ẢNH HƯỞNG CỦA ÂM NHẠC

Ảnh Hưởng của Âm Nhạc

 

Tất cả những vị Đạo đồ (Initiates) tiến hóa cao đều có khả năng truyền tư tưởng, để gây ấn tượng lên trí não ai đủ sức cảm nhận bất cứ tư tưởng nào mà các ngài thấy hợp. Gây ấn tượng ở đây muốn nói là để nghị hay gợi hứng mà không có nghĩa nào khác. Các ngài đề nghị ý tưởng cho nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ hay triết gia mà không cưỡng ép họ phải chấp nhận chúng. Thực vậy người cảm nhận thường không ý thức là cảm hứng của họ từ đâu tới, và không mảy may nghĩ là trong trường hợp của họ, họ là đối tượng cho việc truyền tư tưởng hay tạm thời chịu ảnh hưởng của ai khác. Chỉ khi nghệ sĩ ấy cũng là đệ tử thân cận của vị Đạo sư, và tiếp xúc chặt chẽ với ngài như trong vài trường hợp thì họ mới biết rõ sự kiện này.

Vào đầu thế kỷ hai mươi, một số các Chân Sư trông coi về nghệ thuật thấy rằng nên gợi hứng một loại âm nhạc, nhằm tăng phần tinh thần nhờ hiểu biết. Qua nhạc con người có thể ít nhất cảm được rằng có một thế giới khác, với hàng triệu cư dân vô hình hiện hữu đồng thời với thế giới vật chất, tức đường tiến hóa của thiên thần đi từ tinh linh nhỏ bé nhất lên đến các đại thiên thần vũ trụ. Vì nhân loại nói chung chưa tiến hóa đủ để nhìn thấy thiên thần nên âm nhạc được sử dụng, giống như lời thơ du dương mà thi sĩ thốt ra đôi khi có thể khuyến dụ được ai hoài nghi nay tin vào chân lý nào đó, trong khi bao lời biện luận khô khan tỏ ra vô hiệu, thì âm điệu du dương của nhạc cũng có thể đạt được kết quả tương tự hay nhiều hơn. Nhờ cách khuyến khích nhà soạn nhạc mô tả đời sống và sự di động của thiên thần, cũng như là bầu không khí của họ và ngay cả âm nhạc của thiên thần, bằng âm thanh cõi trần, các vị Chân Sư làm cho con người nghe được điều mà họ chưa thể thấy. Hơn thế nữa, khi ý thức là có thiên thần hiện hữu, con người tiến gần hơn đến mối liên hệ chặt chẽ giữa nhân loại với chư thiên, cái sẽ là phát triển quan trọng mai sau về mặt tiến hóa.

Các Thể Con Người

Để hiểu thêm điều này ta cần xem xét về các thể của con người, Minh Triết Thiêng Liêng dạy rằng con người có nhiều thể thanh ngoài thể xác, và sự nghiên cứu bằng thông nhãn thấy là những thể này bao quanh thân xác, tất cả thấu nhập vào nhau. Những thể thường được nhắc tới là: 

– Thể xác.
– Thể sinh lực (thể phách).
– Thể tình cảm.
– Thể trí.

Hai thể đầu có liên hệ mật thiết với nhau và thể sinh lực còn được gọi là cảm thể (sensational body), với nghĩa nhờ thể này mà ta có cảm giác do ngũ quan mang lại, xin đừng lẫn lộn thể sinh lực với thể tình cảm. Chúng liên hệ với nhau chặt chẽ tới mức thể sinh lực chỉ tách rời khỏi thể xác khi có thuốc mê, còn thể tình cảm và thể trí rời khỏi thể xác khi ta ngủ. Trong lúc giải phẫu có thuốc mê, người có thông nhãn quan sát thấy thuốc đẩy những thể thanh ra khỏi thể xác kể luôn thể sinh lực. Nếu chỉ dùng thuốc tê tức gây tê một chỗ trên thân và ta vẫn tỉnh thức, thì chỉ có phần nhỏ của thể sinh lực bị đẩy ló ra còn thì thể tình cảm và thể trí vẫn y tại chỗ. Lấy thí dụ khi trọn cánh tay bị tê dại thì người ta thấy phần thể sinh lực tương ứng đâm ra ở vai, nhưng khi tay có cảm giác trở lại thì cánh tay bằng thể sinh lực được hấp thu trở lại vào người, dẫn tới cảm giác kim chích tê rần mà ai cũng biết.

Như thế hiển nhiên là chỉ khi nào thể sinh lực hợp nhất với thể xác thì mới có cảm giác, cảm giác sinh ra khi hai thể hòa hợp với nhau, cái này không thể có cảm giác độc lập so với cái kia. Riêng về âm nhạc, thể sinh lực đặc biệt đáng nói ở điểm các rung động của âm nhạc tác động trước tiên vào thể này, rồi sau đó mới ảnh hưởng thể tình cảm hay thể trí. Do vậy thể sinh lực là cái cầu giữa thể xác và những thể cao hơn, và những rung động tương đối thô kệch của âm thanh không thể ảnh hưởng vật chất thanh bai hơn nếu không có vật trung gian.

Nói riêng về tình cảm và thể trí, cả hai phát triển theo đời sống tình cảm và trí tuệ của người, nên hào quang tức các thể này là dấu hiệu về đặc tính của họ cho ai có khả năng nhìn thấy chúng, và hiểu được ý nghĩa các màu của hào quang. Thí dụ người sơ khai có thể tình cảm chưa phát triển, nhỏ về kích thước, màu sắc tối không có nét đẹp; nơi người trung bình thể tình cảm lớn hơn với màu sắc thanh hơn và có nhiều hình dạng đẹp đẽ hơn. Người sơ khai gần như không thấy có thể trí, còn người trung bình thì thể trí thay đổi kích thước, màu sắc và vẻ đẹp tùy theo trình độ tri thức và tư tưởng cao đẹp ra sao.

Hai thể này cũng không tan biến đi khi thể xác tan rã, mà chúng sinh hoạt độc lập ở cõi tương ứng khi thoát ra khỏi xác thân, giống như đứa trẻ sinh hoạt độc lập nơi cõi trần khi ra khỏi lòng mẹ. Đi xa hơn ta có thể nói nếu thai nhi phát triển yếu kém thì trẻ sinh ra yếu ớt, nếu cha mẹ thô lậu kém phát triển thì nhiều phần là trẻ cũng sinh ra giống vậy. Khi biết rằng những cảnh giới cao này là cõi sinh hoạt của người đã khuất, thì sự liên can của chúng đối với cõi trần có ý nghĩa sâu xa hơn rất nhiều so với điều người ta thường nghĩ. Tình cảm con người ảnh hưởng cõi tình cảm thì ngược lại, cõi tình cảm cũng ảnh hưởng cảm xúc và tâm tình của người, có nghĩa giữa người và cõi liên tục có tương tác với nhau. Điều này cắt nghĩa vì sao mỗi quốc gia có một số tình cảm nổi bật, việc ấy là do bầu không khí hay hào quang - trên thực tế là cõi tình cảm - bị tràn ngập các tình cảm riêng biệt nào đó.

Ta đề cập tới các thể con người và những cõi tương ứng vì âm nhạc đóng phần quan trọng trong việc phát triển các thể. Ta sẽ thấy là mỗi loại nhạc ảnh hưởng thể này hay thể kia và tương ứng với nó là những lãnh vực trí tuệ, tình cảm và vật chất. Chẳng hạn nhạc Ấn độ đặc biệt ảnh hưởng thể trí và do đó lên các lãnh vực trí não, triết học, siêu hình; nhạc của cổ Ai Cập đặc biệt ảnh hưởng thể tình cảm nên tác động tương ứng lên lãnh vực tình cảm như nghi lễ, âm nhạc và hiểu biết bí truyền; chót hết nhạc tây phương đặc biệt ảnh hưởng thể sinh lực và do đó cõi vật chất: tức cơ giới, chính quyền, óc thực dụng.

Những điều này không có gì khó hiểu, nguyên do không phải tìm đâu xa vì nhạc Ấn độ có nốt thanh bai nhất (quarter tone) vì vậy ảnh hưởng được thể trí là vật thanh nhẹ nhất trong bốn thể, nhạc Ai Cập thanh bai vừa phải (half tone) nên ảnh hưởng tương ứng lên thể kém thanh bai hơn là thể tình cảm, và nốt nhạc tây phương kém thanh bai hơn cả do đó ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên thể xác. Dầu vậy nó không có nghĩa là nhạc tây phương chỉ có thể ảnh hưởng cõi trần mà thôi.

Ta vừa trình bày là nhạc tác động lên điều gì mà chưa nói nó tác động ra sao xét về mặt huyền bí. Câu nói “Trên sao, Dưới vậy” cho thấy các tác động của nhạc, cái khó trình bày là ta chỉ thấy được sự biểu lộ của nhạc ở cõi trần tức làn rung động nó gây ra, mà không nhận biết được ảnh hưởng sâu rộng hơn của nhạc cõi cao. Nhưng chính các cõi này tác động lên những thể thanh của người và qua đó đặc tính của ta, vì nhạc ảnh hưởng các cõi. Người có thông nhãn (clairvoyance) có thể thấy được ảnh hưởng đó, cả hình dạng và màu sắc tương ứng với gíá trị nghệ thuật và tình cảm mà nhạc thể hiện.

Lấy thí dụ nhạc biểu lộ lòng sùng tín có màu nổi bật là xanh dương thấy ở những cõi cao và trong thể tình cảm. Như vậy khi người có thông nhãn nhìn vào hào quang của ai sùng tín ít nhiều, sẽ thấy nó có màu này. Theo luật đồng thanh tương ứng, nhất là ở các cõi thanh, màu xanh dương do nhạc sùng tín tạo ra sẽ có khuynh hướng tăng màu xanh trong hào quang của ai như vậy, và như thế tăng lòng sùng tín nơi họ. Chuyện cũng y hệt với tất cả những tình cảm và màu sắc tương ứng khác, và điểm sau cần đặc biệt chú ý: khi một ai hoàn toàn thiếu tính chất nào đó với kết quả là thiếu màu sắc tương ứng trong thể, thì về mặt ấy ảnh hưởng tinh tế của nhạc không thể tác động gì lên họ. Bằng không linh hồn kém tiến hóa nhất sẽ phát triển vượt bực lạ lùng, và trong những thành phố lớn nơi có nhạc viện, nhà hát kịch sẽ không có ổ chuột hay xóm nhà lá. Điều này hẳn ai cũng biết là không đúng. Dầu vậy người tệ thế mấy vẫn cảm nhận được ảnh hưởng tốt lành của nhạc họ nghe dù rất ít oi, vì lý do đó nhạc chơi ở khu ổ chuột vẫn mang lại sự tốt lành.

Ta còn phải thêm một điểm quan trọng nữa là những ảnh hưởng tinh tế của nhạc khi được trình diễn, tức màu sắc và hình dạng tạo ra ở cõi tình cảm, sẽ tồn tại một thời gian sau khi âm thanh đã tan loãng. Nói khác đi cho dù ta không còn nghe tiếng nhạc nữa, phần tình cảm của nhạc vẫn tác động trong một khoảng thời gian sau đó, trong phạm vi bán kính nào đó quanh chỗ nó được chơi. Hình ảnh ví von là khi ném hòn sỏi xuống hồ, hòn sỏi tuy nhỏ nhưng cho ra những vòng sóng rộng. Nếu bây giờ có một cọng cỏ trên mặt nước cách xa nơi hòn sỏi rơi xuống, sau một lúc cọng cỏ ấy sẽ lay động khi sóng lan tới. Luật cũng áp dụng như vậy cho ảnh hưởng tinh tế của nhạc. Khi có nhạc chơi trong hí viện, nơi ấy có thể nhỏ nhưng màu sắc và hình dạng mà  khúc nhạc tạo ra ở cõi tình cảm sẽ trải rộng vượt ra ngoài hí viện một khoảng xa ở chung quanh.

Vì lý do này người ta không cần thiết phải hiện diện trong khoảng nghe được tiếng nhạc, mới nhận được ảnh hưởng do tác động của nó, và ta cũng đừng quên ảnh hưởng kéo dài của nhạc. Giả dụ có ai ở ngoại ô mà vào thành phố hằng ngày đi làm, cho dù họ sống và ngủ ngoài tầm ảnh hưởng tinh tế của nhạc, họ vẫn ở trong vòng ảnh hưởng của nó mỗi ngày trong giờ làm việc. Tóm tắt lại, nhạc tác động hai chiều cả thô lậu lẫn thanh bai, ở cõi trần âm điệu nghe được có khả năng làm êm dịu hồn người vì sự du dương của nó, còn âm điệu không nghe thấy  có chứa đựng năng lực ảnh hưởng trực tiếp lên những thể thanh của ta, hay qua bầu không khí tình cảm và do đó giáo huấn tâm hồn.

Phản đối có thể nêu ra với giả dụ là một loạị nhạc được chơi ở nơi này, và cách đó trăm thước có một loại nhạc khác hẳn chơi trong rạp xi nê, thì có phải ảnh hưởng sinh ra ở cõi vô hình là âm thanh lộn xộn chỏi nhau ? Câu trả lời là không phải thế, lý do là ở cõi cao ta có không gian với những chiều đo khác nhau, chuyện khác nữa là một loại rung động này không can dự vào loại kia, chẳng khác gì sự rung động của ánh sáng mặt trời không cản trở rung động của làn sóng vô tuyến của trạm phát tin. Chỉ khi nào nơi cõi trần ta ở chỗ nghe được cả hai nơi phát ra nhạc thực sự chỏi nhau, thì sự lộn xộn ấy mới sinh ra nơi cõi cao, mà không có ngược lại.

Nay nói tới ảnh hưởng trên những thể thanh của những lần trình diễn nhạc ngoài tầm tai người. Trong trường hợp ấy, như đã nói ở trên ảnh hưởng sẽ có cho tính chất nào mà ta đáp lại mạnh nhất. Giả dụ ai đó sống ở nơi giữa hai nhạc viện, một bên chơi nhạc Bach (thiên về trí tuệ) còn bên kia chơi nhạc Mendelssohn (tăng lòng thiện cảm). Nếu người này có màu vàng trong hào quang - vàng là màu chỉ về trí tuệ - thì màu vàng do nhạc của Bach tạo ra sẽ làm tăng thêm màu trong hào quang vì đồng thanh tương ứng. Cho là họ khác thường, không có chút thiện cảm trong lòng và hệ quả là không có tí ti nào màu xanh trái táo trong hào quang - là màu tương ứng với lòng thiện cảm - , thì họ sẽ trơ trơ với ảnh hưởng của nhạc Mendelssohn. Ngược lại nếu họ có đôi phần tính này thì khi ấy sẽ được hưởng lợi ich rất nhiều từ cả hai buổi hòa tấu, một loại nhạc tác động lên thể trí, loại kia lên thể tình cảm. Không cần phải nói, nguyên tắc này cho ra vô số dạng thức vì hào quang con người được tạo bằng rất nhiều màu, tương ứng với các đặc tính của họ. Kết quả là nhiều ảnh hưởng khác nhau có thể tác động cho riêng thể tình cảm vào cùng một lúc.

Cyril Scott
(The Esoteric Influence of Music throughout the Ages)