VỀ KARMA

Về     Karma

 

 

Có nhiều cách nhìn về Karma hay luật Nhân Quả, trong phần dưới đây ta trình bầy quan điểm của ông William Q. Judge, một đồng sáng lập viên của hội Theosophy, để bạn đọc có thêm tài liệu.

1. Karma Xấu và Tốt.
Thế nào là Karma xấu và thế nào là Karma tốt ? Điều cần nói trước tiên là không ai ngoại trừ người có hiểu biết rõ ràng, có thể xác định nhân qua của ai khác. Vì vậy, chỉ nhìn bề ngoài không mà thôi để nhận xét thì có thể sai lầm, và việc sinh vào cảnh không thuận lợi hay gặp nhiều khó khăn trong đời chưa hẳn là nhân quả xấu trở lại, vì Chân nhân luôn chọn sinh vào cảnh cho nó kinh nghiệm thử thách và trở ngại, để nhờ kỷ luật đó làm phát triển sức mạnh, sự kiên cường và lòng thông cảm.
Một lý do khác nữa cho những khó khăn không do Karma sinh ra mà ta đã nói trong một số trước, là chuyện tựa như lực sĩ muốn đoạt huy chương vàng ở Thế vận hội. Họ hy sinh ngày giờ, cần mẫn tập luyện năm này tháng kia trước khi dự thi. Không ai bắt họ làm vậy, mà tự họ đặt kỷ luật cho mình và chuyên tâm theo đuổi việc huấn luyện không ngơi nghỉ trong một thời gian lâu, hầu đạt tới mục đích. Nơi con người, đó là việc chọn môi trường để tạo cho mình đức tính hay khả năng mà họ cần có.
Nói rộng hơn nữa thì có phải những thuận lợi và không thuận lợi trong đời là Karma xấu và tốt, và có nên ao ước chăng ?
Câu hỏi cần được nêu ra mà ít ai nghĩ tới, là chuyện xấu và tốt cho ai, cho con người dưới trần như ta biết, hay cho con người tinh thần bên trong đang tái sinh để học hỏi và tiến hóa ? Có người được thấy sinh ra trong cảnh rất thuận lợi nhưng không biết cách sử dụng chúng hay quan tâm đến; sự việc cho thấy điều ta cho tốt đẹp trong đời thì chưa hẳn là tốt hay may mắn theo đúng nghĩa bên trong của chữ. Các thuận lợi vật chất thì giống như không khí nóng ở miền nhiệt đới làm thân xác uể oải; nó khiến tánh tình yếu đi thay vì tăng cường cho đức hạnh. Ai sinh thuận lợi ra trong cảnh đầy đủ, thường tự mình không có khuynh hướng muốn đạt một đức hạnh gì, mà hay xẩy ra điều trái lại, vì ngũ quan luôn chìm đắm trong thế giới đầy cảm dục. Sự tràn đầy mãn nguyện về mặt cảm dục giống như kẹo ngọt mà khi ăn quá nhiều, kẹo biến thành acid trong người, và do vậy không thể gọi là Karma tốt.
Thế thì định nghĩa của Karma xấu và tốt có thể nói giản dị:
Karma tốt là loại mà Chân nhân ưa thích và muốn có; xấu, là loại Chân nhân không thích và không muốn có.
Theo ý này, Chân nhân được luật hướng dẫn và kiểm soát, theo sự công bằng và nhu cầu tiến hóa, mà không phải vì lòng ich kỷ, theo ý riêng, tham vọng hay ý muốn trả thù, sẽ chọn nơi tái sinh nào để cho nó thuận lợi nhất theo nghĩa vừa nói. Nhìn như vậy thì ngay cả một đời lười biếng, vô thưởng vô phạt của người sinh trong cảnh giầu sang cũng như là đời ai sinh ra nghèo hèn và khổ cực, đều đúng.
Nhìn về mặt đức hạnh thì cảnh nghèo khó chưa hẳn là Karma xấu, nó không có khuynh hướng tự nhiên sinh ra tánh ích kỷ, trong khi sự giàu sang dễ thấy có tánh này. Phàm nhân liên hệ có thể không thích sự sắp xếp đó, nhưng nếu Chân nhân quyết định là kiếp sau của nó như thế thì ấy là chuyện tốt lành và không phải là sự bất lợi.
Nếu nhìn kỹ thêm sự thuận lợi vật chất mà cảnh giầu sang mang lại, ta thấy ngay nó liên can với não bộ mà không là gì khác. Những điều thụ hưởng tạo ấn tượng cho ngũ quan, chúng bắt đầu từ não là ý ham muốn và rồi chấm dứt cũng ở não, nhất là hiện nay khi quan tâm về ẩm thực, thời trang, du lịch, thể thao lan tràn; tất cả chỉ nhắm vào sự thỏa mãn ngũ quan, mà để lại ít hay không có ấn tượng nào trong linh hồn khi thể xác chết đi. Không còn gì lưu lại ngoại trừ các uẩn hay khuynh hướng, tùy thuộc vào lòng ưa thích bên trong với thú vui này hay cảm giác kia. Sự thuận lợi tới cuối trở thành bất lợi.
Nay thử tưởng tượng cũng não bộ và thân xác ấy không phải ở trong cảnh an nhàn, mà phải chật vật tranh sống, không ở vị thế làm thỏa mãn ngũ quan; kinh nghiệm ấy tạo nên đức tính, cho sức mạnh, sự vững vàng, và đó là cách mà bao thời đại qua xây dựng tánh hạnh.
Dầu vậy, nhìn theo một mặt khác khi mục đích của ta là đi mau, giác ngộ để chấm dứt luân hồi, thì mục đích ấy bao gồm mục đích nhỏ hơn là chấm dứt Karma, xấu cũng như tốt; vì bao lâu còn sinh ra Karma xấu hay tốt, là ta bị luật chi phối, phải tái sinh để trang trả Karma xấu hay để hưởng Karma tốt. Vậy làm thế nào để thoát khỏi Karma và do đó không còn bị luân hồi chi phối ?
Điều này chỉ đạt được khi nguyên nhân sinh ra nó không còn, nghĩa là không còn ý về cái ngã, về tư lợi, ham muốn ràng buộc ta vào cõi trần và phải trở lại đây. Khi ham muốn tàn lụi, ý nguyện của người đã thức tỉnh hòa vào sự sống thiêng liêng, khi ấy không như là một nguyên nhân cho việc tái sinh, không còn gì duy trì nó và biến mất. Ý muốn có Karma tốt là ý sinh ra Karma, còn mục đích cao nhất là loại bỏ ý muốn có bất cứ Karma nào. Ta có thể nói điều Thiện là mục đích hơn là thành người tốt lành. Lòng bác ái muốn tạo Karma tốt cho mai sau không dẫn ta đến việc trở thành điều Thiện, hay tới mục tiêu thoát luân hồi.
Có lẽ động cơ chính đáng là hướng về điều Thiện, hơn là để có thưởng hay có hạnh phúc hay làm cái tôi lớn hơn về bất cứ mặt nào. Làm sao để duy trì động cơ này ? Có hai cách để làm vậy:
– Thứ nhất là gia tăng đều đặn ý thức về sự thành đạt tinh thần so với những việc khác.
– Thứ hai là tập thói quen dâng hiến mọi hành động, dù là cỏn con nhất, như là điều hy sinh cho sự sống.
Đây là sự tăng trưởng, tăng trưởng chậm chạp. Khi ta hiểu giá trị thực của hành động được đo bằng động cơ hay tinh thần thúc đẩy nó, mà không phải là kết quả nó sinh ra, ta sẽ thấy làm một bổn phận nhỏ cũng có động cơ ngang với làm chuyện lớn, và làm một bổn phận nhỏ của mình, dù nhỏ thế mấy, cũng là chuyện đáng làm.
Kế đó, ta nên nhớ lời kinh sách là quan tâm đến phẩm chất của hành động, không phải đến kết quả của nó. Mục đích thứ nhất của hội cho thấy rõ điều này. Việc thu thập kiến thức ngưng lại với cái chết, tập để có khả năng tâm linh không đưa ta đi xa hơn cõi tình cảm, nhưng bất cứ phát triển tinh thần nào sẽ không hư hoại mà liên tục theo ta từ kiếp này sang kiếp khác, vì tinh thần bất khả diệt. Ta nên nhắm đến mục tiêu lớn, vì nó sẽ tự động bao luôn mục tiêu nhỏ, vậy thì mọi hành động của ta phải làm mà không quan tâm đến kết quả.

2. Karma trong Kinh điển
Kinh Thánh có câu:
– Tội lỗi của cha di lụy tới ba, bốn đời con cháu. Exodus 20:5
Ta nên hiểu nó theo ý ra sao ? Một giải thích đưa ra kể chuyện khi xưa vua có con trai, người con này làm lỗi mà theo luật phải bị án tử hình bằng cách ném tảng đá lớn vào anh. Nhưng làm vậy không chữa lại được sai lầm, mà cũng không cho anh cơ hội để cải hóa thành người tốt hơn, nên các quan trong triều khuyên vua nên đập tảng đá lớn thành nhiều hòn đá nhỏ, rồi ném chúng vào người con và con cháu của họ vì tất cả có thể chịu được vậy. Chuyện được làm như thế, và mọi người can dự phải lãnh nhận hậu quả nhưng không ai bị hủy diệt.
Người ta có thể nói thêm rằng trong trường hợp này, con và cháu của hoàng tử hẳn sẽ không sinh ra trong hoàng tộc nếu họ không có liên hệ phần nào đó trong quá khứ, trong những kiếp trước, tạo nên tánh tình của hoàng tử, và do vậy phải chia sẻ một phần việc bị phạt của ông. Chỉ có giải thích như vậy và không có cách nào khác thì lời này mới rõ nghĩa.
Mỗi Chân nhân bị thu hút vào thể xác mà nó sẽ nhận lại nhân quả chính đáng, mà còn vì một lý do khác. Ấy là, chẳng những thân xác này cho cơ hội để nhân quả thể hiện, mà còn vì trong quá khứ họ có liên kết với gia đình hay dòng tộc mà họ sẽ sinh ra, tính di truyền do vậy cũng là của họ. Thế nên câu hỏi không phải chỉ là Karma và giống nhau, mà còn là trách nhiệm.
– Sự công bình đòi hỏi là linh hồn nhận Karma bất kể nó vào gia đình nào.
– Sự tương tự ấn định là họ sẽ vào gia đình nào có vài đặc tính tương tự như của họ, và do vậy có sức thu hút đối với đương sự.
– Nhưng trách nhiệm, bao gồm công lý trong đó đặt để rằng linh hồn sẽ vào giống dân, quốc gia hay dòng tộc nào đó mà nó đã dự phần trong một kiếp xưa và tạo nên đặc tính chung, hay ảnh hưởng cái di sản chi phối rất nhiều những ai can dự vô đó.
Như thế, chuyện công bình là ngay cả cháu chắt cũng nhận lãnh Karma nếu trong quá khứ họ có góp tay gầy dựng gia tộc, hay sinh ra một trật tự xã hội có hại cho ai nằm trong đó. Quyết định này được làm khi linh hồn ra khỏi Devachan và hoàn toàn công bằng, bất kể não bộ của thể xác có nhớ hay không.
Một biến thể của giải thích trên là lời khuyên của các quan là ném những hòn đá nhỏ vào hoàng tử. Chuyện được làm vậy, và kết cục là hoàng tử không bị chết mà phải đau đớn khi bị ném đá. Nó tượng trưng cho một luật khác về nhân qua, ấy là một lực Karma có thể đến trọn phần với ta, hay có thể được chia thành nhiều phần nhỏ hơn mà tổng số là trọn phần lực của Karma.
Đây là cảnh ta thấy trong cuộc sống, có người gặp nhiều năm trong đời một khối Karma mà nếu đến với họ chung một lần, hẳn sẽ đè bẹp họ. Chuyện ngược lại cũng có, là người khác trong một thời gian dài nhận được nhiều may mắn mà nếu cùng đến trong một ngày, có thể làm tâm trí hư hại. Luật này cũng thấy trong vật lý, một cái ly thủy tinh có thể vỡ tan khi bị đập một cú mạnh, hoặc cũng sẽ vỡ khi bị gõ nhiều lần mà sức mạnh tổng cộng bằng với lực khi đập một lần.
Mục đích ở đây là sống và suy nghĩ trong một đời sao cho không gây ra Karma mới, hay lý do để ràng buộc ta, mà cùng lúc trang trải Karma còn tồn đọng sao cho tới cuối đời, ta giải quyết, xóa sổ càng nhiều càng tốt lượng nhân quả ấy. Phần Karma còn lại sẽ bớt dần sau mỗi kiếp, cho phép con người được tự do hơn, bước vào tâm thức thiêng liêng và giúp người khác trên đường tới sự toàn thiện.

3. Chữa Bệnh bằng Tư Tưởng
Karma không phải là chuyện bất di bất dịch mà đôi khi con người có thể cải số và khi khác còn có thể cưỡng lại, dầu vậy, có nên làm không ?
Có một vài trường phái chủ trương chữa bệnh bằng tư tưởng, dạy người ta luôn tâm niệm những ý tích cực, dùng ý chí mạnh mẽ để ngăn chặn, đổi hướng của bệnh; cách này chữa bệnh không dùng thuốc hay bác sĩ mà chỉ dùng trí năng. Việc diễn tiến ra sao ?
Bệnh thường có căn nguyên là một ý, rồi ý dẫn tới hành động. Ham muốn, cảm xúc phát ra từ một kiếp xưa nằm ở cõi cao nay đi xuống thành nguyên nhân sinh ra xáo trộn trong cơ thể. Bệnh khi phát lộ, là sự thể hiện của lỗi nhịp nay đang trên đường đi ra khỏi ta theo lối thích hợp là thân xác, để ta được thanh tẩy.  Ngăn chặn nó bằng tư tưởng mạnh mẽ vì thiếu hiểu biết là đẩy nó trở lại vào cõi trí, quay về cõi cao, mà ngược lại chúng phải được chữa trị bằng các phương pháp thông thường là dinh dưỡng, thuốc, giải phẫu, chỉnh hình v.v. thay vì kêu gọi, dùng các năng lực cao của trí não để khiến bệnh rút lui, biến mất khỏi cơ thể.
Khi lực từ cõi trên đi xuống mà bị ngăn trở, nó vẫn còn đó không tiêu tán. Người có ý chí mạnh có thể chủ tâm nghĩ rằng Chúa Phật đang chữa lành cho họ, và ý chí có thể làm hết bệnh. Nhưng vậy không phải là chữa dứt, mà ta tạo tình trạng theo đó bệnh trở lại vào một kiếp khác, trong hoàn cảnh có thể khó hơn và không thuận lợi như hiện giờ. Lại nữa, khi sử dụng những lực tư tưởng ta chưa biết rõ, là mời gọi sự nổ bùng của lực mà con người bất lực trong việc đối phó, tựa như con thuyền mỏng manh giữa phong ba không người lèo lái.
Thế với lời khuyên nên suy nghĩ tích cực, giữ trong trí tư tưởng ‘Tôi mạnh, Tôi đầy sức sống, Linh hồn trên cao có thể làm chủ phần dưới thấp’ thì sao ?
Có những trường hợp Phật và Chúa chữa bệnh cho người, nhưng không phải bằng lời quả quyết và chối bỏ thực tế, mà bằng việc dùng năng lực một cách khoa học. Với ai phạm lỗi được chữa, hai Vị dạy họ ‘Đừng làm lỗi nữa’. Hai ngài dạy rằng nguyên do của sự khổ là tư tưởng xấu dẫn tới hành vi xấu, và không Vị nào nói rằng điều chi hiển hiện trước mắt thì thật ra không có. Các Ngài nhìn nhận sự việc có thật, có luật, và có lý lẽ. Trong vài trường hợp các ngài không thể chữa lành. Vì sao ? Vì nguyên nhân biểu lộ qua người bệnh quá mạnh để chữa. Chỉ lạc quan nói rằng mọi chuyện đều tốt lành, là mong ước do tình cảm không có lý lẽ hỗ trợ sinh ra. Ta phải làm tất cả những gì tốt lành ta có thể làm, nhưng nó không có nghĩa là biến trí não thành mù quáng với thực tại cần được nhận biết.
Không ai ngớ ngẩn tới độ nói rằng suy nghĩ tư tưởng tích cực, mạnh mẽ sẽ làm bớt áp lực cho não đang bị bướu mọc đè, hay sẽ chỉnh lại vị trí của xương cho bả vai trật xương. Chuyện có thể thấy là người có ý chí mạnh chịu đựng tình trạng trong lúc cơ thể tự điều chỉnh, và cho rằng thiêng liêng là Chúa, Phật hay đấng Allah đang chữa cho mình.
Sự việc không có nghĩa là ta không nên chữa bệnh, nếu đó là bệnh của thể xác thì bởi thân xác là thể vật chất, trị liệu cần để chữa lại rung động bất hòa cho nó cũng nên là vật chất, tức những cách ghi ở trên.
Điểm kế là dùng tư tưởng xác quyết theo lối nói trên chỉ mang lại kết quả tạm thời, và dựa trên sự đè nén có tính khoa học, cộng thêm việc từ chối không nhìn nhận các yếu tố hiện hữu. Chúng không dựa trên sự thực. Vào một kiếp sau, tình trạng bị đè nén sẽ lại lộ ra mạnh hơn.
Cách chữa bằng sự xác quyết những chân lý thiêng liêng nhiều phần mang tính ích kỷ. Thay vì chú trọng để có đời sống hằng ngày đức hạnh có thể có được, và hành xử như là người hết lòng phụng sự nhân loại, và như là con kinh cho tình thương, ý thức đại ngã, người ta lại được chỉ dẫn là chú tâm vào một sự hoàn hảo trong tương lai - trong trí và bằng lời - để có sức khỏe tốt và được thoải mái thân xác. Họ xem như đó là quyền và phần thuộc về họ, đáng phải vậy, sẽ có được bằng cách xác quyết, mà quên sự gắng công luyện tập cần phải có để tạo cho mình tánh hạnh xứng đáng, thể hiện Bồ dề tâm.
Người ta cần nhớ trong tâm là sức khỏe tốt sẽ thành chuyện tự nhiên khi tâm thức có tánh vô hại (mà đa số người dùng sự xác quyết thường có tâm cao ngạo, chỉ trích), khi họ không trụ vào phàm nhân ở ba cõi thấp mà trụ vào cõi của Chân nhân, và tự phản bác lại chủ trương của mình khi dùng năng lực của trí tuệ cho bệnh có tính chính yếu là về thể chất.
Cách chữa này còn không có tính khoa học là một điểm mạnh mẽ để ta xét lại; dựa vào những hiểu biết ta có về cấu tạo của con người, cách suy nghĩ trên chính xác vì nó bỏ quên, không kể tới thể sinh lực là một phần thiết yếu về sức khỏe mà chỉ chú trọng vào mặt trí tuệ và thân xác. Bệnh không phải chỉ ảnh hưởng thể xác mà đúng ra, nó biểu lộ trước nơi các huyệt của thể sinh lực trước khi sinh ra rối loạn nơi xác thân. Thể sinh lực là yếu tố chính ấn định tình trạng sức khỏe của thể xác, khi phương pháp không màng tới thể này thì tiến trình không đúng và do vậy, ta không mong có được kết quả tốt lành.
Về mặt ấy, có tiên đoán rằng trong thế kỷ hiện nay của ta, trên  hết thẩy việc dùng trí năng sẽ được xem như là một yếu tố có tầm quan trọng lớn lao; cái trí sẽ được coi là cho ảnh hưởng hàng đầu lên các huyệt, và con người sẽ được chỉ dẫn để tác động lên huyệt bằng khả năng trí tuệ, và nhờ vậy sinh ra phản ứng đúng đắn cho hệ nội tiết.
Chuyện này cần có việc hướng đúng cách tư tưởng vào một huyệt, hay không còn chú tâm tới một huyệt, với hệ quả xẩy ra cho các tuyến. Tất cả những điều này dựa trên luật huyền bí ‘Năng lực theo sau tư tưởng’. Ta có thể nói tổng quát sự áp dụng là nhờ định trí và tham thiền đúng cách, hướng vào huyệt này hay kia, người ta sẽ cho thấy có thay đổi rõ rệt trong các tuyến nội tiết, và y khoa sẽ được thuyết phục để nhìn nhận tầm quan trọng và sự hiện hữu đích thực của các huyệt, sức mạnh của chúng, cũng như sự khả hữu là quyền năng tư tưởng có thể được dùng để làm chủ cơ thể.
Ấy là chuyện còn xa trong tương lai, vào lúc này cách chữa bệnh bằng tư tưởng có mơ ước và viễn kiến, nhưng nó ấy thiếu cảm nhận, lương tri và ý thức về đường tiến hóa. Ta có thể nói thêm là chữa bệnh có được không phải bằng lời xác quyết mạnh mẽ về tính thiêng liêng của con người, hay chỉ giản dị là tuôn tràn tình thương và biểu lộ nét thần bí mơ hồ. Nó có được do việc thông hiểu kỹ càng khoa học chính xác về lực, về cấu tạo tinh tế của thể sinh lực.
Người ta có thể cảm thấy thối chí với các đòi hỏi trên, nhưng hiểu biết đưa ra là để ta đặt mục tiêu cho mình trong kỷ nguyên mới. Nó cũng nhằm giải thích vì sao nhiều phương pháp chữa bệnh ở các nước Anh, Mỹ lại thất bại lâu nay. Căn bản của những phái này đúng đắn khi họ nêu ra các chân lý cốt yếu, nhưng bệnh nhân không được chữa lành khi chỉ nói lên ý đã nhàm rằng ta là con người thiêng liêng, hay ý về các lý thuyết trừu tượng. Con người chỉ được chữa lành khi ngày giờ tới, khi karma cho phép, điều mà hiện nay không có mấy ai trong đời có khả năng biết vậy.

4. Karma và Giúp Người
Có ý kiến nói rằng ta không nên giúp người bị hoạn nạn vì đó là Karma của họ, và giúp là làm trái với Karma. Ý khác nói thái độ ấy không đúng với Theosophy, với lý lẽ rằng quả thật Karma của người sau làm họ bị khổ nàn, nhưng Karma của ta cho ta cơ hội để làm giảm bớt sự khổ ấy, và có thể Karma của họ là được ta giúp đỡ.
Bổn phận của ta là có hành động từ ái dưới hình thức này hay kia, hành động ấy sẽ mang lại lợi ích trừ phi Karma của họ ngăn cản lại; còn thì ta không biết gì về Karma của họ lẫn của ta, và phải không phán xét nó; bổn phận của ta là hành động, mà không can dự chi với kết quả của hành động hay với việc có thể gây cản trở cho Karma.
Ý kiến đầu sai lầm ở trên là thái độ cao ngạo của người, do biết được chút ít, tự cho mình là quan tòa phán xét kẻ khác, và phán xét những nguyên nhân lớn lao mà ẩn tàng của Karma. Chỉ các bậc đại sư mới có thể biết những điều ấy và cách chúng tác động trong trường hợp riêng biệt. Để có thể cân nhắc đúng đắn hầu xử sự hợp lý, ta phải tuyệt đối biết Karma của người khác cùng với Karma của ta, để không phạm sai lầm đáng ngại là cố tình làm lỗi.
Có lẽ chuyện khôn ngoan hơn là tất cả học viên Theosophy tìm cách làm bổn phận của mình, và xử sự như là một người huynh đệ chân thật trong mỗi trường hợp, hơn là tìm cách bắt chước nhà hiền triết. Nguyên tắc giản dị nói rằng ta có mặt ở đó là để giúp đỡ hơn là phán xét.
Người bạn có Karma phải gặp khó khăn, còn Karma của ta cho cơ hội để có hành động nhân ái có thể giúp họ; và họ có thể có Karma được ta giúp để bớt khổ nàn. Bổn phận của ta là có hành động nhân ái, loại nào cũng được. Điểm chính là ta không biết gì về Karma của người kia, và phải không xét đoán nó; bổn phận của ta nằm ở việc nắm lấy cơ hội đưa tới để giúp đỡ, bằng cách này hay kia, mà không phải là với hệ quả của sự trợ giúp hay với việc có thể làm cản trở Karma.
Ý phán xét sinh ra do lòng cao ngạo cho rằng mình biết Karma của người kia là gì, nhưng để có phán xét đúng đắn, ta còn phải biết luôn cả Karma của chính mình để có thể biết đích xác là nên làm gì, hầu không phạm sai lầm tệ hại là cố ý làm lỗi. Nói rằng hành động của ta can thiệp vào Karma là chuyện kỳ quặc, tưởng tượng rằng ta - là người phàm vô minh - lại biết rõ nhân quả của ai khác là sao để can thiệp hay không can thiệp. Ta không thể can thiệp vì điều đó nằm ngoài tầm tay của mọi người, mà ta chính là phương tiện để qua đó Karma diễn ra. Chỉ người đã phát triển cao mới có thể xác định Karma của ai là gì, các ngài thấy được chuyện ta không thấy.
Ta không nên sợ rằng Karma không được hoàn thành, mà nó thường khi được thực hiện bằng cách cho ta cơ hội để giúp nhau. Từ chối hành động như vậy chỉ tạo Karma cho ta về lòng cao ngạo và ích kỷ, lẫn Karma xấu là đã bỏ qua dịp để làm lành cho người khác. Có lời khuyên là ta không nên nghĩ đến việc tạo Karma xấu hay tốt, mà nên làm bổn phận của mình vào mỗi lúc, không màng kết quả của nó cho ta là gì. Sự thật là tất cả chúng ta đều can dự vào Karma, và nên có tư tưởng tốt lành, lời nói khôn ngoan và hành vi nhân ái để nâng bớt phần nào Karma nặng nề của nhân loại, trong đó có phần nhân quả của chính ta.
Có một sự kiện ít ai để ý là thực sự mà nói, không ai trong chúng ta có Karma riêng rẽ của mình mà không có người khác chia sẻ; chúng ta chia sẻ nhân quả của nhau trong Karma chung, và ý thức điều này sớm chừng nào và hành động theo đó thì tốt cho ta và cho thế giới chừng ấy. Chân Sư M. viết:
–  Chớ hề chỉ nghĩ đến chính mình và quên rằng còn có người khác; vì bạn không có nhân quả riêng của bạn mà Karma của một người là Karma chung cho tất cả.

5. Lòng Hối Lỗi
Hối hận là một hình thức của hình tư tưởng trong đó cái trí thường xuyên quay trở lại một lỗi lầm. Vì vậy đây là tâm tình cần tránh nếu ta muốn tâm trí thoát khỏi tội lỗi và Karma của nó. Mọi lỗi lầm có nguồn gốc trong tâm trí, khi cái trí càng trụ vào bất cứ cách hành xử gì chừng nào, dù vui hay buồn, thì nó càng có ít cơ hội để thoát khỏi hoạt động. Cái trí là nút thắt của trái tim, khi nút thắt ấy được cởi bỏ khỏi bất cứ điều gì, nói khác đi khi tâm trí không còn chú ý tới vật chi, thì sẽ không còn đường liên hệ giữa Karma nối với vật ấy và đương sự.
Thế nên chỉ khi có thay đổi trong tâm trí mà gánh nặng Karma mới được trút bỏ, và sự thay đổi này là do chính con người tạo ra. Con người có tự do ý chí và chỉ có họ mới thành đấng cứu thế cho chính mình. Với người trung bình, Karma là quan tòa nghiêm khắc, với con người tinh thần Karma diễn ra hòa hợp với ước nguyện cao cả nhất của họ. Người như vậy sẽ nhìn quá khứ điềm tĩnh như nhìn tương lai, không chìm đắm trong sự hối hận về lầm lỡ đã qua, hay sống mong chờ phần thưởng của hành vi hiện tại.

6. Lòng Nhân
Nói về con người thì sẽ không có Karma nào mà không có hai hay nhiều người hơn can dự. Giả dụ ta có hành động ảnh hưởng tới một người khác, Karma theo đó sinh ra. Nó đi theo tư tưởng của mỗi người mà không đi theo hành động, vì người kia sẽ sinh ra tư tưởng khi bị hành động của ta tác động lên họ. Tới đây ta có hai Karma, của ta và của người, và hai cái đan vào nhau, có đó vĩnh viễn cho tới ngày cả hai gặp lại nhau và giải quyết. Chuyện giữa hai bên có thể lan rộng, ảnh hưởng lên trọn xã hội.
Khi gặp lại, một cách phản ứng là có lòng nhân, ý tha thứ, ta có thể nói hành động của một bên gây tổn thương, gây hại cho phàm nhân bên kia, nhưng phàm nhân chỉ là thoảng qua, hiện hữu một ngày mà thôi trong sự sống vĩnh cửu
Trong bài này ta chỉ bàn về vài mặt thiết thực của Karma, nhiều bài trong các số PST khác bàn thêm về các mặt khác nên mời bạn tìm đọc thêm trong bảng Danh Mục trên trang web PST.

Theo:
Echos of the Orient – W. Q. Judge

Xem Các Bài Liên Quan: