1001 CHUYỆN #38

1001 Chuyện

 

Trở Về Mục 1001 Chuyện 

Mình nói gì được về cô Vi (COVID 19) ? Cô đi khắp thế giới không chừa nơi nào cả.
– Có thể nhìn hoạt động của cô theo nhiều cách, như là nạn dịch, hay về mặt sinh lực. Đầu tiên nói sơ qua các loại bệnh thì có nhận xét giản dị, là những loại bệnh khác nhau cho ảnh hưởng  khác nhau tùy mức phát triển của một người. Ai chưa tiến hóa lắm về tri thức thì bị những bệnh về thân xác nhiều hơn,  ai phát triển nhiều về tình cảm sẽ có những bệnh thuộc loại này, và bệnh về tâm trí gặp thường hơn nơi ai đã nẩy nở nhiều về trí tuệ.
Rồi có thể phân chia bệnh theo tính chất, như cô Vi, bệnh cúm chính yếu là bệnh của môi trường và bệnh của khối đông, còn ung thư  được xem là bệnh có nguồn gốc tình cảm. Tác động của bệnh cũng có liên quan đến giống dân, chẳng hạn các bệnh truyền nhiễm cho ảnh hưởng mạnh nhất ở giống dân nào xưa nhất hiện có trên trái đất, do đó lúc này người thuộc mẫu chủng thứ ba như người da đen chịu ảnh hưởng của các bệnh dịch nhiều hơn người của mẫu chủng khác. Vì vậy mà với cô Vi, người ta ghi nhận là người da đen ở Hoa Kỳ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn những sắc dân khác.
Một trong những nguyên do của bệnh là có sự tranh chấp, bất hòa ở nội tâm. Thí dụ trong những chặng đầu của đường Đạo, khi con người bắt đầu cố gắng sống đời tinh thần, nỗ lực này sinh ra tranh chấp giữa các khuynh hướng trong tâm, gây căng thẳng, bất an, bất hòa, dẫn tới xáo trộn cần thiết (gọi là ‘rác phải trồi lên mặt’ được nhận biết để có tinh luyện), và cho hệ quả bất lợi. Con người sẽ vượt qua những hệ quả này, nhưng trong giai đoạn điều chỉnh và thích ứng, sẽ có nhiều lo phiền về cả thể chất lẫn tâm thần, cùng những khó khăn lớn, nhỏ khác.
Người còn ít phát triển thì dường như không có dằng co trong tâm thức, họ ít bị những bệnh có tính tình cảm và trí não, mà cùng lúc dễ mắc bệnh truyền nhiễm, hay lây và bệnh dịch lan rộng nhiều nước, những vùng rộng lớn. Khi con người phát triển nhiều hơn thì bệnh bớt mang tính chất tổng quát mà có tính cá nhân hơn, bớt liên hệ với nhóm hay đám đông. Khi ấy bệnh sinh ra tự trong con người và tuy nó có thể liên quan tới bệnh của đám đông, thực ra nó có nguyên do riêng cho mỗi cá nhân.
Đi sâu thêm thì khi một ai tách ra khỏi khối đông nói chung, và bước trên đường dự bị dẫn tới việc làm đệ tử, bệnh về thể chất và sự bất hòa giữa các khuynh hướng trong con người của họ, tình cảm lẫn tâm tri, sinh ra vấn đề của tâm thức mà họ phải tự giải quyết bằng cách chủ ý tạo những thể tốt lành.
– Là làm sao ?
– Nói giản dị thì đó là sự tinh lọc, trau luyện, thay thế các khuynh hướng bất lợi trong con người mình bằng những khuynh hướng thuận lợi hơn. Ở điểm này, hiểu biết về luật tái sinh cho giá trị tuyệt vời. Người ta bắt đầu tạo những điều kiện, những thể để sang một kiếp sau thích hợp hơn cho linh hồn, cho việc làm mà linh hồn đòi hỏi. Người như vậy không hề định tâm bất cứ lúc nào vào thể xác, hay có nhấn mạnh nào về mặt thể chất trong việc loại trừ bệnh và sự bất hòa.
Cưng nên biết thêm là quan điểm tinh thần về bệnh có vài chỗ khác xa với quan điểm thông thường của khoa học, thế gian. Chúng ta nói về diệt trừ hoàn toàn bệnh này hay kia, như sốt rét, đậu mùa v.v. nhờ thuốc được phát minh, nhờ chích ngừa. Dầu vậy, các biện pháp này nhìn từ bên trong chỉ được xem là có tính cải thiện mà thôi, và chỉ sơ sài bề mặt về cả không gian và thời gian.
– À, em hiểu rồi, giống như các khám phá ‘breakthrough’ phấn khởi nói đã tìm ra di truyền tử gây bệnh và chủ trương cắt, ghép DNA để ngăn ngừa, không cho bệnh phát ra. Thực ra mầm bệnh vẫn còn đó, chỉ bị ức chết tạm thời mà không phải là được hóa giải tiêu tán đi, đúng không ?
– Các bệnh sẽ dần dần biến dạng khi nhân loại chuyển tâm thức lên cõi trí, trụ vào tâm trí và không còn bị ham muốn tình cảm hay tình dục biểu lộ qua thân xác.
Nơi người đã ý thức, họ bắt đầu với hiểu biết tinh thần đã học được và khởi sự với nguyên nhân đã gây ra hệ quả nơi cõi trần, mà không phải là chú tâm vào hệ quả ấy biểu lộ qua thân xác như là bệnh. Cách đối phó như vậy với bệnh là diễn trình chậm hơn, mà bền vững. Còn phương pháp tự kỷ ám thị auto-suggestion hay mind over matter chỉ mang lại kết quả tạm thời, và dựa trên việc ức chế bằng tư tưởng và …
– Khoan, ức chế bằng tư tưởng là sao ?
– Là áp dụng tư tưởng đúng luật. Luật nói rằng năng lực theo sau tư tưởng; nghĩ tới điều gì là thêm năng lực cho điều ấy, làm nó mạnh hơn. Do đó khoa tâm lý dạy con người nên giữ thái độ tích cực, luôn tâm tâm niệm niệm rằng ‘Tôi mạnh, tôi vui’ để đối phó với bệnh. Tuy vậy nó cũng là sự ức chế, đè nén có tính khoa học và phủ nhận các yếu tố khác có liên quan như nhân quả. Cách ấy không dựa trên sự thực, mà trong một kiếp sau điều bị ức chế sẽ nổi lên trở lại với cường độ mạnh hơn nữa, và sẽ tiếp tục hoài như thế, cho tới khi con người hoàn toàn không màng tới nó và trọng tâm cuộc đời nhắm vào việc tiếp xúc với linh hồn và phụng sự.
– Em không hiểu.
– Vậy để nói cách khác. Cưng là Mít, từ đầu đến chân; cưng biết mình là vậy và do đó không cần lẩm nhẩm luôn trong đầu rằng ‘Tôi là Mít’. Cũng y thế, khi cố gắng sống theo tinh thần, con người biết trên lý thuyết mình là linh hồn và nỗ lực xử sự như là linh hồn. Để làm vậy, cưng tập cảm biết mình là tình thương, là sự bình an, tức nâng cao tư tưởng, trụ vào cõi cao.
Sự cảm biết trong tâm khác hẳn với việc lập đi lập lại nói ở trên; cách sau đúng khi kêu gọi con người thay đổi thái độ tình cảm của mình, và phản ứng với những sự việc đến với mình trong đời theo một đường lối khác: tích cực, chủ động, hăng hái. Nhưng họ không đúng khi nghĩ vậy là đủ, không kể gì tới thể sinh lực, không có gì nối kết tình cảm và thân xác. Như thế có một khoảng trống trong cách suy luận và hệ quả là có kỹ thuật sai lầm.
Lại nữa, khi có cảm biết tinh thần thì tự động cảm biết này sẽ lan ra trong các thể, không cần cưng phải để tâm tới chuyện đó.
– Tức là không có ức chế mà thay vào đó là thay thế, tâm trí trụ vào tinh thần thay thế cho sự chú ý đến thể xác ?
– Cách này cũng là sự xác nhận một nguyên tắc khi đi theo con đường tinh thần, là cưng xử sự từ trên cao xuống, giải quyết hay đối phó vấn đề bằng cách vượt lên trên, nhìn sự việc ở mức cao hơn. Một việc chỉ được giải quyết thỏa đáng, trọn vẹn từ trên cao xuống thay vì ở ngay cõi của nó.
Áp dụng điều này vào chuyện bệnh tật, nó có nghĩa mình cần để ý tới điều vô hình là sinh lực so với đau ốm hữu hình. Bây giờ nhiều cách dinh dưỡng và sách dạy nấu ăn tràn lan cho thấy con người đã có ý thức phần nào về vai trò của sinh lực. Khi người ta có sinh lực tràn đầy, mạnh mẽ, nó lan khắp các thể làm cho thể xác tự động có sức kháng bệnh cao độ ngay cả với bệnh di truyền.
Bệnh dịch như cô Vi có vài điểm khác với lẽ thường. Nói tổng quát, con người qua đời, chấm dứt một kiếp khi ngày giờ trở về đến. Thời điểm này do linh hồn ấn định, nhưng trong trường hợp chiến tranh, tai nạn, tự tử và bệnh dịch thì không phải vậy, mà có những yếu tố khác chi phối.
– Thí dụ như các điều gì ?
– Cho chiến tranh thì có thể kể là nhân quả nhóm. Trong cuộc chiến vì chính nghĩa như miền Nam VN, đông đảo người bị lôi cuốn vào trận có thể được xem như là đáp ứng của nhóm cho nghĩa vụ của nhóm - group response to group duty. Với tự tử thì phần nào do vô minh mà phàm nhân lấn lướt ý của linh hồn. Riêng về bệnh dịch ta có một yếu tố khác ngoài linh hồn là sự sống của địa cầu, chủ về mặt hình thể.
Mọi việc trong thiên nhiên diễn ra theo chu kỳ. Hình hài sắc tướng được tạo ra thì cũng có lúc tan rã, cát bụi trở về cát bụi. Tới một lúc nào đó, sự sống của địa cầu nói với sự sống bên trong hạt nguyên tử của bao hình tướng rằng ngày giờ tái hấp thu đã tới, hãy trở về lòng đất mẹ.
Khả năng hấp thu của trái đất rất lớn, thấy qua những trận dịch trong lịch sử. Trong những trường hợp như vậy, tự do ý chí của con người phải để qua bên, và con người tuân theo một động lực bên ngoài lớn hơn họ, kêu gọi họ trở về theo nhóm, và họ đi theo nhóm thay vì theo ý riêng của mình. Bệnh dịch và chiến tranh có một yếu tố chung là chịu ảnh hưởng của thể sinh lực của địa cầu. Khi đó là bệnh của riêng một người thì nó có thể được truy ngược về thể sinh lực của đương sự, và thấy là do tình trạng của thể có sự phát triển không cân xứng giữa các huyệt đạo; có huyệt phát triển nhiều và linh hoạt, rồi có huyệt khác phát triển ít và kém linh hoạt.
Đi vào chi tiết thì vấn đề phức tạp hơn, thể sinh lực là tụ điểm cho mọi năng lực bên trong cơ thể, tức ngoài sinh lực hay prana đến từ mặt trời, ta còn có lực đến từ thể tình cảm, thể trí, và linh hồn. Có nghĩa năng lực qua thể đi vào thân xác không phải chỉ thuần là sinh lực prana mà còn gồm nhiều lực khác, cho biết tình trạng karma của họ. Khi sinh lực suy giảm, sức kháng bệnh giảm xuống, người ta có sức khỏe kém và dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm, hay lây mà bệnh cúm là một bệnh chính; nó cũng là nguyên do của bệnh dịch.
– Chân Sư thì sao, ngài có bị bệnh không ?
– Các ngài hoàn toàn không mắc bệnh vì đã trang trải và không còn nhân quả trong ba cõi và được giải thoát.
– Nói về lực thì mình có thể dùng nó để giải thích về đồng tính luyến ái không ?
– Phải lắm, nên bàn về chuyện ấy theo cái nhìn của huyền bí học, vì huyền bí học làm việc với lực và cho giải thích lý thú. Nó nói rằng đồng tính luyến ái ái không đúng không phải vì mặt đạo đức, mà vì sinh hoạt ấy trái với cách lực vận hành do đó không được khuyến khích. Để hiểu thì trước tiên cần nói đến các nguyên lý về lực.
● Thứ nhất, trong thiên nhiên lực đi theo vòng kín để luân lưu. Về điềm này lực giống như điện, điện phải đi theo vòng kín thì mới có tác dụng, bằng không điện không làm được việc gì.
● Thứ hai, lực phải được sử dụng có hiệu quả, sử dụng không đúng cách hay lạm dụng lực luôn luôn mang lại hệ quả sớm hay muộn.
Để hiểu về vòng kín hay đường đi của lực, cưng thử nhìn ống nước. Ống có hai đầu tạm gọi là A và B và có dạng khác nhau, khi nối các ống để làm thành đường dẫn nước, đầu A của ống 1 sẽ ráp vào đầu B của ống 2, và đầu A của ống 2 tới phiên nó sẽ ráp với đầu B của ống 3, cứ như thế thành đường ống dài cho nước đi qua. Hai đầu cùng tên, thí dụ hai đầu A sẽ không ráp được với nhau, và hai đầu B cũng vậy. Nước trong đường ống chảy tới đầu B ống 1 mà gặp đầu B của ống 2 thì không có đường ống cho nó chảy tiếp, và nước sẽ tràn ra ngoài đầu B ống 1, bị thất thoát, không đi tới đích nó được ấn định và do vậy uống phí.
Nơi con người, thay vì đầu A và đầu B thì mình có lực của người nam là lực dương và lực người nữ là lực âm. Tính dục là lực thiêng liêng và cần được sử dụng đúng tính cách của nó, khi hai lực khác phái gặp nhau, chúng hợp thành vòng kín và đi theo cách thiên nhiên đã định, làm công chuyện mà lực phải làm. Khi hai lực cùng phái gặp nhau thì giống như hai đầu cùng tên của hai ống nước đặt chung lại sẽ không ráp thành đường ống, lực không có vòng kín để theo và cho tác dụng, thay vào đó nó tuôn ra ngoài và thất thoát. Theo cái nhìn về huyền bí học, đó là sự phí phạm lực và như mọi hành động khác ấy là chuyện không nên.
– Các phương pháp ngừa thai thì sao, lực bị phí phạm trong những trường hợp đó thì có hệ quả gì ?
– Trong mọi việc, đích nhắm cao được đặt ra cho mình hướng tới, ở mức độ hiện thời ít người có thể sử dụng lực đúng cách nhưng ít ra cưng nên biết tới mục đích. Trên thực tế, để lực phí phạm theo cách tự nhiên thì tốt hơn là gây hư hại như phá thai. Nhìn theo cách ấy thì những phương pháp ngừa thai đỡ xấu hơn việc phá thai.
– Có nghĩa là cả hai đều tệ, chỉ có điều cách này tệ hơn cách kia, và mình chọn cách tệ ít hơn, phải không ?
– Sẵn đây, tính dục liên quan chặt chẽ với hôn nhân thì mình cũng bàn qua hôn nhân một chút theo huyền bí học.
– Hay, em có thắc mắc về hôn nhân, giáo hội Công giáo La Mã chủ trương hôn nhân có tính ràng buộc hai đương sự trọn đời thì mình nên hiểu như thế nào ?
– Con người có bẩy thể, mỗi thể có phát triển riêng và thường khi không đồng đều. Thí dụ hay thấy là có những người trí tuệ nẩy nở mạnh mà tình cảm chưa trưởng thành, hay ngược lại có người tình cảm dồi dào, sâu sắc nhiều lần hơn trí não.  Cuộc hôn nhân lý tưởng có được khi hai người có mức phát triển của các thể tương đương với nhau để hòa hợp; khi không được vậy mà hai đương sự có những thể ở mức nẩy nở khác nhau, thì khi sự lôi cuốn, hấp dẫn ban đầu về thể chất phai lạt dần, đôi bên không còn gì để tương hợp. Đòi hỏi rằng hai người như thế phải ràng buộc vào nhau suốt đời là không thực tế.
– Nếu đòi hỏi như vậy không đúng thì dựa vào đâu mà có tín điều đó ?
– Tín điều ấy được đưa ra vì quả thực có sự hòa hợp tinh thần trọn vẹn nơi người tiến hóa cao. Khi chuyện như thế xẩy ra thì không có gì phá vỡ được sự hòa hợp thiêng liêng đó, tính dục đã thăng hoa và không có nghĩa như ta hiểu ở cõi trần. Cưng phân biệt giữa hai chuyện, chuyện vừa kể là kết quả của cuộc tiến hóa sau bao kiếp liên hệ đến chân nhân, còn hôn nhân lứa đôi ở đời thường là sự phối hợp giữa hai phàm nhân trong một kiếp.
– Thành ra cho rằng hôn nhân có tính ràng buộc đôi bên mãi mãi là sự lầm lộn giữa hai chuyện.
– Đúng vậy, một bên là trường hợp lý tưởng, một bên là người phàm còn yếu đuối chưa toàn thiện.
– Mà tính dục được thăng hoa nơi cõi cao nghĩa là gì ?
– Lực của sự sống là một trong các cõi, và có tính thiêng liêng ở cõi cao cũng như cõi thấp. Trong mọi trường hợp và ở bất cứ cõi nào, điều quan trọng là chủ ý của con người để hướng dẫn lực tạo tác, tức việc làm chủ tư tưởng. Ở cõi trần chủ ý đó hướng vào thể chất và lực được dùng để tạo hình, nơi cõi trí, lực khiến  văn sĩ, triết gia sinh ra tư tưởng làm gợi hứng nơi người khác, gieo mầm trong trí não họ và rồi mầm ấy nẩy nở …
– Em hiểu rồi, đó cũng là sáng tạo nhưng không phải tạo hình hài mà là tạo ý.
– Lực đi tới bất cứ đâu mà tư tưởng hướng đến.  Thăng hoa là khi tư tưởng hướng dẫn lực vào những việc có tính sáng tạo ở cõi cao, là tình trạng mà thế gian gọi lầm là ‘diệt dục’, vì không có gì để diệt mà chỉ là dùng lực vào chuyện khác với việc tạo hình hài ở cõi trần.
Sự chuyển hướng sinh hoạt ấy không hề muốn nói sinh hoạt tình dục ở cõi trần là xấu, hay nên tránh, mà chỉ giản dị là con người nay hiểu biết nhiều hơn, và họ dùng lực cho các mục đích khác. Điểm chính của huyền bí học đối với lực sáng tạo là sự tập trung năng lực, sử dụng nó đúng cách, mà không phải là tránh điều xấu. Không có gì mà Thượng đế tạo ra là xấu, nó đúng vào đúng chỗ và đúng lúc, vào một giai đoạn phát triển nào đó của người. Khi hướng sinh lực cho việc cần làm ở những cõi cao thì người ta có thể không có sinh hoạt tình dục, nói khác đi họ không dùng lực sáng tạo cho sinh hoạt tình dục không phải vì ấy là điều xấu, mà vì làm thế là phí phạm lực.
Ý kế tiếp là không có ngắt quãng, chỗ hở trong cuộc tiến hóa, mà sự việc diễn ra nối tiếp theo trật tự trước sau. Một người phải thành nhân, trở nên là người cao quí, trọn vẹn trước khi họ có thể thành bậc thánh nhân. Họ không thể phát triển khập khiễng như hết sức đức hạnh mà cũng rất sợ hãi tránh né người khác phái, và lại mong muốn thành siêu nhân. Diễn biến là phải có sự nẩy nở đầy đủ mọi mặt của nhân tính, và phát triển hoàn toàn mọi khả năng của người.
Nói rộng ra thì tính dục hay âm dương, tính sáng tạo hiện hữu khắp nơi, chỉ có điều nó khoác những hình thức khác nhau tùy theo tính chất mỗi cõi. Cõi trí thì đó là ý tưởng, cõi trần là hình hài sắc tướng. Khi cưng đọc sách, cái trí của tác giả kích thích, gieo ý tưởng vào trí cưng, đó là sự đáp ứng âm dương (gieo mầm có tiếp nhận) và lực đi theo vòng kín, không khác chi như chuyện xẩy ra nơi cõi trần. Ở cõi thế, mình có sự hòa hợp thân xác; nơi cõi trí là hòa đồng tâm hồn, và nơi cõi tinh thần là tan biến vào Sự Sống, Đại Ngã.
À, áp dụng lực vào hôn nhân thì có những lứa đôi thể hiện ý ‘Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’, rồi cũng có trường hợp hai người tính tình khác biệt lại hợp lại với nhau, lý thú lắm.
– Sao tréo ngoe vậy, và giải thích thế nào ?
– Bởi con người có nhiều thể cần phát triển, hiện tượng hai người có tính chất tương tự thu hút và kết hợp với nhau là để đôi bên bổ sung cho nhau, làm đặc tính mỗi người phong phú hơn. Với trường hợp hai người đối nghịch mà tiến đến với nhau, ấy là để người này bổ túc cho người kia, giúp đặc tính của nhau được phát triển.
Còn một điểm khác trong hôn nhân cũng rất đáng nói, ở đây mình chỉ nhắc lại vì đã có ghi trong các bài khác trên báo rồi, ấy là sự thủy chung trong tâm trí thì quan trọng hơn là trung trinh về thể chất. Bởi thể chất sau một kiếp là tan rã mất đi, còn ý tưởng sinh ra liên hệ đến nhau sẽ kéo dài nhiều kiếp. Chuyện muốn nói tới ý, tư tưởng, tình thương là điều quan trọng, sau khi sức thu hút về xác thân không còn là yếu tố chính nữa.
– Thế giới hiện giờ đang có nhiều xáo trộn, từ thay đổi khí hậu đến kinh tế chậm lại do đại dịch, mình nên đáp ứng ra sao ?
– Mình dừng lại !
– Là sao ?! Như đang đi thì dừng lại ư ?
– Chính thị. Cô Vi gây đại dịch liên quan đến mọi người, mọi nước trên thế giới, ai cũng bị ảnh hưởng mặt này hay kia, nên có ý kiến nói đây là khuyến cáo của sự sống, của thiên nhiên muốn cho hay cách hoạt động, lối sống từ trước đến nay của con người cần sửa đổi, không thể tiếp tục như thế được. Đa số người hiện thời có ý muốn sự sống trở lại như trước khi cô Vi tới, nhưng đó dường như không là phản ứng đúng đối với tình hình hiện giờ.
Thay vào đó, có lẽ mình cần dừng lại, suy gẫm, xem xét coi chuyện đang xẩy ra có ý nghĩa gì, cho bài học nào, và mình nên đáp lại ra sao. Thông thường, khi một việc biểu lộ nơi cõi trần là nó đã hiện hữu lâu trước đó ở cõi thanh, biến cố ở cõi hữu hình là chặng sau chót của diễn tiến qua nhiều chặng. Nó có nghĩa nguyên nhân đã có từ lâu, và thông điệp của biến cố là cần có thay đổi, và thay đổi điều chi thì ấy là sự vấn lòng cho mỗi người, cũng như làm sao thay đổi thì tự mỗi người phải tìm, thí dụ như phương pháp của Andrew Harvey đưa ra trong bài phỏng vấn trên báo kỳ này.
– Ông làm gì ?
– Ông bảo mình có khuynh hướng thần bí nên theo lời dạy của các nhà thần bí qua bao thời đại, mà nhiều người đã làm và có kết quả, là niệm tên Thượng đế (với Phật tử sẽ là niệm hồng danh chư Phật).
– Chỉ vậy thôi à ? Có viễn vông quá không ? Niệm danh thì giúp được gì cho các vấn đề cấp bách, sinh tử cho thế giới cần có hành động cụ thể ngay ?
– Mới nghe qua thì thấy vậy, mà cưng nghĩ lại đi. Ý chính là để tâm trí trụ ở cõi cao, và có sự an nhiên, yên tĩnh. Khi trí não phẳng lặng, tâm thần bình an, nhịp rung động mới hòa được với thiêng liêng, và trong sự tĩnh lặng đó người ta có thể nhận được gợi hứng cõi cao để giải quyết vấn đề cõi thấp. Nhà thần bí ‘an trú’ trong việc niệm danh, ‘dừng lại’ nhìn vấn đề sáng suốt hơn, và đó là cách rất thực tế. Khi ta tập có thói quen thường xuyên sinh ra cảm tưởng yên bình, thương yêu và hòa hợp, những cảm xúc ấy thành bản tình tự nhiên, đi tới việc làm chủ phản ứng của ta với thế giới, và với những ai chung quanh.
Có câu nói ‘Không gì thực tế bằng một lý thuyết hay - Nothing as practical as a good theory’ nghe hữu lý. Hiểu đúng ý Andrew Harvey thì ‘Niệm danh’  là một lý thuyết hay theo nghĩa đó.  Mỗi ngày, khi dành thì giờ để tĩnh tâm, suy gẫm là mình ‘dừng lại’ tìm giải đáp cho vấn đề.
– Chà, khó à nghe, cu Huy một tuổi chạy lăng quăng suốt ngày, bà nội chạy theo mệt nghỉ ! Cảnh giống như vầy.
Bà nội mao như tuyết
Tứ túc cương như thiết
Cu Huy kỵ bà nội
Bà nội tẩu như phi !
Phải đợi khi nào cu cậu lăn ra ngủ thì em mới ‘dừng lại’ được mà thôi !

Tin Tin