CÁC THỂ THANH (2)

Các Thể Thanh 2

Giới Thiệu
I. Tổng Quát
A. Thể Sinh Lực:
Cơ cấu
Prana
Các luân xa
Prana và Tuyến nội tiết
Vai trò
Phân loại
B. Thể Tình Cảm:
Các luân xa
Phân loại
C. Thể Trí:
Các luân xa
Phân loại
D. Các Thay Đổi của Thể
II. Ảnh Hưởng của Trị Liệu    :
Thuốc mê
Tia X
Thực phẩm v.v.

 

Thành phần nhóm thay đổi trong thời gian có nghiên cứu, và ta được biết ông Geofrey Hodson là một người của nhóm; trong số người này các thành viên chính là hai y sĩ, một tâm lý gia, hai chuyên viên tâm thần, một người có thông nhãn. Việc làm và những thảo luận trong thời gian đó, về sau được xuất bản thành sách tên Some Unrecognised Factors in Medicine, xuất bản năm 1939. Nhóm chấp nhận sự kiện là con người có các thể thanh và do đó:
– Khi chẩn bệnh và xem xét thể xác, họ cũng quan sát luôn các thể thanh, và nhận xét sự tương ứng giữa tình trạng các thể với nhau. Ba thể thanh đề cập tới trong sách là thể sinh lực (thể phách), thể tình cảm và thể hạ trí.
– Khi chữa bệnh, chẳng những ảnh hưởng của trị liệu cho thể xác được ghi nhận, mà ảnh hưởng cho các thể thanh cũng được quan sát và ghi lại.
Do vậy, ta có sự mô tả các luân xa (còn gọi là huyệt đạo, trung tâm lực)  - tức chakra - nơi các thể thanh, lúc cơ thể mạnh khỏe cũng như khi có bệnh, và lý thú hơn nữa là các trị liệu khác nhau cho ra thay đổi gì, thấy ở chakra nói chung và mỗi thể thanh nói riêng. Đây là đề tài thú vị nên bài dưới đây dựa theo chi tiết trong sách trình bầy tổng quát ảnh hưởng của bệnh, và các phương pháp trị liệu khác nhau với thể thanh, theo quan sát nhiều năm và hồ sơ mỗi trường hợp được lưu trữ.
– Họ đi tới kết luận là bệnh tật hay xáo trộn cho thân xác chỉ là một phần của vấn đề được trưng ra, và để giải quyết thành công và có được sức khỏe thực sự, ta cần nhìn bệnh nhân như là trọn một thực thể gồm ba phần: xác, tâm lý, tinh thần hòa hợp với nhau, thay vì chỉ thấy những phần riêng rẽ như tim, phổi cần được chữa trị. Nhìn trọn vẹn như thế thì bệnh tật là dấu hiệu của sự bất hòa không phải chỉ trong cơ thể, mà trong khắp con người ba phần.
Tuy đa số y sĩ có khuynh hướng xem bệnh như là thực thể ngoại lai cần được loại bỏ bằng kỹ năng y khoa, nhóm lại xem bệnh tật chính yếu như là kết quả trực tiếp của sai sót mà bệnh nhân đã tự làm cho mình, và chỉ có thể loại bỏ hẳn bằng sự tái điều chỉnh như thay đổi lối sống, hay thái độ, hay bằng cách hiểu thêm về luật Trời. Thân thể có thể tự nó mạnh khỏe khi cơ chế sinh lý hoạt động điều hòa, nhưng để luôn có được sức khỏe, người ta cần phải có sự hòa hợp với môi trường chung quanh ở mọi mức độ, phù hợp với mức tiến hóa của họ.
Việc nghiên cứu diễn ra đã lâu, từ đó tới nay có những trị liệu mới cùng các thay đổi khác, tuy nhiên các nguyên tắc chung của sự việc không thay đổi, thí dụ như hình dạng thể sinh lực và hoạt động, mầu sắc của luân xa khi bị căng thẳng, bài ghi các nguyên tắc chung ấy mà không đi vào chi tiết, nhằm mở rộng thêm cho hiểu biết đã có về ba thể thanh. Những bài đã đăng trên PST từ trước đến nay về thể thanh nói chung là quan sát lúc bình thường, và ít nói về mặt sức khỏe vì thế nội dung sách là bổ túc giá trị về mặt này; ngoài ra các đề tài liên hệ cũng được bàn tới như tác động của việc chụp hình tia X và thuốc mê đối với thể thanh, chắc chắn sẽ làm bạn thích thú. Sách được tái bản nhiều lần từ lần đầu năm 1939, bạn có thể đặt mua tại Quest Book, Theosophical Publishing House, Hoa Kỳ để đọc nguyên tác Anh văn.

I. Tổng Quát
Kinh sách Ấn Độ ghi nhận năng lực mặt trời là nguồn của mọi năng lực trong thái dương hệ. Quan sát thấy rằng trong ánh sáng mặt trời, các phần tử rời rạc của không khí sẽ kết hợp với nhau thành một bầu chung, mang theo lực có đặc tính là kích thích sự tăng trưởng, bầu như thế được cho tên là hạt sinh lực, chứa sinh lực gọi là prana, và có ý nói là chỉ được tạo ra trong ánh sáng mặt trời. Nhóm nghiên cứu quan sát thấy khi họ dùng tia cực tím thì có nhiều hạt hơn.
Ta đem prana vào người dựa theo việc hô hấp, và nó trở thành sinh lực có tính riêng biệt cho mỗi người, bởi nó được thu hút theo hơi thở qua các trung tâm đặc biệt, và được phân bố đi khắp cơ thể với vận tốc hết sức mau lẹ; nó chạy dọc theo vỏ bọc myelin của dây thần kinh mà không dùng chính đường thần kinh này. (Nói riêng về dây thần kinh thì nó truyền đi một loại năng lực mà hiện nay khoa học chưa nhận biết.) Prana được xem là yếu tố tối cần cho sự sống của tế bào, và thể xác được tạo ra như là sự thể hiện sinh hoạt của prana.
Nói sơ thì cõi trần chia làm bẩy cảnh, gồm ba cảnh thấp là đặc, lỏng, hơi và bốn cảnh ether thanh nhẹ hơn chất hơi. Cơ thể vật chất của con người gồm hai thể lồng vào nhau,
– Thể xác đậm đặc - dense physical body - gồm chất liệu của ba cảnh thấp
– Thể sinh lực - vital body, etheric body, the double - gồm chất liệu của bốn cảnh ether, còn được gọi là thể phách.
Thể xác có hai hệ thống song song là hệ thần kinh với dây thần kinh và hệ tuần hoàn với mạch máu. Tựa như huyết tương plasma, huyết cầu đi tới mỗi tế bào trong cơ thể, prana cũng theo đường thần kinh đi tới từng tế bào và phân tử trong sinh thể. Prana cũng có liên hệ đặc biệt với các tuyến nội tiết, nên nghiên cứu về prana có thể giúp giải thích vài bí ẩn về nội tiết học.
Prana đi ra ở mọi cửa khẩu, đầu ngón tay ngón chân và lỗ chân lông trên da. Nơi cơ thể mạnh khỏe luồng prana tuôn ra từ cơ thể tạo ra một màn sương rất thanh bao quanh nó, túa ra vài cm ở khắp bề mặt thân thể; ngoài ra cũng có một dạng sinh lực tĩnh liên hệ chặt chẽ với cấu trúc của mỗi tế bào và cơ quan. Sự tương tác giữa prana chuyển động mau lẹ và prana tĩnh trụ ở tế bao, tạo nên thể sinh lực.

A. Thể Sinh Lực
● Cơ cấu
Giống như mỗi thể xác khác nhau, mỗi thể sinh lực cũng vậy, ta có thể đưa ra nguyên tắc chung về cơ cấu và phận sự nhưng chúng luôn thay đổi theo từng trường hợp cá nhân. Thể sinh lực là một thể thuần túy vật chất, vói những hạt tạo nên thể có đặc tính sinh lực. Về cơ cấu chúng thanh bai, tinh tế hơn chất hơi; dòng prana đáp ứng với tư tưởng, cảm xúc với sự mau lẹ khác thường. Thể nở lớn hay co lại theo làn thở sâu, nghỉ ngơi thư thái và thay đổi tâm trạng.
Vì vậy chúng không ngừng chuyển động mà ai chưa quen sẽ thấy như là khối sương mầu xanh xám, sôi trào thay đổi trên khắp bề mặt của thể xác. Một số người không nhìn thấy thể nhưng có sự nhậy cảm của ngón tay, có thể nhận biết tính chất và sự thay đổi trong độ cứng mềm của thể. Chất liệu trong thể sinh lực gồm hai loại chính, khác nhau về mức đậm đặc.
Mỗi vật trong thiên nhiên đều có thể sinh lực của nó bao quanh. Nơi thể xác con người, mỗi tế bào, mỗi mô, mỗi xương có phần chất ether tương ứng trụ vào những chất tạo nên cơ cấu. Chất ether tương ứng này phần nào cố định hay vững vàng, xử sự như là cái mẫu cho sinh hoạt thiết yếu của tế bào, cơ quan hay mô mà nó có liên hệ. Mọi hoạt động chính yếu bên trong một cơ cấu diễn ra, và mọi thay đổi chính yếu xẩy ra, bên trong phần thể sinh lực này; cái sau có mức đậm đặc thay đổi theo mức đậm đặc của cơ cấu mà nó làm việc bên trong và bao quanh, như xương, gân, bắp thịt v.v.
Thể sinh lực ló ra bên ngoài cơ thể khoảng 2 cm. Bìa của thể có thể được xem như là lớp da ether.

● Prana thanh
Từ lớp da prana có những đường lực tỏa ra, đây là hào quang mà có người chụp hình được, và ai có thông nhãn thấy và mô tả, nằm ló ra ngoài phần thể sinh lực cố định hơn. Chúng gồm chất liệu ether di động rất mau cho cảm tưởng ổn định, vững vàng. Mức hoạt động của những phóng xạ này tùy thuộc phần nào vào cơ cấu tế bào của cơ thể và của thể sinh lực, mà còn tùy nhiều hơn vào tâm trí và tình cảm của con người, tức tâm ý, và cách mà tâm ý ảnh hưởng sự thở của họ, vì sự tuôn chẩy của prana thanh bị hơi thở trực tiếp chi phối, và gần như là bị tâm thần chi phối trực tiếp giống vậy.
Nơi một thể sinh lực khỏe mạnh bình thường, ở bìa của thể tức cách bề mặt thể xác khoảng 2 cm, ta bắt đầu thấy đường lực túa ra. Nói tổng quát thì sự tỏa lực đầu tiên thấy bên ngoài thể sinh lực có mầu hồng và túa ra xa khỏi cơ thể chừng 7 cm; chúng nhạt dần thành mầu tím nhạt và hòa vào mầu hồng. Khi con người khỏe mạnh đường lực tỏa ra thẳng góc với bề mặt của cơ thể, túa ra sinh lực thặng dư hay đã dùng khỏi thể này; còn khi có bệnh hay mệt mỏi chúng rũ xuống và thành quấn rối vào nhau.
Những điểm có quấn rối, do xáo trộn ở một nơi, có thể chặn lại sự luân lưu của prana, sinh ra ứ đọng sinh lực chỗ đó. Khi có sự mệt mỏi nói chung hay khi nóng sốt thì ứ đọng xẩy ra khắp cơ thể, cùng với sự rối loạn của prana kể luôn cả những đường lực tỏa ra. Cảm giác đau có vẻ như xẩy ra ở chỗ những đường lực ether vướng vào nhau, làm thành nút chặn sự luân chuyển của prana. Năng lực bị dồn lại sau điểm này tạo nên áp lực lên dây thần kinh, sinh ra dau đớn. Chỗ đau có thể di chuyển sang nơi khác, và thường là do áp lực ether vừa nói đổi chỗ, mà không phải là do có bệnh thực sự ở mô của cơ thể, tuy chúng luôn là dấu hiệu cho thấy có xáo trộn cả tâm thần và thể xác.
Lớp da hay bìa của thể sinh lực có cấu trúc tinh vi. Nó là hàng rào hay bức tường che chở của thể sinh lực, và ở trong trạng thái căng thẳng cao độ. Thể xác có sự trao đổi chất liệu với môi trường bên ngoài qua da, thì cũng có sự trao đổi tương tự giữa thể sinh lực và môi trường ether. Điều này xẩy ra dễ dàng hơn so với thể xác, do tính chất trôi chẩy của chất ether. Sức khỏe tốt lành thấy qua việc lực đi ra và đi vào được giữ ở trạng thái cân bằng, do mức biến dưỡng metabolism lành mạnh trong cơ thể. Khi da có thương tích như phỏng hay bị cắt, đất dơ bám và những chuyện khác, nó có thể làm lớp da của thể sinh lực bị rách, cũng như tâm lý, thái độ thường khi làm sinh lực bị rỉ ra ngoài, và người bệnh mơ hồ cảm thấy mình bị mất sinh lực.
Bất cứ đường rách lớn nào cho lớp da ether và sau đó là sinh lực bị thất thoát nhiều, sẽ ảnh hưởng đến sức căng cứng của trọn thể sinh lực, giống như việc mất máu nhiều sẽ ảnh hưởng đến thể xác. Đường rách lớn ở da thể sinh lực có thể gây xáo trộn cho các mô nằm sâu, do sự sắp xếp quanh đó bị rối loạn. Rối loạn này tới phiên nó làm cho lớp da căng cứng hơn hay thành mềm hơn, và thường xuyên sinh ra hệ quả là rỉ sinh lực ra ngoài.

● Các Luân Xa
Cấu trúc thấy rõ nhất trong thể sinh lực về mặt sức khỏe là luân xa hay chakra (còn viết là chakram). Người có thông nhãn thấy chúng như là những xoáy trên bề mặt của thể, còn ai nhậy cảm thì xác định chỗ của chúng bằng cách sờ chạm. Sách vở mô tả nhiều về chúng, và có thay đổi về chi tiết tùy theo kinh nghiệm và quan điểm của người quan sát. Luân xa là xoáy lực như bông hoa hay hình chuông, với bìa nằm trên bề mặt của thể sinh lực. Mỗi xoáy có một cuống dài qua đó năng lực đi vào, di chuyển mau lẹ dọc theo đó tới xương sống, còn sinh lực đã chảy dọc theo xương sống nay đi qua cuống ra tới miệng của luân xa, và từ đó ra phần ngoài của hào quang ether.
Như thế prana đi vào và đi ra trong mỗi trường hợp tạo nên xoáy đôi, đan thành đường nét tinh vi với mầu sắc riêng, và có số cánh riêng cho mỗi chakra. Luân xa đỉnh đầu có hơn ngàn cánh nên được biểu tượng nơi đức Phật như là các xoáy trên đầu ngài. Phần lớn những cuống luân xa gắn vào xương sống ở các điểm nhất định. Kích thước, sự tinh tế và mạnh mẽ của luân xa thay đổi theo loại người, và theo việc họ làm chủ tâm trí và thân xác tới bực nào. Người càng có ngã thức và tự chủ chừng nào, dùng nội tâm điều khiển sự sống và không còn tự động phản ứng với kích thích từ bên ngoài, thì luân xa càng phát triển chừng ấy. Chúng là cơ quan bằng chất ether qua đó tư tưởng và cảm xúc, sau khi ghi nhận nơi thể tình cảm và thể trí, tác động trực tiếp lên thể xác.
Có bẩy luân xa chính trong cơ thể người và nhiều cái phụ, trong bài này ta chỉ bàn đến những luân xa chính là ở:
- cuối xương sống,
- huyệt đan điền (hay tùng thái dương solar plexus),
- trước lá lách,
- trước tim,
- trước cổ họng,
- giữa hai chân mày và
- trên đỉnh đầu.
Hoạt động của mỗi luân xa có tính chuyên biệt, nó có nghĩa mỗi luân xa phản ứng với và rút vào cơ thể các luồng sinh lực, từ môi trường bên ngoài và từ cõi thanh.
Luân xa lá lách rút lấy prana tự do từ cõi vật chất bên ngoài, tức là những hạt sinh lực. Sinh lực của những hạt này được thả ra dọc theo hệ thần kinh, và được phân phối tới tất cả những phần của cơ thể; phần thặng dư và những hạt đã hết sinh lực sẽ theo lỗ chân lông và những ống ether trở ra bên ngoài như đã nói. Việc đem prana vào và thải ra chất đã dùng có tầm quan trọng triệt để cho sức khỏe thân xác.
Tuy prana không lấy vào qua phổi, việc đem nó vào có liên hệ trực tiếp với việc thở. Nhịp thở ấn định hoạt động của luân xa lá lách, đem một luồng các hạt sinh lực qua nó vào cơ thể, và cho dòng prana sức cứng hay tính chất riêng của nhịp của nó vào lúc đó. Nếu nhịp này tốt thì sinh lực nay đã được chuyên biệt hóa và có đặc tính cá nhân, bắn đi trong trọn thể sinh lực như với vận tốc ánh sáng.
Nhịp thở và sinh lực đi theo hơi thở ảnh hưởng sự tuần hoàn của thể sinh lực. Nhịp thở sâu đều đặn đem vào một lượng prana cõi trần nhiều hơn việc thở nông hay không đều. Mức cung cấp prana thì nhiều hơn trong ánh sáng trực tiếp, và lại càng tốt hơn nữa trong ánh nắng tự nhiên hay nhân tạo, nhưng nhịp thở sâu ở bất cứ đâu làm gia tăng lượng prana đi vào, và làm vững vàng luồng sinh lực cõi trần dọc theo dây thần kinh
Vài hơi thở đều đặn sẽ ảnh hưởng trọn thể sinh lực, và ba mươi giây thở sâu liên tục tự nhiên, có thể làm thay đổi trọn hình dạng thể sinh lực vào lúc ấy, làm mầu ngũ sắc ngả sang mầu xám của nó thành mầu xanh dương đậm, làm sự túa ra mạnh mẽ hơn, nâng nó cứng hơn nếu rũ xuống vì mệt mỏi, và nói chung là làm thể sáng lên và cứng chắc hơn. Như thế việc cung cấp prana vào người liên kết trực tiếp với khả năng thở, và việc có thể duy trì nhịp thở tốt trung bình.

● Prana thanh và tuyến nội tiết
Ta nói luân xa lá lá lách là nơi đem vào prana cõi trần hay sinh lực. Còn những chakra khác làm gì ? Luân xa nói chung là những cơ quan bằng chất ether, liên kết ảnh hưởng của cõi cao với thể xác cõi trần; tư tưởng và tình cảm qua đó có thể tác động chính xác và lập tức lên hệ thần kinh. Luân xa cũng được quan sát thấy nơi thảo mộc và thú vật. Nguyên tắc là thể cao chi phối thể xác, hay nói theo danh từ khoa học thì chức năng đi trước cơ quan.
Nơi con người, chakra là những cơ quan bằng chất ether đã được chuyên biệt hóa để nối tâm thức cõi cao với thể xác, là sự biểu lộ của tâm thức nơi cõi trần. Như ta chỉ biết là mình sống động khi có tâm thức qua não bộ, thì ta cũng chỉ biết tới luân xa khi nó làm ta bị xáo trộn, như khi cổ họng se lại vì xúc cảm, hay khi ngôn ngữ dân gian tả là ruột gan thắt lại, bao tử thót lại, muốn nói chuyển động của luân xa huyệt đan điền đột nhiên quay ngược chiều.
Mỗi luân xa chính xử sự như là con kinh, cho một ảnh hưởng chuyên biệt hóa từ các thể thanh, nó có nghĩa chúng truyền đến dây thần kinh trong thể xác những ảnh hưởng đặc biệt, phát xuất hay ghi nhận mạnh mẽ ở cõi cao của tâm thức, cả tình cảm và trí tuệ.
– Trọn thể tình cảm có khuynh hướng được ghi nhận ở huyệt đan điền, nhất là khi chưa có việc làm chủ tình cảm.
– Tư tưởng và tình cảm nối với nhau được ghi nhận ở huyệt tim.
– Phần trí tuệ cao hơn, viễn ảnh, nhận thức, cảm biết và óc phân tích sáng tạo ảnh hưởng huyệt giữa hai chân mày.
– Huyệt cổ họng phản ảnh cái Tôi tinh thần trong các thể, nỗ lực của cá nhân biểu lộ vài phần cái Ngã thật của mình với người khác, thành công hay thất bại.
– Huyệt ở đỉnh đầu không linh hoạt cho lắm nơi đa số người, và chỉ thấy hoạt động nơi ai tiến hóa cao; nó có thể bị xáo trộn bất thường do thôi miên, rượu, ma túy và thuốc mê. Nó là tâm điểm cho ý thức cao độ, cho ý muốn sáng tạo hay ý chí thực sự.
– Luân xa ở đáy xương sống nơi người bình thường chịu sự chi phối của các động lực tình dục.
Các luân xa chính có vẻ như được nối về mặt vật chất và tâm lý với hệ thống tuyến nội tiết. Quan sát bằng thông nhãn thấy là, tình trạng của một luân xa có ảnh hưởng rõ ràng lên tuyến nội tiết nằm trong vùng ảnh hưởng ở cõi ether, và sự thay đổi về tâm lý ảnh hưởng lên luân xa trước rồi sau đó làm thay đổi hoạt động của tuyến liên hệ. Luân xa có biến đổi trước, và lâu hơn sau đó nhiều mới thấy có thay đổi lộ ra trong cơ thể, sau khi luân xa bị căng thẳng đã lâu do hoạt động rối loạn ở cõi ether.
Như thế, không phải tuyến nội tiết ấn định tính chất hoạt động của nó như bình thường hay khác thường, tức mạnh khỏe hay có bệnh, mà tính chất của luân xa, nằm sau sinh hoạt bình thường của tuyến, mới là yếu tố quyết định. Việc dùng trích tinh của tuyến có thể làm thay đổi mức biến dưỡng metabolism của cơ thể thuần ở mức vật chất, và đôi khi tái tạo sự quân bình thần kinh, cho phép ai có tâm thần không ổn định xử sự bình thường hơn; nhưng người ta thấy rằng cho bệnh nhân có thêm liều trích tinh của tuyến, lập đi lập lại, ít khi cho kết quả tốt như lần đầu.
Trong vài trường hợp, người có thông nhãn thấy là huyệt giữa hai chân mày co thắt lại phần nào sau khi có dùng lâu trích tinh của tuyến não thùy. Điều này biến mất sau khi ngưng uống. Tuy ảnh hưởng lần đầu dùng thuốc là khiến đầu óc trong sáng và kích thích hoạt động trí tuệ, ảnh hưởng sau cùng với luân xa hoạt động giảm xuống là khiến phải có nỗ lực nhiều hơn để có hoạt động sáng tạo trí tuệ, vì nó bị mờ mịt phần nào.
Cả tuyến và luân xa đáp ứng với kích thích. Ta có thể kích thích trực tiếp cơ quan vật chất bằng trị liệu trực tiếp cho thể sinh lực ở cõi ether, tức trị liệu bằng mầu, ánh sáng hay nhân điện, và cùng lúc khuyến dụ bệnh nhân có thay đổi về tình cảm và trí tuệ, hầu có thể cho ra kết quả cải thiện lớn hơn hay chữa dứt hẳn.

● Vai Trò của Thể Sinh lực
Thể sinh lực xử sự như là nơi gặp gỡ giữa hoạt động trong tế bào, máu, và những lực ether phức tạp tác động lên sự biến dưỡng metabolism trong cơ thể. Các hạt sinh lực từ ngoài đi vào qua luân xa lá lách, được phân phối đi khắp châu thân đến tế bào. Ở đây, lớp ether có vai trò là một cái mạng matrix mà những thay đổi của tế bào, cũng như là sự tăng trưởng của tế bào, diễn ra trong đó.
Nó bao bọc tạo thành lớp da của bầu từ lực kín, sinh lực tiếp xúc với tế bào chất làm ổn định và hòa hợp sinh hoạt ở cõi ether của chỗ này. Thể sinh lực của tế bào còn có vai trò tinh tế hơn, là giữ cho các lực chung với nhau khi phần thể chất có biến đổi. Có lúc những hạt phân tử nhỏ bé trong máu và tế bào vỡ ra thành hạt ether thanh bai, và sự mệt mỏi hay sức nóng trong người làm tế bào chất thay đổi như vậy. Ở điểm đó các lực ether chế ngự, theo nghĩa bình thường thể sinh lực duy trì sơ đồ nguyên mẫu  - nhưng không linh hoạt - của chính tế bào ấy, và các lực sinh lý, tâm lý mang lại sự tái tạo tốt hay xấu, lành mạnh hay không cho tế bào chất.
Hằng triệu những phép lạ vi ti như vậy, phép lạ của cấu tạo hóa học, của sự tăng trưởng, của sự sống, diễn ra vào mỗi lúc bên trong cơ thể con người. Mỗi thể sinh lực tác động như cái khuôn, sinh ra trở lại hay tái tạo điều gì đã hiện hữu trước đó, mà cùng lúc chịu ảnh hưởng của tất cả những lực ether tinh tế đến từ cõi cao, không ngừng tác động lên trên và xuyên qua thể. Tế bào chất tạo ra sẽ khá hơn hay tệ hơn trước đó ở mức thật tinh vi, và cơ quan sẽ suy thoái hay cải thiện tùy theo khuynh hướng chính của các lực can dự.
Rác sinh ra được thải bỏ theo hai hướng, rác hóa học chưa hề được phân giải thành chất ether được thải ra theo cách sinh lý thông thường, hay ở lại thành độc chất cho mô. Những hạt không dùng hay chỉ dùng một phần - tức rác ether -  có thể được thải trực tiếp qua đường lực túa ra, hay được dòng máu, dòng ether - có rất nhiều dòng như thế - cuốn đi cho tới khi nó được thải ra qua một cửa khẩu như mũi miệng, một luân xa hay lớp da ether.
Nói chung thì prana loại cao hơn phát ra từ những cõi cao, mạnh hơn prana của thể sinh lực. Theo cách đó, nỗi lo âu sẽ làm xáo trộn trọn cơ cấu thể sinh lực, lòng bất an làm suy yếu việc tạo tế bào ở vài nơi, trong khi cái trí yên tĩnh và tâm tình vững vàng giúp cho cơ thể có sửa chữa tốt lành, và cho phép hệ thống trong cơ thể thải bỏ rác vô dụng.

● Bốn Loại Thể sinh lực
Có bốn loại chính các thể sinh lực, với đặc điểm riêng về sự cứng ngắc hay dẻo dai, thanh bai hay thô kệch, nhẹ nhàng hay nặng nề. Prana thanh từ cõi cao cho ảnh hưởng, nhưng ở đây ta chỉ xét đến cơ cấu vật chất tức ether mà thôi. Cách phân loại này dựa trên quan sát bằng thông nhãn trong nhiều năm, cùng với những bệnh tiêu biểu cho mỗi nhóm. Về sau, có nhận biết là có thể có sự liên hệ giữa bốn nhóm này với bốn tâm tính thường được nói tới ở tây phương (hướng nội Melancholic, hướng ngoại Sanguine, thực tế Phlegmatic và choleric - không biết dịch !), và bốn hành theo tây phương (thổ, thủy, hỏa, phong).
Ta cần có thêm nghiên cứu về đề tài này, do đó tiếp đây chỉ là gợi ý sơ sài và chữ dùng gọi mỗi loại chỉ là biểu tượng. Kế đó là ý nói rằng không ai chỉ thuần thuộc về một loại nào, nói khác đi không có loại nào là thuần túy mà luôn có sự trùng lập phần nào. Mỗi người có cả bốn yếu tố trong mình với một yếu tố thường là trội hơn. Sách còn ghi ra các bệnh tiêu biểu hay thấy nơi mỗi loại, nhưng ta sẽ bỏ qua điều ấy vì nó không cần thiết cho việc học ở đây.

1. Loại nặng hay Thổ.
Hình dạng thấy là thể sinh lực đậm đặc, sát với thể xác, các luân xa cứng, dầy. Người như thế có nhiều sinh lực nhưng sức lực thay đổi. Bệnh nhân loại này lúc bình thường thì dễ chịu, thân thiện và khi khác thì chống đối và thường có thành kiến lẫn thái độ cứng rắn.

2. Loại Thủy
Họ có tình cảm mạnh, dễ bị xúc động. Chất ether nặng chế ngự trong thể sinh lực, nhưng người như vậy có tình cảm sôi động làm cho các luân xa xoáy tít hay rũ liệt, hệ quả là trọn cơ cấu thể ether bất ổn. Người có các thể loại này có thể trị lành bệnh kẻ khác, nhưng rồi tới phiên họ đau ốm. Họ có thể có khả năng trí tuệ rất khá, và khi tự chủ thì có trực giác và óc sáng tạo.

3. Loại Hỏa
Thường là người rất thông minh, trí óc linh hoạt quá độ, có khuynh hướng hay lo âu. Thể sinh lực tỏ ra căng thẳng, mỏng giòn, dòng prana mỏng chảy mau lẹ. Các luân xa thường có hình dạng rõ rệt và đáp ứng, nhưng dãn dài và cứng ngắc vì bị căng quá độ.

4. Loại Phong
Ai có thể sinh lực loại này thường là nhậy cảm, trí thức và có tính triết lý với sự việc ở đời. Họ có thể kín đáo, tách biệt và có lúc không muốn giao thiệp. Thể sinh lực mở rộng và có thể trong trẻo, nhẹ hay lộn xộn và yếu.
Loại thứ năm có thể là một biến cải của bất cứ loại nào trong bốn loại trên. Nó có được như là sự tập luyện rõ ràng về tự chủ, tự ý thức, hướng tới mục tiêu tinh thần. Khi ấy thể sinh lực trở nên thanh bai hơn, đáp ứng hơn và nói chung là có tình trạng tốt lành hơn thông thường, với các luân xa cao linh hoạt và việc làm của chúng thấy rõ dễ dàng. Prana loại cao chi phối sức khỏe rất trực tiếp trong những trường hợp đó, và không phải ai nhậy cảm cũng thuộc loại này, thực ra chuyện ít khi như thế.

 B. Thể Tình Cảm
Một thể tình cảm bình thường có cơ cấu rất ít phần cố định, tuy vậy phản ứng của nó có đặc tính riêng của mỗi cá nhân, vì tính chất đời sống tình cảm mỗi người thu hút hay đẩy lui những loại chất liệu có tính tương ứng rõ rệt. Mỗi thể tình cảm khi phát triển từ khối mơ hồ lúc nhỏ, dần dần thành hình dạng rõ ràng lúc lớn, có hình dạng và mầu sắc riêng của nó. Một người có thông nhãn trong một lúc ngắn bị thám tử theo dõi, cười phá ra nói với bạn bè.
– Họ hóa trang thay đổi luôn phần vật chất bên ngoài, nhưng họ quên là tôi thấy được thể tình cảm của họ, và họ không thể thay đối dáng vẻ của thể này !
Nhìn chung thể có hình trứng, lớn hơn thể xác và bao quanh nó như đám mây hình trứng. Đám mây có đầy mầu sắc chuyển động mau lẹ, chất liệu cõi trung giới hay cõi tình cảm rất thanh nhẹ và mầu sắc sống động, mỗi mầu là đặc tính cho một cảm xúc. Theo đó lòng sầu não đem vào người chất liệu tình cảm nặng nề mầu xám, có tính chất thay đổi tùy theo sự sầu muộn ấy là tức giận và chủ động, hay thụ động và bất lực. Tình thương có mầu hồng, mà nếu nhuộm lòng ích kỷ hay bám víu thì có tính nặng nề, mờ đục hơn, nhưng lại tỏa ra sáng rõ khi có tính hướng ra ngoài.
Chất liệu tình cảm đáp ứng với sức trọng trường nên chất nặng hơn, đục hơn, có khuynh hướng chìm và nằm bên dưới hình trứng, còn chất linh động hơn, sáng hơn nằm ở nửa phần trên. Sự liên hệ chặt chẽ giữa tình cảm và trí não khiến ta phải kể đến tư tưởng là điều cho tình cảm có sự ổn định và tăng cường hành động của nó. Thế thì nơi một số người tình cảm có hình dạng rõ ràng đi kèm với ý tưởng xác định, nơi kẻ khác thì đó chỉ là một mớ chất liệu tình cảm gần như không có hình thể chi hết, và hoàn toàn bất ổn.

● Các Luân xa
Những trung tâm lực trong thể tình cảm và thể trí nằm cùng nơi bên trên thể xác. Huyệt đạo trong thể tình cảm có hình dạng giống như trong thể sinh lực, nhưng hơi lớn hơn và vươn ra xa so với huyệt tương ứng trong thể sinh lực, với miệng của chúng nằm trên bề mặt của thể tình cảm. Cuống mỗi luân xa chồng lên cuống tương ứng của luân xa thể sinh lực, và bởi chuyện cũng tương tự vậy với chakra của thể trí, hẳn nay ta nhận ra tính chất phức tạp của các thể này, là cầu nối con người bên trong với thể xác. 
Tâm tình, hữu thức hay vô thức, đều ảnh hưởng rõ rệt lên các huyệt đạo trong thể tình cảm, huyệt đạo là cơ quan tâm linh để truyền ảnh hưởng từ cõi tình cảm và trí, xuống đến các nơi riêng biệt trong thể xác. Thể tình cảm có bẩy luân xa chính với nhiệm vụ này, luân xa chủ nằm ở trên huyệt đan điền của thể xác. Sự liên hệ mật thiết giữa hai luân xa ấy, có thể thấy qua sự kiện nỗi kinh hoảng hay hào hứng sinh ra ở cõi tình cảm làm thể tình cảm sôi sục, và lập tức phản ảnh qua luân xa ở trên huyệt đan điền ether, tới phiên nó tác động lên cái sau và qua đó tới tuyến nội tiết.
Những luân xa tình cảm khác ảnh hưởng lên luân xa ether tương ứng rất mạnh mẽ, vào lúc cảm xúc nào đó gây bực bội, chặn đứng hay kích thích hành động của nó, nhưng huyệt đan điền vẫn bình thường là trung tâm ghi nhận tình cảm, cảm xúc và đam mê, phân biệt với cảm xúc và sinh hoạt thuần lý trí.

● Các Loại Thể Tình cảm
Người có thông nhãn nhìn thấy có nhiều cấu trúc và tính chất của những loại thể tình cảm khác nhau. Chúng tương ứng với bốn loại thể sinh lực nói ở trên theo nghĩa chúng gồm chất liệu tình cảm như sau:
– Đậm đặc và tương đối nặng.
– Tuôn chẩy và sôi nổi
– Thanh bai hơn và cứng chắc hơn
– Mơ hồ và tan loãng hơn.
Người có thể sinh lực loại 1 không nhất thiết cũng có thể tình cảm loại 1, và sự căng thẳng hay trật chỗ dislocation có thể sinh ra, do có thiếu điều hòa giữa các mức tâm thức khác nhau và cơ chế của chúng. Nói một chút về sự lệch chỗ, khác với sự liên hợp các thể alignment, thì chuyện rất thú vị. Việc chạy điện được thấy là đôi khi làm các thể bật tung lên rồi khi ‘rơi’ vào vị trí cũ, chúng không rơi đúng chỗ mà lệch chỗ, thể này không ăn khớp với thể kia. Ai ở trong tình trạng như thế thì cảm nhận mà không giải thích được, họ chỉ nói ‘Tôi không phải là tôi’ và biết có gì đó không ổn.
Đề tài rất phức tạp nên tốt hơn ta không nói nhiều thêm để tránh gây hoang mang, ngoài ra mỗi loại thường có bệnh điển hình kèm theo nhưng ta sẽ không đề cập tới chúng, vì đó không là mục tiêu của bài.

1. Loại Thổ
Thể tình cảm được cấu tạo bằng chất liệu tình cảm nặng thuộc loại có tính trơ, hoặc đối kháng. Nó chỉ phản ứng khi có gây hấn mạnh, và sự ù lì không phản ứng có thể đi kèm với cảm xúc nổ bùng, có lẽ là tính cộc cằn; khi bầu hình trứng sôi sục chất liệu sậm mầu có những mảnh sặc sỡ chen vào.

2. Loại Thủy
Nơi loại Thủy cực độ, bầu tình cảm có chất liệu đan vào nhau lỏng lẻo, hình dạng gồ ghề thường là không rõ nét và có bìa mơ hồ. Người loại này cho ra phản ứng quá độ với hết mọi loại kích thích tình cảm, và luôn muốn có khích động, sôi nổi dù là không dễ chịu. Việc chất liệu có hoạt động không ngừng trong thể tình cảm, và việc phản ứng trào dâng của nó tác động lên huyệt đan điền, có khuynh hướng gây rối loạn cho tất cả loại chất lỏng trong người ở cõi trần.

3. Loại Hỏa
Người loại này có thể tình cảm trông mỏng và thiếu kém, xác xơ. Chất liệu xếp thành mảnh trong thể, mầu sắc nghèo nàn thiếu sinh động. Đặc tính của tình cảm này là bị giới hạn do thói quen cố định về trí não, và tuy tình cảm lúc đầu có thể mạnh nay thì chúng thiếu thốn, hay ở trong tình trạng tĩnh thường là do lòng sợ hãi nào đó.

4. Loại Phong
Bầu hào quang có vẻ loãng và có phản ứng lờ đờ. Người này có phản ứng lưng chừng với sự sống, hay còn là tiêu cực, nhưng họ không chống báng hay bác bỏ kinh nghiệm. Thường thì họ rất dễ tính. Bầu hình trứng không có đường viền hay dòng chảy đặc biệt nào.
Bốn loại trên tương ứng phần nào với bốn loại thể sinh lực, và cũng còn một loại khác hiếm hơn. Nó thấy nơi ai có ý thức về tình cảm của mình, và ít nhất có phần nào chủ ý điều khiển chúng. Nơi người như vậy, thể tình cảm và thể trí tách biệt nhau nhiều hơn mức thường; sự tuôn chẩy trong bầu tình cảm có ít tính cái tôi hơn so với bầu nơi người bình thường, và có tính hướng ra ngoài. Họ trụ tâm thức thường ở tâm sâu hơn nơi đa số người; họ sống ở mức căng thẳng cao hơn, và tuôn năng lực tinh thần chẩy ra ngoài xuyên qua các thể.
Chất liệu tình cảm thấu nhập hai thể sinh lực và thể xác, và do việc các thể chi phối nhau, tình cảm thường tạo ra cảm giác chung mơ hồ hay có thay đổi thực sự trong chất liệu ether. Tình cảm không trực tiếp nuôi thể xác, nhưng nó kích thích sự tuần hoàn của chất ether do chính dòng chẩy của nó, và do sự gia tăng sinh hoạt lành mạnh trong các luân xa. Điều lý thú là vào bất cứ lúc nào và bất kể hoàn cảnh ra sao, nếu có đủ năng lực tình cảm được thả ra tự do, để nuôi dưỡng sinh hoạt tức khắc của thể xác thì ta có sức khỏe.
Người có đời sống tình cảm nghèo nàn được thấy là thiếu sinh lực ở cõi ether, còn ai có tình cảm mạnh mẽ nhưng bực dọc có thể sinh bệnh gì có tính dồn ứ, thí dụ sung huyết. Nơi họ, đời sống tình cảm đủ mạnh để cho đủ sinh lực, nhưng nó không luân lưu tự do hay bị ngăn chặn ở cõi tâm linh. Đa số người có cảm xúc mạnh mẽ mà do lề thói, sợ hãi hay yếu kém, họ thường nói tránh đi – tức một hình thức bóp méo - hay đè nén chúng, và khi làm vậy gây co thắt cho chuyển động của chất liệu tình cảm. Đó cũng là hình dạng co thắt của thể tình cảm thấy nơi người này.
Đôi khi người ta có thể cảm thấy mình bị choáng ngợp với một cảm xúc nào dó và không thể suy nghĩ, quan sát bằng thông nhãn thấy tình trạng này như sau. Đa số cái gọi là tư tưởng và cảm xúc nơi con người có tính lập đi lập lại, chúng nằm trong vùng của mình trong bầu tình cảm, như là khối chất liệu bất động có mầu sắc và tính chất riêng. Bất cứ kích thích nào có liên kết sẽ đánh thức một trong những khối này, và khiến nó bắt đầu có chuyển động tích cực, rồi lan ra khắp trọn hào quang. Tình cảm ấy chặn lại những chất liệu khác không tích cực bằng, và trong một phút chốc chế ngự trọn bầu tình cảm, và trí não hoàn toàn không hiểu việc gì xẩy ra. Có mô tả là nhìn vào cảnh này thì tựa như ta xem một cơn giông đang kéo tới che phủ nền trời.

C. Thể Trí
Tuy nơi đa số người tư tưởng và tình cảm thường hòa lẫn vào nhau chặt chẽ, nhưng cách hoạt động của chúng khác nhau. Tình cảm trôi tới lui như là những sóng mầu sắc, còn tư tưởng biểu lộ bằng đường nét và bề mặt. Nó tạo hình ba chiều đo mà ai quen suy nghĩ có thể duy trì hình trong một thời gian tương đối lâu. Hình có đầy mầu sắc thanh nhẹ mỏng manh, với phẩm chất thay đổi. Chỉ khi nào ta có thể tạo ra trong thể trí của mình một hình ảnh của vật khá đúng như vật đang xem xét, thì khi ấy ta mới hiểu nó rõ ràng.
Thể trí cũng có hình trứng tuy lớn hơn thể tình cảm và bao trùm cái sau lẫn thể xác. Do việc chất liệu cái trí dễ tạo và giữ lấy hình dạng, bầu trí tuệ có cấu trúc cố định hơn bầu tình cảm, và các mẫu pattern và vùng của mẫu thì dễ nhận ra so với bầu tình cảm. Tư tưởng lập đi lập lại không những có hình dạng đặc biệt, mà còn giữ chúng ở dạng rất nhỏ bên trong thể trí. Khi ta chú tâm hoàn toàn vào một ý nghĩ hay đồ vật, hình tư tưởng của nó có thể chiếm trọn bầu hào quang. Mẫu to lớn đó về sau sẽ thu nhỏ lại và mờ dần, rồi biến mất hẳn nếu sự chú ý chỉ là thoảng qua. Ngược lại, nếu tư tưởng trở lại, khi sự chú tâm rút đi và tình cảm thích thú không còn, nó sẽ nằm trong hào quang như là hạt mầm tư tưởng nhỏ bé. Khi có kích thích nào đó làm cho ý tưởng tái linh hoạt, trọn khuôn mẫu nở rộng và lại có thể chiếm đầy hình trứng.

● Các Luân xa
Huyệt đạo ở cõi trí nằm cùng chỗ như các thể khác, cánh và miệng của mỗi luân xa nằm trên bề mặt thể trí, cuống chạy về xương sống và bao trùm luôn cuống của luân xa ether và tình cảm, có nghĩa lực trí năng, tình cảm và sinh lực đan lẫn vào nhau ở mỗi chakra.
Hoạt động trí năng ảnh hưởng thể sinh lực và do vậy thể xác, chính yếu qua huyệt tim, cổ họng và những huyệt đầu, tuy rằng tình cảm cũng có thể tác động gián tiếp lên chúng như đã nói, và cái trí xáo trộn có thể chi phối các huyệt khác ngoài những huyệt trên. Tư tưởng sáng tạo và khả năng sắp xếp, đặt kế hoạch và tạo hình đủ loại ảnh hưởng huyệt giữa hai chân mày (vùng tuyến não thùy), còn sự bực bội hay nhất quyết quá độ thì ảnh hưởng huyệt cổ họng.

● Các Loại Thể Trí
Một trong các đặc tính của cõi trí là có sự phân chia rõ ràng giữa mức đặc và thanh nhẹ hơn của nó. Chữ khác là ’thấp’ chỉ về những tư tưởng có tính lập đi lập lại, và chữ ‘cao’ chỉ nhận thức, suy nghĩ sáng tạo. Hoạt động hạ trí hay cụ thể dùng chất liệu cõi trí chậm hơn và nặng hơn, để tạo hình cho tư tưởng cụ thể về vật hữu hình, chúng tương đối có mầu đục hơn và cấu trúc nặng hơn.
Suy nghĩ sáng tạo có tính nghệ thuật, tha nhân hay cảm nhận thì trong sáng hơn, và có mầu đẹp hơn và tính chất nhẹ hơn. Thể trí của những loại người khác nhau thay đổi vô kể, về lượng chất liệu cõi trí cao và thấp mà chúng quen dùng. Có người suy nghĩ mạch lạc sáng suốt lại ít khi tiếp xúc với phần thanh nhẹ của cõi trí, hào quang của họ tràn đầy hình tư tưởng cụ thể về dữ kiện và kinh nghiệm cảm xúc hằng ngày. Khi khác ta có hào quang cái trí đầy chất liệu cao và trừu tượng của cõi trí, tới mức làm cho đương sự khó mà tạo hình ảnh rõ rệt về vật nơi cõi trần. Có vẻ như họ không quen dùng loại chất liệu riêng, cần để tạo hình cho loại tư tưởng đó, và không thể tạo hình chính xác.

1. Loại nặng nề, trí năng chậm chạp
Thể trí chứa phần nhiều chất liệu loại thấp cõi trí, có khuynh hướng cứng ngắc, do đó cấu trúc có thể bị vỡ khi tình cảm bùng nổ, là tật hay thấy của loại thể này, bởi cấu trúc thể trí có tính cố dịnh. Hoạt động trí tuệ có khuynh hướng đúng lệ, chính xác và di động chậm, vì chất liệu thấp cõi trí làm cấu trúc thể trí dầy, và làm sinh hoạt chậm lại. Loại này có tính giới hạn đối với ảnh hưởng trí tuệ cao hơn; khi không bị xáo trộn nó có sức mạnh đáng kể cả về trí năng và thể chất. Về xác thân thì đương sự di chuyển chậm và vụng về.

2. Loại không ổn định
Phần trí năng thường là tốt nhưng dễ bị xáo trộn khi có khích động tình cảm. Hào quang cái trí không vững vàng, bìa lóe ra và đôi khi có thể có những khoảng trống, muốn nói có sự tách biệt. Đương sự tỏ ra có khả năng trí não tốt, nhưng có khuynh hướng ưa biện bác tới mức quá độ. Họ có thể rất hữu lý, nhưng căn bản của lý luận thường thiên về tình cảm một cách vô thức.

3. Loại cứng ngắc, chính xác.
Thể trí nhỏ, chặt chẽ, cứng ngắc với cấu trúc thật rõ ràng. Nó nhỏ hơn và kết chặt với nhau hơn loại 1 và cái trí có khuynh hướng có tầm nhìn hẹp hòi. Ở những điểm cố định chất liệu cõi trí có mầu sáng, nhưng sinh hoạt trí năng có tính cứng ngắc chế ngự, làm ngăn cản tình cảm mạnh. Cái trí như thế thường được mô tả là khô khan, đương sự có tính si mê với một ý hay vật gì, và có hoạt động phải theo qui luật nào đó.

4. Loại sâu sắc, cởi mở.
Chỉ thỉnh thoảng ta mới thấy loại này, có cấu trúc cởi mở, yếu ớt, không được luyện kỹ. Trí năng sáng suốt, thông minh, cảm nhận dễ dàng mà gần như không có óc phân tích. Bầu hào quang trong trẻo và mở ra khi khỏe mạnh, nhưng dễ bị rối và nhòe.
Một loại khác có thể sinh ra từ bất cứ loại nào ở trên, do kỷ luật bản thân với mục tiêu tinh thần. Thể trí như vậy có cấu trúc rất nhẹ, và rất thanh bai. Nó có dạng khác thường, vững chãi mà tràn đầy năng lực cõi cao.
Ta ghi ra các loại thể sinh lực, thể tình cảm và thể trí, và cần nói là không phải ba thể thanh của một ai đều thuộc về cùng loại như nhau, thí dụ cùng loại 1, hay 2 v.v. Chúng thay đổi đáng kể về tính chất và hoạt động; các loại thể khác nhau nơi một cá nhân đôi khi làm cho sinh hoạt của một chakra đặc biệt nào đó bị rối loạn, và hệ quả là gây xáo trộn cho trọn vùng ảnh hưởng của nó.

D. Các Thay Đổi
Quan sát của nhóm ghi sự kiện là hoạt động rối loạn, và ngay cả sự thoái hóa cơ cấu của thể ether hay trong các thể thanh khác, được thấy xẩy ra trước khi rối loạn tương ứng lộ rõ nơi thể xác. Như thế việc nhìn nhận sự hiện hữu và hành vi của thể thanh có ý nghĩa to lớn.

● Thể Sinh Lực
– Mệt mỏi.
Sự mệt mỏi và triệu chứng của thể sinh lực thì giống y như với thể xác. Nhìn ở cõi ether thì thể này co thắt lại hay lơi ra một chút tùy theo loại, và những tia túa ra thì nay rũ xuống hay nghiêng nhẹ, luồng chẩy prana giảm đi. Đôi khi tia tỏa ra có khuynh hướng hóa dầy hơn và thành ra ngắn lại. Nghỉ ngơi bình thường và có chữa trị cho sự mệt mỏi sẽ làm chúng trở lại như cũ, tựa như hoa héo rũ dần dần đứng thẳng trở lại khi được ngâm trong nước. Thở sâu hơn một chút, yên lặng, tự nhiên làm tiến trình diễn ra mau lẹ hơn thấy rõ.
– Méo mó tổng quát
Tình trạng này xẩy ra khi đường lực tạo nên thể sinh lực đâm ngang nhau, cong lại hay vướng vào nhau, thí dụ như chất liệu ether dầy hơn hay rối rắm với nhau thấy ở vết thương, hay khi cuống một luân xa gập lại. Sự chấn động cũng gây ra méo mó trong thể, các đường lực không liên hợp với nhau ở vết thương; lòng phấn khích quá mạnh có thể gây ra tình trạng, như thấy ở trẻ con bị sôi nổi, khích động quá mức.
– Méo mó luân xa
Đây là tình trạng đặc biệt luôn luôn xẩy ra do chấn động hay tâm lý kinh niên như sợ hãi, tức giận, ý tránh đời. Chấn động về cả thân xác và tâm lý có thể làm cho chakra co giật đột ngột, và việc chakra trở lại sinh hoạt bình thường tùy thuộc vào cách chữa trị, cũng như là tình trạng tâm thần của người và hành vi thông thường của chakra.
Thí dụ ai có tâm thần lành mạnh sẽ hồi phục sau tai nạn, hay cuộc giải phẫu chỉ trong vài tuần, chakra liên hệ trở lại bình thường trong thời gian ấy; nhưng ai có tánh lo lắng, sợ hãi trước đó có thể sinh ra nếp gấp ở huyệt đan điền hay huyệt đầu, như là kết quả tổng cộng của ba việc:
chấn động + thuốc mê + thói quen không thay đổi
Bất cứ sự căng thẳng tâm lý nào,’tốt’ cũng như ‘xấu’ đều ghi lại trong chakra; yếu tố gây ra sự méo mó là sự nhất tâm khăng khăng một ý, hay tâm thần căng thẳng, bất kể động cơ. Thí dụ đưa ra là học sinh cố gắng hết sức để qua kỳ thi do lòng kiêu ngạo hay sợ hãi, và ai khác nỗ lực hết mình để làm việc thiện vì ‘Ta chỉ ở trên đời có một lần’, cả hai đều tạo ra căng thẳng cho luân xa.
Triệu chứng nơi thể xác thấy dọc theo cuống của luân xa, cơ quan và tuyến nằm trong vùng ảnh hưởng có hoạt động suy yếu. Nếu có nhiều luân xa can dự thì ảnh hưởng lan rộng hơn, và việc phục hồi yếu kém hơn.
– Suy giảm Sinh lực
Khi vì lý do nào luồng sinh lực bị chặn lại, phần của thể ở bên kia nơi bị chặn sẽ có lượng prana suy giảm; ta có thể có đầu bị thiếu máu vì mạch máu lên đầu bị nghẹt thì tương tự vậy, cái đầu ether cũng thiếu prana nếu đường lực lên đầu không thông. Những đường lực bên kia nơi chặn sẽ rũ xuống, mềm oặt và thể mất sự dẻo dai.
Các nguyên nhân kể ra được là sự hoạt động cơ thể quá độ, và đáng chú ý là khi dùng quá nhiều loại thuốc có tính an thần hay kích thích, có quá nhiều trị liệu khác nhau trong một lúc cũng làm thể suy kiệt. Về tâm lý thì sự xáo trộn của luân xa có thể làm lực prana kiệt quệ, như khi luân xa bị dãn ra hay căng dài ra do lòng tham lam, hành vi bốc đồng, khích động. Khi ấy prana bị đẩy mạnh mẽ ra khỏi thể, làm thể bị căng và mất lực, tựa như bàn ủi quá nóng làm cháy vải khiến nó có tính chất kém đi.

● Thể Tình Cảm và Thể Trí
Hai thể này cũng có những thay đổi kể trên như  đối với thể sinh lực, tức bị méo mó, suy kiệt v.v. Để mô tả thì thể tình cảm bị suy kiệt cho cảm tưởng mềm rũ khi ta nhìn vào, hay khô khốc, hay chỉ trơ trơ. Thể trí bị méo mó cho cảm tưởng căng thẳng khi quan sát, hay có đường rách sâu nếu tâm thần có sự phân liệt sâu đậm. Khi hai thể có sự méo mó quá mức thì ta có sự điên loạn, mất trí.
Lòng sợ hãi làm giảm lượng và tốc độ của dòng sinh lực, và do đó làm suy yếu khả năng chống bệnh cả về mặt thể chất lẫn tâm thần. Về điểm này, nhân viên trong bệnh viện do thói quen nghề nghiệp, đôi khi chú tâm quá nhiều vào việc có thể có biến chứng của bệnh và suy nghĩ về nó, tức tạo hình tư tưởng rõ ràng; những hình này có thể ảnh hưởng ai nhậy cảm. Do đó một lời khuyên được đưa ra cho thân hữu, thân nhân người bệnh là khi ta nghĩ về họ, gửi tư tưởng đến họ thì nên tạo trong trí hình ảnh họ lành mạnh, mà không phải đau ốm.

II. Ảnh Hưởng chi phối các thể
● Thuốc Mê
Thể sinh lực bị đẩy ra khỏi cơ thể một phần khi có thuốc mê, và đôi khi không trôi trở vào đúng cách. Việc có gây mê nhiều lần, nhất là ở khoảng cách thời gian gần nhau, có thể làm thể sinh lực bị méo, luôn cả sụp xuống, và thể bị có độc chất. Thuốc mê ảnh hưởng trọn cả thể, nhất là phần của thể xử sự như là cầu nối giữa chân ngã bên trong và tâm thức não bộ; ảnh hưởng của thuốc mê là gây ra một tình trạng trong tế bào, nhất là tế bào trong hệ thần kinh. Nó tách rời phần ether khỏi tế bào vật chất, theo cách làm cho sự kích thích ở cõi trần không còn được mang sang tâm thức bên trong.
Trong lúc ngủ, ảnh hưởng tương tự phần nào sinh ra do việc tâm thức rút lui ra khỏi thân xác, sự rút lui này có khuynh hướng làm dời chỗ thể sinh lực ,nên tâm thức bên trong phần lớn không bị xáo trộn bởi điều chi diễn ra ở cõi vật chất. Ngược lại khi dùng thuốc mê, thể sinh lực thực sự bị thuốc đẩy ra khỏi thể xác, và sự tách biệt này phức tạp hơn nhiều; kết quả là chất liệu thanh bai làm cầu nối bị nhấc ra khỏi não hay tế bào thần kinh, hay dây thần kinh, theo đúng nghĩa đen. Cầu nối này bằng chất liệu ether, bị để treo lủng lẳng bên dưới hay bên hông một chút của phần bị ảnh hưởng.
Thuốc tê có thể được dùng trong trường hợp khẩn cấp, nhưng không nên kéo dài việc dùng và nên tránh khi nào có thể được, vì nó gây xáo trộn cho cơ cấu ether. Khi dùng thuốc tê, phần tại chỗ của thể sinh lực bị đẩy ra.

● Tâm Lý
Trị liệu trực tiếp bằng tâm lý thành công khi lấy đi áp lực lên luân xa, bằng cách làm giảm bớt tính khăng khăng chủ tâm vào một ý nào về cả trí tuệ lẫn tình cảm, và có thay đổi thói quen tâm lý, thí dụ không có ý nghĩ tiêu cực hay lòng sợ hãi.

● Trích tinh (Gland extracts)
Trích tinh các tuyến nội tiết thường lấy từ thú vật như heo, bò đôi khi được dùng để chữa trị; thuốc nhân tạo cũng được dùng để thay cho trích tinh. Ta có ghi là luân xa của các thể thanh ảnh hưởng phần thân thể mà tuyến nội tiết nằm ở đó, từ đây sinh ra phản ứng dây chuyền.
a. Lực từ thể thanh  đi vào luân xa đến các tuyến, và tình trạng tâm thần sẽ chi phối sự biến dưỡng của cơ thể;
b. Tùy theo tâm thần lành mạnh ra sao mà tuyến được lực kích thích hay bị ức chế, sự quân bình hay mất quân bình của tuyến biểu lộ thành sự quân bình, hay mất quân bình của kích thích tố mà tuyến tiết ra,
c. Nó cho hệ quả là hoạt động nào của cơ thể mà kích thích tố chi phối, sẽ bị ảnh hưởng tốt hay xấu.
Nhóm nghiên cứu đưa ra ý kiến là trị liệu bằng trích tinh không đi tới tận gốc của vấn đề, mà chỉ là sự thay thế cho hoạt động không bình thường của tuyến mà thôi. Dùng trích tinh mới đầu cho kết quả khích lệ, nhưng kết quả giảm bớt khi dùng nhiều lần về sau, và ngoài ra còn có những rủi ro khác đi kèm.
Quan sát bằng thông nhãn thấy là ngay cả khi tình trạng thể chất được cải thiện, mô thần kinh đôi khi có khuynh hướng suy thoái và hoạt động cao hơn của tâm thức bị ngăn chặn, vì luân xa của thể sinh lực bị chặn lại. Điều này đặc biệt đúng cho luân xa cổ họng và đầu. Bệnh nhân thấy phải cố gắng nhiều hơn khi làm việc có tính sáng tạo phải suy nghĩ.
Trong trường hợp khác, khi tự tuyến nội tiết không làm ra đủ kích thích tố, người ta nghĩ rằng dùng trích tinh là đi thẳng tới gốc vấn đề, nhưng không phải vậy vì như ta đã thấy là xáo trộn trong tuyến có tính tâm thần. Việc dùng trích tinh ở đây trên thực tế là đối phó với triệu chứng của bệnh, hơn là nguyên do của nó. Ý kiến của nhóm là dùng trích tinh không mà thôi để chữa trị, ngay cả khi thành công ở mặt thể chất, chỉ là đối phó với triệu chứng.
Họ chủ trương trích tinh chỉ là cách sau chót chẳng đặng dừng, khi tất cả những cách khác đã được áp dụng mà không thành công. Trị liệu này chỉ tác động lên cơ thể, thay vì cho ra lực cần thiết để tạo và duy trì cách biến dưỡng bình thường.

● Tia X
Quang tuyến X có hữu dụng của nó mà cũng hủy hoại tế bào vật chất; với thể thanh, tia X và trị liệu bằng phóng xạ radium đốt cháy chất ether, tạo nên lỗ hổng ether với bìa cháy cứng. Tình trạng bệnh có thể vì vậy được diệt trừ, và nếu sinh lực của người bệnh đủ mạnh  để vọt qua lỗ hổng được tạo ra như thế, và dần dần làm thay thế phần ether bị hủy diệt thì bệnh nhân hồi phục; còn nếu sinh lực thông thường không đủ thế chỗ cho phần chất liệu bị mất đi, trọn thể sinh lực sẽ suy yếu vì lực rỉ ra từ lỗ hổng tạo nên. Khả năng phục hồi của thể sinh lực như là trọn khối là yếu tố quan trọng ở đây.
Chụp tia X nhiều lần làm thể sinh lực tàn tạ, thành ra nên cho thể có thời gian, từ từ thu thập chất ether để tái tạo sau mỗi lần chụp tia X, bằng không thể sẽ dần dà hư hoại. Khi tia X có thể chẳng những gây hư hại cho mô, mà luôn cho cả luân xa gần đó và trọn vùng ether liên hệ, thì không nên dùng. Lẽ tự nhiên điều này chỉ làm được khi hội đủ các yếu tố như y khoa chấp nhận sự hiện hữu của thể thanh, và có người thấy được sự việc.

● Thực Phẩm
Thực phẩm đã chế biến như đóng hộp, cô đặc, thường là thực phẩm tốt bị làm biến chất và mất sinh lực, và do đó thiếu điều rất quan trọng mà thực phẩm tươi có, và không thể được bù lại hay tái tạo lại bằng cách nhân tạo.
Khi dùng nhiệt độ cao để thực phẩm được trữ lâu, nhiệt làm phân rã thể sinh lực của thực phẩm; có thể đây là yếu tố can dự khi quan sát ở cõi ether, vì thực phẩm cô đặc hay thực phẩm khô có hình dạng khác hẳn với thực phẩm tươi. Sữa khô hay sữa đặc tuy có thành phần hóa chất y hệt như sữa tươi, nhưng thiếu sinh lực mà sữa tươi có. Có ý kiến nói là prana bị thất thoát khi thực phẩm được chế biến cách này hay cách kia.
Nói thêm thì con người hấp thu một số hợp chất có trong thảo mộc dễ hơn là cũng y những hợp chất đó mà ở dạng vô cơ, thí dụ giản dị là chúng ta đem vào người sinh tố có trong thức ăn hằng ngày dễ dàng hơn là uống thuốc viên sinh tố. Điều này muốn nói là có tính cách hay điều gì đó được thêm vào khoáng chất trong tế bào sống, khi tế bào chế biến khoáng chất hay hóa chất ấy. Áp dụng thì khi ta dùng khoáng chất nằm trong thảo mộc (thí dụ chất sắt có nhiều trong rau này hay kia, v.v.), thì nó cho hiệu quả nhiều hơn là khi dùng khoáng chất đó thuần túy lấy từ lòng đất, hay chế biến trong phòng thí nghiệm.

● Mầu Sắc, Chạy Điện, Các Tia
Nhìn bằng thông nhãn thì ba trị liệu này tác động trực tiếp lên thể sinh lực (xin đọc thêm các bài viết trước đây trên PST về dùng mầu sắc để chữa bệnh).
Không phải ai cũng có thể được chạy điện để chữa trị, vì điều hay thấy là một thể sinh lực bất ổn dễ bị điện phá vỡ hơn là giúp cho nó; nó dễ bị khích động quá mức. Còn ai có một thể sinh lực ổn định, đậm đặc thì nó đáp ứng thuận lợi hơn với việc dùng điện. Lại nữa nếu đó là người có tình cảm mất thăng bằng phần nào, thì thể sinh lực dễ bị các tia (thí dụ tử ngoại tuyến) hay nhiệt làm lệch chỗ.
Các tia sáng mầu cho ảnh hưởng lên tất cả những lớp của thể sinh lực, có nghĩa tính chất của thể ấn định hiệu quả của trị liệu. Thể đậm đặc và cứng ngắc phản ứng rất ít, còn nếu cơ cấu ether thanh bai và nhậy cảm hơn thì cho kết quả rất dễ thấy. Sự khác biệt giữa trị liệu bằng mầu và bằng điện là như sau:
– Mầu cho ảnh hưởng tâm thần trực tiếp và sâu nơi một số người hơn là dùng điện.
– Trong khi tia tử ngoại, tia X tác động lên tất cả các lớp của thể sinh lực, mầu có chọn lọc hơn và thường chỉ kích thích hay làm vững vàng một lớp riêng nào đó.
Rủi ro của việc là người ta có thể dùng quá nhiều mầu khi trị liệu, hay dùng mầu khác cho mục tiêu nhắm tới. Bạn đọc có thể vào những trang web về trị liệu này, hay đọc sách để biết cách dùng mầu nào thich hợp cho việc gì. Bệnh viện áp dụng hiểu biết này bằng mầu sơn tường phòng, cho cha mẹ là việc chọn quần áo cho con có màu thích hợp, mà cũng có thể chọn mầu cho y phục của chính mình.

PST đã cho đăng nhiều bài về ba thể thanh, với mục đích trình bầy đề tài theo các khía cạnh và theo quan sát của những người khác nhau, hầu cho ta có cái nhìn đầy đủ, chi tiết. Mời bạn đọc lại một số bài trước để so sánh hay bổ túc, và tìm bài trong phần Danh Mục và Đề Mục trên trang web PST.

Trích:
Some Unrecognised Factors in Medicine
H. Tudor Edmunds