NHỮNG KHẢ NĂNG LẠ LÙNG (6)

Những Khả Năng Lạ Lùng  (tt)

 

Breakthrough to Creativity  - Shafica Karagulla

 

Xem Mục NHỮNG KHẢ NĂNG LẠ LÙNG (Số Trước)

Tôi mơ tới một dưỡng đường, nơi mà nhiều y sĩ loại này có thể được mang lại với nhau cho việc nghiên cứu. Chúng tôi có thể dùng phương pháp thông thường và cảm năng lạ lùng HSP (Nhận Thức bằng Cảm Năng Cao - Higher Sense Perception) để kiểm chứng lẫn nhau. Dù vậy tôi biết chuyện đó còn lâu mới tới. Tôi phải bắt đầu nơi tôi đang đứng và đơn độc nghiên cứu vào lúc này. Nghiên cứu sơ khởi làm tôi nhận thức rằng mình có việc hết sức lớn lao phải hoàn tất.

 

CHƯƠNG III
Chuyện Thật của Những Người Tuyệt Vời

Một khía cạnh quan trọng trong việc nghiên cứu của tôi về Nhận Thức bằng Cảm Năng Cao HSP, là kiếm được càng nhiều người có khả năng đặc biệt càng tốt, rồi quan sát cách họ sử dụng tài năng đặc biệt đó trong lãnh vực riêng của họ, ở vai trò lãnh đạo hay là công việc làm. Càng ngày tôi càng thấy có nhiều người thuộc các nhóm trí thức lặng lẽ dùng khả năng của mình trong nhiều cách rất quan trọng. Thường thường đây là những người ở địa vị cao trong giới lãnh đạo. Nhiều người rất hăng hái thảo luận về HSP để cố gắng hiểu rõ hơn về bản thân mình. Họ bắt đầu coi tôi như một người có thẩm quyền. Mấy lần đầu việc ấy làm tôi ngạc nhiên. Sau tám năm nghiên cứu tôi vẫn không xem mình là người có thẩm quyền về hiểu biết trong lãnh vực mênh mông chưa có đường lối này.
Việc tìm hiểu của tôi lan qua các ngành khác ngoài ngành y cho phần thưởng thật qúi giá. Lucia, một thông tín viên báo chí cũng là một nhà phê bình nổi tiếng trên thế giới, cho tôi vài hiểu biết hết sức lạ lùng về cách tường thuật tuyệt vời của cô trong thế chiến thứ hai. Phân tích của cô về tình trạng cuộc chiến và tiên đoán về diễn biến sắp xảy ra trong cuộc chiến, đã giúp cô được nhiều giải thưởng trong lãnh vực tường trình cho đài phát thanh. Những gì cô nói ra được các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia theo dõi và lắng nghe một cách nghiêm chỉnh, khi họ có quyết định chi. Cuối cùng tôi cũng có thể xin được cô giải thích làm sao được như vậy. Cô cho hay khi ngồi xuống để viết bài phân tích thời cuộc, cô bắt đầu "thấy hình ảnh". Đây là những hình ảnh trong tâm trí nó hiện ra như tia chớp, và hình như có kết nối trực tiếp với bất cứ điều gì cô đang viết. Những hình ảnh này đã giúp cô hiểu biết sâu xa và cho ấn tượng, mà dần dần cô tin là thật và đúng đắn.
Cô đã viết nhiều bài nổi bật và bài tường trình, phân tích các bước tiến của Nazi ở Âu Châu và cho biết một cách chính xác những bước kế trong tương lai. Cô kể cho tôi nghe là khi Hitler có ý định tiến quân vào Hy Lạp mà chưa ai biết mưu tính này, cô đang viết một bài thời sự về đường đi nước bước của ông. Chợt bản đồ châu Âu với cờ Nazi bay phất phới trên nước Hy Lạp lóe lên trong trí cô. Với nhận thức tức tốc và rõ ràng, cô chắc chắn rằng bước kế của Nazi sẽ là tiến vào Hy Lạp. Cô ghi tiên đoán này vào bài viết, và sự việc xảy ra đúng y vậy. Cô không biết tại sao hay làm sao các ấn tượng này lại đến với mình, nhưng cô bắt đầu tin và dựa theo những chỉ dẫn mà cô nhận được. Nhiều người khác cũng dựa vào tường trình tài ba của cô mà không biết chút gì là làm sao cô bàn hay như vậy !
Trong buổi đầu cuộc chiến cô bị bắt và bỏ tù ở Âu Châu, rồi bị kết án tử hình. Nhờ vào HSP của mình cô đã tìm được sự giúp đỡ để trốn thoát. Cô cũng kể lại nhiều kinh nghiệm về việc biết trước chuyện có liên quan đến các biến cố trong đời mình. Cô thoát được tới Hoa Kỳ trong lúc chiến tranh đang diễn ra, và viết những bài tường thuật hiệu quả nhất trong nước này. Cô trở thành công dân Hoa Kỳ và tiếp tục nghề ký giả, cộng thêm với các chương trình phát thanh và truyền hình. Cô cũng là một thuyết trình viên nổi tiếng. Nhưng chẳng bao giờ cô đề cập đến HSP.
Tới đây, hẳn cũng nên kể một chuyện khác vì nó có liên quan đến tin tức về việc Hitler tiến quân vào Hy Lạp. Lại nữa, nó làm cho tôi nhận thức thêm là có thể ta không biết HSP được sử dụng thường xuyên ra sao ở những cấp cao trong chính quyền. Bạn tôi, Vicky, cư ngụ bên Anh trong lúc chiến tranh đã làm việc thật lặng lẽ với hai người bạn cũng có Nhận Thức bằng Cảm Năng Cao ngoại hạng. Một trong hai người đàn ông này giữ chức vụ quan trọng trong văn phòng M. I. 5, là cơ quan tình báo tối mật. Người kia có vai trò cố vấn cao cấp trong Bộ Chiến Tranh. Ba người này thường hay gặp nhau và ngồi yên lặng, nỗ lực hướng tư tưởng vào các tin tức liên quan tới đường đi nước bước của kẻ thù. Sau Dunkirk và việc tiến quân vào Pháp, câu hỏi sinh tử là bước tiến trọng đại kế tiếp của Hitler. Liệu ông sẽ tấn công toàn bộ vào Anh quốc? Rất có thể ông sẽ chiến thắng nếu làm vậy. Ông có biết điều này không?
Vào một tối thứ tư trọng đại Vicky và hai người đàn ông vừa kể ngồi lặng yên, nỗ lực hướng tâm trí vào tình hình. Thói quen của họ là mỗi người viết xuống kết luận của mình lên tờ giấy riêng, rồi úp nó xuống mặt bàn. Khi cả ba cùng làm xong thì những gì viết trên giấy được đọc và bàn thảo. Trong buổi tối đặc biệt này Vicky viết "Không phải Anh quốc mà là Hy Lạp. Nhưng tôi thật không hiểu điều này."
Anh làm trong cơ quan tình báo viết "Sẽ là Hy Lạp. Nhưng tại sao không là Gibraltar? Thấy rõ ràng là Hy Lạp."
Anh làm trong Bộ Chiến Tranh viết “Hitler sẽ tiến vào Hy Lạp kế tiếp. Cuộc chiến đẫm máu nhất sẽ xảy ra."
Cô thông tín viên báo chí khi ấy đang ở Hoa Kỳ, tờ báo có bài tiên đoán của cô chưa đem in. Ba người ở Anh quốc không biết và cũng chưa gặp cô bao giờ. Khi bài báo của cô được phát hành, Bộ Chiến Tranh ở Luân Đôn đã bí mật hành động theo đề nghị của người cố vấn trong Bộ. Nhiều câu chuyện chứng thực như hai chuyện vừa kể, bắt đầu sinh ra trong trí tôi một giá trị mới về Nhận Thức bằng Cảm Quan Cao đối với các vấn đề quốc gia.
Ngày kia tôi được gặp một nhà xuất bản có tiếng đang tìm người viết sách về HSP. Ngay khi chúng tôi vừa gặp nhau, ông hỏi phải chăng tôi dự tính viết một cuốn sách về đề tài này. Chắc chắn ngày kia tôi phải viết, nhưng tôi giải thích với ông là tôi vẫn còn biết quá ít về nó. Ông vẫn tiếp tục bàn thảo về HSP, tôi hỏi tại sao ông quan tâm nhiều đến đề tài đặc biệt này. Khi tôi hứa kỹ là sẽ không bao giờ nhắc đến tên ông khi viết sách liên quan tới chuyện, khi ấy ông sẵn lòng nói về khả năng của mình.
Ông kể rằng trong lúc chơi đánh bài với các bạn, ông cứ luôn thấy là mình biết được họ có những quân bài gì. Điều này cuối cùng làm ông xáo trộn quá nên thấy tốt hơn không chơi nữa. Ông kể lại nhiều kinh nghiệm viễn cảm (thần giao cách cảm) mà đôi lần có thể làm cho ông ngượng ngùng. Ông tìm cách kềm chúng lại vì cảm thấy rằng chúng đã làm ông có chút khác thường. Tuy nhiên, khi uống vài ly rượu vào và tâm tình hóa cởi mở hơn, ông thấy dù có kềm chế ông vẫn biết người khác nghĩ gì và sẽ nói chi.
Đôi khi một người không biết là mình có HSP cho đến khi bị đặt vào hoàn cảnh mà nó tự động thành hữu ích cho họ. Paul là một thí dụ thú vị về điều này. Trong nhiều năm Paul trông nom một quán ăn nhỏ. Anh muốn chuyển sang một nghề mới thú vị và thỏa mãn hơn nhưng bị giới hạn vì anh chỉ học hết bậc trung học. Sau rốt anh đi tìm chỉ dẫn hướng nghiệp. Người ta thấy chỉ số I.Q. (chỉ số thông minh) của anh tốt ngoại hạng, và anh có khả năng viết và thông tin liên lạc. Anh được khuyên nên học viết về kỹ thuật. Anh làm theo lời, có huấn luyện và làm việc giỏi trong chỗ làm đầu tiên viết về kỹ thuật. Trong vòng một năm anh được thăng chức, và là thành viên một nhóm trong kỹ nghệ nặng về kỹ thuật. Công việc mới đòi hỏi anh phải viết những bài rất là kỹ thuật về vật liệu
trong khoa vật lý và điện tử.
Tới đây Paul ghi danh học một khóa ngắn hạn về điện tử sơ cấp, chính yếu là để nắm được thuật ngữ. Dù sự kiện là thực tình thì anh không có hiểu biết khoa học, chẳng bao lâu anh đã viết nhiều bài báo phức tạp về khoa học, làm việc suông sẻ với các kỹ sư, khoa học gia hàng đầu. Các khoa học gia làm chung với anh đương nhiên cho rằng anh có học nhiều về khoa học. Mới đầu Paul không biết là có gì khác thường về việc anh nhanh chóng thấu triệt những ý tưởng khoa học và các bài anh viết. Anh xem việc thường xuyên tiếp xúc với các khoa học gia và kỹ sư làm anh dường như có kiến thức, là chuyện đương nhiên
Điều này không gây cho anh ấn tượng gì cho đến khi có một việc lạ lùng khiến anh nhận ra nó. Công ty nơi Paul làm việc chuyên lo về những hợp đồng thương mại lớn. Ngày kia một cuộc họp quan trọng được sắp xếp với các đại diện chính phủ, để thảo luận về một hợp đồng mới với công ty.  Cuộc họp này chỉ được báo trước ngắn ngủi, và hai người rất cần thiết cho cuộc họp lại không có mặt ở công ty. Túng thế, ông phó giám đốc kêu Paul tham dự buổi họp với ông vì hai cấp trên trong phân bộ của anh không có mặt. Có thảo luận đáng kể ở bàn họp, và chót hết vài điểm được nêu ra mà chỉ hai người cấp trên mới có thể bàn luận. Cuộc thương thảo bị khựng lại, rồi kẹt quá ông phó giám đốc hỏi Paul có biết điều chi liên quan đến các điểm này. Lời thuật của Paul về những gì xảy ra sau đó thật là kỳ thú. Cá nhân anh thì không quen thuộc với việc ráp máy móc đang được thảo luận.
Anh kể rằng ngay lập tức anh thấy dường như "trí của anh" đang ở nơi dựng máy, dù anh biết mình đang ở trong thân xác tại bàn họp. Anh có thể "thấy" sự lắp ráp rõ ràng. Những từ ngữ khoa học đúng tuôn vào trí để mô tả hoạt động và khả năng của máy. Anh thấy mình cho những thông tin cần có một cách rõ ràng và trôi chẩy. Lời tường trình cho ấn tượng tuyệt vời và về sau được thấy là hoàn toàn chính xác. Paul hơi bàng hoàng về chuyện này. Ông phó giám đốc cảm thấy mình hẳn đã bỏ sót một kỹ sư trẻ đầy tài năng. Sau cuộc họp ông khen Paul là đã đem họ khỏi cảnh lúng túng, và hỏi anh học kỹ sư ở đâu. Paul trả lời là anh không có bằng cấp nào cả và cũng chưa hề đi học để thành kỹ sư.
"Thật là khó tin!" ông phó giám đốc buột miệng. "Trời đất, đừng nói ai nghe nhé. Thế làm sao anh biết ?"
Paul vẫn còn hoang mang về những gì vừa xảy ra và đang sắp xếp lại đầu óc. Anh giải thích yếu ớt rằng nó hẳn phải là do anh, với tư cách là người viết về kỹ thuật, thường xuyên tiếp xúc với tất cả kỹ sư giỏi dang trong hãng.
Kể từ buổi đó Paul bắt đầu chú ý nhiều hơn đến công việc của mình. Anh ngạc nhiên thấy rằng anh có thể hòa vào tune-in tâm trí của khoa học gia mà anh đang nói chuyện với. Lúc đó dường như anh hiểu rõ những gì mà ông biết. Bằng cách này anh có thể viết xuống chính xác điều chi mà người này muốn.
Thí nghiệm hơn chút nữa, anh khám phá thêm là mình có thể hướng về bất cứ lắp ráp nào trong nhà máy, thấy các bộ phận và cách chúng hoạt động. Đây là một kinh nghiệm lạ lùng. Anh biết rõ ràng thân xác mình  đang ngồi ở bàn làm việc nhưng cùng lúc anh lại đang hiện diện ở một nơi khác, nhìn vào và hiểu một cơ chế phức tạp. Anh không hề biết là mình có khả năng đó, cho đến khi chuyện cần kíp xảy tới ở bàn họp dường như đã làm khả năng này bung ra.
Anh khám phá ra mình có thể làm nhiều chuyện khác với trí não. Khi muốn tìm đường quanh khu vực rộng lớn mấy ngàn mét vuông nơi đang làm việc, anh có thể để tâm trí bay thật cao lên trên khu vực đó. Khi làm vậy anh có thể thấy tất cả những toà nhà được xếp đặt ra sao, và tìm ra đường tiện nhất đến nơi anh muốn trong thời gian ngắn nhất. Anh bắt đầu sử dụng khả năng này hàng ngày như là chuyện tự nhiên.
Về sau Paul lên cấp cao hơn, công việc có liên quan đến chuyện đặt kế hoạch cho hệ thống. Anh thấy nếu nghiền ngẫm một vấn đề trong nhiều ngày, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi góc cạnh của nó mà anh biết, đến một lúc nào đó bất chợt giải pháp và kế hoạch lóe ra trong trí với đầy đủ mọi chi tiết. Hình ảnh trọn vẹn này thường có liên can đến nhiều điều anh chưa xem xét, và cũng chưa coi kỹ vấn đề. Có lần anh được giao một việc mới là đặt kế hoạch cho hệ thống, thượng cấp cho hay họ hy vọng công việc sẽ hoàn tất trong vòng sáu tới tám tháng. Một tuần sau anh đưa cho cấp trên chương trình hoàn tất với trọn diễn tiến cho hệ thống của dự án. Về sau chương trình được thông qua và đem áp dụng. Nhưng khi ấy thượng cấp của anh ngỡ ngàng quá, và nhất định cho rằng anh không thể nào nghiên cứu và soạn chương trình chỉ trong vòng một tuần, vì thời hạn tối thiểu phải là năm hay sáu tháng.
Paul khăng khăng đòi ông phải đọc bài tường trình của mình. Ba ngày sau cấp trên của anh trở lại, sững sờ kinh ngạc. Ông giải thích với Paul là kế hoạch thật tuyệt vời, hoàn hảo, không thể khá hơn được, nhưng không thể nào anh làm xong trong một thời gian mau như thế. Ngoài ra người khác chưa sẵn sàng. Họ không thể làm việc nhanh như vậy. Không ai làm nhanh được như thế ! Thêm nữa, ông không giải thích được với người khác là làm sao Paul đã làm được.
Khi Paul hỏi cấp trên là ông muốn anh làm gì bây giờ, ông bảo anh đóng cửa văn phòng của anh lại, kiếm sách đọc, câu giờ, muốn làm gì thì làm trong năm tháng tới đây, miễn sao giữ cho mình bận rộn. Anh không trình kế hoạch này ra hay cho ai biết là nó đã hoàn thành, cho tới khi thượng cấp của anh hỏi. Bản kế hoạch này đúng là những gì họ muốn, nhưng Paul phải im hơi kín tiếng và chỉ trình nó ra khi tới ngày ấn định.
Thỉnh thoảng Paul có những giấc mơ báo trước chuyện mà sớm muộn gì cũng xảy ra trong đời sống hàng ngày. Anh ghi lại các giấc mơ này và chứng cớ mô tả giấc mơ để cho chắc, theo như anh nói, là anh không gạt chính mình. Trong suốt cuộc đời anh có rất nhiều giấc mơ như vậy mà không quan tâm tới chúng, cho đến khi anh bắt đầu để ý đến những HSP của mình.
Một trong những chuyện khác Paul khám phá mình làm được, là anh có thể hướng tâm tune–in vào một bộ máy phức tạp bị hư không chạy nữa và biết ngay tại sao nó hư. Anh có thể chỉ chính xác nơi bị hư và cần phải làm gì. Anh thấy khả năng này thật hữu ích ở nhà nhưng lại có rất ít dịp để sử dụng nó theo cách nào khác.
Đôi lúc khi Paul đang làm một dự án nào đó hay lo nghĩ về chuyện riêng của mình, thì hình ảnh và các ký hiệu hình học lóe trong trí. Những hình ảnh và dấu hiệu này thường kèm theo một loạt ý tưởng và khái niệm, mà trong tích tắc chúng giải thích và làm sáng tỏ vấn đề anh có trong đầu. Anh gọi nó là symbol-thinking (nghĩ bằng biểu tượng). Kinh nghiệm đặc biệt này của Paul rất là thú vị, vì một số người khác cũng mô tả kinh nghiệm tương tự vậy.
Paul là một người lặng lẽ, do kinh nghiệm đã học được tánh kiệm lời, và rất sáng suốt để không nói gì về khả năng HSP của mình với bạn bè và đồng nghiệp. Phải mất một thời gian tôi mới cạy miệng anh được để nói chuyện này với tôi. Anh cố gắng nhiều để có cách cư xử mà xã hội chấp nhận được, vì anh không muốn bị coi là "lập dị". Đôi lúc chuyện thiếu học vấn làm anh không có cơ hội tìm được việc. Nhưng một khi có việc anh lại làm quá giỏi nên không ai đặt câu hỏi về trình độ học vấn của anh. Một khi đã yên vị ở chỗ làm việc thì dường như anh từ từ thăng tiến đến chức trong công ty, nơi anh có thể sử dụng khả năng tuyệt vời của mình một cách thuận lợi cho anh.
Tôi cảm thấy chắc chắn là nếu có thể họp lại những người như Paul cho chương trình nghiên cứu và huấn luyện, nơi mà các khả năng này có thể được thử nghiệm và thẩm định, thì chúng ta có thể khám phá trọn cách mới mẻ để dùng một nguồn tài năng sáng tạo. Hiện thời ai có khả năng như vậy thường bị cho là khác đời. Nếu không cẩn thận họ sẽ bị gọi là "khùng khùng điên điên" hay "dở hơi". Thành ra không có gì ngạc nhiên khi người có khả năng và thông minh thường lặng lẽ che dấu khả năng đó.
Nói chuyện với nhiều người như Paul, tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng ta đã bắt đầu vén màn bí mật về thiên tài khi nghiên cứu HSP, có phải HSP là cơ chế nằm sau tài năng sáng tạo và thiên tài chăng? Câu hỏi này chưa thể trả lời được vào lúc này nhưng ta hãy nên giữ nó trong đầu. Những lóe hiểu biết rõ ràng của Paul nằm trong trọn cách thức của HSP mà anh biểu lộ tới một mức đáng kể. Đồng thời lời mô tả kinh nghiệm của anh thấy giống như mô tả thuộc về cách thiên tài làm việc.
Ngày nay trong mọi lãnh vực con người hết sức cần có thêm tài năng có tính sáng tạo. Vài năm trước, báo Wall Street Journal có bài tường thuật về hội nghị cao cấp thảo luận về vấn đề này. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của thương mại và kỹ nghệ, đã gặp nhau liên tiếp nhiều ngày tại một cơ sở miền đông Hoa Kỳ, tìm cách khám phá và khuyến khích hơn những tài năng có tính sáng tạo. Giáo sư, tâm lý gia, và kỹ nghệ gia đã phát biểu tại buổi hội nghị đó. Họ ráng nỗ lực định nghĩa rõ khả năng sáng tạo là gì trong số những điều khác. Hội nghị xem điều này như là tiên khởi cho bất cứ nỗ lực nào muốn tìm tài năng. Dường như đa số ở đại hội dốc lòng vào việc rõ rệt ấy.
Bài thuyết trình của một diễn giả tại hội nghị được tường thuật trong báo Wall Street Journal, đã minh hoạ thật thú vị khi tả người có óc sáng tạo và người không có. Mô tả của họ về người có óc sáng tạo nghe thật giống như khả năng của Paul, là hòa vào tune–in các máy móc. Nó dễ dàng là mô tả về người có HSP. Thuyết trình viên thảo luận về chuyện giả dụ, là có hai người tìm cách chế ra một máy cắt cỏ mới hữu hiệu hơn. Người không có óc sáng tạo sẽ đặt kế hoạch hợp lý, vẽ kiểu rồi tạo thành máy; phải hoàn tất xong họ mới biết là nó không chạy, hoặc không có gì khá hơn so với máy đang có. Người có óc sáng tạo cũng khởi đầu với kế hoạch, cũng vẽ kiểu nhưng anh không cần phải làm xong máy mới biết nó không chạy. Khi làm theo kiểu đã định thì "cái máy cắt cỏ sẽ tự nó báo cho anh hay rằng nó không chạy được". Anh sẽ sửa đổi kiểu, và chót hết tạo ra một máy cắt cỏ mới có nhiều công hiệu hơn. Trong bài tường thuật này tờ Wall Street Journal dùng chữ "esoteric" (huyền bí) cho loại diễn tiến này. Có lẽ chữ HSP cũng có thể dùng cho trường hợp như vậy. (còn tiếp)