NIỀM VUI THÀNH ĐẠT 

Niềm Vui Thành Đạt

 

 

 

Khi lịch sử cho Hội Thông Thiên Học VN được viết đầy đủ, ta sẽ thấy một trong những người có công hàng đầu với Hội là anh François Mylne (1926 - 2022). Anh có đóng góp hết sức lớn lao cho Hội trong suốt thời gian Hội hoạt động (1952 - 1979) về mặt truyền bá MTTL qua việc thuyết giảng hằng tuần, hành chánh lo việc văn phòng, quản trị (thành viên của Ban Giám Đốc), cung cấp tài liệu, dịch thuật và đào tạo cả một thế hệ thuộc chi bộ Thanh Niên Phụng Sự, chưa kể sự giúp đỡ cho nhiều cá nhân. Nếu không có anh thì Hội vẫn tồn tại nhưng sẽ không có được sinh hoạt và thành quả tuyệt vời như đã thấy. Anh qua đời tháng hai năm 2022 nên PST có bài đánh dấu sự kiện này, ghi ý của anh về một số việc.

I. Hoạt Động
– ‘1955 – 56: Tôi sinh hoạt ở hàng hải trong công cuộc chuyên chở người muốn di cư vào Nam đang tập trung ở Hải Phòng. Tầu mà tôi làm việc đưa những người lo âu đó đi Đà Nẵng, Sài Gòn, rồi trở về Hải Phòng, khác nào như chim én đưa thoi.
– ‘1956 - 57: Thời gian suy tư để quyết định lưu lại nước nhà hay là đi định cư bên Pháp cùng với đại gia đình. Tình hình lúc đó đã có vài dấu hiệu về sự xuất hiện của:
– Phong trào New Age,
– Phong trào Back to Blavatsky
– Phong trào Young Theosophists
‘Sau cùng tôi hiểu rằng nên hoãn việc ra đi để lưu lại với Young Theosophists.
‘Tôi được biết ông Phạm Ngọc Đa (Bạch Liên) là nhờ cơ hội như sau:
‘Vào năm 1945, ông Jean Plissou anh rể của tôi có trao cho tôi vài số Lotus Bleu, tạp chí và cơ quan truyền bá của xứ bộ Pháp, cùng với quyển La Sagess Antique của bà Annie Besant. Sau đó tôi có liên lạc với xứ bộ Pháp ở Paris và được bà Marcelle Wirich giới thiệu ông Đa ở Châu Đốc. Trong khi ông Phạm Ngọc Đa chú trọng về Phật giáo bí truyền, thì đường lối của tôi là Chân ngã mà nơi nội tâm mọi người đều có, và Chân Sư là những bậc đã thể hiện Chân ngã đó, và lãnh nhiệm vụ giảng dạy Theosophia.
‘Chân sư ở nội tâm là một chân lý, ‘Ngài’ là một tác động từ cõi Bồ đề. Ngài là ngọn Lửa thiêng chiếu dịu Minh triết và Bác ái xuyên qua hảnh giả đã đạt được một đời sống trong sạch… Chân sư bên trong hằng chờ đợi chúng ta, Chân sư bên ngoài sinh hoạt theo công tác, theo thời cuộc, và các Ngài đều biết rõ tất cả những tâm hồn tình nguyện.’

● Cách Tổ Chức
‘Mãi đến năm 1889 bà Blavatsky mới chỉ dẫn về Tâm pháp để tất cả những người chí nguyện có cơ hội phát triển Buddhi (Minh triết và Bác ái). Đó là những Huấn thị trong Tiếng Vô Thinh, đó chính là Minh triết bí truyền ghi trong Những Nấc Thang Vàng, nếp sống với Chân lý.
‘Như vậy HPB thành lập thành lập Hội với một Outer Section và một Inner Section. Từ cái sau bà lập Inner Group sống gần bà, trong bầu tư tưởng của bà, tức là có sự liên hệ thường xuyên với hai vị Chân Sư. HPB giữ chân dung của Chân Sư nơi làm việc là để tạo sự liên lạc thường xuyên; tinh thần hai Ngài vẫn tuôn ra từ đó. Mỗi hình ảnh có thể là một trung tâm, dù nhỏ cũng là nguồn cảm hứng.
Trong những hoạt động thuộc hội TTH VN, tôi bắt chước - khi có thể - phương pháp của bà Blavatsky.
‘a. Thuyết trình MTTL tại hội quán, nơi nhiều chi bộ với những đề tài thực tiễn đối với đại chúng và những tân hội viên. Đó là công tác của ‘Outer Section’.
‘b. ‘Inner Section’ là chi bộ Thanh Niên Phụng Sự. Công cuộc này chỉ trở nên tích cực khi có sự qui tụ của nhiều hội viên có đầy nhiệt hứng, khả năng … Các hội viên tận tụy này thuộc nhiều chi bộ khác nhau.
‘c. ‘Inner Group’ là mục đích nằm trong chương trình bẩy năm. Đó là sự đào tạo bẩy chi trưởng liên tục, mà mỗi chi trưởng phải là sự thể hiện của mỗi cung khác nhau trong bẩy cung. Mỗi năm là sự sinh hoạt theo một cung, tập trung nơi chi trưởng và ảnh hưởng tới mỗi hội viên. Sự đáp ứng và khai triển đặc tính riêng biệt  mỗi cung tùy thuộc mỗi hội viên.
‘Với nền tảng duy nhất là Theosophia, với sự phát triển tinh thần dị biệt theo bẩy cung thì sự hiện hữu, dù phải lưu lạc khắp nơi, đặc tính đoàn kết trọn vẹn đương nhiên tác động. Đó là điều quan trọng trong ý tưởng  Duy Nhất trong Dị Đồng - Unity in Diversity mà chi bộ TNPS đã chọn làm đề tài hội thảo năm 1973 tại hội quán. Sinh hoạt phụng sự nhân sinh luôn luôn cần đến sự trọn vẹn những phương pháp của bẩy cung.
‘Về lịch sử nồng cốt của chương trình bẩy năm thì tôi lấy chương trình học tập của Trường Bí Giáo đem áp dụng đầy đủ trong chi bộ Thanh Niên mở rộng.
‘a. Hằng tuần, vào sáng sớm có buổi học Thiền nơi một phòng thiền để trống, học về Thánh ngữ, mantra theo tài liệu Huấn Thị I - Instruction I của bà Blavatsky. Kết quả tùy mỗi thiện chí tìm Đạo.
‘b. Học hỏi, thảo luận về những tài liệu, sách vở (có sẵn cho công chúng, như Thánh Thư 1881) theo chương trình của Trường Bí Giáo, nhất là sự cần thấu đáo sách The Key of Theosophia Chìa Khóa TTH và Tiếng Vô Thinh. Việc tiếp tục học riêng tại nhà mới là công phu quan trọng, vì sự cố gắng đó đem lại cho người học Đạo nhập vào lãnh vực thật sự của MTTL
‘Trong Những Nấc Thang Vàng, bà Blavatsky chính là vị Thầy của mọi người phụng sự Thiên Cơ.’

● Đời sống Nội tâm
‘… Đời sống nội tâm có đặc tính trường cửu, nên đó là đời sống thật. Nó cũng có tên là đời sống tinh thần liên quan đến những cõi tư tưởng, bồ đề. Đời sống ngoại cảnh có đặc tính tạm thời, nên đó là đời sống tương đối của hoàn cảnh. Nó cũng có tên là đời sống vật chất, tức là liên quan mật thiết với cõi trần, cõi tình cảm và cõi tư tưởng cụ thể.
‘Theo thông thường, ngoại cảnh chi phối con người khi nghiệp quả của kiếp, khi sự thử thách, khi hoàn cảnh khó khăn trong gia đình, xã hội đè nặng trên con người. Tu hành là trở về với nội tâm, lúc tham thiền, trong giấc ngủ sau khi tạm thời gạt mọi áp lực của kiếp sống trên phương diện vật chất, tình cảm …
Tu hành là khi sinh hoạt ở ngoại cảnh, con người vẫn ý thức mình là nội tâm nên mọi sự biểu lộ, từ cử chỉ, lời nói, tình cảm, tư tưởng đều là phản ứng của nội tâm,
‘Ghi chú: Ngoại cảnh cần cho sự biểu lộ, sự tiến triển  của nội tâm, nhưng không phải vì lý do đó mà để lu mờ nội tâm. Ngược lại, không nên để sự mải mê theo nội tâm mà quên lãng ngoại cảnh. Trong trường hợp này ngoại cảnh còn có tên là nhân loại.’

● Trường Bí Giáo - Esoteric School ES
Trên phương diện cơ cấu của Hội chánh, anh để ES sang một bên, ES ở VN được coi như thần thánh, bất khả xâm phạm, thế mà anh ngang nhiên tổ chức học hỏi chung những gì dạy ở ES, và không ai phản đối. Anh cho biết:
‘Năm 1891 bà Annie Besant tiếp nối sự lãnh đạo ES, và đưa ra danh sách tài liệu mà tất cả học viên của trường phải học. Trong chương trình 7 năm (1968-1974 ) của chi bộ Thanh Niên, tất cả các tài liệu đó được đưa ra để huấn luyện những người  chí nguyện.’ 
Nói cho rõ thì đây là các tài liệu có trong sách TTH, không phải của riêng ES thí dụ Những Nấc Thang Vàng. Ghi thêm thì một số học viên của trường có khả năng kém nhưng sự tự hài lòng khiến họ cảm thấy hơn người. Đây là căn bệnh chung thấy ở nhiều nước không chỉ riêng tại VN. Theo ý anh:
‘’Mỗi người phải là lương y cho mình. Học viên phải hòa đồng với mọi người nên không có quyền tỏ ra, cho biết mình là học viên của trường. Dù không hẳn là học viên của Trường nhưng khi một hội viên gắng sức sống với ‘Những Nấc Thang Vàng’, thì đó là người phụng sự lý tưởng của phong trào MTTL trải qua các thời đại. Không ai có quyền tự xưng là đệ tử của một Chân Sư, vì đó là một gánh nặng.’

● Tham Thiền
‘Quyển ‘Meditations’ của Katherine A. Beechey cũng liên hệ đến 12 con giáp của đường hoàng đạo. Vì vậy hành giả trên thế giới cần đến việc giữ lại trọn vẹn những câu trích của bà, tức nên dùng bản dịch đầy đủ có trên trang web PST. Mộng ước của tôi là hằng ngày, cùng một tư tưởng của Chân Sư có thể bao trùm địa cầu khi hội viên VN ở khắp thế giới cùng tham thiền về một đề tài đó. Đó là tham thiền đại đồng của Tân Kỷ Nguyên.
‘Quyển Chân Lý Hằng Ngày chỉ nhắm khía cạnh giản dị hóa, khuyến khích sự thực tập trong tầm tay của người hành Đạo, và quyển bình luận của ông Sidney A. Cook rất có giá trị thực tiễn.’

● Thánh Địa
‘Thánh địa, trên phương diện hữu hình, là một số vùng đất nhỏ hay lớn, được thiết lập khắp năm châu. Trên phương diện tinh thần thì hiện nay và trong tương lai, nơi thánh địa phải có sự hiện diện, sự đầu thai của một số người nam nữ tiến hóa, mở Bác ái cùng một lúc với Minh triết, tức là Bồ đề Buddhi. Hạng người này một mặt sống rải rác, một mặt tập trung trong giống dân phụ thứ sáu của giống dân chính thứ năm, hay sẽ phải có sự hiện diện của giống dân chính VI hay VII.
‘Đế Thiên, Đế Thích là một trung tâm chứng đạo initiation thời xưa cho cả vùng Đông Dương, với ảnh hưởng thuần túy về tôn giáo vẫn còn sâu đậm. Theo nhận xét riêng, Úc châu có một địa điểm chứng đạo rất đặc biệt, dành riêng cho cả một châu vào thời trước, gọi là Uluru. Tôi e ngại vấn đề du khách tò mò hay vô tình làm giảm đi phần linh thiêng của địa điểm.
‘Từ ngàn xưa, từ thuở khai thiên lập thánh địa thì Uluru vẫn tiếp tục tỏa ra năng lực tinh thần bao trùm châu Úc. Đó là vì tảng núi bất di dịch Uluru đã được đặt đúng vào trung tâm của Úc thuộc vùng Nam Cực. Nơi giữa vùng Uluru có một lòng chảo linh thiêng mà các du khác không thể bén mảng, mà cả những du hồn - người xuất vía không được mời tới - cũng không xâm nhập được.
‘Nơi đó có một cái bàn bằng đá đỏ, khổng lồ như một ngọn núi; những rung động Akasha còn vĩnh viễn tại đó. Kim tự tháp ở Ai Cập bị ô uế do kỹ nghệ du lịch. Nhiều kim tự tháp ở Nam Mỹ từ lâu đã biến thành nơi sát sinh của tà đạo.
‘Xung quanh chân núi, sa mạc Uluru cũng còn được sự gìn giữ dấu vết của những đạo đồ đã từng đảm nhiệm việc canh giữ, duy trì năng lực của Uluru. Người ta không cần đặt chân đến vùng Uluru cũng có thể tiếp nhận ân huệ đặc biệt vào thời khởi đầu của Dương Cưu Capricorn từ 22 tháng 12 mỗi năm. Đó là lễ Giáng Sinh có tác động gây hứng khởi cho trọn cả năm châu. Đó là sự hữu duyên khi nắm được cơ hội sinh hoạt cho MTTL, tại một Thánh địa thấm nhuần động lực phục sinh tinh thần thể ấy.’

● Làm Việc cho Theosophia
‘Một trăm phần trăm là sự lưu tâm của chúng tôi đối với mọi sinh hoạt của những người phụng sự. Chúng tôi rất mến phục. Cảm hứng luôn luôn có trong khi hành giả an tịnh. Giải đáp, ý kiến luôn luôn hiện diện trước khi những thắc mắc thành hình. Sự bình thản trong hoàn cảnh là bí quyết của phụng sự.
‘Điều cần ghi nhớ trong việc thực hiện Theosophia ở VN là khi gặp bế tắc vẫn trì chí tìm giải pháp - không cần đếm bao nhiêu lần -, đến một lúc nào đó thì giải pháp tự nó đến trình diện.
‘Những thắc mắc, lo âu hay tuyệt vọng tuyệt nhiên vắng bóng nơi những cõi vô hình. Chính từ những cõi cao mà người phụng sự trở lại làm việc nơi cõi hữu hình. Và không ai phụng sự một mình cả.’

Anh đã tận lực - phải dùng chữ tận lực mà không có chữ khác đúng hơn - xả thân làm việc cho phong trào Theosophia. Niềm vui to lớn nhất cho người phụng sự là thấy công việc mình ấn định sẽ làm trong một kiếp, cuối cùng thành tựu, và ra đi sau khi đã cho tất cả con người mình. Một công tác đã xong, ước nguyện đã thành, chúng em lòng đầy ngưỡng mộ xin mượn lời đức D.K để nói lên ý chung:
Bạn được niềm hân hoan hiếm có khi nhìn lại (khi ngày giờ tới để qua cánh Cửa vào sự sáng rõ hơn và sự sống và biết) để biết rằng bạn đã phụng sự và trợ giúp hằng ngàn người, (qua các bài nói chuyện), qua tài liệu dịch …, điều chi bạn gieo không rớt trên đất khô cằn. Nó đúng vậy dù bạn không ghi nhận được sự kiện. Từ khi khởi sự đáp ứng với làn rung động của tôi, bạn đã không quay lưng bỏ cuộc; điều này đã được chúng tôi ghi lại và nhận biết.”
(Discipleship in the New Age - A.A. Bailey)

II. Kỷ Niệm

A. Tôi quen biết anh François (anh không muốn được gọi bằng tên họ Mylne) và đến với chi bộ Phụng Sự khi hãy còn ở tuổi thiếu niên. Có lẽ vì còn bé nhí, anh François thường kể cho tôi nghe thời thơ ấu của anh. Ba của anh là người Pháp làm việc cho sở hỏa xa, vì vậy gia đình anh thường phải đổi chỗ nhiều nơi từ Bắc xuống Nam. Tuổi thơ của anh gắn liền với thánh ca nhà thờ và với rừng cây thiên nhiên. Anh bảo lkhi lớn lên, biết nhiều hơn về các tôn giáo và về Minh Triết Thiêng Liêng (MTTL), thế nhưng cái tôn giáo ban đầu trong kiếp sống vẫn giữ một vị trí rất lớn. Về thiên nhiên thì ngoài giờ học tại trường, anh rong chơi trong rừng, anh được dạy những bí mật thiên nhiên đã gìn giữ và chơi đùa hồn nhiên với tinh linh, thiên thần, và chính những bạn hữu này đã chỉ đường về nhà để chẳng bao giờ bị lạc cả, vào những ngày đêm đến rất nhanh (những thập niên 1920, 1930 VN hãy còn hoang vắng, rừng cây còn khắp nơi).
Anh François và chị Phan thị Nga lập ra chương trình 7 năm từ 1967 đến 1974 để huấn luyện thanh niên chi bộ Phụng Sự. Đây là một thành quả đẹp nhất, kết hợp hội viên thanh niên như một ashram, anh François cho biết đã dùng tài liệu bí giáo (có trong sách TTH cho công chúng, mà không là của riêng bí giáo) để hướng dẫn. Ba năm đầu và ba năm kế tiếp, tuần tự chủ đề giống nhau: Học hỏi - Tham thiền - Phụng sự. Khác biệt là giai đoạn ban đầu hoạt động có tính cách tiệm tiến, trong thời gian nhị nguyên, cần cố gắng. Ba năm giai đoạn sau cũng là thực hiện chân ngã nhưng là kinh nghiệm trực nhận hay đốn ngộ nhất nguyên, không còn khởi đầu và kết quả của nhị nguyên mà nhập một của hình biểu tương con rắn cắn đuôi. Năm thứ bảy là năm tổng kết, bài học duy nhất của nhân loại, đó là "Duy Nhất trong Dị Đồng", nói khác đi là "Vạn Vật Đồng Nhất Thể" hay "Nhất Nguyên" hay "Huynh Đệ Đại Đồng".
Chỉ 4 tháng sau ngày chấm dứt chương trình 7 năm thì miền nam rơi vào bóng tối. Thanh niên phụng sự tan tác khắp nơi trên thế giới để ngày hôm nay ôn lại quá khứ trong lớp tuổi về chiều. Một ngày nọ tôi đến gặp anh tại nhà anh để nói: Hôm qua em có một giấc mơ là gặp anh, không hiểu sao trong mơ em biết người đó không phải thực là anh mà chỉ mượn cái nhân dạng anh để tạo chú ý. Người ấy nói về chương trình 7 năm sẽ tạo ra được những chiếc lá... Anh khoanh tay đứng im một lúc khá lâu rồi cho biết không phải anh trong giấc mơ, rồi nói hoa và trái là kết quả mỹ mãn của cây; thế nhưng cây vẫn còn lá chứng tỏ vẫn còn sự sống, tức là chương trình vẫn được tiếp nối; tương lai hoa, trái cần thời gian lâu hơn.
Trong tình bạn, tình đồng môn của chúng tôi, sự liên hệ ảnh hưởng cùng lớn lên hay bé lại (qua tôi anh sống lại tuổi thơ) song song với nhau. Chúng tôi đã cùng nhau trong sự vô thường của thời gian. Hãy tiếp tục với vô thường. Khi tôi xong trung học, chuẩn bị vào đại học, tôi cho anh biết tôi thích học kiến trúc. Ngày nọ, anh cho biết, tôi có cái tâm lành, anh nói sẽ dạy "địa lý" cho tôi nếu tôi được học kiến trúc. Anh có nói sơ qua về ngũ hành, về sinh lực, về tinh linh, thiên thần... Việc vào kiến trúc không thành, việc học địa lý cũng để gió cuốn đi.
Năm 1972 có lệnh tổng động viên, tôi đến nhà anh với một tâm trạng khủng hoảng, báo tin như là bầu trời sắp sụp đổ. Anh có bị lây dù không lâu cái bất an lớn của tôi. Một lúc sau, tôi được "trung bình cộng" bất an của tôi và bình an của anh, anh kể là anh cũng có khoảng thời gian trong quân đội, đóng quân tại Bình Dương.
Năm 1979 tôi vượt biên thành công. Mọi liên lạc với gia đình đều qua trung gian của anh và chị Nga tại Pháp. Anh chị muốn bảo lãnh tôi sang Pháp, vì nghiệp lực với nước Mỹ nên việc sang Pháp không thành. Tôi đã gặp lại anh tại Pháp tổng cộng 4 lần. Lần sau cùng gặp tại cõi trần vào năm 2014, anh rất ốm nhưng vẫn trèo thang lầu 7 tầng mà không dùng thang máy. Tinh thần như tự bao giờ, an nhiên tự tại của một vị đạo sư trên nấc thang tiến hoá cao cấp. Khoảng vài tháng cuối, con trai của anh cho biết anh nhập viện, rồi như chút nắng vàng còn lại của buổi chiều tà, chúng ta nói với nhau lời chia tay tại cõi trần. Để ngày mai đây, bình minh một ngày mới, lại gặp nhau trong hành trình tình huynh đệ.
Đã nói với nhau một liên hệ vô thường xuyên qua thời gian, vậy còn liên hệ "thường hằng" thì sao? Đây là một câu hỏi khó trả lời ! Nó thuộc về vô sắc giới, ngôn ngữ, văn tự không chuyên chở nổi. Có nhiều rung động do tâm truyền tâm, nó tinh vi đến nỗi không ai có ý muốn truyền đạt lại bằng lời bằng chữ viết. Sách vở Phật Giáo có nói, sự hiện diện của Đức Phật đã kéo theo 500 vị La Hán nhờ ngài mà nhanh hơn trên đường tiến hoá (dĩ nhiên 500 vị ấy vẫn là yếu tố chính). Tôi chỉ có thể nói những gì sâu kín nhất trong tôi (tức là chân ngã) đã được anh cố ý - hay một cách tự nhiên của rung động đồng nhịp - khơi dậy, đánh thức... Đã nói lời chia tay bên trên, vậy thì hãy nói lời cùng nhau tiếp tục làm việc tại các cõi khác trong một hành trình không có gián đoạn.

Chánh

B. Thân hữu khác:
”Anh đã sống trọn với nhiệm vụ được giao cho đời mình”
Khi sức khỏe của anh còn khá tôi thường đùa với anh “…mai nầy anh đi trước để chuẩn bị chi bộ cho mấy em đến sau…”
Anh và tôi thường kết thúc lời thư qua lại bằng hai chữ « Thân ái »
Vũ Hồng Sơn
(Nói thêm, từ lâu có một câu đối mà chỉ mới có vế thứ nhất:
Hồng Sơn sơn núi đỏ.
Điểm khó ở đây nằm ở chỗ anh Sơn là họa sĩ, chữ ‘sơn’ vừa là tên người vừa nói về tài của anh. Anh là người vẽ bìa PST. Vế thứ hai đang chờ cao thủ văn lâm hạ bút.)

C. Người bạn nữa kể lúc 9, 10 tuổi theo chị lên chi bộ nghe giảng, Anh nói câu có chữ ‘chân lý’, em nhỏ thắc mắc trong đầu:
- ‘Chân lý’ là cái gì ? Không hiểu.
Ý vừa phóng ra thì trên bục giảng, anh giải thích ngay cho trí não trẻ thơ : ‘Chân lý là điều gì không bị thời gian và không gian ảnh hưởng đến, nó vẫn còn tồn tại hoài’. Kinh ngạc thấy câu đáp trúng tâm tưởng không lời, em nhỏ quay sang hỏi chị.
- Chị Ba, ông này là ai vậy ?!
Tới cuối bài, anh ý nhị nói:
- Xin cám ơn quí thính giả đã đóng góp tư tưởng làm bài giảng linh động hơn.
Vậy không có gì lạ khi em nhỏ hồn nhiên theo chân anh vào đường phụng sự từ đó tới nay.

D. Thanh Niên - Phụng Sự - Chân Lý.   
Tôi được biết hội Thông Thiên Học vào khoảng năm 1968, lúc đầu tôi theo ông anh mỗi cuối tuần một lần đến hội quán Thông Thiên Học Việt Nam tại Phú Nhuận để nghe các vị huynh trưởng giảng giải về giáo lý TTH, rồi sau đó lo công việc học hành mà bỏ qua những gì nghe được. Thời gian sau ông anh tôi giới thiệu tôi với anh François Mylne, và gia nhập vào chi bộ Thanh Niên Phụng Sự TNPS. Từ đó tôi đến với hội TTH với tinh thần hoàn toàn đổi mới. Trong chi bộ TNPS tôi có nhiều bạn cùng lứa tuổi, hoạt động rất vui vẻ, nhất là thỉnh thoảng có tổ chức đi du ngoạn rất vui.  
Được gần gũi và học hỏi từ anh Mylne dần dần nội tâm tôi thay đổi rất nhiều. Tuy chúng tôi thường gọi là anh Mylne, nhưng trong thâm tâm tôi lúc nào cũng kính trọng như bậc Thầy hướng dẫn tinh thần. Nhất là tôi đã "bị" anh Mylne và chị Phan thị Nga khuyến khích nhận thuyết trình lần đầu tiên trước công chúng. Một phần vì kính nể hai vị ấy, một phần vì tin tưởng vào anh Mylne sẽ trợ giúp tinh thần để vượt qua khó khăn, cho nên tôi vừa nhận lãnh công việc vừa run, từ đó tôi dùng nhiều thì giờ đọc thêm sách vở TTH, và soạn bài. Nhờ vậy tôi hiểu nhiều hơn về Minh Triết Thiêng Liêng, chớ không chỉ thụ động đến hội họp cho vui như trước.
Điều quan trọng nhất tôi học hỏi được từ anh Mylne là muốn duy trì ngọn đuốc Chân Lý, phải chú trọng đến những người trẻ tuổi là thế hệ tương lai của phong trào Thông Thiên Học. Do đó, sau này khi thành lập chi bộ Phụng Sự Chân Lý tại miền nam California (năm 2011), tôi thường khuyến khích các hội viên trẻ tuổi nhận lãnh công việc thuyết trình những đề tài Minh Triết Thiêng Liêng, vì có nhận lãnh nhiệm vụ phụng sự khó khăn đó, những người trẻ buộc phải cố gắng đọc sách, tìm hiểu cặn kẽ Minh Triết Thiêng Liêng, từ đó lấy đà thúc đẩy con đường tiến hoá tinh thần.
Tôi nghĩ, tuy đã giũ bỏ thể xác nhưng anh François Mylne từ những cõi cao hơn vẫn tiếp tục trợ giúp cho phong trào Thông Thiên Học, và anh sẽ trở lại rất sớm để góp phần phụng sự cho công cuộc tiến hoá của nhân loại.

Tô Hiệp

E. Một Vì Sao tắt lịm vẫn tỏa sáng
Hiểu theo nghĩa thường, vì sao tắt lịm có nghĩa là một thiên tài vừa qua đời. Tuy nhiên, ở đây vì sao vẫn tỏa sáng có nghĩa là Chơn Nhơn của vị đó đã hoàn thành trách nhiệm Phụng Sự, và bây giờ trở lại hợp nhất với Chơn Thần, toả sáng trên cõi tinh thần, tiếp tục là niềm hứng khởi cho các huynh đệ TTH còn tại thế.
Vào những thập niên 70, khi vừa gia nhập hội TTH tại Hội Quán Hội Thông Thiên Học đường Vô dì Nguy Phú Nhuận, tôi có cơ duyên gặp được một vị huynh trưởng dong dỏng, cao gầy, lúc nào cũng mặc bộ đồ trắng, thường di chuyển bằng chiếc một xe đạp cũ kỹ.
Huynh chính là François Mylne, người hướng dẫn tinh thần cho các hội viên trẻ và đặc biệt là chi bộ Thanh Niên Phụng Sự.  Huynh FM, nếu chỉ nhìn bề ngoài mà xét đoán, thì chỉ là một người diện mạo bình thường, sống một cuộc đời bần hàn, rất trầm lặng, thường hay trầm tư, suy gẫm. Thực tế thì huynh FM đã dùng trọn thời giờ, tham gia Ban Chấp Hành Hội TTH Trung Ương, cũng là nhân viên đắc lực của TBG (Trường Bí Giáo).
Huynh thường hướng dẫn các Thanh Niên, học hỏi và nghiên cứu thâm sâu về Huyền Bí Học cũng như Thiền Học nội môn. Huynh FM chủ trương 7 Giai Đoạn Học Hỏi, với mục tiêu là sản xuất ra những người Phụng Sự, các nhà Huyền Bí Học và Thiền Gia chân chính.
Từ Sau 1975, Hội TTH ngừng hoạt động, các hội viên cũng phân tán đi khắp nơi. Một số lớn Thanh Niên Chi Bộ Phụng sự đã trở thành những ngọn đuốc đang truyền bá MTTL (Theosophia) đi khắp mọi nơi từ Hải Ngoại đến Quốc Nội. Vậy mà, thấm thoát đã gần nửa thế kỷ.
Huynh FM ở hải ngoại cùng chuyển biến hoạt động từ hình thức ở các cõi Trần, tình cảm và tư tưởng sang cõi giới Tinh Thần của Atma/Buddhi/Manas.
Hồi tưởng lại thời gian qua trên con đường tu học, Huynh  FM đã cảm hứng và dẫn dắt thanh niên qua nhiều giai đoạn:
1)           Giáo Lý căn bản (exoteric doctrine) gồm sách vở của CW Leadleadter và A. Besant
2)           Giáo Lý thâm sâu ( esoteric doctrine) gồm Secret Doctrine va Voice of the Silence của HPB
3)           Còn phần Tâm Truyền hay Chân Truyền (Monadic Doctrine) là do mỗi người Đạo Sinh tự thắp đuốc tu học và thể hiện Chân Ngã trong đời sống. 
Từ các giai đoạn trên, các Đạo Sinh đã cố gắng trau giồi, học hỏi và tham thiền để tiến đến giai đoạn rốt ráo của sự kết hợp với Chơn Ngã cũng như các vị Chân Sư Mình Triết và Bác Ai.
Sách vở nói về sự học hỏi và tập luyện trên phương diện kết hợp cùng xử dụng được năng lực của các Chân Sư thật là hiếm có. Tuy nhiên với sự cố gắng vượt bực, người chí nguyện cũng sẽ đạt đến trình độ Đốn Ngộ.   
Từ sự toả sáng của Tinh Thần FM, các huynh đệ TTH đang phát huy được những năng lực Tinh Thần để cùng nhau chuẩn bị cho sự ra đời của Chi Chủng 6 thuộc Mẫu Chủng 5.
Bellevue WA 3/2/22
SOD 1/0

F. Tin huynh F. Mylne qua đời được đón nhận với nỗi hụt hẫng và sự vinh danh.
Hụt hẫng là vì từ nay sẽ không còn dịp đến thăm, để thắt chặt tiếp tình huynh đệ đã được vun trồng từ thập niên 70 tại VN.
Vinh danh vì tinh thần Theosophia đã được huynh trưởng FM thể hiện suốt hơn 70 năm qua, nay đã trở thành ngọn đuốc MTTL tiếp tục truyền lại cho các huynh đệ tỷ muội, còn đang hoạt động tại cõi trần.
Thường thì những dịp tang lễ là cơ hội để người thân , bạn bè, huynh đệ tụ họp lại để đưa tiễn với một tâm trạng chia cách, mất mát và đau buồn.
Tuy nhiên, ở những nền văn mình tinh thần, đây lại là dịp để chúng ta chung lời chúc tụng, chia vui ,vì linh hồn huynh đã hoàn thành sứ mạng trong kiếp này một cách toàn vẹn.
Huynh đã trở thành một tấm gương rạng sáng, một ngọn đuốc tinh thần, luôn thắp lên để hướng dẫn những thế hệ mai sau.
Trong thâm tâm của chúng ta, việc kỷ niệm và biết ơn huynh sẽ được đánh dấu bằng việc tiếp tục thể hiện và hoằng dương MTTL qua việc ngộ đạo, nâng cao tâm thức, phát triển trực giác, hòa hợp tâm thức cùng mọi sự sống, và nhất là thúc đẩy vận hội Tinh Thần của kỷ nguyên Bảo Bình..
Chúng ta cùng hòa hợp tâm ý, chúc mừng huynh trưởng đã hoàn thành sứ mạng trong kiếp này.
Cũng xin chúc huynh được tiếp tục tiến bước qua những sứ mạng liên tục của một Chân Ngã chói sáng trên con đường Phụng Sự.

Xin hẹn gặp lại Huynh để cùng chung sức trên con đường cùng tên.

Sáng Danh

Minh Triết và Thân Tâm An Lạc,

SOD 0/1


G. Năm học đệ ngũ (lớp 8), một hôm đi thiền còn sớm, chưa có ai nên ngồi dựa tường đợi, anh bước vào hỏi mượn cuốn tập, vì khi tới họp có mang theo tập ghi chép, liền đưa cho anh. Anh cầm lấy ra ngoài, lát sau mang lại đem trả. Cũng không để ỷ, rồi dự họp như thường lệ nhưng khi mở tập ra thì có hàng chữ ‘Hãy có can đảm trả quả’. Tuổi đệ ngũ thì hiểu gì về nhân quả nên đọc rồi thôi, không thắc mắc, nhưng hàng chữ in đậm vào ký ức tới ngày nay và còn nhớ mãi.
Năm 1975 nhân quả tới thiệt, loay hoay định cư ở đất nước mới rồi gia nhập chi bộ. Hội viên thay nhau làm chi trưởng và cuối thập niên 1970 tới phiên mình. Lóng cóng với ngôn ngữ thứ ba, bèn viết thư than thở cùng anh chị khi ấy đã tới Pháp, cách một đại dương. Chỉ than thở thôi, vì biết phải tự lo mà không ai giúp được. Anh tới gặp buổi tối, hỏi chuyện. Nó cho thấy biển lớn không là trở ngại đối với anh, và nay khi đã ra khỏi thân xác thì cách biệt sinh tử lại càng không có nghĩa; chuyện cũng muốn nói dây liên kết còn hoài dù hoàn cảnh thay đổi, và lòng ưu ái của anh với các em trong nhóm. Ngay cả về các bạn vượt biển mà không tới được bến bờ, anh cũng cho nhóm hay là các anh chị đó giờ đang làm việc gì mà anh giao cho ở bên kia.
Khi khác bị kiệt sức mà vẫn viết cho anh tuy không nói, tỉnh bơ ghi chuyện bình thường, nhưng quên là giấy thấm từ lực. Anh trả lời, cuối thư nói đúng chóc tình trạng và nhắc phải giữ gìn sức khỏe. Trời, thật là xấu hổ, đành bẽn lẽn chữa thẹn: ‘Không gì dấu được anh !’.
Được sinh ra và lớn lên trong môi trường TTH, trọn tuổi thơ và thiếu niên sinh hoạt trong chi bộ Thanh Niên Phụng Sự có anh dìu dắt đến 1975, là một đặc ân, diễm phúc vô giá không tiền bạc nào có thể cho được, không mong có buổi đầu đời nào tốt đẹp hơn.  Nếu để ý sẽ thấy các thiếu niên trong chi bộ nhờ anh mà được uống nước tận nguồn, hiểu theo nghĩa được học Theosophy thuần túy ngay từ HPB.
Để chứng tỏ thì điểm qua các tài liệu anh in ra, và là tài liệu học tập cho chi bộ TNPS, đại đa số là do HPB hay từ chính các Chân Sư. Đó là:
- Huyền Bí học Thực tiễn
- Thánh Thư 1881
- Phong Tráo TTH và các Chân Sư
- Tập Chân Lý Hằng Ngày, trích từ các thư của Chân Sư Minh Triết
- Những Nấc Thang Vàng
- Chương Trình Căn Bản của Hội TTH
- Đệ Tử Huyền Môn
- Vài Qui Tắc Nhật Hành (cô Vũ thị Dung dịch) v.v.
Thuở đó, cả lũ hoạt động tíu tít, bận học ở trường thì dĩ nhiên rồi, đến tối thứ năm nhóm học ‘Tiếng Vô Thinh’ với anh ở Tinh Thần Viện, ngày khác trong tuần ai rảnh thì cũng tới đó phụ anh quay ronéo các tài liệu ghi ở trên, hay tập san Phụng Sự TTH rồi chia nhau lái Honda đi phân phối. Tới chủ nhật là dành cho chi bộ. Không rõ bọn trẻ lấy năng lực ở đâu ra để còn học thi tú tài, thi đại học, và thêm nữa là tổ chức những chương trình đặc biệt cho lễ Hoa Sen Trắng:
- 1971 – Nhạc Kịch “Lịch Sử Một Tâm Hồn: H.P.B.”
- 1973 – Hội Thảo “Duy Nhất trong Dị Đồng”
- 1974 – Triển Lãm: Những Tác Phẩm của H.P.Blavatsky
với hơn 40 ấn phẩm được trưng bầy.
Sau 1975 chi bộ tan hàng và tuy xa cách muôn trùng, anh vẫn luôn quan tâm đến và sẵn sàng trợ giúp dù đám con nít ngày xưa nay thành người lớn, gió thổi lưu lạc khắp bốn phương. Anh soạn bài về lịch sử Hội TTH VN cho PST số 55, cặm cụi viết tay bao nhiêu trang, gửi thư liên lạc với Adyar, với ban chủ biên Theosophical Encyclopedia, cho PST lời giải thích về những chuyện của Hội VN khi đám trẻ chưa ra đời hay còn quá nhỏ. Bài viết tiếng Anh về hoạt động của xứ bộ VN đăng trong quyển Ency. (xin đọc ‘Hương Xưa I’, PST 79) được anh duyệt, và phê với bản tính dịu dàng thường lệ của mình:
– Tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần bài mà PST đã viết với tất cả tấm lòng và đã hoàn tất. Xin chia vui.
Năm 2014 cả bọn kéo nhau sang Pháp thăm anh chị, ríu rít thật là vui, có đủ dâu rể TTH, anh đưa bản thảo ‘Tham Thiền: Tiếng Vô Thinh’ để xuất bản, và ý nguyện của anh đã được thực hiện, sách phát hành tại hải ngoại năm 2015. Năm 2019 lại đi Pháp, anh vẫn bước vững vàng trên tuyết, tri thức vẫn linh hoạt, còn nhớ cả hai. Khi xưa anh giảng, bọn trẻ chăm chú im lặng, nay các em huyên thuyên không ngớt và anh điềm đạm lắng nghe; chuyện trò cả ngày, suốt hai tuần chưa dứt.
Từ ý thức ở lại với thanh niên năm 1956, anh dành cả đời làm việc cho MTTL, đào tạo một thế hệ mới cho hội VN nói riêng và phong trào Theosophia nói chung. Chỉ do hoàn cảnh bắt buộc mà nhóm phải xa nhau, nhưng tình huynh đệ vẫn bền chặt. Sứ mạng khó khăn mà anh kiên trì bao năm giờ đã xong, chúng em xin cùng anh hân hoan là nhiệm vụ anh tự đặt cho mình  (là tính chất của việc phụng sự đích thực, mà không có ai vỗ đầu ra lệnh, hay cầm tay dẫn dắt) đã hoàn thành mỹ mãn.
Với lòng tôn kính và biết ơn.

Cúc Trắng

Sau đây là bản in lại chương trình lễ Hoa Sen Trắng năm 1971 của xứ bộ TTH VN, do chi bộ TNPS tổ chức.

 

Thiệp Mời

 

Đại Hội HOA SEN TRẮNG năm 1971
Hội Quán số 496 Võ Di Nguy, Phú Nhuận
Chiều thứ bẩy 8 tháng 5, lúc 5 giờ 30

Chương Trình

Nhạc khai diễn:
- Giấc mơ mùa đông - Winter Dreams – Tchaikovsky.  Adagio
Lời chào mừng của Chi Trưởng Chi bộ Phụng Sự

NHẠC  KỊCH

“Lịch Sử Một Tâm Hồn: H.P.B.”

Màn I.  Bà Blavatsky lãnh thêm sứ mạng
Nhạc phụ họa:
- Nhạc khúc quý phái - Noble and sentimental waltzes - Maurice Ravel
- Dạ khúc số 1 - Nocturne op.9 No.1 - F. Chopin
- Thánh nhạc - Toccata - J.S. Bach
- Thiết tha - Appassionata - L. vanBeethoven

Màn II.  Bà Blavatsky kiểm điểm công tác
Nhạc phụ họa:
- Vũ khúc tạ từ Công chúa - Pavane For A Dead Princess – M. Ravel
- Chiều tà - Serenade – F. Schubert

Màn III. Giã từ
Nhạc phụ họa:
- Những thời hhạc - Musical Moments – F. Schubert
- Thánh nhạc - Largo – F.Handel

Tưởng niệm anh linh Bà Blavatsky
Nhạc kết thúc:
- Giấc mơ mùa đông - Winter Dreams – Tchaikovsky.  Finale