LỊCH SỬ HỘI: NHỮNG NGÀY ĐẦU
Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (tt)
Old Diary Leaves - H.S. Olcott
Xem Mục Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu
Hồi còn nhỏ, lúc ốm đau thập tử nhất sinh, trong cơn nóng sốt mê man anh thấy một thánh nhân đến cầm tay, cho hay anh sẽ không chết mà sống để làm việc ích lợi. Sau khi gặp HPB, tâm thức anh dần khai mở và nhận ra Vị đến gặp anh lúc nhỏ là Chân sư K.H. Nhận biết ấy làm anh càng hết lòng với công cuộc, và trung thành với HPB. Anh cũng có sự tin tưởng hoàn toàn vào ông Olcott, quí mến và kính trọng, cư xử với ông như tình cha con, bênh vực ông trong lúc ông vắng nhà mà bị chỉ trích công khai hay trong nhóm nhỏ. Đối lại thì ông nhớ tới Damodar với tình thương và lòng quí chuộng.
Vào ngày mà nhóm nhỏ bé phân ra làm hai, ông Olcott và bà Blavatsky nhận được thư ông Sinnett mời hai vị đến thăm họ tại Simla. Thư như nước ngọt cho đoàn lữ hành trong sa mạc, và bà Blavatsky gửi điện tín nhận lời vì thư viết tay dường như quá chậm cho bà. Trưa hôm đó HPB kêu ông Olcott cùng đi với bà mua áo mới cho chuyến viếng thăm, và bắt đầu đếm giờ khắc chờ tới lúc sớm nhất có thể khởi hành. Chuyến thăm viếng này với diễn biến thú vị đã được thuật lại rộng rãi trên báo chí và sách vở, tuy nhiên không phải hết mọi chi tiết đã được trình bầy nên ông Olcott cho ghi lại điều nào còn thiếu sót.
XIV – XV. Simla
Hai vị rời Bombay tối ngày 27.8.1880 để lên vùng đồi núi phía bắc. Vào mùa hè tại Ấn, trời rất nóng nực ở vùng đồng bằng dưới thấp, nên mỗi năm vài tháng chính phủ Anh dời công việc hành chánh lên vùng cao nguyên có khí hậu mát mẻ dễ chịu hơn.
Nhà ông Sinnett trên sườn đồi cho cái nhìn bao quát tuyệt vời, từ hàng hiên người ta thấy được phần lớn nhà cửa của những viên chức cao cấp Anh, Ấn trong chính quyền. Việc làm đầu tiên của ông Sinnett là có cuộc nói chuyện rất nghiêm chỉnh với HPB về đường lối mà bà nên theo đuổi. Ông Olcott ghi nhận là ông Sinnett hăng hái xin bà coi cuộc viếng thăm này như là thời gian nghỉ ngơi, và trong ba tuần đừng nhắc chút gì về hội, hay về việc chính quyền xem hai vị có thể là gián điệp cho Nga; nói ngắn gọn là khi để qua bên hoàn toàn chuyện thường ngày, họ sẽ làm người khác thân thiện hơn là khi khách phải nghe ý kiến lạ lùng của hai vị.
Ông nói riêng với ông Olcott là ông thất vọng khi thấy HPB không tự chủ, lại bỏ qua cơ hội làm thân với tầng lớp mà thiện chí của họ là điều hết sức quan trọng cho bà. Theo ông Sinnett, người Anh luôn luôn coi trọng khả năng bình tĩnh biết tự chủ. Đoạn này đáng chú ý khi ta đọc bộ hồi ký, nhận xét ấy giúp ta hiểu tâm lý nhân vật và vì sao họ hành động như thế này hay kia. Việc ông Olcott ghi lại ý kiến của ông Sinnett cho thấy cả hai xét con người phức tạp của HPB theo bề ngoài, theo quan điểm người bình thường, trong khi bà khác thường ít nhất về mặt tâm linh. Khi đem tiêu chuẩn của xã hội con người để phê phán chuyện vượt mức hiểu biết của mình, hai ông và nhiều người khác trở thành bất công, có nhận xét không đúng về điều họ không hiểu, những điều nằm ngoài tầm hiểu biết của người đời.
Cái nhìn của ông Sinnett bị nhuốm mầu chủng tộc, ta có câu ‘phớt tinh Ăng Lê’ chỉ sự điềm tĩnh mà ông - bởi là người Anh - coi trọng, còn HPB là người Nga dễ biểu lộ cảm xúc hơn. Áp dụng giá trị ấy cho HPB là phạm sai lầm to tát, thứ nhất vì bà chịu nhiều áp lực do công việc mà ta không biết, thứ hai đời sống tâm linh là điều hai ông và chúng ta càng không rành, mà đó là đời sống thực của người như HPB, thực hơn đời sống ta quen thuộc. Thế nên càng tìm cách giải thích hành vi của bà theo quan điểm của đời, hai ông càng sai lầm thêm vì nguyên tắc, tiêu chuẩn mà họ dựa vào không phải là nguyên tắc, tiêu chuẩn chi phối cách hành xử kỳ bí của HPB.
Việc hiểu lầm này bắt đầu từ lúc hai ông tiếp xúc với HPB, tức năm 1874 cho ông Olcott và năm 1880 cho ông Sinnett, kéo dài mãi về sau cho tới khi họ qua đời. Bao cơ hội làm việc thân cận với bà vẫn không làm hai ông nhận ra đúng đắn sứ mạng của HPB trong thời đó, ý nghĩa và tầm quan trọng việc làm của bà vào lúc này hay kia khi hai người còn sống. Do vậy, có những lúc ông Sinnett hay ông Olcott không thuận với hành động của HPB, lấy thí dụ khi ông Olcott chống đối việc HPB lập trường bí giáo, do không hiểu động cơ thúc đẩy bà phải làm vậy, hay khi ông Sinnett thành thật tin rằng mình hiểu xã hội tây phương hơn, và có thể làm hội thành công hơn là để HPB điều khiển.
Khi đọc chuyện ta cần biết tâm lý của các nhân vật, các yếu tố tâm linh bên trong chi phối cách xử sự của họ, để công bình với HPB, lượng đúng mức khó khăn mà bà phải đối diện trong những ngày đầu của hội, và công lao to tát của bà khi trình bầy trở lại Theosophia cho thế giới vào cuối thế kỷ 19, và cũng để nhìn con người bên trong như bà là, tức một đại đệ tử, một bậc đạo sư cao cấp mà không phải là phụ nữ Nga với dân tộc tính làm ông Sinnett thất vọng, hay là người sôi nổi như ông Olcott viết trong bộ hồi ký.
Trở lại cuộc thăm viếng thì bà Gordon là khách đầu tiên của hai vị, và sau đó là một loạt các viên chức quan trọng nhất của chính quyền mà ông Sinnett mang tới nhà giới thiệu với HPB. Bà làm hiện tượng ngay, như sinh ra tiếng gõ trên bàn và những chỗ khác trong nhà, biến khăn tay có thêu tên mình thành khăn thêu tên ông Sinnett. Hai ngày sau theo lời yêu cầu của một ông khách đến chơi, bà làm biến mất phần hoa dệt trên vải bọc ghế bà đang ngồi, làm như đường nét của hoa bị lấy mất đi dưới tay bà, còn vải không bị hề hấn.
Từ phút này trở đi, bữa ăn tối nào mà hai vị được mời chỉ được xem là trọn vẹn khi có tiếng gõ trên bàn và tiếng chuông ngân do HPB tạo ra. Bà còn làm chúng phát ra từ bên trong hay trên đầu của viên chức nghiêm nghị nhất. Một hôm sau bữa trưa, bà kêu những khách nam và nữ hiện diện úp tay chồng lên nhau rồi bà đặt tay mình sau chót lên trên, sinh ra tiếng gõ âm kim loại sắc nhọn bên dưới bàn tay thấp nhất của chồng tay.
Người ta không thể nào lường gạt được chuyện như thế, và ai tham dự tỏ ra rất thích thú với bằng cớ là luồng lực tâm linh có thể được gửi đi xuyên qua cả chục bàn tay, sinh ra âm thanh bên dưới bàn. Thí nghiệm này được làm thêm nhiều lần khác, với một lần trong trường hợp lạ lùng. Bữa ăn tối đó có một quan tòa có tiếng của tòa Tối Cao, khi tay ông nằm ở giữa chồng thì không có luồng lực qua, nhưng vừa khi ông rút tay ra thì tiếng gõ vang lên ngay. Có thể ông nghĩ là sự khôn khéo đặc biệt của mình làm ngăn không cho có trò dối gạt, nhưng việc được giải thích là hệ thần kinh của ông không là chất dẫn cho luồng thần kinh của HPB.
Trong số khách quen đáng nói có ông Kipling, giám đốc trường Mỹ Thuật tại Lahore, là cha của nhà văn Rudyard Kipling tiếng tăm sau này.
Cho tới lúc ta đang thuật đây, hai vị vẫn còn bị chính quyền nghi ngờ là gián điệp cho Nga, nên một trong những mục tiêu của ông Olcott là giải tỏa hiểu lầm này, để việc làm của hai vị tại Ấn từ nay không bị trở ngại. Ông chờ tới khi hai vị đích thân gặp mặt hết của viên chức hàng đầu, cho họ cơ hội tự phán đoán lấy về tư cách của hai người và động cơ khiến họ sang Ấn.
Khi thời điểm chín muồi, sau một bữa ăn tối ông nói chuyện thân mật với Bí Thư bộ Ngoại Giao, và dàn xếp để trao đổi thư từ kèm thư giới thiệu ông của tổng thống và ngoại trưởng Hoa Kỳ. Thư qua lại rồi sau cùng, ông Olcott đạt được yêu cầu và mãn nguyện. Từ đó không còn việc theo dõi và hai vị được tự do.
Ta đã thuật trong chuyện HPB đăng trên PST 57 các hiện tượng mà HPB tạo cho ông bà Sinnett trong thời gian ở đấy, nên sẽ không nhắc lại nơi đây việc tách trà đào thấy trong đất, tuy nhiên xin ghi tiếp theo chuyện xẩy ra sau đó.
Sau bữa ăn ngoài trời, HPB làm một hiện tượng gây ngạc nhiên cho ông Olcott hơn điều nào khác. Một trong những người dự cuộc đi chơi nói rằng họ sẵn sàng gia nhập hội, nếu HPB có thể đưa cho ông bằng hội viên ngay tại chỗ vào lúc này ! Đây quả là thách thức lớn nhưng bà chẳng nao núng, khoát tay chỉ vào một lùm cây cách xa một chút, bảo họ đến tìm xem có nó chăng, nay cây và bụi cỏ thành hộp thư cho bà.
Người đề nghị cười to, như tin chắc là thách thức của họ không sao thực hiện được, đi tới lùm cây và rút ra một bằng hội viên, có ghi tên của họ và ngày hôm đó, cùng với một văn bản do ông Olcott viết, mà ông biết chắc là không hề viết nó, nhưng rành rành với thủ bút của ông ! Nếu không chứng kiến sự việc, chắc chắn ông sẽ nhận rằng chính tay mình đã ký.
Dầu vậy, hiện tượng không thuyết phục được vài khách trong bọn về huyền bí học, mà sau nửa giờ suy nghĩ, hai ông khách nói rằng họ không hoàn toàn thỏa mãn với sự việc và e rằng có dối gạt. Ta không cần ghi lại cơn thịnh nộ của HPB với lời phủ nhận này, còn ông Olcott thì cho rằng trình bầy triết lý đông phương chắc chắn có lợi hơn việc tạo nguyên bộ tách trà trong lòng đất.
XVI. Chuyện Tại Simla
Tương tự vậy, ta cũng không ghi lại chuyện kim cài áo của bà Hume được tìm thấy ngoài vườn (PST 57). Nhưng trước đó là một chuyện khác cho thấy khó mà có sự dối gạt. Nhóm 11 người hôm ấy ăn tối tại nhà ông bà Hume. Lẽ tự nhiên đề tài trò chuyện là huyền bí học và triết lý, họ cũng đề cập tới khả năng linh thị - psychometry và bà Gordon được HPB ưng thuận chịu làm một thí nghiệm. Bà vào phòng mình, lấy một bức thư đặt trong phong bì trơn đưa cho HPB để đọc. HPB áp thư vào trán một chốc rồi bắt đầu cười.
- Lạ chưa, bà nói, tôi chỉ thấy đỉnh đầu của một người với tóc dựng đứng tua tủa khắp nơi như lông, không thấy gương mặt. Ah, bây giờ thì nó hiện ra từ từ. Coi nào, đó là tiến sĩ Thibaut, đúng vậy !
Và quả thực là thế, đó là thư của ông gửi cho bà Gordon. Sự việc làm ai nấy rất đỗi hài lòng, và như thường xẩy ra trong chuyện muốn thấy hiện tượng, người ta muốn có thêm nữa, thí dụ HPB có thể mang vật từ xa tới đây chăng, và chuyện dẫn đến kim cài áo của bà Hume. Kết quả là sau khi chứng kiến hiện tượng, một số nhân vật tây phương quan trọng đã gia nhập hội, và bầy tỏ thiện cảm với HPB.
Hôm khác ông Olcott diễn thuyết với đề tài ‘Thông linh học và Theosophy’. Mỗi ngày hai vị đều có khách đến chơi và nói chung là được tiếp đón nồng hậu. Ngày 26.8.1880, HPB tạo nhiều hiện tượng như một khăn tay ngâm trong tách nước khi lấy ra có tên bà Sinnett thêu ở góc khăn. Chiều hôm ấy ông Hume trao bà bức thư đầu tiên của ông nhờ chuyển tới Chân sư K.H., khởi sự cho việc liên lạc rất thú vị sau này. Những ngày chót tại Simla của hai vị cũng có hiện tượng, làm sự quan tâm đến HPB bừng bừng sôi nổi. Có hiện tượng rất đẹp. Hai vị ăn tối cùng gia đình ông Sinnett hôm ấy, họ và bà Sinnett ngồi chờ ông ở phòng khách, hai bà ngồi cạnh nhau trên ghế sofa, bà Sinnett cầm tay HPB và khen không biết lần thứ mấy chiếc nhẫn kim cương mầu vàng xinh đẹp, quà tặng của thân hữu tại Galle, Ceylon trong chuyến đi thăm vừa qua.
Đó là viên ngọc hiếm có và đắt tiền, chiếu sáng rực rỡ, lấp lánh. Bà Sinnett rất muốn HPB tạo cho bà hạt ngọc giống vậy nhưng HPB chưa hứa chắc; rồi bà làm ngay khi ấy. Lấy hai ngón tay của bàn tay kia xoa tới lui viên ngọc, lát sau bà dừng tay và nâng bàn tay lên cho thấy viên ngọc. Bên cạnh nó, nằm giữa ngón tay đó và ngón kế là một viên kim cương mầu vàng khác, không sáng chói bằng viên của bà, nhưng cũng là một viên ngọc rất xinh đẹp.
Tại bàn ăn tối hôm ấy, HPB không ăn gì mà trong bữa ăn bà cứ hơ lòng bàn tay trên đĩa nước nóng trước mặt, xong bà xoa hai bàn tay với nhau và có một hay hai viên ngọc nhỏ rơi vào đĩa. Với hiện tượng loại này, vật được mang từ xa đến và người ta cho là do tinh linh khoáng chất như các chú lùn - gnome làm. Hiện tượng bức thư trong gối ngày 20.8.1880 đã được thuật lại trên PST 58, bài Chuyện HPB.
Kết quả chuyến đi Simla là hai vị có thêm một số thân hữu, không còn bị chính quyền cho người theo dõi, và tạo vài kẻ thù trong số các viên chức Anh, Ấn, cho rằng ma quỉ giúp HPB sinh hiện tượng. Trong một xã hội bảo thủ và cứng ngắc như thế, hành vi phóng khoáng của HPB làm kinh động lối suy nghĩ đóng khuôn về thế nào là phải phép; trí tuệ sâu rộng và phần tinh thần cao siêu của bà gây nên óc ganh tị, tức giận; và quyền năng tâm linh của bà làm người ta kinh sợ. Dầu vậy, ông Olcott tin rằng chuyến đi sinh nhiều lợi hơn hại và đáng công.
XVII. Cảnh Đẹp
Từ Simla về nhà, hành trình diễn ra chậm chạp bởi hai vị dừng chân nhiều nơi hoặc để thăm viếng hoặc để ông Olcott thuyết giảng, nên 26 ngày sau họ mới về đến Bombay. Trên đường đi, tới Amritsar hai vị ghé thăm đền Golden Temple thuộc đạo Sikh, và họ ngạc nhiên lẫn sung sướng khi nhận ra vào phút ấy một Vị trong số các thành viên chăm lo đền là một Chân sư, chào mừng hai người bằng nụ cười thân mến, tặng mỗi vị một cành hồng, và ban phép lành qua ánh mắt của ngài. Lúc trao cành hoa ngón tay của ngài chạm vào người làm ông Olcott cảm thấy một làn rung động chạy khắp châu thân.
Tại Lahore, ông thâu nhận hội viên và họ lập nên một chi bộ. Tuy ông đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nhưng chưa có nơi nào sánh bằng đám đông nơi đây, với người Sikh, Punjab, Kashimir và Afghan mặc y phục dệt chỉ vàng và bạc, da nâu, khăn đội đầu nhuộm muôn mầu muôn vẻ.
XVIII - XIX. Thánh Địa Benares
Từ đây, ông Olcott để bà Blavatsky ở lại Lahore, còn ông tiếp tục đi nhiều nơi khác tìm hiểu về tình trạng Ấn giáo, viếng thăm các đạo sĩ có tiếng, thâu nhận hội viên mới, thành lập một số chi bộ mới và thuyết giảng. Ông cũng gặp nhiều học giả Phạn ngữ, người Ấn lẫn tây phương, có những cuộc thảo luận về Phạn ngữ, triết lý, tôn giáo và được tiểu vương - Maharajah của Benares đón tiếp.
Ông học được nhiều chuyện thú vị mà cũng thất vọng vài điều. Thân hữu đưa ông tới gặp một yogi có tiếng tại ngôi nhà bên bờ sông Hằng ở Benares; ông nghe là yogi rất thông thái về kinh điển, được xem là một trong những yogi hàng đầu của Ấn, nên kính cẩn chào nhà yogi theo tục lệ cổ truyền. Đạo sĩ ăn bận sạch sẽ, khác với đa số đạo sĩ có bề ngoài thiếu vệ sinh nên ông có thêm thiện cảm. Dầu vậy, cảm tưởng mất tăm khi chẳng lâu sau đó, ông được nghe là yogi này vào lúc ấy đang có tranh tụng luật pháp một số tiền rất lớn và mạnh mẽ theo đuổi việc kiện cáo. Yogi mà chạy theo đồng tiền là việc bất bình thường nên không cần phải nói, ông Olcott không tới thăm đạo sĩ lần thứ hai.
Nay HPB cũng đến Benares và hai vị ở lại đây tám ngày. Tiểu vương đích thân tới thăm hỏi, trò chuyện có giám đốc ngân khố đi theo. Tiểu vương đề nghị là người sau sẽ đưa ra ngay tại chỗ số tiền mấy chục ngàn rupee để tặng hội Theosophia, nếu HPB cho ông thấy vài phép lạ. Cố nhiên bà từ chối, cũng như đã từ chối một người Ấn giàu có khác hồi trước tại Bombay. Nhưng vừa khi tiểu vương ra về, bà tạo một số hiện tượng cho các khách tới thăm mà nghèo hơn ông, không có tiền để tặng bà dù chỉ là năm rupee. Dầu vậy, bà cho tiểu vương hay một bí mật quan trọng, về nơi mà tài liệu thất lạc từ lâu trong hoàng gia khi được cất dấu vội vàng, hồi có cuộc nổi loạn nhiều năm trước.
Tuy tiểu vương thất vọng vì không được thấy phép lạ, ông Olcott tin là Maharajah kính trọng bà nhiều hơn là nếu HPB nhận lời. Việc không màng đến tiền bạc luôn được người Ấn xem là bằng chứng tốt cho tư cách của bậc thầy tôn giáo. Một yogi tại Lahore khi phô bày khả năng của mình cho vị tiểu vương nơi ấy và nhận quà tặng đắt tiền, đã hạ giá mình hoàn toàn đối với vị sau. Một người thân tín với nhà yogi nói với ông Olcott rằng ‘Nếu không có việc ấy, vị Maharajah hẳn sẽ chu cấp và giữ nhà yogi cạnh ông suốt đời, và tôn kính ông như bậc thánh nhân.’
Những buổi nói chuyện với các học giả, thuyết giảng cho công chúng, viếng thăm Maharajah và thân hữu, đi thăm các đền thờ trong vùng, là thời biểu bận rộn cho ông Olcott và bà Blavatsky. Chẳng những ông Olcott làm việc cho hội, mà còn luôn khuyến khích, hỗ trợ việc học hỏi văn chương Phạn ngữ, triết lý kinh Veda, tại bất cứ nơi nào ông tới trên đất Ấn. Nỗ lực không ngừng nghỉ này đã khiến thư viện Adyar ngày nay thành một trong những thư viện có số tài liệu lưu trữ đáng kể về Phạn ngữ, và là thành quả cho công lao của ông miệt mài trong nhiều năm.
Ông cũng tiếp xúc với học giả về Hồi giáo, và có những cuộc trò chuyện thú vị. Chẳng những vậy, ông mời họ viết bài và dịch ra cho đăng trên báo Theosophist. Qua những người bạn Hồi giáo, ông được nghe chuyện y như đọc trong 1001 Đêm. Họ thuật rằng vài năm trước, tại Ghazipur có thầy giáo mở trường dạy học. Trong số học trò có một em thông minh tỏ ra có nhiều khả năng, và luôn luôn lễ phép với thầy. Một hôm em mang cho thầy món ăn hiếm thấy do mẹ làm. Người thầy tỏ ý muốn gặp ba mẹ em để đáp lễ, học trò thưa sẽ hỏi ý ba mẹ và cho hay sau. Ngày kế đó em thưa là ba mẹ ưng thuận nên thầy ăn mặc tề chỉnh, theo trò lại nhà em.
Hai người đi khỏi phố vào miền quê một quãng xa nơi đồng không mông quạnh, vắng vẻ không có nhà cửa nào. Thầy bắt đầu lo và cuối cùng muốn học trò giải thích. Khi đó trò thưa rằng đã sắp tới nhà, nhưng trước khi dẫn thầy vào thì em phải nói cho thầy hay một điều bí mật. Em thuộc dòng giống các thần (djnis), và khi thầy được mời đến thăm nhà cửa của em thì đó là một hân hạnh rất lớn cho ông. Dầu vậy, trước tiên ông phải thề nguyện là sẽ không tiết lộ đường tới nơi trong bất cứ trường hợp nào, và nếu lỗi lời thề ông sẽ chắc chắn bị mù.
Người thầy cam kết tuân theo và học trò mở cửa thông, vô hình đối với ông thầy, để lộ ra bậc thang mà khi đi xuống, chót hết họ đặt chân vào phố xá của các thần - djni. Mọi việc y như cảnh giới ở trên, cũng đường lộ, nhà ở, cửa hàng, ca nhạc, giải trí, tất cả mọi chuyện. Cha của em hân hoan tiếp đón thầy giáo và tình thân thiết kéo dài nhiều năm, mang lại lợi ích cho người thầy, làm ông rất mãn nguyện.
Bạn bè chung quanh thắc mắc việc ông phát đạt, gạn hỏi mãi và cuối cùng thuyết phục được ông chỉ đường tới chỗ có cửa thông, ở đầu cầu thang bí ẩn. Nhưng ngay vào lúc sắp tiết lộ bí mật đã thề giữ kỹ, ông bị mù và không còn được sáng mắt nữa. Vào lúc ông Olcott được nghe chuyện này thì người thầy đang sống tại …, và thân hữu kể chuyện nói rằng người chung quanh đều biết lý do ông bị mù. Thành phố trong lòng đất này của các thần với nhà cửa và tinh linh cư ngụ, nghe giống như chuyện ‘The Coming Race’ tác giả Bulwer Lytton, gợi ý là hai chuyện có chung nguồn gốc từ dân gian.
Cuộc viếng thăm Benares chấm dứt, hai vi quay lại nhà ông bà Sinnett tại Allahabad.
Chương XX - XXI
Diễn Giải Phật Giáo tại Ceylon
Trong thời gian ngắn ở nhà ông bà Sinnett, ông Olcott có hai, ba buổi giảng trước cử tọa đông đảo; một số khách đáng nói tới thăm viếng, cũng như ông và bà Blavatsky dành nhiều thì giờ trò chuyện với các nhân vật tiếng tăm của Ấn Độ về triết lý Ấn. Hai vị đi xe lửa về Bombay ngày 30.12.1880, tới ngụ chỗ ở mới tên Crows Nest, gần biển. Từ khi mới đến Bombay đầu năm 1879, hai vị ở trong khu của người Ấn đường Girgaum Back xa biển, gió biển ít khi thổi đến nên hai người rất hài lòng với địa điểm mới.
(còn tiếp)