LỊCH SỬ HỘI: NHỮNG NGÀY ĐẦU

Lịch Sử Hội:   Những Ngày Đầu

Old Diary Leaves – H.S. Olcott (tt)

 

Xem Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (Các Bài Trước)

Chương  III

Chuyến đi Cawnpore này đáng nhớ với ông Olcott, vì chứng cớ mà ông có được về sự phát triển mau lẹ khả năng tâm linh của Damodar. Như đã kể trước đây, lúc còn nhỏ và mắc bệnh nặng anh được một Vị đến thăm mà nhiều năm sau khi lớn lên có tiếp xúc với Hội, anh nhận ra đó là một trong các Chân sư. Khi ấy, mối liên hệ mật thiết giữa thầy trò được lập ra và Damodar dành hết tâm hồn cho việc huấn luyện về tâm linh, tham thiền, cũng như làm việc ngày đêm hết sức mình cho phần việc ông Hội mà ông Olcott giao cho anh làm.
Việc Damodar cùng đi với  ông trong chuyến đi này là do lệnh của Chân sư, và trong suốt chuyến đi mọi người có được nhiều bằng cớ về tiến bộ tinh thần nơi anh. Damodar làm ông kinh ngạc vào buổi tối họ đến Cawnpore khi anh nói cho ông hay một lời nhắn của Chân sư để trả lời cho thắc mắc của ông là phải làm gì khi có một chuyện vừa mới xẩy ra, và bảo rằng ông sẽ thấy nó viết ra giấy; tờ giấy  đó nằm trong hộc khóa kín của bàn viết ông, với chìa khóa cả ngày luôn nằm trong túi ông. Khi tới bàn và mở khóa, quả thật ông thấy lá thư như đã nói với nét chữ của Chân sư K.H. Vào lúc ấy, HPB và ông cách nhau năm ngày đường bưu điện thì chuyện bà giả mạo chữ viết của Chân sư, như về sau bị vu cáo, khó lòng đứng vững.
Ngày thứ hai sau khi tới Cawnpore, ông nhận được một phong bì lớn gửi cho ông được chuyển từ Adyar đến. Trong số các thư có một bức của ông Sam Ward với dấu bưu kiện ở Capri, trong phong bì có mẫu thư cho đức K.H. mà ông nhờ ông Olcott chuyển đi nếu được. Bởi lúc đó mỗi đêm Damodar xuất vía đi tới ashram của Chân sư, ông đưa cho anh mẫu giấy và nhờ anh hỏi ngài có nên mang thư đến cho ngài hay không. Đó là buổi trưa ngày 4.11.83 tại Cawnpore, N.W.P. (North West Province)
Từ Cawnpore họ đi sang Lucknow vào chiều ngày 4.11, tới trạm Lucknow lúc chín giờ tối. Hôm sau họ bận rộn không hở tay với việc tiếp khách, trò chuyện, xem xét việc điều hành chi bộ, diễn thuyết, chỉ dẫn thuật chữa bệnh bằng từ lực prana trên người mẫu trong phòng ông. Sau Lucknow là Bara Banki và công chuyện trên lập lại. Qua một nơi nữa rồi họ đến Moradabad, Damodar cho bằng chứng khác về việc anh có khả năng xuất vía du hành. Anh đi về Adyar, nói chuyện với HPB, nghe tiếng của một Chân sư nói lời nhắn cho ông, và xin HPB gửi điện tín cho ông về điểm chính của lời nhắn, để làm ông tin chắc là anh đã nói xác thực về những chuyện này.
Khi thuật lại việc cho ông hay, anh nhắc lại lời nhắn mà anh đã nghe, và tất cả ai có mặt trong phòng ký vào văn bản ghi nhận sự kiện. Sáng hôm sau, bức điện tín mà họ mong chờ từ HPB được người đưa thư mang đến. Bức điện xác nhận lời nhắn mà anh đọc và được mọi người ký tên.
Chặng kế trong chương trình chuyến đi là Aligarh và họ tới đó ngày 12.11, tại đây ta có phần kế của chuyện về ông Sam Ward ở trên. Ông Olcott đến bưu điện lấy thư từ Adyar, trong đó có thư do HPB gửi từ Hội ngày 5 có kèm thư y hệt như của ông Ward gửi nhờ chuyển cho đức K.H., nhắc lại thì ông Olcott nhận được thư này từ Ý và đã giao cho Damodar tại Cawnpore ngày 4, nghĩa là buổi chiều trước ngày bà gửi nó đi ở Adyar. Thư của bà mang dấu bưu điện Aligarh nhận ngày 10, và hai nơi cách nhau năm ngày đường xe lửa. Bức thư đã chờ ông hai ngày tại bưu điện Aligarh.
Theo ông, đây là trường hợp có chứng thực rõ ràng được ghi nhận, về việc chuyển đi tức thì món đồ vật chất giữa hai nơi xa nhau. Sự gạt gẫm, đồng lõa không thể có được do chứng cớ dấu bưu điện đã ghi, và ông vẫn còn giữ bức thư ấy. Damodar còn kể cho ông nghe một sự kiện thú vị liên quan đến chuyến du hành này  của anh nơi cõi trung giới. Khi thân xác ngủ như thường lệ, anh phóng ngay tới nhà của Chân sư ở Himalaya nhưng khi đến nơi, thấy ngài không có đó và ngài cũng đã du hành bằng thể vía; do sức thu hút mạnh mẽ giữa thầy với trò, anh bị cuốn hút mạnh mẽ và tức khắc, làm như anh bước vào dòng sông sâu cuồn cuộn bị nước kéo đi. Phút sau đó anh thấy mình ở Adyar trước mặt cả Chân sư của anh và HPB.
Khi đi ngủ anh cầm trong tay thư ông Ward và dường như thư cũng đi theo anh sang cõi trung giới, lẽ tự nhiên thư đã biến đổi từ vật chất sang chất liệu cõi thanh. Khi thưa với Chân sư về lá thư, anh thấy nó trong tay mình nên đưa cho ngài, và được dạy trở về chỗ ngụ. Ta có thể suy luận rằng bức thư bằng chất liệu cõi thanh nay hoàn lại thành vật chất đậm đặc như cũ, được HPB đón lấy và qua hôm sau gửi về địa chỉ của ông Olcott ở Aligarh. Hiện tượng này, giống như việc ông trao tặng chiếc khăn đội đầu của Chân sư lúc gặp ngài ở New York đã kể trong một đoạn trước trong PST 56 chuyện HPB, cho thấy sự thay đổi chất liệu của đồ vật đi theo hai chiều, là từ cõi hữu hình sang cõi thanh và ngược lại, cũng như nhiều người có hiểu biết để làm chuyện ấy.
Theo chương trình nhóm đi tới Dehli, Meerut, rồi Lahore nơi có một số việc xẩy ra. Giữa hai trạm này Damodar lại có cuộc du hành sang cõi trung giới mà có thể kiểm chứng được. Ba người gồm ông Olcott, Damodar và T.N. Naidu ngồi trong cùng một toa, Damodar có vẻ như trằn trọc trên giường còn ông Olcott ngồi đọc sách bên ngọn đèn. Đột nhiên Damodar đi lại phía ông hỏi giờ, lúc ấy đồng hồ tay của ông chỉ vài phút nữa là sáu giờ tối. Anh cho hay vừa từ Adyar về với HPB bị tai nạn ở đó, nhưng anh không thể cho ông hay là nặng hay nhẹ, tuy anh nghĩ bà vướng chân vào thảm và té nặng lên đầu gối chân phải.
Ta nên nhớ anh chỉ mới bắt đầu học huyền bí học, và chưa thể có hồi nhớ lại chính xác kinh nghiệm ở cõi thanh khi trở lại tâm thức trong xác phàm. Khi nghe chuyện của anh, ông làm hai việc để khiến mình tin chắc, thứ nhất là viết bản thuật lại sự việc rồi cùng với Naidu ký vào đó, ghi ngày giờ. Thứ hai là khi đến trạm kế, gửi điện tín hỏi HPB:
– Trụ sở hội có tai nạn gì xẩy ra khoảng sáu giờ ?
Nhóm đến Lahore vào sáng hôm sau lúc chín giờ và được đưa về lều ngụ. Chẳng mấy chốc nhóm trò chuyện với thân hữu về chuyện tối hôm trước trên xe lửa, và bản văn của ông chuyền tay cho mọi người ký tên, cũng như ghi rằng điện tín của HPB mà mọi người trông chờ thì chưa tới. Người trong nhóm mới bỏ đi tắm và ăn sáng; trong lúc ông ngồi nói chuyện với khách trong bóng mát của lều thì nhân viên bưu điện tới, cầm trong tay phong bì mầu nâu chứa bức điện tín. Ông Olcott kêu khách tự tay lấy phong bì mà khoan mở, chờ cho tất cả trở lại đông đủ rồi hãy mở trước mặt mọi người.
Sự việc diễn ra lúc 12 giờ trưa, và những ai hiện diện ký vào mặt sau bức điện tín để làm bằng. Nội dung của bức điện là:
– Gần bị gẫy chân phải, vướng ghế Bishop bị té nhào, kéo theo bà Coulomb, làm ông bà Morgan kinh hoảng. Damodar làm chúng tôi ngạc nhiên.
HPB nhận điện tín mà ông gửi đi từ Saharanpore vào tối ngày 17, điện tín của bà trả lời có dấu bưu điện ở Adyar lúc 7.55 sáng ngày 18 và ông nhận được tại Lahore vào giữa trưa. Sai biệt giữa chi tiết mà Damodar thuật lại và của HPB không có gì đáng ngạc nhiên khi ta xét đến mức phát triển tinh thần của anh, còn thì có sự phù hợp hoàn toàn giữa sự kiện chính là té nặng và thương tích cho đầu gối phải của bà.
Có kẻ cao ngạo mà ít hiểu biết muốn ta tin rằng đây có thể là sự đồng lõa thô lậu giữa HPB và Damodar để dối gạt ông Olcott, nhưng khó mà tin là một phụ nữ to béo nặng hơn trăm ký chịu làm cho đầu gối phải của mình bị thương nặng hầu lường gạt ông, trong khi bà có thể dễ dàng thỏa thuận với Damodar để làm chuyện lạ lùng nào đó mà vô hại như đọc bài thơ tiếng Nga hay tiếng Pháp, múa máy tay chân. Lời bàn trên xem ra không hợp lý chút nào. Bức điện tín của HPB còn ghi một sự kiện mà trước đó nhóm của ông Olcott không biết, là tướng Morgan và phu nhân ở tại Ootacamund khi ấy đang viếng thăm Adyar.
Trong ba ngày tại Lahore, khách đến thăm lều của ông đông đảo. Vào đêm ngày 19 đang ngủ say thì ông chợt tỉnh dậy, cảm thấy có bàn tay đặt lên người. Lều của ông nằm giữa vùng đất trống và không được cảnh sát Lahore đi tuần, bản năng sinh tồn đầu tiên của ông là bảo vệ mình với việc có thể bị kẻ cuồng tín tôn giáo tấn công, nên ông chộp lấy cánh tay của người lạ và hỏi bằng tiếng Ấn rằng họ là ai và muốn gì. Chuyện chỉ làm trong tích tắc, và ông giữ chặt họ như ai sẽ làm khi có thể sắp bị tấn công và phải bảo vệ mạng sống của mình. Nhưng ngay sau đó một giọng nói ngọt ngào thân ái bảo.
– Bạn không biết Tôi sao? Không nhớ Tôi à ?
Đó là tiếng của đức K.H. Một cảm giác rùng mình mau lẹ lan khắp thân ông, ông buông tay đang nắm cánh tay ngài và chắp lại kính cẩn chào, và muốn nhẩy ra khỏi giường để tỏ lòng kính trọng. Nhưng bàn tay và giọng nói ngài giữ ông lại, rồi sau vài câu được trao đổi ngài cầm lấy tay trái ông trong tay ngài, đặt các ngón tay phải vào lòng bàn tay và đứng yên lặng cạnh chiếc giường xếp của ông, cây đèn đặt trên rương làm ông có thể thấy gương mặt thánh thiện hiền hòa của ngài. Rồi ông cảm thấy có một chất êm nhẹ thành hình trong tay mình, và phút sau đó Chân sư đặt tay lên trán ông, thốt lời ban phép lành và rời phần nửa lều rộng của ông để sang thăm ông Brown ở nửa lều bên kia, nằm ngủ đằng sau tấm màn ngăn đôi chiếc lều thành hai phòng.
Khi định thần lại, ông thấy tay trái đang cầm mảnh giấy xếp lại được gói trong miếng lụa.  Cố nhiên chuyện đầu tiên ông làm là đi tới cây đèn, mở giấy ra đọc. Thư tiên đoán cái chết của hai người đối nghịch với Hội, và việc ấy xảy ra một thời gian ngắn sau đó. Khi nghe có tiếng kêu phía ông Brown bên kia bức màn, ông Olcott đi sang và ông Brown đưa cho ông xem bức thư xếp trong miếng lụa, với hình dạng giống như của ông tuy nội dung khác; ông bảo mình được cho tựa như cách ông Olcott được, và cả hai cùng đọc thư đó.
Thư Chân sư gửi cho ông Olcott nhắc đến việc một Chân sư khác đã tới thăm ông ở New York, và theo ước nguyện của ông. Thư viết.
- Ở New York, bạn đòi hỏi có bằng chứng cho việc ngài đến thăm bạn không phải là Maya ảo ảnh và ngài đã thuận theo; nay dù không được hỏi xin Tôi cho bạn vật này để tuy Tôi ra khỏi tầm mắt bạn, lá thư này sẽ nhắc nhở bạn về cuộc gặp gỡ giữa chúng ta. Nay Tôi đi sang gặp anh bạn trẻ Brown để thử trực giác của anh. Tối mai, khi trại yên tĩnh và từ lực tệ hại nhất phát ra từ những ai đến nghe  bạn đã tan biến, Tôi sẽ thăm bạn lần nữa để trò chuyện dài hơn, cũng như bạn cần được khuyến cáo trước về vài chuyện trong tương lai.
Ngài chấm dứt bằng câu:
- Hãy luôn tỉnh thức, hăng hái và cân nhắc, vì xin nhớ rằng sự hữu ích của Hội Theosophia tùy thuộc phần lớn vào sự nỗ lực của bạn, và ân lành của chúng tôi đi theo hai vị ‘sáng lập’ bị nhọc nhằn cùng tất cả những ai giúp đỡ việc làm của họ.

Chương IV – V

Tối hôm sau, hai ông Brown và Olcott cùng Damodar ngồi trong lều của ông Olcott lúc mười giờ khuya, chờ chuyến viếng thăm sẽ có của Chân sư K.H. Khu trại yên tĩnh, và những người khác trong nhóm đã chia nhau đi khắp Lahore. Ba người ngồi trên ghế ở phía cuối lều để ai trong trại không thấy mặt được, trăng hạ tuần và chưa mọc. Chờ một lát thì cả ba nghe và thấy một người Ấn cao lớn từ khoảng đất trống đi về phía họ. Người này đến cách họ vài thước, ra dấu cho Damodar tới và anh làm theo. Kẻ ấy cho anh hay vài phút nữa Chân sư sẽ lại và có chuyện bàn với anh. Hóa ra đó là một đệ tử của đức K.H.
Rồi ba người thấy ngài từ cùng phía đi lại, ngang qua người đệ tử đã lui bước ra xa một chút, và dừng lại trước nhóm, ngài đứng và chào cả ba theo lối Ấn Độ cách đó vài thước. Anh Brown và ông Olcott ngồi tại chỗ còn Damodar đi tới và trò chuyện với ngài vài phút, sau đó anh trở lại với hai người và Vị khách đường bệ như vì vua bỏ đi. Ông nghe bước chân của ngài trên đất, tức đó không phải là hồn ma bóng quế mà là người với xác thân vật chất. Ta hãy để ý rằng đó không thể là Damodar giả dạng vì anh ở trong nhóm ba người đã nói, rồi phải kể tới những điểm đặc biệt của mỗi cá nhân rất khác nhau, và người đệ tử mà ông đã tiếp xúc nhiều năm qua.
Ta được thêm nhiều chứng cớ khác mà ông có trước khi đi nghỉ, ấy là người đệ tử vén cửa lều, ra dấu cho ông và chỉ tay về hình dạng Chân sư đang đứng chờ ông giữa khoảng đất trống dưới ánh sao. Ông đi tới ngài, Chân sư bước ra một khoảng xa hơn, chỗ an toàn không sợ có ai gây rối, và nói chuyện với ông chừng nửa tiếng về những điều ông cần biết. Chân sư cho hay ngài đến không phải chỉ vì ý riêng, mà còn vì một đấng cao hơn ngài hài lòng với sự trung thành của ông, và khuyên ông chớ hề mất lòng tin tưởng. Không cần phải nói ông ngủ được rất ít trong hai đêm ấy.
Ngày hôm sau 21.11 nhóm của ông Olcott rời Lahore tới Jammu  để gặp tiểu vương Kashmir. Tiểu vương tỏ ra thông thạo triết lý Veda và cùng ông Olcott có những buổi thảo luận thú vị. Trong buổi thăm viếng này xẩy ra chuyện đáng nói là Damodar chợt mất tích. Anh không để dấu hiệu chi lại cho biết hoặc đi luôn hoặc sẽ quay về. Ông Olcott vội vàng đi khắp nhà xem xét mà các phòng đều trống, người trong nhóm đã đưa nhau ra sông tắm. Người giúp việc cho hay Damodar đi lúc tảng sáng và không để lại lời nhắn nào. Không biết phải làm gì, ông về phòng mình và thấy trên bàn có lá thư của một Chân sư, xin ông chớ lo lắng về anh hiện đang được sự che chở của ngài, nhưng thư không nói chi tới việc anh trở lại.
Đi vào bốn phòng trong nhà có cửa thông với nhau để xem chỉ mất khoảng một phút hay hơn, vậy mà ông không nghe tiếng chân của người đưa thư nào trên sân lát sỏi quanh nhà; người ta khó mà vào phòng ông giữa lúc ông đi ra và quay trở lại, thế nhưng lá thư bí ẩn kia nằm đó với nét chữ của đức K.H. và phong bì Trung Hoa quen thuộc, đặt trên bàn của ông.
Linh tính đầu tiên của ông Olcott là mang vật dụng của Damodar, gồm hành lý và mền gối đem cất vào gầm giường của mình. Xong ông gửi điện tín cho HPB hay về việc anh mất dạng và ông không biết anh trở lại hay chăng. Khi những người trong nhóm đi tắm sông quay về, tự nhiên là họ thắc mắc như ông về sự việc này và cả nhóm mất nhiều thì giờ suy đoán về chuyện sẽ diễn tiến ra sao.
Ông Olcott đến gặp tiểu vương hai lần nữa ngày hôm ấy, trò chuyện về triết lý kinh Veda; chiều xuống ông ngồi một mình viết lách trong nhà còn những người khác đi ngựa chơi, nghe có tiếng chân trên sân sỏi bên ngoài, ông nhìn quanh thấy một người đưa thư cao lớn của bưu điện mặc y phục Kashmir mang cho ông bức điện tín. Khi mở ra ông thấy đó là của HPB gửi để trả lời bức điện của ông. Bà nói rằng một Chân sư cho bà hay là Damodar sẽ trở về, và ông đừng để cho bất cứ ai đụng vào đồ vật của anh, nhất là mền gối. Thật lạ lùng quá phải không, khi bà ở Madras tức cách xa khoảng 3.200 cây số lại kêu ông làm chính điều mà khi biết Damodar mất dạng, linh tính đầu tiên khiến ông làm vậy ? Phải chăng đó là viễn cảm, hay là gì khác ?
Rồi lại có chuyện lạ nữa, chỉ mất một phút là đủ cho ông mở và đọc bức điện tín, người đưa thư chưa có đủ giờ băng ngang qua hàng ba đằng trước nhà khi như ánh chớp, ông chợt hiểu ngay rằng hình dạng họ không có thật mà là huyễn ảnh Maya, và họ thuộc về nhóm Chánh  đạo. Ông biết ngay điều ấy, dám đoan chắc như thế, vì cảm nhận tâm linh có được trong lòng khi mỗi ai như vậy xuất hiện. Thực thế, nay ông có thể nhận ra làn rung động đặc biệt do từ lực của Thầy ông sinh ra, Vị cũng là Thầy của HPB. Ông Olcott chạy ra cửa và nhìn quanh sân trơ trụi, nơi không có cây to hay bụi cỏ có thể làm chỗ ẩn núp mà không thấy chi; người đưa thư đã mất dạng như thể biến đi vào lòng đất.
Khi kể lại câu chuyện này, ông thường được hỏi làm sao có được việc chuyển bức điện từ tay người đưa thư thật sang người giả, và làm sao có việc mang về nhà bưu điện tờ biên nhận có chữ ký của ông, trừ phi người đưa thư đồng lõa với ông ?
Chuyện đơn giản lắm nếu ta chấp nhận thuật thôi miên là có thật, tức thuật thôi miên của đông phương mà không phải thuật còn thô sơ ở tây phương lúc bấy giờ, nói khác đi là việc tạo nên huyễn ảnh hay Maya. Vị đạo sư gặp người đưa thư, dùng ý chí ngăn người đưa thư cho họ thấy ngài, làm cho họ bất tỉnh; dẫn họ vào nơi ẩn dấu thuận tiện; tạo cho ngài huyễn ảnh của họ bên ngoài hình dạng thật của ngài; để họ nằm ngủ ở đó; mang điện tín tới ông Olcott; lấy biên nhận, chào và trở ra. Phút kế, khi từ lực tương hợp của ngài khích động ông và làm ngài cảm biết là ông có phản ứng và sẽ ra cửa, nên ngài ngăn không cho ông thấy; ngài trở lại người đưa thư, đặt biên nhận vào tay họ, làm cho họ sẽ nhớ lại - như thể chuyện xẩy ra cho chính họ - khoảng giao tiếp ngắn ngủi giữa ngài và ông, làm họ tỉnh dậy, ngăn cản không cho họ thấy ngài, và dẫn dụ cho người ấy quay về bưu điện. Diễn biến thật giản dị, dễ hiểu cho bất cứ ai biết đôi chút về thuật thôi miên.
Damodar rời nhóm của ông Olcott ngày 25, trở lại với họ chiều ngày 27, tức vắng mặt khoảng sáu mươi tiếng, nhưng thay đổi biết bao ! Lúc biến dạng anh như sinh viên mảnh khảnh, da trắng nhạt, gầy gò, nhút nhát, rụt rè; anh trở về với gương mặt da sạm nâu nhiều lần hơn, trông cứng cáp, rắn rỏi, dẻo dai, bạo dạn với cung cách năng động; mọi người khó mà tin rằng đó cùng là một người. Anh đã tới ashram của Chân sư và được luyện tập ở đó. Anh mang về cho ông Olcott thư của một Chân sư khác mà ông biết, và để chứng minh ấy là thư thật, anh thì thầm vào tai ông một mật ngữ dùng trong Chánh đạo mà ông biết.
Sau Jammu ông Olcott tiếp tục hành trình đã định và đi tới những nơi khác. Một trong những nơi ông đến là Jaipur, tại đây có một tu sĩ được tôn kính tên Atmaram Swami. Thân hữu tại đây cho hay rất lâu trước khi ông Olcott tới, tu sĩ đã cho họ hay là cá nhân ông được biết các Chân sư, và tám năm về trước đã gặp một Chân sư tại Tây Tạng. Vị Chân sư này cho tu sĩ hay là không nên nản lòng về tình hình tôn giáo ở Ấn Độ, vì các ngài đã xếp đặt cho hai người Âu châu, một nam một nữ, sẽ đến làm hồi sinh các tôn giáo đông phương. Thời điểm này trùng hợp với việc thành lập Hội tại New York nên chi tiết quan trọng đối với ông Olcott.
Ông thăm viếng hoặc lập chi bộ tại những nơi đi qua, diễn thuyết, gặp gỡ viên chức người Anh lẫn người Ấn Độ bản xứ và trở về Madras ngày  15.12, sau chặng đường dài gần 4.000 km.
Đại hội Thường niên tại Adyar bắt đầu ngày 28.12 và kéo dài ba ngày. Từ mấy ngày trước ông Olcott bận rộn tiếp đón, sắp xếp chỗ cư ngụ cho khách về dự, cất lều tạm trú, làm tường trình tài chánh và các báo cáo hằng năm và sửa soạn nghị trình cho đại hội. Khi đại hội tiến hành, nhiều hiện tượng diễn ra tủ thờ nơi cất những hình vẽ Chân sư, sáu hay bẩy người nhận được thư bằng Anh văn hay tiếng Ấn cùng lúc, trả lời những thắc mắc họ đã nêu ra trước đó.
(còn tiếp)