1001 CHUYỆN #37

1001 Chuyện  

Trở Về Mục 1001 Chuyện 

– Công việc chính của hội là truyền bá MTTL, vậy đối với những việc làm từ thiện thì mình nghĩ sao ?
– Quả đúng là có nhiểu sự khổ trên thế giới và những cơ quan từ thiện đã cho trợ giúp lớn lao; nhưng công việc hội không phải vậy mà chuyên về tinh thần. Khi chống lại điều ác dưới bất cứ hình thức nào, cưng nên luôn nhớ rằng có quan tâm trước tiên với nguyên nhân của điều ác mà mình muốn loại trừ, và rồi thứ yếu mới đến những hệ quả sinh ra từ các nguyên nhân tiên khởi. Ấy là đường lối tinh thần đối phó với điều ác dưới mọi hình thức; có nghĩa truy nguyên điều ác tới cội nguồn của nó và chặn đứng ở đó.
Đây là cách hữu hiệu nhất để đối phó với điều ác; vì khi loại bỏ được nguyên nhân là người ta gạt trừ được vĩnh viễn mọi biểu lộ của nó mà chỉ dùng năng lực ít nhất tính ra về lâu về dài. Bằng ngược lại, nếu ta chỉ giải quyết hệ quả và không để ý tới phần nguyên nhân nằm bên dưới sự kiện, ta sẽ không bao giờ thành công trong việc chế ngự nó; cho dù ta có thể tạm thời diệt trừ được biểu lộ bên ngoài của nó.
Cho đến khi nào, và trừ phi, nguyên nhân được loại bỏ, điều ác dưới hình thức này bị đè nén  sẽ chẳng lâu thì mau tìm cách thể hiện qua hình thức khác mà không chừng tệ hơn. Ấy là lý do tất cả những vị huấn sư tinh thần cao cả luôn luôn đi tới nguồn của điều ác. Khi đối đầu với các khổ nàn, đau thương của nhân loại, các ngài không đưa ra chỉ là thuốc giảm đau sơ sài, mà vạch cho thấy con đường để khi theo đó, ta loại trừ được nguyên nhân của tai ương khổ sở, tới vĩnh viễn giác ngộ vượt khỏi mọi phiền não của trần gian.
Người ta không ý thức đủ trong hội là hội viên phải quan tâm chính yếu với nguyên nhân khi đối phó với điều ác đủ loại. Rõ ràng hội TTH là một tổ chức có căn bản tinh thần, thế nên phải theo đường lối tinh thần tới hết mức có thể được, trong việc giải quyết những vấn đề gay go và phức tạp mà ta thấy khắp nơi trên thế giới. Hội viên nên luôn luôn tìm cách đi sâu vào các vấn đề này và khám phá nguyên nhân của điều ác mà họ muốn loại bỏ. Hội không phải là tổ chức nhân ái theo nghĩa thông thường của chữ, tuy hội hiện hữu chỉ để thăng tiến phúc lợi cho con người.
Lấy thí dụ, công chuyện của hội không phải là mở bệnh viện, cô nhi viện, lớp đêm và những cơ sở từ thiện tương tự khác. Chắc chắn đây là những việc làm cần thiết phải làm, và hội viên với tư cách cá nhân và trong phạm vi cá nhân nên tham gia, góp phần tích cực trong mọi sinh hoạt nhân ái, không phải vì là hội viên hội Theosophy mà vì là con người, để làm giảm bớt khổ đau và cải thiện đời sống người khác, bằng bất cứ cách nào có thể được. Nhưng vai trò của hội không phải là tổ chức sinh hoạt thuộc loại như vầy, những hoạt động liên quan chính yếu với hệ quả từ sự vô minh và hành vi sai lầm của chúng ta.
Ta cần nhận thức điều ấy rõ ràng, nếu muốn sắp đặt việc làm của ta cho có hiệu quả và nhất quán, và không bị lạc hướng theo mọi hoạt động khác tuy tốt lành và cần thiết, nhưng làm san sẻ bớt đi mức chú tâm và năng lực của ta lẽ ra phải dành cho công việc chính của hội.
– Tức là không nên mở tiệm cơm chay ?
– Cưng làm gì cũng được với tư cách cá nhân, còn thì không nên như là hội viên. Bởi nghĩ thử coi, Phật giáo sẽ giảng về Phật giáo, Thiên Chúa giáo sẽ dạy về Thiên Chúa giáo …
– Green sẽ cổ động cho Green; Vegan khuyến khích mọi người thành vegan !
– Chính thế, đâu có ai khác quảng bá MTTL ngoại trừ hội Theosophy. Nếu mình không làm thì có ai làm việc đó thế cho mình không ? Không. Vậy thì mọi nỗ lực nên dành cho việc trình bầy Theosophy mà thôi. Chuyện khác để tổ chức khác, người khác làm.
Óc phân biện cần thiết ở đây. Các phong trào tâm linh đến rồi đi, còn MTTL bất biến. Từ năm 1975 có khuynh hướng tìm hiểu về kinh nghiệm cận tử near death experience. Bao nhiêu là sách vở ra đời bàn về điều ấy, rồi gần đây nghiên cứu nổi bật hơn là đi tìm về kiếp trước. Bà con muốn được tâm lý gia dẫn dụ về những kiếp trước của mình xem diễn tiến việc đầu thai ra sao, thấy linh hồn ra trước một ‘hội đồng’ để lựa chọn hoàn cảnh, cha mẹ, bạn đời cho kiếp tới…
– Được đó Bo, dịch rồi cho lên PST đi, em bảo đảm ai cũng thích đọc chuyện như thế !
– Nhưng nó không phải là việc của mình.
– Vậy mình làm chuyện chi, và tại sao ?
– Những chuyện như vậy quả là thích thú, tuy nhiên công việc hàng đầu, số một của mình là trình bầy con đường tiến hóa, dẫn tới việc thoát khỏi luân hồi sinh tử. Nhìn kỹ thì kinh nghiệm cận tử và những khuynh hướng tương tự là hiện tượng, còn công việc mình nhắm tới là tâm thức. Trọn câu chuyện tiến hóa là sự mở mang, phát triển tâm thức. Thiền là gì ? Là cố gắng đạt tới một tâm thức và duy trì nó trong ngày sau buổi thiền, càng thường càng tốt, tâm càng ngày càng mở rộng. Phát triển tâm thức làm người ta được giải thoát, còn hiện tượng chỉ làm con người tiếp tục quay cuồng trong vòng luân hồi và chậm bước.
Bởi vậy cần biết rõ chi bộ và hội viên phải làm chuyện chi, và chuyện gì khác không phải của mình. Một chi bộ TTH có vai trò là quảng bá tư tưởng MTTL và ảnh hưởng loại cao hơn. Mọi công việc của nó nên được làm theo quan điểm đó.
● Thứ nhất hội viên tụ lại học tập với nhau, thu thập hiểu biết và ảnh hưởng.
● Thứ hai hội viên nỗ lực truyền bá các điều này trong vùng của mình.
– Ảnh hưởng là cái gì ?
– Ạ, đó là những gì cưng cảm nhận được khi học, khi thực hành các hiểu biết. Đó là phần thiêng liêng, là khía cạnh tinh thần đi kèm với tính trí tuệ của hiểu biết.
Thường thường với đa số chi bộ chỉ có việc đầu được làm; còn việc thứ hai hoàn toàn không có. Chi bộ như vậy sinh hoạt cô lập, tách rời hẳn với mọi người xung quanh; nhưng ta nên biết các ảnh hưởng tinh thần từ cõi cao chỉ tuôn xuống khi chúng được truyền sang người khác. Khi không được vậy, ta có tình trạng ứ đọng sức sống, dẫn tới việc lực đi xuống giảm bớt từ từ, rồi cuối cùng ảnh hưởng dứt hẳn. Đó là cảnh nhiều chi bộ phần nào ngủ quên.
– Làm sao chi bộ làm công việc thứ hai ?
– Nó có hai phần, một là trình bầy MTTL cho công chúng, và hai là tinh thần hóa khung cảnh bằng cách sống theo các chỉ dạy của TTH theo khả năng của mình.
Có nguy hiểm rõ ràng là một hội như hội TTH có thể để cho mình đi sai đường, và chỉ đóng vai trò nhỏ hơn là nó được ấn định lúc khởi đầu, chọn cho mình việc làm thấp hơn khi đi theo con đường dễ hơn, thoải mái hơn và cho kết quả ngoạn mục (như làm từ thiện) so với kết quả thầm lặng trong nội tâm. Cách duy nhất để tránh nguy cơ bị lạc lối là giữ mục tiêu và vai trò của hội rõ ràng, nhất định, trước mắt ta, và can đảm, tin tưởng thực hiện chúng.
– Nói tới con đường tiến hóa là nói tới những cuộc chứng đạo, mình nên hiểu chúng ra sao ?
– Một cách là nghe chính ai đã trải qua thuật lại. Có nhóm thân hữu trò chuyện với nhau bàn về chứng đạo (initiation) và một nhân vật đột nhiên hỏi mọi người.
– Bạn có biết chứng đạo là gì không ? Bạn cũng chưa biết lần chứng đạo thứ nhất là sao. Rồi ông nghiêm chỉnh nói tiếp. Như vầy, người đệ tử đi tới gần vị thầy ngồi ở cuối hang, giống như phải đi qua một đường hầm dài. Có tiếng nói khe khắt vang vọng từ bên trong:
– Con muốn gì ? Con không xứng đáng cho điều gì cả. Đi ra.
Nếu người đệ tử hăng hái và kiên tâm, sau một khoảng thời gian họ sẽ quay lại, nhưng vẫn giọng nói ấy vang lên, thốt ra cùng lời như cũ. Cho dù có lời xua đuổi như vậy, người đệ tử vẫn trở lại nhiều lần nữa trong một lúc lâu. Tới ngày kia, họ kinh ngạc thấy ở cửa hang có một tượng tạc hình của mình; có lẽ đôi mắt hơi tàn ác, cằm nhô ra kiêu căng và đường nét gương mặt lộ vẻ tham lam, keo kiệt.
Dù hình có biến dạng ở đây hay kia, họ nhận ra đó là hình của mình. Họ đứng nhìn kỹ với cảm giác không thoải mái, chột dạ; tiếng nói bên trong vang ra từ cuối đường hầm:
– Hãy xem kỹ con ra sao, quay về đi mà trau luyện.
Người đệ tử rút lui, suy gẫm, có thay đổi rồi cứ trở lại hoài. Khi họ cải sửa, đầm tính lại và mềm dịu hơn, không còn điều thương, ghét và dây luyến ái ràng buộc, hình tượng cũng dần dần có thay đổi. Giờ không còn lời đáp từ bên trong hang nữa, mà mọi sự trao đổi chỉ xẩy ra với hình tượng đặt ngồi bên ngoài đường hầm. Chuyện cứ thế diễn ra cho tới khi người đệ tử bỏ rơi gần hết những gì là cái tôi.
Tới ngày kia tiếng nói cất lên gọi tên họ. Giọng nói đầy tình thương mến và vị thầy bảo.
– Hãy vào đây.
Và chào đón họ. Ấy là lần chứng đạo thứ nhất.
Cả nhóm lặng thinh nghe với ý nể phục. Trọn bầu không khí thay đổi hẳn. Không nghi ngờ gì đây là hiểu biết trực tiếp của chính người trong cuộc, người đã trải qua chặng đường này. Mọi người yên lặng một lúc lâu rồi có ai đó hỏi.
– Vậy những gì sách vở nói là đúng ư ?
Nhân vật trả lời.
– Nhưng họ biến nó thành chuyện cụ thể quá.
– Nhân vật đó là ai vậy ?
– Krishnamurti.
– Ngộ nghe, vì ý niệm chứng đạo là do hội Theosophy đưa ra, mà quan niệm chung tin rằng Krishnamurti bác bỏ hội và các ý niệm của hội.
– Vậy thì cưng nên xét lại ý đó.
– Không đúng ư ?
– Ai nói vậy là chưa tìm hiểu kỹ lời ông, hay là hiểu sai ý ông. Ít nhất trong những cuộc chuyện trò với thân hữu Krishnamurti đề cập rất rõ và rất nhiều lần các ý niệm MTTL mà hội đề ra. Ông chỉ vạch ra quan niệm sai lầm trong hội ngày xưa - khi do lòng sùng tín quá đáng người ta hạ thấp các ý niệm thiêng liêng; đáng lẽ nâng tâm hồn lên cõi cao để hiểu ý trừu tượng mình lại kéo nó xuống cõi trần, làm nó thành cụ thể, phàm tục - mà không hề bác bỏ những nguyên lý căn bản của TTH.
Người không hiểu biết các ý niệm này chỉ nghe Krishnamurti ngỏ ý rồi nhắc lại lời ông, nhưng có sự khác biệt ở đây. Ông biết mình nói gì; còn người sau thường là phê bình điều mà họ không biết hay không rành. Thế nên ai có hiểu biết về TTH được lợi thế là sẽ nhiều phần nắm đúng ý bài nói chuyện của ông.
– Cho thí dụ đi, mình dùng hiểu biết TTH để hiểu gì về hoạt động của Krishnamurti ?
– Tùy trường hợp mà nói. Muốn thí dụ thì đây. Scott Forbes (xin xem bài Đọc Sách số này) thuật rằng khi ở gần Krishnamurti anh  cảm biết nhiều điều khó diễn tả. Dầu vậy anh nêu ra hai hiện tượng hết sức lạ lùng tuy dễ dàng thuật lại, để may ra trả lời được câu hỏi ở cạnh Krishnamurti thì thấy ra sao.
Thứ nhất là khi nghe nhạc vào buổi sáng cùng với ông trong phòng riêng của ông. Chuyện hoàn toàn khác với bất cứ lúc nào khác mà anh nghe nhạc trong đời mình. Anh chưa bao giờ nghe được nhạc giống như khi cùng nghe với ông, và biết chắc ảnh hưởng không phải là do phòng ông có dàn âm thanh tốt. Giản dị là nhạc mà anh nghe cùng với ông có sức sinh động, rung cảm, thâm trầm và mỹ lệ vô cùng khác biệt, cho dù anh có mua cùng đĩa nhạc cho mình cũng không sinh ra ảnh hưởng giống vậy.
Thứ hai là khi đi dạo ngoài trời với Krishnamurti ở Thụy Sĩ, Anh, Ấn Độ. Tự mình thì Scott có rung cảm mạnh mẽ và sâu xa với thiên nhiên, nhưng chuyện khác hẳn sau khi đi dạo với ông. Mọi vật trong thiên nhiên trở thành sống động hơn, thực hơn và có chiều đo hơn. Anh mô tả với ông là ngay cả khoảng không gian giữa các vật trong thiên nhiên cũng có sự hiện thực hơn. Nó tựa như sự khác biệt giữa việc nhìn vào hình chụp cảnh vật, rồi thấy chính cảnh đó bên ngoài với ba chiều đo, âm thanh, hương vị và những cảm quan khác.
Đối với Scott, các hiện tượng không xẩy ra một cách tế nhị mà gây chấn động tới nỗi anh e ngại có thể là mình tưởng tượng; nhưng sau khi tả cho Krishnamurti, ông gật đầu xác nhận và không nói gì thêm. Thế thì Scott biết là mình không tưởng tượng, nhưng từ đó tới nay là hơn ba mươi năm sau, anh vẫn biết câu trả lời mình chưa đầy đủ. Có phải khi lắng nghe nhạc và nhìn ngắm thiên nhiên cùng Krishnamurti là chia sẻ cảm nhận với ông ?
Có nhận xét là dù trò chuyện riêng với một người hay giảng trước mấy ngàn người, ông thường xuyên nói là mình không có giảng hay đưa ra thông tin gì, mà ông với họ sẽ cùng tìm hiểu điều gì đó. Ông hay ví sự việc như hai người bạn (cho dù cử tọa là cả ngàn) ngồi trên băng ghế ở công viên thảo luận, xem xét, và ông kêu cử tọa lắng nghe kỹ và theo dõi cuộc tìm hiểu. Việc thăm dò này dường như không có tận cùng, và lời mời gọi cùng ông đi vào chuyện có vẻ như cũng là lời mời gọi đi vào vô tận. Như vậy, nó không có nghĩa ‘ta’ cùng với ‘ông’, mà đúng hơn là ‘chúng ta’ tìm hiểu chung với nhau.
Nối kết ý này và hiện tượng mà Scott nêu ra, chuyện có thể giải thích như là sự hòa hợp của các làn rung động, hay ảnh hưởng xẩy ra khi tâm thức cao bao trùm, đem tâm thức thấp vào nó. Đó là ý mà Krishnamurti nói tới khi mời gọi người khác cùng tìm hiểu với ông, là chuyện xẩy ra khi Scott nghe nhạc, đi dạo với ông. Nó cũng là chuyện diễn ra khi theo truyền thống đông phương trò ở kề cận thầy, thường ở trong bầu hào quang của vị sau và chịu ảnh hưởng. Hệ quả là người thấp được nâng cao trong lúc có hòa hợp tâm thức, như Scott tả là cảm nhận về nhạc, về thiên nhiên khi ở cạnh Krishnamurti thì khác hẳn với lúc không có ông.
Nói khác đi, hiểu biết về Theosophy cho giải thích thỏa đáng chẳng những chuyện về Krishnamurti mà luôn cả nhiều việc khác, và đó là lợi ích khi học hỏi Theosophy.
– Sự liên hệ giữa hội Theosophy và Krishnamurti là sao ? Ông nói là mình không hề rời bỏ hội mà chỉ vì hội không chấp nhận ông.
– Có ý nói rằng Krishnamurti là một thí nghiệm cho việc đức Chúa tái hiện. Ngài sử dụng ông nhưng thí nghiệm chỉ thành công một phần, và một trong các lý do là đa số người ban đầu tiếp xúc với các chỉ dạy của ông là hội viên thuộc loại sùng tín. Tâm tình này làm biến dạng và áp dụng sai lầm năng lực mà Ngài dùng nên việc thí nghiệm ngưng lại. Dầu vậy nó đạt tới mục tiêu rất hữu ích, là nay người ta nhìn nhận lòng sùng tín không còn đủ nữa cho đời sống tinh thần và cũng không hữu hiệu. Thực tế là người sùng tín không độc lập; họ là tù nhân cho một ý tưởng hay một người, và ấy là lý do Krishnamurti kêu gọi người ta có sự độc lập, có tự do tinh thần, và chê trách tôn giáo có tổ chức.
Lý do khác được ghi là thân xác nữ có khuynh hướng dễ nhường xác hơn là nam phái. Vì lý do đó mà HPB và A. Besant lấy thân xác nữ trong lần tái sinh vừa rồi. Krishnamurti là phái nam không thoải mái khi nhường xác, ông là người trung gian medium miễn cưỡng cho việc đức Chúa sử dụng ông. Chắc vì vậy mà chuyện không thành.
Nói về việc đức Chúa tái hiện , làn rung động nói ở trên là một trở ngại khác cho ngài. Thế giới hiện nay đã tiến bộ nhiều về mặt tinh thần, có đông đảo người rất tốt lành, xả kỷ và nhiều vị đệ tử. Mức độ tâm linh nâng cao khiến đức Chúa đáp ứng bằng sự thánh thiện của chính ngài; nhưng điều ấy làm cho ngài khó lấy một thân xác thích hợp để có thể hiển hiện nơi cõi phàm còn nhiều người thô trược.
Chuyện giản dị là hoàn cảnh ngày nay khác với hai ngàn năm về trước, khi đó không có điều kiện như bây giờ. Con người nay tiến bộ hơn và diễn trình tiến hóa đã thành công. Để cho phép ngài có thể đi lại trong nhân gian lần này, thế giới cần có đủ người thiên về tinh thần hầu làm thay đổi bầu không khí của trái đất. Chỉ khi nào được vậy thì Ngài mới có thể đến và sẽ đến.
– Công việc của em là chi, em có thể làm gì ?
– Mà cưng là ai ?
– Là làm sao ?
– Ậy, đó là điều cần nói. Cưng có thể cho rằng mình là vợ, là mẹ, là bà nội, bà ngoại. Tất cả đều đúng, mà đúng hơn nữa thì đó không phải là cưng, mà là những vai trò linh hồn đảm đương trong kiếp này. Chúng là hiện tượng và sẽ thay đổi, mất đi, thay thế bằng điều khác; còn chính ra cưng là tâm thức thường hằng vẫn tiếp tục sau mỗi kiếp. Mình nói đến tâm thức, vì vai trò đầu tiên của vị thầy chân chính từ nhỏ cho đến bậc Huấn Sư Thế Giới  là trang bị tâm thức cho học trò, hay nói rõ hơn, là chỉ dạy để học trò phát triển tâm thức.
Vậy điều mà ai cũng có thể làm để tạo điều kiện cho đức Chúa trở lại là ‘sống’, là biểu lộ tâm thức. Nếu muốn, mỗi người có thể nỗ lực biến họ thành trung tâm của sự sáng, tình thương tới hết khả năng của mình. Chuyện không khó nếu cưng nhớ lại mọi việc chỉ là làn rung động, là năng lực và huyền bí học là làm việc với năng lực.
– Huyền bí học dính dáng gì vô đây ?
– Đừng nghĩ rằng huyền bí học là việc chi cao xa dành cho ai ở tận Hi Mã Lạp Sơn tập luyện mà thôi. Không phải vậy, khi cưng suy nghĩ, có cảm xúc, thốt ra lời là đang thực hành nó. Vì suy nghĩ là tạo hình tư tưởng và cho nó năng lực, có cảm xúc là gây chấn động tình cảm lan ra chung quanh gần hay xa, mạnh hay yếu là do năng lực sôi nổi hay nhẹ nhàng đi kèm, có ảnh hưởng lâu dài hay thoáng chốc tùy theo tính chất của năng lực; lời nói thì ai cũng biết sử dụng để làm vui lòng hay gây tổn thương, là hình thức khác của năng lực.  
Do vậy nên mới có nhấn mạnh về chánh niệm, chánh tư duy bên Phật giáo, và tình thương bên Thiên Chúa giáo. Cho hội viên, đó là chỉ dạy trong Những Nấc Thang Vàng, Tiếng Vô Thình.
– Thắc mắc chót là tại sao vài hội viên có khuynh hướng bài xích Krishnamurti vậy ?
– Nó như người ta cười chê bà Blavatsky.
– Hai chuyện có liên hệ gì với nhau ?
– Một điều chung nơi cả hai là người đệ tử gây ảnh hưởng với tiềm năng mạnh cho ai mà họ tiếp xúc, dù không có hậu ý gì. Làn rung động cao phát ra gây kích thích cả tốt lẫn xấu cho ai trong vòng ảnh hưởng. Một số người thấy rất khó mà sử dụng kích thích này nên họ đẩy ra. Sự chống đối mà đức Chúa gặp phải ngày xưa với người Do Thái cũng là vì cớ đó.
– À, vậy để em đọc sách về cuộc sống của Krishnamurti. Chuyện dễ đọc, còn triết lý thì khoan, Những Nấc Thang Vàng là đủ cho em rồi !

Tham khảo:
Principles of Theosophical Work, I.K. Taimni
No Guru Guru - My Years with Krishnamurti.  S. Baladundaram 2013.