MA TUÝ và THAM THIỀN

 

Ngày nay khi đề nghị dùng ma túy làm 'mở rộng tâm thức' như là phương tiện thay thế hay là cái khích lệ để tham thiền, là người ta dựa vào nhận thức sai lầm cho rằng sự mở rộng tâm thức đồng nghĩa với việc đạt được những giá trị cao hơn. Nhưng chỉ mở rộng một tâm thức hỗn độn, trong đó những quan năng như óc phân biện, thăng bằng trí não và hiểu biết chưa được phát triển, không mang lại tiến bộ hơn, và do đó không dẫn tới việc thành đạt hoặc có ý niệm về một tâm thức cao hơn; nó sẽ chỉ dẫn tới sự hoang mang tệ hại hơn, sự vô minh tăng bội (vô minh mở rộng !) và bị lôi cuốn không phân biệt vào những cảm tưởng và cảm xúc luông tuồng không đầu đuôi. Vì vậy, người khôn ngoan sẽ đi theo lời khuyên của những vị lãnh đạo tinh thần cao cả đã gia ân cho nhân loại, học tập trung trí não và trau dồi tính chất của trí năng, thay vì tìm cách mở rộng nó không theo trình tự hay lý do nào, tức không phát triển trước đó khả năng hiểu biết hoặc óc phân biện.
Phương tiện chính của việc mở rộng tâm thức loại này là thuốc kích thích LSD, và ai ca ngợi nó như là cách thay thế cho tham thiền thì chỉ là những người không có kinh nghiệm lẫn không biết gì về chuyện tham thiền. Họ chưa hề qua cuộc tập luyện tinh thần chặt chẽ nào còn gọi là sadhana, dựa trên hằng ngàn năm kinh nghiệm và thâm cứu tâm lý, được nhiều truyền thống tâm linh tuyệt vời của nhân loại chỉ dạy và truyền lại.
Trong sự tham thiền nay việc dần dần đạt tới sự hòa nhập, chúng ta không quan tâm đến sự 'mở rộng tâm thức, mà để ý tới việc tâm thức tăng cường hơn như Jean Gebser, một trong những tư  tưởng gia sắc bén nhất trong thời đại chúng ta, nói rất đúng:
- Lỗi lầm mà người ta phạm phải ngày nay, và có nguyên nhân là óc duy lý thiên về việc nhấn mạnh phẩm chất, là chủ trương rằng vật chất 'có nhiều hơn' thì phải đi đôi với việc tâm thức 'có nhiều hơn'. Tuy nhiên, cái 'nhiều hơn' này chỉ liên quan đến kiến thức phản ảnh lại có tính số lượng mà thôi. Chỉ vì lý do đó, ta phải khăng khăng rằng con người phải không thể rơi vào sự sai lạc là nỗ lực mở rộng tâm thức, mà điều đáng nói là có tâm thức tăng cường thâm sâu hơn. Chỉ có mở rộng tâm thức sẽ dẫn tới việc hủy hoại như vật chất bị nghiền nát thành tro bụi, là điều đã xẩy ra phần nào.
Ta chỉ cần nhìn  vào hội họa đương thời, loại tranh vẽ gọi là nghệ thuật do thuốc kích thích tâm thần (psychedelic art), chúng trông như được vẽ bằng cách chắp nối hàng ngàn mảnh vụn với nhau, tựa như tấm gương bị đập vỡ nát thành trăm mảnh trong đó thế giới được phản chiếu lại và vỡ vụn thành khối xà bần gồm những chi tiết rời rạc, và chúng ta sẽ hiểu tiến trình tan nát thành tro bụi dẫn tới điều gì.
Tuy nhiên, khác biệt chính yếu giữa những trạng thái tâm thức do thuốc kích thích LSD và tham thiền sinh ra – ở đây tôi không bàn về lý thuyết mà theo kinh nghiệm riêng của tôi – là thuốc LSD hoàn toàn làm ta không còn chút tự chủ, chúng ta bị tình cảm vùi dập mất kiểm soát, bị sự hoang tưởng hoặc hình ảnh của óc tưởng tượng hỗn loạn làm mê hoặc, khiến sức chú tâm bị phân tán và hoang mang vì hàng ngàn hình ảnh vỡ vụn và ấn tượng của cảm quan.
Ngược lại, tham thiền là tiến trình sáng tạo biến sự hỗn loạn gồm tình cảm, tư tưởng, ham muốn không kiểm soát trào dâng, và những nội lực tranh chấp nhau thành 'thế giới' hòa hợp có ý nghĩa, trong đó trọn những quan năng tâm linh tụ lại và hòa nhập vào vùng thẳm sâu của tâm thức.
Chỉ có sự sáng tạo của nội tâm này mới biến chúng ta thành sinh vật tinh thần có ý thức, và nâng chúng ta lên khỏi những lôi cuốn mù quáng của thú tính trong người, ràng buộc ta vào vòng luân hồi rối rắm. So sánh thì thuốc kích thích LSD đưa con người đi xa khỏi tâm ấy vào tiềm thức càng lúc càng chia năm xẻ bẩy vụn vặt, rời rạc; tuy trong khoảnh khắc làm ta lưu ý nhưng biến ta thành khán giả hoàn toàn thụ động xem phim tâm thần; càng xem lâu chừng nào nó lại càng chắc chắn bóp nghẹt hứng khởi sáng tạo và mọi nỗ lực cá nhân hướng đến việc ý thức điều trên.
Về mặt này có lẽ ta nên nhớ lại lời của Goethe:
- Điều chi bạn thừa hưởng của tổ tiên thì bạn phải dùng chính nỗ lực của mình để có được nó nếu bạn muốn nó là của bạn.
Hiểu theo nghĩa rộng, chữ 'thừa hưởng của tổ tiên' là sự thừa hưởng từ quá khứ của chính chúng ta và đi tới cùng là trọn vũ trụ mà từ đó ta sinh ra, hay thiền học Phật giáo thường gọi là 'bản lai diện mục'. Cái  'bản lai diện mục' này không phải là gương mặt của Phật tính đã thành hay sắp thành của chúng ta, tuy nó có thể chứa đựng mọi tiềm năng của cái trí giác ngộ. Tôi định nghĩa nó như là sự phản ảnh của tâm thức thâm sâu trong vũ trụ, mà dùng ngôn từ Phật giáo ta gọi đó là Alaya thức (tàng thức), nơi chất chứa kinh nghiệm thâu thập của mọi chúng sinh, kinh nghiệm của quá khứ vô tận – trong đó cất giữ mọi dạng khả hữu của sự sống, từ trạng thái tâm thức thấp nhất đến cao nhất (hay từ chiều đo tâm thức sơ khai nhất đến vô biên nhất), từ thúc đẩy mù quáng, hung hãn, điên cuồng và đam mê tàn bạo đến hoạt động chí thiện của những đấng thiêng liêng  hay ai đã giác ngộ, những người mà động lực vô thức và đam mê mù quáng trong tâm đã được thăng hoa thành tri thức thông suốt, tình thương, lòng từ.
 Cho rằng cái Alaya thức này là 'Phật tánh', và tin rằng chỉ cần áp chế hay loại bỏ tư tưởng và ước nguyện của chúng ta, ý chí và óc phân biện – nói tóm tắt là trọn bản ngã và trí tuệ của ta – là ta có thể đạt được sự giác ngộ của Phật, thì thật là tin tưởng ngây thơ và là giả thuyết không có căn bản, không được kinh nghiệm hỗ trợ và phản bác lại trọn truyền thống của Phật giáo vốn quan tâm đến sự thăng hoa, hòa hợp, hòa nhập mọi khả năng và tính chất của người.
Truyền thống ấy nhấn mạnh đến những điều sau:
- Sự quan trọng của tinh tấn, hành trì,
- Óc phân biện, minh triết bát nhã,
- Lòng từ bi với mọi chúng sinh.
thấy nơi các bậc thầy giác ngộ của nhân loại.
Người ta không thể có được sự giác ngộ bằng cách ngồi thiền thụ động, hoặc mạnh mẽ đè nén tâm tình và tư  tưởng trong lòng, hoặc tuyệt vọng tranh đấu để tìm giải pháp cho vấn đề nghịch lý nào đó. Chìa khóa của sự sáng tạo không thể tìm được nhờ tâm trụ cứng ngắc hoặc sự mở rộng tâm thức bằng phương tiện giả tạo.
Làm giảm vùng nhận thức tinh thần xuống còn một điểm duy nhất, một đề tài độc nhất, ý niệm, hay chuỗi tư tưởng, gạt bỏ mọi tư tưởng hay ấn tượng cảm quan khác – tương ứng với việc có quan điểm đứng một mình gạt bỏ mọi ý khác, theo đó chỉ có thể có một nhận xét hẹp hòi một chiều – ngăn chặn không cho nhận ra tương quan tự nhiên giữa đối tượng của ta với môi trường cũng như là với chính chúng ta. Loại tập trung tư tưởng này được dùng trong khoa học và tư tưởng luận giải, dựa trên những luật chặt chẽ về lý luận, không thích hợp để đưa tới giác ngộ, giống như việc mở rộng tâm thức không phân biện của một người thiếu kinh nghiệm không được huấn luyện, không có hiểu biết hoặc nhận xét để có thể hiểu hoặc sử dụng được sự kiện tâm thức mở rộng này.
Người như vậy ở trong cùng vị thế như ai khác không được chuẩn bị về mặt khoa học và thiếu kinh nghiệm mà được ngồi vào phi thuyền phóng lên không gian; kinh nghiệm của họ trải qua sẽ giống như của phi hành gia, nhưng khi trở về địa cầu họ cũng  vẫn vô minh y như khi rời nó; vì điều gì thấy và kinh nghiệm không thể mang lại ý nghĩa nào mà chỉ có thể dẫn đến sự hoang mang, rối trí và sợ hãi.
Nếu giả dụ kinh nghiệm do thuốc kích thích mang lại tương tự như  do tham thiền hay ảnh tượng huyền bí (không có chứng cớ nào về việc này vì ai dùng thuốc kích thích không có hiểu biết về tham thiền thật sự), chúng không thể truyền đạt cho ai không được huấn luyện về mặt tinh thần điều gì có ý nghĩa sâu xa hơn về những khải thị và kinh nghiệm ấy, do việc họ không có khả năng diễn giải ngôn ngữ của biểu tượng và hiện tượng tâm linh.
Họ sẽ không thể suy ra được liên hệ ý nghĩa giữa chính họ là người quan sát và hiện tượng được quan sát – nói khác đi, giữa tâm thức sâu thẳm mênh mang và tâm thức cá nhân ngoại biên – vì họ bỏ sót con đường dẫn từ ngoại biên của tâm thức bình thường lúc thức tỉnh vào tâm thức thẳm sâu hay nội tâm của họ. Kinh nghiệm của con đường này, vốn dẫn ta đi từng bước từ tâm thức ngoài mặt vào chiều sâu của trí tuệ theo tiến trình tham thiền nhập định, có tầm quan trọng hết sức lớn lao vì nó sử dụng và kích thích mọi quan năng suy nghĩ, cảm xúc và trực giác của ta. Ai tin rằng họ có thể chỉ dựa vào trực giác trước khi kiểm soát được hoạt động trí tuệ căn bản trong sinh hoạt thường ngày, sẽ không thể nào phân biệt được chân lý và việc tự lừa dối mình.
Do đó, chỉ có 'mở rộng' tâm thức mà thôi không có giá trị gì trừ phi ta tìm được tâm điểm trong lòng, nơi mà trọn quan năng của trí tuệ và tâm thần hòa nhập, và mọi kinh nghiệm của ta xem đó như là tác nhân phán đoán và quan tòa tối hậu. Cái tâm điểm bên trong này nằm giữa một bên là tâm thức cá nhân ở ngoại biên của trí tuệ, và bên kia là tâm thức thẳm sâu vô ngã trong đó ta dự phần vào sự sống rộng lớn hơn của vũ trụ. Khi tâm này hoạt động đúng cách, trọn ấn tượng có được là sự hòa hợp với sự sống bên trong. Nội tâm và ngoại giới hiện hữu không phải nghịch nhau mà cho nhau.
Khuynh hướng tập trung về tâm điểm không phải chỉ là điều cần thiết về sinh học và tâm lý, mà còn là một luật về động lực học trong vũ trụ, tác động khắp nơi từ tinh vân xoắn ốc đến thái dương hệ, hành tinh và âm điện tử: mỗi chuyển động có khuynh hướng tạo nên một tâm hay một trục cho riêng nó, như là hình thức ổn định duy nhất có thể có bên trong sự vận hành bất tận của mọi sinh vật. Do đó, ở đâu mà sự sống ý thức được chính nó thì có sự hướng tâm mới, tinh tế hơn xẩy ra trong tâm thức cái tạo nên tâm điểm riêng của nó, chuyển động như thể nó ở trên một trục bất tận từ quá khứ xa xăm đến một tương lai cũng xa như vậy (đối với chúng ta), hay nói đúng hơn nó đi tới một  hiện tại (mà đối với chúng ta) đang ở trong trạng thái biến đổi không ngừng.
Tâm thức thẳm sâu trong vũ trụ là điều thông thường đối với tất cả chúng ta, nhưng nó có nghĩa gì, ta có thể chắt lọc được gì từ đó để mang lên bề mặt, lại tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Giống như nước trong đại dương chứa đựng đủ mọi chất liệu hòa tan trong biển, tâm thức sâu thẳm trong vũ trụ cũng chứa đựng tiềm năng của mọi tính chất tâm linh.  Ta có thể chưng cất để lấy được vàng hay là muối ăn thông thường từ nước biển, tùy theo nồng độ và phương pháp sử dụng. Cũng tương tự vậy, từ tâm thức thẳm sâu của vũ trụ ta có thể lấy ra được lực thiêng liêng hay ma quái, năng lực thúc đẩy hay hủy diệt sự sống, năng lực của ánh sáng hay tối tăm.
Ai rơi vào hố sâu của tâm thức vũ trụ này mà không tìm ra tâm điểm trong lòng sẽ bị nó nuốt gọn hay là bị cuốn trôi tới chỗ diệt vong của họ, như con tầu không bánh lái bị lạc trong đại dương mênh mông. Vùng thẳm sâu diệu vợi chỉ lộ ra kho tàng của nó cho ai khôn ngoan. Dầu vậy, hiểu biết và minh triết có được nhờ kiên nhẫn quan sát những lực của sự sinh tồn trong cái trí phẳng lặng như gương, trong đó mối liên hệ bên trong của vạn vật  được hiển hiện và sự trực nhận của chúng ta mang lại thành quả.
Nhưng nếu trực giác không tìm được sự biểu lộ rõ ràng, nó không thể cho ảnh hưởng hữu dụng trong đời mà tan biến trong sự mơ hồ của tình cảm mông lung, tưởng tượng không đầu đuôi, mộng ước xa vời vì không lực nào có tác dụng nếu không được tạo ra, có nghĩa được tập trung và theo hướng vạch rõ. Mặt khác, tư tưởng và hiểu biết hay chân lý được phát triển chỉ bằng trí tuệ phải được kiểm chứng trong đời bằng kinh nghiệm trực tiếp mới thành thực tại sống động. Chỉ khi ấy chúng mới có khả năng biến đổi đời ta và tác động lên bản chất sâu kín nhất của ta.
Những ai chỉ dùng tư tưởng của mình tiếp tục là tù nhân của tư tưởng, cũng như ai chỉ sống với trực giác  mù mờ vẫn là tù nhân của tâm tình và ấn tượng thay đổi theo hứng của họ. Còn những ai có thể hòa hợp tư tưởng trong sáng và trực giác, sử dụng thiện xảo được cả hai. Họ sẽ có được sự tự do của trực giác và cùng lúc có thể sử dụng kết quả của nó để tạo nên thế giới tinh thần, mà cơ cấu hằng lớn mãi là mỹ lệ tuyệt hảo lẫn  sự trong sáng, với tột đỉnh của nó là viên ngọc giác ngộ chói ngời, làm hoàn thành cơ cấu ấy.

Theo:
The Lost Teachings of Lama Govinda
by Richard Power.

Xem Các Bài Liên Quan