 2015 
- Masters of Wisdom, Edward Adbill, 2015.