ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

 

Đời Huyền Bí của HPB (tt)

 

Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

 

Sau chuyến đi xe lửa dài 6 tiếng 20’ từ Madras tôi đến thị trấn Sholapur nhập bọn với ông Olcott. Tôi xin giới hạn chỉ kể những chỗ nào trong chuyến du hành miền bắc Ấn có điều đặc biệt đáng ghi.
Chúng tôi đến Jubbulpore và vào tối có thuyết giảng, ông Olcott, Damodar, vài hội viên và tôi cùng đi xe tới chỗ có buổi họp công cộng. Ở đó ông có bài nói điều rất đáng chú ý trước cử tọa đông đảo. Trong buổi giảng có chừng ba hay bốn nhân vật oai nghi làm tôi đặc biệt chú ý. Thấy như họ không dán mắt vào diễn giả như cử tọa, mà bình thản chững chạc, chỉ thỉnh thoảng vui vẻ trao đổi ánh mắt với nhau. Về sau, tôi không ngạc nhiên khi nghe là vài Mahatma hiện diện ở buổi họp trong thể thanh.
Rồi chúng tôi đi tới Allahabad. Ở thành phố cổ xưa này là một bài giảng hùng hồn nhất. Ở đây tôi thấy và nhận ra Mahatma K.H.
Tuy tôi chỉ có thể nhìn vào ngài có một phút, tôi biết đó là ngài và nhận ra nhờ bức chân dung mà tôi đã xem kỹ vài tuần trước. Khi trở về nhà trọ, cảm tưởng của tôi được Damodar xác nhận, tự ý nói là Thầy của anh có mặt ở đó. Tôi cần thêm là chính Damodar thì không hiện diện ở buổi giảng.
Chuyện kế xẩy ra ở thành phố Lahore. Ở đây như tại các nơi khác, ông Olcott có bài nói chuyện thật sôi động trước cử tọa đông đảo; nhưng Lahore đáng chú ý đặc biệt vì chúng tôi thấy Chân sư K.H. trong xác phàm của ngài.
Vào buổi chiều ngày 19.11 tôi thấy Chân sư giữa trời sáng đầy nắng và nhận ra ngài; và vào sáng 20 ngài đến lều tôi và bảo.
– Nay con thấy Ta bằng xương bằng thịt trước mắt; hãy nhìn và đoan chắc với mình rằng đây là Ta.
Và ngài để lại một thư chỉ dẫn và khăn tay bằng lụa. 
Như thường lệ, thư này có vẻ được viết bằng bút chì xanh, được hàng chục người xác nhận là thư có nét chữ của đức K.H. Thư nói là mới đầu tôi thấy hình ảnh ngài trong trí, rồi trong thể thanh, và trong thân xác ở một quãng xa, rồi chót hết nay tôi thấy ngài trong chính xác phàm, gần sát đến mức tôi có thể xác nhận với mọi người là do kinh nghiệm cá nhân, tôi chắc chắn là các Mahatma hiện hữu giống như tôi vậy.
Vào buổi tối ngày 21.11 sau buổi giảng, ông Olcott, Damodar và tôi ngồi bên ngoài chỗ ngụ và được đức D.K. là đại đệ tử của Chân sư đến gặp, ngài cho chúng tôi hay là Chân sư sắp đến. Khi ấy Chân sư đến gần chúng tôi, dặn dò Damodar và đi mất.
Sau Lahore, nơi kế là Jammu và tại đây tôi có được cơ hội khác thấy Mahatma K.H. trong thân xác của ngài. Một buổi tối tôi đi tới cuối dãy và ở đó thấy Chân sư tiến lại phía tôi. Tôi chào theo kiểu tây phương, tay cầm nón tiến đến cách chỗ ngài đứng vài thước. Sau vài phút ngài đi ra xa, tiếng chân đi trên sỏi nghe rõ ràng.

Chương 14
Lahore và Adyar
1883 – 1884

Nhiều người Ấn và tây phương có tiếp xúc với các Mahatma vào lúc này, hoặc bằng thư từ hoặc gặp mặt, và kể lại kinh nghiệm riêng của họ. Ông Olcott tiếp tục chữa bệnh bằng từ điện cho tới tháng hai 1884 thì ngưng, để đi Anh thay mặt Phật tử tại Sri Lanka khiếu nại với chính phủ Anh, về cách cai trị của Anh tại đảo này; bà Blavatsky lúc ấy sức khỏe kém, quyết định cùng với ông sang Âu châu.

14b Damodar K. Mavalankar. Tháng 11-12, 1883 - Lahore và Jammu, Kashmir

Khi đi cùng ông Olcott trong chuyến đi lên miền bắc Ấn, chúng tôi đến Lahore nơi hy vọng sẽ được gặp Thầy của tôi (đức K.H.) bằng xương bằng thịt. Ở đó, tôi được ngài đến gặp trong xác phàm ba đêm liền, và một lần như vậy tôi còn đi ra ngoài nhà diện kiến ngài trong khuôn viên, vào nhà trở lại cùng với ngài, mời Chân sư ngồi, và rồi nói điều lâu với Thầy.
Hơn thế nữa, Vị mà tôi gặp với xác thân vật chất  ở Lahore cũng là Vị mà tôi thấy trong thể thanh ở trụ sở hội, lại cũng là đấng mà tôi thấy lúc xuất hồn hay như là linh ảnh, tại nhà ngài cách đây mấy ngàn cây số mà tôi tới được khi xuất vía, tự nhiên là nhờ sự trợ giúp trực tiếp và bảo vệ của ngài.
Trong những trường hợp đó, bởi khả năng tâm linh của mình chưa phát triển mấy, tôi luôn chỉ thấy ngài với hình dạng mờ ảo tuy nét mặt hết sức rõ ràng, hằn sâu đậm trong ký ức và tâm thần tôi. Nay tại Lahore, Jammu và các nơi khác, ấn tượng khác hẳn hoàn toàn. Trong các trường hợp đầu, khi chắp tay kính chào bàn tay tôi đi xuyên qua thể của ngài, còn vào các dịp sau tay tôi đụng vào y phục và da thịt cứng chắc.
Tôi sẽ không đề cập việc cả hai ông Olcott và ông Brown mỗi người gặp riêng rẽ ngài với thân xác trong hai đêm tại Lahore. Sau đó tại Jammu tôi may mắn được gọi tới và được phép viếng một ashram linh thiêng, được ở lại đó vài ngày cùng với các Mahatma của Himalaya mà nhiều kẻ nghi ngờ, và các đệ tử. Nơi ấy tôi được gặp chẳng những Thầy của tôi là Chân sư K.H. và Thầy của ông Olcott là Chân sư M. mà luôn cả một số Vị khác trong nhóm Huynh Đệ, kể luôn một trong những Vị cao cả nhất.
Như thế, tôi đã thấy Thầy yêu quí của tôi không phải chỉ là một người sống, mà thực sự là người trẻ  so với vài Vị khác, và lại còn nhân hậu hơn, không ngần ngại chuyện trò, đôi lúc thốt lời vui vẻ.
Vậy thì vào ngày thứ hai khi đến nơi, sau khi dùng bữa tôi được phép hầu chuyện hơn một giờ đồng hồ với Thầy. Khi ngài mỉm cười hỏi vì sao tôi nhìn ngài thắc mắc, tôi đáp.
– Thưa Chân sư, tại sao có hội viên nghĩ rằng ngài là ‘người lớn tuổi’ và còn thấy ngài bằng thông nhãn như là một ông già hơn sáu mươi tuổi ?
Thầy cười vui vẻ và nói hiểu lầm sau là do chuyện kể của đệ tử một đạo sĩ phái Veda. Còn ai nói dùng thông nhãn thấy ngài như là một ông già hơn sáu mươi tuổi, thì điều ấy không đúng, vì thông nhãn chân thực không khiến người ta bị lầm lẫn như thế; và rồi ngài dịu dàng trách tôi là đã coi trọng tuổi tác của vị Guru, thêm rằng hình dạng thường khi sai lạc v.v. và giải thích nhiều điểm khác.

14d Bhavani Shankar
Tháng giêng 1884, Jubbulpore, Ấn Độ.

Vào tháng giêng 1884 tôi ở Jubbulpore với ông Nivaran Chandra Mookerjee, khi đó là thư ký chi bộ trong vùng. Một tối lúc ngồi với ông, tôi nói chuyện với khoảng 27 hội viên của chi bộ ấy, họ lắng nghe chăm chú lắm. Đột nhiên, trong một lúc có sự yên lặng như tờ và rồi tôi cảm biết ảnh hưởng của Chân sư M.  thầy của HPB, nó mạnh quá làm tôi không chịu được. Luồng điện sinh ra do máy điện từ thì không là gì cả so với dòng điện mà ý chí đã luyện tập của bậc đạo sư phát ra. Khi một Mahatma muốn cho chela cảm biết có ngài, Vị ấy phóng tới người chela một dòng điện báo hiệu ngài sắp tới. Ấy là ảnh hưởng mà tôi cảm nhận lúc đó.
Vài phút sau Chân sư (M.) thực sự hiện diện trong phòng nơi có buổi họp của các hội viên, riêng có ông Nivaran và tôi thấy được ngài còn vài hội viên khác chỉ cảm được ảnh hưởng. Tất cả hội viên hẳn có thể thấy được ngài rõ hơn nếu hình ngài đậm đặc hơn. Tôi đã thấy cùng vị Chân sư nhiều lần trong thể thanh lúc đi lên miền bắc Ấn. Chẳng những tôi thấy Thầy của HPB bằng thể vía mà luôn cả Thầy đáng kính của tôi là đức K.H. Tôi cũng đã gặp đức K.H trong thể xác của ngài.

14e Franz Hartmann.
Tháng 12.1883  - Tháng hai 1884, Adyar, Madras và Bombay, Ấn Độ

Tôi đến Madras tối ngày 4.12.1883 và được ông G. Muttuswami Chettyar đón tiếp vui vẻ, đưa tôi ra xe của ông và chúng tôi đi tới Adyar là ngoại ô của Madras, cách bến tầu chừng mười cây số.
Trời đã tối khi tôi đến, và đối tượng trong mơ của tôi, người được cho là nắm giữ chìa khóa để mở cửa huyền bí học cho tôi, đang ngồi trong phòng đèn sáng, chung quanh có một số thân hữu. Tuy nghèo nhưng bà Blavatsky bị nhiều người ganh tị, bà là nhân vật kỳ bí của thế kỷ 19, vừa là nhà thông thái mà cũng là phụ nữ. Bà tỏa ra sự an nhiên của thần thánh, mà một phút sau đó nổi cơn thịnh nộ vì cà phê nóng quá. Hình dạng bà không làm tôi ngạc nhiên hay thất vọng. Dáng vẻ đường bệ, mặc áo rộng buông thả, tựa như bà ngồi để chụp hình một vị thánh, và cung cách thân ái, tốt bụng của bà lập tức khiến tôi tin ngay.
Trước khi đi nghỉ, tôi ngỏ ý muốn xem hình các Mahatma, những nhân vật bí ẩn vượt trội hơn con người mà tôi đã nghe nói nhiều, và tôi được dẫn lên lầu xem tủ thờ chỗ cất những hình này. Hình vẽ hai người đàn ông có diện mạo đông phương và y phục tương ứng. Nét mặt từ tốn, hiền hòa.
Một hay hai tuần sau khi tôi đến Adyar, thấy nhiều người khác, khách lạ cũng như là hội viên của hội, thỉnh thoảng nhận được thư từ các Chân sư hoặc do thư từ trên không rớt xuống, bay đến họ xuyên qua tường rắn chắc, hay gửi tới họ qua tủ thờ, tôi quyết định thử xem mình có may mắn như thế chăng. Cho nên tôi viết mấy hàng sau.
Kính thưa Chân sư ! Con ký tên dưới đây xin hiến dâng mình cho việc phụng sự. Xin ngài vui lòng xem xét khả năng trí tuệ của con và nếu nên làm, xin chỉ dẫn thêm cho con. Kính.
Tôi viết lại y nguyên lá thư này để bạn đọc đừng nghĩ là tôi ngớ ngẩn làm bận lòng các ‘đạo sư’ ở Himalaya với chuyện riêng nhỏ bé của tôi. Tôi có thói quen giữ kín việc riêng và không ai ở Ấn Độ hay ngoài San Francisco biết gì về chuyện của tôi. Tôi đưa thư cho ông Olcott và ông đặt vào trong tủ thờ.
Vài ngày sau, tôi suy nghĩ về điều này, và lý luận rằng nếu các Chân sư thấy có điều gì đáng viết thư cho tôi, hẳn các ngài sẽ làm vậy không cần tôi hỏi xin, thế nên tôi xin ông Olcott đưa lại thư cho tôi. Nhưng thư đã biến mất một cách bí mật. Thay vào chỗ của nó tôi nhận được một thư khác mà nội dung cho thấy chẳng những có sự hiểu biết hoàn toàn về vài điều trong đời tôi trước kia, mà còn đi vào chi tiết việc rất đỗi riêng tư. Ta thấy thư này được đưa ra không phải để làm ‘chứng cớ’, tuy nó là ‘chứng cớ’ cho tôi, mà để cho tôi tin tức và lời khuyên (về sau thấy là rất hữu ích).
Sau này tôi thấy Mahatma (M.) trong thể vía. Ngài cùng với hai chela cũng trong thể vía hiện ra cho tôi. Sự hiện diện của ngài cho ảnh hưởng thật hào hứng và phấn khởi, phải vài ngày sau mới giảm lần.
Sức khỏe suy giảm của HPB khiến người ta cho rằng bà nên thay đổi không khí và bác sĩ khuyên bà đi Âu châu, nơi mà ông Olcott có việc cần đi. Thành ra bà Blavatsky quyết định tháp tùng ông Olcott, và bởi bà nhận được lời mời gấp rút để viếng thăm tiểu vương Thakore Sahib ở Wadhwan, và thân hữu của bà là hoàng thân Hurrisighjee, bà tính đi thăm họ trước khi lên đường đi Bombay.
Hai ngày trước khi bà Blavatsky ra đi là ngày 5.2.1884, tôi tự ý lên phòng bà để nói chuyện hội. Sau cuộc trò chuyện này, tôi có ý nghĩ muốn hỏi ý bà về một đề tài mà tôi đang suy gẫm. Bà Blavatsky khuyên tôi hãy hỏi chính đức M, hỏi trong trí, và tự Chân sư sẽ trả lời tôi. Vài giây sau bà nói cảm được sự hiện diện của ngài, và bà thấy ngài đang viết. Tôi phải nói là mình cũng cảm biết ảnh hưởng của ngài, và dường như thấy được gương mặt của ngài, nhưng đương nhiên là trong trường hợp này không ai ngoài tôi tin như thế.
Ngay khi ấy một thiếu phụ khác đi vào làm tôi rất bực bội, và họ ngỏ ý muốn có cây kềm để làm điều gì đó; bởi nhớ ra là tôi có cây kềm như thế trong ngăn kéo trên bàn viết của mình, tôi đi xuống lầu vào phòng mình lấy kềm. Tôi mở ngăn kéo thấy cái kềm và vài món khác nằm trong đó, mà không có dấu vết có lá thư nào vì ngày hôm trước tôi đã đem giấy tờ của mình sang nơi khác.
Tôi lấy cây kềm và sắp đóng ngăn kéo thì có một phong bì lớn nằm trong đó, đề tên tôi bằng nét chữ quen thuộc của Chân sư, cùng với dấu triện có chữ tắt tên ngài bằng tiếng Tây Tạng. Khi mở ra, tôi thấy một bức thư dài, rất thân ái đề cập cùng vấn đề mà tôi vừa nói với bà Blavatsky, ngoài ra còn cho câu trả lời chi tiết và thỏa mãn về một câu hỏi làm tôi bận tâm mãi, và lời giải thích thỏa đáng về một số điều khác mà tôi đã suy nghĩ luôn về chúng trong một lúc lâu, nhưng không tiết lộ cho ai biết. Lại nữa, trong cùng phong bì có một bức hình cỡ lớn, là chân dung của Chân sư, có lời đề tặng cho tôi ở sau lưng.
Nào, nếu suy nghĩ một chút thì tôi biết là ngăn kéo của mình không có thư như vậy khi tôi mở nó ra, và lúc ấy không có ai hữu hình trong phòng. Lá thư cho câu trả lời chi tiết về thắc mắc của tôi, phải được viết, dán lại và đặt vào ngăn kéo chưa tới bốn phút, còn hôm sau khi tôi chép lại thư thì mất đúng bốn mươi phút; và chót hết, thư bàn tới một vấn đề rất khó theo cách cặn kẽ mà chính xác, chỉ ai có óc thông minh cao độ nhất mới có thể làm được như vậy.
... Ngày 7.2 bà Blavatsky cùng Mohini Chatterji và tôi đi Bombay. Mấy tiếng trước khi đi bà đọc một bài viết của tôi, có sửa vài chữ và đưa lại cho tôi. Tôi đọc nó kỹ để xem bà sửa những điều chi và không chừng chính tôi cũng thêm bớt vài chỗ. Tôi chỉ thấy vài chữ được sửa, xếp giấy lại, kẹp nó vào cuốn sổ tay, cất sổ vào cặp, khóa cặp, lên xe lửa và đặt cặp lên ghế ngồi và nó nằm ở đó không hề rời khỏi tôi, và không hề ra khỏi mắt tôi cho tới khi có chuyện mà tôi sắp kể đây.
Tầu chạy, bà Blavatsky ngồi cùng toa với tôi. Đến chiều bà ngỏ ý muốn xem lại bài viết, tôi lấy nó ra khỏi cặp, mở lớn tờ giấy trước khi đưa cho bà và khi làm vậy, hãy tưởng tượng coi tôi kinh ngạc xiết bao, khi thấy có bốn hàng dài viết trên bài ở chỗ trước đó là khoảng giấy trắng, với nét chữ quen thuộc của Chân sư chúng tôi, và bằng mực khác mầu với mực mà HPB dùng. Tôi chịu không giải thích được làm sao việc viết lách ấy có thể làm được trong cặp của tôi, và trong lúc xe lắc lư qua lại.
Một sự việc khác xẩy ra (ở Bombay) khi chỉ có mình tôi. Sáng ngày 20.2 tôi nhận được một medal đeo cổ lạ lùng của Tây Tạng, mà Chân sư trao cho bà Blavatsky đưa lại cho tôi. Rồi tôi đưa bà lên tầu thủy sẽ mang bà sang Âu châu. Khi trở lên bờ tôi đến tiệm nữ trang của người bản xứ mua cái hộp nhỏ để cất vật, nhưng không tìm được sợi dây đủ dài để đeo.
Xong tôi quay về phòng và đi tới lui, tự hỏi làm sao có dây. Cuối cùng tôi đi tới kết luận là sẽ mua sợi dây lụa mầu hồng, nhưng bởi tôi là người lạ tại Bombay, câu hỏi là làm sao để mua. Bách bộ tới lui mãi khiến tôi lại đi tới trước cửa sổ mở, và ở đó nằm ngay trên sàn trước mặt tôi là chính sợi dây lụa, mới tinh, và đúng là vật tôi muốn.

Chương 15
Pháp và Anh
1884
Từ Ấn Độ HPB đi Pháp và ở đó trong khi ông Olcott sang Anh tìm cách hòa giải cuộc tranh cãi về đường hướng của chi bộ London. Dầu vậy bà nhận được ‘lệnh’ tới dự cuộc họp của chi bộ London, và sự có mặt ở đó của bà gây ra sôi động, hóa giải tình trạng có tiềm năng gây khó khăn. Bà quay về Pháp vài tháng trước khi trở lại Anh, ngụ tại nhà cô Francesca Arundale. Tại Pháp cũng như tại Anh, đi tới chỗ nào bà cũng thu hút người hiếu kỳ cũng như ai mong muốn được tiếp xúc với các Mahatma, và bà đáp lại theo cung cách không đoán trước được và không hề bị kềm chế của bà.

15a William Q. Judge
Tháng 3-4, 1884. Paris

Tôi đã ở đây từ ngày 25.3 và HPB đến ngày 28.3 Có đông đảo người thường xuyên ở đây nên tôi không thể trò chuyện riêng với HPB lâu. Tôi có nói chuyện với bà vài bận. Tôi được lệnh của Chân sư ghé lại ở đây giúp bà viết bộ Secret Doctrine.
Sau khi việc gấp gáp đầu tiên đã xong ở đây, tôi bảo mình phải đi sang Ấn Độ ngay. Ông Olcott nghĩ tốt hơn tôi nên ở lại với HPB và bà cũng cho là thế; nhưng tôi bảo tất cả những lệnh mà tôi có là đi Ấn, và không có lệnh gì thêm thì tôi sẽ đi, thành ra bà nói có lẽ tôi đúng; rồi có quyết định là tôi sẽ chờ ở đây tới khi ông Olcott tìm được tầu ở London cho tôi đi. Mọi điều vì vậy được dàn xếp nhất định như thế. Tuy nhiên sáng hôm sau lúc tôi ngồi trong phòng ngủ với Mohini, anh và tôi ngủ ở đây, và sau khi chúng tôi đã ở trong phòng một giờ sau cà phê, từ phòng mình ở đầu kia của hành lang ông Olcott đi sang, gọi tôi ra ngoài và nói riêng với tôi là Chân sư (M.) tới phòng ông, bảo ông là tôi khoan đi Ấn mà hãy ở lại đây giúp HPB với bộ Secret Doctrine.
Vậy thì bây giờ tôi ở đây lâu hay mau chưa biết, góp ý và viết bộ sách.
Một hôm vào khoảng một giờ các Chân sư gửi lời nhắn qua HPB, có những câu hỏi để tôi soạn với bà. Mỗi lời nhắn làm da tôi có phản ứng đặc biệt trước khi bà lập lại chúng.
Ngày 4.5 ông Olcott và Mohini đi London để HPB và tôi ở đây, vì bà được lệnh không đi London. Ngày trôi qua và tới buổi chiều chỉ có chúng tôi ngồi ở phòng khách với nhau, nói chuyện lâu dài về những ngày xưa.
Khi ngồi đó, tôi cảm thấy dấu hiệu quen thuộc là có lời nhắn của Chân sư và thấy bà đang lắng nghe. Bà nói.
– Ông Judge này, Chân sư kêu tôi đoán thử xem điều kỳ lạ nhất mà ngài có thể ra lệnh cho tôi lúc này là gì ?
Tôi nói.
– Là nên để cho bà Anna Kingsford làm chi trưởng chi bộ London.
– Đoán câu khác đi.
– Là HPB được lệnh đi London.
Câu ấy đúng và ngài ra lệnh cho bà lấy xe tốc hành lúc 7.45 giờ, cho giờ giấc chính xác là xe sẽ đến những trạm khác nhau và London vào lúc nào, tất cả những điều này đều đúng mà chúng tôi không có trong nhà thời biểu của xe. Bà không thích lệnh này chút nào hết, tôi biết chắc vậy vì sức khỏe bà kém và thân hình dềnh dàng to lớn, đó quả là chuyến đi đáng sợ. Nhưng đêm qua tôi đưa bà ra nhà ga, xem cho bà lên xe với túi xách nhỏ...
Suốt lúc này bà than phiền là không biết vì sao mình được lệnh như vậy, bởi người ở London sẽ nghĩ bà đi để gây ảnh hưởng sau khi đã từ chối không đi trước đó; và ông Olcott khi gặp bà, chắc chắn sẽ thấy muốn la lối. Nhưng tình trạng ở London nghiêm trọng, và có lẽ các ngài muốn làm vài hiện tượng ở đó cho mục tiêu có lợi. Nên bây giờ chỉ còn mình tôi trong nhà này.

15c Archibald Keightley
7 - 4 - 1884, London.

Lần đầu tiên tôi được gặp HPB là vào năm 1884, một thời gian ngắn sau khi tôi gia nhập hội Theosophy. Có quyết định là mở buổi họp tại văn phòng của một hội viên ở Lincoln’s Inn. Lý do cho buổi họp là vì có dị biệt về quan điểm giữa một bên là ông Sinnett và bên kia là bà Kingsford cùng với ông Maitland. Ông Olcott ngồi ghế chủ tọa, cố tâm giải quyết những quan điểm khác biệt, nhưng không thành công. Ngồi cạnh ông là những ai tranh cãi, Mohini M. Chatterji, một hay hai người khác, đối mặt với gian phòng dài và hẹp gần đầy hội viên trong hội.
Cuộc tranh cãi diễn ra, sôi động lên dần, phòng càng lúc càng đông, có một bà to lớn vừa mới tới ngồi ghế cạnh tôi, gần hết hơi thở không ra. Lúc ấy có người ở đầu bàn nói gì đó về hành động của bà Blavatsky, và phụ nữ to lớn ấy xác nhận nó bằng chữ ‘Chính thế’.
Tới đây buổi họp hóa ra náo động, ai nấy chạy tới bà to lớn, còn Mohini quì dưới chân bà. Chót hết bà được mang lên ở đầu phòng nơi những người có chức phận ngồi, bà kêu to phản đối bằng nhiều ngôn ngữ trong cùng một câu, và cuộc họp ráng tiếp tục. Dầu thế, nó phải tự hoãn lại. (còn tiếp)