BEETHOVEN & MENDELSSOHN

 

Nghe "Symphony No 9", Beethoven:

 

Nghe "O Rest in the Lord", Mendelssohn:

 

Mẹ của Beethoven là con gái của một ông đầu bếp, cha ông tánh tình khó chịu, không có nề nếp thói quen, và là ca viên trong ban hợp ca ở nhà nguyện trong vùng. Rất có thể Beethoven thừa hưởng phần nào tâm tánh của cha, mà hẳn ông cũng phải nhận được nhiều đức tính của mẹ. Bà được kể là phụ nữ có lòng nhân ái và vui vẻ, gợi nên nhiều tình thương nơi con mình. Sự hiện diện vừa nét khả ái rất mực vừa tánh khí nóng nẩy, thiếu tế nhị và thô lỗ nơi Beethoven làm ai hâm mộ ông thấy hoang mang khó nghĩ, nhưng có nhiều lý do sâu xa nằm đằng sau tất cả các đặc tính ấy, sâu xa hơn gia thế tầm thường, hơn bệnh hoa liễu ông mắc phải hồi tuổi trẻ.
Nếu tâm tính của Beethoven khác hơn thì khó mà có việc ông thực hiện được sứ mạng duy nhất của mình, là mô tả bằng âm thanh mỗi một tình cảm khác nhau của con người. Beethoven là nhạc sĩ tâm lý đại tài nhất và vì lý do ấy, điều thiết yếu là ông phải chịu đau khổ, sinh ra gặp nhiều trắc trở đến với ông, như trở ngại về tâm tánh, hoàn cảnh bên ngoài khó khăn, cơ thể cũng bị trở ngại. Để có thể diễn tả trọn vẹn trọn chuỗi cảm xúc của người bằng âm nhạc, trước tiên ông phải trải qua nếu không phải hết tất cả thì cũng phải là đa số kinh nghiệm, phần nào không trải qua thì có được bằng óc tưởng tượng.
Tuy nhiên óc tưởng tượng làm cho tình cảm của ông quay cuồng như cơn lốc bị nhiều lực tương phản tuôn vào, nó tựa như cơ thể của người đồng để cho đủ mọi vong linh chi phối. Thế nên không lạ gì khi ông nhận xét rằng trí óc mình là một khối hỗn độn 'suy tư cuồng nhiệt, riêng tư nhất, ước nguyện, lời cầu nguyện, than vãn, chuyện chi tiêu trong nhà, ghi chú về sáng tác của tôi, các câu trích từ sách' và nhiều điều khác.
Ta trưng ra các chi tiết trên để tìm cách giải thích sự liên hệ giữa cuộc đời và đặc tính của nhân vật đáng nói này, và sứ mạng cũng đáng nói của ông. Ảnh hưởng của nhạc Beethoven có thể được đặt dưới hai tựa chính:
– Nó gợi nên lòng Thiện Cảm ở mức độ từ trước đến nay chưa có.
– Nó mở đường cho khoa phân tâm học, làm cho việc đưa ra khoa này cho một công chúng hoang mang và kinh sợ được khả hữu.
Đầu tiên hãy nói về đặc tính khêu gợi lòng thiện cảm của nhạc Beethoven. Một đặc tính của nhạc trội hơn hẳn văn chương, kịch nghệ, hội họa và thi ca, nằm ở chỗ nó hoàn toàn không bị trói buộc, và trực tiếp gợi nên trực giác hay tiềm thức của người. Chúng ta cảm nhận ý nghĩa của nhạc qua trực giác hay tiềm thức mà không hay biết gì điều ấy, tuy cũng có ngoại lệ. Như thế, lợi điểm to tát của nhạc là nó có thể diễn tả bất cứ điều chi, và hết thẩy mọi điều, theo cách cõi lòng hiểu mà không cần sự can dự của tâm trí có ý thức.
Đa số người hẳn phải thấy rằng với văn chương, chữ nghĩa làm người ta chấn động và tâm trí là vật bị chấn động, và khuynh hướng là quay mặt đi với hết những gì 'không dễ chịu', làm theo khôn ngoan của thói thường là 'mũ ni che tai', đóng cửa bịt tai với các hiểu biết rộng lớn. Mà ấy lại chính là cách thức hoàn toàn nghịch với sự phát triển lòng thiện cảm chân thực, vì sự thật là chỉ khi nào thông cảm hết thì ta mới có thể tha thứ hết.
Bởi thế, việc cần thiết là cho thế giới phương tiện để biểu lộ, ép buộc người ta phải có được lòng thông cảm dù muốn hay không. Phương tiện ấy là nhạc Beethoven, vì nó khiến họ ý thức chẳng những các khó khăn hiển nhiên của người khác như lòng sầu khổ, thiếu thốn, bệnh tật, mong ước mà luôn cả biết bao tình cảm, cảm xúc, đam mê trong lòng họ cũng như nơi ai khác; những điều mà con người rất thẹn thùng không nói ra. Chắc chắn do cảm nhận lực thúc đẩy này trong thông điệp Beethoven đưa ra qua nhạc của ông mà một hòa tấu khúc của ông được gọi là 'ein sittenverderbendes Work' (một tác phẩm làm đạo đức hư hại).
Nhạc tại Anh trong thời nữ hoàng Victoria thiếu sự thông cảm. Sự thật là tuy có nhiều nhà nhân ái nhưng xã hội thiếu khả năng cảm thông với, và không phải chỉ là cảm thông cho người khác. Lòng tôn kính quá đáng và nhất là thói đời đã chống lại tính nhẹ nhàng này, và hệ quả là thời ấy dù có nhiều người mộ đạo, chuyện ngạc nhiên là họ tỏ ra không khoan dung và không có thiện cảm. Họ quá quan tâm đến tình cảm của họ đối với Thượng Đế tới mức không còn mấy hay chẳng còn gì cho đồng loại mình. Lòng thiện cảm nào có được thì phải uốn theo thói đời, y như cách xử sự, tư tưởng và thói quen phải theo khuôn ấn định. Có những điều nếu tỏ lòng thiện cảm bị xem là sai, thí dụ cô gái 'lầm đường' thì nhất định không đáng được thương xót, bất kể cô bị đau khổ ra sao vì cách đối xử này, và thái độ y vậy cũng được áp dụng tương tự cho ai sa ngã và tội phạm đủ loại.
Tuy nhiên, từ khi có sự xuất hiện của Beethoven, có rất nhiều thay đổi  khác nhau đã xẩy ra và cũng đang tiếp diễn. Nhạc cùng những ảnh hưởng giáo dục khác được cho phép có trong nhà giam, nhiều sách xuất bản viết rằng tội phạm là một hình thức của sự điên loạn và không nhất thiết là tính muốn làm chuyện ác, rồi án tử hình càng ngày càng bị chống đối thêm. Tình bạn thân thiết giữa hai người khác phái không còn là chuyện tai tiếng. Thái độ của con cái đối với cha mẹ không còn chỉ là do bổn phận bắt buộc và có sự tôn kính quá đáng, mà là tình thân gần giống như tình bạn và thông cảm lẫn nhau. Hơn nữa, ảnh hưởng gợi lòng khoan dung của nhạc Beethoven đã tạo điều kiện cho việc nghiên cứu về tâm lý tình dục của nhiều tác giả, những người đã khổ công và tự hy sinh để làm chuyện ấy.
Cũng giống như có người nỗ lực để cho thấy là các lầm lỡ của tội phạm không phải luôn luôn là do ý muốn làm chuyện ác, các nhà nghiên cứu này cũng cố gắng vạch ra là sai lầm của người tội lỗi về tính dục không phải bị thúc đẩy chỉ vì ưa thích tật xấu. Việc gia tăng lớn lao những tổ chức từ thiện có căn bản là lòng thiện cảm, cũng là do ảnh hưởng của nhạc Beethoven. Tóm tắt thì nhạc của ông giúp mang lại sự hòa hợp nhiều hơn giữa con tim và trí óc, là điều tiên khởi để có lòng cảm thông đích thực, nó làm con người có nhân tính.
Nay nói về những tính chất đặc biệt về tâm lý trong nhạc Beethoven, nhạc sư Czerny học trò của Beethoven nói rằng:
– Dù tiếp xúc với ai đi nữa, ông luôn biết cách tạo ảnh hưởng cho người nghe và thường khi ít có đôi mắt nào không rơi lệ, và nhiều người sẽ nức nở khóc to, vì có một điều gì đó tuyệt diệu trong cách diễn đạt của ông, cộng thêm với nét mỹ lệ và độc đáo về ý tưởng.
Chính Beethoven thì ông không muốn sinh ra ảnh hưởng làm ngượng ngùng vì ông  thường giận dữ tuyên bố:
– Nghệ sĩ chúng tôi không muốn có nước mắt, chúng tôi muốn có vỗ tay khen ngợi.
Nhưng trong nhạc của ông có một tính chất làm mang lên trên mặt không cưỡng được, tình cảm bị đè nén chỉ thoát ra được bằng tiếng khóc. Và tuy sức hấp dẫn cá nhân có thể làm tăng cường đặc tính này tới một mức nào đó, sau khi Beethoven đã qua đời lâu năm, ai lắng nghe và đặc biệt hơn nữa là chơi nhạc của ông, có ý thức là được nhẹ nhõm cõi lòng rất rõ ràng. Nhạc của ông mang lại tiếng nói cho trọn những cảm xúc mà họ không thể, và không chừng là không dám, biểu lộ theo cách nào khác.
Có một sự kiện được biết rõ là khi bầy tỏ một mối đau thương gậm nhấm cõi lòng – dù là với người thân tín, với giáo sĩ khi xưng tội, hay trên giấy khi làm thơ – là người ta trút được gánh nặng cho mình và do đó khiến tâm hồn nhẹ nhàng. Mặt khác, khi đè nén mối đau thương ấy là gây nguy hiểm cho cả sức khỏe và tâm trí. Vì lý do này, y sĩ khôn ngoan sẽ khuyến khích ai bị chấn động lớn lao, hoặc có nỗi sợ hãi hay ước ao không giải thích được, mạnh dạn nói về nó.
Thời Victoria tại Anh với lòng câu nệ và thói đời khe khắt là thời đại của sự dồn nén, những tình cảm lẽ ra phải có lối thoát lại bị buộc phải quay vào bên trong, với kết quả vô cùng tai hại cho hệ thần kinh. Điều này đặc biệt thấy nơi phụ nữ nào độc thân, vì không những xã hội cho rằng nếu họ có cảm xúc gì về tính dục thì ấy là điều sai lầm, mà sự vận động cơ thể mạnh mẽ như chơi hockey, quần vợt và những trò chơi bị xem là điều cấm kỵ. Do đó không có cách nào để chữa cho những cảm xúc như vậy.
Thế nên chuyện không có gì ngạc nhiên là vào hồi đầu thời Victoria, phụ nữ 'òa ra khóc', phải 'hít thuốc' để hồi tỉnh, hoặc dễ dàng ngất đi chỉ với khích động nhỏ. Ta cần nhớ rằng khi qua tuổi ba mươi, họ bị xem là lỡ thì và không hấp dẫn, do đó không còn đáng được thành hôn, nên con số phụ nữ không được mãn nguyện trong đời rất đáng kể. Thực vậy, hậu quả cho sức khỏe của quốc gia sẽ khủng khiếp nếu không nhờ nhạc của Beethoven.
Khi phụ nữ chơi những bản sonata của ông, diễn tả biết bao là những cảm xúc xáo trộn, đam mê dữ dội và nỗi ước ao không chút thẹn thùng, thực sự là họ tuôn ra những cảm xúc của mình và do đó cởi bỏ điều sẽ bị giam hãm nếu không nhờ vậy. Và không phải họ giải tỏa chỉ có đam mê về tính dục theo cách ấy, vì Beethoven – như là một tâm lý gia sâu sắc về âm nhạc, còn diễn tả những tình cảm khác ít tự nhiên hơn và bị dồn nén nhiều hơn, như lòng thù ghét, ganh tị, và những loại tương tự; ông cũng diễn tả lòng ăn năn sâu đậm, nỗi tuyệt vọng và vực thẳm thảm sầu. 
Chuyện không phải chỉ có thế mà trong nhạc của mình, Beethoven ra công thăm dò và giải tỏa một số lớn lao những tình cảm bị lãng quên và chìm sâu trong tiềm thức, từ nơi này tàn phá sức khỏe con người. Khả năng thăm dò, tìm kiếm trong nhạc Beethoven làm chúng ta phải ghi rằng ông là người tiền phong của khoa phân tâm học. Nói theo một cách thì ông là nhà phân tích tâm lý, và ấy là tại sao khi nhạc của ông càng lúc càng được lan tràn rộng rãi và thời đại Victoria kéo dài, phụ nữ hóa ra bớt hoảng loạn hơn, bớt òa khóc và lăn ra bất tỉnh.
Dầu vậy, có thể có người tỏ ý nghi ngờ khả năng phân tâm trong nhạc Beethoven, nhưng sự kiện còn đó là ảnh hưởng của nhạc trên một số lớn người, họ được dẫn dụ có mộng mơ làm lộ ra điều chất chứa trong tiềm thức theo cách mà không phương thức nào khác có thể làm được.  Trong những mộng mơ ấy ta có thể tìm thấy sự thỏa lòng bí ẩn với những ước ao bí mật; trong những cảnh tưởng tượng này rồi kia, trạng huống này rồi trạng huống kế, ai mơ mộng tưởng tượng mình như là người hùng nam hay nữ trong ước mơ thầm kín nhất của họ, những bản tính mà hoàn cảnh buộc phải thành giả dối, bị dồn nén; trong những phút như vậy họ sống thật với mình.
Sự bực dọc, yếm thế trong đời hằng ngày được quên đi, lý tưởng xem ra không sao có được nay thành tựu, ngay cả bản năng sáng tạo như mình là thượng đế, vốn ngủ quên trong tim mỗi người có thể được khơi dậy, y như nỗi cay đắng, giận dữ và ý thèm muốn phá hoại. Tù nhân trong tiềm thức được trả tự do đối với các ràng buộc của xã hội, và từ đó tự do đối với chính ý thức của trí óc.
Hành động của trí óc thức tỉnh ấy nơi đa số người tạm thời bị ngưng lại trong lúc họ nghe nhạc; thực thế, nó được ru ngủ thành lặng lẽ thay vì chú tâm vào tiếng nhạc được chơi. Cố nhiên là tai của ta nghe các âm thanh đó nhưng còn hơn là tụ điểm làm trí óc chú ý, chúng tác động như là sự kích thích khiến tư tưởng (tức ý thức) vẩn vơ, cho phép tiềm thức – như trong lúc mơ màng – kiểm soát mọi chuyện. Ta có thể nói chắc rằng nhiều loại nhạc có khuynh hướng làm 'giải tỏa' tiềm thức, nhưng không cái nào cho ảnh hưởng bằng nhạc Beethoven, vì trong các nhạc sĩ chỉ riêng có ông biết cách diễn tả những bí mật của trí não bên trong, và khi diễn tả chúng ông khơi dậy vô số âm vang trong trí người nghe.
Trong những phần trên ta chỉ bàn về tính chất cảm xúc trong nhạc Beethoven, và không nói gì về óc khôi hài lạ lùng của ông, dù đặc tính ấy đóng một vai trò đầy ý nghĩa trong nhiều tác phẩm của Beethoven. Chuyện đáng nói là khi ông càng bị lãng tai nặng thì óc trào phúng lại càng tăng; khi ông ý thức là tật đáng ngại này có thể bất trị, ông đã soạn ra một số tấu khúc có tính buông thả nhất thật khôi hài trong các tác phẩm của mình.
Tuy nhiên óc hài hước của ông không giống như của Mendelssohn là bay nhẩy, sung sướng, nhẹ nhàng như tiên mà đó là óc trào phúng của ai tuyệt vọng, tràng cười oái ăm của người đã mất tất cả ! Hành âm chót của bản Hòa Tấu số Bẩy, hành âm chót của bản số Tám, và khúc Scherzo của bản số Chín, là tất cả những thí dụ của tính hài hước này, nhất là tấu khúc chót. Và nó không chỉ biểu lộ trong nhạc phẩm mà luôn cả trong đời ông; trong giai đoạn đặc biệt này của đời mình, Beethoven nẩy ra tánh ngông cuồng trái lẽ, thường khi làm phật lòng người khác như nhiều chuyện ghi lại, mà nó cũng thường khi gợi nên sự thông cảm, vì đó là sự vui cười của niềm tuyệt vọng.
Trước khi sứ mạng của ông được hoàn tất, số mạng đặt để là Beethoven  phải cảm nhận ngay cả điều này, để có thể mô tả nó trong nhạc của mình, và nhờ vậy làm cho người khác hiểu. Không một óc trào phúng thông thường nào có thể đạt được kết quả như vậy, vì óc khôi hài thông thường không làm thức tỉnh lòng thiện cảm, nó chỉ làm vang lên tràng cười; nhưng óc trào phúng khi não nề sẽ thấm thía hơn là sự đau khổ hiển hiện thấy ngay, và như thế có tính lôi cuốn mạnh mẽ hơn bội phần. Quả đúng là có người không cảm được ý nghĩa thực khi lắng nghe ba hành âm nói trên, nhưng tâm tình bên trong chịu ảnh hưởng và hiểu ra, và ấy là điều quan trọng.
Khi bức tượng đầu tiên của Beethoven được dựng nên, người đọc diễn văn trong dịp ấy nói:
– Ông không có người vợ, con trai con gái nào than khóc cạnh ngôi mộ của ông, nhưng có cả một thế giới khóc than ở đó.
Mà ngay cả khi ấy 'thế giới' cũng chưa hiểu ra trọn món nợ ân tình mà con người mắc nợ đối với ông, người mà họ cay đắng thương tiếc khi ấy. Họ cũng không thể hiểu được vì cần phải có một thế hệ sau đó mới gặt hái được hết thiên tài của Beethoven. Ai đưa tiễn ông đến ngôi mộ đã cảm được sự ngất ngây tràn đầy qua nhạc của ông, nhưng chưa nắm được kết quả chất ngất hơn của nó. Trên thực tế, cô gái điếm, trẻ bị bỏ rơi, người mắc bệnh nan y, người thật già lão, có lẽ những ai không hề nghe đến tên ông, là người chịu ơn ông hơn hết thẩy.

Mendelssohn

Có lẽ trên đời không có hai nhân vật nào đối chọi nhau hơn là Beethoven và Mendelssohn; mà lạ lùng thay hai người lại cùng làm việc cho một mục đích chung, dù không ý thức, là gieo lòng Thiện Cảm vào tâm hồn con người. Nhưng cách thức mỗi kẻ lại khác nhau như tánh khí của họ; nói ví von thì Beethoven là một mặt của bức tranh và Mendelssohn là mặt kia.
Đời ông khác xa Beethoven, không những từ ban đầu mà suốt cuộc đời về sau, vì ông được bao trùm trong bầu không khí thiện cảm ngay từ thuở ấu thơ. Gia cảnh của ông rất đối chọi với cảnh nhà của Beethoven, thay vì có cha nghiện rượu đem ưu phiền và khổ đau cho mọi người chung quanh, cha của Mendelssohn là người cương nghị, nhiều khả năng, và dù không phải là nghệ sĩ, lại có óc nhận xét tinh tế hơn người về nghệ thuật.
Mendelssohn có may mắn khác với mẹ của ông, bà nói thông thạo tiếng Ý, Anh và Pháp, có học hỏi nhiều về Hy Lạp, cộng thêm khả năng dạy con nghiêm nghị mà dịu dàng. Bà đàn khéo, hát hay, vẽ đẹp nhưng trên hết thẩy, sách ghi bà có lòng tử tế và hòa nhã vô hạn, có sự ân cần với người khác và chuyện của họ, nói ngắn gọn trong một chữ là có lòng thiện cảm. Tiểu sử của Mendelssohn ghi:
Tài năng của ông được phối hợp với văn hóa hết sức tế nhị, sự dịu dàng của con tim với hiểu biết sắc bén, sự dễ dàng vui vẻ trong bất cứ chuyện gì ông làm với năng lực mạnh mẽ cho công việc cao nhất. Tim ông tràn ngập tâm tình cao quý của lòng biết ơn với mỗi chuyện tốt đẹp gì đến cho ông. Tánh tình mộ đạo này, mộ đạo theo nghĩa tốt nhất, là cái bí quyết cho việc ông luôn sẵn sàng cho ra niềm vui và biểu lộ mạnh mẽ lòng thiện cảm.
Đúng vậy, sự hòa hợp những đặc tính trong con người của Mendelssohn được diễn dịch vào nhạc cho ra sự thu hút trực tiếp và tức khắc. Nét ngọt ngào êm ái trong rất nhiều bản nhạc của ông, cộng thêm với sự vui vẻ mà không hề cuồng nhiệt trong những đoạn linh hoạt hơn, đã ảnh hưởng nhân loại, mang lại cho con người vẻ đẹp của lòng thiện cảm.
Trước Mendelssohn không có âm nhạc nào liên tục nói lên sự dịu dàng tuyệt vời thế ấy; nhạc Beethoven có những phút hiếm hoi như vậy nhưng chỉ là thoảng qua, và ngắn ngủi thay nó bị cơn gió cuồng si dữ dội hơn thổi át đi, còn Mendelssohn tuôn sự dịu dàng trong khắp bản nhạc, ngay cả những lúc tưng bừng. Ông đã học quý chuộng nó ngay từ lúc mới sinh, chứng kiến nó trong gia đình và qua âm nhạc của mình Mendelssohn mang lòng thiện cảm vào gia đình của bao người khác. Sau khi nghe một trong những nhạc khúc của ông, người ta cảm thấy được vỗ về, xoa dịu, nên sau đó trở nên dịu dàng và có thiện cảm hơn với ai khác trong vòng thân cận của mình như vợ chồng, con cái, anh chị em. Ta không sao cưỡng lại được tình thương yêu êm ái như âm điệu trong bài 'O Rest in the Lord', hay âm điệu của hành âm thứ hai trong bản concerto cho vĩ cầm.
Mà không phải chỉ có thế, tâm hồn đau khổ chẳng những được an ủi mà còn được làm cho hân hoan do nét tưng bừng rộn rã như chuyện thần tiên. Nó không giống như nhạc Beethoven làm cảm xúc được khơi dậy mạnh mẽ, mà ở đây người được dìu vào sự an ổn, lặng lẽ hân hoan. Nhạc Mendelssohn tỏa ra hạnh phúc trầm tịnh, mà lòng khiêm tốn của ông sâu đến mức làm như ông không ý thức uy lực trong sáng tác của mình, dù rằng ông nhận biết lòng thiện cảm sâu đậm mà nhạc mô tả, vì khi viết cho một người bạn bị đau khổ, ông nói:
Không phải tôi cũng biết tự đáy lòng là làm sao vào những giây phút như thế này, tất cả nghệ thuật, thi ca và bao chuyện khác quí giá và thân thiết với chúng ta lại xem ra trống rỗng, không có chút an ủi nào, thật ít oi và đáng ghét, và tư tưởng duy nhất có ích cho ta là 'Ôi, lạy Trời xin giúp con !', hay sao ?
Cho dù ông cảm thấy như vậy đối với sự đau buồn của thân hữu, sứ mạng của ông không hề là mô tả những khổ não ấy trong nhạc như Beethoven làm; việc của ông là cung cấp điều chi Beethoven thiếu. Nghệ thuật vĩ đại của Beethoven là mô tả sự khốn cùng, kiệt quệ trong hết các nét đớn đau của nó; chuyện Mendelssohn làm là đạt tới cùng kết quả bằng cách mô tả người ta được hạnh phúc, vì như ta nói ông phô ra mặt trái của bức hình. Có nhiều người thấy sự vĩ đại bi thảm của Beethoven làm họ dội ngược, nó khích động tâm hồn gần như quá đáng, và có người phản đối khi bị khơi dậy bất tiện cho mình như thế, họ rụt lại khi bị buộc phải cảm biết vô số thảm kịch ở đời.  Với người loại này sự ngọt ngào vỗ về của Mendelssohn đặc biệt lôi cuốn họ, và tuy không ý thức, lòng thiện cảm được đánh thức trong tim khiến họ muốn người khác được hạnh phúc.
Như ta biết, có sự chọn lọc về tình cảm làm vài người chỉ muốn cảm biết những cảm xúc gì dễ chịu. Họ nói:
– Tôi không muốn nghe chuyện gì không vui, vậy đừng kể tôi nghe.
Những người này ích kỷ và thiếu thiện cảm. Rồi lại có người khác, tuy sợ cảnh đau khổ và tìm cách tránh nó, vẫn làm việc để cải thiện; họ ước sao ai nấy được hạnh phúc, vì họ thấy hạnh phúc là điều đáng ao ước, vì bản tánh của họ có sẵn lòng thiện cảm. Và Mendelssohn khêu gợi nên, củng cố chính cái ý thức về hạnh phúc là điều nên có, nhờ tính cách tưng bừng hoan ca trong nghệ thuật của ông.
Ta cũng có thể tìm ra tính sầu muộn trong vài sáng tác của Mendelssohn, nhưng khi xem kỹ hơn hẳn ta phải nhận ra nó không phải là lòng sầu não vì đau khổ, mà đúng hơn là nỗi man mác u hoài dễ chịu của thi sĩ, thỉnh thoảng để cho mình cảm thấy sầu lòng. Nơi Mendelssohn, mối sầu phần lớn được gợi nên để có sự tương phản cần thiết trong nghệ thuật. Bản tánh của ông không giống như Beethoven, là càng khốn khổ thì càng cảm thấy xáo động, và càng soạn nhạc nhiều hơn; với Mendelssohn sự căng thẳng vì lo lắng và mối đau lòng sẽ làm héo úa con người, khiến mất đi trọn sức lực. Tiếng tăm – là điều ông không hề muốn – cộng với sự bực dọc vì ganh tị nhỏ nhen, bắt đầu làm sức khỏe ông suy yếu, và cuối cùng đổ vỡ hẳn không cứu được khi người chị mà ông rất mực thương yêu qua đời.
Ông tạ thế năm 1847, nhưng trước đó một năm tài năng của ông làm như bắt đầu phai tàn. Là người có thiện cảm, yêu thích sự sáng và mỹ lệ, ông không có sự cứng cỏi chịu đựng, cũng không là triết gia tuy ngưỡng mộ văn hào Goethe. Điều gì ông cũng có ngoại trừ sự cương cường... Nhưng nếu không biết cam chịu nhiều thì hẳn ông sẽ ít cảm thông với sự đau khổ của người khác, và không bao giờ có thể pha sự ngọt ngào vào nhạc của mình, cho thấy nét mỹ lệ và sự êm ái của chính lòng thiện cảm. Và như vậy thế giới sẽ mất đi một người mà trên hết thẩy là thi sĩ bằng âm thanh về lòng từ, sự dịu dàng và tình hữu ái.
Tiếng tăm vang dội mà Mendelssohn có được trong đời mình, nhất là tại Anh, chỉ càng tăng thêm sau khi ông đã khuất. Việc ông làm trội thêm lòng thiện cảm được gợi nên trong nhạc của Beethoven, thấy rõ qua sự kiện càng ngày càng có nhiều hơn số những tổ chức từ thiện khoảng 20 năm sau khi ông mất. Trong khoảng năm 1879 và 1904, có ít nhất 58 viện được khánh thành chỉ ở London mà thôi. Thiện cảm cho người khiếm thị, khiếm thính, câm, cho những nguy hiểm và khó nhọc của việc sinh nở, cho con ngoại hôn, cho ai bị bệnh giang mai đã gia tăng vô kể.
Và không phải chỉ có phúc lợi của người thiếu thốn mới được kể tới mà luôn cả cho người thường. Ngoài sự kiện đáng kể là đạo luật chống bóc lột công nhân năm 1889 tại Anh, nhiều công viên, thư viện, sân chơi v.v. đã được lập ra đông đảo với mức kinh ngạc. Mendelssohn gieo hạt giống đầu tiên trong tim người, và nó bừng nở thành lý tưởng cao đẹp là 'phúc lạc cho tất cả'.

Theo:
The Secret Influences of Music Throughout the Ages - Cyril Scott.
Xin đọc thêm Beethoven, PST 44