1001 CHUYỆN #36

1001 Chuyện  

 

Trở Về Mục 1001 Chuyện 

 – Em là bà ngoại rồi, thêm vài tháng nữa là thành bà nội nghe Bo. Thiệt cám ơn Trời, nhưng em có thắc mắc. Cuốn Mahatma Letters to A. P. Sinnett (chronological) trang 19, thư số 5 ghi.
‘Người có gia đình không thể thành đạo sư - adept.’ 
còn sách bà A. A. Bailey ghi các Chân sư cũng lập gia đình và sinh con. Hai ý đều do hai nguồn đáng tin cậy, vậy ‘Bạch Phật, con biết tin ai ?!’
– Chà, cưng muốn thành đạo sư ư, rồi Phật dạy sao ?!
– Phật dạy là xem xét tâm của mình, tâm thấy hợp hay không hợp thì cứ theo đó mà làm. Nhưng hôm nay cuối tuần, tâm của em còn ngủ nướng chưa dậy ! Em chưa muốn thành đạo sư, có cháu gái rồi sắp có cháu trai thì vui biết mấy ở cõi trần ! nhưng em muốn biết hai ý chỏi nhau 180 độ là tại sao.
– Thử xem. Mình hãy  xét từng câu một. Với câu đầu, ý chung là có vài tập luyện huyền học mà để ứng viên được an toàn, bắt buộc họ phải có thân tâm thanh khiết, không có liên hệ tình dục trong giai đoạn học tập đó. Khi xưa phản ảnh cho niềm tin này là vua quan phải trai giới, ăn chay nằm đất dọn mình mấy ngày trước những dịp lễ trọng, để mong lòng thành của vua xin cho mưa thuận gió hòa được trời đất chứng giám và ban ân. Còn  nói về huyền bí học, thí dụ việc khai mở kundalini hay luồng hỏa xà, nếu thân tâm không trong sạch thì hoặc có nguy hiểm đến tính mạng hoặc con người thực hành tà thuật, vì vậy mà mọi liên hệ tình dục bị cấm hẳn vào lúc phải làm việc chi đặc biệt.
Tuy nhiên, khi việc luyện tập đã xong thì chuyện có thể khác và mình sang câu hai. Có ít nhất ba trường hợp chứng minh cho ý này.
● Triết gia, toán học Pythagoras của Hy Lạp được biết là tiền thân của Chân sư K.H. mở trường dạy học ở Crotona, miền nam nước Ý vào thế kỷ thứ sáu trước tây lịch, lập gia đình và có nhiều con. Khi ngài qua đời, sách ghi con trai, con gái tiếp tục dạy triết lý của ngài.
● Yogananda là nhà yogi nổi tiếng trong thế kỷ 20, và tự truyện của ông Autobiography of a Yogi là sách bán chạy best seller được rất nhiều người biết tới, thuật chuyện về tôn sư của ông là Sri Yukteswar; vị tôn sư này cũng lập gia đình và có con gái.
Hai vị này là nhân vật lịch sử có thể kiểm chứng được, nhân vật thứ ba thì hơi khác.
● Bộ The Initiate của Cyril Scott là bộ sách khác mà nhiều người quen thuộc, trong cũng như ngoài hội Theosophy. Vị Chân sư trong sách được Scott ghi là lập gia đình và có con gái.
Mình có thể dùng chữ ‘đạo sư - adept’ cho cả ba nhân vật trên đây, và tùy cách suy nghĩ mà người ta chấp nhận vị Chân sư J.M.H. trong chuyện của Scott là có thật hay không.
– Tức là cả hai ý đều đúng, vậy làm sao dung hòa ?
– Chỉ cần mình đổi cách suy nghĩ một chút, đặt câu trích vào đúng chỗ. Câu một là của Chân sư K.H. viết cho ông Sinnett - là người đã lập gia đình, khi ông hỏi về việc tu học - tức nó áp dụng chính yếu cho ông mà thôi, tổng quát hóa câu nói cho cảnh ngộ riêng để áp dụng chung cho mọi trường hợp thì có khi không đúng, bởi việc chi cũng có ngoại lệ. Ngoại lệ ở đây là có những điều làm được khi việc luyện tập huyền học đã xong, nhưng bị cấm trước khi luyện tập, thí dụ như lập gia đình. Đây cũng điều cưng nên lưu ý, phương pháp đúng nên theo là đi từ tổng quát vào chi tiết, mà không phải ngược lại. 
Kế tiếp, phải cẩn thận khi trích hay xem xét lời Chân sư để không hiểu sai, diễn dịch không đúng ý. Cưng, tức là học viên, được xem là có hiểu biết tới một mức nào đó, trí năng đã phát triển, không còn là trẻ con để phải nói tách bạch mọi việc từ A tới Z, mà người ta có thể nói A rồi bắt qua D và tin rằng cưng có thể tự mình suy ra B, C để nắm trúng ý. Nói khác đi, người chí nguyện được đối xử như là người lớn đã trưởng thành, có những điều mặc nhiên được xem là đã hiểu, phải hiểu, đã biết, phải biết, không cần phải vạch ra.
Thí dụ về hai câu trên xác nhận lần nữa câu của Mạnh Tử: ‘Quá tin sách thì không có sách còn hơn.’ Trong việc nghiên cứu, học hỏi dù là khoa học vật chất hay khoa học tinh thần người ta cần biết rộng, so sánh đối chiếu nhiều nguồn, vì có điều khi xưa sách này chỉ nói thoáng qua mà về sau, sách khác tiết lộ vài chi tiết và giải thích lúc trước chưa có.
– Nói về quyền năng đi, tại sao có người thức tỉnh khi tiếp xúc ở một chiều đo khác mà kẻ khác chỉ mê ngủ mới làm được, thí dụ như ông Edgar Cayce. Mình giải thích trường hợp ông Cayce ra sao ?
– Ông Cayce chỉ có nhận thức cao lúc mê man là do thiếu sự liên hợp giữa các thể. Trường hợp của ông được cho biết là ông có sự liên hợp tốt đẹp giữa thể trí, thể sinh lực và thể xác, còn thể tình cảm chưa phát triển bằng nên không liên hợp khiến ông mê man khi sử dụng quan năng ở cõi cao. Ông làm việc với một nhóm y sĩ ở cõi trí, họ quan sát bệnh nhân và cho ông hay đó là bệnh gì, họ chỉ có thể làm việc với ông khi thể tình cảm được làm lơi ra, cho hiểu biết đi từ cõi trí xuống thẳng cõi ether.
– Vậy ông Cayce khác với người đồng bình thường ra sao ? Đồng cốt thường xẩy ra lúc họ mê man, lúc họ không còn là chính họ nữa.
– Thuật đồng cốt bình thường diễn ra khi con người bước ra ngoài thể xác-thể sinh lực. Có màng ngăn cách tự nhiên giữa hai thể này với thể tình cảm và thể trí. Một vong linh hay thực thể ở cõi tình cảm bước vào thể xác -thể sinh lực của người đồng và làm chủ nó, còn thể tình cảm và thể trí bị tách ra bên ngoài đơn vị này. Vong linh nói và cho hiểu biết mà họ có và biết ở cõi tình cảm của họ. Việc ấy gây hư hại cho thể sinh lực vì nó sinh ra xáo trộn lớn cho thể, và luôn luôn khiến cái sau thành yếu hơn, lỏng lẻo hơn. Điểm chú ý nữa là khi phát ra tiếng nói thì bởi vong linh chế ngự thân xác người đồng, họ làm chủ luôn giây âm thanh và tiếng nói là của họ. Thuật đồng cốt loại này có hại cho người đồng và cũng không tốt cho kẻ nhập vào.
– Không tốt như thế nào ?
– Nó tạo nên nhân quả bất lợi về sau. Trong đa số trường hợp đó là những kẻ hiếu kỳ vừa qua đời hay ai muốn tiếp xúc với người ở cõi trần, họ không phải là kẻ có hiểu biết ở mức cao để làm thầy hay có thể giúp đỡ.
Với ông Cayce, chuyện khác ở chỗ là thể trí vẫn nối kết với thể xác-thể sinh lực của ông, còn thể tình cảm chỉ lơi ra mà không tách biệt hẳn.
– Ông làm nó ra sao ?
– Bằng cách hướng vào một nơi trong não. Diễn tiến như sau, có nhóm người trợ giúp làm việc với ông ở cõi trí, họ đưa chi tiết cho ông Cayce ở cõi trí và tác động não trong thể xác và ông thốt lời bằng giọng của chính mình. Bởi thể tình cảm được làm lơi ra, ông chỉ nhớ rất ít khi tỉnh lại, mà thường là không nhớ mình đã nói gì. Dòng tâm thức của ông có đường đi khác thường là đi thẳng từ thể trí vào thể sinh lực, hay nói khác đi não của thể trí có đường nối thẳng với não của thể sinh lực. Những người cứu trợ ở cõi trí che chở để không vong linh nào chiếm nhập thể xác và thể sinh lực của ông.
Ông Cayce chủ ý tách rời phần nào thể tình cảm của mình bằng cách hướng vào một điểm trong não bộ. Ông biết cách làm như thế, và tình nguyện làm với ý giúp đỡ người khác, muốn trợ giúp nhân loại theo cách mà ông có thể làm.
– Ông còn nói ro ro về tiền kiếp của người bệnh, làm sao ông có được chi tiết ấy ?
– Đó là do nhóm người chữa bệnh ở cõi trí biết và đưa cho ông. Họ có những chi tiết ở đó. Thỉnh thoảng khi ở trong trạng thái với tâm thức khác thường, ông có thể tự mình thấy các chi tiết, nhưng thường là họ cho ông dữ kiện.
Sẵn đây mình nói về cách dùng chữ cho đúng. Thông thường khi một ai làm trung gian giữa cõi tâm linh và cõi trần thì người ta dùng chữ đồng cốt - medium và được hiểu là tâm thức mê man, có sự chiếm nhập, nhưng có lẽ chữ thích hợp hơn là làm đường kinh - channel chuyển giao. Có nhiều cách làm đường kinh, hoặc mê man mà không có việc chiếm nhập, hoặc thức tỉnh hoàn toàn như ta sẽ nói thêm về sau.
Bàn thêm một trường hợp nữa thì có nhân vật X cũng được dùng làm đường kinh như ông Cayce, mà khác ở điểm là thể trí không liên hợp tốt đẹp với ba thể kia của con người. Khi X được sử dụng thì thể trí được làm cho lơi ra (và do vậy sau đó X không nhớ mình đã nói gì) và người ở cõi thượng trí nói xuyên qua X. Đây không phải là sự mê man thường tình khi có chiếm nhập, vì thể xác của X không bị ai chiếm.
Ý tưởng ở cõi thượng trí hay từ những cõi cao hơn nữa, được một nhóm người đệ tử gây ấn tượng lên não của thể tình cảm của X, từ đây xuống não thể xác đủ cho X nói, và nói bằng giọng của mình không phải của ai khác. Nói cho đúng thì  X không dùng não của mình mà chính ra dùng giây âm thanh.
– Nói thể tình cảm hay thể trí được làm lơi ra nghĩa là sao ?
– Là không hoạt động, rút ra ngoài, ý tưởng truyền xuống không đi ngang qua hoặc thể tình cảm (ông Cayce) hoặc thể trí (X), nó đi đường khác bỏ qua hai thể này.
– Như làm mạch máu by-pass mạch bị nghẽn để nuôi tim phải không ?
– Ừa, thí dụ chính xác. Hoan hô !
– Ý tưởng được truyền ra sao, có giống như nghe bằng thông nhĩ ?
– Không, không phải vậy chút nào. Nó là việc truyền ý niệm và ý tưởng mà khi não bộ tiếp nhận thì ta dịch sang ngôn ngữ cõi trần, não có cơ chế làm vậy. Người ta nhận trực tiếp ý niệm và ý tưởng không phải bằng ngôn ngữ, và rồi chúng được chuyển lập tức thành ngôn ngữ của mình.
– Sang trường hợp chót đi, con người truyền giao trong lúc thức tỉnh thì có phải như đức Jesus hay Krishnamurti làm đường kinh cho đức Chúa (đức Di Lặc) ?
– Phải rồi, đây là cách tiếp xúc khác hơn một chút, ở cõi thượng trí, thấy nơi ai có tâm thức cao ở cõi thượng trí, biết mình là Chân nhân. Ở đây, ngoài việc bốn thể thấp liên hợp với nhau, ta có thêm thể thượng trí cũng can dự nằm trong đường đi của ý niệm từ cõi cao xuống cõi trần.
Thuật đồng cốt liên hệ chính yếu với cõi tình cảm, mình có hiện tượng là một thực thể thực sự bước vào thể xác, chiếm đoạt làm chủ nó trong một khoảng thời gian. Vong linh ấy không nhất thiết có tần số rung động tốt, cho cộng hưởng tốt với người bị chiếm, và như vậy có thể gây xáo trộn tệ hại cho thể sinh lực của họ. Đây là loại ít quan trọng nhất và không tốt cho người đồng.
Ngược lại thì sự phù trợ - overshadowing là cách hay để truyền giao ý từ cõi tinh thần xuống cõi trần, người làm điều ấy có thể là bậc đệ tử hay Chân sư. Cách này có nhiều loại, loại ở cõi trí là dễ nhất, đó có thể là một người đệ tử thông minh, hoạt bát, có chuyện cần làm liên hệ với một ashram, họ bước vào hào quang của người ở cõi trần, bước vào luồng tư tưởng kẻ sau; người ở cõi trần giữ ý thức trọn vẹn, biết chuyện gì diễn ra trong trí mình, và cũng ý thức người đệ tử nói gì. Nếu người chủ động là một vị Chân sư thì diễn tiến cũng y vậy, kẻ được sử dụng có thể lập lại từng chữ mà vị Chân sư nói. Vào bất cứ lúc nào họ có thể chọn không tiếp tục nữa, trở lại với cách suy nghĩ của mình.
– Chuyện gì xẩy ra trong lúc có phù trợ ?
– Kẻ chủ động sẽ bước vào hào quang của người được sử dụng, hòa vào luồng sóng trí năng của người sau, trong một lúc họ trở thành là một phần của cái trí này, rồi xong chuyện thì bước ra. Người trước có thể nói một cách mạch lạc, rõ ràng, biết mình là một cá nhân riêng biệt mà đứng ngoài, tức các ý riêng của họ được gác qua bên. Họ cảm biết được phù trợ, hoàn toàn tỉnh thức, nói lên những điều mà nhân vật chủ động suy nghĩ bằng cái trí qua cái trí của người được sử dụng. Các ý này không phải là ý của người sau, và họ không giữ lại chúng mạch lạc trừ khi đọc trở lại và suy nghĩ về chúng.
Người được sử dụng không nhất thiết biết rõ nhân vật phù trợ là ai, họ có thể cho đó là Chân nhân của mình vì như đã nói, có sự hòa hợp của hai hào quang, trí một người trở thành làn sóng chuyên chở cho tần số sóng cao hơn như radio.
– Nó đi ra sao, làm sao nó xuống cõi trần ?
– Diễn trình y như khi cưng suy nghĩ, là từ thể trí đi thẳng xuống não ether vào não thể xác. Việc phù trợ không làm thể tình cảm lơi ra, nó đi qua thể này mà không dùng thể. Sự truyền giao dùng sóng làm phương tiện chuyên chở, là cái trí của người được sử dụng. Nếu ai dùng thông nhãn thì sẽ thấy trong lúc có phù trợ nhân vật chủ động đứng cạnh người được sử dụng. Người trước có thể hành động như vậy vì họ được cho thẩm quyền làm công chuyện đó cho ashram.
Với người đệ tử có các thể hòa hợp tốt đẹp, vào những lúc rất hiếm vị Chân sư không những bước vào hào quang cái trí mà còn đi trọn vẹn hơn vào thể của người đệ tử. Điều này xẩy ra với sự đồng ý của người sau, cũng như họ hoàn toàn tỉnh thức biết mọi việc đang diễn tiến, thí dụ như vị Chân sư nói qua thể của họ.
– Làm sao làm chuyện đó ?
– Nói ngắn gọn là vị Chân sư bước vào và dùng thân xác của người đệ tử.
– Khi người đệ tử bước ra thì phần nào của họ đi ra, và cơ chế ra sao ?
– Khi bước ra người đệ tử ở trong thể thượng trí mà có nối kết với các thể trí, tình cảm, sinh lực và thể xác; họ không mất nối kết đó mà nhớ chuyện gì đã nói và làm. Đây là sự hợp tác và đôi bên liên hệ họp thành một đơn vị làm việc chung. Ta chỉ có được điều này khi giữa người đệ tử và vị Chân sư có sự tương tác tuyệt diệu, người đệ tử hòa nhịp với mục tiêu và công việc của ngài và yêu thích hợp tác với ngài. Chuyện loại này ít khi thấy.
Một cách phù trợ khác xẩy ra nhiều hơn là đức Chúa đã phù trợ nhiều đệ tử với Sự Sống và Tâm Thức của ngài. Những người sau chịu ảnh hưởng khiến cho ý niệm về điều mà đức Chúa muốn đưa ra, sẽ bắt đầu tác động lên cách suy nghĩ của người đệ tử, hay những ai hướng về ngài, tận tụy với phần việc của ngài và dọn đường cho việc ngài tái hiện. Ý kiến khác nói ngài có thể chọn cách này như là sự tái hiện đúng nghĩa của mình, thay vì xuất hiện trong xác phàm dưới thế.
– Nói về cơ chế đi, chuyện diễn tiến ra sao ? Điều gì khiến vài người đệ tử có thể được phù trợ ?
– Nó đi từ thể thượng trí thẳng xuống thể trí, tình cảm rồi sinh lực và thể xác, tức một đường rõ ràng về năng lực và ý tưởng. Sự liên hợp như vậy là kết quả của nhiều kiếp có kỷ luật lớn lao về trí não, mà không phải chỉ có vậy, bởi mỗi trường hợp mỗi khác.
Thí dụ một nhân vật được sử dụng có trí tuệ phát triển, nhưng khi xưa họ có liên can với tả đạo một chốc. Việc quẹo trái ấy làm cho thể sinh lực và thể xác có khuynh hướng đồng cốt, thể tình cảm cũng bị xáo trộn và nay họ có nỗ lực lớn lao đi theo đường ngay để chữa lại. Sự liên hợp giữa các thể không được lý tưởng, dầu vậy khuynh hướng đồng cốt giúp việc truyền ý tưởng đi từ thể trí tới thể sinh lực và não trong thể xác, cách này không được xem là tốt đẹp nhưng được dùng cho mục tiêu tốt lành. Người bạn được một đệ tử phù trì, đó là lý do họ chuyên việc biên tập tài liệu. Người đệ tử làm việc với họ có khối hiểu biết rộng lớn, thu thập và chất chứa dữ kiện nên đưa ra chúng ra là điều hữu ích.
Khi khác, thí dụ tuyệt diệu cho sự phù trợ hay đệ tử nhường xác cho Thầy sử dụng là bà Blavatsky,  với chuyện như vậy diễn ra nhiều lần trong đời bà. Nói về bộ Isis Unveiled, bà viết cho Vera em gái như sau.
– “ Đừng sợ rằng chị bị điên rồi. Chị chỉ muốn nói là có ai đó rõ ràng gợi hứng chị … mà còn hơn nữa là có ai đó đi vào người chị. Không phải chị là người viết và nói, mà có cái gì đó ở bên trong chị, cái Ngã cao hơn và chói lọi nghĩ và viết cho chị. Đừng hỏi là chị kinh nghiệm điều chi vì chị không thể giải thích rõ ràng cho em. Chính  chị còn không biết ! Một điều chị biết là lúc này … có ai đó đi tới và bao phủ chị như lớp mây mờ mịt, và lập tức đẩy chị ra khỏi con người của mình, rồi chị không còn là ‘cái tôi này’ nữa - Helena Petrovna Blavatsky - mà là một ai khác. Đó là người mạnh mẽ và quyền uy, sinh ra ở vùng hoàn toàn khác biệt trên thế giới; còn về chính chị nó như mê ngủ hay như nằm mà không tỉnh hẳn, không ở trong chính cơ thể của chị mà ở gần đó, chỉ có sợi dây nối chị vào nó.         .
“Tuy nhiên có lúc chị thấy và nghe mọi chuyện thật rõ ràng: chị ý thức trọn vẹn xác thân mình nói và làm gì, hay ít nhất chủ nhân mới của nó. Chị còn hiểu và nhớ nó kỹ tới độ sau đó có thể nhắc lại, luôn cả viết xuống lời của ngài … Những lúc như vậy chị thấy mặt ông Olcott và những người khác lộ vẻ thán phục và kinh sợ, và thích thú theo dõi cách mà ngài nhìn họ nửa thương hại qua đôi mắt của chị, và chỉ dạy họ với miệng lưỡi phàm trần của chị. Nhưng với cái trí của chính ngài mà không phải của chị, trí ấy bao phủ não chị như một đám mây …Ah, thiệt tình chị không thể giải thích mọi chuyện.”
Thư khác cho thêm chi tiết về hiện tượng.
“(Khoảng đầu năm 1875) chị cảm thấy trong người có hai bản ngã (duality) rất kỳ lạ. Nhiều lần trong ngày chị nhận biết cạnh mình có một ai khác, tách biệt hẳn với chị, hiện diện trong thân xác mình. Chị không hề mất ý thức về bản ngã của mình, điều chị cảm thấy là dường như chị giữ yên lặng và người kia - người ở trong thân xác chị - nói bằng miệng lưỡi của chị.
“Chẳng hạn chị biết mình chưa bao giờ tới những nơi chốn mà ‘cái tôi khác’ của chị mô tả, nhưng cái tôi này - cái tôi thứ hai - không nói gạt khi nói về nơi chốn và những điều chị không biết, vì nó thực sự đã thấy và biết rõ các điều ấy rồi.”
Thư khác HPB viết cho dì của mình.
– “… Thử tưởng tượng coi, cả đời cháu không có học gì hết, không biết gì ngoài một ít kiến thức thông thường hết sức hời hợt, không biết vật lý hay hóa học hay sinh vật học là gì, hay bất cứ chuyện gì khác, vậy mà nay đột nhiên lại có thể viết trọn một bài về chúng. Cháu thảo luận với khoa học gia, tranh luận và rồi đắc thắng … Không đùa đâu, cháu nói thật, cháu thật tình kinh sợ vì không hiểu làm sao chuyện xẩy ra như thế. Quả đúng là gần ba năm nay cháu học ngày đêm, đọc sách rồi suy gẫm. Nhưng dù đọc việc chi, làm như nó đều quen thuộc với cháu … Cháu nhận ra sai lầm trong những bài viết thông thái nhất, và bài nói chuyện của Tyndall, Herbert Spencer, Huxley, và mấy người khác. Nếu có khảo cổ gia nào tới chơi, khi ra về chắc chắn họ quả quyết với cháu rằng cháu đã lảm họ hiểu minh bạch ý nghĩa của những đền đài này nọ, và vạch ra cho họ thấy những điều mà họ không hề nghĩ ra. Tất cả những biểu tượng thời xưa và ý nghĩa mật của chúng, tuôn vào đầu cháu và nằm ở đó trước mắt cháu ngay khi cuộc chuyện trò nhắc đến chúng…”
HPB nhắc đến thầy mình khi viết thư cho em là Vera.
– “Chị không hề cho ai ở đây hay về kinh nghiệm chị có về ngài. Khi tìm cách trấn an họ rằng chị chưa bao giờ tới Mông Cổ, rằng chị không biết Phạn ngữ, Hebrew hay tiếng Ai Cập xưa, họ không tin lời chị. Họ bảo, ‘Làm sao như thế được, bà chưa hề tới đó mà lại mô tả nó chính xác quá vậy ? Bà không biết nhiều ngôn ngữ vậy mà bà dịch thẳng từ nguyên tác !’ nên không ai chịu tin chị. Họ tưởng chị có lý do bí ẩn nào đó để giữ kín, lại nữa có phủ nhận cũng không ổn vì ai nấy đều nghe chị thảo luận với một giảng viên đã sống 20 năm ở Ấn về các thổ ngữ Ấn Độ khác nhau. Chà, chị chỉ có thể nói là hoặc mọi người điên hoặc chị điên !”
HPB thường nói với thân nhân rằng mình không hề hãnh diện là tác giả viết bộ Isis Unveiled, rằng bà không biết gì về điều mình viết, rằng bà được lệnh ngồi xuống và viết, và công trạng duy nhất của bà là đã làm theo lệnh. Bà chỉ e ngại là mình không thể mô tả đúng những gì được cho thấy trong các hình ảnh đẹp đẽ. Bà viết cho Vera:
– “Em không tin khi chị nói thật về các Chân sư của chị. Em cho các ngài là huyền hoặc; nhưng thử nghĩ làm sao chị có thể viết bao chuyện thông thái nếu không có sự trợ giúp của các ngài ? Em với chị biết gì về siêu hình học, triết lý và tôn giáo cổ xưa, tâm lý học và bao điều khó hiểu khác ? Không phải ta đã học chung với nhau sao, chỉ có khác là em học giỏi hơn chị ? Rồi nay coi coi chị viết chuyện gì, và độc giả - phải, người như giáo sư, khoa học gia - đọc và khen ngợi ! Em mở bất cứ trang nào của Isis mà xem và tự phán đoán lấy. Còn về phần chị thì chỉ nói sự thật là các Chân sư giảng giải và cho chị thấy mọi điều, hình ảnh, cổ thư, ngày tháng diễn ra trước mặt chị, tất cả điều chị phải làm là viết lại, và viết thật dễ dàng không khó nhọc chút nào, là niềm vui to tát nhất.
“…Chị không thể nói chắc là chính ngài đi vào người chị; nếu không phải là ngài thì đó là quyền năng, ảnh hưởng của ngài. Chỉ nhờ ngài mà chị thành mạnh mẽ, không có ngài chị không là gì hết.”
– Bà Blavatsky làm vậy, còn em không tài giỏi mà muốn góp phần thì có thể làm gì ?
– Ai cũng có thể đóng góp theo mức của mình. Mình cần hiểu rằng người chí nguyện là đường kinh cho sinh lực, cho năng lực vào mọi lúc, vậy hãy nhận biết điều ấy và giữ thái độ tích cực, xây dựng để hướng năng lực đi một cách khôn ngoan.
Cưng nhớ mình nói rằng tất cả chỉ là năng lực, và nói đến năng lực là nói đến làn rung động cùng tần số của nó. Năng lực tạo nên tính chất của con người, suy nghĩ đúng đắn là đem năng lực thanh bai vào người, làm cưng hóa thanh cao và ngược lại. Các thể là năng lực, và chúng khiến người ta cộng hưởng, đáp ứng với chuyện này, làm ngơ chuyện nọ v.v.
– Tức là khi vui thì mình phát ra năng lực ở tần số này, và khi quạu là tần số khác phải không ? Chuyện gì chứ cười hở mười cái răng tuôn ra năng lực vui vẻ là nghề của nàng, kinh nghiệm dỗ con cháu bao nhiêu năm, em làm việc ấy giỏi hơn ai hết. Job đó về phần em !