ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY
Đời Huyền Bí
củaHPB
Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY
Bà Helena Petrovna Blavatsky (HPB) được xem là huyền bí gia tài giỏi nhất của thế kỷ 19. Khi hội mới được thành lập, để chứng minh cho triết lý bí truyền gọi là Theosophia (Minh Triết Thiêng Liêng MTTL, còn dịch là Thông Thiên Học, TTH) mà bà có bổn phận đưa ra cho thế giới, HPB đã tạo nhiều hiện tượng người đời gọi là phép lạ.
Các trường hợp HPB tạo hiện tượng được ông Daniel Caldwell thu thập và xếp đặt lại thành sách tên The Esoteric World of Madame Blavatsky, nay PST xin đăng bài dịch những chuyện trong sách với sự đóng góp của Thanh Thiên, xếp theo thứ tự thời gian; hiện tượng nào đã ghi trong chuyện HPB đăng trên báo PST sẽ không được thuật lại nơi đây. Quyển Esoteric World là nguồn tài liệu chính cho bài dịch, ngoài ra bài còn lấy tài liệu từ nhiều sách khác như:
– H. P. Blavatsky as I Knew Her, Alice Cleather, 1923
– Reminiscences of H.P.B., Bertram Keightley, 1931
– Reminiscences of H. P. Blavatsky, Archibald Keightley, 1910
– My Guest: H. P. Blavatsky, Francesca Arundale, 1932
– Reminiscences of H. P. Blavatsky and The Secret Doctrine, Constance Wachtmeister, 1893.
Có ba điểm cần nói trước khi vào chuyện. Hiện tượng được HPB làm ra như là phương tiện để thuyết phục con người sự kiện có thế giới tinh thần ngoài cõi vật chất, mà không nhắm chỉ thuần vào vật chất. Nói khác đi, hiện tượng được mượn để khuyến dụ con người đi thêm một bước vào thế giới tinh thần chưa biết.Như vậy nếu ta chỉ tò mò chú ý đến hiện tượng mà bỏ qua phần triết lý, là không nắm được ý của bà; và đó không phải là cung cách đúng khi đọc chuyện.Phép lạ hàm ý việc trái với luật trong thiên nhiên, nhưng HPB luôn khẳng định là bà chỉ sử dụng những quyền năng ẩn tàng trong con người và các luật trong thiên nhiên vào lúc này chưa được biết rõ.
Nó là thí dụ thích hợp cho câu thường được nghe là đừng lầm lẫn ngón tay với mặt trăng khi lấy ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay hay hiện tượng chỉ là vật được sử dụng để cho ta thấy sự kiện là mặt trăng, hay ở đây là cõi tinh thần và những luật mà khoa học chưa biết. HPB nói rõ chủ ý này khi về sau không còn tạo hiện tượng nữa.Bà viết.
Hiện tượng huyền bí đã được làm với hy vọng gợi nên và sử dụng óc tò mò. Người ta tin là việc sử dụng các lực thiên nhiên nằm bên dưới bề mặt - cái bề mặt của sự vật mà khoa học tân thời chỉ mới cào nhẹ và thăm dò thật chuyên cần, hãnh diện - sẽ đưa tới việc tìm hiểu về bản chất và luật của các lực tuy khoa học chưa biết nhưng khoa huyền bí học đã biết trọn vẹn…
Các hiện tượng được trưng ra không là gì ngoài thí dụ của khả năng hết sức tự nhiên, dùng những lực chưa được nhận biết đối với vật chất, do vài nhân vật có quyền năng đã đạt mức hiểu biết rộng, cao về vũ trụ hơn khoa học gia và nhà thần học … Tuy nhiên quyền năng này ẩn tàng trong tất cả mọi người, và theo với thời gian có thể được bất cứ ai sử dụng, ai chịu tìm tòi để có hiểu biết và tuân theo những điều kiện cần thiết để phát triển chúng…
Huyền bí gia có thể tạo ra hiện tượng, nhưng họ không thể cho thế giới não bộ, hay sự thông minh và niềm tin cần thiết để hiểu và quí chuộng hiện tượng. Vì vậy, chẳng có gì khó hiểu khi có lời đưa ra là hãy bỏ qua hiện tượng, và để cho các ý tưởng của Theosophy được phán xét bằng chính giá trị của chúng. (Xin đọc thêm PST 68)
Điểm thứ hai là triết lý đằng sau các hiện tượng. Đây là phần chính, phần quan trọng mà HPB muốn ta lưu tâm nên độc giả sẽ không phụ lòng bà khi đọc chuyện theo tinh thần trên. Ta ghi lại đây mười điểm chính về triết lý, trích từ quyển Isis Unveiled của bà.
“Để hiểu về các nguyên lý của luật thiên nhiên có can dự… độc giả cần giữ trong trí những định đề căn bản của triết lý đông phương mà chúng tôi đã giải thích. Ta hãy nhắc lại thật ngắn:
1. Không có phép lạ. Mọi việc xẩy ra chỉ là kết quả của luật vĩnh cửu, không thay đổi, luôn tác động.
2. Thiên nhiên có ba phần thành một: có một thiên nhiên hữu hình, khách quan; một thiên nhiên vô hình, nội tại, chủ lực, cái là mô hình giống hệt cái trước và là nguyên lý thiết yếu cho nó; và trên cả hai là tinh thần, nguồn cội của mọi lực, chỉ mình nó là vĩnh cửu và bất hoại.
3. Con người cũng gồm có ba phần, ta có thân xác là vật khách quan, linh hồn là con người thật, và một phần thứ ba bao trùm soi sáng hai phần này, điều là chủ tể và là tinh thần bất tử. Khi con người thật hòa hợp được với điều sau thì ta trở thành thực thể bất tử.
4. Huyền thuật (Magic) nói về mặt khoa học thì đó là sự hiểu biết về những nguyên lý và phương cách mà nhờ đó con người có được sự toàn tri, toàn năng và làm chủ những lực trong thiên nhiên trong lúc còn ở trong xác phàm. Nếu nói như là một thuật thì đó là việc áp dụng hiểu biết này vào thực hành.
5. Minh triết cổ thời khi bị lạm dụng thì thành tà thuật, còn nếu sử dụng cho mục đích tốt lành thì ta có huyền thuật chân chính hay Minh Triết.
6. Thuật đồng cốt là cái đối nghịch với sự đắc đạo, người đồng là dụng cụ thụ động cho những năng lực khác lạ, còn vị Đạo sư chủ động kiểm soát mình và tất cả những tiềm năng thấp hơn.
7. Tất cả những vật đã từng hiện hữu, đang hay sẽ là, đều được lưu trữ trong ký ức của vũ trụ vô hình. Vị đạo sư có luyện tập khi dùng nhãn quan tâm linh có thể biết tất cả những gì đã biết hay có thể biết được (trong thái dương hệ của chúng ta).
8. Các giống dân con người khác nhau về năng khiếu tinh thần, tựa như khác về mầu da, vóc dáng hay các tính chất khác bên ngoài; người thì có thiên tính về thông nhãn, người khác chuyên về thuật đồng cốt…
9. Một trong những huyền thuật là việc linh hồn tự ý rút khỏi thân xác có ý thức. Với một số đồng cốt cũng có sự rút khỏi này nhưng nó vô thức và không tự ý… Đối với việc di chuyển đó đây của linh hồn thì nó không bị hạn chế trong không gian lẫn thời gian. Nhà thuật sĩ (magician) tinh thông về khoa huyền bí có thể làm cho thân xác mình như biến mất đi, hay có vẻ như lấy hình dạng khác theo ý họ, làm cho thể thanh của họ hiển hiện hay cho nó có hình dạng khác.
10. Căn bản của huyền thuật là hiểu biết cặn kẽ mặt thực dụng của điện từ học, tính chất, sự tương quan và tiềm năng của chúng. Tóm tắt thì Huyền thuật là Minh triết tinh thần; thiên nhiên là tôi tớ vật chất cho thuật sĩ. Có một nguyên lý thiết yếu thấm nhuần mọi vật mà ý chí của người hoàn thiện làm chủ được…
Vị đạo sư có thể làm chủ cảm xúc và thay đổi tình trạng của thể xác và thể thanh của người khác chưa phải là đạo sư, ngài cũng có thể chế ngự và điều động tinh linh ngũ hành nếu muốn. Ngài không thể làm chủ tinh thần bất tử của bất cứ ai dù sống hay chết, vì tinh thần ấy là những điểm linh quang như nhau của Bản Chất Thiêng Liêng, và không thể bị những gì khác lạ bên ngoài chế ngự.”
Điểm thứ ba là nhân vật HPB. Đa số bài trong chuyện ghi lại nhận xét của người đương thời với nhân vật HPB, như dung mạo, cách cư xử, lời ăn tiếng nói, tức mô tả cái tôi mà vị đại đệ tử thuộc Thiên đoàn (Hierachy) sử dụng để thực hiện công việc của mình trong một khoảng thời gian, hơn là con người thật, con người tinh thần của vị ấy. Do đó, khi đọc chuyện ta nên phân biệt giữa vị này, mục đích, và phương tiện mà vị ấy dùng là HPB.
Với ai may mắn, họ thấy được con người tinh thần này của HPB hiện ra trong thoáng chốc như mô tả sau:
– Nói về mặt nhân cách thì ‘the Old Lady - Lão Phu Nhân’ - theo cách gọi quý mến của chúng tôi với bà Blavatsky - như là một người mẹ đối với tôi, nhưng nếu những hoài niệm của tôi chỉ giới hạn vào cá tính đó, chỉ nói về những gì xẩy ra và việc làm trong thế giới vật chất thì nó không thú vị mấy, và cho ra ấn tượng hết sức sai lạc về HPB thật sự mà tôi quen biết…
Một buổi tối năm 1889 trong lúc tham thiền (tại Los Angeles, Hoa Kỳ), gương mặt của HPB chợt hiện ra trước mặt tôi. Tôi nhận ra nó vì đã thấy hình bà trong quyển Isis dù gương mặt nay có vẻ lớn tuổi hơn nhiều. Tôi cho đó là hình ở cõi tình cảm và là do mộng mị huyễn hoặc mà ra nên tìm cách xua đuổi đi, nhưng khi làm vậy thì gương mặt lộ vẻ nóng nẩy và ngay tức khắc tôi bị kéo ra khỏi thân xác, lập tức thấy mình đứng cạnh HPB ở London trong cõi tình cảm.
Ở nơi đó trời sắp sáng mà bà vẫn còn ngồi tại bàn viết. Trong lúc bà nói chuyện với tôi rất nhân từ, tôi lại không tránh được ý nghĩ rằng thật lạ là một phụ nữ lớn tuổi trông đẫy đà to béo lại có thể là một Đạo sư. Tôi ráng gạt bỏ tư tưởng thiếu lịch sự ấy khỏi tâm trí nhưng bà đọc được nó, và như thể trả lời cho thắc mắc này, xác phàm của bà hóa trong suốt, lộ ra thể bên trong vô cùng tuyệt diệu thấy như bằng vàng lỏng… (Xin đọc thêm HPB và Hội, PST 48).
Sự việc muốn nói tuy ta ghi lại nhận xét của những người đã gặp bà, nhưng nếu muốn có ý niệm đúng đắn về nhân vật HPB, sứ mạng và thành quả của bà, ta phải xét tính chất của con người tinh thần này là điều rất ít ai đề cập.
Nay ta vào chuyện.
3a. Nadyezhda A. de Fadeyev - Thư cho ông Olcott, tháng 11 - 1870. Odessa, Nga.
Tôi sẽ kể chuyện xẩy ra cho tôi có liên quan đến một thư mà tôi nhận được theo cách lạ lùng, khi cháu gái tôi (HPB) ở bên kia trái đất và không ai biết cô ở đâu, điều làm chúng tôi rất sầu não. Tất cả những cuộc tìm kiếm của chúng tôi đều không cho kết quả gì.Chúng tôi đành tin là cô đã chết. Tôi nghĩ đó là vào năm 1870 lúc tôi nhận được thư của người mà ông gọi là Koot Hoomi, thư được mang đến cho tôi theo cách huyền bí không sao hiểu được, do một người có dáng vẻ Á châu, rồi biến mất ngay trước mắt tôi. Thư ấy xin tôi đừng lo sợ chi, và nói là cô được an toàn.
Mấy năm về trước cháu gái tôi có nói nhiều với tôi về các Chân sư.Cô viết cho tôi là đã gặp lại và tái tục sự liên hệ với một số các ngài, ngay cả trước khi viết bộ Isis. Nếu tôi là người Thiên Chúa giáo và hy vọng luôn được là vậy, mà tin vào sự hiện hữu của các vị này, tuy tôi có thể từ chối không nhìn nhận những phép lạ mà người ta gán cho các ngài, thì làm sao người khác lại không tin vào điều ấy ? Vì tôi có thể chứng thực sự hiện hữu của ít nhất một vị như thế. Xem nào, ai có thể viết cho tôi bức thư này trấn an vào lúc tôi cần hết sức được an ủi, trừ phi là những đạo sư đã được nói tới ? Quả thực là chữ viết trong thư xa lạ đối với tôi, nhưng cách mà thư đến tay tôi thật kỳ lạ nên không có ai ngoại trừ vị đạo sư thông thạo huyền bí học mới có thể làm được việc ấy. Thư hứa hẹn là cháu gái tôi sẽ quay về, và lời hứa được thực hiện.
Bức thư của Chân sư Koot Hoomi nói tới trên đây được lưu trữ trong văn khố của hội TTH tại Adyar, Ấn.
3 b. Vera P. de Zhelihovsky
Nói về khoảng thời gian 1871-72 của HPB tại Ai Cập, Vera - em gái HPB- ghi.
Một ông tên G. Yakovlef, viếng thăm Ai Cập vào lúc này, gửi cho bạn bè nhiều thư rất nhiệt tình về bà Blavatsky. Chúng tôi có một thư của ông viết.
“Bà là một bí ẩn tuyệt vời, không sao lường được.Điều bà tạo ra thật kỳ lạ.Có lần tôi đưa bà xem một mề đay trang sức với nắp đậy kín, chứa hình một người và tóc một người khác.Tôi mới có vật này chỉ vài tháng qua, vật làm ở Moscow và chỉ có ít người biết.Bà không đụng tới nó và nói với tôi, ‘Oh, đó là hình bà mẹ đỡ đầu của ông và tóc của em họ ông.Cả hai đã qua đời rồi,’ và bà nói tiếp mô tả hai người này như thể bà chính mắt thấy họ. Làm sao bà biết được kìa !”
Kế đó ông thuật việc đến thăm bà tại khách sạn ở Alexandria.Họ ngồi trên ghế sofa trò chuyện với nhau.Đằng trước sofa có một bàn nhỏ mà người hầu bàn đặt trên đó cho ông Yakovlef một chai rượu ngọt, rượu nho, ly rượu nhỏ và cốc thủy tinh. Khi ông đưa ly rượu lên miệng, không có duyên cớ chi thấy được làm ly rượu vỡ tan thành nhiều mảnh trong tay ông. Bà cười to, có vẻ thích thú, và nói rằng bà ghét rượu ngọt cùng rượu nho, và khó mà chịu được ai uống nhiều.
“Tôi nói.
– Bà không muốn nói rằng bà là người làm vỡ ly rượu của tôi chứ ? Nó chỉ là tai nạn tôi. Ly thủy tinh rất mỏng; không chừng nó bị nứt sẵn và tôi bóp ly hơi mạnh !
Tôi chủ tâm nói dối, vì tôi vừa mới nghĩ là chuyện thấy lạ lùng không sao hiểu được, bởi ly thủy tinh rất dầy và cứng.Nhưng tôi muốn bà nói rõ.Bà nhìn tôi rất chăm chú, mắt lóe lên.
– Ông đánh cuộc gì nào, bà hỏi, nếu tôi làm nó lần nữa ?
– Chà, bà làm ngay đi. Nếu làm được, tôi sẽ là người đầu tiên tuyên bố rằng bà là thuật sĩ chánh hiệu.Bằng không được, mai chúng ta sẽ có trận cười ở tòa Lãnh sự.
Nói xong, tôi rót rượu tới nửa cốc và sắp uống. Nhưng ly vừa chạm môi thì tôi cảm thấy nó vỡ tan giữa các ngón tay của tôi, và bàn tay tôi chảy máu, bị thương vì một mảnh thủy tinh vỡ khi do phản xạ tôi chộp lấy cái ly, lúc cảm thấy mình sắp mất nó.”
3d. Nữ bá tước Lydia A. De Pashkov
Xuân1872, Lebanon
Có lần tôi trên đoạn đường giữa Baalbek và sông Orontes và trong sa mạc tôi gặp một đoàn lữ hành. Ấy là nhóm của bà Blavatsky. Chúng tôi dừng trại chung với nhau. Có một phế tích lớn ở nơi ấy gần làng Dair Mar Maroon, ở giữa Lebanon và núi Anti–Lebanon. Trên đó có khắc chữ mà xưa nay không ai đọc được. Theo tôi biết bà Blavatsky có thể làm nhiều việc lạ lùng với lực vô hình nên tôi nhờ bà tìm xem phế tích này là gì.
Chúng tôi chờ đến khuya. Bà vẽ một vòng tròn và chúng tôi bước vào trong đó. Chúng tôi đốt lửa và cho vào đó nhiều trầm hương. Rồi bà đọc thần chú, và chúng tôi bỏ thêm trầm hương vào. Rồi khi ấy bà giơ tay cầm chiếc đũa chỉ vào phế tích, và chúng tôi thấy một khối lửa tròn lớn mầu trắng trong đó. Gần nơi ấy có một cây ..., chúng tôi thấy có nhiều ngọn lửa nhỏ trên cây. Có mấy con chó rừng ở xa tru lên trong đêm tối.
Chúng tôi lại cho thêm trầm hương vào lửa, rồi bà Blavatsky triệu hồn của người mà phế tích dựng lên cho họ. Chẳng mấy chốc một khối hơi bốc lên che phủ chút ánh trăng có ở đấy. Chúng tôi thêm trầm hương. Khối mây thành hình mơ hồ một ông lão với chòm râu, và một giọng nói cất lên chừng như từ xa đi qua hình.
Ông nói rằng khi trước phế tích là bàn thờ của một ngôi đền đã biến mất từ xưa. Nó được dựng để thờ một vị thần đã sang cõi khác lâu rồi. ’Ông là ai ?” bà Blavatsky hỏi. ‘Tôi là Hiero, một trong các giáo sĩ của đền’, giọng ấy đáp.Rồi bà Blavatsky ra lệnh cho ông chỉ cho chúng tôi xem nơi này vào lúc có ngôi đền.Ông cúi người, và trong tích tắc chúng tôi thấy thoáng qua hình ảnh ngôi đền và một thành phố rộng lớn chiếm trọn cánh đồng tới mút mắt.Rồi nó biến mất và linh ảnh mờ dần.Chúng tôi cho lửa cháy to hơn để xua đuổi bầy chó rừng và đi ngủ.
4a. Anna Ballarda
Tháng bẩy 1873, New York
Tôi quen bà Blavatsky từ tháng bẩy 1873 tại New York, chỉ một tuần sau khi bà đến Hoa Kỳ. Khi ấy tôi là ký giả cho báo New York Sun, và được giao cho viết bài về nước Nga. Khi tìm tài liệu, một người bạn cho tôi hay có một phụ nữ Nga tới đây và tôi đến gặp bà, do vậy bắt đầu mối quen biết kéo dài mấy năm.
Trong lần phỏng vấn đầu tiên bà cho tôi hay bà chỉ biết mình phải rời Paris sang Hoa Kỳ vào buổi tối trước ngày lên đường, nhưng không nói vì sao bà đi hay ai thúc hối như vậy. Tôi nhớ thật rõ bà nói với sự hứng thú ’Tôi từng ở Tây Tạng’. Vì sao bà nghĩ đó là việc lớn lao, đáng kể hơn bất cứ cuộc du hành nào ở Ai Cập, Ấn Độ và mấy nước khác mà bà kể tôi nghe, thì tôi không biết; nhưng bà nói điều ấy với sự nhấn mạnh và hào hứng đặc biệt.
4b. Elizabeth G.K. Holt
Tháng tám 1873 - tháng sáu 1874 New York
Các công nhân phái nữ đứng đắn với phương tiện eo hẹp khó mà tìm nơi thích hợp để cư ngụ, nên khoảng bốn mươi người như vậy làm cuộc thí nghiệm nhỏ là sống chung với nhau. Họ mướn một ngôi nhà mới số 222 đường Madison. Đó là con đường có những ngôi nhà nhỏ hai tầng, với chủ nhà hãnh diện về cây cho bóng mát và giữ cho vườn trước vườn sau gọn ghẽ.
Mẹ tôi và tôi ở Saratoga vào mùa hè 1873. Để sẵn sàng nhập học khi trường mở cửa, tôi được cho về nhà vào tháng tám, ở trên đường Madison, nơi chúng tôi có bạn chăm lo cho tôi, và tôi gặp bàBlavatsky ở đó. Bà có phòng ở lầu hai và bạn tôi có hai phòng ở cạnh bà, nên hai người thành hàng xóm rất thân thiện. Vì là đại gia đình gồm những người ở chung, chúng tôi quen biết lẫn nhau và dành một phòng ở cạnh cửa lớn mở ra đường làm phòng khách chung hay văn phòng, nơi gặp gỡ cho người trong nhóm, và nơi nhận thư với tin.
Bà Blavatsky dành nhiều thì giờ ngồi ở văn phòng, nhưng ít khi bà chỉ có một mình; bà tựa như viên nam châm, mạnh tới độ thu hút đến quanh mình mỗi ai có thể đến. Ngày này sang ngày kia tôi thấy bà ngồi đó quấn điếu thuốc và hút không ngừng. Bà có túi lớn đựng thuốc lá có đầu một con thú có lông mà bà đeo quanh cổ. Bà quả là nhân vật lạ lùng, tôi nghĩ bà hẳn phải cao hơn là ta thấy vì bà to lớn; bà có gương mặt rộng và vai rộng; tóc mầu nâu nhạt và quăn như tóc người da đen. Trọn vóc dáng của bà toát ra ý về uy lực.
Bà hay nhắc tới đoạn đời của bà ở Paris. Về sau bà chứng tỏ khả năng nghệ thuật của mình một cách thực tế. Tôi có cây dương cầm và thỉnh thoảng bà dạo đàn, khi có người thúc đẩy cho bà chơi. Ai hỏi bà về kiếp trước của mình thì được bà tả lại cho biết, những chuyện ấy hẳn phải chính xác vì chúng gây ấn tượng thật sâu xa. Tôi không hề nghe bà tiên đoán tương lai cho họ. Người ta cho rằng bà theo phái Thông linh học, tuy tôi không hề nghe bà nói như vậy về mình.
Khi bạn tôi là cô Parker xin bà liên lạc với mẹ cô đã mất, bà nói không thể được vì mẹ cô đã sang những chuyện cao hơn và tiến vượt ngoài tầm. Những hồn mà bà luôn nói tới là sinh vật bé nhỏ ưa phá phách, hiển nhiên là vật tương ứng với tiên nữ theo niềm tin dân gian ở Ái Nhĩ Lan, và theo mô tả của bà thì chắc chắn không phải là người.
Tôi không hề xem bà như là thầy về đạo đức, vì bà sôi nổi quá. Khi có chuyện không hay xẩy ra cho mình, bà có thể bầy tỏ ý kiến mạnh mẽ làm ta bối rối. Nhưng khi bạn có chuyện khó xử về tâm trí hay vật chất, bạn sẽ lập tức đến nài nỉ bà, vì bạn cảm biết tánh không sợ hãi của bà, tánh cư xử bất tuân lề thói, óc khôn ngoan, kinh nghiệm rộng rãi và tâm địa tốt lành của bà - lòng thiện cảm đối với người cô thế.
Một thí dụ cho việc này là như sau. Người bất hảo bắt đầu tới ở trên đường, và khu phố thay đổi mau lẹ. Một buổi tối có cô gái trẻ từ chỗ làm về nhà trễ, có người đi theo làm cô rất kinh hoảng; cô chạy ào vào văn phòng ngồi phịch xuống ghế hết hơi. Bà lập tức hỏi han cô ngay, tỏ vẻ giận dữ bằng lời mạnh bạo, và sau cùng lấy ra trong nếp áo một con dao (tôi nghĩ bà dùng nó để cắt thuốc lá, nhưng dao đủ lớn dùng làm vũ khí tự vệ đáng nói), và bảo bà sẽ có vật này cho người đàn ông nào phá khuấy bà.
Vào thời gian đó bà lo lắng nhiều về tiền bạc; món tiền bà nhận đều đặn do cha bà gửi từ Nga bị ngưng lại, và bà gần như không còn đồng nào. Vài người tánh tình bảo thủ trong ngôi nhà chung của chúng tôi bảo rằng nói cho cùng thì bà là kẻ phiêu lưu, và việc thiếu tiền là chuyện dĩ nhiên phải vậy; nhưng bạn tôi là cô Parker đi cùng với bà đến tòa lãnh sự Nga, bảo đảm với tôi rằng quả thật bà là một nữ bá tước người Nga, rằng viên Lãnh sự biết gia đình bà và hứa sẽ tiếp xúc với họ để xem làm sao có khó khăn ấy. Hóa ra việc ngưng gửi tiền là do cha bà qua đời, và sau đó cần thời gian để thu xếp giấy tờ của ông.
Bà có một bàn dài trong phòng riêng của mình và tôi thấy bà nhiều ngày, có lẽ là nhiều tuần, bền bỉ viết hết trang này sang trang khác tập bản thảo. Một thời gian ngắn sau đó lúc vẫn chưa nhận được tiền, bà gặp và quen thân một phụ nữ người Pháp, một góa phụ mà tôi quên tên. Khi ấy bà này ở đường Henry cách xa đó một quãng ngắn. Bà đề nghị bà Blavatsky về ở nhà mình cho đến khi khó khăn về tiền bạc được giải quyết xong. Lời mời được chấp nhận và bà Blavatsky rời nhà chúng tôi. Dầu vậy, nhiều người trong nhóm chúng tôi nhất là cô Parker giữ liên lạc chặt chẽ với bà.
Không lâu sau đó bà nhận được tiền từ Nga, và dọn sang góc đông bắc của đường 14 và đại lộ Bốn. Căn nhà rất xoàng xỉnh, có tiệm rượu ở tầng trệt và phòng cho mướn ở hai lầu bên trên. Cô Parker dẫn tôi đến căn nhà này, chỗ đó tôi thấy bà có phòng ở tầng trên cùng, bàn ghế thiếu thốn; giường là khung sắt hẹp và cạnh giường trên bàn có tủ nhỏ với ba ngăn kéo.
Bà tỏ ra khích động. Trước đó trong ngày phòng bà bị cháy; bà nói hỏa hoạn được cố tình gây ra để ăn trộm bà. Khi lửa đã bị dập tắt, lính cứu hỏa và kẻ tò mò đã tan, bà thấy cái đồng hồ đáng giá và xâu chuỗi của mình bị mất cắp. Khi than phiền với chủ tiệm rượu cũng là chủ nhà, ông nói bóng gió là bà đâu có đồng hồ mà mất. Bà nói với chúng tôi là đã hỏi ’các Ngài’ cho bà một bằng cớ để có thể cho chủ nhà thấy, và khiến ông tin quả thật bà bị mất đồ vật của mình. Lập tức trước mặt bà hiện ra một tờ giấy xám hết cả vì khói, trừ hai đốm trắng có hình dạng và kích thước một cái đồng hồ và xâu chuỗi, cho thấy là sau khi lửa khiến tờ giấy đen lại, chiếc đồng hồ và xâu chuỗi bị lấy đi, làm lộ ra hai khoảnh trắng trên giấy mà chúng đã che phủ.
Tôi luôn luôn nghe những người quanh bà giải thích ’các Ngài’ như là những ’Linh hồn hướng dẫn’ bà, lẽ tự nhiên là tôi nghĩ bà nói chuyện với các vị này. Tôi không biết chút gì về huyền bí học.
Đây là lần chót tôi gặp bà. (còn tiếp)