ĐIỂM SÁCH

Điểm Sách

 

 

Giới Thiệu
Chi bộ Blavatsky được thành lập ngày 19.5 năm 1888 tại London, nơi họp là chỗ cư ngụ của HPB lúc bấy giờ và những buổi họp tối thứ năm diễn ra trong phòng ăn. Sau khi bộ Giáo Lý Bí Truyền The Secret Doctrine xuất bản vào cuối năm 1888, có quyết định là chi bộ mướn người viết tốc ký để ghi lại những buổi thảo luận về sách mỗi   ngày họp tối thứ năm, và bản ghi cho các buổi họp từ 10 tháng giêng đến 20 tháng sáu 1889 còn được lưu lại, tổng cộng 21 buổi với một buổi không có bản lưu. Mỗi buổi họp có từ sáu đến chín người.
Về sau bản ghi tốc ký cho 12 buổi họp đầu được biên tập và xuất bản thành sách tên Transactions of the Blavatsky Lodge. HPB viết thư cho em gái là Vera, mô tả những buổi họp này như sau:
– Mỗi thứ bẩy ở đây có tiếp khách và mỗi thứ năm có buổi họp với đủ hết các câu hỏi có tính khoa học, có người ngồi sau lưng chị ghi tốc ký, rồi có mấy ký giả ngồi ở góc phòng. Bận rộn quá phải không ? Chị phải chuẩn bị cho mỗi thứ năm vì người đến dự không phải là kẻ dốt nát mà là ông Kingsland làm về ngành điện (ông là kỹ sư điện), tiến sĩ William Bennett, và chuyên gia vạn vật học Carter Blake. Chị phải sẵn sàng biện hộ cho các lý thuyết của huyền bí học so với lý thuyết của khoa học ứng dụng, để bản ghi tốc ký có thể được in thẳng ra cho tạp chí mới, xuất bản hằng tháng, trong mục Transactions of the Blavatsky Lodge.
Vào mùa hè 1889 HPB sang Pháp viết cuốn The Voice of the Silence. Khi chi bộ họp trở lại vào tháng chín, cuộc thảo luận chuyển sang ý nghĩa bí truyền của sách thánh John trong kinh Tân Ước.
Trong nhiều năm quyển Transactions of the Blavatsky Lodge là tài liệu duy nhất lưu lại của những buổi thảo luận với giải thích của HPB, nhưng rồi năm 1922 người ta tìm được nguyên bản tốc ký chép tay 21 tập còn trong tình trạng hoàn hảo. Khám phá này tự nó là biến cố làm mọi người hào hứng, và đã có nhiều nỗ lực để xuất bản chúng thành sách từ đó tới nay, giờ kết quả thành tựu với hai sách có nội dung y hệt nhau vì cùng xuất xứ là nguyên bản tốc ký:
1. The Secret Doctrine Commentaries 687 t.
The Unpublished 1889 Instructions
ra đời năm 2010 do Michael Gomes soạn, và
2. The Secret Doctrine Dialogues, 722 t., 2014.

So sánh nguyên bản và quyển Transactions of  the Blavatsky Lodge, ta thấy nguyên bản bị thay đổi nhiều do biên tập rồi đem in trong sách này, như đôi khi câu hỏi được gộp chung với câu trả lời, hoặc ý được thu gọn hay có khi khác đi.
Khám phá nữa khi đọc nguyên bản là nội dung trưng ra cá tính và tài năng của HPB. Bà đối đáp khéo léo, giỏi dang với những câu hỏi về các đề tài hết sức khó hiểu, thâm sâu như bản chất của thực tại, chất liệu của vũ trụ, căn bản của tâm thức, và ngay cả nguồn gốc của sao chổi, trong khi bản thân không có học vấn cho khả năng như vậy. Bà nhắc tới nhắc lui nhiều lần trong các buổi họp:
– Tôi không biết nhiều, tôi chưa hề học các khoa này; điều tôi biết chỉ là do những gì phải đọc để viết bộ sách phải viết … Tôi là phụ nữ lớn tuổi có đầu óc rất đơn sơ. Tôi tới đây và sẵn lòng chỉ dẫn bạn điều chi tôi có thể làm được. Bạn chấp nhận thì tốt; tôi không thể chỉ dẫn nhiều hơn mức có thể làm, bạn biết chứ …
‘Trước tiên, đôi khi bạn hỏi những câu phạm vào phần bị cấm tiết lộ. Tôi nói với bạn một chuyện rồi giữ kín không nói nữa thì có lợi gì ? Nó chỉ làm bạn bực tức và không dạy chi mấy cho bạn. Rồi có những điều tôi không thể nói. Tôi kể cho bạn hết tất cả những gì tôi được phép cho ra mà thôi. Làm vậy có thể rất ngu dại, ngăn chặn người khác, rất ích kỷ. Bạn nghĩ sao cũng được; tôi không đặt ra các luật ấy, tôi không hề đặt ra luật lệ … Điều chi tôi đã hứa là sẽ không tiết lộ thì tôi không thể truyền ra, ấy là chuyện bất khả.’
The Secret Doctrine, như tôi đã nói với bạn, không phải là sách bí truyền mà là tác phẩm được in ra cho công chúng… Nếu người viết bộ kinh Tây Tạng (là nguồn của bộ The Secret Doctrine) viết theo cách hợp với thời nay, hẳn họ có thể học cách biểu lộ ý hay hơn, nhưng thực ra tôi nghĩ không thể nào làm bạn thỏa mãn và cho tất cả những giải thích. Người viết kinh viết chúng theo cách của thời ấy, đầy tính triết học, nhưng nếu bạn hỏi họ này kia và muốn trả lời theo Anh ngữ bóng bẩy, văn hoa như của học giả thì không được.
Nói về bộ The Secret Doctrine, bà giải thích.
– Tôi có thể đoan chắc với bạn là nếu đọc kỹ và có ngay một ý niệm trong đầu, nó sẽ dẫn bạn tới những điều tương đồng và tương ứng, và bạn sẽ hiểu chúng mà không cần nêu những thắc mắc này. Vì như tôi có nói, có một thành ngữ và một luật mà bạn phải theo sát: Trên sao, dưới vậy - Dưới thế nào thì trên thế ấy. Chỉ cần đặt nó vào một cõi khác và nó cho ra cùng một việc.
‘Bạn phải tự học. Điều duy nhất tôi có thể cho bạn là đặt quyển The Key to Theosophy vào tay bạn và nói: Điều này nói như vầy, và điều kia nói như kia, cứ như thế. Bạn biết là có người hiểu nhiều và có người hiểu ít. Bạn phải dùng quan năng cao của mình, trí não không làm gì ở đây và khoa học duy vật sẽ dự vào … bạn phải nhìn trọn sự việc rồi đi từ tổng quát vào cá biệt. Bằng không bạn không sao nắm được trọn vấn đề, đó là việc bất khả...’
Sách xuất bản theo sát 21 bản tốc ký từng chữ một. Đây là lần đầu tiên người ta được đọc trọn bộ và lời của HPB trong cách bà trình bầy và bàn luận, khi giải đáp những câu hỏi về bộ The Secret Doctrine. Một điểm lộ ra là HPB suy nghĩ mau lẹ và hết sức dí dỏm, khi thắc mắc nêu lên là trên mặt trăng có bậc đạo sư hay không, bà trả lời ngay.
– Không, vì nếu có thì các vị ấy sẽ được gọi là the lunatics !
Hầu như ai hiện diện ở buổi họp đều là người Anh nên khi khác, với câu hỏi là sao các thần linh ghi trong The Secret Doctrine không làm điều này hay kia, HBP trả lời tỉnh queo:
– Vì họ không phải là người Anh độc lập, mà chỉ là người trời đáng thương, và họ không cứng đầu cứng cổ ngu dại như nước các bạn (chỉ Anh quốc). Và điều ngăn cản họ là Karma. Tôi không thể nói gì thêm. Ta đừng quên rằng có giới hạn cho sự tự do hành động của mỗi sinh vật trong trọn vũ trụ… Các ngài không thể đi ngược với Karma. Trọn câu chuyện là vậy…

Cách Đọc Sách.
Sách dầy hơn sáu trăm trang, bởi đó là thảo luận về những đoạn đầu của bộ The Secret Doctrine nên nhiều phần là không dễ hiểu cho đa số chúng ta. Vì sách ghi hết tất cả ý kiến của những ai tham dự buổi họp, bạn có thể ‘đọc tắt’ là lần đầu chỉ đọc những ý nào của HPB. Theo cách đó bạn đọc mau hơn và cũng nắm được phần lớn ý, có hiểu biết tổng quát, sau đó khởi sự lại từ đầu lần này đọc trọn không bỏ sót một ai, bạn sẽ hiểu kỹ hơn HPB muốn giải thích điều chi. Bà nói.
– Bạn không thể mong là tôi ghi ra hết mọi điều, có đôi chuyện phải để đó chờ trực giác và trí thông minh của con người tìm ra. Nếu viết tách bạch hết mọi việc thì tôi phải viết 100 cuốn mà vẫn chưa đủ. Tôi đã nói trăm lần là hãy dùng luật loại suy (cho thắc mắc nêu ra).
… Bạn cần biết và hiểu mọi chuyện, hiểu liên quan của nó với điều khác và bạn phải bắt đầu từ khởi điểm, rồi đi từ tổng quát vào chi tiết…

Ta trích ra dưới đây một số lời bàn đáng chú ý của HPB trong sách.
● Luật Loại Suy
– Nếu bạn dùng phương pháp Aristotle (để tìm hiểu triết lý như con gà đẻ ra quả trứng rồi quả trứng sinh ra con gà) thì bạn không thể tiếp tục và sẽ lạc lối trong mê hồn trận gồm đủ loại các ức đoán vô ích. Còn nếu bạn bắt đầu với chuyện tổng quát, theo phương pháp của Plato, thì tôi nghĩ bạn có thể truy ngược lại, vì một khi đi trên đường ấy bạn có thể dễ dàng quay lại hơn, đi từ chi tiết đi lên phần tổng quát. Theo cách đó phương pháp của bạn sẽ tuyệt vời, không hẳn là theo đường lối của các khoa học gia, nhưng vẫn tốt đẹp cho chuyện nào đó.
‘… Tôi đã nói nhiều lần với bạn rằng điều đầu tiên cần biết là sự hiện hữu của Một Điều và Điều duy nhất, tức cái Tuyệt Đối. Bạn phải bắt đầu từ tổng quát vào chi tiết. Bạn không thể diễn tiến theo hệ thống Aristotle của tây phương các bạn, theo cách ấy sẽ không đi tới đâu. Bạn sẽ bị hoang mang và rầu rĩ, đập đầu vô tường đá còn gì là đầu… Tôi nghĩ triết gia Plato trội hơn hẳn những triết gia hàng đầu thời nay của bạn như Schopenhauer, Herbert Spencer và Hartmann … Và nếu ông chứng minh là bạn không thể có được hiểu biết trừ phi bắt đầu từ tổng quát và suy luận xuống đến chi tiết, tìm thấy sự việc ở cõi trần (là hệ quả của những diễn biến ở cõi trên cao), tôi nghĩ ông đúng hơn chúng ta.’

● Lòng Ích Kỷ
– Nirmanakaya là những đấng cao cả hy sinh cho nhân loại. Tên gọi có nghĩa khi một ai thành vị đại sư không còn muốn sống ngoài đời nữa, mà cũng không còn ích kỷ tới độ muốn nhập Niết Bàn (vì như thế là ích kỷ, bạn không làm lợi cho ai mà chỉ làm lợi cho mình khi nhập Nirvana, và cần tránh lòng ích kỷ này); do đó thay vì vào cõi thiên đàng Devachan (nó là thiên đàng cho người phàm như chúng ta, nhưng là ảo ảnh cho vị đại sư) ngài bỏ xác phàm và sống trong sáu nguyên lý kia của mình …
‘Dù ở đâu nơi cõi tinh thần, ngài sống và giúp đỡ nhân loại, đôi khi gợi hứng cho con người hay tiếp xúc với họ, đại loại thế. Tôi biết có nhiều trường hợp như vậy mà đương nhiên là rất hiếm, nhưng ấy là vì nói chung các ngài không làm việc với cá nhân mà sẽ che chở một quốc gia, cộng đồng hay điều tương tự, giúp tới mức mà Karma cho phép…
‘Luật tranh sống là luật căn bản đầu tiên trong thiên nhiên, nhưng nó chỉ áp dụng cho vật chất đã được phân hóa và không liên quan gì đến cá nhân. Bởi con người phải đi theo những luật cao hơn của chân ngã mà không chìu theo các thúc đẩy nơi cõi của phàm ngã. Sự tranh sống bắt đầu từ các phân tử vật chất và chấm dứt nơi loài vật chưa biết lý lẽ. Vì vậy ta không có biện minh nào cho lòng ích kỷ nơi con người, vì con người là con vật cao hơn và có tâm thức ở mức cao hơn loài vật, ngay cả khi đó là người rất sơ khai.
‘Chỉ riêng nơi con người mà ta có tam thể thượng có thể linh hoạt hoàn toàn, tam thể thượng này hòa làm một và việc hòa làm một hay hòa đồng là đặc tính của cõi mà nó linh hoạt. Nơi bốn cõi thấp thì ngược lại, luật phân hóa và dị biệt đóng vai trò thượng đẳng. Vì vậy, những sinh vật nào có được tam thể thượng chịu sự quản trị của luật tương ứng mà không phải luật cho tứ thể hạ. Các luật thuộc loại sau chỉ tác động lên sinh vật, hạt nguyên tử hay vật chi mà trí lý luận hãy còn là tiềm năng chưa phát triển.
‘Bởi luật cho bản thể là hòa hợp, là luật cho chân ngã, nên con người chỉ có thể đạt được mức phát triển trọn vẹn và toàn hảo bằng cách cư xử hòa làm một hoàn toàn, hay sự hòa nhịp, với tất cả ai khác. Cảnh tranh sống mà ta thấy ngày nay nơi nhân loại cho thấy rằng trước tiên, con người chưa hoàn toàn bước ra khỏi tình trạng thú vật còn dã man, trí năng Manas chưa phát triển trọn vẹn trong vòng tiến hóa thứ tư này của địa cầu, mà nó chỉ được là vậy trong vòng thứ năm. Kế đó, những ai học rộng biết nhiều tuyên bố rằng lòng ích kỷ là luật vĩ đại cho con người, thì dù có thông thái và trí tuệ, họ không ở cõi cao hơn cõi trần. Nói khác đi, các nhà thông thái này vẫn còn là con vật. Ai muốn đến nói cho họ hay thì cứ tự nhiên …’
Ta được dạy rằng địa cầu trải qua bẩy vòng tiến hóa (Round), hiện giờ ta đang ở vòng thứ tư, và không ai ở vòng này có thể phát triển quá mức nhân loại sẽ đạt tới vào cuối vòng bẩy. Không ai có thể đi quá mức ấy trong giai đoạn linh hoạt này Manvantara của địa cầu, nên nhận xét đặt ra trong buổi họp là điều ấy thực ra là căn bản cho việc mỗi chúng ta giúp đỡ nhân loại, tức đúng ra là ta tự giúp mình ? HPB trả lời.
– Chắc chắn vậy. Ấy là điều hợp lý nhất và dễ hiểu nhất trên đời. Người ta không chịu hiểu rằng khi làm tổn hại cho ai bên cạnh là gây tổn hại cho chính ta, nếu không tới ngay bây giờ thì nó sẽ tới trong một kiếp sau. Lẽ tự nhiên nếu bạn không tin thì đó là chuyện khác, còn nếu bạn tin thì nó sẽ là vậy, bởi nếu tôi làm đau ngón tay này thì trọn cơ thể tôi sẽ cảm biết điều ấy. Tôi có thể quên đi nhưng nó có thể trở lại trong năm năm, vì không một chuyện nhỏ nhất nào xẩy ra mà không cho hệ quả.
‘Vũ trụ của chúng ta là một chuỗi nhân và quả. Không có một việc nhỏ nhất nào ta làm cho đồng loại mà không nhận lãnh hậu quả, và cho trọn nhân loại cũng vậy. Chuyện tương tự như khi ta làm xáo động một hồ nước mênh mông, nếu bạn chỉ khuấy động một chỗ thì mỗi một giọt nước trong hồ ấy sẽ cảm biết, và sẽ có phản ứng. Tôi cho rằng lòng ích kỷ giữa các giống dân, giữa cá nhân với nhau, giữa các tôn giáo khác biệt, giữa mọi chuyện, là điều tai hại không những cho thế kỷ 19 mà nó sẽ kéo dài bao lâu ta không thay đổi, hay trở thành tốt đẹp hơn một chút so với hiện nay…
‘… Ngay cả thiên đàng hay Devachan là một trạng thái ích kỷ được thăng hoa, nhưng nó có giới hạn… Nó không giống hứa hẹn là nếu người ta tin như được dạy thì sẽ lên thiên đàng và có hạnh phúc mãi mãi; chuyện không hợp lý chút nào… tôi không biết họ làm gì ở đó, chắc nằm dài trên mây êm ! Đây là việc kỳ quặc nhất trong đời. Con người được dạy là chỉ cần tin rằng bởi có ai đó đã bị chết vì họ, tội lỗi của họ do vậy được tha thứ. Tôi cho rằng đó là thuyết lý tệ hại nhất trên thế gian. Nó khiến con người mất lòng tự tin và ý tự lực. Nó làm ta không thấy điều bất công kinh khủng, vì tôi có thể đi ăn cắp xoài và người khác bị đòn vì tôi. Chuyện thật vô lý…’

● Đọc bằng Trực Giác.
– Tôi có nói nhiều lần rằng có sáu trường phái triết lý ở Ấn, mỗi        trường phái có từ ngữ riêng của họ và đôi khi dùng chúng theo một nghĩa riêng. Thí dụ phái này gọi một điều là A, mà phái khác cũng chữ ấy lại hiểu theo nghĩa khác, nên rất khó biết nên dùng chữ nào, và bạn phải biết chữ đó nghĩa là gì theo trường phái này hay kia, bằng không sẽ luôn có hoang mang. Rồi lại có nghĩa bí truyền và công truyền.
Như đã ghi, trong buổi họp chi bộ đa số là người trẻ tốt nghiệp đại học, được huấn luyện kỹ về các khoa học đương thời (cuối thế kỷ 19) như y khoa, hóa học, vật lý. Có thắc mắc nêu ra là nói về ái tính trong hóa học, làm sao nối kết nó với vật có óc thông minh ở cõi cao, HPB đáp.
– … Nghe này, không có điều nhỏ nhất nào trong vũ trụ, không có sự tiếp xúc nào giữa hai hạt nguyên tử, hay bất cứ hai vật nào trong thiên nhiên mà không có sự thông minh trong đó, đằng sau chúng, và chúng tác động với óc thông minh, có thông minh, và tất cả chúng ta đều tắm mình trong sự thông minh.
Nhưng làm sao suy nghĩ thông minh về mối liên hệ giữa óc thông minh ấy và dữ kiện cõi trần mà ta quan sát ? HPB trả lời.
– Bằng cách bỏ hẳn phương pháp khoa học và qui nạp của bạn, và trở thành không phải người suy nghĩ chuyện cõi trần mà suy nghĩ chuyện cõi cao, ấy là điều duy nhất tôi có thể cho bạn hay. Một khi bạn trở thành là người suy nghĩ chuyện vật chất thay vì siêu hình metaphysics, xem xét sự việc theo quan điểm của vật chất cõi trần và trộn lẫn nó với khoa học chính thống, bạn sẽ không đi tới đâu cả…
‘… Hãy làm hay hơn là bắt đầu mọi việc từ khởi điểm, từ phút đầu tiên có sự phân hóa. Hãy học như tôi học, tôi không phải là người khoa học chút nào mà tôi chỉ là người xem xét chuyện siêu hình metaphysician. Tôi nhìn ngắm nó, biết nó cảm thấy nó trong tôi, thấy nó trước mặt tôi. Tôi không thể mô tả nó bằng từ ngữ khoa học vì không biết đủ về khoa học, nhưng tôi nói rằng đó là chuyện dễ nhất trên đời khi truy ra sự việc nếu bạn bắt đầu ở khởi điểm. Còn nếu làm như khoa học gia làm và bắt đầu từ khúc đuôi với những gì xuất hiện nơi cõi huyễn tưởng này, bạn sẽ không đạt được chi hết.
(Ta ra ngoài đề một chút ở đây, ý này đáng nói vì bộ The Secret Doctrine ghi về cuộc tiến hóa của con người từ điểm khởi đầu, lúc vũ trụ sinh ra từ cõi hỗn mang cho đến ngày nay, mẫu chủng thứ năm ở vòng tiến hóa thứ tư. Còn thuyết tiến hóa của Darwin có khởi điểm vào lúc con người cùng vạn vật đã mang hình hài vật chất, là ‘bắt đầu từ khúc đuôi’).
‘Tôi có thể chỉ ra một sai lầm mà các bạn rơi vào không ? Nó là vì bạn xem xét riêng rẽ tất cả các nguyên nhân mà bạn muốn gọi là có thông minh, tìm hiểu cái này rồi cái kia thay vì xem chúng như là một tổng thể. Bạn không thể xét về ái tính như vậy… Khoa học nói rất đúng theo quan điểm vật chất của nó, là các hiện tượng về điện là các lực mù quáng của thiên nhiên, bởi khoa học không thể thấy xa hơn cái mũi của mình, và không cho phép mình đi xa hơn cõi trần với các hiện tượng vật chất.
‘Nhưng nếu đi từ đầu, nếu tưởng tượng rằng có một sự sống chung, tính hòa đồng vĩnh cữu, toàn hiện nằm bên dưới mọi hiện tượng trong thiên nhiên, tức bên dưới ngay chính thiên nhiên, ta xem xét toàn khối và rồi đi từ tổng quát tới chi tiết. Bằng không bạn không thể nắm được sự việc. Đó là chuyện bất khả. Bạn phải lướt qua nhiều việc hay phải bao gồm chúng vào nghĩa tổng quát, và rồi bắt đầu tìm hiểu từ cái biểu lộ đầu tiên mà bạn có thể làm được, không theo như vậy thì bạn không thể tạo được cho mình hiểu biết rõ ràng… Theo cách ấy tôi không gặp khó khăn chi.’

● Người Toàn Thiện.
Họ phải là:
– Toàn hảo về hình hài vật chất, sức khỏe.
– Toàn hảo về trí thông minh
– Toàn hảo về tinh thần
Sao đi nữa, họ phải có đủ tiến hóa để đạt sự quân bình hoàn toàn.
– Người tuyệt đối khang kiện, có đầy sinh lực mà thiếu khả năng trí tuệ thì là một con vật mà không phải là con người.
– Người hoàn toàn tinh thần mà chân tay đau yếu, hay thân xác yếu đuối thì không phải là con người, mà là phần tinh thần bị giam hãm, nhìn qua cửa sổ ra ngoài... là linh hồn không may.
– Người hoàn toàn mạnh khỏe, biết suy nghĩ, phát triển nhiều mà không có tâm thức tinh thần đi kèm thì cho dù có trí tuệ, chỉ là cái vỏ trống mà không là gì khác.
Ba điều:
– Hình hài thể chất, sức khỏe toàn hảo.
– Trí tuệ toàn hảo
– Tinh thần toàn hảo
tất cả phải quân bình với nhau, được vậy thì con người toàn thiện nơi cõi của họ mà không phải là hết các cõi … có những mức độ toàn hảo ở những cõi khác nhau theo bậc thang bẩy nấc.

● Ngôn ngữ
Bà cho biết.
– Thí dụ khi vị đạo sư nói với chela (đệ tử) của ngài, người chela không hiểu ngôn ngữ mà vị đạo sư nói, hay vị đạo sư không hiểu ngôn ngữ mà người chela dùng nơi cõi trần, nhưng hai người hiểu nhau vì mỗi chữ phát ra ghi ấn tượng lên não bộ. Đó không phải là ngôn ngữ theo ta hiểu mà là ngôn ngữ của tư tưởng… Đôi khi tôi hoàn toàn không thể nói là tôi suy nghĩ bằng ngôn ngữ gì…

●  Linh Hồn và Thai Nhi
Chân ngã có can dự chi vào việc tạo hình của thai nhi ? HPB giải thích.
– Chân thần chỉ đến khi thai nhi được bẩy tháng, và đi hoàn toàn vào trẻ nhỏ sau khi em đã có ý thức. Chân nhân sau khi ra khỏi Devachan bao phủ thai nhi, làm nó sáng lên, nhưng chỉ bắt đầu việc đồng hóa sau khi tâm thức bắt đầu sống động, vào khoảng bẩy hay tám tháng. Nó chưa đi vào ngay, mà khởi sự bao bọc thai nhi; nó ở đó, được luật Karma dẫn dắt tới thai nhi mà chưa nhập vào liền. Vậy nói rằng trẻ nhỏ có linh hồn, và là một con người trước khi sinh ra là chuyện vớ vẩn.
‘Điều này không thể được dạy cho quần chúng, chuyện không may là người theo Ấn giáo biết vậy, nên họ hủy bỏ con rất dễ dàng. Nhưng chắc chắn là gây ra karma … ‘
Đây là giải thích rất thú vị và sẽ cho nhiều hệ quả. Điều hiển nhiên là người ta không thể dùng hiểu biết này làm cớ biện minh cho việc phá thai. Chuyện sau mang lại karma cho người mẹ, không phải vì thai nhi bị hủy bởi hình hài vật chất luôn có thể được tạo ra, mà vì cơ hội cho linh hồn tái sinh bị xáo trộn. Bạn có thể đọc thêm trong bài Is Foeticide a Crime, Collected Writing V, t. 106-8)

Để kết luận, ta ghi lại lời ông William Kingsland lúc đó 31 tuổi, người thường xuyên dự các buổi họp. Ông nói:
– … ‘Phương pháp của bộ The Secret Doctrine là diễn dịch, đi từ tổng quát vào chi tiết … Học viên đọc sách đừng lầm lộn hình thức được trưng ra với các nguyên lý nằm bên trong hình thức, hay vật chất hóa kho tàng minh triết và hiểu biết vô giá chứa đựng bên trong thành tín điều.
Luật vĩ đại của The Secret Doctrine là loại suy hay suy luận. Trên sao, dưới vậy. Tiểu vũ trụ là phản ảnh của đại vũ trụ. Các châm ngôn huyền bí này có thể thấy ở những nơi khác, nhưng không cuốn sách nào trưng dẫn chúng hay trình bày chúng thật chi tiết, hay dùng chúng để bàn về phạm vi hết sức bao quát như trong bộ The Secret Doctrine. Đây quả thật là chìa khóa đáng có, chìa khóa phổ quát mà ta có thể dùng để giải tỏa từng bí ẩn một của bản thể ta. Trước hết ta phải học để hiểu thật rõ nguyên tắc loại suy này, và nếu làm được vậy tôi tin là chẳng bao lâu chúng ta sẽ khám phá được giá trị của nó trong mỗi ngành mà ta cố gắng thâm nhập …’

Sách không dễ đọc, không phải vì khó hiểu mà vì những thắc mắc và câu trả lời dựa trên các hiểu biết về The Secret Doctrine nói riêng, và MTTL nói chung được xem là ai cũng biết, do đó nhiều phần là ta sẽ không hiểu mấy nếu chưa trang bị sẵn cho mình một số kiến thức tối thiểu về Theosophy. Nếu thấy mình còn thiếu như vậy thì tốt hơn khoan đọc sách, mà nên làm quen với Theosophy qua các bài viết và tác phẩm của HPB trước, khi có hiểu biết đôi chút rồi hãy đọc quyển này, làm vậy có lợi hơn. Những gì bạn biết sẽ được lời giải thích của HPB làm sáng tỏ thêm, tựa như đào trúng mạch nước hay mỏ vàng, bạn được uống nước tận nguồn và thấy thật mãn nguyện, đầy lòng biết ơn sâu đậm với HPB cùng cảm tạ những ai đã có công cho sách ra đời.