ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

Đời Huyền Bí của HPB (tt)

 

Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

  Chúng tôi không biết làm sao giải thích việc xuất hiện của lá thư này, nó rơi trong không trước chính mắt chúng tôi.  Quả đúng là không ai thấy trong lúc nó rơi, nhưng thời gian để rơi từ trần nhà xuống tách trà mất nhiều lắm là nửa giây, với khoảng cách chỉ chừng hai hay hơn hai thước. Thư không thể được bà Blavatsky ném vào tách trà vì chúng tôi đang nhìn vào bà. Mà cho là bà ném đi nữa và sắp xếp sao cho chúng tôi không thấy bà làm vậy, thư vẫn không thể nào rơi thẳng đứng vào tách trà, vì bà ngồi cao hơn ông Nobeen chỉ chừng sáu tấc, ở khoảng cách từ ba tới bốn thước. Dù là kẻ hoài nghi, chuyện làm tôi thắc mắc.
Sau đó bạn tôi ông Tariny Kumar Ghose vạch cho thấy cách viết trên phong bì là đủ để chống lại giả thuyết nói rằng thư do một người Ấn viết. Nếu một Mahatma người Ấn viết thư này, hẳn ngài sẽ ghi ‘Nobeen Babu’ mà không phải là ‘Babu Nobeen’; cách viết trước là cách gọi nhau thân mật giữa hai người ở Bengal. Tuy bạn tôi không thể giải thích được làm sao thư rơi vào tách trà, ông không nghi ngờ chút nào rằng bà Blavatsky đã tạo ra việc ấy, và lúc đó tôi tin rằng ông nói đúng.
Nhưng về sau tôi nhận được hai thư của bà Blavatsky gửi cho tôi, theo đó ta thấy bà biết cách nói chuyện thân mật của người Bengal với nhau. Trong  một thư ghi ‘Allahabad, 15-11, 1882’ và thư khác ghi ‘Madras, 17-11, 1883’, bà Blavatsky, khi nói về một huynh đệ TTH khác, gọi họ là ‘Kanti Babu’ mà không phải là ‘Babu Kanti’.  Vì thế, ai viết bức thư trên chắc chắn không phải là bà Blavatsky. Chuyện không có gì lạ với người Ấn ở các tỉnh phía bắc Ấn gọi người Bengal là ‘Babu này hay kia’ mà không phải là ‘Này hay kia Babu’. Vì người ta nói các Mahatma ngụ ở các tỉnh này, giả dụ rằng tự nhiên là các ngài viết như đã ghi trên thư là chuyện hợp lý.
Khi trở về nhà sau chuyến viếng thăm bà Blavatsky ở trên, tôi thấy có bức điện tín đang nằm chờ ở nhà với tin là nhà tôi đau nặng ở Dacca. Do đó tôi phải rời Darjeeling trên chuyến xe lửa tới; nhưng trước khi ra đi tôi viết cho HPB nói lý do phải ra đi đột ngột của mình, và bà trả lời như sau:
Huynh đệ thân mến,
Tôi tiếc là không được gặp ông nữa. Tôi mong thỉnh thoảng ông cho chúng tôi tin tức về ông. Ông là hội viên của Hội nên không điều xấu thực sự nào có thể xẩy đến cho ông, và tôi mong muốn hết lòng là ngày kia sẽ thấy ông là người Aryan tốt lành và mặc dhoti (y phục Ấn) lần nữa.
Xin gìn giữ sức khỏe. Xin cám ơn ông về những việc đã làm và sự chăm nom của ông.

Thân ái,
H.P. Blavatsky

12D. S. Ramaswamier
Tháng chín - tháng mười, 1882, Darjeeling, Ấn Độ và Sikkim

Do công việc và lo lắng, sức khỏe tôi bị ảnh hưởng. Tôi nộp đơn xin nghỉ bệnh với giấy bệnh và được chấp thuận. Một ngày tháng chín vừa rồi lúc đang đọc sách trong phòng (tại thị trấn Tinnevelly, miền nam Ấn), có tiếng nói của Guru đầy ân phước của tôi là Chân sư Morya ra lệnh cho tôi bỏ hết mọi việc và lập tức đi ngay Bombay; tới đó tôi phải đi tìm bà Blavatsky ở bất cứ đâu, và đi theo bà tới bất cứ chỗ nào.
Đến Bombay tôi thấy là bà đã rời nơi đó. Không biết phải đi đâu là hay nhất, tôi mua vé đi Calcutta nhưng khi tới Allahabad, tôi nghe cũng giọng nói ấy kêu tôi đi Berhampore.
Ngày 23-9 ông Nobin đưa tôi từ Calcutta đi Chandernagore, ở đó tôi gặp bà Blavatsky sẵn sàng lên xe lửa. Khi xe đến bà vào toa xe. Tôi chỉ đủ giờ nhẩy lên toa xe chót.
Ngày đầu tiên khi đến Darjeeling, bà Blavatsky ngụ tại nhà một hội viên người Bengal và không tiếp ai. Năn nỉ cách mấy chúng tôi cũng chỉ có thể được bà trả lời như sau: rằng chúng tôi không có việc gì phải đeo cứng và theo sát bà, rằng bà không muốn có chúng tôi, và bà không có quyền phá rối các Mahatma với đủ mọi câu hỏi.
Tuyệt vọng quá, tôi quyết định là bất kể chuyện gì đi nữa, tôi sẽ băng qua biên giới cách đây khoảng chục dặm để tìm các Mahatma, hay là CHẾT. Không hé môi tiếng nào với ai về ý định của mình, sáng ngày 5-10 tôi lên đường đi tìm các Mahatma. Trưa cùng ngày tôi đến bờ sông Rungit là ranh giới giữa lãnh thổ Anh và Sikkim.
Trọn buổi trưa hôm đó tôi đi bộ, càng lúc càng đi sâu hơn vào lãnh thổ Sikkim dọc theo một con đường mòn hẹp. Trước khi mặt trời lặn tôi đã đi ít nhất hai mươi hay hai mươi lăm dặm đường. Suốt buổi tôi không thấy gì ngoài thung lũng dầy đặc và rừng già bao quanh tôi tứ bề, sau một quãng rất dài mới có chòi đơn chiếc của dân miền núi.
Khi trời nhá nhem tối, tôi bắt đầu tìm chung quanh xem có chỗ tạm trú qua đêm. Sau một giấc ngủ ngon không mộng mị, tôi choàng tình và thấy là trời đã sáng. Không để mất thì giờ, khi trời sáng hẳn tôi tìm lối đi giữa đồi núi và đồng cỏ.
Tôi nghĩ lúc ấy là khoảng giữa tám và chín giờ sáng và tôi đang theo đường tới thành phố Sikkim, ở đó dân chúng gặp trên đường trấn an rằng tôi có thể đi vào Tây Tạng dễ dàng với y phục người đi hành hương mà tôi đang mặc; khi ấy đột nhiên tôi thấy một kỵ mã đơn độc phóng ngựa từ hướng đối diện về phía mình. Do vóc dáng cao lớn của họ và cách điều khiển ngựa khéo léo, tôi nghĩ hẳn đó là sĩ quan trong hoàng gia Sikkim. Tôi nghĩ ‘Thôi, mình bị bắt rồi.’
Nhưng khi tới gần, họ ghìm cương lại. Tôi nhìn và nhận ra ngài tức thì. Tôi đang đứng trước mặt Guru đáng kính của tôi. Ngay phút ấy tôi sấp mình trên đất dưới chân ngài. Tôi đứng dậy theo lệnh ngài, và thong thả nhìn vào gương mặt của ngài, tôi quên hẳn mình hoàn toàn.  Tôi không biết nói gì, nỗi hân hoan và lòng tôn kính khiến lưỡi tôi líu lại. Sau cùng tôi được diện kiến với ‘Vị Mahatma của Himalaya’ và ngài không phải là chuyện thần thoại hoang đường. Đó không phải là giấc mơ ban đêm; lúc đó là giữa chín và mười giờ sáng. Mặt trời chiếu sáng và lặng lẽ chứng kiến sự việc từ trên cao.
Ngài nói chuyện với tôi thật nhân từ và dịu dàng. Chỉ vài phút sau tôi mới thốt được vài lời, nhờ giọng nói và lời nói dịu dàng của ngài khuyến khích. Tôi chưa hề thấy gương mặt nào đẹp đẽ, vóc dáng nào cao lớn và oai nghi dường ấy. Ngài có chòm râu ngắn và tóc đen dài thả xuống ngực. Ngài mặc áo choàng lót lông thú và trên đầu đội mũ dạ mầu vàng kiểu Tây Tạng.
Khi giây phút ban đầu kinh ngạc và hân hoan đã trôi qua và tôi bình tĩnh hiểu được sự việc, tôi có cuộc nói chuyện dài với ngài. Guru bảo tôi không cần đi xa hơn vì sẽ gặp bất lợi. Ngài nói tôi phải kiên nhẫn chờ đợi nếu muốn thành đệ tử thực thụ.
Tôi thấy là Mahatma nói rất ít tiếng Anh - hay ít nhất nó có vẻ như vậy với tôi - và nói với tôi bằng tiếng mẹ đẻ của tôi là Tamil. Tôi hỏi Mahatma đầy ân phước là tôi có thể kể lại những gì đã thấy và nghe cho người khác biết chăng. Ngài trả lời là được. Khi tôi sấp mình chào từ biệt, ngài vui lòng nói đang trên đường tới lãnh thổ Anh để gặp HPB.
Trước khi ngài rời tôi, hai người đàn ông nữa đi tới trên lưng ngựa, tôi đoán là thị giả của ngài, không chừng là Chela vì họ ăn mặc giống ngài, với tóc dài thả xuống sau lưng. Họ cho ngựa chạy thong thả theo Mahatma khi ngài rời đi.
Tôi đứng tại chỗ mà ngài vừa rời nhìn theo mơ màng có hơn một tiếng đồng hồ, và rồi chậm chạp đi ngược trở về. Từ ngày hôm trước tôi không ăn gì và nay lả sức không đi xa hơn được nữa. Trọn người tôi tay chân đau như dần. Được một quãng ngắn tôi thấy có những người cho thuê ngựa chở hàng. Tôi mướn một con ngựa như vậy. Đến buổi chiều tôi tới sông Rungit và băng qua. Tắm trong nước mát của sông làm tôi tỉnh người. Tôi mua một ít trái cây trong chợ duy nhất ở đó và ăn ngấu nghiến. Tôi thuê ngay một con ngựa khác và về tới Darjeeling lúc chiều tối.
Tôi không thể ăn, ngồi hay đứng. Chỗ nào trong người cũng đau. Việc tôi vắng mặt làm bà Blavatsky lo sợ. Bà la rầy tôi về việc tìm cách đi Tây Tạng theo kiểu điên khùng và thiếu suy nghĩ như vậy. Tôi kể lại hết tất cả những gì đã xẩy ra cho mình.

Chương 13 – Adyar và Ootacamund

Hai vị sáng lập mua một khoảnh đất rộng ở miền nam Ấn Độ cạnh sông Adyar, gần Madras vào tháng năm-1882 và đưa trụ sở hội về đây cuối năm. Trung tâm này dần trở thành nơi tỏa ra sinh hoạt trên khắp thế giới. Trong năm 1883 bà Blavatsky và ông Olcott tiếp khách đến Adyar, liên lạc thư tín rất nhiều với người muốn tìm hiểu Theosophy, viết bài cho tạp chí The Theosophist, và từ Adyar đi nhiều nơi trong đất Ấn lập chi bộ.

13a William Q. Judge
Tháng 12, 1882. Adyar, Madras
Trụ sở của hội Theosophy tại Ấn nằm ở một ngoại ô của Madras gọi là Adyar, tên do con sông Adyar chẩy ngang qua khu đất. Tòa nhà gạch sơn trắng nằm trong khuôn viên rộng hơn tám mẫu rưỡi đất (hectare), nhìn từ đằng xa tưởng đó là đá cẩm thạch. Có nhiều cây xoài mọc giữa tòa nhà và đường lớn, cho bóng mát tốt lành, tàng lá tỏa rộng che một khoảng lớn quanh thân cây ...
Phòng của HPB ở trên lầu dẫn vào tủ thờ shrine. Thuở ấy còn xe ngựa khi đến Adyar thì xe theo đường chạy thẳng tới tiền sảnh, ngưng ở bậc thềm. Người ta xuống xe ở đây, lên bậc tam cấp và bước vào tiền sảnh với sàn bằng đá cẩm thạch đen trắng, có hai bàn, trường kỷ, mấy cái ghế. Nhiều đêm Damodar và mấy người khác ngủ trên sàn.
... Con sông chẩy qua đằng sau nhà. Trên lầu là tủ thờ xây de ra ngoài hàng hiên.

13c G. Soobiah Chetty
24.12.1884. Adyar, Madras

HPB và ông Olcott đến Madras ngày 19.12.1882. Vài hôm sau đó, một sáng chủ nhật bà Blavatsky lấy đồ ra khỏi thùng và có mấy người giúp bà. Trong số các món là hai bức chân dung và Narasimhulu cùng với Soobiah chăm chú nhìn hình, nhận ra đó là một đạo sĩ mà hai người đã gặp vài năm về trước. Thấy họ săm soi hai bức hình, HPB tới ngay và không cho họ đụng vào, bảo ấy là chân dung các Chân sư. Hai anh em nói đã thấy người mà có hình là một trong hai bức. HPB bảo không đúng; nhưng hai tuần sau bà được dạy là quả thật hai người có gặp Chân sư M. hồi năm 1874, và họ là hai trong số bốn người đã thấy Ngài khi đó. Bà kêu họ kể lại chuyến viếng thăm ấy.
Họ kể là một buổi sáng sớm có đạo sĩ vào nhà họ mà không gọi trước. Đó là người đàn ông cao lớn đáng chú ý, mặc áo trắng dài và đội khăn trắng, tóc đen thả dài xuống vai, râu đen, đứng ở bên trong cửa. Có ba người trong phòng thì một người ra khỏi phòng và hai người kia, Narasimhulu cùng với Soobiah, đi tới gần người lạ. Ngài làm hiệu mà hai anh em không hiểu tuy nhớ kỹ. Ngài hỏi xin một đồng và khi họ mở hộp tiền thì thấy có đúng một đồng trong đó, hai người lấy đưa cho ngài. Ngài quay đi, ra khỏi nhà với hai anh em theo sau rồi đột nhiên mất dạng, làm hai người vô cùng kinh ngạc. Họ không thấy dấu vết nào của Ngài trên đường phố. Sự biến mất đột ngột và kỳ bí này tạo một ấn tượng mạnh mẽ lên hai người, khiến họ nhớ hoài chi tiết của chuyện.
HPB thêm chi tiết là Ngài trên đường đi tới Rameshvaram, một trong những nơi hành hương có tiếng tại Ấn Độ.

13e Damodar K. Mavalankar
Tháng tư 1883. Adyar, Madras

Đêm qua thật đáng nhớ, Narasimhulu  Chetty và tôi ngồi trên ghế thật gần giường của HPB, quạt cho bà và nói chuyện với nhau để dần dần làm bà ngủ. Đột nhiên bà giật mình và kêu lên.
- Tôi cảm thấy có ngài (Chân sư M.).
Bà dặn kỹ chúng tôi đừng rời khỏi ghế, đừng chộn rộn mà ngồi tại chỗ và giữ thật yên tĩnh, lặng lẽ. Bà đột ngột kêu chúng tôi đưa tay và nắm lấy bàn tay phải của mỗi người chúng tôi. Gần hai phút trôi qua và chúng tôi thấy ngài đi từ cửa lưới phòng ngủ HPB tiến lại gần bà. Cách đi của ngài thật êm nhẹ tới độ ấy không phải là bước chân, không có chút tiếng động nhỏ nào; cũng như cử chỉ ngài không có vẻ bước đi. Chỉ có vị trí thay đổi làm chúng tôi thấy là ngài tiến lại gần hơn rồi gần hơn nữa. Ngài đứng đối diện ngay với HPB, cách chúng tôi chưa tới một cánh tay. Chúng tôi ở bên này giường, ngài ở bên kia.
Bạn biết là tôi gặp Chân sư thường tới độ có thể nhận ra ngài ngay lập tức. Cái áo khoác dài mầu trắng thường lệ, khăn quấn đầu kiểu riêng, tóc đen dài thả xuống vai rộng, và bộ râu đen thật đẹp và đáng chú ý như thường lệ. Ngài đứng gần cánh cửa với hai cánh mở rộng. Qua đó ánh đèn, và qua cửa sổ cũng mở, ánh trăng chiếu sáng lên ngài. Còn chúng tôi ở trong bóng tối, nghĩa là không có ánh sáng chiếu vào mắt; chúng tôi quay lưng với cửa sổ qua đó ánh trăng chiếu vào, nên chúng tôi có thể thấy phân biệt rõ ràng.
Ngài đưa bàn tay ra xoa hai lần trên đầu HPB. Rồi bà giang bàn tay mình xuyên qua tay ngài, việc này chứng tỏ hình mà chúng tôi thấy là mayavi rupa huyễn thể, nó sống động và rõ ràng tới mức cho ta cảm tưởng đó là thể xác vật chất. Bà lập tức nhận lá thư từ tay ngài. Thư nhăn nhúm phát ra tiếng sột soạt. Rồi ngài vẫy tay chào về phía chúng tôi, bước đi vài bước, không có tiếng động và không làm ta cảm biết như trước đó, và biến dạng ! Khi ấy HPB đưa tôi lá thư vì đó là thư cho tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên kinh nghiệm đêm qua, nó thực rõ ràng, sống động và thật biết bao !

 13g T.C. Rajamiengar
1884. Adyar, Madras

Nói về cáo buộc trên tạp chí Christian College Magazine số tháng 9, 1884 đối với bà Blavatsky, rằng các hiện tượng huyền bí xẩy ra tạ Adyar, Madras là giả mạo, dùng cửa sau của tủ thờ shrine ở đó, tôi xin phép thuật lại những quan sát sau.
Tôi mạnh dạn nói lên chúng vì bản thân tôi quen với bà, người bị tờ báo bôi nhọ tư cách, và tôi rất quen thuộc với chỗ ấy, nơi là đề tài cho nhiều hiểu lầm có tính thóa mạ.
Sự kiện liên quan đến việc này theo tôi biết là như sau. Tôi biết có tủ thờ ở Adyar từ tháng hai 1883, nhưng mãi tới tháng chín 1883 tôi mới thực sự có dịp xem xét kỹ cách xây cất của nó, để coi làm sao có thể có sự dối gạt mà cáo buộc dường như phơi bầy ra. Tôi có thể nói rằng mình vào phòng có tủ thờ với tâm trí của người hoàn toàn hoài nghi. Thực vậy, trọn thời gian ấy có thể nói tôi là kẻ không tin, dù thường xuyên gặp hai vị sáng lập hội Theosophy và đọc nhiều bài viết của hai người. Việc làm của họ khiến tôi tự hỏi.
- Mấy người TTH thời nay cần gì mà phải tạo hiện tượng ở một nơi riêng biệt, và ở trong một tủ thờ, trong khi những nhà hiền triết xa xưa của ta làm ở chỗ công khai tất cả những gì ta biết ?
Chẳng bao lâu tôi yên tâm khi được bà Blavatsky mời xem xét tủ thờ, và bằng lòng với việc ấy. Nay tôi sẽ có mô tả ngắn ngủi tủ thờ và vị trí của nó, để người ngoài có thể thấy liệu hội viên hiểu biết trong hội có thể tin điều dối gạt như ông bà Coulomb nay khoe là vạch trần ra hay chăng.
Bà Blavatsky có phòng ngủ trên lầu tòa nhà ở Adyar. Có cửa dẫn từ phòng này sang phòng có tủ thờ; cái sau treo ở trên tường cách sàn chừng 1,2 thước. Tôi mở cửa tủ thờ thấy trong đó có vài hình chụp, một cái cốc bạc và vài món khác; tôi xem xét từng phần của tủ từ bên trong, lấy tay gõ mỗi chỗ và không thấy có gì khả nghi. Vẫn chưa thỏa mãn, tôi xem bên ngoài tủ, đằng trước và hai bên, trên đầu, chúng không có gì đáng ngờ. Tôi sợ làm xáo trộn vật nên không dời tủ đi đâu nhưng để được như ý, tôi xem xét phần sau của bức tường mà tủ gắn vào đó, tức bên trong phần tòa nhà là phòng ngủ của HPB, và thấy không có chút nghi ngờ nào về cách xây cất của tủ thờ.
Sau đó bà Blavatsky có thiện ý hỏi có ai trong chúng tôi, khoảng năm người đang đứng ở đó, muốn gửi thư gì cho Chân sư. Một người trong bọn lập tức lấy ra một bức thư; tôi lấy cái cốc trong tủ và bỏ lá thư vào, đặt cốc với lá thư vào tủ rồi đóng lại như bà muốn. Hai hay ba phút sau đó, bà Blavatsky đứng cách tủ gần hai thước nói bà cảm thấy có trả lời. Khi mở tủ chúng tôi thấy có một thư đề tên người gửi, gồm bốn trang với ít nhất 20 hàng mỗi trang; người thường chỉ chép lại phải mất ít ra nửa tiếng đồng hồ. Ta nên nhớ rằng cần có giờ đọc thư rồi mới chuẩn bị hồi đáp, vậy sẽ mất thêm 15 phút nữa. Thế mà mọi việc diễn ra chỉ hai hay ba phút.
Nay tôi xin nói về cánh cửa gọi là cửa chớp. Tôi thấy cửa chớp này lần đầu tiên vào tháng sáu 1884, vài tháng sau khi hai vị đã đi Âu châu. Cửa nhỏ quá tới độ một bé trai 10 hay 12 tuổi, vóc ốm khó mà chui qua lọt. Người ta chủ ý làm mọi người tin rằng thư trong các hiện tượng được đưa vào tủ qua lối này, nhưng ai đã thấy cửa sẽ tin rằng không thể nào làm được việc đó.
Vì vậy, tôi phải nhân dịp này nói lên điều tôi biết về những điều ấy để Sự Thật đắc thắng; và tôi cảm thấy đặc biệt lúc này việc cần là mỗi người trong chúng ta phải lên tiếng nói về kinh nghiệm TTH và việc làm của mình, để ta cung cấp dù ít thế mấy câu trả lời cho sự công kích của ông bà Coulomb đối với các vị đang ở quá xa, không thể biện minh cho mình.

13h. William T. Brown
Tháng 9-12, 1884. Ấn Độ.
Tôi đi tầu từ Anh sang Ấn Độ, tới hội Theosophy tại Adyar, Madras ngày 29.8 được bà Blavatsky là tác giả, chủ biên, thư ký giao dịch của hội chào mừng. Tôi được cho ngụ trong căn nhà lớn ở cạnh bờ sông rất tuyệt, và chỉ trong một thời gian ngắn cảm thấy thoải mái, tự nhiên.
Nói về HPB, tôi chưa gặp ai cho thấy có học rộng và học nhiều như vậy, hay ai có lòng rộng rãi hơn.
Một buổi tối, không lâu sau khi tôi đến Adyar, các chela đệ tử gửi vài thư đến Chân sư và tôi được phép vào ‘phòng huyền bí’ để xem việc diễn tiến ra sao. Thư được để vào bên trong một tủ trang trí rất hoa mỹ gọi là tủ thờ. Chúng tôi có khoảng bẩy người hiện diện, trong đó bốn người là chela. Mấy người này sau khi đặt thư như đã nói, thắp nhang và sấp mình theo cách người Ấn tỏ lòng tôn kính.
Khoảng hai phút sau, bà Blavatsky đứng cạnh tôi với thái độ chăm chú, bà nhận được dấu hiệu tâm linh và nói rằng đã có câu trả lời. Theo đó người ta mở tủ ra, và thay cho ba thư đã ‘gửi’, có những thư nằm đó trong phong bì Tây Tạng và viết trên giấy Tây Tạng. Damodar, một đệ tử của đức K.H. khám phá vài điều nữa ngoài điều mong đợi và kêu lên.
- Có thư của Chân sư tôi cho ông Brown.
Tôi nhận từ tay họ thư này viết bằng bút chì xanh. Không cần phải nói là tôi cảm thấy được hân hạnh và biết ơn ra sao thấy các Mahatma để ý đến mình, những Vị mà chỉ dạy của các ngài gây ấn tượng rất sâu đậm cho tôi. Tôi đứng dậy, tiến lên trước thành kính nói.
- Thưa Mahatma K.H. con chân thành tạ ơn ngài.
Ngay khi đó những ai có mặt trong phòng bảo.
- Có tiếng chuông, anh nghe thấy không ?
Tôi bảo mình không nghe. Bà Blavatsky tỏ ý tiếc là tôi đã không nhận biết dấu hiệu Chân sư cho biết đã nghe tôi thưa, và nói.
- Ồ, thưa Thầy, xin cho nghe tiếng chuông lần nữa nếu được.
Chúng tôi đứng yên lặng chừng một phút và rồi mọi người, kể luôn cả tôi, nghe rõ ràng tiếng chuông. (tt)

 

 (The Esoteric World of Madame Blavatsky, Daniel Caldwell - còn tiếp)