NHẠC THIÊN THẦN

Nhạc  Thiên  Thần

 

Như ta đã biết, tất cả các vị Đạo sư cao đều có khả năng gây ấn tượng về bất cứ ý tưởng nào lên trí não ai đủ sức tiếp nhận, bằng cách truyền tư tưởng. Nhưng khi ta nói ‘gây ấn tượng’ nó cần được hiểu theo nghĩa là ‘gợi ý’ và không ám chỉ điều gì khác. Thí dụ, các ngài gợi ý tưởng cho thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ hay triết gia, các ngài không cưỡng bức họ phải nhận ý tưởng  đó. Thực thế, người tiếp nhận thường không ý thức là cảm hứng từ đâu tới, và không nghi ngờ rằng mình hoặc là người nhận  tư tưởng truyền đến, hoặc tạm thời được một Vị ‘phù trì - overshadow’. Chỉ khi một nghệ sĩ mà đồng thời cũng là một đệ tử của bậc Đạo sư, và có tiếp xúc thân cận với ngài như trường hợp bà Nelsa Chaplin, mới có thể biết những sự kiện này (xin đọc thêm về nhân vật Chaplin trong chuyện Vị Chân Sư, PST 59).
Trong thế kỷ trước, có một lúc vài Chân sư chuyên về nghệ thuật thấy gợi hứng một loại nhạc có tính chất làm tăng nét tinh thần bằng sự hiểu biết là điều thuận lợi.Ít nhất qua nhạc con người sau cùng có thể cảm biết là có một thế giới khác, với hằng triệu dân cư vô hình hiện hữu song song với thế giới vật chất. Ta muốn nói tới đường tiến hóa của chư thiên, gồm từ loài tinh linh nhỏ bé nhất đến các đại thiên thần cao cả trong vũ trụ. Vì nhân loại nói chung chưa tiến hóa đủ để cảm nhận các thiên thần này, năng lực của nhạc được trưng dụng để làm việc.
Tựa như lời thơ du dương của một thi sĩ khi cất lên đôi khi thuyết phục được ai hoài nghi tin vào một chân lý, trong khi bao nhiêu lý luận khô khan cũng đều vô ích, âm thanh trầm bổng của nhạc có thể đạt kết quả tương tự mà còn lớn lao hơn nữa. Bằng cách gợi hứng các nhà soạn nhạc để họ diễn đạt sức sống linh hoạt và sự chuyển động của chư thiên, cũng như bầu không khí và ngay cả nhạc của những Vị ấy bằng âm thanh cõi trần, các Chân sư làm cho con người ‘nghe’ điều mà họ không thể ‘thấy’. Hơn thế nữa, khi ý thức là có sự hiện hữu của hàng ngũ thiên thần, nhân loại tiến dần đến việc có mối liên hệ gần gũi hơn giữa các vị này và mình, tạo ra một phát triển thật quan trọng về cuộc tiến hóa trong tương lai.
Trong phần dưới đây, ta sẽ ghi ra ảnh hưởng của một số nhạc sĩ làm công việc này.Vài đoạn trong bài đã đăng trên PST các số trước.

 

Nghe César Franck Sonata Violin

César Franck
Cầu nối giữa nhân loại và thiên thần.

Tuy César Franck sinh ra sau Berlioz gần hai mươi năm, ông lại là cha đẻ của trường phái các nhà soạn nhạc Pháp có vận mạng là đem vào nội dung của nhạc, nếu không phải luôn cả vào hình thức, một yếu tố mới. Vì Berlioz, dù với trọn tài năng của mình, phải được xem là người thí nghiệm; ông không thể đem vào nhạc của mình cái tính chất tinh tế làm ảnh hưởng tư cách và tạo khuôn mẫu cho đạo đức; ông ảnh hưởng lên chính nhạc, và dọn đường cho thiên tài Wagner và một phần nào cho Franck.
Franck là chuyên gia nhạc đầu tiên về thiên thần, sinh tại Liège, Pháp, năm 1822, và việc ông được mô tả là một trong những nhân vật có tánh tình đẹp đẽ và dễ thương nhất trong số các tiểu sử về nhạc, không phải là không có ý nghĩa. Chỉ những ai đã đọc tác phẩm của Vincent d’Indy viết về ông mới thấy thoáng qua linh hồn của nhân vật đáng nói này. Ngay cả những ai gặp ông bình thường trong đời, không hề biết là bên trong quả tim của con người bé nhỏ lạ lùng, thường thấy vội vã đi, ‘luôn luôn đãng trí, nhăn nhó, chạy hơn là đi’, và ‘mặc cái áo choàng quá khổ và quần quá ngắn’, lại là một thiên tài.
Dầu vậy, con người nhỏ bé ấy lại toát ra tình thương nồng ấm và xả kỷ đến mức ‘học trò của ông chẳng những lo cho ông như là một người cha, mà còn qua ông ràng buộc với nhau.’ Nhưng tuy ông xứng đáng rất nhiều, đời sống bên ngoài của ông lại chán chường không tả được. Từ sáng đến tối, ngoại trừ những lúc dành cho học trò thân thiết, ông bắt buộc phải dạy các học trò nửa vời không thông minh cho lắm, và hơn thế nữa, phải chịu đựng lòng ganh tị thiển cận ngu dốt của những giáo sư ở nhạc viện.
Do bản tính thanh cao của mình, chẳng những không trách móc số mạng hay có lòng không tốt đối với các người này, ông lại làm như không để tâm gì tới ý xấu của họ. Tuy ông ưa thích sách vở và theo đuổi nhiều chuyện trí tuệ, có một điều gì đó thật thơ ngây, cả tin và trẻ thơ trong tim ông, khiến cho không thể nào có việc không tin được vào tính bản thiện của con người.  Thế nên chẳng có gì lạ khi César Franck chứng tỏ là dụng cụ thích hợp trong tay các Đấng Cao Cả, và các Chân sư có thể uốn nắn khả năng tạo hứng khởi của ông, làm ông có thể nhận được thông điệp của Thiên Thần hạng cao, hoặc qua các Chân sư hay trong một số trường hợp, trực tiếp từ chính các Thiên Thần.
Những ai, lúc thức tỉnh ở trong thân xác, có thể thấy thiên thần bằng thông nhãn, hay nhớ lại hình ảnh các ngài sau khi xuất hồn lên cõi cao, biết rằng một trong những đặc tính chính của thiên thần là tình thương; nhưng lẽ tự nhiên đặc tính này thay đổi theo trình độ tâm linh của dân cư thiên thần liên hệ, nếu đó là tinh linh thì nó ở mức tương ứng ít hơn nhiều. Còn khi một thi sĩ có tiếp xúc mật thiết với thiên thần hạng cao, chuyện tự nhiên và đáng nói là họ sẽ biểu lộ cũng tình thương đó.
Dầu vậy, để bắt đầu thì họ phải có phần nào đặc tính đẹp đẽ ấy sẵn trong tâm, bằng không vị Đạo sư hay thiên thần không thể nào gợi hứng được.Ngoài lòng từ sẵn có của mình, còn có những dấu hiệu khác muốn nói Franck có tiếp xúc thân cận với đường tiến hóa thiên thần.Ông là bậc thầy về loại ngẫu tác - improvisation mà các vị đạo đồ biết là thuộc loại nhạc thiên thần; hơn thế nữa, thành quả của ông về mặt này có lẽ có tính gợi hứng nhiền hơn so với những nhạc khúc ông viết ra; và điều ấy có liên quan nhiều tới đề tài của chúng ta.Bởi César Franck có thiên tài về ngẫu tác.Tiểu sử của ông ghi Franck phụ trách dàn phong cầm tại nhà thờ St Clotilde, mỗi chủ nhật và ngày lễ ông đem hết tâm hồn chơi nhạc ngẫu tác tuyệt vời hơn nhiều nhạc phẩm được khéo léo soạn ra.Chính ngẫu hứng tìm được cách biểu lộ này là chứng cớ cho thấy đó là người được thiên thần phù trì, gợi hứng.
Tiểu sử ghi tiếp là mỗi chủ nhật khi dự thánh lễ ở nhà thờ, ông sấp mình nồng nhiệt tôn kính trước bàn thờ. Hành động giản dị về niềm tin này của ông có đầy ý nghĩa cho ai có thông nhãn, thấy các thiên thần rực rỡ chói lọi hiện diện trong nhà thờ, những vị được triệu đến do nghi lễ cử hành nơi ấy. Thế nên không có gì nghi ngờ là César Franck lại có tiếp xúc thân cận hơn nữa với các thiên thần, những vị mà ông thường gắng công diễn tả lại lời nói các ngài bằng nhạc trần thế; khi đó ông thấy trước và nghĩ ra âm điệu tuyệt vời mà sau này là nền tảng cho nhạc khúc The Beatitudes.
Ông thọ sáu mươi tám tuổi, với cuộc đời đáng nói về mặt năng lực và không bệnh tật, ông là nhà soạn nhạc đầu tiên có sứ mạng là làm tiêu trừ bệnh tật trong đời người khác.Xem xét nhạc của César Franck cho ta thấy có hai phần rõ rệt, tính chất người và tính chất cõi thanh.Hành âm thứ hai của Violin Sonata là thí dụ cho sự biểu lộ của tính chất đầu, và phần cantilene trong Pianoftorte Quintet là tính chất sau. Do có sự phối hợp hai tính chất này mà ta xem Franck là cầu nối giữa đường tiến hóa con người và thiên thần; ông biểu lộ tình cảm của cả hai và như thế hòa hợp người phàm với cõi tiên. Nhà phê bình Gustave Devepas viết:
– ‘Nhạc của César Franck làm chúng ta thành không phải là thú hay thiên thần. Giữ sự quân bình vững vàng, không thô tục vật chất mà cũng không huyền bí nghi ngờ, nó chấp nhận con người với tất cả niềm vui tích cực và nỗi buồn, nâng cao họ lên sự bình an và thanh thản mà không ngầy ngật, bằng cách tỏ lộ cảm nhận về sự thiêng liêng. Như thế nhạc có khuynh hướng về sự suy gẫm hơn là xuất thần. Người nghe mà thuận lòng buông thả mình theo ảnh hưởng tốt lành của nhạc sẽ thấy … với tất cả những gì tốt đẹp nhất trong người mình, được thu hút về điều đáng ao ước hơn hết và cùng lúc là điều vô cùng dễ hiểu.
‘Ông không ngừng là người phàm và thấy mình gần Thượng đế hơn. Nhạc này quả thật là chị em với lời cầu nguyện cũng như là với thi ca, nó không làm ta suy nhược hay kích động, mà đúng ra nó đưa ta trở về linh hồn, dẫn ta lại nguồn cội … cõi trời và nơi an nghỉ’.
Còn Vincent d’Indy viết: ‘Nói tóm tắt, nó dẫn ta từ lòng vị kỷ tới tình thương … từ thế giới đến linh hồn, từ linh hồn đến Thượng đế.’ Nhận xét này đầy ý nghĩa. Lòng vị kỷ là nguyên do cho đa số vấn đề làm bận rộn trí người. Nhiều bệnh của cơ thể sinh ra và hóa nặng hơn do tính chỉ biết có mình; hệ quả là nhiều trường phái chữa bệnh với khuynh hướng ‘nâng con người ra khỏi mình’ đã tỏ ra hữu hiệu.
Thực thế, một trong các Chân sư đã gợi hứng cho loại tư tưởng siêu hình phát triển thành tổ chức Christian Science và các phong trào tương tự.Điều mà César Franck đạt được qua nhạc, những tổ chức này tìm cách làm qua tranh luận siêu hình. Bằng cách ‘tỏ lộ một cảm biết về sự thiêng liêng’, và bằng cách dẫn con người ‘trở về cõi trời’, Franck đưa họ ra khỏi cái tôi nhỏ nhoi và cho thấy thoảng qua Chân Ngã, trong đó không có sầu não lẫn bệnh tật.
Trong nhạc của Franck quả thật có thuốc thoa lành bệnh, là tình thương cõi trời hòa hợp tất cả những thể thanh, và có khuynh hướng điều hợp chúng với nhau. Tựa như bóng tối và ánh sáng mặt trời không thể cùng hiện hữu một chỗ, sầu não và bệnh tật cũng không thể hiện hữu nơi mà tình thương của thiên thần chiếu sáng, cái tình thương mang lại sức khỏe và hoan lạc.
Ta không đi sâu vào việc phân tích tỉ mỉ nhạc của Franck, và chỉ nói rằng do tính thanh thoát lâng lâng trong nhạc ông, câu nhạc du dương, hòa âm khác lạ, ông đem được nhạc thiên thần cõi cao xuống cho tai phàm nghe. Một hệ quả cho thành đạt của ông là huyền học thực tiễn lan tràn khắp Âu châu bắt đầu vào cuối thế kỷ 19. Nhân loại nói chung thường không chấp nhận điều gì mới mẻ; chẳng những tâm trí họ kháng cự lại việc ấy và tiềm thức lại còn hơn thế nữa. Chính sự kháng cự trong tiềm thức này là điều mà César Franck được dùng làm tác nhân để phá bỏ nó, ông giúp đem chen lẫn vào nó những ý tưởng mà về sau nhiều người chấp nhận.
Từ khi ông khởi đầu, khoa học về chữa trị với sự trợ giúp của những lực tinh tế trong thiên nhiên đã gia tăng rộng lớn. Ông đã gợi hứng nhiều cách thức để theo đó, gánh nặng của lòng sầu não và bệnh tật có thể được nâng khỏi linh hồn và thân xác của một nhân loại đang đau khổ, và như thế đã làm được việc vĩ đại đáng cho ta biết ơn mãi không thôi.
Những ai viết tiểu sử của ông không biết trọn sự thực.Ấy là Franck là một vị đạo đồ tuy không có thông nhãn. Các thiên thần đặc biệt dưới sự hướng dẫn của đức K.H. là Thầy ông đã tuôn cảm hứng lên các thể của nhạc sư, tạo nên cung điệu tuyệt vời trên những cõi cao, hợp các nốt riêng biệt của chúng với nốt của Chân sư và học trò ngài dưới thế.
Khi nhạc sư trở lại cõi trần, ông sẽ mang theo quyền năng là đặc tính của bậc đạo đồ cao cấp là khả năng thấy, nghe và chữa bệnh bằng phương tiện siêu phàm.

Grieg, Tchaikovsky và Delius

Trong khi Franck là người trung gian giữa các thiên thần cấp cao và nhân loại, Edvard Grieg là người trung gian giữa tinh linh nhỏ bé và con người. Tuy những tấu khúc của ông về nhiều mặt có sự lôi cuốn dễ yêu và tính cá biệt, chúng không đạt tới mức cao như sáng tác của César Franck. Cũng như theo quan điểm vừa ghi ở trên, ta không thể đòi hỏi điều này nơi ông, tinh linh là những thực thể tí hon ngộ nghĩnh và mối liên hệ của chúng đối với ngay cả những thiên thần cấp thấp chỉ tựa như liên hệ giữa thú nhà với chúng ta, và do đó mong muốn người diễn giải bằng nhạc, và là người đầu tiên như thế, tạo nên sự thanh cao tột mức hay sâu thẳm là ước ao điều bất khả.
Việc Grieg sinh ra ở bắc Âu là chuyện đầy ý nghĩa, bởi tinh linh ở đó, giống như ở Ái Nhĩ Lan, Scotland và xứ Wales, thân cận với con người hơn so với những nước mà thành phố làm ô nhiễm bầu không khí vật chất với ống khói tuôn khói, và bầu không khí tinh thần với chủ nghĩa duy vật và óc sở hữu. Thế nên khi sống ở Na Uy, Grieg sống gần gũi với linh hồn của thiên nhiên chưa bị làm vẩn đục. Những bài dân ca của xứ sở ấy cũng tạo nên ảnh hưởng đáng kể cho nhạc phẩm của ông, do việc chúng đã thể hiện phần nào đặc tính của tinh linh. Sách viết: ‘Nhạc của Grieg mang vào phòng hòa nhạc mùi hương của gỗ thông ở quê hương ông’, phải, và trong đoạn chót của bản nhạc Peer Gynt Suite ông cũng gợi ý về các chú lùn nhẩy múa.
Tuy nhiên chủ ý của chúng ta không phải là nói nhiều về nhà soạn nhạc Na Uy, vì ảnh hưởng của ông đối với nhân loại không mạnh, tuy có lúc về một mặt nào đó ấy là ảnh hưởng cần thiết; ông hé mở khe cửa một chút mà về sau nó sẽ rộng hơn, qua đó nhân loại sẽ có được cái nhìn rộng lớn hơn về thế giới của tinh linh. Ông là người mở đường cho Frederick Delius, Achille Debussy (PST 55), Stravinsky và những nhạc sư khác, và sau cùng cho Scriabin (PST 55) - người diễn giải thiên thần tuyệt nhất từ trước tới nay trong nghệ thuật.
Dầu vậy Grieg không hoàn toàn đơn độc trong nỗ lực vô thức của mình nhằm bắc nhịp cầu qua hố thẳm giữa hai thế giới; ba năm trước khi ông ra đời, một nhà soạn nhạc sinh ra ở Kamsko-Votinsk tại Nga; và tuy ta phải nhìn nhận là phần rất lớn nhạc của Tchaikovsky hiển nhiên rất ‘người’, thỉnh thoảng có lúc không nghi ngờ gì là ông viết nhạc thiên nhiên, nên ta cũng phải chấp nhận ông là một người trung gian khác.
Do tính thiếu tế nhị hiển hiện rõ ràng, những ai diễn giải chân thực và khéo léo hơn về thiên nhiên và tinh linh có thể xem ông như là người thô lậu về nhạc, nhưng thái độ của họ không làm thay đổi sự kiện. Thực vậy, thái độ ấy thật dễ hiểu vì một trong những đặc tính chính của nhạc thiên nhiên là sự tinh tế và do vậy, đối với các nhà soạn nhạc như Ravel và Debussy, những người mà tính chất này hiện rất rõ, ta không thể mong Tchaikovsky - ‘một người Nga không Nga chút nào nhất’ , như Ravel gọi ông - có sức thu hút được; họ vượt xa những nỗ lực còn ấu trĩ của ông, cho cảm tưởng như đó là nhạc dành cho nhà trẻ.
Mặc dù có chỉ trích như thế, nếu chịu xem xét nhạc của Tchaikovsky ta sẽ khám phá một nét ngộ nghĩnh sơ khai không phải là không giống như đặc tính nhạc của Grieg, tuy về điều này ta muốn nói đến tinh thần trong các nhạc phẩm của Grieg hơn là hình thức của chúng. Mà ngay cả vậy, nét ngộ nghĩnh thấy nơi cả hai nhà soạn nhạc làm gợi nhớ đến nhạc thiên nhiên hơn là thực sự giống nó, xét theo cách nó vang lên khi nghe bằng thông nhĩ. Việc mà Grieg và Tchaikovsky thực hiện được, là khiến ta chú ý đến sự hiện hữu của nhạc về tinh linh bằng cách mô tả điều họ nghĩ là chúng giống ra sao, hơn là thực sự diễn tả lại nhạc ấy. Thời gian chưa chín mùi để làm việc này, khi ta thấy rằng hiểu biết về đường tiến hóa của thiên thần chưa được phép đưa ra cho thế giới tới sau khi ảnh hưởng của nhạc Wagner (PST 65) đã tràn lan tới một mức nào đó.
view detailsNhưng ngoài việc ấy ra, không thể nào nhạc tự nó phải chịu sự biến dạng đột ngột qua tay các nhạc sư tài giỏi. Vì muốn Grieg hay Tchaikovsky nghĩ ra một loại nhạc mới hoàn toàn, là đi ngược với những luật quản trị việc tiếp nhận hứng khởi. Dù vị Đạo sư hay Thiên thần muốn gây ấn tượng cho một trong những ai là ‘trung gian’ cho ngài về cách kết hợp mới mẻ toàn diện các ý tưởng, người sau vẫn không thể ghi nhận được chúng. Thứ nhất là vì nó sẽ trái với tất cả những ý niệm họ đã có trước đó về nhạc, thứ hai là họ không có kỹ thuật cần thiết để truyền về cõi thế.
Thành ra cuộc tiến hóa của nhạc, giống như –hết mọi loại tiến hóa nào khác, phải diễn ra từ từ cho cả nhà soạn nhạc lẫn người nghe. Từ trước tới nay, ngay cả ai diễn giải thiên thần tài giỏi nhất cũng chỉ có thể đưa ra một phần nhỏ của loại nhạc ấy, và đó là lý do tại sao loại nhạc ‘hyper-moderns’ nghe quá chói tai đối với ta, chúng hấp thu một số âm chỏi nhau mà chưa nghĩ ra cách hòa hợp các âm này. Hơn thế nữa, chúng vẫn còn phải mang lại phần giai điệu - melody của nhạc thiên thần, bởi, vì chưa cảm biết điều ấy, nhiều người như vậy khi nỗ lực tìm cách tránh điều hiển nhiên, đã loại bỏ hoàn toàn giai điệu trong sáng tác của họ. Ta cũng cần ghi ra đây là nhạc cụ cần thiết để diễn giải tuyệt hảo loại nhạc này hiện chưa được sáng chế.
view detailsNhư vậy, khi xem lại trọn khuynh hướng của loại nghệ thuật khởi đầu một cách dè dặt với Grieg và Tchaikovsky, ta phải kể đến tất cả những điểm vừa ghi. Bước kế cho nhạc con người tiến sang nhạc thiên thần được thấy trong các sáng tác của Frederik Delius, bởi không có nghi ngờ gì là ông có tiếp xúc nhiều với bầu không khí của đường tiến hóa tinh linh. Nếu so sánh nhạc của ông với nhạc của các nhạc sư đi trước, ta sẽ thấy nó êm ái hơn rõ ràng, ngọt dịu hơn, và tinh tế hơn, chính yếu là nó cũng thanh nhã hơn. Delius, giống như hết tất cả các nhân vật cá biệt khác, phát triển cách thức của mình theo cách chọn lọc; ông hấp thu một số tính chất của Grieg, của Debussy và Wagner, rồi biến thành của mình. Ông là thi sĩ của bầu không khí, của tinh thần bình an đầy hương thơm của rừng, sự tự do của đồi có mây hôn, và của phong cảnh tắm mình trong nắng mờ ảo. Dân ca cũng đóng một vai trò trong sự phát triển của ông, giống như trong trường hợp của Grieg, vì ông tìm thấy trong dân ca sự hòa mình gần gũi hơn với thiên nhiên, giúp cho sức sáng tạo của ông.

 

Cyril Scott
Music: Its Secret Influence throughout the Ages