TÂM LÝ TINH THẦN 26

Xem Mục TÂM LÝ TINH THẦN

 

Về tham thiền của bạn, tôi sẽ cho bạn một chỉ dẫn rất ngắn. Tôi cũng xin bạn ngưng tham thiền trong đầu một thời gian, mà tham thiền trong tim, nhớ rằng huyệt tim nằm giữa hai xương bả vai mà không nằm trong quả tim thể xác. Tuy vậy, đừng để tâm tới các huyệt đạo hay vị trí của chúng. Chỉ ngưng suy gẫm quá độ và trụ tâm thức thấp hơn vào phần trên thân hình. Đừng phân tích quá nhiều tình hình, hay vị trí hay mục đích, tại sao và căn nguyên này nọ. Chỉ làm chuyện bạn được kêu làm, bạn thân mến, biết rằng có lẽ tôi biết đôi điều hơn bạn.
1. Tưởng tượng bạn là linh hồn, dùng con người dưới thế như là vận cụ.
2. Tưởng tượng linh hồn làm việc qua luân xa tình thương trong người bạn. Rồi thư thả người và chìm sâu vào tâm thức của linh hồn là sự thương yêu. Để thương yêu là nốt chính của tham thiền của bạn.
3. Rồi tuôn rải tình thương
a. Cho thân nhân trong gia đình .
b. Cho ai mà bạn có liên hệ trong khi giao tiếp ngoài xã hội.
c. Cho các bạn trong nhóm.
d. Cho những ai phụng sự.
e. Cho thế giới.
Bạn sẽ ghi nhận cách phương pháp tưởng tượng này dần dần tạo nên tâm thức thương yêu. Hãy làm theo trình tự, lặng lẽ, nhất định, không có gì phải vội vàng.
4. Sau đó trong sáu tháng kế tiếp suy gẫm về các mầm tư tưởng sau.
Tháng đầu… Tình thương - ‘Tôi đi con đường Tình Thương. Tình Thương ấy chiếu rạng đời tôi’
Tháng thứ hai… Hiểu biết - ‘Con đường của Tình Thương là con đường được soi sáng’.

Tâm Lý Tinh Thần  (tt)

Tháng thứ ba… Hòa nhập - ‘Con đường của Tình Thương dẫn tới sự Hiện Diện của Chân Ngã. Chân Ngã ấy là Tôi’.
Tháng thứ tư… Tiếp xúc - ‘Tôi thấy Hiện Diện ấy là chính tôi. Tôi hòa mình vào Ánh Sáng’.
Tháng thứ năm… Phụng Sự - ‘Tất cả mọi người phải đều được dẫn để đi trên con đường của Tình Thương’.
Tháng thứ sáu… Thiên Cơ - ‘Thiên Cơ cho con người có ba mục tiêu lớn. Sự tỏ lộ tình thương, việc soi sáng trí não và việc khơi dậy ý chí’.
Tuy công việc chính tôi đặt cho bạn là phần khó nhất phải làm, nhưng tôi xin bạn chắc chắn làm nó vì lợi ích cho sự phát triển của bạn, và trên hết thẩy, cho sự tăng trưởng của bạn và việc phụng sự cho cả thế giới và các huynh đệ trong nhóm của bạn.
Hãy nói ít, và gắng sức làm việc mỗi ngày với một chương trình rõ rệt, có ý thức, để nhờ vậy học tổ chức thì giờ của bạn cho thuận lợi nhất, và có nhiều giờ hơn cho việc phụng sự và lặng lẽ trầm tư. Hãy chậm lại khi nói, chậm di động, chậm quyết định, chậm có ý kiến.
Nhóm người phụng sự này có nhiều việc phải làm, nhưng tôi không thể bắt đầu dùng nhóm trước khi một số điều chỉnh về cá tính được làm. Bạn thân mến, hãy có tiến bộ mau lẹ bằng những chặng từ từ.

Tháng 10 - 1937
Bạn thân mến,
Tôi thấy có vẻ như (khi xem xét bạn) là bạn lại có thể bắt đầu tham thiền đơn giản. Nhưng phải không có sự nồng nhiệt, và bạn chỉ nên có thái độ là suy tư lặng lẽ, đó tham thiền. Bạn không nên theo cách luyện tập hơi thở nào, mà chỉ theo cách giản dị là nhận biết linh hồn, ước vọng được đứng trước mặt Thượng đế, và ước nguyện hướng về tình thương tinh thần.
1. Hãy nghĩ về bạn như là con của Thượng đế, được Cha thương yêu, và là một phần trong đời Ngài.
2. Hãy dâng hiến chính bạn, như là cá nhân, cho việc phụng sự đồng loại, là phụng sự cho tình thương và cho Thượng đế.
3. Rồi suy gẫm lặng lẽ, an tịnh và vui vẻ về mầm tư tưởng, mỗi tháng một đề tài như đã vạch ra trong thư trước. Dầu vậy, lần này dùng chữ ‘Tình bạn’ trong tháng ba hay vì chữ ‘Hòa nhập’.
Tôi sẽ cho bạn hay những cung quản trị các thể của bạn, nhưng xin đừng tô vẽ chúng trong trí mình, vì tôi không muốn bạn có chú tâm gì vào những thể mà qua đó linh hồn bạn muốn biểu lộ. Tôi chỉ nêu chúng ra theo thứ tự để cho bạn thông tin như các huynh đệ trong nhóm có. Vì vậy, mỗi ngày dành mười phút mà không nhiều hơn để lặng lẽ suy gẫm trong vòng giới hạn của tham thiền đã giao cho bạn. Sau đây là thành phần các cung của bạn:
1. Cung chân nhân - cung bẩy, Trật Tự và Nghi Lễ.
2. Cung phàm nhân: cung sáu, lòng Sùng Tín
3. Cung thể trí: cung một, Ý Chí hay Quyền Lực
4. Cung thể tình cảm: cung sáu, lòng Sùng Tín
5. Cung thể xác: cung ba, Trí Tuệ Tích Cực

Tháng 3 - 1938
Bạn thân mến,
Trong sáu tháng tới, ta sẽ phải quyết định là bạn có thể làm công việc được dự định hay không. Nếu tới cuối giai đoạn học kế mà thấy rõ là bạn không nên làm bất cứ công chuyện chi thì khi ấy - vì tính cách toàn vẹn của nhóm và việc chữa bệnh dự tính sẽ làm - chuyện cần là bạn rút lui. Về mặt nhân quả, bạn có liên hệ với tôi và với nhóm người chí nguyện này; bạn nhậy cảm đủ để làm việc; bạn có ước nguyện muốn làm nó. Vậy khó khăn nằm ở chỗ nào ? Điều chi gây ra việc gia tăng quá độ hệ các tuyến ?
Câu trả lời nằm ở ba yếu tố mà tôi sẽ thẳng thắn trưng ra trước mặt bạn, để bạn thấy tốt nhất nên chấp nhận hay bác bỏ đề nghị của tôi.
● Đầu tiên (và trên hết mọi chuyện khác) là một thái độ quá nghiêm trọng với cuộc sống. Bạn luôn luôn sống ở điểm bị căng thẳng. Những điểm căng thẳng đến, và phải đến cho tất cả các đệ tử, vì ở những giây phút nghiêm trọng đó mới có sự tăng trưởng và có quyết định chân thực, nhưng bạn luôn luôn sống ở điểm như thế và không hề biết khi nào nên thư thái lại. Ngay cả khi giải trí bạn cũng căng thẳng; khi nghỉ ngơi bạn căng người hơn nữa. Bạn có thể học cách thư thái nếu muốn vậy, nhưng bạn không thực tâm muốn làm thế, và câu hỏi là bạn có tập thư thái chăng nếu biết cách làm.
● Thứ hai, bạn không có khả năng loại bỏ điều không thiết yếu ra khỏi đời sống hằng ngày. Bạn làm bao chuyện không cần làm, và không nhận biết là có lẽ nó thực sự chẳng quan hệ gì nếu làm chúng hay không. Một trong những đòi hỏi chính khi làm việc như là một người đệ tử, là có ý thức về các giá trị tinh thần. Nếu bạn có thể học được bài học này thì khi ấy bạn sẽ lo làm những chuyện có giá trị lâu dài, và không làm những chuyện phù du không mang lại kết quả chân thực nào cho bạn.
● Thứ ba, bạn coi nhiều chuyện quá quan trọng trong đời, thí dụ như việc làm cho nhóm này. Bạn nghĩ quá nhiều về những chuyện ấy, và xử sự quá mạnh tay với việc của nhóm, đời sống hằng ngày của bạn, chuyện nhà, cộng thêm với tất cả những quan tâm trong đời. Bạn thân mến, có hai chuyện mà mỗi đệ tử ngày kia phải học. Một là vun trồng khả năng ‘xử sự nhẹ nhàng’ và hai là phát triển óc khôi hài, một khả năng thật sự (mà không gượng ép) biết cười chính mình và cười với thế gian. Đây là một trong những đền bù tới cho ai có thể làm việc thành công trong ánh sáng nơi cõi trí. Khi bạn có thể làm vậy, sự căng thẳng luôn có mà bạn gặp khi làm việc sẽ tự nó điều chỉnh lại.
Bạn thân mến, làm sao lại có sự căng thẳng trong trường hợp của bạn ? Nó dựa trên khả năng có sẵn bên trong tiếp xúc được với các mức ở cõi linh hồn, và do đó mở cửa cho sự tuôn tràn của lực linh hồn. Lực này nuôi dưỡng nhiều huyệt đạo khác nhau với sức sống và năng lực, rồi tới phiên các huyệt đạo này khích động hệ thống các tuyến làm chúng linh hoạt. Tuy nhiên khi không có sử dụng đủ lực tinh thần, lực bị ‘ứ đọng’ trong các huyệt đạo (nếu tôi phải dùng cách diễn tả thiếu sót như vậy) và nó sinh ra hệ quả xấu.
Huyệt cổ họng của bạn nhận khối lớn năng lực này và huyệt đan điền; do vậy sinh ra hoạt động thái quá của bạn ở cõi trần và làm bạn có năng lực thần kinh, và cũng vì thế qua huyệt cổ họng bạn có khuynh hướng nói nhiều, nói hăng hái. Lẽ ra huyệt tim và huyệt giữa hai chân mày phải nhận thêm năng lực ấy, và điều đó sẽ dẫn tới quân bình cho hệ thống nội tiết và có tự do nhiều hơn cho việc phụng sự tự nhiên. Như thế, mặt nào trong đời bạn có thể tiếp nhận lực tinh thần ? Nơi đâu mà bạn có thể phụng sự về mặt tinh thần và nhờ đó xả ra năng lực tinh thần bị ứ đọng ? Chắc chắn ta đang nói về năng lực, trong cách ta sống và phụng sự, và năng lực tinh thần này phải được dùng làm cho nhóm tốt đẹp hơn, và đáp ứng tình trạng của nhóm. Ở đây tôi không nói về nhóm này mà về tất cả nhóm, và bất cứ sinh hoạt nhóm đúng đắn nào mà bạn có thể gặp. Bạn có thể dùng lực này ra sao trong việc phụng sự để không chồng chất nó lại, mà được dùng cho mục tiêu tinh thần ? Đó là vấn đề của bạn và là câu hỏi lớn cho nhiều đệ tử.
Bạn hay nói là mình biết quá ít, rằng bạn bị thúc đẩy phải tiến quá mau, và rằng bạn chưa có hấp thụ kiến thức. Nhưng bạn đã biết việc làm của tôi từ nhiều năm, và tuy bạn tin ngược lại, bạn có khả năng trí tuệ và thời gian (nếu sắp xếp cuộc sống hằng ngày đúng cách) để đọc sách và học hỏi. Nhưng đây là chuyện khó làm cho bạn, phải không ? Tuy nhiên, hỡi bạn từ xa xưa, con đường của người đệ tử không hề là chuyện dễ. Sự căng thẳng mà bạn gặp có thể được thay đổi phần lớn, bằng một đời sống lặng lẽ hơn với đọc sách, suy nghĩ dịu dàng, sinh hoạt có sắp xếp, thinh lặng và từ chối làm việc không thiết yếu (những chuyện mà người khác có thể làm giỏi như bạn), hay khả năng thấy chuyện không cần làm.
Tôi viết thẳng thắn như thế, vì tôi muốn bạn thoát khỏi tình trạng hiện thời để có phụng sự trọn vẹn hơn, sức khỏe tốt hơn, và hạnh phúc chân thực hơn. Tôi muốn thấy bạn là một trung tâm yên tĩnh của lực tinh thần. Tôi muốn thấy bạn sắp xếp lại cuộc sống của mình sao cho bạn có thể biểu lộ sự an tĩnh thư thái ấy, để qua đó sức mạnh có thể tuôn từ bạn sang những ai bạn yêu mến và ai mà bạn tiếp xúc. Bạn có thể có đủ giờ để ít nhất nắm bắt mục đích của các yêu cầu này chăng ? Bạn có thể nỗ lực để làm theo chúng ?
Một nguồn khác cho khó khăn nơi bạn thấy trong thể tình cảm cung sáu của bạn (đây là cung của lòng sùng tín, lý tưởng, cuồng tín), vì nó sinh ra sự thiếu cân bằng thực sự, chú ý quá đáng vào chi tiết trong cách làm việc, và chú mục vào chi tiết với chú mục này cho ra thỏa mãn tình cảm; nó làm người ta không hiểu các vấn đề lớn hơn và không có khả năng tiến nhẹ nhàng trên đường Đạo. Cung một của thể trí bạn có thể chữa lại việc này nếu bạn dùng nó, và sống nhiều hơn trong trí não và ít hơn trong cảm xúc và phản ứng tình cảm. Thể xác cung ba của bạn thúc đẩy bạn có hoạt động thể chất nhiều (như cử động mau lẹ và nói mau), nó khiến bạn lúc nào cũng có chuyện để làm, và thường khi làm chuyện không cho kết quả tốt, và không xứng với công sức bỏ ra.
Sao đi nữa, hỡi bạn, ta hãy cố gắng lần nữa để làm đôi chuyện cùng với nhau, và cùng lúc duy trì cân bằng tình cảm, điều này sẽ cho kết quả là có quân bình nhiều hơn về tuyến nội tiết. Chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu bạn sống đời điều hòa, có sắp xếp, cử động dịu dàng nhiều lần hơn, nói ít lại và gắng công hướng vào trí tuệ của mình.
Tôi muốn bạn tham thiền đều đặn mỗi ngày với chủ ý là không quan tâm gì, cho đến mức gần như không thiết tha. Cứ theo chỉ dẫn mà làm và đừng có ý mong chờ kết quả. Chúng sẽ tự động tới cho dù bạn biết hay không. Hãy xem xét kỹ những gì tôi nói với bạn và đáp ứng với đòi hỏi của nhóm.

Ghi Chú: Người bạn rút lui khỏi nhóm với sự chấp thuận của đức D.K..Sự căng thẳng của hoạt động trong nhóm xem ra quá nhiều cho họ. Sang kiếp sau họ sẽ trở lại chỗ của mình.

Dữ kiện 12:
Những điều được biết về người bạn:
- Chân nhân: cung hai, Minh Triết - Từ Ái
- Phàm nhân: cung một, Ý Chí hay Quyền Lực
- Thể trí: cung một, Ý Chí hay Quyền Lực
- Thể tình cảm: cung sáu, lòng Sùng Tín
- Thể xác: cung bẩy, Trật Tự và Nghi Lễ.

Guru
Tháng 3 - 1934
Bạn thân mến,

 Có bao giờ bạn nghĩ làm sao lòng hăng hái, là tình cảm, có thể làm viễn ảnh mờ nhạt không ? Đây là câu hỏi đầu tiên tôi muốn đặt cho bạn khi bạn gia nhập nhóm đệ tử của tôi. Câu hỏi kế là: Bạn có sẵn lòng để có phân tích tâm lý mình giống như bạn muốn làm với người khác như vậy ? Tôi biết câu trả lời của bạn cho cả hai là xác nhận, vì không có gì phải thắc mắc về lòng chân thật mạnh mẽ và tính hiến dâng một lòng một dạ của bạn. Tôi muốn tìm cách tiếp xúc với bạn để không thể có hiểu lầm cho hạ trí quá đỗi linh hoạt của bạn. Tôi tự hỏi: Người huynh đệ này có thể được luyện để  nhận thức tinh thần có thể thay chỗ cho óc phân tích bên ngoài chăng ? Qua những chữ này, tôi cho bạn một manh mối về trọn công chuyện trong năm đầu bạn làm việc với tôi.
Bạn cho nhóm đệ tử  này nhiều điều nhưng đó không phải là điều bạn nghĩ mình có để cho. Nét mỹ lệ và kỳ diệu, là đóng góp chân thực của bạn, thì vẫn còn ẩn sâu; chỉ có việc theo sát chỉ dẫn tôi đưa ra, việc sẵn lòng khiêm tốn điều chỉnh tiên kiến của bạn, mới đưa bạn vào cõi sáng, nơi mà con đường cho việc phụng sự chân thực của bạn sẽ hiện ra.
Tất cả các nhóm đệ tử, khi muốn làm việc với nhau theo sự hướng dẫn của một Chân Sư, đều có vấn đề riêng của họ. Những năm đầu tiên lập nhóm có các khó khăn đầy thử thách để đo lường khả năng của nhóm, và khiến sức chịu đựng cùng niềm tin của các thành viên trong nhóm bị thử thách hơn mức thường. Nhiều người trong số các đồng đệ tử của bạn trưng ra nhiều khó khăn cho tôi - bậc Thầy thuộc cung hai - vì óc phê bình phát triển mạnh mẽ nơi một số thành viên. (Ghi chú: Trong giai đoạn khủng hoảng này của thế giới là thế chiến II, đức D.K. trông nom một số đệ tử trong các nhóm thuộc nhiều Chân Sư khác, để các Vị này rảnh tay lo công việc khác quan trọng hơn, A.A.B.) Chỉ có một hay hai người đặc biệt không có thái độ chỉ trích này, phần còn lại các bạn dễ nhìn sự việc theo bề ngoài, theo góc cạnh chi tiết bên ngoài và theo quan điểm chuyện không thiết yếu. Cách nhìn đó là cản trở thực cho sự tiến bộ, vì vậy tôi xin bạn khoan có ý kiến về kỹ thuật và mục tiêu của tôi cho tới khi bạn biết rõ hơn về chúng ! Tôi xin bạn khoan xét đoán những gì tôi trưng ra với bạn, và khoan phân tích ít nhất trong một năm.
Bạn thân mến, đầu tiên tôi xin chỉnh lại ý tưởng của bạn về chính mình. Linh hồn bạn cung sáu, làm việc qua phàm ngã cung một. Khi nói như thế, tôi cho bạn thấy sự đóng góp của bạn cho nhóm và cũng do vậy, các vấn đề của riêng bạn. Khuynh hướng chính của phàm ngã bạn là trí năng. Đối với bạn, đường ít trở lực nhất là nhất tâm về các vấn đề của linh hồn lẫn các mối liên hệ cá nhân. Bạn giải quyết vấn đề, tình trạng, cảnh ngộ bằng cách nhắm vào một điểm mà trong nhiều trường hợp đó là chĩa mũi dùi tấn công. Tôi nói vậy không phải để chỉ trích vì đó là cách sử dụng đúng quan năng này, và việc tái định hướng nó sẽ đưa bạn tới trước Cửa Chứng Đạo. Tôi chủ ý nêu ra điều ấy trước mặt bạn, và không phải như là khuyến dụ để có tiến bộ và càng không phải để khuyến khích, mà như là tiên đoán chuyện có thể xẩy ra. Bạn đang trên Đường Làm Đệ Tử. Cơ hội đứng trước mặt bạn và bạn có thể đi trên đường với lòng tin chắc. Bạn thân mến, đừng sợ chi. Đừng chú mục vào phàm ngã với ý chí cung một có tính khống chế. và khuynh hướng của bạn muốn chế ngự về mặt trí năng (như chính bạn nói), mà hãy chú mục vào vấn đề của linh hồn bạn là chuyển tâm thức từ cung sáu sang cung hai, trước khi có thể có bất cứ lần chứng đạo lớn nào.
Như thế, vấn đề của tôi là giúp bạn làm vậy càng dễ và thông minh chừng nào càng tốt chừng ấy. Bí quyết để thành công cho bạn nằm ở nỗ lực chuyển sự chú tâm từ đầu vào tim. Chuyện ấy đồng thời cũng giúp cho chứng đau đầu mà bạn than phiền. Cung chân thần của bạn là cung hai và do đó linh hồn bạn vì đang ở trên một cung thứ (cung sáu), phải chuyển qua đường cung hai. Như bạn biết, thứ tự của hoạt động luôn là chuyển cung bốn và cung sáu sang cung hai, và cung ba, năm, bẩy sang cung một.
Vậy thì chúng ta sẽ bắt đầu với một tham thiền nhằm giúp bạn chuyển chú tâm này. Trước khi cho bạn chỉ dẫn, tôi muốn xin bạn gạt bỏ khỏi tâm thức mọi chuyện gì thúc hối, và do đó khởi sự đối phó với tính căng thẳng quá độ làm thân xác bạn mệt mỏi, và làm ảnh hưởng của bạn đối với những bạn đồng đệ tử (mỗi khi bạn tiếp xúc với họ) thành mạnh  bạo không đúng. Không có gì phải gấp rút. Không có gì cần phải nhấn mạnh tốc độ trong đời bạn. Thư thả là một đặc tính cần cho bạn, nhưng phải đạt được nó bằng tâm trạng của trí hơn là các phép tập thể dục; những cách tập này thường chú tâm vào thể xác và sinh ra luống năng lực gia tăng đi vào. Năng lực theo sau tư tưởng. Có nhiều thì giờ để tăng trưởng ở cả đây và trong những trạng thái khác … Hãy đem tham thiền vào tim mà không vào đầu, theo dõi cẩn thận xem có ảnh hưởng sinh lý nào không hay, và cho hay nếu có bất cứ điều nào xẩy ra.
Sau khi tập thở theo cách tôi đã chỉ bạn, xin làm những việc dưới đây khi tham thiền.
1. Đọc thánh ngữ O.M. ra tiếng, thở mạnh từ đầu xuống tim.
2. Kế đó tượng hình mặt trời vàng óng, chậm rãi mọc lên khỏi chân trời. Thấy chính bạn đứng trước nó và chẫm rãi hòa vào các tia sáng của nó. Rồi tưởng tượng bạn xử sự như là một thấu kính hay điểm chuyển biến, qua đó ‘ánh sáng của vầng dương chói lọi là ánh sáng của Tình Thương’, có thể tuôn tràn đến tất cả ai mà bạn tiếp xúc.
3. Tham thiền về các chữ sau:
Tháng thứ nhất và thứ hai: Ánh sáng của tình thương
Tháng thứ ba và thứ tư: Sức mạnh của hiểu biết thương yêu.
4. Tham thiền về bất cứ việc gì hay lý tưởng phụng sự mà bạn muốn.
5. Chấm dứt bằng lời hiến dâng con người của bạn và tất cả những gì bạn là và có, cho việc phụng sự, và chính yếu cho việc phụng sự của nhóm mới người phụng sự thế giới. (còn tiếp)

Theo:
Discipleship In the New Age - A.A. Bailey