CHÚ BÉ THẤY CHUYỆN THẬT 6
Chú Bé Thấy Chuyện Thật (tt)
The Boy Who Saw True - Cyril Scott
Xem Các Bài Trước CHÚ BÉ THẤY CHUYỆN THẬT
Ngày 20 tháng Mười.
Mình thích Froyline Heffner. Cô mập và có nét giống như bà bếp, nhưng cô không làm mình sợ chút nào và mình ráng học giỏi làm vui lòng cô. Tóc cô giống như cọng rơm, má núng nính tròn đỏ với đôi mắt xanh màu da trời, người cô lúc nào cũng đưa ra trước, ngón tay mập mạp làm mình nghĩ đến khúc dồi. Cô nói những người viết nhạc hay nhất toàn là người Đức, rồi cô kể tên một vài người. Mình chỉ được chơi bài tập năm ngón và các âm giai trong suốt học kỳ này, thiệt là bực. Mamma nói cô hiền từ dễ thương như bà mẹ, và thêm gì đó là đời cô khó nhọc. Papa chưa gặp cô nên mình không biết ba sẽ nói gì. Dù rằng ba không để tâm là mình học nhạc, ba nghĩ nhạc vớ vẩn, nói ba không thấy sự khác biệt giữa bài quốc ca God Save the Queen và bài Pop Goes the Weezle. Mình không được tập đàn khi có ba ở nhà, ngay cả Mildred cũng không, vì ba nói nó làm ba bị chia trí, không thể đọc sách khi có tiếng đàn ồn ào như vậy.
Ngày 2 tháng Mười Một.
Sao mà mình ghét ngày thứ hai quá khi phải đi học lại, sau hai ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật. Ngay khi vào lớp mình đã thấy lo lắng và có cảm giác thót lại ở giữa bụng, rồi về nhà thì mình không muốn ăn tối chút nào. Mamma hỏi có chuyện gì vậy vì mặt mình tái nhợt và bỏ ăn. Cuối cùng phải cho mamma hay mình nghĩ đó là vì cô Enid, cô làm cho mình lo sợ rồi mình òa ra khóc, thấy khổ sở quá chừng. Mamma nghĩ có lẽ mình chỉ tưởng tượng về cô Enid và còn có gì khác không ổn với mình. Nhưng mình biết không phải vậy. Tối hôm qua lúc ở trong giường mình thấy ông ngoại, ông nói.
– Con sắp gặp bác sĩ. Nhớ nói cho bác sĩ nghe về cô giáo ở trường. Đó là điều quan trọng mà con phải nói, không được quên.
Rồi ông mỉm cười và gục gặc đầu như mình còn nhớ ông hay làm vậy khi mình còn bé, sau đó ông biến mất. Nhưng không thấy mamma nói gì về việc mình sẽ đi bác sĩ.
Ngày 5 tháng Mười Một.
Hôm nay là ngày lễ Guy Faulkes nên papa chịu chơi lắm, từ sở về mang thật nhiều pháo bông, đốt và phóng lên trời với Janet trước khi tới giờ ngủ của mình. Mamma và Mildred và mình nhìn xuyên qua cửa sổ phòng học, vui ơi là vui…
Ngày 6 tháng Mười Một
Ông ngoại nói đúng lắm, bác sĩ đến nhà mình hôm nay. Mới đầu mamma ở trong phòng nên mình không thích kể cho bác sĩ nghe về cô Enid, nhưng rồi có ai đó gọi mamma nói về việc đặc mua thuốt hay gì đó, nên mamma phải ra khỏi phòng chỉ còn lại mình và bác sĩ. Thành ra mình cho ông hay về cảm giác nôn nao mình hay có ở bụng, và rằng tim mình đập loạn xạ và hết mọi chuyện, vì ông ngoại kêu mình phải kể cho bác sĩ nghe; tuy mình nghĩ tốt hơn đừng nhắc gì về ông ngoại cả. Khi mamma trả tiền đặc mua cho thuốt xong và người đưa thuốt đã đi rồi thì mamma trở lại phòng. Sau đó một lát mamma nói mình có thể lên lầu được. Bác sĩ ngồi thật lâu nói chuyện với mamma, mình biết vậy vì chiếc xe ngựa của ông cứ đứng ở đó mãi. Mình thấy nó bên ngoài cửa sổ phòng chơi.
Ngày 7 tháng Mười Một
Tối hôm qua mình thấy ông ngoại nữa, ông cười khà khà và nói.
– Chúng ta đã gửi người đem thuốc đến với đơn đặt mua (tôi đã sửa lại chính tả cho đúng) để mamma con đi ra khỏi phòng, nhưng con nhớ đừng nói gì về chuyện này. Ông nói tiếp.
– Vui lên đi, con, chúng ta trông nom con, và chẳng bao lâu con sẽ nghe là không phải đi trường nữa.
Nên mình cảm thấy vui quá sau đó và ngủ thiếp đi. Froyline dạy mình học hôm nay. Mình phải học thuộc tên các nhạc sĩ nổi tiếng nên cô viết xuống giấy cho mình, bắt đầu bằng tên của bốn ông. Rồi cô chơi một khúc nhạc của từng ông. Đoạn nhạc thiệt là thích thú, trong khi cô chơi mình thấy được những hình ảnh tuyệt đẹp. Froyline nói rằng cô chơi cho mình vì cô muốn mình được nghe những bài nhạc hay. Cô nói nhạc sĩ tài ba nhất đã từng sống trên đời là ông tên Beethoven. Mình thích những buổi học nhạc của mình, và nghĩ rằng Froyline rất là dễ mến nên mình cũng thương cô nữa. Chiều nay cô Enid có thay đổi và dễ thương hơn. Đôi khi mình cảm thấy tội nghiệp cho cô, vì lúc nào cũng cau có thì chắc là khó chịu hết sức. Mình biết mình ghét phải cau có lắm.
Ngày 8 tháng Mười Một.
Hoan hô, mình không phải đi trường nữa. Khỏe biết chừng nào. Mình có thể nhảy tung lên đến trần nhà, thực vậy mình làm được chứ. (Có vẻ như bác sĩ bảo với mamma là tôi bỏ ăn vì thần kinh căng thẳng do tính khe khắt của cô Enid gây ra hoặc làm nó nặng thêm. Ông cũng nói tim tôi yếu và khuyên mamma đừng cho tôi tới trường. Hình như đã có nhiều phụ huynh than phiền về cách dạy của Cô Enid và không để con học cô nữa; vậy tôi không phải là đứa duy nhất bị như vậy.
Cô không hợp với vai trò là cô giáo, không thích trẻ con, và do có cuộc tình không hạnh phúc nên trở thành phụ nữ khó tánh và cay đắng. Ông nói với mamma rằng nếu mamma hỏi ý ông trước đó, ông sẽ mạnh mẽ khuyên là đừng cho tôi đi học trường này. Nếu ở vào thời nay, tôi nghĩ cô Enid sẽ bị nghi là có tánh tàn ác sadism. Hoặc có thể cô trả thù đời bằng cách gây đau khổ cho học trò không may được giao cho cô). Mình tự hỏi không biết chuyện gì sẽ xảy tới kế tiếp cho mình ? Mình cũng không muốn Cô Griffin trở lại nữa, dù cô không làm cho mình sợ như cô Enid nhưng cô quá nghiêm nghị, và không bao giờ cười về bất cứ chuyện gì cả.
Ngày 17 tháng Mười Một
Có chuyện gì đó xảy ra cho mamma. Mamma ăn sáng trên giường mấy ngày qua. Và hôm nay khi cả nhà ăn cơm tối thì mamma nôn ọe vào thùng đựng than, vì không kịp chạy vào nhà cầu. Mỗi khi mẹ bị bịnh mình luôn sợ là mẹ sẽ chết. Nhưng Mildred nói khi ai gần chết họ sẽ gầy sọp, nên có lẽ chị đúng vì mamma không gầy đi, mamma chỉ có bụng to lên như Cha xứ. Mình nghĩ uổng ghê vì mamma không còn đẹp nữa.
Ngày 23 tháng Mười Hai.
Giáng Sinh sắp tới rồi. Mình chạy đây chạy đó nhiều để giúp mamma. Mamma gửi quà cho nhiều người và mình phải đem đến tận cửa nhà đưa cho họ. Mamma bắt mình ôm một gói thật to đến nhà xứ. Mamma nói mamma sẽ vui lắm khi xong mùa Giáng Sinh, nhưng mình thì không. Mamma lại mập ra nữa và hình như lúc nào cũng mệt. Mình không hiểu tại sao.
Ngày 26 tháng Mười Hai
Hôm qua là ngày lễ Giáng Sinh, cả nhà cùng đi nhà thờ vào buổi sáng, nhưng trong bài giảng Cha xứ nói đến một chuyện buồn làm mình khóc một tí. Ông Wilcox đến nhà ăn tiệc Giáng Sinh vào buổi tối, mọi người ăn gà tây, xúc xích và bánh mậng với nho khô, hạnh nhơn, cam và nhiều thứ khác trong đó. Mình được thật nhiều quà, nhưng món quà thích nhất là chiếc hộp nhạc của ông Wilcox, chơi nhiều bài nhạc hay như của bà Croft. Mãi ba giờ chiều người đưa thư mới đến, ba bỏ một đồng vào thùng quyên tiền Giáng Sinh của ông. Mamma nhận được cả trăm tấm thiệp, đặt chúng đầy trên bệ lò sưởi trong phòng khách, mình cũng nhận được vài tấm thiệp đẹp.
Căn nhà trông thật đẹp đẽ vì Janet, Mildred và mình đã gắn những vòng lá ô rô tối hôm trước ngày Giáng Sinh khắp nơi trong nhà, và những chùm tầm gửi được treo ngoài hành lang. Sau bữa tiệc ông Wilcox dự trò chơi với cả nhà, mọi người vui ơi là vui. Tối đến ông mặc bộ đồ ông già Noel và nói như ông lão rất già, làm ba cười quá và hứng chí lắm. Nhưng mamma không khỏe và không vui cười như mọi người. Ông Wilcox đi vào bếp trao cho mỗi người giúp việc một hộp quà, Mildred và mình cũng tặng họ quà và họ có tặng lại cho hai chị em mình nữa. Vì là ngày Giáng Sinh nên mình được thức khuya và ăn tối trong phòng ăn, trước khi mình phải đi ngủ; ông Wilcox trổ tài làm ảo thuật, sau khi chơi đàn piano vài bài Giáng Sinh. Hôm nay mình thấy khó chịu trong người nhưng cảm giác không giống như khi phải đi học. Tuyệt cú mèo! Cám ơn trời mình không còn gặp cô Enid nữa. Tối hôm qua đang khi mình ráng ngủ thì thấy Đức Jesus. Ngài nói ngài đến để ban phước lành đặc biệt Giáng Sinh cho mình, ngay sau đó mình thấy bình an lắm và ngủ ngay.
1886
Ngày 1 tháng Giêng.
Mình đã có thầy dạy kèm rồi. Ông đến nhà mình từ 9:15 giờ dạy mình cho đến 12:45 giờ, lúc 11:00 giờ thì nghỉ mười lăm phút để mình uống sữa ăn bánh ngọt. Tên thầy là Patmore, ông có vẻ hơi già nhưng mình thích thầy này lắm không sợ ông chút nào, vì ông có vẻ hiền từ và dễ mến. Ông có tóc trắng chẻ ngôi ở giữa và chòm râu như dê cái, đôi mắt hóm hỉnh khác hẳn với cô Enid. Chiếc mũi quặp như mũi két và dĩ nhiên là nó không đen, và ông phảng phất mùi ống điếu. Ông nói ông tin rằng cả hai sẽ rất là hợp, làm việc vui vẻ với nhau, và mình đáp lại là phải rồi, cả hai hợp nhau lắm. Ông không đến dạy buổi chiều nhưng mình có bài tập phải làm để trình cho ông vào ngày hôm sau. Mình sẽ ráng hết sức để làm ông vui vì mình không muốn ông thất vọng về mình.
Khi Janet mang bánh và sữa cho mình rồi đi ra thì ông hỏi W.C. ở đâu.
– Biết địa lý trong nhà luôn là một điều tốt.
Ông nói làm mình cười quá vì mình cứ tưởng chữ ‘địa lý’ có liên quan với bản đồ. Trước khi ra về ông vỗ lưng mình và nói.
– Ráng học đi, cậu bé, làm bài cho giỏi thì chẳng mấy chốc em sẽ thành tài.
Mình rất vui với thày Patmore, bởi vì nếu papa gửi mình tới một trường đáng sợ dành cho con trai và gặp phải những đứa con trai to lớn thích đấm đá, không biết mình sẽ ra sao. (Ngay cả ở trường của cô Frampton tôi đã bị nhiều trẻ khỏe mạnh hơn ăn hiếp, lấy việc chòng ghẹo tôi làm thích.) Tối nay khi đi làm về ba hỏi,
– Sao, con có chịu ông thày mới này không ?
Mình trả lời ông là mẫu người thày mà mình thích lắm. Mamma với papa cùng cười rồi mamma hỏi.
– Con học được cách nói này từ đâu thế ?
Nhưng papa nói ba rất mừng khi nghe mình thưa là thích thày Patmore, và ba dặn thày phải cứng rắn với mình nhưng đừng nổi giận hay làm mình sợ.
Ngày 19 tháng Giêng.
Mình ước gì Thượng Đế khiến không có mùa đông. Trời tối cả ngày và trong nhà cần đốt lò sưởi, ngoài trời sương mù có mùi khí đốt, tay chân mình da khô bị nứt nẻ và lạnh tới độ không biết phải làm gì. Chỗ duy nhất ấm áp trong nhà là căn bếp với lửa bùng to với mùi bánh mì mới nướng. Phải chi mình được sống trong căn bếp, nó tựa như một phòng ở căn nhà nghỉ mát nhỏ, mình thích như vậy. Hôm nay khi thày Patmore đến, ông nói.
– Chà, chà, thời tiết này đáng sợ, đây là cảnh gọi là sự tối tăm có thể ngửi được.
Nếu không thích chuyện chi, thày Patmore nói đó là đáng sợ, và khi thích thì ông nói.
– Thật là hả dạ.
Nhưng ngay cả khi thày nói đó việc gì đáng sợ, có vẻ gì trong mắt của ông như muốn nói nó không đáng sợ chi hết, mà có lẽ chỉ là lời nói đùa. Dĩ nhiên khi mình làm bài tập sai quá nhiều thày không nghĩ đây là trò đùa, mà nhìn thày hơi buồn làm mình cảm thấy mắc cỡ quá. Khi chuyện này xảy ra, thầy nói.
– Hum, hôm nay thất vọng chút đỉnh. Ta phải làm giỏi hơn phải không ?
Nhưng khi hài lòng thì thày nói.
– Ah, vậy mới phải chứ, thật là hả dạ.
Dĩ nhiên là mình vui hẳn lên. Cô Enid không bao giờ nói những câu dễ thương như vậy, ngay cả khi bọn học trò không có lỗi nào, vì thế tìm cách làm vui lòng cô, một người hay bẳn gắt, thì có lợi chi. Được gặp thày Patmore may mắn biết chừng nào, đúng vậy, mình thật may mắn.
Ngày 25 tháng Giêng,
Hôm nay mình nói với Mildred.
– Em ước gì mamma đừng mập quá, bây giờ mamma mập như Geogina vậy. Mildred nói
– Đừng lo, mamma sẽ ốm thon trở lại mà.
– Làm sao chị biết ? Mình hỏi.
– Em không cần biết, chị nói. Vì chị biết chứ. Ở trường một bạn gái nói cho chị hay.
– Chị hay dữ há, mình nói.
Bây giờ nghĩ lại mình thấy có cái gì đó là lạ với ánh sáng của mamma nữa mà mình không hiểu tại sao… Nên mình nghĩ hỏi Mildred xem chị có thấy có gì khác lạ không.
– Cái gì, chị nói ngay, bộ em vẫn còn giả vờ thấy ánh sáng vớ vẩn đó của em à? Chị tưởng em đã bỏ mấy chuyện lạ lùng đó rồi, bằng không em là người nói tào lao nhất mà chị mới gặp.
– Chị tào lao chứ ai, mình đáp lại, trừ phi chị mù như con dơi.
– Ô, ăn với nói. Chị la lên.
Mildred không học thêm cách xử sự hay hơn từ khi chị đi trường. Lẽ ra chị phải bị học cô Enid một chút để biết mùi. Mình mà đi nói tào lao !
Ngày 2 tháng Hai.
Có chuyện lạ lắm đây, vì mình phải tới nhà dì Maud ở đó một tuần mà không phải là dịp nghỉ lễ nào. Dì Maud sẽ đến đón mình vào ngày thứ năm. Dĩ nhiên là mình thích ở Harrogate. Nhưng mình biết chuyện gì sẽ xảy ra, mình sẽ sụt sùi khi phải từ giã thầy Patmore, rồi thày sẽ nghĩ mình là bé trai mít ướt. Mình hỏi mamma tại sao như vậy, mamma trả lời,
– Có thay đổi thì tốt cho con.
Nhưng đó không phải là một lý do thật vì Mildred cũng bị bắt đi ở chỗ khác luôn… Mình nghĩ ít nhất Janet cũng cho mình biết một chút chuyện gì đang xảy ra, nhưng chị không nói gì hết.
– Đừng hỏi câu hỏi nào cả thì tôi sẽ không phải nói dối cậu. Chị chỉ nói có thế.
Nhưng chị có nói khi mình trở về nhà sẽ có chuyện bất ngờ đáng yêu. Dầu vậy, có gì đó cho mình cảm giác là chuyện bất ngờ sẽ không đáng yêu như Janet nói.
Ngày 3 tháng Hai
Mình nghĩ cần cho thầy Patmore hay là mình không hề thích chào từ giã, vì ngày mai phải đi Harrogate mình sẽ khóc sụt sùi làm mắc cỡ ghê nơi. Nhưng thày nói mình không cần phải xấu hổ vì có nhiều người không thích nói lời chia tay, và nếu mình rầu rĩ thày sẽ không màng, và rồi có lẽ mình cũng sẽ không để ý lắm đâu, bề gì cũng chỉ có một tuần thôi mà. Vậy nên mình cảm thấy nhẹ lòng hẳn đi và mừng là mình đã nói trước cho thày hay. Sau đó thày và mình cùng đọc Shakespear, Dickens. Mình thích David Copperfield và mình có thể kể thuộc lòng một vài chuyện của ông.
Ngày 8 tháng Hai
Mình đang ở Harrogate. Dì ân cần với mình, mình có lò sưởi lửa nổ tí tách vui tai trong phòng ngủ và thích nhìn nó khi nằm trên giường. Thỉnh thoảng mình thấy tinh linh lửa nhẩy múa trong ngọn lửa. Một ông lão ngộ nghĩnh cũng ở trong phòng mình chỉ hai ngày. Ông có vóc dáng như một con chó to và lẩm bẩm. Ông lằm bằm khi ngồi xuống ghế, đôi khi thay vì nói ‘phải’ ông chỉ lằm bằm. Tên ông là Ông Potts, ông không có gì để nói nhiều về chính ông mà chỉ có ngồi thừ ra đó phì phèo điếu xì gà. Mình thích mùi này. Ông biết cách thổi thành hình tròn và khéo lắm khi thổi như vậy. Thỉnh thoảng papa cũng ráng thổi cho thành hình tròn nhưng không thành công lắm.
Hôm nay trời trơn ướt, thời tiết tệ quá. Mình chỉ mong mùa đông hết đi cho lẹ, mình không ra ngoài chơi được chút nào. Mình viết thư cho thày Patmore vì thày nói muốn nhận được một thư của mình. Ông muốn mình học cách viết thư hay. Thày nói viết thư hay là một cái gì đáng khen lắm -compliment. (Tôi nghĩ thày nói viết thư hay là có thành đạt - accomplishment).
Nhà này ấm áp hơn nhà mình nên mình mãn nguyện lắm. Mình vẫn thắc mắc không biết chuyện gì xảy ra ở nhà. Có cái gì trong lòng cho mình hay là mamma đau ốm lắm, điều này làm mình sợ mamma sẽ chết, tuy nhiên vì lẽ gì đó mình biết là mamma sẽ không chết. (Hôm đó em gái tôi ra đời và mẹ tôi bị sanh nở khó.) Hôm qua mình đi ra vườn một chút. Chú gnome vẫn sống trong cây cổ thụ, nhưng chú không đi ra để nhẩy chân sáo trong vườn. Có lẻ chú không thích trời lạnh. Ai biết được ? Tính ra mình sẽ về nhà thứ sáu. Để coi. Mình nghĩ là có thư đến và mình sẽ phải ở lại thêm một tuần nữa; nhưng mình không biết tại sao.
Ngày 10 tháng Hai,
Dì cho phép mình đem một chiếc ghế cũ ra ngồi trong nhà kiếng, nhưng dì cười và bảo chọn nơi đây mà ngồi thì lạ lùng. Nhưng mình thích vì nó ấm và thích mùi thơm trong này. Ra đó mình mang theo một quyển sách để đọc. Thỉnh thoảng có ông làm vườn đến chăm sóc hoa, ông và mình nói chuyện đang khi ông tưới cây. Mình nói với ông rằng gnome vẫn ở còn đó. Ông bảo.
– Cậu chắc vậy chứ.
– Phải, mình trả lời, chú ta vẫn ở đó, không sai tí nào.
– Chà, ông nói, đó là một cây cổ thụ đẹp, nhưng cần cắt bỏ vài cành của nó, phải làm vậy.
– Nhưng ông không chặt cây chứ ? Mình lo lắng hỏi, bởi nếu chặt cây cháu nghĩ sẽ làm cho ông gnome buồn lắm. Xem ra ông ta rất hãnh diện với cây này.
– Đừng lo cậu nhỏ ạ, chúng tôi không chặt cây đâu, ông nói, chúng tôi chỉ cắt vài nhánh ở trên đỉnh thôi rồi cây sẽ đâm nhánh tưng bừng.
– Cháu mừng quá khi nghe ông nói vậy, mình trả lời.
Rồi ông cười to và nói gì đó như là mình ưa thắc mắc….Dì Maud vừa cho hay là nhận được thư của papa gửi đến và tuần sau mình mới về nhà. Và nghĩ coi ! Mình có em bé gái ! thấy dì rất hân hoan khi cho mình tin này.
– Em bé mấy tuổi vậy ? mình hỏi.
– Mấy tuổi à ? dì hỏi lại với vẻ ngạc nhiên, sao, em chỉ bé xíu thôi mà.
– Ô vậy ư, mình nói, con chỉ muốn biết thôi, vì nếu ông bác sĩ đem em bé đến trong cái bị thì tại sao tất cả em bé luôn bằng tuổi nhau? Tại sao họ không giữ chúng lâu một chút như người ta giữ trứng?
Hình như dì nghĩ rằng câu nói của mình có vẻ buồn cười lắm và cười quá chừng.
– Sao, cháu thích không ? dì hỏi.
Mình nói mình chưa biết. Mình phải suy nghĩ về nó một chút, mình không thích có em bé nhỏ xíu trong nhà; chúng chẩy nước dãi, cứ ngọ nguậy và có mùi hôi. Khi mamma bắt mình hôn em bé của bà Stick-in-the-Mud (Nhọ Bùn), mình thấy khiếp.
– Dì bảo đây này, cháu lo xa quá, dì Maud nói.
Mình thắc mắc tại sao mọi người đều cho là mình lo xa, và lo xa nghĩa là gì vậy ?
(còn tiếp)