THAM  THIỀN

 

Hỏi: Làm sao ngăn cho tham thiền trở thành chỉ là việc suy nghĩ suông ?
Đáp: Trong đời sống hàng ngày, bình thường chúng ta đồng hóa chính mình với thể xác – phần xương thịt. Ta phải có nỗ lực thật sự bằng ý chí để ý thức là ta đang đắm chìm trong ảo ảnh. Trong khoa yoga bạn phải phá tan màn ảo ảnh đó và cái trí của bạn là khí cụ để dùng. Ta chủ ý thực hành, nói câu:
- Tôi là Cái Ngã Tinh Thần
cho tới khi nó trở thành thực tại. Đó là việc mau lẹ tái trụ vào Chân ngã và vượt qua khỏi phàm ngã. Tôi đã làm vậy lâu ngày nên biết rằng đó là sự thực. Việc xác nhận này là một bài để tập luyện và bạn phải dùng nó theo cách trên, cho đến khi thực tại thấm nhuần tâm thức. Nó giống như lúc mới học dương cầm. Đầu tiên bạn học các nốt, rồi học cách dùng các ngón tay và cách đánh các phím. Sau đó bạn học vài bản nhạc và rồi cứ chơi lập đi lập lại cho tới khi bạn có thể chơi đúng cách, chót hết bạn có thể bắt đầu diễn tả những điểm tế nhị của âm nhạc. Ta thấy ngay là giai đoạn đầu nay trở thành bán tự động.
Khi bạn bắt đầu phần thứ hai, tư tưởng dần dần hóa ra bớt phá khuấy và khi bạn đọc lời xác quyết:
- Tôi là Thiêng liêng.
thì diễn trình suy nghĩ gần như ngừng lại và xẩy ra một ý thức về sự sáng – bất tử, bất hư hoại, ánh sáng tinh thần tỏa chiếu khắp vũ trụ. Suy nghĩ bây giờ có tính chất của thượng trí – trực giác. Với câu cuối:
- Tôi là Cái Ngã Vĩnh Cữu, Cái Ngã là tôi.
thì không còn tư tưởng. Đừng nghĩ gì thêm. Tôi biết lời khuyên này rất khó cho người bình thường làm theo, vì bạn không thể thực sự giữ yên cái trí. Nhưng trong yoga này và những hình thức khác của yoga, cái trí hóa tĩnh lặng. Cái trí của tôi ngưng lại rất sớm, làm như trí tuệ hóa tan loãng. Nếu giữa chừng cuộc tham thiền cái trí của bạn tĩnh lặng thì đừng làm xáo trộn nó. Đừng tưởng tượng rằng bạn phải theo đúng bài tập khi tới giây phút mà tất cả tĩnh lặng trong cũng như ngoài. Trạng thái ấy có nghĩa Chân nhân đang tiếp tục tham thiền ở cõi cao hơn. Đừng khuấy động nó !

Hỏi: Trong cách tham thiền này tâm thức trụ ở tim hay ở giữa đầu ?
Đáp: Ý chính của tham thiền là 'Trở thành là một với đấng chủ trị bất tử của nội tâm, nằm ở tâm của mọi chúng sinh'. Những chữ 'đấng chủ trị bất tử của nội tâm nằm ở tâm của mọi chúng sinh' lấy từ kinh Bhagavad Gita (Chí Tôn Ca). Theo ý tôi, nghĩa của chữ 'tâm' là trung tâm của sự hiện hữu – tâm của bản chất của bạn. Trong tâm của bản chất này là Thượng đế của vũ trụ. Đó là ý tưởng của người Ai Cập về cái tâm. Nó có liên hệ rất ít với thân xác. Nằm ở tâm của mọi chúng sinh có nghĩa cái tâm của bản chất bạn. Nếu bạn nghĩ bản chất này như khối cầu thì nó là trung tâm. Nếu tôi có thể nói về cá nhân thì bây giờ, gần như luôn luôn tất cả sự tham thiền của tôi đi vào giữa đầu, trúng hay sai thì không biết. Tôi thấy là phần tinh thần trụ vào hốc não thứ ba trong não bộ – tức phần gọi là hypothalamus. Sáng nay khi tôi đọc:
- Chân ngã trong tôi là một – Chân ngã là tôi là một với Chân ngã của muôn loài.
không rõ vì lý do nào nó là mặt trời chói sáng mọi nơi bên trong và bên ngoài. Tôi chìm vào điều mà bạn có thể gọi là phản ảnh của mặt trời – có lẽ là sự đồng hóa phần nào với đức Thái dương Thượng đế ở trung tâm của mặt trời.
Có người tham thiền trong trái tim – nhất là ai sùng tín hơn. Trung tâm của tâm thức nằm ở quả tim. Đừng nghĩ rằng bạn phải tuân theo một luật nào đó, tất cả chúng ta đều khác nhau vì vậy luật không thực sự quản trị chúng ta. Đôi khi cũng tốt nếu ta bắt đầu tham thiền bằng cách ngân thánh ngữ OM hoặc AUM để tạo rung động trong bầu không khí, nó có nghĩa 'Tôi là Cái Đó – Cái Đó là Tôi'. Nó hàm ý hợp nhất và mọi điều mà người tham thiền đi tìm để hiểu. Nó là lời kêu cầu, là sự ban phép lành, lời hứa và xác nhận; lời kêu cầu Thượng đế mà bạn là, kêu cầu sự Thiêng liêng. Làn rung động của chữ huyền bí, lạ lùng và giản dị này làm khích động những tế bào não khi nó đi qua đầu và vào hào quang. Nó làm bạn rời khỏi tâm thức của thân xác tới một mức nào đó.
Điều quan trọng là bạn nên nhớ rằng không một lời nào hay sự xác nhận, khẳng định của bất cứ hội viên nào có tính ràng buộc dù là rất ít, và được xem là xác nhận đúng và càng không phải là xác nhận sau cùngvề Theosophia hoặc chân lý. Vì vậy khi tìm cách trả lời bất cứ câu hỏi nào, tôi sẽ chỉ đưa ra tư tưởng của tôi để mọi người suy xét – xem có giá trị gì mà không có gì hơn. Chuyện gần như  không tránh được là điều gì tôi nói sẽ bị kinh nghiệm và việc học của tôi nhuộm mầu.

Hỏi: Có cách thở đặc biệt nào nên dùng trong khi tham thiền ?
Đáp: Theo tôi hiểu, theo Theosophia thì tham thiền là phương pháp hướng cái trí về chân lý trừu tượng, với hy vọng là có được hiểu biết sâu hơn và sâu hơn nữa, không phải chỉ có hiểu biết bằng trí tuệ mà có ý thức đào sâu hơn và kinh nghiệm về chính chân lý, và sự hợp nhất với bất cứ gì là cái nguồn của chân lý. Trong khi vài hình thức thở có thể có ích, theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của tôi thì chúng không có gì cần thiết.
Việc suy ngẫm về Thiêng liêng là hành động trí tuệ và tinh thần, và dường như bạn quên đi thân xác cùng diễn tiến sớm chừng nào tốt chừng ấy. Bạn càng chú tâm vào thân xác và diễn tiến thì chuyện càng hóa tệ hơn. Vậy hãy làm ngơ cơ thể – quên cái ngã và hòa tan vào Thiêng liêng càng mau càng tốt. Đây có thể là câu trả lời rất tổng quát và không thỏa đáng, nhưng đó là điều tôi tin.
Có nhiều cách thở sinh ra ảnh hưởng nào đó trong việc chuẩn bị trí và thân cho việc tham thiền thành công. Cách đơn giản nhất là thở chậm lại. Mọi cách tham thiền cần bắt đầu bằng việc xếp đặt để cơ thể ở trong trạng thái hoàn toàn tự nhiên. Chỉ và chỉ khi ấy cái Ngã bên trong mới hòa vào với Thiêng liêng Duy nhất. Thông thường khi bạn khởi sự rút vào bên trong, hơi thở tự nó bắt đầu chậm dần mà không cần chú ý.
Có một cách thở theo đó bạn hít vào qua cánh mũi này và thở ra qua cánh mũi kia. Nó gọi là cách thở nhật nguyệt hay âm dương. Ta thở nhịp nhàng với những lúc nghỉ, chủ đích là hòa hợp từ lực âm và dương trong cơ thể bằng cách hít vào sinh lực prana âm và dương. Nhờ vậy có được sự quân bằng trọn vẹn của cơ thể và tâm thức tiếp nhận được chân lý cao cả nhất.
Tôi muốn nghiêm trọng khuyến cáo mọi người không tập bất cứ cách thở nào mà theo đó tâm thức trụ vào một phần của cơ thể – nhất là huyệt xương thiêng và đan điền. Luật trong huyền bí học nói rằng bạn không nên chú tâm vào bất cứ bộ phận hay cơ quan nào trong cơ thể mà thấp hơn trái tim. Theo ý riêng của tôi, chuyện lý tưởng là quên đi cơ thể – đi ra xa khỏi nó và tiến vào tâm thức của Chân Ngã và cao hơn nữa. Lúc ban đầu bạn có thể tập kềm chế hơi thở như là hít vào chậm rãi, theo cách có kiểm soát, sâu vào hoành cách mạc, giữ hơi thở đếm tới tám, 12, hoặc 16 và rồi thở ra chậm chạp. Làm vậy để hòa điệu và làm cơ thể nhậy cảm nhưng tới cuối cách tập như vậy không còn cần  nữa.

Hỏi: Khi tham thiền ông có đề nghị là kích thích một luân xa nào không ?
Đáp: Trong yoga, là khoa học về sự hợp nhất với Thiêng liêng hoặc hòa mình vào đó, có phần về hiểu biết những luân xa khác nhau, phận sự của chúng và việc khơi dậy chúng. Tuy nhiên nói về tham thiền thuần túy thì kinh nghiệm của tôi là tốt hơn ta nên quên trọn cơ chế về tâm thức và rời khỏi nó đi vào trạng thái cao nhất bạn có thể lên tới, và tan biến vào Một sự sáng – vào một biển mênh mông ánh sáng – giống như nước trong nước, chân không trong chân không, ánh sáng trong ánh sáng như kinh Upanishads (Áo Nghĩa Thư) viết. Khi bạn tiến gần đến trạng thái này, những cơ chế của cơ thể kể luôn cả các luân xa, tất cả sẽ chìm dần khỏi tâm thức. Bất cứ việc kích thích hoặc khơi dậy các luân xa sẽ tự nhiên diễn ra không cần bạn chú ý tới nó.

Hỏi: Dành nhiều thì giờ cố công đạt tới trạng thái tâm thức cao hơn bình thường thì có ích kỷ ?
Đáp: Chuyện tùy thuộc vào động cơ – động cơ lý tưởng trong yoga là trở nên hữu hiệu hơn trong việc giúp đỡ người khác, và như vậy đương nhiên không ích kỷ chút nào. Có câu nói trong triết lý bí truyền rằng chỉ có Một Sự Sống, và tất cả hình dạng của cá nhân tách biệt nhau chỉ là ảo ảnh. Cái sự sống, sinh lực và tâm thức duy nhất này thấu nhập tất cả, bảo tồn, được ví như đại dương thấu nhập mỗi hạt nguyên tử trong vạn vật và hòa nó vào làm một. Như thế theo sát nghĩa tất cả chúng ta là một. Nói về con người thì chúng ta không có bất cứ phân chia gì – chúng ta là một đơn vị.
Các vị nam nữ tu sĩ trong phòng thiền của họ, nhà yogi trong rừng sâu, hang động và ashram – tất cả những ai cố ý lánh đời và người với mục đích tập trung tư tưởng để đạt tới nhận thức này – họ có ích kỷ không ? Với hiểu biết của mình tôi khẳng định rằng không, vì việc đạt tới sự hợp nhất với cái Vô Cùng của bất cứ một đơn vị nào của sự sống được tất cả ai khác chia sẻ. Việc nâng cao tâm thức hay gia tăng quyền lực của bất cứ một cá nhân nào làm trọn nhân loại hân hoan rung động theo, và được mọi người chia sẻ vì chúng ta là một. Cái động cơ phải là việc đạt tới sự nhận thức mình làm một với Thiêng liêng.
Tôi phải nói thêm cho rõ câu trả lời này là có người nghĩ rằng họ có thể đạt được quyền lực đối với người khác, và ép họ theo ý chí của mình bằng cách thức huyền bí. Đương nhiên như thế là hoàn toàn ích kỷ. Động cơ là yếu tố quyết định.

Hỏi: Làm sao người ta có thể kiểm soát cái trí bay nhẩy vẩn vơ và tình cảm xáo động khi tập tham thiền ?
Đáp: Đây là vấn đề cá nhân và chỉ có thể giải quyết bằng cách tự mình xem xét để tìm căn nguyên của những khó khăn của chính ta. Bạn phải biết trọn về mình từ tuổi thơ trở đi. Câu trả lời chung là hãy quên hẳn cái phàm ngã của bạn. Chìa khóa của tính tinh thần là quên mình, và nó cũng là chìa khóa để có hạnh phúc – thực ra nó là điều thiết yếu để có hạnh phúc.
Yoga là tiến trình của việc quên mình, cách bỏ quên cái ngã. Tôi không phải là thân xác này. Tôi không phải là tình cảm. Tôi không phải là cái trí – những điều này là lớp áo mà tôi đang mặc. Tôi là Chân Ngã – Tôi là Cái Đó. Nó như thể bạn cởi bỏ hết tất cả y phục và đứng người trần trụi trước mặt Đấng Tối Cao. Mỗi ngày, nơi chỗ riêng tư, với cơ thể an tịnh, tư tưởng phải tách ra khỏi thế giới phù du, thoảng qua bao quanh chúng ta, và trụ vào các chân lý vĩnh cữu, giữ ở đó với ý thức mình là một với vạn vật – 'Tôi ở trong Thượng Đế và tôi trong bạn và bạn trong tôi' – là một, chỉ có một, duy nhất ! Hãy quên cái ngã của bạn và theo đuổi công việc của cái Ngã tinh thần, nó sẽ mang lại hữu hiệu thêm, có khả năng hơn, và làm chủ nhiều hơn sự sống.
Nếu bạn muốn đi sâu vào huyền bí học, ngay ở bước đầu tiên bạn phải khơi dậy và sử dụng ý chí của mình. Bạn không đạt được gì trừ phi bạn thật sự quyết tâm làm chuyện ấy – quyết tâm với dứt khoát rõ rệt. Hãy dùng ý chí để chịu đựng – đó là lời đáp cho câu hỏi của bạn. Hãy vượt lên trên những vấn đề của bạn và giải quyết cho xong.

Hỏi: Có lúc nào ông cảm thấy quá già để thực hành những tập luyện tinh thần này ?
Đáp: Không, bao lâu mà trí não còn dẻo dai và có khả năng suy gẫm về chuyện vĩnh cữu thì cứ thực hành. Khi não bộ bị ảnh hưởng nhiều của tuổi già thì bạn có thể ngưng. Tham thiền và suy gẫm về Thiêng liêng là một trong những cách duy trì sức khỏe và sự trẻ trung hay nhất mà bạn có thể làm. Nếu bạn tiếp xúc được với tâm thức cao là bạn tiếp xúc được với thuốc trường sinh. Mỗi lần bạn lao vào đó là mỗi lần bạn sinh ra mới mẻ, và như vậy tham thiền thực sự giữ cho bạn trẻ trung luôn.

Hỏi: Để tham thiền thành công thì ta có cần phải ăn chay ?
Đáp: Không, không cần, bạn không phải là cái gì hết. Trong Theosophia không có luật về cuộc sống. Ai cứ làm y như họ thích bao lâu mà họ để người khác cũng được tự do giống vậy, và không xâm phạm vào sự tự do của người khác. Phong trào của chúng ta không đòi hỏi người ta phải ăn chay.
Dầu vậy, ta hãy thử nhìn vào câu hỏi này – ta hãy phân tích nó. Đa số các huyền bí gia từ Pythagoras đến Plato kể luôn cả những ashram bên Ấn ngày nay đều đòi hỏi đạo hữu phải ăn chay.  Tại sao ? Nó không phải là một luật do Chân sư hay guru hay đạo trưởng của một trường phái áp đặt cho ai theo họ. Một câu ngạn ngữ của Đức nói rằng 'Bạn ăn cái gì thì bạn là cái đó'. Câu nói ấy đúng chân lý phần nào vì khi hấp thu và tạo cơ thể của bạn bằng mô động vật, thực phẩm động vật và chất liệu động vật chịu ảnh hưởng của loài ngay bên dưới chúng ta, về một mặt nào đó bạn động vật hóa chính bạn.
Ngày nay, nói về ảnh hưởng của tâm lý đối với thể chất, người ta biết rõ là tình cảm cho ảnh hưởng rất mạnh lên ý thức của thân xác. Gần như tất cả thú vật dùng làm thức ăn cho người bị chết trong cảnh kinh hoàng, lo lắng và hãi hùng, và những điều ấy in sâu vào các tế bào của chúng. Khi tới phiên những tế bào này được đem vào thân xác con người, bạn có thể nói là sự kinh hoàng, lo lắng và hãi hùng đi theo chúng vào tâm hồn ta.
Mục đích của tham thiền là ý thức sự hợp nhất với vạn vật. Khi sự hợp nhất ấy có được rồi, nó sinh ra một cảm giác lạ lùng và tuyệt diệu đầy từ tâm, một tình thân ái dịu dàng tuyệt trần cho mọi điều và mọi vật. Như thế, về mặt lý tưởng mà nói, ta ngần ngại không muốn sát hại bất cứ sinh vật nào do lòng từ. Có một sự đau khổ không tả được và không đo lường được, không thể tách rời với việc buôn bán thịt nên nếu bạn ăn thịt thì có ý cho rằng bạn kết nối chính mình với sự đau khổ ấy. Để hưởng thụ – mà bạn có thể cho đó là điều cần thiết – bạn liên kết mình với và tham dự vào chuyện ghê gớm của lò sát sinh và nơi làm thịt thú vật. Xem nào, tất cả những chuyện này đi ngược với lý tưởng của tinh thần.
Mục tiêu về mặt vật chất của tham thiền, việc thở, tư thế, đọc thánh ngữ và bất cứ việc gì bạn có thể làm cho luân xa – tất cả những điều này chỉ là để làm cho trọn con người của bạn càng ngày càng nhậy cảm hơn, càng lúc càng thanh bai hơn. Bạn phát triển từ việc nhận làn sóng dài qua trung bình tới làn sóng ngắn của tín hiệu từ Chân ngã. Thế nên bạn phải cẩn thận đem vào bên trong thân xác chỉ những chất liệu nào làm tăng bội sự tinh tế đó. Ấy là lý tại sao nhiều người cầm đầu những trường huyền bí đòi hỏi học viên phải là người ăn chay theo sát nghĩa.
Người theo Ấn giáo có ý tưởng đẹp đẽ mà họ gọi là ahimsa, hoặc không gây hại. Theo đó ahimsa có nghĩa không gây đau đớn trong tư tưởng, tình cảm, lời nói, tay chân, giọng nói và con người. Nói về mặt cốt yếu, nó là yoga, vì mục tiêu là trở nên là tâm từ tuyệt đối, thân ái và tốt lành đối với người và vật. Đó là cái lý tưởng tuyệt vời. Ăn thịt đi ngược lại với lý tưởng này nên các vị nói trên dạy ta đối nghịch với ý này, vì nó ngược lại những luật của thiên nhiên. Ăn thịt làm thân xác nặng nề, trong khi lý tưởng của yoga là làm cho nó nhậy cảm hơn. Nó giống như lái xe hơi mà luôn luôn gài thắng tay. Chuyện cũng y vậy với uống rượu và hút thuốc lá. Tuy nhiên hội viên hội Theosophia hoàn toàn có tự do trong việc chấp nhận hay không những điều này.

 

Tham Thiền theo Nhóm

Chúng ta có thể đẩy lui mọi ảnh hưởng và sự hiện diện xấu xa và bằng lực của ý chí chúng ta, và với sự trợ giúp của thiên thần, đem ánh sáng và năng lực linh động tràn ngập bầu không khí. Sau đó, do sự hiện diện của mình, thiên thần sẽ canh giữ nơi ấy và duy trì nét thanh khiết cùng sự hòa điệu đã được sinh ra. Những khu vực hắc ám có tệ nạn, bệnh tật và nghèo khó làm nhiều thành phố của chúng ta bị tai tiếng có thể được gột sạch và luôn cả việc thanh tẩy vĩnh viễn bằng nỗ lực liên tục theo cung cách này.
Nhóm tham thiền luôn luôn là cách hữu hiệu nhất để đạt tới các mục đích trên. Ai quyết tâm và có ý nguyện giống nhau muốn phụng sự theo những cách này, có thể họp thành nhóm cho mục tiêu đặc biệt ấy. Ngồi thành vòng tròn, họ nên hướng tư tưởng về sự hòa điệu và hợp nhất, cho đến khi họ cảm thấy nhóm và thiên thần đồng sự hòa làm một. Một người trong nhóm có thể đọc lời cầu nguyện, sau đó là một lúc im lặng và tham thiền, và nhóm phóng trọn lực cùng sự tập trung của ý chí hợp nhất của họ đến chỗ hoặc ai được chọn là người nhận sự trợ giúp của nhóm. Các thiên thần trong nhóm có thể đóng vai trò như là tác nhân mang và duy trì lực, làm việc cho mục tiêu mà vì vậy nhóm triệu thỉnh họ.
Bởi năng lực mà ai biết cách gọi thì vô tận, và bởi thiên thần có hằng hà sa số, ta không có giới hạn cho số nguyên do hay số người có thể tiếp tục được giúp theo cách này. Nếu ta mở lòng đối với sự đau khổ của con người, và thực hành sự hợp tác với nhau và với thiên thần, chẳng mấy chốc ta sẽ hóa thiện nghệ trong việc làm này, nhờ vậy gia tăng rộng rãi tầm mức sinh hoạt và sự hữu dụng của chúng ta trên thế giới. Thí dụ ta có thể giúp tất cả bệnh nhân trong một bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão, tù nhân trong nhà giam, hoặc nhân viên và bệnh nhân trong viện tâm thần.
Hằng ngày chúng ta có thể tuôn năng lực của lời cầu nguyện vào những nơi này, kêu gọi một nhóm các thiên thần vào chỗ ấy và xua đuổi bầu không khí đau khổ và sầu não, trục đi năng lực của sự hắc ám và bệnh tật. Các thiên thần sẽ đáp ứng cả ngàn vị, và khi chúng ta làm việc đều đặn với họ như nhiều nhóm đã làm, họ sẽ trở thành thực tại rõ rệt với ta; chúng ta sẽ khám phá với niềm vui và sự lạ lùng ngày càng nhiều, là có một quyền lực lớn trong tay, cho phép ta trở thành trung tâm chói lọi của sự sống tinh thần và ban ân lành cho thế gian.

 

Tham Thiền trong Chi Bộ

Khi hội viên có nhóm họp đều đặn, chúng ta có thể làm được việc lớn lao hơn khi mỗi chúng ta làm theo cá nhân riêng rẽ. Đề nghị đưa ra là bất cứ nơi nào có chi bộ TTH thì một số hội viên nên họp mặt  thường xuyên mỗi ngày, để tuôn rải năng lực trong vùng. Bằng cách ấy họ có thể chuẩn bị phòng họp cho những buổi họp công cộng, tạo ra bầu không khí nâng cao và đầy năng lực, và còn có thể phóng chiếu những luồng lực mạnh mẽ để cải thiện tình trạng trong nước lẫn quốc tế. Khi có chi bộ trong những thành phố lớn, hội viên có thể chủ tâm túa rải liên tục những dải năng lực vào các vùng ổ chuột, hay vào chỗ đặc biệt nào của thành phố có tật xấu và ảnh hưởng xấu chế ngự.
Cách thức là hội viên nên ngồi thành vòng tròn, sau khi sắp đặt cho không có sự phá rối nào, họ nên ngồi tự nhiên, tâm trí không vướng bận những nỗi lo âu hằng ngày và chuyện riêng. Họ nên nỗ lực cảm nhận sự hợp nhất của nhóm, vượt lên trên mọi cảm tưởng chia rẽ và cái tôi, cho đến khi nhóm thành một khối chung sinh động, thành một vận cụ được hiến dâng cho công việc của các Chân sư và cho thế giới. Sau đó nhóm nâng cao tâm thức và thiền theo một câu, thí dụ:
' Khi trong hội Theosophia còn ba người xứng đáng với ân huệ của đấng Thế tôn thì hội không hề tan rã.'
Và rồi, hãy tưởng tượng tình thương và uy lực của ngài tỏa xuống giữa nhóm, triệu thỉnh sự trợ giúp của các thiên thần và dùng trọn năng lực ý chí trong nhóm, hội viên hãy tuôn năng lực thành làn sóng hùng mạnh  tràn ra thế giới, muốn rằng mọi sự tối tăm và xấu xa sẽ tan biến trước sức mạnh không gì kháng cự được. Lực này có thể chiếu ra theo một hướng rõ rệt hoặc bao phủ một vùng vào, hoặc nó có thể tỏa thành vòng ngày càng lớn, lan đi như ánh sáng sống động, lượn sóng này tiếp lượn kia, bao phủ khắp địa cầu.
Khi thực hành thường xuyên như vậy, một nhóm có thể mau lẹ hóa ra thành thạo trong công việc này, và có thể giúp đời theo cách thức linh hoạt nhất và căn bản nhất. Họ có thể đảm nhiệm phần mình trong cuộc chiến lớn lao giữa ánh sáng và bóng tối, và bắt đầu khởi sự làm nhẹ đi gánh nặng trên vai của những đấng chăm sóc cho nhân loại.

 

Theosophy in New Zealand, vol. 30, no. 3, 1968 G. Hodson.

Xem Các Bài Liên Quan