BỚ ÔNG THẦY TU, DỪNG LẠI!
Bớ Ông Thầy Tu, Dừng Lại
Dẫn Khởi
Chuyện kể ngày kia đức Phật đi ngang qua một khu rừng, trong đó có tên cướp thường chặn đường cướp giật. Tên cướp rình rập và gặp lúc thích hợp, chạy theo rượt bắt ngài. Điều kỳ lạ là dù hắn chạy mau hay chậm, đức Phật cứ thong thả đi như không có gì xẩy ra mà hoài hắn không theo kịp. Bực bội tên cướp kêu to.
– Bớ ông thầy tu, dừng lại.
Đức Phật đáp.
– Ta dừng đã lâu rồi, có ngươi là chưa đứng lại mà thôi.
Nghe vậy, tên cướp tỉnh ngộ, đảnh lễ và xin được theo ngài.
Nếu cơ duyên chưa tới để hiểu tức khắc như tên cướp, ta có thể tự hỏi Phật nói vậy là sao. Ý này xét ra không khác gì lời khuyên về cách sống mà người chí nguyện hay đọc trong sách vở, là ‘trụ ở cõi tinh thần’ hay ‘sống trong vĩnh cửu.’ Làm vậy là như thế nào ?
Để hiểu thì ta cần nói tới việc luân hồi. Lúc chưa hiểu biết và cần học hỏi, vòng luân hồi là điều cần thiết, con người đi vào cõi trần cho một kiếp, rồi đi ra, ngơi nghỉ một khoảng thời gian rồi lại bị cuốn hút vào vòng. Mãi mãi về sau khi bừng tỉnh, ta cố gắng tu tập, phát triển và sau chót thoát chu kỳ sinh tử, không còn chạy mãi trong ba cõi như tên cướp mà nay giác ngộ và dừng lại trong vĩnh cửu. Nhưng từ ý thức tới giác ngộ là đoạn đường dài, thái độ giúp ích trong thời gian này là lời khuyên trên.
Theo quan điểm tinh thần, cõi cao mới là thực tại đúng nghĩa, còn cõi trần là ảo ảnh. Khi ta ‘trụ’ trong ba cõi, tâm thức hướng vào sự vật, sắc tướng nơi đây nhưng chúng không trường cửu, mà một đặc tính của ba cõi thấp là sự biến đổi không ngừng ở các nơi này.
●Nơi cõi trần là ý ‘Thương hải biến vi tang điền, tang điền biến vi thương hải’, biển trở thành ruộng dâu và rồi ruộng dâu có thể thành biển trở lại. Ngay với thân xác ta, ngắn là chu kỳ hồng huyết cầu khoảng 100 ngày, sau đó chết đi và có hồng huyết cầu mới sinh ra, rồi trọn cơ thể sẽ có thay đổi mỗi bẩy năm cho một thân xác mới.
● Cõi tình cảm chịu nhiều thay đổi và mau lẹ hơn nữa, với tình cảm được ví như chất lỏng, trôi chẩy luôn và lấy hình dạng của vật chứa đựng nó, tóm tắt là không thường hằng.
● Cõi hạ trí có tư tưởng bay nhẩy biến hóa luôn như khỉ chộn rộn hay ngựa chạy đó đây không chủ đích, gọi là ‘tâm viên ý mã’.
Tuy vậy, ý ‘trụ ở cõi tinh thần’ cần được hiểu đúng bằng không ta có thể thực hành sai. Đầu tiên ‘trụ’ không có nghĩa là đứng cứng ngắc không lay chuyển. Tính cố định muốn nói về chủ đích hơn là thái độ theo nghĩa đen, đó là chủ trương một lòng một dạ đạt tới mục tiêu là sự giác ngộ, nhìn sự việc theo nghĩa tinh thần, không bám vào hình tướng bên ngoài của vật. Ý rộng hơn nữa là không đồng hóa với hình thể, mà đồng hóa với phần tinh thần nằm trong mọi hình thể, ‘trở thành’ tinh thần. Khi ‘trở thành’ thì ta có tâm thức mới, trụ vào đó cho tới khi ta thành tâm thức ấy và rồi tiến lên một nấc tâm thức cao hơn, hàm ý con đường tiến hóa dài mãi không có điểm cùng.
Hình ảnh sẽ làm ý này dễ hiểu hơn, ấy là cảnh chim penguin sau khi kiếm ăn ngoài biển trở về, loi ngoi từ biển cố gắng nhẩy lên ghềnh đá để vào đất liền. Thường thường chim không thành công lần đầu tiên, chân không bám đủ chắc để đứng vững trên đá mà rớt xuống biển trở lại, phải vài lần như thế phóng lên rớt xuống mới đặt chân lên được mặt đất. Chuyện tham thiền cũng tương tự, ban đầu người thực hành đạt tới làn rung động cao nhưng chỉ có thể giữ ở trạng thái đó một vài giây rồi ‘rớt’ trở xuống làn rung động thấp, như chim penguin từ ghềnh đá lọt biển. Tuy nhiên chim không bỏ cuộc thì con người cũng nên trì chí dù có bị ‘rớt’ xuống nhiều lần.
Thời gian giữ được làn rung động cao sẽ dài hơn khi trì chí hành thiền, và tới một lúc bạn sẽ vui mừng thấy mình ở đó lâu hồi nào không biết, thấy tâm trạng ở mức cao nay là tâm trạng quen thuộc của mình. Nhưng than ôi, chuyện chưa chấm dứt ở đây ! Trên mức đã tới còn những mức cao hơn nữa mà bạn sẽ cảm thấy bị thúc giục đi tiếp, tức là không có ngưng nghỉ trên con đường.
Chuyện thực ra không mới mẻ mà mỗi chúng ta đều đã có tâm thức này ít nhiều, thí dụ khi nhận biết có một Sự Sống chung trong muôn loài là có cái nhìn tinh thần về cuộc sống. Nhận thức thường không kéo dài hay đi sâu, mà con người bị cuốn hút vào sinh hoạt hằng ngày và quên đi. Vậy một cách để ‘trụ’ vào cõi là cố gắng nhìn thấy Sự Sống bên trong mọi vật mà ta tiếp xúc và giữ tâm trạng ấy càng lâu càng tốt.
Tập nhìn thấy ý nghĩa các việc trong đời sống thường ngày là một cách khác để ‘trụ’ vào cõi tinh thần. Con người hay diễn giải sự việc theo mặt tình cảm, họ đi tìm ý nghĩa tình cảm trong mọi chuyện liên hệ tới họ, mà ý nghĩa này lắm khi có hay không có liên can gì tới ý nghĩa thực. Điều này đúng cho cá nhân và cả một nước. Nhìn những mối liên hệ theo cách ấy thường có rất ít giá trị trong thế giới tinh thần rộng lớn, sâu hơn, vì con người chỉ thấy ý nghĩa nào có liên quan tới sinh hoạt ích kỷ và vòng hoạt động giới hạn của riêng họ. Các sự việc tự chúng là hệ quả chót của sự tương tác nhiều lực, nên ta chỉ bắt đầu hiểu ý nghĩa không phải bằng cách diễn giải sự việc, mà bằng cách xem xét các động lực nào thúc đẩy, chúng gặp nhau ra sao để sinh ra chuyện. Giản dị thì điều ta trông thấy là ‘quả’, nó không tự mình sinh ra mà phải có một hay nhiều ‘nhân’ gặp nhau để cho ‘quả’. Nếu chỉ căn cứ vào ‘quả’ mà xét đoán thì không chừng ta bỏ sót vài điều nằm trong ‘nhân’ sinh ra ‘quả’ ấy.
Lại nữa, con người có giải thích về sự kiện dựa trên quan điểm của mình, tức kinh nghiệm, mức hiểu biết và thành kiến của họ. Đây là những giới hạn khác làm cho mỗi nhóm người nhìn cùng một sự việc có nhận định khác nhau, thí dụ ai quá khích tin rằng mình chiến đấu cho tự do, mà quốc gia bị tấn công lại cho họ là khủng bố.
Để bước vào thế giới của ý nghĩa, ta cần hiểu diễn trình tiến hóa, có hiểu biết về MTTL, và không thể để cho mình bị hạ trí chế ngự hay giới hạn trong cách suy nghĩ cụ thể. Bước vào thế giới ý nghĩa là điều cần làm, là cái đích cho mỗi người mà vậy cũng chưa đủ, khi đã có đôi chút hiểu biết, khi bắt đầu nắm được phần nào ý nghĩa cuộc sống thì ta có bổn phận diễn giải nó lại cho người khác, mà không giữ điều khám phá cho riêng mình.
Sống trong Thực Tại
Trụ còn có nghĩa là sống trong thực tại và đây là một lời khuyên khác cho người chí nguyện, bởi khi đã phát triển tinh thần ta nhận ra mình bị dằng co giữa chuyện cõi trần và chuyện tinh thần, cõi trần được xem là ảo ảnh và phần tinh thần dần dần trở thành thực tại cho anh. Dầu vậy, ban đầu chưa có kinh nghiệm, con người bị lẫn lộn giữa nhiều thực tại khác nhau, và không phải thực tại nào cũng là tinh thần đáng cho ta trụ vào. Tuy đã phát triển óc phân biện để nhận ra ảo ảnh và thực tại, ta còn cần phân biệt giữa nhiều thực tại vì lẽ giản dị là thực tại ở trình độ này lại trở thành ảo ảnh cho trình độ cao hơn. Điều cần là biết mình đang ở mức nào, mức phát triển tới là gì để trụ vào loại thực tại đúng cho ta.
Nói rõ hơn, đây là tiến trình của sự sống đi từ việc sống theo bản năng sinh tồn sang tình cảm, trí não rồi giác ngộ khi thoát khỏi ảo ảnh và nhập vào thực tại.
● Nơi người chưa phát triển, cõi trần, chuyện phàm trần là thực tại cho họ, ứng với mức tiến bộ của họ. Các sòng bài hoạt động trên nguyên tắc đó, kích thích óc ham muốn tiền bạc, lòng muốn sở hữu của cải vật chất nơi con người; quảng cáo du lịch thì nhắm vào việc hưởng thụ, thỏa mãn khoái lạc vật chất. Đây là giai đoạn con người đồng hóa với hình thể vật chất, với bề ngoài.
● Nơi người đã phát triển tâm linh phần nào, họ sống nhiều hơn ở cõi tình cảm và chuyện cõi ấy là thực tại của họ. Đa số người hiện giờ ở mức này, do đó quảng cáo dùng tình cảm để chiêu dụ (Oh, what a feeling, Toyota !) hay đường lối nào đưa ra muốn được quần chúng ủng hộ thường nhắm vào mặt tình cảm.
Điều ta cần biết là sống với tình cảm là cách sống dễ dàng nhất cho con người ngày nay, do sức mạnh của cõi tình cảm hiện giờ; từ ham muốn vật chất ở giai đoạn trên, con người nay đồng hóa với dục vọng hay thể tình cảm.
● Cùng lúc ta có sự phát triển trí tuệ của giống dân, cõi tư tưởng có những huyễn tưởng riêng của nó và sự kiện sức khỏe tâm thần dần được coi trọng do bệnh tâm thần đang gia tăng, là dấu hiệu cho biết ngày càng có nhiều người đang sinh hoạt hay ‘trụ’ vào cõi ấy.
● Ở mức cao hơn và là mức cho ta nhắm đến, là sự phát triển tinh thần và điều ta nên trụ vào là thực tại tinh thần này.
Ba Loại Tâm Thức
Nay đi vào chi tiết, không thực tại nào sai mà tất cả đều có chỗ đứng của nó trên đường tiến hóa, mỗi thực tại có bài học của chúng mà ta cần thấu đáo, và sự việc chỉ không đúng khi người ta ở lâu trong một giai đoạn không còn hợp cho mình nữa. Mục đích phát triển vào lúc này cho con người là giữ tâm thức ở cõi trí, có phát triển về trí tuệ, đây là điều ta không nên quên. Khi xử sự với ai khác thiên về tình cảm, ta có thể dùng tình cảm để kêu gọi nhưng cho chính mình thì luôn chủ ý không để bị tình cảm chế ngự.
Nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy đa số cách xử sự hằng ngày của con người là phản ứng đối với sự việc, chạy theo các biến cố đến với mình hơn là thái độ vững vàng, có chủ đích, thẳng đường tới mục tiêu đã vạch. Việc chạy đuổi theo biến cố trong đời muốn nói con người đồng hóa với sắc tướng ở ba cõi thấp, hình tướng lôi cuốn làm ta mụ mị hoàn toàn, thay vì vượt lên cao biết rằng mình là linh hồn và ở bên ngoài, bên trên các thay đổi không ngừng của trần thế, không để bị chúng ảnh hưởng.
● Trong giai đoạn đầu tâm thức chú mục vào sự sinh tồn, tâm được thúc đẩy về việc bảo tồn mình, duy trì nòi giống bằng việc sinh sôi nẩy nở đông đầy, và thỏa mãn các nhu cẩu căn bản nặng phần vật chất. Đây là ý thức của trẻ nhỏ và người bán khai.
● Dần dần, anh đi từ việc xem mình như là hình thể vật chất mà không phải tinh thần, đồng hóa với sắc tướng bên ngoài, tới nhận thức rằng mình là dục vọng vô chừng, bớt coi trọng sự thỏa mãn vật chất mà chậm chạp đáp ứng với tác động của cái trí, và có khả năng phân biệt cùng chọn lựa giữa những ham muốn khác nhau. Các niềm vui thú thanh nhã hơn bắt đầu có sức khêu gợi, dục vọng bớt thô lậu, bớt nét vật chất; ham muốn về mỹ lệ dần xuất hiện cũng như ý niệm mơ hồ về các giá trị mỹ thuật phát sinh,
Bây giờ anh đồng hóa với dục vọng hay thể tình cảm, với những ưa ghét, xấu và tốt và xem mình là một với các tâm tình biến đổi luôn trong lòng, với cảm xúc, mong ước điều vật chất hay khát vọng tâm linh. Anh bị dằng co về nhị nguyên, sự thỏa mãn hay thúc giục về cảm quan (như tình dục, ăn uống) bớt thú tính rõ ràng và nặng phần tình cảm. Sự phát triển khiến anh nhận ra các thay đổi của tâm tình trong lòng và từ đó có ao ước mơ hồ về sự an nhiên, cũng như bắt đầu có thúc đẩy việc đi tìm ‘hạnh phúc’. Tâm thức này tương ứng với giai đoạn thiếu niên, và là trình độ của người thời châu Atlantis, là mức phát triển của đa số nhân loại hiện thời với tâm thức trụ vào thể tình cảm, vào thế giới dục vọng. Phản ứng của họ cũng như thái độ về cuộc sống thường là thuần tình cảm, người ta vẫn còn bị quản trị chính yếu bằng ham muốn ích kỷ và bằng thúc giục của bản năng
● Những ai phát triển hơn đang mau lẹ qua mức này, đồng hóa với một loại sắc tướng khác là trí tuệ. Tư tưởng hóa ra thật tới mức anh bị ảnh hưởng, bị chúng chế ngự. Ban đầu anh chìm đắm vào thế giới hình tướng vật chất, kế tiếp là cõi huyễn tưởng và nay thêm vào đó là thế giới tư tưởng; như vậy là con người phải phấn đấu với ba lớp ảo ảnh mà việc đồng hóa với sắc tướng sinh ra lòng chia rẽ, là điều duy nhất được xem là ‘tội’ theo quan điểm tinh thần.
Vào lúc này, sự thúc đẩy cho ta ‘dừng lại’ là do sự kiện mức phát triển tới của con người là ý thức và hướng về các thực tại vô hình và thế giới tư tưởng, thế giới nguyên nhân phải là trọng tâm chú ý cho ta và là tương lai trước mặt cho ta. Các giá trị đã được nhìn nhận và thế giới hiện tượng hữu hình (tình cảm và vật chất) phải được đặt vào đúng chỗ của chúng, là thứ yếu trong tâm thức của ta.
● Kế tiếp, việc thoát khỏi ảo ảnh còn quan trọng ở điểm là chi khi con người sống như linh hồn, khi tâm thức hướng về điều thật thay vì huyễn tưởng, khi ấy họ mới có thể hữu dụng.
Việc trụ vào cõi tinh thần, vào các giá trị tinh thần biểu lộ qua hai cách:
– Một đời sống có tính thiền định, và
– Làm chủ thể tình cảm
Càng ngày đời sống nội tâm của một ai muốn ‘dừng lại’ phải càng trụ vào cõi trí hay cao hơn. Dần dần con người phải giữ vững trạng thái thiền định không phải chỉ trong vài phút mỗi sáng hay vào những thời khắc ấn định trong ngày, mà thường xuyên, trọn ngày dài, không để rơi xuống. Đó không có nghĩa là thái độ mơ mơ màng màng chẳng tha thiết tới cuộc sống cõi trần và chỉ mơ tới điều xa vời không tưởng, mà nó muốn nói việc hướng không ngừng về sự sống, nhìn sự sống theo quan điểm của linh hồn. Con người không ‘lánh xa cõi đời’, người chí nguyện đối đầu với cuộc sống nhưng ở vị thế của linh hồn, nhìn sự việc cõi trần bằng con mắt tinh thần trong trẻo. Trạng thái thiền này là sự sống mạnh mẽ, mãnh liệt, bao trùm mà không hề có nghĩa là tách rời cuộc sống; nó là sự hòa tan vào cuộc sống và con người trở thành sự sống, hiểu theo nghĩa tinh thần.
Cùng lúc ấy, đời sống bình thường của tình cảm chịu kiểm soát của linh hồn, cái sau dùng trí năng giữ cho tình cảm tĩnh lặng, làm chủ nó. Tình cảm bình thường có tính vị kỷ và cá nhân phải được chuyển biến thành nhận thức về tính đại đồng và vô tư, có nghĩa thể tình cảm trở thành phương tiện qua đó tình thương của linh hồn có thể tuôn rải; ham muốn nhường chỗ cho ước nguyện không phải cho mình mà cho nhóm, ảo ảnh được thay bằng thực tại và mọi chỗ tăm tối của phàm ngã được xem xét, chiếu rọi bằng ánh sáng thuần khiết của trí năng.
Đó là kết quả của việc hướng về cõi trí, và được thực hiện nhờ tham thiền cùng vun trồng thái độ thiền định. Ý này không có gì mới mẻ nhưng có lẽ cần được diễn dịch một chút. Đầu tiên là lời của vị tăng đã giác ngộ, đại khái như sau:
Trước khi ngộ đạo, sãi tôi gánh nước, bửa củi, giã gạo.
Ngộ đạo rồi, sãi tôi tiếp tục gánh nước, giã gạo, bửa củi.
Hiểu theo một cách thì cuộc sống vẫn y vậy, nhưng trước kia con người nhìn nó và thấy thực tại vật chất, nay khi hiểu biết rồi thì nhìn theo cách khác, làm y công chuyện như lúc chưa giác ngộ chỉ có điều nay anh làm với nhận thức sâu xa hơn, thấy thực tại tinh thần.
Ta cũng có thể hỏi là khi tập cho tình thương tuôn tràn đến tất cả thì ai giác ngộ có còn tình cảm riêng tư chăng ? Dựa theo tài liệu và kinh nghiệm riêng thì câu đáp là có, tình thương riêng tư không mất đi và vẫn còn đó, như kinh sách ghi thánh John là đệ tử yêu quí của đức Chúa, và đức Phật có lòng ưu ái với ngài A Nan. Ta có thể thấy điều này khó hiểu, nhưng một đặc tính của tinh thần là những gì đẹp đẽ, tốt lành không hề mất đi mà lại được tăng bội. Câu nói của Yogananda khi ông ra khỏi cuộc thiền:
– Khi ta hòa trọn vẹn vào Thượng đế thì Mukunda vẫn còn là Mukunda.
(Mukunda là tên hồi còn nhỏ của Yogananda trước khi ông thành tu sĩ) cho thấy những gì cá biệt vẫn còn ở cõi thiêng liêng. (Xin đọc lại 1001 Chuyện, PST 76)
Thực Tại Tinh Thần
Những điều này nói chung có nghĩa gì ? Chúng nặng phần hiểu biết, có tính kỹ thuật và làm tăng trách nhiệm cho người đọc, vì hiểu biết đi đôi với trách nhiệm, dầu vậy nếu chúng giúp ta có nhận biết đúng đắn về thực tại thì đó là giá trị của chúng. Đó là mục tiêu nhắm tới là thực tại tinh thần, thực tại này là vấn đề cho người chí nguyện, và là kết quả của nỗ lực thông minh, tinh thần, hữu ý, được thúc đẩy bằng tình thương. Đây là tình thương nhân loại, là đặc tính thiếu sót nơi nhiều người phụng sự.
Thực tại còn có nghĩa là điều đối chọi với sắc tướng. Hình tướng có thể thanh cao, tịnh khiết nhưng dù lôi cuốn thế mấy đó vẫn là ảo ảnh mà không phải là thực tại thiêng liêng, là điều ta nhắm tới. Chuyện có thể hiểu rõ hơn khi ta hiểu hình tướng nhiều phần là huyễn ảnh, khi bị lôi cuốn về nó là còn vướng bận trong ba cõi trong khi điều cần làm là tập cho mình hữu dụng về mặt tinh thần, bằng ảnh hưởng tinh thần của mình. Khi ai ở trong trạng thái thiền định thì trạng thái ấy sẽ ảnh hưởng đến người xung quanh qua hào quang của họ, mà không cần họ phải ngỏ lời. Tức một người chỉ giản dị là họ, là cái tôi tinh thần - mà không cần làm gì khác - là cũng đang phụng sự hữu hiệu, vì làn rung động của hào quang họ hay từ lực tác động lên những hào quang khác tiếp xúc với nó. Hiểu được như vậy thì hình tướng như chức vị, nghi lễ mất đi sức thu hút của chúng.
Việc Yogananda ở trong trạng thái thiền khi tản bộ quanh sân trong chuyện ở trên, cho thấy người ta có thể giữ trạng thái này bất cứ khi nào, ở đâu, ngay cả khi gánh nước, giã gạo, bửa củi. Nói giản dị thì nó chỉ có nghĩa là con người thức tỉnh hoàn toàn, trọn vẹn trong các cõi.
Kết
Con người phát triển đi từ mức này tới mức kia, mỗi mức có tâm thức khác nhau và do vậy nhận thức được những thực tại khác nhau, tức thực tại thay đổi và không có mức cùng. Khi ta biết ‘dừng lại’, trụ trong thực tại, không còn chạy đuổi theo hình tướng, thì việc phụng sự mang ý nghĩa mới. Điều này cần được giải thích.
Nhân loại có vai trò là não bộ của Vị Hành Tinh Thượng Đế, mỗi ai trong đó hành xử như là tế bào não. Giống như ta có thể gây ấn tượng lên não con người khi lặng yên, tế bào não cảm ứng với ý nhận được dẫn tới hành động, nay Hành Tinh Thượng Đế có thể tạo ấn tượng cho nhân loại về Thiên Cơ, sinh ra hệ quả trong cõi trần.
Những đấng Cao Cả trong Thiên đoàn (Hierachy) tượng trưng cho người đã đạt sự an nhiên, tự tại, nhận biết được cơ Trời ấy; người chí nguyện tượng trưng cho các tế bào thần kinh trong não bắt đầu cảm biết nhịp thiêng liêng lớn lao hơn và đang học cách đáp ứng với những rung động cao; khối đông quần chúng thì tựa như hàng triệu tế bào não mà khoa học nói rằng mỗi chúng ta có nhưng chưa được dùng.
Hình ảnh này dẫn tới ý rằng mục đích cho sự hiện hữu của nhân loại, cái mục tiêu cho người phụng sự, và lý tưởng đặt ra cho mỗi người chí nguyện thì y hệt như mục tiêu và lý tưởng đặt ra khi tham thiền. Ta tập trung tư tưởng, định trí trong thinh lặng để nhờ vậy có thể ý thức và tiếp xúc với thực tại, nhận ra chân thiện mỹ để rồi có thể truyền năng lực cần thiết vào hình tướng nơi cõi trần, hầu thực tại nhận biết ở cõi cao được thực hiện ở thế gian. Cũng y vậy:
● Người chí nguyện làm việc này bằng cách đi theo ánh sáng của linh hồn mà, anh tiếp xúc được khi tham thiền.
● Người đệ tử học cách làm vậy cho mục đích của nhóm.
● Các vị đạo đồ hợp tác với mục đích cho địa cầu, hay Thiên Cơ. Các ngài là những tế bào thần kinh linh hoạt, sống động trong não bộ của địa cầu hay trọn khối nhân loại.
Ta thấy rõ là làn rung động kết hợp của các ngài càng mạnh chừng nào, ánh sáng mà các ngài phản chiếu và truyền đi càng trong trẻo ra sao, thì khối tế bào bất động là những ai hiện thời chưa thức tỉnh sẽ thành linh hoạt càng mau lẹ hơn. Ý chính cần nắm giữ là qua nhân loại nơi cõi trần, bản chất của thực tại được tỏ lộ, chân mỹ thiện được biểu hiện, chót hết Thiên Cơ thành tựu và năng lực truyền tới mọi hình thể trong thiên nhiên cho phép thực tại tinh thần bên trong hiện ra.
Diễn trình như vậy là
Nhận biết thực tại – Truyền ra – Thể hiện nó.
Tham khảo:
- Esoteric Psychology, vol. I, II. A. A. Bailey.
- Discipleship in the New Age, vol. I, A. A. Bailey.
- A Treatise on White Magic, A. A. Bailey.