ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY
Đời Huyền Bí
của HPB(tt)
Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY
6d Alexander Wilder
Thu 1876 - Tháng chín 1877, New York
Vào mùa thu 1876 tôi nhuận sắc vài ấn phẩm cho ông J. W. Bouton, một nhà xuất bản sách ở New York… Một buổi trưa dễ chịu chỉ có mình tôi ở nhà, chuông reo và tôi ra mở cửa.Ông Olcott đứng đó và muốn gặp tôi nói chuyện.Ông được ông Bouton giới thiệu đến tôi.Bà Blavatsky có soạn một tác phẩm về các đề tài và triết lý huyền bí, và ông Bouton được hỏi ý về việc xuất bản sách.Ông muốn tôi xem xét tác phẩm này và tôi đồng ý làm việc đó.
Tài liệu ấy thực là dầy dặn, cho nghiên cứu rất rộng. Trong bản tường trình (cho ông Bouton), tôi ghi bản thảo là kết quả của cuộc nghiên cứu lớn lao, và nói về suy nghĩ đương thời thì sách làm một cuộc cách mạng; nhưng thêm là sách quá dài làm việc xuất bản sách không có lợi nhuận chi.
Dầu vậy ông Bouton bằng lòng xuất bản, ông đưa sách cho tôi trở lại với yêu cầu là rút ngắn tới mức có thể được.Đây là quyền hạn rộng rãi nhưng làm vậy không hay.Chuyện khó mà công bằng khi một ai thay mặt chỉ riêng cho nhà xuất bản được cho quyền hạn như thế đối với sách của một tác giả.Dầu vậy, tôi nhận làm việc này. Khi thu ngắn sách, tôi cố gắng trong mọi trường hợp duy trì tư tưởng của tác giả bằng chữ giản dị, chỉ bỏ đi những chữ và điều gì có thể xem là dư thừa và không cần thiết cho mục đích chính. Theo cách đó, phần loại bỏ tính ra đủ để thành cuốn sách dầy đáng kể.
Ông Olcott rất muốn tôi làm quen với bà Blavatsky. Có vẻ như ông rất tôn trọng bà, gần như là tôn kính, và xem cơ hội được biết bà là ân huệ hiếm có cho một ai. Tôi không chia sẻ nhiệt tình đó của ông.Bản tính tôi vốn e dè với việc có thân hữu mới, và lại thêm là người phê bình bản thảo của bà, tôi chần chừ một thời gian lâu. Tuy nhiên, sau cùng những ngần ngại này được để qua bên, và tôi theo ông đến nơi cư ngụ của hai vị trên đường 47.
Đó là một căn ‘flat’, loại gia cư nay thấy khắp nơi trong thành phố đông dân. Tòa nhà nơi hai vị cư ngụ thuộc loại ấy, và họ ở trong apartment trên lầu hai. Thư phòng chỗ bà Blavatsky sống và làm việc được xếp đặt theo cách sơ sài và khác lạ. Đó là một phòng rộng có mặt tiền cạnh con đường, sáng sủa. Ở giữa là bàn viết của bà có vách ngăn tạm thời ở ba bên, và kệ sách. Bà sắp đặt phòng một cách độc đáo và thuận tiện, chỉ cần vói tay để lấy sách, giấy, hay vật khác mà bà cần trong phạm vi ấy. Ở chỗ đó bà Blavatsky làm chủ, ra lệnh, cho xét đoán của mình, trả lời thư tín, tiếp khách, và soạn bản thảo sách của bà.
Bà không có cung cách hay vóc dáng như tôi tưởng. Bà cao, nhưng không vạm vỡ; gương mặt có dấu vết và biểu lộ đặc tính của người đã thấy nhiều, suy nghĩ nhiều, du lịch nhiều và lắm kinh nghiệm.Hình dạng bà chắc chắn gây ấn tượng nhưng không có chút gì là thô lỗ, vụng về hay thấp kém.Ngược lại bà có sự hiểu biết, tỏ ra quen thuộc với cách xử sự của giới thượng lưu nhất, và đầy nét thanh nhã. Ta dễ thấy là bà không bị gò bó trong lối giáo dục thông thường cho nữ giới; bà biết rất nhiều điều và có thể thảo luận chúng thật tự nhiên.
Tôi nghe nói là bà có quyền năng siêu nhân và nhiều việc xẩy ra có thể gọi là phép lạ. Tôi cũng tin như Hamlet là có nhiều việc lạ trong trời đất mà người ta chưa biết. Nhưng bà Blavatsky không hề nói gì về những điều ấy với tôi.Chúng tôi luôn luôn thảo luận những đề tài mà cả hai quen thuộc, như là những cá nhân trong một môi trường chung. Ông Olcott thường nói với tôi như thể tôi có được cơ hội lớn lao khi được gặp bà, nhưng chính bà thì không hề tỏ vẻ gì là hơn người, mà tôi cũng không thấy bà tỏ ra như thế với ai khác.
Tuy nhiên bà nhìn nhận là có liên lạc với các nhân vật bà gọi là bậc ‘Huynh trưởng’, và cho hay là thỉnh thoảng việc ấy diễn ra bằng viễn cảm (còn gọi là thần giao cách cảm). Tôi tin một điều kiện quan trọng để có khả năng ấy là việc tránh để bị kích thích giả tạo gây ra do ăn thịt, uống rượu và những loại ma túy khác. Tôi không cho những điều này là vô đạo đức chi cả, mà chỉ đoán việc kiêng cử chúng là điều thiết yếu để khả năng trí tuệ biểu lộ trọn vẹn, và tâm linh không bị ngăn trở hay nhiễm ảnh hưởng thấp.
Nhưng bà Blavatsky không có chút khắc khổ nào. Bàn ăn có đầy đủ tuy không dư thừa, và không khác gì những nhà khác. Ngoài ra bà hút thuốc lá thoải mái khi nào có dịp.Tôi không thấy có chứng cớ nào là những việc này xáo trộn, hay có ngăn trở chi sinh hoạt trí tuệ và tâm trí sắc bén của bà.
Lần đầu tới gặp, bà tiếp đãi tôi nhã nhặn và lại còn thân thiện.Có vẻ như bà quen thân ngay lập tức.Bà nói về những đoạn tóm gọn tôi đã làm trong bản thảo, khen ngợi là tôi đã làm hơn là sách đáng được làm.Bà nói ‘Những gì bỏ đi là điều vớ vẩn.’Chắc chắn là tôi không nhận xét khe khắt như vậy.
Trong lúc làm việc, bà có nhiều sách liên quan đến các đề tài khác nhau, hiển nhiên là để tham khảo… Chúng tôi hay thảo luận các đề tài và các tính chất khác nhau của chúng, vì bà chuyện trò rất hay, quen thuộc mọi việc mà chúng tôi nói đến. Bà nói tiếng Anh trôi chẩy như là người hoàn toàn quen thuộc với nó và suy nghĩ bằng ngôn ngữ ấy.Tôi nói với bà y như nói với bất cứ ai mà tôi quen biết. Khi một ý kiến được nêu ra, bà nói lên ý nghĩ của mình rõ ràng, gọn ghẽ và thường khi mạnh bạo. Điều gì bà không chấp thuận hay coi trọng thì bà mau lẹ gọi đó là chuyện ‘vớ vẩn.’ Ngay cả hành động hay dự tính của ông Olcott cũng không tránh khỏi lời phê bình nghiêm khắc này và thực tế là thường khi ông bị chỉ trích nặng. Ông mất hứng nhưng chỉ phân trần ngắn, và tỏ ra không để bụng.
Có vài người viết là như thể tôi biết đôi điều cho thấy bà không phải là tác giả của Isis.Tôi biết chắc bản thảo mà tôi nhuận sắc là chữ viết của bà. Ai quen thuộc với bà khi đọc cuốn 1 bộ Isis sẽ nhận ra ngay bà là tác giả không chút khó khăn. Ngoài ra, có tới trọn phân nửa hay hơn nữa của bộ sách xuất bản là do bà Blavatsky viết ra sau khi ông Bouton đã chuẩn bị sắp chữ. Bà không chuyên môn chút nào trong việc sắp xếp bài viết của mình.Bà thêm bớt, thay đổi, phải trả hóa đơn một số tiền lớn cho việc ‘sửa’ bản in.Thực vậy, nhà xuất bản nói với tôi là bà không hề ngưng việc sửa đổi bản văn cho tới khi ông nói là bà phải dừng lại.
Bà luôn đối xử nhã nhặn với tôi.Khi việc làm hóa cấp bách nhất, hay khi mệt mỏi việc tiếp khách bà ra lệnh cho người gác cửa không nhận bất cứ ai đến chơi.Người này nói với tôi lệnh cấm ấy, nhưng khi nghe tiếng tôi thì bà sẽ gọi với ra cho tôi vào. Chuyện này xẩy ra khi tôi đến không phải do công việc. Bà sẵn sàng chuyện trò và thoải mái với bất cứ đề tài gì. Không có mấy ai trong đời mà có nhiều điều để thảo luận như thế. Ngay cả ông Olcott, không thua sút hay là người tầm thường, cũng không bằng bà ngoại trừ về nghề nghiệp của riêng ông.
Bởi tin là phần chính của tác phẩm không đủ thu hút đối với ai mua sách, tôi thúc giục bà kèm trong đó chuyện về những điều kỳ bí mà bà đã quan sát ở Ấn, nhưng bà luôn luôn từ chối không làm, bảo là các ‘Huynh trưởng’ không cho phép. Ấy là điều tôi không thể cật vấn; hiểu biết của tôi chỉ thuộc về xã hội thông thường. Tuy nhiên bà luôn luôn chịu nghe điều tôi muốn nói, nó có liên quan đến việc làm của bà hay đó là những câu hỏi triết lý, hay là chuyện hằng ngày. Khi nhà in đã sắp chữ xong, tôi được giao việc soạn danh mục - Index.Cuối cùng xong việc và Isis xuất bản vào tháng chín 1877.
7a Vô Danh
Tháng giêng 1877, New York
Chiều hôm qua khi chúng tôi đến, bà Blavatsky ngồi bên cửa sổ mầu xanh với màn cửa hồng, cạnh chiếc bàn đọc sách lớn chiếm hết khoảng trống còn lại ngoài bàn viết to gần bằng như thế, trong phòng làm việc của bà. Bà là một phụ nữ người Nga, không trẻ lắm và chắc chắn là chưa lớn tuổi, được khắp thế giới biết đến như là học giả về nhiều ngành huyền học khác nhau. Chất thành chồng trên bàn và bàn viết, và đầy trên sàn là hàng trăm tờ bản thảo, và trong khoảng trống trên bàn là chỗ dành để đọc và viết là những bản in để dò lại, và thêm nhiều tờ bản thảo và giấy bút.
– Phải, tôi đang viết một cuốn sách, bà trả lời cho câu hỏi của ký giả. Nó sẽ có tên là ‘The Veil of Isis’ (về sau khi biết là một cuốn sách khác đã lấy tên này, sách được đổi tên thành Isis Unveiled) và gồm hai phần.Trong phần đầu tôi sẽ công kích khoa học và trong phần hai, thần học nặng tín điều.
– Chắc chắn là bà không công kích khoa học rồi, ký giả ngạc nhiên nói.
– Không, không phải khoa học như nó là, mà là chỉ dạy của các khoa học gia hiện đại. Khoa học là điều thật và đẹp đẽ, nhưng các khoa học gia đương thời này chưa tìm ra nó là gì. Họ mượn những lý thuyết của người xưa, tô điểm nó bằng ngôn ngữ hoa mỹ, hùng biện rồi trưng nó ra như là sản phẩm của riêng họ. Những ý tưởng mà Huxley đưa ra khi ông đến Hoa Kỳ đều là lấy từ của người xưa, như tôi sẽ cho thấy trong sách của tôi. Nhưng không ai trong bọn họ biết là mình nói gì, Huxley, Tyndall, và những người còn lại. Họ từ chối không chịu xem xét những điều đã được chứng tỏ rõ ràng, và loay hoay về nguồn gốc của vật chất, là điều tương ứng với tinh thần, và đi tới kết luận về sự tiêu tán của con người.
– Bà theo đạo gì ? ký giả hỏi.
– Tôi là Phật tử.
– Nhưng không phải Phật giáo nói chung cuộc là sự tiêu tán sao ?
– Không đâu. Ấy chỉ là diễn giải sai lầm của nhà thần học thiếu hiểu biết. Phật giáo nói nó là điều nằm ngoài khả năng mô tả của ngôn ngữ con người, ngoài khả năng cảm nhận của trí tuệ con người (bất khả tư nghị); đối với con người bất cứ điều chi không thể nghĩ bàn thì không hiện hữu, và như thế điều ta gọi là Thượng đế thì không hiện hữu. Tức là theo mức hiểu biết của con người thì Thượng đế không thể có sự hiện hữu. Bạn thấy đó chỉ là siêu hình học được khéo léo trình bầy thôi. Và Phật giáo tin vào việc con người gồm ba thành phần, dạy rằng ta có thể vật chất, thể tình cảm và linh hồn thanh khiết mà tiếng Hy Lạp gọi là nous. Sau khi thể xác chết đi ta có sự sống khác và sau cùng khi đã được tinh luyện, linh hồn vào Niết bàn, nghĩa là trở về với đấng Tạo hóa.
– Màthể tình cảm bà nói tới là gì ?
– Nó không phải là tinh thần, mà cũng không phải là vật chất mà ta quen thuộc. Nó là vật chất mà ngũ quan không cảm nhận, suy lường được.
– Bà tin vào hồn người, vậy bà có tin vào điều gọi là hiện hình của hồn người không ?
– Chắc chắn rồi. Các hiện tượng được trưng ra thì thường khi có lẽ là giả mạo. Có lẽ chỉ một phần trăm là chuyện thật của hồn người về liên lạc, nhưng ta không thể vơ đũa cả nắm. Chuyện đáng được xem xét một cách khoa học, và lý do mà khoa học gia không xem xét là vì họ e sợ. Họ thăm dò đủ mọi phương hướng rồi tiến đến những cửa đóng, và họ không dám mở chúng vì sợ phải trở về các điều mê tín dị đoan của tổ tiên chúng ta, là những người biết nhiều hơn ta biết.
Nhưng tôi tin vào các hiện tượng vì tôi đã thấy chúng. Các người đồng không thể gạt được tôi. Tôi biết nhiều hơn họ về việc này. Tôi đã sống nhiều năm tại những nơi khác nhau ở đông phương, và đã thấy nhiều điều kỳ lạ hơn họ thấy.
Tôi đột ngột rời Paris vì chỉ tính đi vào tối hôm trước đó. Sau khi đến New York, bà nói tiếp, ngày hôm sau tôi đến gặp người đồng là ông Henry Slade. Ông biết tôi là người ngoại quốc vì giọng nói của tôi, nhưng không biết là tôi người Đức hay Pháp, hay nước nào. Ông viết ra một lời nhắn bằng tiếng Nga của một người bạn hồi nhỏ của tôi, đã qua đời nhiều năm về trước.
– Mà mục đích việc hiện hình của hồn người là chi ? bà được hỏi thế sau khi đã kể vài chuyện giống như trên.
– Nó là để chứng tỏ là có hồn người. Và tôi biết người đồng ở đây và ở đông phương đã làm nhiều chuyện lành bằng lắm cách khác nhau, bà đáp. Nhưng ta đừng mong là hồn người sẽ liên lạc với ta qua những người đồng như vậy, những người mà bạn trả tiền nhiều hay ít. Y khoa có thể chứng tỏ là hồn người không liên lạc qua ai mạnh khỏe. Các người đồng đều bất toàn về mặt này hay kia. Các hồn luôn tìm một thể xác để trụ vào, chiếm lấy thân xác nào có khiếm khuyết mà không thể làm chủ những thể nào lành mạnh. Thành ra ở phương đông, người khật khùng đặc biệt được coi trọng vì được xem là có hồn nhập vào.
– Kinh thánh nói đó là quỉ dữ ám nhập, ký giả gợi ý.
– Không. Kinh thánh dùng chữ Daimon, nó không nhất thiết phải là quỉ dữ, mà có thể có nghĩa là thần linh. Socrates có một thần linh như thế, và chắc chắn là ông không bị quỉ dữ ám nhập.
Nhưng hãy trở lại người khật khùng. Khoa học gia về y khoa có thể cho biết lý do của tật khật khùng không ? Họ có thể giải thích được nó bằng cách này hay cách kia không ? Họ ngưng lại khi tới bất cứ điều gì đòi hỏi có giải thích liên quan đến chuyện gọi là siêu nhiên, ta nói ’gọi là’ vì không có gì là siêu nhiên. Trọn vũ trụ có đầy các thần linh, và giả dụ rằng chỉ có chúng ta là sinh vật duy nhất có trí thông minh trong thế giới là vô lý.
Tôi tin có tinh thần tiềm ẩn trong mọi vật... nhưng tất cả được quản trị bằng luật thiên nhiên. Ngay cả trong trường hợp có vẻ như có vi phạm luật, nó là vậy do việc hiểu lầm về luật. Trong một số trường hợp của bệnh về thần kinh, người ta ghi là vài bệnh nhân được một lực chưa khám phá nâng họ khỏi giường và không thể nào giữ họ xuống. Trong những trường hợp như thế người ta nhận xét là khi có gió thổi vào phòng, chân họ nổi lên trước. Điều này chẳng còn lạ nữa khi bạn thấy là không còn hấp lực như ta thường hiểu.
– Tôi chưa nắm được ý bà, ký giả nói yếu ớt.
– Không. Hấp lực chỉ được giải thích hợp lý theo từ lực như Newton tìm cách giải thích, nhưng thế giới không chấp nhận. Nói về từ lực, nếu địa cầu có dương tính và bạn có thể làm cho mình có dương tính thì lập tức bạn bị đẩy ra.
Phải, tôi cho là sẽ có chuyện bôi xấu tôi, bà nói, ngụ ý việc công chúng đón nhận tác phẩm của bà. Họ đã bôi xấu tôi từ khi tôi đến Hoa Kỳ, nhưng chuyện ấy sẽ chẳng đáng kể gì khi sách ra mắt.
Nhưng bà cười vang với viễn ảnh đó, dường như nghĩ là lời phê bình bất lợi mà bà chờ từ các nhà thần học và khoa học là lời khen hay nhất bà có thể có nhận được.
7b. Henry S. Olcott – Thư gửi bạn.
Tháng ba 1877, New York
Để qua bên những hành động của HPB, thói quen về tư tưởng, cung cách nam tính, thói luôn khẳng định sự kiện ... không kể tới những điều ấy, tôi đã nghe bà nói đủ để làm tôi thỏa mãn là giả thuyết mà tôi đã nói với bạn từ lâu là đúng. Tức bà là một nam nhân, rất lớn tuổi, và là một người tuyệt vời thông thái rất mực. Đương nhiên bà biết cảm nghĩ của tôi là gì, vì bà đọc được tư tưởng của tôi như tờ giấy in (và tư tưởng người khác), và tôi thấy như bà hài lòng, vì mối liên hệ giữa chúng tôi đã dần hòa thành liên hệ thầy trò mà không hay biết. Theo tôi thấy không còn dấu vết nào sót lại của Blavatsky khi trước (tôi gọi là ‘Jack’, tên thân mật tôi đặt cho bà làm bà rất thích thú). Nay bà chỉ toàn là điềm đạm, chững chạc, nghiêm khắc. Trước mặt người khác thì bà vẫn là bà như thường, nhưng khi họ vừa quay lưng thì bà thành thầy và tôi thành trò.
Tôi nói HPB là một nam nhân. Tôi xin thêm bà là một nam nhân người Ấn, theo ý tôi. Sao đi nữa, chuyện này xẩy ra tối nay sau khi em gái tôi và chồng cô đã ra về, bà ngả người dựa vào lưng ghế, lấy tay chơi với tóc và hút điếu thuốc. Bà lấy mấy ngón tay nắm một lọn tóc và kéo nó, ngón tay mân mê tóc một cách đãng trí, nói chuyện một lúc và rồi lọn tóc trở thành sậm hơn thấy rõ, sậm hơn nữa cho tới khi, úm ba la ! nó đen như than.
Tôi không nói gì cho tới khi việc xong xuôi hết và đột ngột nắm lấy tay bà, tôi hỏi cho xin mẫu phép lạ này làm của tin. Bạn phải thấy mặt bà lúc ý thức mình đã làm gì với tóc nâu. Nhưng bà cười vui vẻ, bảo tôi là chàng Yankee tinh mắt, và cắt lọn tóc đưa cho tôi. Tôi sẽ gửi cho bạn một ít tóc đó như là linh vật. Bạn để ý nhé, đây là tóc cắt từ đầu bà trước mặt tôi, và dưới ánh sáng trọn vẹn của chùm đèn. Lọn tóc này so với tóc trên đầu bà Blavatsky mầu vàng, mượt mà như lụa và quăn tít thì giống như cuộn chỉ lụa mầu đen trên tấm vải nâu nhạt.
Sự kiện này dạy cho tôi như vầy, cái vỏ Blavatsky là cái vỏ cho một người Ấn da mầu đồng hay Pythagoras sử dụng, và trong một phút đãng trí tóc của chính họ trước kia chỉ ở cõi vô hình nay vật chất hóa và giữ y trong trạng thái đó. Xin nhớ đây chỉ là suy luận của tôi.
Coi nào, tôi có thể cho bạn hay số lần có hiện tượng và nhiều loại hiện tượng diễn ra về khả năng huyền thuật của bà, mà bà đã làm cho tôi và nhiều người khác thấy trong bốn tháng qua. Chúng vượt xa hết thẩy những gì tôi đã thấy khi trước. Bà đã tạo chuyện lạ lùng trước mặt bốn, năm và tám người, vài kẻ trong số này tương đối là người lạ. Hôm tối thứ hai, có sự hiện diện của sáu người kể luôn cả tôi, những chuyện này diễn ra trong ánh sáng rõ ràng. Bà làm vang lên trong không tiếng nhạc từ hộp nhạc. Mới đầu nghe yếu ớt và từ xa, xa thẳm, nó lớn dần cho tới khi tiếng nhạc vang lên như thể cái hộp bay quanh phòng và chơi to hết mức. Rồi nó mất đi, có trở lại và đến gần, xong ngưng đột ngột.
Bà ơ thờ đưa tay ra và rút tay về, cho chúng tôi xem một xâu dài những hạt của đông phương có hương thơm, mùi hương tỏa đầy phòng. Nắm chúng trong một bàn tay, bà hỏi tôi muốn có chăng và lập tức kéo ra những hạt hóa hai, từng cái một, cho đến khi bà đưa tôi ... Tôi xỏ xâu chúng lại và sau khi cầm chúng vài phút, tôi để chúng lên bàn viết của tôi một lát (cách tầm vói của bà một khoảng xa) trong lúc tôi nhồi tẩu thuốc. Khi cầm chúng lên trở lại, có một đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ xỏ xâu với các hạt !
Tay vẫn còn cầm xâu chuỗi ban đầu của mình, bà kéo ra một hạt (tạo ra một hạt) bọc vàng thành kim cài khăn, và khi rút thăm thì ông Monachesi trúng được vật và nay giữ vật ấy. Bốn người trong nhóm ngồi theo cách làm họ có thể nhìn ra cửa sổ xuống đường (phòng ở lầu hai căn nhà), nhìn qua đó ra ngoài thấy hình dáng hai người đàn ông. Một trong hai người là vị Chân sư mà tôi biết rõ, hình ngài được tạo ra tức khắc cho tôi vài tháng trước. Người kia là vị Chân sư trẻ hơn, một đệ tử cấp cao có thể du hành bằng thể tình cảm.
Ông O’Sullivan có tới đây trên đường sang Paris, đến làm quen với bà và một lần còn ở lại trọn đêm với chúng tôi. Bà tạo hình vào hai dịp khác nhau trước mặt ông là các khăn tay bằng lụa Trung Hoa mỏng, thanh nhã đẹp đẽ với đường viền bằng satin. Trên một góc khăn là tên một vị Chân sư in mực bằng chữ Senzar cổ. Tôi có mặt trong cả hai lần đó.
Tôi ước chi bạn có thể thấy nét mặt sững sờ của ông O’Sullivan, ông nhẩy lên đón lấy khăn như cá đớp mồi, và mang khăn đi như vật thắng cuộc. Chiếc khăn nguyên thủy được tạo ra ngày chủ nhật hai tuần trước, trước mặt một họa sĩ Pháp tên Harrisse. Ba người chúng tôi nói chuyện về vải vóc thanh nhẹ của Trung Hoa, và ông Harrisse nói hàng crêpe của họ thanh nhẹ hơn crêpe của Lyons.
– Bà có từng thấy khăn tay của họ chưa ? ông hỏi.
– Oh! Có chứ, đây, đây là một cái ! bà trả lời, lặng thinh đón lấy khăn từ tủ áo ở cõi trung giới ! Vật này tôi giữ cho mình, chính yếu vì nó thấm đẫm mùi hương của các Ngài.
Gần đây tôi thấy được một sự trưng diễn sức mạnh ý chí. Bà Blavatsky và tôi ngồi một mình sau bữa tối trong phòng khách, bà kêu tôi vặn đèn gaz xuống thật nhỏ, và bà ngồi yên lặng phía bên kia căn phòng. Tôi hạ đèn rất mờ và sau khi nhìn bà trong bóng mờ tối vài phút, tôi thấy bên cạnh hình bóng sẫm của bà (bà mặc áo mầu tối) là hình ảnh một người đàn ông áo trắng, hay áo sáng, có khăn choàng kiểu đông phương trên đầu.
Bà kêu tôi quay nhìn nơi khác một chốc, và rồi vặn đèn sáng lên. Bà ngồi đó với chính cái khăn ấy nay ở trên đầu bà, và không có ai trong phòng trừ hai chúng tôi. Bà đưa tôi chiếc khăn. Nó có hương thơm rất mạnh với mùi quen thuộc; trong một góc khăn là tên của vị Chân sư nhắc tới ở trên, và cũng bằng chữ Senzar. Khăn nằm trong phòng ngủ của tôi trên bức hình của ngài.
7d Emily Kislingbury
Thu 1877, New York
Lần gặp gỡ sớm nhất của tôi với HPB xẩy ra vào mùa thu năm 1877, khi tôi đến thăm bà ở New York nhân được nghỉ phép ba tháng ở Anh. Phong trào Thông linh học mà tôi chính thức có liên kết khi ấy đang sôi động, và việc ra sách People from the Other World của ông Olcott tạo ra tiếng vang lớn. Dầu vậy, phần trong sách thu hút tôi là việc ông Olcott kể lại sự có mặt của một phụ nữ người Nga tại nơi đó vừa từ đông phương đến; và lời giải thích của bà khác rất xa điều thường được đưa ra.
Ngay khi có địa chỉ của bà Blavatsky từ báo Thông linh học Hoa Kỳ, tôi viết cho bà, và theo sau việc trao đổi thư qua lại tôi nẩy lòng muốn sang thăm Hoa Kỳ. Lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi thật là đặc biệt. Tôi ở cách xa nơi HPB đang cư ngụ lúc ấy, và sau khi đến Hoa Kỳ, tôi đi tới thăm bà vào một buổi trưa. Tôi nhấn chuông ba lần mà không có ai ra, tôi thất vọng tínhquay về thì chính HPB mở cửa ! Đã trao đổi hình ảnh nên chúng tôi nhận ra nhau, và tôi được chào đón rất nồng nhiệt. Chúng tôi lên phòng bà ở lầu hai. Tôi không thể ở lâu vì hôm sau phải rời New York đi chơi thác Niagara và nơi khác; nhưng khi quay lại ba tuần sau, tôi dành ba tuần với HPB cho đến khi sau chót tôi quay về Anh.
(còn tiếp)
Xem Đời Huyền Bí của Bà Blavatsky #3