ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

Đời Huyền Bí

ca HPB  (tt)

Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

7e. Elizabeth L. Saxon
Tháng chín 1877, Thành phố New York.

Một người bạn chung cho tôi thư giới thiệu đến gặp bà Blavatsky... Tôi ngồi chờ, trong phòng có tượng Phật mạ vàng, và bàn có bút chì, tranh ảnh và giấy tờ. Hai chiếc kệ sách, một bàn viết lớn đầy giấy và ba hay bốn chiếc ghế bành nằm trong đó. Từ phòng bên cạnh, bà đi vào cầm thư của tôi trong tay bà. Người bạn viết thư là người mà bà quí chuộng nên tôi được bà niềm nở đón tiếp. Bà Blavatsky có bề ngoài không quá 45 tuổi, to lớn, cân khoảng 80 ký, có tóc nâu dợn sóng mà bà chải ngược giản dị ra sau không làm phồng lên hay thắt bím, và thấy rõ bà là phụ nữ thành thạo mọi cung cách thuộc xã hội thượng lưu, tuy có vẻ như bà để qua bên nhiều lề thói vô ích của nó.
Bà nói tiếng Anh có giọng ngoại quốc nặng, tiếng cười vui vẻ, du dương, và chắc chắn là có đôi bàn tay xinh đẹp nhất ta thấy được, trắng như tuyết, ngón tay thuôn dài với kim cương sáng rỡ, và móng tay dài, nhọn như thấy nơi người Nhật. Giống như mọi người Nga bà hút thuốc nhiều, và luôn đưa cho mỗi người khách một điếu thuốc nhỏ với cung cách hết sức duyên dáng, và thường khi bà cũng chia sẻ với khách một tách trà ngon, với cách thức tự nhiên y vậy, không mầu mè... Chúng tôi trò chuyện thân mật về quan điểm của người bạn chung, điều này đưa tới điều kia và chẳng bao lâu chúng tôi bàn thảo hăng hái.
Bà tin chắc là nhiều phần của điều gọi là thông linh học hiện đại là do con người tạo ra, và về sau sẽ được hiểu rõ. Tức là ’hồn’ sống động vô hình tạo nên đa số các việc, còn người đồng lẫn ai xem xét không biết sự kiện này.
– Nhưng, thưa bà, tôi kêu lên, có vài sự kiện tôi quan sát thấy không hợp với nhận xét đó.
– Xin hiểu ý tôi, bà nói. Tôi không phủ nhận khả năng của hồn trở về cõi thế. Tôi chỉ nói rằng nhiều việc hiện hình là do các hồn hạng thấp, các sinh vật thấp kém không bất tử và cũng không đáng được vậy; chúng thuộc về cõi trần, vất vưởng chung quanh cho tới khi thể xác của chúng phân tán thành các nguyên tố và chúng cũng tan rã hòa lẫn vào đó. (HPB muốn nói các ’vỏ - shell’. Xin đọc thêm PST 66)
Bà xoay người lấy cuốn một của bộ Isis là sách của bà, đã thành hình nhưng chưa đóng thành sách, và đọc một hay hai đoạn chứng minh cho biện luận của mình. Điều này dẫn tới cuộc thảo luận về sách ấy và những lời đưa ra trong sách. Chỉ xin viết là bà can đảm dám chứng tỏ rằng khoa học hiện đại, tôn giáo, và thông linh học đã, hoặc cố tình hoặc không biết, tạo ra các ý tưởng hiện đại dựa trên những tư tưởng cổ xưa; và bà cổ xúy cho tôn giáo và triết lý Ấn.
Bà thách thức việc tra cứu những lời tuyên bố của đông phương. Một số nhận định trong sách bà đọc giống như chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm của Ả Rập, nhưng bà đoan chắc với tôi rằng ’còn hơn nửa phần chưa được kể ra’, và chắc chắn là không thiếu gì bằng chứng về khả nănghuyền bí này... Bộ sách gồm hai cuốn dầy, mỗi cuốn hơn sáu trăm trang, do Bouton xuất bản và dự tính sẽ phát hành với số lượng lớn. Tôi đã đọc cuốn thứ nhất và đề nghị người khác hãy đọc chúng, dù chấp nhận hay phản đối ý kiến của bà.
Việc sống nhiều năm ở phương đông và có nhiều nguồn tài liệu khiến bà có thẩm quyền lớn lao. Bà là đối thủ đáng kể do sự kiện bà thông thạo hoàn toàn các ngôn ngữ đông phương, và thấu đáo sách vở  nơi ấy.
Tôi nhận thấy bà vui tính và dễ chịu, có hiểu biết tuyệt nhất về những chuyện liên quan đến nước Nga. Bà liên lạc thư từ và điện tín hằng ngày với thân hữu, và có chú và một thân quyến là sĩ quan cao cấp của Nga. Bà là người nhiệt tình bênh vực cho dân tộc mình bằng ngòi bút như người khác dùng gươm.
Một buổi tối ở chỗ của bà tôi gặp vài người khách khác luôn cả ông Olcott mà tôi đã gặp hồi mùa đông năm ngoái. Tôi được nghe tiếng nhạc vẳng trong không mà những ký giả khác đã kể; nói về nơi xuất phát và tính chất của nhạc thì tôi không có ý kiến... Bà Blavatsky khẳng định rằng người đồng là dụng cụ thụ động trong tay những tác nhân vô hình, còn ai ’thành thạo’ điều khiển lực vô hình ấy bằng quyền năng ý chí, và bà là người thành thạo.
Tôi sẽ nhớ lâu với niềm hân hoan về lòng vui vẻ thân ái của phụ nữ này.

7F Công Nương Helene von Racowitza
Tháng năm 1878, thành phố New York

Với nhà tôi đứng bên cạnh, tôi kéo chuông căn apartment của bà bà Blavatsky. Một cô người da đen ăn mặc gọn gàng mở cửa, cười rộng miệng để lộ trọn hàm răng, đưa tay chỉ vào cánh cửa với bức màn sậm mầu kiểu Ấn Độ che kín, tiếng trò chuyện hào hứng trong phòng vẳng ra đến tai chúng tôi. Chúng tôi đi vào mà không có ai báo và được chào đón bằng tiếng kêu to vui vẻ mời vào của HPB, ấy là cách bà Blavatsky luôn luôn muốn được xưng hô.
Bà ngồi tại bàn viết trong chiếc ghế bành to, dễ chịu; chiếc ghế dường như là một phần của bà, giống như chiếc áo buông dài. Một bình trà lớn kiểu Nga - samovar - đặt bên cạnh bà tỏa hương trà thơm ngát, đây là thức uống chính của Nga và bà liên tục rót trà mời khách, cùng lúc đó bàn tay xinh đẹp của bà cũng không ngưng vấn những điếu thuốc nhỏ giữa các ngón tay thanh nhã, cho bà và cho tất cả ai có mặt nơi ấy. Bởi HPB gần như không thể tách rời hộp thuốc lá Thổ cắt nhỏ sợi hay y phục bằng vải Ấn Độ buông rộng của bà, và mỗi khi bà đổi chỗ ngồi, là điều ít khi xẩy ra, cô giúp việc người da đen phải mang nó theo với bà. Chung quanh bà có tám hay mười người hoặc ngồi hoặc ngả người trên ghế, nam và nữ thuộc mọi lứa tuổi và xem ra thuộc mọi tầng lớp trong xã hội.
Khi chúng tôi bước vào, một người có phong thái rất chững chạc vừa kể xong chuyện cho nhóm nhỏ nghe liên quan đến kinh nghiệm của ông về ‘thế giới tâm linh’.Ông là một cựu đại sứ của Hoa Kỳ, được biết nhiều về tính bặt thiệp của ông và lúc ấy đang dành hết thì giờ cho khoa huyền bí. Tất cả những người này ngồi hay dựa người thoải mái, tự nhiên trên divan thấp có gối, hay trên chỗ ngồi nhỏ là mấy cái thùng, rương, có vải hay thảm Ấn Độ phủ lên trên.
Những vật này, cộng với đủ loại hình tượng và vật linh tinh của đông phương, là đồ đạc trong phòng. Trong đó có tiếng rì rào chuyện trò bằng nhiều ngôn ngữ, và khói trầm hương lẫn khói thuốc lá tuôn ra từ nén nhang đông phương và điếu thuốc Nga mà ai nấy có mặt ở đó đều hút, nên phải cần một chút để quen với nó trước khi mắt và tai có thể nhận rõ việc gì đang diễn ra.
Chúng tôi lập tức quấn lấy nhau vui vẻ, như HPB tả lại. Bà tuyên bố là cảm thấy tôi như một chút ánh mặt trời tách ra chiếu thẳng vào tim bà; còn tôi thấy mình lập tức chịu ảnh hưởng của phụ nữ tuyệt vời này. Bề ngoài trông bà to lớn dềnh dàng, tự gọi mình là ‘con hà mã già’. Nhưng điều ấy không tạo nên cảm tưởng khó chịu tí nào cả, bà luôn luôn mặc áo rộng buông dài cắt theo kiểu Ấn Độ, che phủ trọn thân hình, chỉ để lộ đôi bàn tay đẹp thực là lý tưởng được tự do.
Đầu bà, bên trên y phục bằng len thường là sậm mầu, cũng rất đáng nói dù rằng không xinh đẹp. Nó đích thực là gương mặt Nga: trán rộng, ngắn, mũi dầy, gò má nhô cao; đôi môi mỏng, khôn lanh luôn mấp máy với răng nhỏ xinh xắn; tóc nâu, quăn nhiều gần như tóc người da đen và khi ấy vẫn chưa có sợi nào bạc; da vàng và một đôi mắt mà tôi chưa từng thấy nơi ai khác, xanh nhạt gần như mầu xám của nước, mà với tia nhìn hết sức sâu thẳm, hết sức xuyên thấu, đầy thu hút, như thể chúng mơ màng nhìn vào phần sâu kín nhất của vật, và đôi lúc với biểu lộ làm như nó hướng ra xa, xa tít bên trên và vượt khỏi mọi chuyện phàm tục - đôi mắt to, dài, tuyệt đẹp làm sáng rực trọn khuôn mặt hết sức lạ lùng đó. Cho ra bức tranh này về thân xác là điều dễ, nhưng làm sao tôi có thể tả lại được chính phụ nữ tuyệt vời này, làm sao gợi ý về bản tánh, uy lực, tư cách của bà, về điều gì bà có thể làm được ?
Bà là sự hòa lẫn của những tính chất lạ lùng nhất. Trong lúc trò chuyện bà có sự duyên dáng mà không ai cưỡng lại được, và có lẽ điều ấy nhiều phần nằm ở chỗ bà quí chuộng sâu sắc tất cả những gì cao cả và thanh tú, và lòng nhiệt thành sôi nổi của bà có chen óc khôi hài độc đáo có hơi sắc bén, và một cách biểu lộ thỉnh thoảng làm những người bạn dân Anh của bà kinh ngạc, giống dân mà ai cũng biết là ăn nói cẩn thận kín đáo.
Lòng khinh mạn, đúng ra là sự nổi loạn, chống lại mọi hình thức, nghi thức trong xã hội làm cho bà đôi khi chủ ý có tạo ra vẻ thô trược thường không có nơi mình; và bà ghét bỏ cùng tranh đấu chống lại sự giả dối của thói đời với lòng dũng cảm anh hùng của một Don Quixote chân chính. Thế nhưng khi ai nghèo khổ, đói rách tới với bà và cần sự an ủi, họ không thể tìm được ai thanh nhã hơn, có con tim nồng ấm và đôi tay mở rộng hào phóng hơn, cho dù người ấy cư xử ‘đàng hoàng’ ra sao đi nữa.

8A. Charles C. Massey
Tháng giêng 1879, Norwood, gần London

Một buổi tối tháng giêng 1879 tôi đi xe lửa tới Norwood và thấy có khoảng nửa tá người tụ họp trong phòng ăn của nhà ông bà Billings. Lúc tôi vào phòng thì không có bà Blavatsky ở đấy nhưng chỉ một lúc ngắn sau thì bà vào gặp mọi người. Trước đó tôi treo áo khoác ở tiền phòng bên ngoài. Bà Blavatsky quay sang hỏi tôi có muốn đề nghị được tạo hình cho tôi ngay tại đây vào lúc này chăng. Từ lâu tôi muốn có một cái hộp cất bộ bài tây và không hề cho ai có mặt tại đó biết; tôi tin là không nói với ai hết cả, và tôi nói tên vật ấy.
Ngay sau đó tôi không hài lòng với vật mà tôi nêu ra để làm thử nghiệm, và ngỏ ý muốn thay bằng chọn lựa khác, nhưng được cho hay là trễ rồi. Tôi được kêu đi ra tiền phòng và cho tay vào túi áo khoác. Ta cần biết là - và tôi có thể nói hết sức chắc chắn - không có ai khác ngoài tôi đã rời phòng sau khi tôi hỏi xin có hộp để cất bộ bài tây, và tôi đi ra tiền phòng như được dặn mà không có ai đi theo. Tiền phòng nằm ngay bên ngoài gian phòng này, và không có cánh cửa nào khác ngoài cánh cửa tôi đi ra.
Tôi lập tức cho tay vào túi áo khoác và quả thật trong đó có hộp bằng ngà đựng bài mà bây giờ tôi vẫn còn giữ. Đó là hộp bài lớn, hình vuông, kiểu cho phụ nữ dùng mà không phải hộp nhỏ hình trứng dành cho các ông. Hộp không có trong túi áo lúc tôi vào nhà. Bà Blavatsky không hề biết trước về ao ước của tôi. Từ lâu tôi xem hiện tượng này là điều không thể giải thích được ngoại trừ cách dùng quyền năng huyền bí, dựa theo những sự kiện mà tôi còn nhớ.

8C. George Wyld
Tháng giêng 1879, Norwood, gần London

Tôi gặp bà Blavatsky và ông Olcott lần đầu tiên tại bữa ăn tối ở nhà ông Billings năm 1879. Khả năng huyền bí của bà, cá tính đáng chú ý, sự giỏi giang và óc khôi hài, và bản tánh tốt bụng thấy rõ của bà làm tôi ưa thích nên do tánh hiếu kỳ muốn tìm hiểu, cũng như tin vào những hứa hẹn của bà, tôi gia nhập hội Theosophia và sau khoảng hai năm làm chi trưởng chi bộ Anh.
Có một lần ăn tối với bà ở nhà ông bà Billings, tôi thấy bà và ông Olcott ăn thịt thoải mái và điều này làm tôi thấy lạ lùng, vì bà luôn luôn dạy chúng tôi là ai ăn thịt sẽ không hề được nhận vào mức cao hơn của những tổ chức bí truyền, và tôi nghĩ thầm, ’Liệu bà có là kẻ mạo danh ?’ Tôi vừa tự hỏi mình câu ấy thì bà dùng dao gõ vào đĩa của mình, và khi tôi nhìn bà thì bà nói.
- Không tệ như vậy đâu ông à.
Và cả hai chúng tôi phá ra cười vui vẻ với sự kiện khôi hài này.
8E. Vô Danh
Tháng hai 1879, Bombay, Ấn Độ.
Vài năm qua, báo Hoa Kỳ ghi nhiều chuyện lạ lùng về bà Blavatsky, một người trong nhóm TTH hiện đang có mặt tại Bombay. Có một số chuyện thật khó tin như bà tạo ra nhạc vẳng lên trong không mà ta chẳng biết làm sao có được, việc sinh ra tức khắc phiên bản của tài liệu và y phục, khiến những câu bằng chữ vàng óng trong kinh sách đông phương hiện ra hay biến mất đi trên bàn ghế, làm cho bà thành vô hình, tạo ra tranh và chữ viết trên giấy chỉ bằng cách đặt lòng bàn tay lên đó.
Đông nhân chứng, không phải là hội viên TTH và cũng không  phải luôn luôn là những ai đã quen biết bà trước đó, đã thấy tất cả các hiện tượng này và nhiều điều cũng kỳ lạ như thế. Nói về một trong những bức họa lạ lùng bà đã tạo ra, là chân dung một nhà yogi Ấn, ông Thomas LeClear, một họa sĩ tài danh người Mỹ và ông William R. O’Donovan, nhà điêu khắc cũng nổi tiếng y vậy, xác nhận trong một tạp chí tại London là không một họa sĩ đang sinh tiền nào, theo ý họ, có thể sánh bằng về nét cọ sung sức, óc phong phú và tính độc đáo; cả hai cũng không thể nói gì được về chất liệu của mầu dùng trong tranh hay cách mầu được áp dụng.
Từ khi đến đây, bà ít lộ ra khả năng hiếm có của mình, nhưng có hai chuyện chúng tôi được nghe kể và lạ lùng tới mức gây kinh ngạc. Chuyện thứ nhất là việc thay tức thì một tên thêu sẵn trên khăn tay mỏng bằng tên khác, với một quan tòa và viên chức vùng N. W.P. (North West Province), là hành khách đi chung với nhóm TTH, chứng kiến. Thực vậy, viên chức này giữ một góc khăn trong lúc việc thay tên diễn biến, ngoài ra trong phòng có đầy người bản xứ theo dõi.
Chuyện thứ hai càng lạ lùng hơn nữa. Trước khi bà rời London, ông Charles Massey, chi trưởng chi bộ TTH tại Anh nhờ bà chữa cho mắt của ba ông hiện bị đau nặng. Bà nói là sẽ cố gắng làm vậy khi đến Ấn, nhưng cần phải tạo một đường từ lực và điện lực giữa bà với bệnh nhân, và bà phải có một món đồ vật hay y  phục ở gần hay có tiếp xúc thường với ông. Người ta mới đưa bà một đôi bao tay cất trong phong bì mang sang Ấn.
Vào ngày 17, một ngày sau khi bà tới nơi, bao tay được lấy ra khỏi hộp và trước mặt ông Olcott, bà nói sẽ gửi một trong hai chiếc bao tay về cho bạn ở London. Bà để hai chiếc bao tay trên bàn ở phòng khách và khóa cửa lại. Thời gian sau, khi thư đến thì có một thư của ông Massey tại London mang dấu bưu điện ngày 18, nói rằng lúc đến văn phòng làm việc của mình ngày hôm trước, tức ngày 17, ông nhận được điện tín của một người bạn là người đồng với uy tín đáng trọng nhất, mời ông đến nhà bà lúc 6 giờ chiều vì có tin từ bà Blavatsky. Ông tới đúng hẹn và được đưa vào một phòng tối, ông tả:
- Tôi không mong gì nhiều, nhưng bầu không khí có mùi hương và có một vật mềm, nhẹ thẩy vào mặt tôi. Khi đón lấy vật tôi biết ngay đó là gì không cần được bảo cho hay. Chiếc bao tay !chiếc bao tay ! từ , từ Bombay, khi báo chí cho chúng tôi hay là tầu chở bà đã tới nơi hai ngày trước. Tôi có thể nói hay nghĩ gì ? Chữ ký quen thuộc ở mặt trong của da chiếc bao tay, bằng nét chữ xanh quen thuộc, và biểu tượng khó thấy hơn và ít được biết hơn nằm ở trên.
Các nhân chứng trong trường hợp này đều không có gì chê trách được, và chúng tôi không biết nói gì về cách đưa thư mới mẻ này xuyên qua không gian.  Chiếc bao tay thứ hai đã được giao cho một người tại Bombay để gửi về London so sánh với chiếc kia.

8F. A. P. Sinnett
Tháng 12 – 1879, Allahabad, Ấn Độ.

Việc ông Olcott và bà Blavatsky đến Ấn Độ được chào đón bằng vài câu trên báo ám chỉ mơ hồ rằng bà Blavatsky là người tuyệt vời, biết nhiều về ’huyền thuật’ đương thời, và tôi đã đọc cuốn sách hay Isis Unveiled của bà; lẽ tự nhiên sách làm tôi chú ý đến tác giả. Hồi ấy tôi là chủ bút tờ báo Pioneer tại Ấn, và từ vài nhận xét đăng trên báo, bắt đầu có sự trao đổi thư từ giữa chúng tôi với nhau.
Theo sự dàn xếp trong thư vào mùa hè, bà đến Allahabad thăm nhà tôi và tôi tại ngôi nhà mùa hè của chúng tôi gần trạm xe lửa ấy vào tháng 12 - 1879. Tôi nhớ kỹ sáng hôm bà đến, khi đi xuống trạm xe lửa để đón bà. Thời ấy xe lửa từ Bombay thường đến Allahabad vào sáng sớm, và vẫn  còn giờ để ăn sáng khi tôi đưa các vị khách về nhà.
Thấy rõ là bà có hơi e ngại xét qua thư từ mới đây của bà rằng những ý niệm lý tưởng chúng tôi có về bà có thể bị thực tại làm tan vỡ, và bà mạnh tay mô tả mình như là phụ nữ giống con ’hà mã già’, thô kệch, không hợp cho xã hội thanh lịch; nhưng bà nói vậy với ý khôi hài thật sống động, lộ óc thông minh linh hoạt khiến lời báo trước của bà không có hiệu quả.
Cử chỉ thô lậu mà chúng tôi được nghe nói tới nhiều tỏ ra không đáng ngại mấy, tuy tôi nhớ đã phá ra cười lúc sau khi đã ở chơi được một hay hai tuần, ông Olcott nghiêm chỉnh nói với chúng tôi là tính đến nay bà Blavatsky đã tự chế hết sức. Nhà tôi và tôi không nghĩ như vậy về bà, tuy chúng tôi đã thấy là cuộc trò chuyện với bà còn có điều khác ngoài việc rất là thú vị.
Tôi muốn bạn đọc có một ấn tượng về bà Blavatsky giống như tôi biết bà, ấy là càng trọn vẹn càng tốt như tôi có thể tả, và tôi sẽ không ngần ngại tô vẽ bức tranh. Lần đầu tiên bà đến thăm chúng tôi không được thành công mấy về mọi mặt. Bản tánh sôi động của bà đôi khi buồn cười mà có lúc gây bực bội, và bà tuôn sự nóng nẩy, nếu có ai chọc giận bà, vào ông Olcott; lúc đó ông ở trong giai đoạn đầu của việc huấn luyện mà bà gọi không nể nang là ‘chuyện huyền bí’.
Không ai mà có óc phân biện một chút lại không thấy cung cách thô kệch của bà, không màng chút gì đến thói đời là kết quả của sự chủ ý nổi loạn chống lại lề thói của xã hội mầu mè, mà không phải là do sự dốt nát hay không quen thuộc với các lề thói ấy. Dầu vậy đó là sự nổi loạn thường khi có chủ tâm, và đôi lúc bà dùng chữ rất mạnh đủ loại, có chữ khôn khéo và buồn cười, chữ khác thì dữ dội không cần thiết mà chúng tôi ước phải chi bà đừng dùng. Chắc chắn bà không có đặc tính bên ngoài ta mong là vị thầy tinh thần có.
Hồi ức về thời gian này cho tôi nhớ lại đủ mọi hình ảnh khác nhau về bà, vào những lúc bà có tâm tình và tính khí thay đổi. Có hình ảnh cho thấy bà sôi nổi và nói thao thao, lớn tiếng chống lại ai nghi ngờ Hội của bà, khi khác thì bà yên tĩnh và thân thiện, tuôn ra như suối câu chuyện lý thú về thời cổ của Mexico hay Ai Cập hay Peru, tỏ ra có hiểu biết quảng bác nhất và sâu rộng nhất, với ký ức thật đáng nể cho ai lắng nghe, về tên và nơi chốn cùng lý thuyết trong khoa khảo cổ mà bà bàn tới. Rồi tôi nhớ bà kể chuyện về đoạn đời trước của mình, những cuộc thám hiểm bí ẩn hay là chuyện về xã hội Nga, với sự sống động thật nhiều, chủ ý và trau chuốt khiến bà thành nhân vật tuyệt vời lúc ấy cho ai có mặt trong phòng.
Tôi đã ghi nhiều về sự la lối và lời nói thiếu cẩn trọng, cùng lối xử sự và cách mà bà giận dữ mấy tiếng đồng hồ về chuyện không đáng nếu ta để mặc bà, chuyện mà ai thực tế hơn, chưa kể ai có óc triết lý, ôn hòa hơn sẽ chẳng màng. Nhưng ta cần hiểu là gần như vào bất cứ lúc nào ai gợi nên trí tuệ có tính triết lý nơi bà sẽ khiến bà suy nghĩ cách khác, và khi ấy cũng mấy tiếng đồng hồ y vậy, ai quí chuộng bà sẽ làm cho bà kể nhiều chuyện về tôn giáo và thần thoại đông phương, siêu hình học thâm sâu của Ấn và biểu tượng của Phật giáo, hay chính triết lý bí truyền rút ra từ kho hiểu biết của bà.
Thời gian bà Blavatsky ở tại Ấn dĩ nhiên có liên hệ chặt chẽ với lịch sử Hội Theosophia, là tổ chức mà bà dồn hết năng lực người mình vào đó, trực tiếp hay gián tiếp, và gián tiếp chỉ theo nghĩa là trong giai đoạn ấy bà Blavatsky phải làm những gì có thể làm cho báo Nga để sinh sống, và phụ thêm vào ngân quỹ ít oi cho việc chi tiêu của Hội.
Nguyệt san Theosophist chuyên về nghiên cứu huyền bí, mà bà cho ra đời vào mùa thu đầu tiên bà đặt chân lên đất Ấn, đã huề vốn ngay từ buổi đầu rồi dần dần sinh lợi nhỏ, do việc quản lý hoàn toàn là công không, mọi công chuyện liên quan đến việc ra tạp chí đều do một nhóm nhỏ hội viên tại trụ sở Hội lo liệu. Trong khi những ai chỉ trích thỉnh thoảng dè bỉu nói rằng hai vị sáng lập Hội hưởng lợi to nhờ lệ phí hội viên đóng khi gia nhập Hội, sự thực là bà Blavatsky miệt mài ngồi tại bàn viết của mình từ sáng đến tối, cặm cụi với bài viết cho báo Nga để có được số tiền nhuận bút nhỏ bé, và từ thu nhập này số tiền được bà trích ra - trang trải cho chi phí của trụ sở và khiến việc hội được tiến hành - còn nhiều hơn chính số tiền mà Hội thu được do đóng góp.
Nhờ làm quen với bà Blavatsky mà tôi có kinh nghiệm liên quan đến huyền bí học. Vấn đề đầu tiên tôi phải làm là tìm xem có thật là bà Blavatsky sở hữu quyền năng tạo hiện tượng khác thường như tôi đã nghe hay chăng.
Trong lần đầu tiên bà đến chơi nhà chúng tôi, bà Blavatsky được phép cho thấy là tiếng gõ tay mà người theo thông linh học cho là do vong linh tạo ra, có thể được người ta chủ ý làm. Người theo thông linh học biết là khi một nhóm người ngồi quanh bàn và ai nấy đặt tay lên đó, nếu có người đồng hiện diện thì cả nhóm sẽ thường nghe được tiếng gõ nhỏ đáp lại câu hỏi và xếp thành câu. Ai không tin vào thông linh học cho rằng những kẻ tin thế ấy là sai lầm. Hẳn người như thế đôi lúc thấy khó mà giải thích việc có nhiều kẻ tin tưởng giống vậy, nhưng họ cho là giải thích nào thì cũng còn hơn là nhìn nhận chuyện có thể có  là linh hồn người đã khuất liên lạc được bằng cách ấy; hay nếu họ chuộng cách giải thích khoa học, thì không muốn nhìn nhận là một hiệu ứng vật chất dù nhỏ ra sao lại có thể được tạo ra mà không có nguyên do vật chất. Ai như vậy hẳn sẽ hoan nghênh lời giải thích tôi đưa ra ở đây cho thấy giả thuyết nói rằng linh hồn sinh ra tiếng gõ chỉ là điều gạt gẫm, không phải chỉ là cách duy nhất để dung hòa giữa sự kiện được xác nhận của thông linh học với sự ngần ngại chấp nhận giả thuyết tinh thần theo như lời giải thích. (còn tiếp)

Xem Đời Huyền Bí của Bà Blavatsky #4